Trong một ngày mưa gió, nếu các bạn cảm thấy chán nản và buồn bã, bạn sẽ chìm đắm vào cơn buồn đó một cách mệt mỏi. Nếu cứ tiếp tục chìm đắm, bạn sẽ thấy tâm hồn bạn “mọc rêu” (cách dùng từ của nhạc sĩ Dương Thụ). Nhưng cuộc đời có đáng chán như ta tưởng? Bạn chỉ chán nản cuộc đời khi bạn không thật sự sống, không thật sự hiện hữu. Bạn sa đà vào những mớ lý thuyết xám ngoắt, những định hướng tương lai khô cứng, những ký ức buồn bã của một thời đã qua nông nổi. Buồn là một cảm giác tích cực, bởi nó khiến chúng ta dễ dàng đồng cảm với nhau, nhưng buồn chán là một cảm giác tiêu cực bởi nó khiến bạn tách khỏi cuộc sống.
Muốn thoát khỏi sự buồn chán, bạn chỉ cần hiện hữu. Cảm nhận thế giới trong từng hơi thở, từng làn gió, từng sợi nắng, từng cái ôm ấm áp… Và thậm chí, nếu bạn cô độc, hãy cảm nhận trọn vẹn linh hồn mình. Nếu bạn còn đủ tinh tế để cảm nhận tất cả những điều đó hàng ngày, bạn sẽ không bị những cơn mưa u ám giết chết linh hồn. Nhưng bởi vì sự vội vã trong cuộc sống đã khiến các bạn quên đi sự cảm nhận ấy, nên các nhà văn đã gửi gắm cái cảm hứng tận hưởng từng khoảnh khắc trong tác phẩm của mình. Hãy đọc chúng và có thể bạn sẽ thấy yêu đời hơn:
“Zorba, con người hoan lạc” của Nikos Kazantzaki là một cuốn tiểu thuyết kỳ thú. Cuốn tiểu thuyết kể về quãng đời điên rồ của người kể chuyện và ông già Zorba cuồng phóng. Zorba luôn làm chúng ta hình dung tới vị thần Dionysus, vị thần của rượu nho và lễ hội. Ông ta luôn hết lòng vì điều mình muốn, thậm chí sẵn sàng chặt một ngón tay để có thể nặn gốm. Và một khi ông ta không còn hứng thú với điều gì, ông ta sẽ bỏ đi. Ông ta nhảy múa ngoài bãi biển trong đêm thanh vắng, ông ta trầm ngâm triết lý bên ngọn lửa lúc bình minh. Ông ta nhìn tận gan ruột lũ tu sĩ khổ hạnh lừa dối và đối với họ bằng một thái độ vừa giễu cợt và thương cảm. Ông khám phá thế giới, tận hưởng thế giới trong từng giây từng phút. Đọc “Zorba, con người hoan lạc”, bạn sẽ tự hỏi rằng: “Mình đang làm cái quái gì với cuộc đời mình thế này? Có đáng để đánh đổi tất cả lạc thú trên trần gian để lấy một tấm bằng, một công việc nhàm chán, một ngôi nhà nhạt nhẽo… chính xác là một cái lồng giam cả thân xác và tư tưởng, hay không?”. Bạn trả lời thế nào là tùy ở bạn, còn Zorba sẽ khẳng định là không, bởi ông là đại diện cho tinh thần Hoan lạc của cái thuở Dionysus còn ngự trị trên thế gian này.
