Home Chuyên đề tháng Isak Dinesen – Người đàn bà mỉm cười trong tòa tự sự Gothic

Isak Dinesen – Người đàn bà mỉm cười trong tòa tự sự Gothic

Trong sảnh đường, một người đàn bà cao gầy thả bước, ngẩng đầu ngắm nhìn những mái vòm uốn lượn điêu khắc tinh xảo kỳ quái. Ánh nắng xuyên qua họa tiết kính màu, thả một thực tại biến ảo lung linh trên nền tối tăm cổ kính. Người đàn bà rơi vào thực tại biến ảo ấy, dòng thời gian theo nắng trôi đi, sống dậy dải ký ức mơ hồ được kết lại thoắt ẩn thoắt hiện tựa bóng nắng hắt trên sàn đá. Bảy câu chuyện với bảy vòng lặp như những bóng ma ký ức ám ảnh, và trong góc tối, người đàn bà nhận ra bản chất của toàn bộ thực tại này, mỉm cười bí hiểm, người đàn bà ấy chính là Isak Dinesen.

Isak Dinesen (1885 – 1962), nữ nhà văn tài danh người Đan Mạch đã chinh phục thể giới với giọng kể tựa hồ những nét khắc họa tinh xảo làm sống dậy mọi thực tại bà chạm tới. Được biết đến nhiều nhất với tác phẩm “Out of Africa” (Bản tiếng Việt: “Châu Phi Nghìn Trùng” do Hà Thế Giang dịch, NXB Phụ Nữ Việt Nam), nhưng tác phẩm đầu tiên giúp bà chinh phục văn đàn chính là “Bảy chuyện kể Gothic”. Nếu “Châu Phi nghìn trùng” là ký ức của Isak Dinesen tại xứ sở Châu Phi hoang dã và huyền bí, thì “Bảy chuyện kể Gothic” là sự tái hiện nỗi ám ảnh của bà với bầu không khí cổ kính tại Châu Âu: nỗi ám ảnh về sự cũ kỹ tăm tối lăn dần về phía vô vọng. Isak Dinesen ký thác toàn bộ tâm tư của mình bằng phong cách văn chương Gothic phổ biến trong thế kỷ 18 và 19 tại Âu Mỹ, nhưng không phải vì bà muốn sáng tác một tác phẩm Gothic, mà bởi bầu không khí Gothic là thực tại hoàn hảo cho các ý tưởng của bà. 

Văn chương Gothic hay còn được biết đến với khái niệm tương đương là Lãng mạn U ám (Dark Romanticism) đã triệu hồi những thực tại ám ảnh, u sầu, tuyệt vọng, sợ hãi…mọi cảm giác tối tăm sâu thẳm nơi khuất khúc của linh hồn. Đó là thế giới của hồn ma, quỷ dữ, quái vật, chết chóc, cái ác, man dã… Nơi đó, ta có thể gặp Charlotte Bronte, Edgar Allan Poe, Baudelaire, Bram Stoker, Mary Shelley… Và nơi đó, Isak Dinesen bước vào với một nụ cười, không phải để gợi lên rùng rợn hay tuyệt vọng, mà để hạ màn các cảnh diễn của ký ức. Ký ức mà tôi muốn nói ở đây không phải là ký ức của Isak Dinesen, mà là thứ ký ức mang tính nguyên mẫu của Châu Âu. Isak Dinesen viết truyện Gothic nhưng cũng là để giải Gothic. 

Giải Gothic #1: Giọng văn tưng tửng

Văn chương Gothic hay văn chương Lãng mạn u ám thường có cái muộn sầu, rùng rợn, tuyệt vọng điển hình và dẫn dắt độc giả vào tâm trạng tăm tối. Isak Dinesen kể những câu truyện của mình bằng một giọng tưng tửng, sắc lạnh, ngay cả khi khắc họa những gì chết chóc. Khi viết về một người đàn bà già nua với cái chết đang xâm chiếm dần, Isak Dinesen đã miêu tả với chất giọng lạnh của một người chứng kiến kỹ lưỡng không bỏ sót mọi sắc thái, nhưng tuyệt nhiên không bày tỏ sự thương cảm nào. Ngay cả sự thương cảm cũng trở thành một đối tượng để quan sát trong khung cảnh ấy:

“Gã đánh xe giờ mới xộc đến, đất cát phủ khắp người, trong khi tên phụ lái còn nằm bất tỉnh nhân sự ngay giữa đường. Mọi người trong osteria cũng đã xuất hiện với những cánh tay giơ lên và những lời hô hoán thương cảm. Một trong số bọn họ dắt một con ngựa quay lại, còn xa xa đằng kia người ta trông thấy hai người nông dân đang gắng giữ chặt con còn lại. Một vài người đỡ quý bà ra khỏi cỗ xe đổ nát và dìu vào buồng nghỉ sang trọng nhất trong tửu quán, bên trong đặt một chiếc giường lớn phủ rèm buông màu đỏ. Bà vẫn còn trắng bệch như xác chết, hơi thở khó nhọc. Phần trên cổ tay phải dường như đã gãy, mà bà còn gặp phải chấn thương nào khác không thì người ta chưa thể nói được.” (Trang 29, trích truyện ngắn” Những con đường vòng quanh Pisa”). 

Với giọng kể ấy, mọi cảnh tượng mà con người ở trong đó đều diễn ra như một vở rối, vâng, không phải là vở kịch, mà là một vở rối. Trong đó, mỗi thao tác hành động của nhân vật đều được đặc tả chậm rãi, cầu kỳ. Và mỗi tình tiết được xây dựng như một màn cảnh ngắn rời rạc, câu chuyện này nối tiếp câu chuyện kia, số phận này liền theo số phận khác. Ngay cả người xem rối cũng chỉ là những con rối bị giật dây. Và trong vở diễn ấy, thấp thoáng lời mụ phù thủy phát biểu như một con người hoặc cũng có thể như một con rối của số phận:

“Đến hồi kết mụ phù thủy lại xuất hiện, và khi được hỏi thế sự thật đích thị là thế nào, mụ đáp: “Sự thật, các con ơi, đó là chúng ta, toàn thể chúng ta, đều đương diễn trong một vở kịch múa rối. Chẳng còn điều gì quan trọng hơn trong vở kịch múa rối ngoài việc tuân thủ trọn vẹn ý đồ của tác giả. Đó là hạnh phúc đích thực của cuộc đời, và lúc này đây ta rốt cuộc cũng tham gia vào một vở múa rối, ta sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nó nữa. Mà các ngươi, những người bạn diễn của ta, phải đảm nhiệm cho tròn vai theo ý đồ của tác giả. Đúng vậy, hãy đẩy những ý tưởng đó tới những hệ quả tận cùng.” Lời thoại này khiến chàng đột nhiên thấu tỏ nhiều điều về sự thật. Đúng rồi, chàng nghĩ, nếu đời ta chỉ là vở kịch múa rối, còn ta sắm một vai trong đó và hiểu rõ về nó, chắc có lẽ sẽ thấy cuộc đời vô cùng dễ dàng và ngọt ngào. Con người ở đất nước này dường như, bằng cách nào đó, đều hành động đúng theo lý tưởng này. Bọn họ như thể miễn nhiễm với nỗi khiếp sợ, tội ác và phép màu của cuộc đời này, cuộc đời mà bọn họ tham gia như những diễn viên nhỏ bé trên sân khấu của người diễn viên gạo cội.” (Trang 73, trích truyện ngắn” Những con đường vòng quanh Pisa”)

Các nhân vật trong các truyện ngắn Gothic của Isak Dinesen không có tình trạng nổi loạn nhân cách điển hình trong văn học lãng mạn, tức cá tính và dòng cảm xúc của nhân vật vượt ra khỏi chủ ý của tác giả để hành động theo ý mình. Isak Dinesen hoàn toàn làm chủ mọi phản ứng và cử động của nhân vật trong một trật tự hành động chậm rãi xen lẫn dòng suy nghĩ cuồn cuộn tựa lời thoại trong vở kịch cổ điển:

