Home Nhớ Một ngày của Mế – theo chân một người phụ nữ Thái lên nương

Một ngày của Mế – theo chân một người phụ nữ Thái lên nương

Hữu Vi

16/10/2024

Hãy theo chân một người phụ nữ Thái lên nương. Chỉ một ngày thôi, người ta sẽ có được bức tranh vẽ nên cả những kiếp người.

Người Thái có câu ngạn ngữ đại ý rằng người vợ là vía của gia đình. Khi đã xong lễ tơ hồng trong ngày cưới thì vía của vợ gắn với chồng. Từ đó thành người đàn bà, thuộc về nhà chồng.

Nhưng ngày nay thật khó nhận ra một phụ nữ Thái khi ra chốn đô hội, nếu chị ấy, cô ấy không trưng diện trang phục truyền thống. Hay chí ít là cùng ngồi chuyện trò. Cũng như phụ nữ ở nhiều cộng đồng thiểu số khác, khi đến một thành phố nào đó chỉ ít lâu, phụ nữ Thái dễ hòa lẫn vào cuộc sống đại chúng. Người ta chỉ nhận ra họ trong những khoảnh khắc nào đó hoặc khi họ trở về với cộng đồng, làng bản.

Chuyện này sẽ nói sau, vào phần cuối của bài viết nhỏ này. Tuy nhiên khi nhìn vào những sự thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày, lề lối nghĩ, cách ăn nói và nhiều thứ khác khiến người ta nhớ về những phụ nữ Thái trong xã hội truyền thống gọi chung là những bản mường. Và xa hơn nữa là từ lịch sử của người Thái khi đến Việt Nam từ khoảng 1000 năm nay. Và việc tìm về cuộc sống của phụ nữ Thái ở bản mường truyền thống cũng là điều lý thú.

Những bà mế ở mường và bản

Người Thái tự xưng là Tay, Pơ Tay, Thày… tùy từng địa phương. Các nhóm người Thái khác nhau cũng có nhiều khác biệt về tiếng nói. Hiện tại ở Việt Nam cộng đồng này đứng sau người Kinh và Tày, hơn 1 triệu người. Nhưng về gốc gác ngôn ngữ thì Thái và Tày có cùng một hệ. Các nhà nghiên cứu gọi là hệ Tày – Thái, tỉ lệ phần trăm từ vựng giữa hai cộng đồng này khác cao. Người viết bài này thuộc cộng đồng Thái ở Nghệ An, khi đến Cao Bằng, Bắc Cạn nghe hiểu được khoảng 50% tiếng Tày của khu vực này trong khi lại gặp khó khăn hơn khi nghe hiểu tiếng Thái ở Sơn La. Chưa kể đến chuyện các ngôn ngữ bản địa thuộc những vùng kể trên cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ tiếng Kinh, Tiếng Lào, tiếng Hoa. Các cộng đồng Tày, Thái hiện nay gặp nhau vẫn chủ yếu giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Người ta chỉ còn nhận ra sự tương đồng về trang phục, tập tục và nhà ở.

Có thực sự người Thái từng tham gia lập nên nước Đại Lý và Nam Chiếu hay không thì vẫn còn những khoảng trống về mặt tư liệu. Ngoài người Thái thì các dân tộc khác như Tày, Dao, H’Mông cũng góp phần dựng nên các nhà nước đó thì có vẻ chắc chắn hơn. Vì thế chỉ mãi về sau khi Nam Chiếu và Đại Lý diệt vong, người Thái mới tỏa đi khắp Đông Dương và lập nên nước Thái Lan. Còn lại thì xã hội của người Thái chỉ dừng lại ở những bản mường, tạm gọi là lãnh địa. Những “mường” này cũng phổ biến ở Lào và Thái Lan là những cộng đồng chung hệ ngữ Thái – Kadai. Hiện nay, nhiều tên gọi cấp huyện ở Lào vẫn có từ mường.