Link mua sách: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/alexis-zorba-con-nguoi-hoan-lac/
“Nhà giả kim” của Paulo Coelho không ca ngợi những chuỗi ngày hoan ca mà kể về một hành trình đơn độc của chàng chăn cừu Santiago. “Nhà giả kim” là cuốn sách bán chạy nhất thế giới sau “Kinh Thánh” nhưng không bao giờ được giới hàn lâm thừa nhận dù những ẩn ngữ của cuốn sách rất mang tính hàn lâm. Có thể các “nhà hàn lâm” đã quên mất cách phải cảm nhận như thế nào, tâm hồn của họ có lẽ đã “mọc rêu” cùng với những quyển sách quằn quại, đau khổ hay những cách tân nghệ thuật màu mè vô nghĩa. Santiago là một người đi theo giấc mơ của mình để tìm kho báu ở Ai Cập. Cậu vượt qua sa mạc để tới Ai Cập, nhưng rồi hóa ra kho báu của cậu lại nằm ngay ở nơi cậu xuất phát. Trong hành trình của cậu, cậu được chỉ dẫn bởi nhà giả kim, một nhà thông thái lang thang, chỉ dẫn cho cậu về những dấu hiệu và điều huyền bí của vũ trụ. Những ai thích các cốt truyện phức tạp sẽ không hiểu “Nhà giả kim”, bởi không thể đọc tiểu thuyết này theo cái cách hồi hộp hay dằn vặt của thứ tiểu thuyết thị trường ba xu được. “Nhà giả kim” cũng như “Hoàng tử bé”, ẩn chứa nhiều ẩn ngữ. Khi đọc từng chi tiết, bạn chỉ cần cảm nhận văn phong và chiêm nghiệm về ẩn ngữ phía sau là đủ.
Link mua sách: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/nha-gia-kim/
“Cánh buồm đỏ thắm” của Alexandr Grin sẽ khiến những ai thích đọc tiểu thuyết lãng mạn cảm thấy bị thuyết phục. Ngày nay quá nhiều bạn trẻ mải mê đọc các tiểu thuyết ngôn tình câu nước mắt, mà đã quên mất sự lãng mạn và ước mơ lãng mạn của tình yêu như thế nào. “Cánh buồm đỏ thắm” có thể gợi nhắc cho bạn sự lãng mạn ấy. Khi đọc nó, bạn có thể cười nhạo cái giấc mơ tình yêu về chàng hoàng tử với con thuyền có cánh buồm đỏ thắm, bạn sẽ tưởng tượng rằng cô ta sẽ mãi đắm chìm trong vô vọng và thích thú rằng mình là kẻ lõi đời. Nhưng một người yêu cô gái thật sự đã tự hóa thân mình thành chàng hoàng tử với cánh buồm đỏ thắm. Tình yêu thật sự với một người con gái không phải là mang cho họ tiền tài, danh vọng, mà khiến họ tin vào giấc mơ tình yêu. Và chừng nào còn hi vọng, còn giấc mơ tình yêu ấy, thế giới còn có sự lãng mạn và cái đẹp. Đừng tin những kẻ lọc lõi cời nhạo giấc mơ, bởi giấc mơ sẽ thành hiện thực khi có người thực hiện chúng.
Link mua sách: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/canh-buom-tham/
Tôi đọc “Con nhân mã trong vườn” của Moacyr Scliar ngay sau khi phát chán với “Cuộc đời của Pi” và thứ đức tin mang tính lý thuyết. “Cuộc đời của Pi” nhận đủ thứ giải thưởng và lời tán dương, nhưng ít ai để ý rằng tác phẩm thật sự ảnh hưởng tới tác giả “Cuộc đời của Pi” chính là “Con nhân mã trong vườn”. Không phải câu chuyện về sự vật lộn trên thuyền cùng với đức tin như “Cuộc đời của Pi”, “Con nhân mã trong vườn” tạo cho chúng ta những cảm xúc phóng túng phó mặc thứ đức tin xa vời. Nhân vật chính sinh ra đã là một con nhân mã giữa loài người. Nhân mã bị giằng xẽ giữa thèm muốn đôi chân người hay tung vó ngựa giữa thảo nguyên mênh mông. Và nhân mã vì quá cô độc, sợ hãi, đã tìm kiếm cho mình đôi chân người, nhưng những giấc mơ về những con ngựa có cánh, tiếng vó ngựa và ký ức nơi đồng hoang vẫn ám ảnh kẻ đã từng là nhân mã ấy. Người ta bảo anh ta bị điên, rằng anh ta chưa từng là nhân mã, nhưng hơn ai hết một con nhân mã luôn nhớ mình là nhân mã. Câu chuyện giàu tính tượng trưng, và dù người ta gọi nó là hiện thực huyền ảo thì nó vẫn là một tiểu thuyết tượng trưng với rất nhiều biểu tượng gợi nhắc ta về giấc mơ tự do được là chính mình, tự do được phiêu du trong cuộc sống, tự do được hiện hữu.
Cáo Hà Thành