“Từ bệ cửa gian gác chứa cỏ khô, những kẻ trơ trọi ở lại dõi theo con thuyền đang rút lui vô cùng chậm chạp, bởi gánh nặng nó phải chở, băng qua khoảng mênh mông nhấp nhô. Những cành dương cao vút gần tòa nhà bập bềnh trên mặt nước và bị trôi dạt theo con thuyền. Bầu trời u ám, cả ngày hôm đó như thể chiếc nắp vung xám xịt bao trùm lấy thế gian, bỗng ửng hồng ở phía đằng tây xa thẳm, như thể nơi đó chiếc nắp he hé nhấc lên, để sắc đỏ rực lên phản chiếu xuống mặt biển bên dưới. Mọi gương mặt trên con thuyền đều hướng về gian gác, và mãi đến khi gần như chẳng thể trông thấy người ở lại, họ giơ tay vẫy chào tạm biệt. Vị Hồng y, đứng trên bệ cửa gian gác, nghiêm trang giơ cánh tay về phía bọn họ để chúc phúc. Cô Malin vẫy chiếc khăn tay nhỏ xinh. Ngay lập tức con thuyền, mờ dần 

khỏi tầm mắt họ, đã hòa làm một với biển khơi và bầu trời. Như thể bốn con rối bị kéo giật bởi cùng một sợi dây, bốn con người quay mặt nhìn nhau. “Làm sao ông ta phải nhảy cùng nhỉ?” cô gái tự hỏi khi, trong màn múa rối ấy, chiếc mũ Chapeau hiện diện trước mặt cô. Có khi cô còn thêm vào: “Làm sao ông ấy lại là kẻ si tình, một Épouseur, Ý Trung nhân của đời mình được?”” (Trang 296, trích truyện ngắn “Trận lụt ở Norderney”)

Văn chương Gothic vốn thuộc trường phái lãng mạn, nhưng bút pháp của Isak Dinesen lại mang sắc màu tả thực với các câu đơn hoặc các câu ngắn, không tô điểm bằng ngôn từ hoa mỹ hay các nhịp văn giàu tính thơ. Giọng viết của bà rất giản đơn, gãy gọn, sắc lạnh – điển hình của chủ nghĩa hiện thực. Độc giả có thể cảm nhận rõ giọng văn này trong bản gốc tiếng Anh, một khí chất mà ngôn ngữ Việt của chúng ta khó có thể biểu hiện được. Tuy nhiên, tính chất giàu hình ảnh và gợi tả của tiếng Việt lại làm nổi trội sắc thái của chủ nghĩa ấn tượng trong bút pháp miêu tả đã tạo nên thực tại Gothic sống động, tinh xảo, biến chuyển đa sắc trong các truyện ngắn của bà – ta có thể thấy thành công này ở bản dịch tiếng Việt mới nhất.

Giải Gothic #2: Phân rã các mẫu hình Gothic

Văn chương Gothic được định hình bằng một loạt các nguyên mẫu, không chỉ ở nhân vật mà còn ở toàn bộ thực tại không gian mà câu chuyện diễn ra. Các nhà phê bình ấn định tên gọi “văn chương Gothic” sở dĩ bởi các nhân vật và toàn bộ câu chuyện của các tác giả diễn ra trong tàn tích của những lâu đài Gothic xưa cũ, cùng với những điều bí ẩn không thể lý giải, trong chuỗi tâm trạng vừa rùng rợn vừa tuyệt vọng. “Bảy chuyện kể Gothic” đã mở rộng trường không gian ra khỏi thế giới điêu tàn thường thấy trong các tác phẩm văn chương Gothic. 

Những câu truyện của Isak Dinesen không bị bó buộc trong các tàn tích hay các tòa nhà cổ. Chúng chuyển dịch liên tục các bối cảnh, tựa như không phải con người chuyển dịch mà bối cảnh đã dịch chuyển và cuốn theo các mảnh đời trong đó. Ví dụ, trong “Những con đường vòng quanh Pisa”, không gian đã chuyển liên tiếp từ phòng gương trong tòa Panoptikon ở Copenhagen với những chuỗi truy vấn đề bản thể của con người, tới sân khấu opera với những cảnh phồn hoa quý tộc, đến con đường nơi vụ tai nạn diễn ra, và đột ngột chuyển tới tửu quán ở Pisa dần dần sang tòa osteria, màn diễn rối dây ở tửu quán, con đường đấu súng, và khép lại trong căn biệt thự của bà bá tước. Các không gian lúc đồng hiện, lúc tuyến tính, mà ở trong đó ký ức lồng ghép với hiện thực, chiêm nghiệm số mệnh lồng ghép với cảnh đời, sự hoài nghi thực tại hòa lẫn với những xúc cảm trần tục. 

