Home Chuyên đề tháng “Triết học cho con gái” hay triết học của “cơi đựng trầu”

“Triết học cho con gái” hay triết học của “cơi đựng trầu”

“Đàn ông nông nổi giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”

Cặp ca dao Việt Nam này thường được dùng  để mỉa mai phụ nữ, ý muốn ám chỉ rằng phụ nữ dẫu có sâu sắc đến mấy cũng nông chư chiếc cơi đựng trầu, không thể sánh với đàn ông, dẫu có nông nổi mấy thì cũng có ý nghĩa thâm sâu. Thực ra, cặp ca dao này có thể được hiểu theo một nghĩa khác nếu ta mở rộng tầm nhìn của mình và thoát khỏi sự tâm đắc với cách “xỉa xói” được cho là tinh tế. “Giếng khơi” tuy sâu nhưng tĩnh, thiếu tính chuyển động, đại diện cho sự toan tính nhiều tầng lớp nhằm tạo ra tính thiết yếu trong đời sống, bởi một chiếc giếng khơi mà cạn khô thì nó vô giá trị. “Cơi đựng trầu” không hề mâu thuẫn với “giếng khơi”, mà nó biểu tượng cho điều khác: loại vật dụng để nâng niu và bảo vệ một thứ khác bên trong nó. Nó thậm chí còn có thể đẹp, có thể đặc biệt… để đại diện cho cá tính của người sở hữu nó. Thậm chí, nó có tính động, bởi nó có thể di chuyển.  Như vậy, cặp hình ảnh này là đại diện cho hai trạng thái tư duy điển hình cho hai giới tính: đàn ông đi thật sâu vào bên trong để tìm kiếm nội tại trong tĩnh lặng, còn phụ nữ luôn sẵn sàng cho mọi biến dịch để hương tới mục đích tốt hơn. Dù rằng, người vô danh sáng tạo cặp ca dao này có thể nhằm mục đích khác, nhưng vô tình lại có thể gợi mở những nhận định mới về cách tư tưởng của đàn ông và phụ nữ có thể khác nhau như thế nào.

Tôi vẫn lăn tăn về những suy nghĩ này cho đến khi bắt gặp cuốn sách “Philosophy for girls” do Melissa Shew và Kim Garchar chủ biên, mà sau đó chúng tôi đã dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Triết học cho con gái” (Sophia Ngo, Lê Hải Anh, Lê Ái, Vũ Phương Thảo dịch – Hà Thủy Nguyên hiệu đính/ Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam & Book Hunter, 2022). Cuốn sách đã cho tôi một cái nhìn khác, không phải từ góc nhìn nữ quyền, mà từ góc nhìn triết học để hiểu hơn về thế giới của những người phụ nữ và cách họ bước vào cuộc sống. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, cuốn sách không sử dụng nhãn quan nữ quyền để hiểu triết học, mà các tác giả sử dụng triết học để biểu thị thế giới tư tưởng của phụ nữ.

Khi thế giới tri thức không có gương mặt phụ nữ

Đâu đó có thể xuất hiện một vài cây viết nữ, nhà nghiên cứu khoa học mang giới tính nữ…nhưng sự xuất hiện của họ không hình thành các gương mặt rõ nét mà chỉ như ánh sáng chợt lóe chợt tắt giữa nền văn minh được định hình bởi những người đàn ông “nông nổi giếng khơi”. Thế giới tri thức là nơi của những suy luận duy lý, đầy tính trật tự, u tịch, tựa như thế giới của Hades – âm phủ. Qủa thực, thế giới tri thức rất giống âm phủ, với ngồn ngộn tầng sâu ký ức, được phân chia, đánh giá, sắp xếp. Thế giới ấy được vận hành bởi những người đàn ông lạnh lùng như Hades hay Charon. Nó buộc phải ở trạng thái “khách quan”, và chính bởi vì khách quan nên nó thiếu sự sống. Những “nữ thần” ở âm phủ đều mang gương mặt “nữ quỷ”, đại diện cho người phụ nữ quằn quại đau đớn tới mức méo mó hình hài, họ không còn là phụ nữ đích thực bởi kỳ thực tính nữ nơi họ đã lịm tắt ngay lần đầu đến địa ngục. Nhưng Persephone, vị nữ thần của mùa xuân lại khác, nàng luôn giữ vẻ đẹp đẽ của mình sánh vai trên ngai vàng của địa ngục cùng Hades. Sự sống luôn căng tràn trong nàng ngay cả khi nàng ở dưới địa ngục, bởi trong toàn bộ thần thoại Hy Lạp, ngay cả lúc nàng mới bị bắt cóc hay trong khoảng thời gian nàng phải ở lại địa ngục, nàng chưa bao giờ buồn chán, khổ đau quằn quại… mà nàng vẫn là nàng nguyên vẹn và hơn thế nữa. Persephone chưa bao giờ là nạn nhân, và chân dung nàng chính là khuôn mặt phụ nữ còn khuyết thiếu của thế giới tri thức – sự sống – sự biến dịch để hướng tới điều tốt đẹp hơn.

