Home Đọc “Con nhân mã trong vườn” và những giấc mơ phóng túng

“Con nhân mã trong vườn” và những giấc mơ phóng túng

“Tôi rất hay sực tỉnh giữa đêm, tưởng như vừa nghe thấy một tiếng động gì quái lạ (có phải tiếng xao xác của những chiếc lông trên cặp cánh của con ngựa bay?) nhưng đó chỉ là tưởng tượng mà thôi… Ngủ cạnh nhau bao nhiêu lâu như thế đã làm cho những giấc mơ của chúng tôi hòa trộn vào nhau. Con ngựa mà vừa một lúc trước đó tôi đã thấy đang im lặng bay giữa những đám mây giờ đây đã đang phi nước đại trên những cánh đồng cỏ trong giấc mơ của nàng.” – (“Con nhân mã trong vườn” – Moarcy Sciliar)
1182136
Lời kêu gọi của tự do trong những giấc mơ
Chúng ta ai cũng có những giấc mơ phóng túng như vậy thấp thoáng trong đêm, được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Ở Guedali, nhân vật chính của “Con nhân mã trong vườn” là hình ảnh một con ngựa có cánh trong huyền thoại. Loài ngựa biểu tượng cho sự manh mẽ và bản năng, cánh chim biểu tượng cho tự do. Thật sự là nỗi khát khao được giải thoát… Với những con người đói khát tự do càng nhiều thì nỗi ám ảnh của giấc mơ ấy lại càng lớn và khiến chúng ta mắc kẹt giữa hố sâu bi kịch.
Guedali được sinh ra trong một gia đình Do Thái sống ở vùng nông trại Châu Mỹ với một lý lịch tuyệt hảo của bố mẹ và anh chị. Nhưng số phận trớ trêu lại để anh chàng mang thân hình nửa người nửa người – hình ảnh của con Nhân Mã.
Con Nhân Mã thì không có cánh, nó vẫn chưa thể thoát khỏi vòng ràng buộc của giằng xé lựa chọn: phần người hay phần ngựa, phần của lý trí hay bản năng vô thức. Đó là tâm trạng của con người trong suốt tiến trình lịch sử. Chúng ta sinh ra là một đứa trẻ hồn nhiên và giữ những phẩm chất nguyên thủy, nhưng khi lớn lên, phần người dần dần thắng thế và tự chúng ta trói mình bằng những cái nhìn của xã hội.
Nhân Mã vốn là một hình ảnh đẹp, sự kết hợp của chiến binh và nhà thông thái, nhưng nhân mã Guadeli không ý thức được vẻ đẹp của nó mà chỉ lo lắng tìm mọi cách giống những con người tầm thường xung quanh. Guadeli đã phải dày vò mình trong nỗi cô đơn, đã phải lừa dối một gánh xiếc với những lời nói kỳ cục để được thừa nhận, đã phải cất công sang tận Châu Phi để phẫu thuật cắt bỏ bộ móng ngựa để thay vào đôi chân người… Đó chỉ là phần đầu của màn bi kịch này, đến nửa sau quyển sách bi kịch đã biến thành hài kịch khi anh ta lại luyến tiếc phần ngựa của mình.
Tính dục của loài ngựa đang chi phối
Trong “Con nhân mã trong vườn”, dấu ấn của sự đói khát dục rất rõ. Ngựa là một trong những loài động vật có bản năng dục mạnh nhất. Phần “ngựa” ở Guadeli thể hiện một cách mãnh liệt nỗi ám ảnh dục của người hiện đại. Chúng ta cố chối bỏ phần ngựa ấy để trở nên một con người hoàn hảo, nhưng thực tế phần “ngựa” ấy chi phối chúng ta rất mạnh. Cái đầu thông minh hiểu biết của Guadeli không kìm giữ được bộ phận sinh dục “ngựa” của anh ta. Nó đã dẫn dắt anh ta đến với bà dạy sư tử, đến với Nhân Mã cái Tita và kể cả khi nó bị cắt bỏ nó vẫn vô hình gắn anh ta với con Nhân Sư cái.
Chỉ có với Tita, đồng loại của mình, Guedali mới có sự kết hợp hài hòa giữa ham muốn và tình yêu. Nhưng tình yêu đó không bền khi phần bản năng quá mạnh.Những tưởng sống trong thân thể người là có thể hạnh phúc, nhưng cái phần ngựa của Tita vẫn có xu hướng tìm đến một con Nhân Mã nam trẻ tuổi khác.
Mối quan hệ tay ba của Guedali – Nhân Sư cái và ông bác sĩ điên thật sự là một trường đoạn dữ dội gây cho ta những cảm giác đau đớn của cả thân xác đến tâm hồn. Ông bác sĩ điên yêu say đắm con Nhân Sư cái quyến rũ trong khi Nhân Sư cái thì say mê cái phần bản năng được bị từ chối của Guedali. Con Nhân Sư đầy thú tính của loài vật chúa tể có trong mình sự chiếm hữu và nó không thể chiếm hữu nổi Guedali. Một bên dùng bản năng dục để trói buộc, một bên dùng cái đầu lý trí để chống lại… Dù không trói buộc được Guedali nhưng Nhân Sư đã thắng, vì nó đã kích thích trở lại cái phần “ngựa” của anh ta.
Khi về với xã hội loài người, những ký ức phóng túng của Nhân Mã – Nhân Sư bỗng trở thành những ký ức điên và người ta bảo Guedali rằng nó chỉ có trong trí tưởng tượng, trong giấc mơ. Có điều, giấc mơ ấy còn thật và rõ nét hơn cả những gì anh nhớ về cuộc sống con người. Tita – vợ anh đã chối bỏ, đã thực sự cắt đứt hoàn toàn phần ngựa và không nhận rằng mình là một Nhân Mã. Còn Guadeli bị rơi vào cơn hỗn loạn không biết đâu là thật đâu là giả, không biết mình đã từng là Nhân Mã hay mình tưởng mình là Nhân Mã. Chỉ có một thực tế không chối cãi được là những đôi cánh của con ngựa kỳ diệu vẫn vỗ không ngừng trong tâm trí của anh.
Con người hiện đại chúng ta bị rơi vào tình cảnh chẳng khá hơn gì Guadeli, mà chỉ là chúng ta từ chối rơi và khủng hoảng như anh ta để yên lòng với hiện tại tù ngục. Kìm hãm dục, chối bỏ dục nhưng quái gở ở chỗ chỉ khi chúng ta thoát khỏi sự ám ảnh của nó (không phải trốn tránh) thì chúng ta mới có được tự do.
Và thế là chúng ta chẳng khác nào một kẻ lang thang giữa cõi đời, đi tìm kiếm tự do đã mất “như con ngựa có cánh sắp cất vó bay lên về phía những ngọn núi hoan lạc vĩnh hằng, về phía bộ ngực của Abraham. Như con ngựa với những bộ móng đang nhảy múa, sẵn sang phi nước đại qua thảo nguyên. Như con nhân mã ở trong vườn, sẵn sang nhảy qua tường rào để tìm kiếm tự do”.
Hà Thủy Nguyên