“Những con đường vòng quanh Pisa” là truyện ngắn quan trọng nhất của toàn bộ tập truyện, điển hình cho thủ pháp, tư tưởng, nguyên mẫu nhân vật và văn phong của Isak Dinesen. Câu chuyện hoàn toàn không chứa đựng các yếu tố rùng rợn hay bi quan, không có các nhân vật điên loạn và tuyệt vọng, mà chỉ có những nhân vật trốn chạy chính mình tới mức vong bản để rồi đi tìm bản thân giữa trùng trùng hình chiếu nhân cách. Isak Dinesen đã đưa văn chương Gothic thoát khỏi lối mòn quẩn quanh chật hẹp của Gothic để tiến vào cuộc đào sâu triết học về bản thể và của những cân nhắc luân lý. Bởi thế, các nguyên mẫu thường thấy trong văn chương Gothic như hồn ma, phù thủy, kẻ điên… chỉ là những mảnh khúc xạ của nhân cách hay sự phóng chiếu các chỉ dấu thời đại vào tuyến truyện. Ví dụ, trong truyện “Lão hiệp sĩ”, những người đàn bà hấp dẫn đầy mê hoặc không xuất hiện với vai trò là những phù thủy quyến rũ và hút máu như huyền thoại bá tước đẫm máu, mà khả năng “bỏ bùa” và thao túng đàn ông như một phần tất yếu của chính họ:

“Trong câu chuyện về ả phù thủy đòi giải phóng của mình, vai trò ta được ban cho chẳng có gì đáng tán tụng. Nhưng ta vẫn tin rằng ả cực kỳ say mê ta, có lẽ giống như mối say mê của bé gái dành cho con búp bê nó yêu thích. Xét theo chừng mực nào đó, ta mới thực sự là nhân vật trung tâm trong tấn bi kịch này. Nếu ả là Othello, ta sẽ phải đóng vai Desdemona, chứ không phải người chồng, rồi ta còn hình dung được cả tiếng thở dài của ả về chuyện bất hạnh này – “Ôi chao, đáng thương thay, đáng thương thay, hỡi Iago” – thậm chí còn muốn trao cho ta một nụ hôn và thêm một nụ hôn nữa trước khi tất cả hạ màn. Chỉ có điều, ả không muốn giết ta vì cảm giác tìm công lý hay phục thù. Ả mong mỏi tàn phá ta chỉ vì không muốn để mất ta và chứng kiến món đồ mình vô cùng yêu quý thuộc về địch thủ, theo phong cách của một viên tướng quả quyết, người sẽ đập tan tòa pháo đài mà ông ta chẳng thể giữ được nữa hơn là chứng kiến nó lọt vào tay kẻ địch.” (Trang 133, trích truyện ngắn “Lão hiệp sĩ”)

Giải Gothic #3: Những đàn bà không muộn sầu

Trong thế giới Gothic, những người đàn bà luôn là nỗi ám ảnh. Họ nhuốm một vẻ muộn sầu ngây thơ của cái chết khi còn trẻ. Họ là những bóng trắng mờ thinh nhẹ khao khát níu bám đến khổ đau, với những ước ao hạnh phúc bị tan vỡ bởi sự cợt cười của định mệnh, và rồi vất vưởng ám những tàn tích của ký ức không gian. Isak Dinesen bước vào tòa tự sự Gothic với tâm thế hoàn toàn khác. Bà không bị những bóng ma thiếu nữ ám ảnh, ngược lại, những người đàn bà trong “Bảy chuyện kể Gothic” đầy quyến rũ, hừng hực dục tính, mãnh liệt ham muốn, và chẳng ngại ngần dẫm đạp lên các khuôn mẫu phụ nữ một cách hiển nhiên không vướng bận: 