Ở Việt Nam cũng thế. Nhiều vùng đất là nơi cư trú nhiều đời của người Thái vẫn có tên gọi là “mường”. Huyện Mường Lát (Thanh Hóa), Mường La (Sơn La), Mường Lò (Nghĩa Lộ – Yên Bái), Mường Thanh (Điện Biên) là những nơi có đông đảo người Thái cư trú. Nhiều xã ở huyện Kỳ Sơn, Quế Phong (Nghệ An) cũng là những tên mường cổ. Còn một điều là trong giao tiếp hằng ngày, người Thái vẫn gọi những vùng đất có người sinh sống là “mường”. Mường Lào là đất của người Lào. Mường Chợ, mường Keo là đất của người Kinh. Trong những cuộc chuyện trò trong cộng đồng, người ta thi thoảng vẫn gọi là mường của người Pháp, người Mỹ. Như vậy, với người Thái, mường là những nơi có cư dân, có cuộc sống con người.

Nhưng mường của người Thái từng là một thiết chế xã hội có người đứng đầu gọi là “chủ mường”. Trung tâm của mường là “chiềng” hoặc “chiếng”, “xiềng” tùy cách phát âm của từng địa vực. Dưới mường là bản. Đương nhiên, dưới bản là những gia đình. “Vũng nước cũng là ao, hai nhà cũng là bản”, người Thái Nghệ An có ngạn ngữ như vậy. Các gia đình sống quây quần bên nhau theo các dòng họ và các dòng họ có một quan hệ thông gia. Cũng có họ đến sinh sống như kiểu dân góp. Mường, bản của người Thái thường gần những sông suối lớn.

Trước đây, người Thái vẫn thích sống quây quần với nhau trong những gia đình lớn. Gia đình có nhiều thế hệ. Đó là gia đình truyền thống của nhiều cộng đồng dân tộc. Người Thái không phải ngoại lệ. Dù còn những tàn dư của chế độ mẫu hệ, nhưng nam giới vẫn giữ vị thế độc tôn. Người phụ nữ chủ yếu ở nhà làm nội trợ, ruộng nương, khâu vá, hái rau, bắt cá để nuôi sống gia đình. Đương nhiên cả nuôi dạy con cái. Con dâu trước đây còn không được ngồi cùng mâm cơm với bố chồng. Một số nơi không cho con dâu ngồi ở gian có bàn thờ gia tiên… Trong truyền thống, phụ nữ Thái phải đối mặt với khá nhiều điều cấm kỵ.

Theo Tiến sỹ dân tộc học Vi Văn An thì khi mang thai, cô con dâu thường báo trước “tin vui” cho mẹ chồng, các chị em gái, chị em dâu. Từ đó người phụ nữ bắt đầu thời kỳ kiêng cữ. Có nhiều thứ để kiêng như khi vào vườn không hái trộm hoa quả. Nghĩa là phải xin, phải báo cho chủ vườn. Không bước qua dây kéo gỗ, cối giã gạo. Ăn uống thì kiêng thực phẩm có mùi tanh, đặc biệt là cá chép, gà trắng. Quan niệm dân gian cho rằng nếu phạm phải những điều này, sản phụ sẽ khó sinh, đẻ ngược, thậm chí là băng huyết. Trong thời kỳ đầu mang thai, sản phụ vẫn được khuyến khích phải làm những công việc bình thường cho dễ sinh nở. Chỉ những tháng cuối thai kỳ, sản phụ mới được nghỉ ngơi.

Trong truyền thống, các sản phụ người Thái thường sinh nở cạnh bếp lửa. Đẻ nằm hoặc ngồi và có sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm, thường là mẹ chồng hoặc một bà đỡ trong cộng dồng. Nhau thai được cắt bằng cật nứa hoặc cắn. Trong một thời gian ngắn sau sinh, mẹ và bé phải ngủ cạnh bếp lửa. Sau lễ đặt tên, đứa trẻ mới được bế ra khỏi bếp lửa, ra khỏi nhà. Người ta dùng một số loại lá rừng cho mẹ nằm để tránh một số bệnh sau sinh. Các mẹ cũng được cho uống một số loại thuốc từ cây lá, củ rừng để nhanh lại sức và có sữa cho bé. Từ đó bà mẹ bắt đầu cuộc sống nuôi dạy con cái. Mẹ được truyền kinh nghiệm chăm con. Phải nấu nước ấm để tắm cho bé khỏi ốm vặt. Không được đánh mắng con trẻ vì vía chúng nó còn yếu, còn nhỏ dại dễ dỗi hờn. Mà vía dỗi thì trẻ sẽ ốm. Đó là những lời dặn của bố mẹ chồng đối với con dâu. Khi trẻ bắt đầu mọc răng, mẹ thường nhai cơm bón cho ăn. Khi đã biết đi chơi trong bản, mẹ và bà có thói quen canh chừng để chúng không bị trâu húc, bị ngã cây, ngã sông suối.

Thời thơ ấu, các bé gái thường được nuôi dạy như bé trai. Ngoài 10 tuổi, bé gái bắt đầu được mẹ dạy thêu thùa, khâu vá. Trong truyền thống, hầu như phụ nữ Thái đều biết việc may vá, thêu thùa. Điều này vẫn được duy trì ở nhiều làng bản vùng cao. Đến các địa bàn của người Thái ở miền núi hay khu vực biên giới người ta vẫn dễ bắt gặp những bé gái lên 6 lên 7 bận trang phục truyền thống. Trẻ em gái ngoài 10 tuổi ngồi thêu váy sau giờ học, sau khi đỡ đần cha mẹ làm việc nhà. Các bé được giáo dục rằng cần phải biết tự thêu váy cho mình để sau này còn về nhà chồng mà mặc, có váy, khăn, áo, gối làm quà cho mẹ chồng và chị em dâu, chị em gái trong nhà.

Quãng đời thiếu nữ chóng vánh

Tuổi thơ của trẻ em miền núi và trẻ em gái Thái dễ chừng qua nhanh hơn thường thấy. Ngoài 10 tuổi, các bé gái đã biết giúp mẹ giã gạo, cõng nước, nấu ăn, trông em. Lớn hơn chút nữa thì gùi củi, hái rau. Những việc hàng ngày cùng với sự bảo ban của gia đình mà chủ yếu là người mẹ sẽ giúp các bé gái dần thành thiếu nữ. Các bé gái bước qua tuổi dậy thì và cả kỳ kinh nguyệt đầu tiên nhờ sự giúp đỡ chỉ bảo của mẹ. Bộ trang phục của các thiếu nữ lúc này có thêm phần váy lót bên trong được may bằng vải thô. Vừa kín đáo vừa để phòng khi tới tháng.

Lúc này, cùng với sự thay đổi về thể chất là những thay đổi về tính cách và lối chơi. Các bà mẹ cũng biết rằng con gái mình đang dần thành người lớn. Họ dễ tính hơn với cô con gái mới lớn. Cùng với đó là cả mối lo về những bất trắc mà con sẽ gặp phải. Lo cả chuyện dựng vợ gả chồng cho con.

Từ tuổi 14, 15 các cô gái bắt đầu bước vào quãng thời gian đẹp nhất. Khi sự học, sự làm chưa xâm lấn cuộc sống chốn bản mường, sau một ngày trên nương rẫy, rừng ruộng, các cô gái lại ngồi cùng nhau mở một nơi mà người Thái ở Tây Bắc gọi là những “hạn huống”, những nhà chờ, điểm hẹn. Đó là một ngôi nhà sàn trong bản. Nhà của một cô gái hoặc nhóm chị em gái nào đó sàn sàn tuổi nhau còn chưa lấy chồng. Người thêu váy, kéo sợi, kẻ ngồi chơi, tán đủ thứ chuyện. Có người giã gạo dưới gầm sàn. Tiếng cười nói huyên náo cả một góc bản. Đó là điểm hẹn của trai gái. Sau một vài năm, những điểm hẹn như thế cứ thưa người dần. Một cô, hai cô rồi lần lượt cả nhóm đi làm dâu. Các cô gái kém duyên hơn, muộn chuyện chồng con hơn sẽ phải tìm nhóm chơi khác.

Rồi những đám hội, đám cưới, lễ tết cũng là dịp để các cô gái tỏ sự duyên dáng của mình. Họ xăng xái giúp việc phục vụ cưới xin. Đối đáp lại hoặc bỏ qua lời chòng ghẹo. Có thêm bạn mới. Cái thời mà xã hội truyền thống của người miền núi chưa biết đến du lịch, internet, mạng xã hội là một thứ mà chưa ai hình dung ra thì những dịp vui là cơ hội để người ta tìm bạn tình, bạn đời. Tìm những mối quan hệ khác lạ từ ngoài cộng đồng làng bản bị phong kín bởi núi đồi, sông suối. Thảng hoặc lắm các cô có dịp đến một bản khác thăm người thân, đỡ đần chị em lấy chồng về đó gặt lúa, làm cỏ rẫy, giúp trông con nhỏ. Các cô thành “gái khách” trở thành mối quan tâm của cả bản.