“Chẳng hề trông thấy người lạ, chẳng nói chẳng rằng, từng người con gái cởi lớp y phục mỏng manh xuống dưới sàn, hoàn toàn  lõa lồ tiến tới trước gương và ngắm nhìn mình trong đó, ngọn nến giơ cao trên đầu, mải miết với bóng hình trong gương. Rồi bọn họ thổi tắt nến, trong sự im lặng nghiêm trang hệt như lúc vào, bọn họ bước lùi lại ra cửa, mái tóc 

dài buông xõa, lại mặc váy vào rồi biến mất. Những con chim sơn ca vẫn hót ngoài kia, trong bụi rậm gần cửa sổ. Hai chàng trai nhớ ra rằng đó là Đêm Thánh Walpurga, và nhất quyết cho rằng những gì mình vừa chứng kiến là phép yêu ma nào đó của các cô gái với hy vọng bắt được hình bóng tấm chồng tương lai. (Trang 196, trích truyện ngắn “Con khỉ”)

Những người đàn bà trong thế giới Gothic của Isak Dinesen không phải nhân vật chính, cũng không phải người kể chuyện, nhưng là chủ thể nguyên vẹn của toàn bộ diễn biến. Những người đàn ông cùng với dòng suy nghĩ và tự vấn nhân cách của họ xoay quanh sự khiêu gợi và hứng tình của những người đàn bà. Có lẽ, nếu một ngày Đinh Hùng lạc vào thế giới của Isak Dinesen, ông sẽ xóa câu thơ “Lạc thiên nhiên đến cả bọn đàn bà” khỏi “Bài ca man rợ” của mình. Isak Dinesen đã thực hiện một nghịch đảo nữ quyền, thay vì bàn về sự méo mó trong nhân cách của định chế nam quyền ảnh hưởng tới tính nguyên vẹn bản thể của nữ giới, bà đã cho thấy khi đàn ông chạm đến phần đàn bà nhất của mỗi người đàn bà, thực tại tâm trí của họ bị rung chuyển và nhân cách nhất quán của họ bỗng thành kính vạn hoa lập thể:

“Hai người bọn ta đã tham gia vào vở diễn. Một màn giễu nhại hiếm có được dành cho ta và ta đã chấp nhận nó; giờ thì việc giữ vững tinh thần của cuộc chơi tới khi kết thúc tùy thuộc vào ta. Đòi hỏi của bản thân nàng rõ ràng là hợp với tinh thần đêm nay. Bởi tòa cung điện gã xây dựng nên, bởi toàn bộ bốn trăm tên nô lệ da trắng và bốn trăm tên nô lệ da đen  đương khiêng vác đống ngọc ngà châu báu, quỷ dijin yêu cầu một ngọn đèn đồng cổ 

xưa; và mụ phù thủy trong rừng, kẻ di rời ba thị trấn đi chỗ khác và ban cho người con gã tiều phu một đạo kỵ binh, thì đòi về cho mụ trái tim loài thỏ. Cô gái đã đòi ta phải trả công bằng giọng nói và điệu bộ của dijin và mụ phù thủy trong khu rừng ấy, và nếu như ta chịu 

đưa cho nàng hai mươi franc này, có lẽ nàng sẽ được an toàn trong vòng xoáy ma thuật dành cho linh hồn tự do, duyên dáng và ngang ngạnh của nàng. Chỉ có ta trút bỏ vai diễn, khi ta ngồi đó trong thinh lặng, với toàn bộ sức nặng của thế gian lạnh lẽo và trần trụi đè lên mình, hiểu rõ rằng ta nên đáp lời nàng hoặc là ta phải trao nó cho nàng, thậm chí là ngay trong vài giây này.” (Trang 154, trích truyện ngắn “Lão hiệp sĩ”)