Phần lớn những người được cho là bình thường may mắn lại đi qua đời thiếu nữ đẹp đẽ của mình một cách nhanh chóng, ở tuổi 16, 17. Chậm lắm thì ngoài 20. Họ sớm từ thiếu nữ trở thành thiếu phụ khi rời những đám chơi trên “hạn huống” để theo chồng. Và một vòng quay mới lại bắt đầu. Các thiếu phụ lấy chồng, sinh con và chỉ hơn mươi năm sau, những đưa con gái của họ lại thành thiếu nữ.

Một ngày của mế

Để hiểu hơn cuộc đời của một bà “mế” khi đã là thiếu phụ chi bằng hãy theo chị ta một ngày. Giả sử đó là một phụ nữ Thái trong một bản nhỏ ở miền núi Nghệ An những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy phần lớn các bản làng và cả vùng nông thôn ở Việt Nam vẫn chưa điện khí hóa. Sự khác biệt giữa miền núi và miền xuôi chỉ là tiếng nói, trang phục, tập quán. Điều kiện từ địa lý, khí hậu miền núi khiến cuộc sống của người ta gắn chặt với săn bắt hái lượm, canh tác lúa nương, ở nhà sàn để tránh thú dữ rồi thành tập quán. Ta hãy giả sử định rằng đang ghé thăm một gia đình truyền thống của người Thái với 3 thế hệ ở cùng gồm bố mẹ chồng, mấy chị em dâu, chị em gái ở chung cùng chồng con và các thành viên khác trong gia đình.

Ngày mới của bà “mế” nọ ở bản vùng cao của người Thái Nghệ An bắt đầu từ khi gà gáy canh ba. Tiếng gà gáy như tiếng chuông đồng hồ báo thức. Chị vội rời khỏi người chồng và đứa con trong căn buồng của mình trở dậy. Chị vào kho sửa soạn, bê ra một ôm những bó lúa cùng với cái nong và sàng rồi đi xuống cầu thang tìm đến cái lán giã gạo. Tiếng cối cum cum vang lên khi sương lạnh còn chưa lan đến. Bên hàng xóm, có người còn dậy sớm hơn, đã thắp đèn giã gạo. Cái đèn dầu được treo cao lên hắt thứ ánh sáng mờ mờ không đủ để soi tỏ căn lán nhỏ. Cum cum. Người phụ nữ tiếp tục giã. Lúc này bà mẹ chồng mới bắt đầu trở dậy nổi lửa thổi xôi. Các chị em gái, chị em dâu cũng dậy phụ chị giã gạo. Nếu có đồng hồ để xem thì chắc lúc này chừng bốn rưỡi sáng. Khi mùi xôi nếp bắt đầu lan khắp nhà, những người đàn ông và đám trẻ mới trở dậy. Đám trẻ xúm quanh bếp. Trời vừa hửng sáng, những người đàn ông mài dao, mài rìu để đi rừng.

Bữa sáng thường diễn ra nhanh chóng. Những phụ nữ bưng ra hai mâm cơm. Thức ăn dù ít dù nhiều cũng dọn hai mâm. Mâm phía ngoài cho bố chồng và đám đàn ông. Những cô gái trẻ chưa chồng có thể ngồi cùng. Mâm trong gần với bếp là mấy chị em dâu và bà mẹ chồng. Có cả lũ trẻ.

Sau bữa cơm, mẹ chồng sẽ giúp dọn mâm và người thiếu phụ cùng các chị em gái, chị em dâu bắt tay ngay công việc của mình. Đang mùa gặt lúa. Mỗi chị cầm theo một chiếc gùi. Dao và chiếc hái hoặc một công cụ để cắt từng bông lúa rất nhỏ có thể cầm trong lòng bàn tay như chiếc dao nhíp. Phải mất một giờ đồng hồ leo dốc, lội khe mới đến rẫy. Đám phụ nữ dàn thành hàng ngang trên rẫy và bắt đầu cắt từng bông lúa. Nếu có ý định ở lại nương đến hết ngày thì trước khi đi phải chuẩn bị cơm trưa để mang theo. Nếu phải ngủ lại trên chòi canh rẫy thì cần thêm nồi niêu, chăn chiếu.

Cuối ngày, người thiếu phụ cùng các chị em của mình gùi theo lúa về nhà. Nếu lúa nhiều, người ta cất lại trên những chiếc kho dựng cạnh rẫy. Cái gùi là người bạn gắn bó với cả kiếp người của một phụ nữ Thái. Gùi đè nặng trên lưng khi tải lúa, gùi củi, gùi rau lợn. Đôi khi là gùi theo những đứa trẻ những lúc cần cho chúng lên rẫy cùng.

Hôm nay, trên chiếc gùi của các “mế” đi gặt lúa có thể có thêm chút rau, nấm, một con sóc, con chim rừng dính bẫy mà đám đàn ông đặt trên rẫy để phòng thú về phá hoại lúa.

Đặt phịch chiếc gùi xuống, người thiếu phụ lại cùng với đám chị em lo cơm nước cho cả nhà. Người mẹ có thể là đã lớn tuổi, có thể cũng muốn tự cho mình quyền được thảnh thơi đôi chút khi con cháu đầy nhà. Bà nhai trầu, trông cháu chờ cơm nước và những người đàn ông từ trên rừng trở về để ăn tối.

Câu chuyện chỉ là một ví dụ. Nhưng lại rất điển hình về cuộc sống của một gia đình người Thái và cách những người phụ nữ trong nhà vận hành công việc của mình. Hôm nay lên rẫy gặt lúa, nhưng sáng mai, sau bữa sáng các chị có thể sẽ theo nhau đi hái củi. Hôm khác thì ra suối xúc cá. Mùa thu, mùa đông đi hái nấm, hái rêu trên sông. Rêu đá cũng là một món ăn đặc biệt của cộng đồng người Thái ở nhiều địa phương trong nước do những người phụ nữ hái về và chế biến.

Có lẽ chính vì những đặc thù lối sống và lối nghĩ nên trong truyền thống người phụ nữ Thái vốn ít có điều kiện để thành đạt. Chỉ những gia đình có truyền thống từ cha mẹ ông bà có học. Trước cách mạng tháng Tám chỉ những phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc mới được học chữ. Ngoài thêu thùa, những người con gái của quan phủ Lang Vi Năng cai quản phủ Tương Dương ở Nghệ An trước kia được học chữ Hán và tiếng Pháp. Nhưng rồi khi đến tuổi lập gia đình, cả hai người con của tri phủ Năng đều được gả về những gia đình bình thường. Họ lại trở thành những bà mế mà thời nhung lụa khi sống trong nhà phủ được đọc sách, viết chữ Nho, tiếng Pháp chỉ còn là ký ức xa vời.

Vượt lên cấm kỵ

Từ khi Việt Nam áp dụng những chính sách giáo dục mới, phụ nữ Thái cũng có những thay đổi theo xu thế chung. Ngày nay, chỉ còn một ít người là không biết đọc biết viết. Cũng có người đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị cấp cao. Có người là doanh nhân thành đạt. Họ là những lớp người đã vượt thoát được chiếc gùi trên lưng, những buổi lên rẫy, chiếc chày giã gạo. Với nhiều người, chiếc gùi và những buổi lên rẫy chỉ còn là ký ức.

“Mình là người Thái mà.” – Khi nghe câu nói này có thể khiến người đối diện ngạc nhiên. Đó là bạn nghe một cô sinh viên ở Hà Nội hay một thành phố nào đó giới thiệu về mình. Có thể đó là một chị công nhân ở khu công nghiệp, một làng quê miền Tây sông nước. Có khi giữa chốn trời Tây cũng không chừng. Người phụ nữ vừa bảo là “dân bản” đó có chất giọng Hà Nội ngọt như mía lùi, giọng miền Tây có vẻ “đặc sệt”, “bắn” tiếng Anh lưu loát. Tất cả đều được rèn luyện, học hỏi. Cả bộ trang phục trên người rất đỗi tân thời, hợp mốt, cũng tóc vàng, tóc đỏ, điện thoại xịn, xe sang, nhà cửa tiện nghi hiện đại.  

Những phụ nữ Thái ngày nay khi ra chốn đô hội cũng sành điệu, hiện đại, tự tin và thành đạt. Điều mà chỉ vài thập niên về trước thực sự hiếm. Khi về với bản làng, họ vẫn nói tiếng Thái. Ngày hội, ngày lễ vẫn dùng trang phục truyền thống. Đó là cách “sống như người và cũng không sống như người” như câu ngạn ngữ cổ của người Thái.