Những người phụ nữ trong “Bảy chuyện kể Gothic” không hề giữ một vẻ ngây thơ trong trắng của các tiểu thư con nhà lành hay những nữ tu cao khiết. Họ lẳng lơ và quyến rũ, mẫu hình những  người phụ nữ bị ghét trong xã hội phong kiến phương Tây, họ bị coi là những phù thủy quỷ ma mê hoặc loài người. Nhưng giờ đây, họ xuất hiện vẹn nguyên không mảy may bận tâm về đạo đức hay tự vấn về lòng chung thủy, mà sự mê hoặc của họ, cơn cuồng nộ của họ… thoát ra khỏi những bộ váy như thứ nhân cách khác phủ lên họ, và khơi gợi những hoài nghi và khao khát truy tầm bản chất ở mỗi người đàn ông lạc mất chính mình trong các khuôn định quý tộc. Có thể hiểu lý do tại sao “Bảy chuyện kể Gothic” từng bị nhận những chỉ trích gay gắt hoặc làm lơ bởi giới phê bình nam giới của Đan Mạch mà lời lẽ cay nghiệt nhất là Frederick Schyberg nhận xét rằng cuốn sách của bà là thứ sách tiêu khiển như thể chúng được viết ra trong các cuộc trác táng. Dẫu vậy, cuốn sách được đón nhận tại Mỹ và giới phê bình Mỹ đầy hứng khởi với những dòng truyện kỳ thú thách thức mọi bộ não với biên độ tượng trưng không giới hạn. 

Hà Thủy Nguyên

*Phiên bản ngắn hơn với ngôn từ mềm mại hơn của bài viết: Isak Dinesen với “Bảy truyện kể Gothic”: Những ẩn dụ mê đắm về thực tại – PHỤ NỮ VIỆT KHỞI NGHIỆP (phunuvietkhoinghiep.vn)

Chuyện đời đầy bi kịch của Edgar Allan Poe

Trong toàn bộ nền văn học Mỹ, có lẽ không bậc thầy nào của thể loại rùng rợn được tôn vinh nhiều như Edgar Allan Poe. Từ bài thơ nhuốm màu siêu nhiên khó quên mang tên "The Raven" (Con quạ) cho đến tình tiết đầy ám ảnh vốn là trọng tâm của "The Tell-Tale Heart" (Trái tim kể tội), phong cách và các chủ đề của Poe vẫn là nền tảng cho điểm mấu chốt của hầu hết các câu chuyện kinh dị ngày

Minh Hiền

29/01/2024

Các lý thuyết phê bình của Edgar Allan Poe

Edgar Allan Poe được coi là nhà phê bình văn học lớn đầu tiên của Mỹ hoặc ít nhất là nhà văn lớn đầu tiên ở Mỹ viết một cách nghiêm túc về phê bình, lý thuyết sáng tác và các nguyên tắc của nghệ thuật sáng tạo. Ông cũng là người đầu tiên đặt ra một bộ nguyên tắc nhất quán để nêu lên những gì ông cho là có thể chấp nhận được và những gì về cơ bản là không thể chấp

Minh Hiền

29/01/2024

Một số nguyên tắc quan trọng trong phê bình và sáng tác của Edgar Allan Poe

Bên cạnh vai trò một nhà văn, nhà thơ, Edgar Allan Poe còn được biết đến là nhà phê bình văn học có sức ảnh hưởng lớn đến nền văn học Mỹ. Thông qua các bài tiểu luận phê bình được đăng tải trên các tạp chí, ông đã đóng góp vào quá trình định hình một số khái niệm và thuật ngữ mà sau này trở nên rất phổ biến trong lĩnh vực phê bình văn học. Ngày nay, Edgar Allan Poe nổi tiếng
le-ai

Lê Ái

29/01/2024

Lãng mạn U ám (Dark Romanticism): Ám ảnh về góc khuất trong thế giới tinh thần với xúc cảm rùng rợn, hung cuồng và tuyệt vọng

Đối nghịch với khuôn vàng thước ngọc của Chủ nghĩa cổ điển phương Tây, Chủ nghĩa lãng mạn tìm đến những cảm thức phóng cuồng và biểu tượng dị giáo để biểu thị cho tinh thần của mình. Điều này, tôi đã viết trong bài Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại - Book Hunter. Nhưng không dừng ở đấy, các tác giả lãng mạn đi xa hơn vào những góc khuất của tâm

Erich Fromm và sứ mệnh tâm phân học như “y sĩ của linh hồn”

Tâm phân học (psychoanalysis, thường được dịch là phân tâm học) trong những năm qua đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam. Lúc đầu, các nhà phê bình văn học thường sử dụng tâm phân học như một con dao mổ sắc nhọn để hé lộ cõi giới của các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… Khi tâm phân học lan ra đại chúng độc giả Việt, con dao mổ ấy được sử dụng để phanh phui các chứng bệnh xã hội