Đại bộ phận phụ nữ Thái ngày nay không còn sinh nở cạnh bếp lửa. Những đứa trẻ ra đời từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đến nay đều được sinh ra ở trạm xá, bệnh viện với dịch vụ y tế tương đối đầy đủ gần với mặt bằng chung của đô thị. Nhiều gia đình con dâu không còn bị cấm ngồi chung mâm cơm với bố chồng. Trong thời kỳ sinh nở, chị em không còn phải trải qua những điều cấm kỵ ngặt nghèo như trước kia.

Có thể gọi đó là những thay đổi lớn văn minh hơn.

Nhưng không phải những thay đổi này đã đã diễn ra ở tất cả các làng bản. Và quan niệm chung phụ nữ chỉ nên là nội trợ vẫn còn đó. Hình ảnh về chiếc gùi đè nặng trên lưng các bà mế vùng cao vẫn hàng ngày được đăng tải ở đâu đó như là sự minh họa cho một thực tế vẫn còn nhiều khó khăn của những người phụ nữ chốn bản mường. Dẫu vẫn biết rằng, đó là cái chung. Cuộc sống khó khăn vẫn đè nặng trên đôi vai của phụ nữ nói chung, chứ chẳng riêng gì với các bà mế.

Và còn một điều nữa. Đôi khi chính về sự xuất thân khác biệt về văn hóa khiến các cô, các chị khi ra chốn đô thị phải ẩn thân trong những lớp vỏ tóc vàng, tóc đỏ, quần bò váy ngắn và cố gắng tạo cho mình gần giống nhất với người đô thị.

Hữu Vi

*Ảnh minh họa: Bản người Thái tại khu bảo tồn Pù Hoạt, Nghệ An. Nguồn ảnh: Báo Dân Việt.

Tìm hiểu thêm về sách của Hữu Vi tại Book Hunter: Combo Thơ và Du ký của Hữu Vi – Book Hunter Lyceum

“Triết học cho con gái” hay triết học của “cơi đựng trầu”

“Đàn ông nông nổi giếng khơi Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” Cặp ca dao Việt Nam này thường được dùng  để mỉa mai phụ nữ, ý muốn ám chỉ rằng phụ nữ dẫu có sâu sắc đến mấy cũng nông chư chiếc cơi đựng trầu, không thể sánh với đàn ông, dẫu có nông nổi mấy thì cũng có ý nghĩa thâm sâu. Thực ra, cặp ca dao này có thể được hiểu theo một nghĩa khác nếu ta mở rộng tầm

Hôn nhân, ngoại tộc và kiến tạo : người phụ nữ ở Bản Văng Môn

Trong quá trình tồn tại và phát triển cũng như thực hiện quy tắc ngoại tộc hôn, người Ơ Đu chủ yếu xây dựng mối quan hệ hôn nhân với các cộng đồng khác. Trong đó, phổ biến nhất là quan hệ hôn nhân với người Thái và người Khơ Mú – các cộng đồng sinh sống gần gũi với người Ơ Đu. Phụ nữ Ơ Đu chủ yếu kết hôn với đàn ông Khơ Mú và Thái. Còn đàn ông Ơ Đu thì ngược

“Those were the days” – Lời tuyên ngôn của kẻ say mê

“Those were the days” là ca khúc tiếng Anh đầu tiên tôi được nghe khi mới học lớp 6. Ở độ tuổi mới lớn, phải đối mặt với các bài kiểm tra ngặt nghèo của “trường chuyên lớp chọn”, bắt gặp ca khúc này qua băng cassette mà bố tôi lâu lắm rồi không nghe đến. Tôi lập tức bị cuốn hút bởi giai điệu tưởng chừng rất vui tươi nhưng lại ẩn chứa đầy tâm trạng của ca khúc này, nhưng vì không có

Để trở thành người phụ nữ đích thực

Trong xã hội Việt Nam hiện nay dường như đã có sự chia phe của hai kiểu mẫu phụ nữ:  kiểu mẫu “người mẹ” và kiểu mẫu “người tình”. Hai phe này thậm chí còn luôn chê trách, dè bỉu lối sống của nhau. Cách phân chia như vậy hình thành từ rất lâu đời, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới, rồi sau đó,  được nhà phân tâm học Carl Jung “chỉ mặt đặt tên” trong các nghiên cứu