Lấy cảm hứng từ nữ thần Persephone, Melissa Shew đã khởi động cuốn sách “Triết học cho con gái” và mời các nhà triết học nữ trẻ tuổi đang làm việc ở nhiều lĩnh vực học thuật cùng tham gia. Bằng triết học, họ cùng nhau phác nên những nét đầu tiên cho gương mặt phụ nữ hoàn chỉnh ở thế giới tri thức, mà tại đó dường như những cô gái thần thoại đang rõ nét hơn những cô gái lịch sử, bởi những cô gái lịch sử đã bị nguệch ngoạc những nét đớn đau do bị phủ nhận bởi đàn ông.

Đó là những cô gái mất đi niềm tin ở chính mình như Simone de Beauvoir, người tình của Jean Paul Sartre. Các bạn có thể đọc về bà trong tiểu luận “Sự tín nhiệm – Gạt bỏ những hiềm nghi, xây dựng lại kiến thức trong trí óc” của Monica Poole, tiểu luận số 11 trong sách. Những đoạn trích hồi ký của de Beauvoir cho thấy bà đã tự nghi ngờ chính mình ra sao và Poole cho rằng chính sự đối xử phũ phàng của Sartre cùng những người bạn triết học duy lý của ông ta đã xé tan những suy nghĩ triết học được hình thành từ trực cảm của de Bauvoir. Simone de Beauvoir viết thế này: “Ông ta xé nó ra thành từng mảnh. Trong khi tôi bị cột chặt với ý tưởng đó, bởi vì nó cho phép tôi lấy trái tim mình làm trọng tài giữa điều thiện và điều ác; Tôi đã vật lộn với ông ta trong ba giờ đồng hồ. Cuối cùng tôi phải thừa nhận mình đã bị đánh bại; ngoài ra, trong quá trình thảo luận, tôi nhận ra rằng nhiều ý kiến của tôi chỉ dựa trên thành kiến, đức tin xấu hoặc thiếu suy nghĩ, rằng lý lẽ của tôi bị lung lay và các ý tưởng của tôi bị nhầm lẫn. “Tôi không còn chắc chắn về những gì mình nghĩ hay thậm chí là tôi có từng nghĩ gì không,” tôi thấy mình hoàn toàn đáng vứt đi.”  Dưới nhãn quan duy lý lạnh lùng, phụ nữ dù có học thức tới đâu và có năng lực trí tuệ thế nào, vẫn luôn bị coi như những tạo vật bột phát, không thể kiểm soát cảm xúc của mình, thiếu khách quan (nếu không muốn nói là không thể khách quan). Triết học của đàn ông đã nhầm lẫn giữa duy lý và trí tuệ, giữa khám phá để thấu hiểu thực tại và khách quan, tựa như giếng khơi, tuy sâu thẳm nhưng hạn hẹp vốn không thể bao hàm toàn bộ sự sống đang diễn ra. Trường hợp của de Beauvoir không phải là duy nhất, Poole cho rằng chính sự bị phủ nhận hoàn toàn đã bóp méo những người phụ nữ có trí tuệ thành các “nữ quỷ” của thế giới tri thức:

“Cảm xúc là thứ bị vũ khí hóa chống lại sự tín nhiệm của phụ nữ và con gái. Khi nói ra những sự thật không được hoan nghênh, phụ nữ và con gái thường bị buộc tội là “điên rồ”, “chua chát”, “độc đoán” và “phi lý trí”. Liên quan đến một từ để chỉ tử cung (như trong “cắt bỏ tử cung”), từ “cuồng loạn” được đặt ra để làm mất uy tín của phụ nữ, mô tả họ là “không ổn định” và làm cho lời chứng thực của họ là “không đáng tin cậy”. Nếu một phụ nữ da trắng, trung niên, thuộc tầng lớp thượng lưu, gầy, chuẩn chỉnh, hợp giới và được giáo dục chính quy, thì cô ấy vẫn có thể bị gọi là “cuồng loạn”. Nếu người phụ nữ ấy không phù hợp với diện mạo đó — và hầu hết phụ nữ và con gái sẽ không — thì khả năng bị gọi như vậy còn cao hơn.”

Một trường hợp khác ở thế giới khoa học tự nhiên, đó chính là Anna Morandi. Bà chỉ được biết đến như vợ của một họa sĩ giải phẫu học nổi tiếng Giovanni Manzolini. Hai vợ chồng Manzolini và Morandi đã cùng vận hành một studio giải phẫu học, nơi họ nghiên cứu các xác chết để tạo ra các mô hình giải phẫu. Sau khi Manzolina qua đời, Morandi đã đi xa hơn thế, bà không chỉ dừng lại ở  nghiên cứu xác chết, bà đã “sử dụng những quan sát của mình để chất vấn những lý thuyết giải phẫu học và tâm sinh lý đương thời, đồng thời đưa ra những phương án thay thế cho các ghi chép hiện có.” Công trình tạo hình các bộ phận của cơ thể người bằng sáp mô phỏng giống hiện thực của bà là đóng góp lớn lao đối với ngành y, và không thể chỉ được tạo bởi bàn tay thủ công thiên tài của người phụ nữ nghiệp dư giống như giới khoa học bấy giờ đánh giá. Khoa học tự nhiên vốn là lĩnh vực của những người đàn ông, và sự định danh “nhà khoa học” chỉ dành cho những ai thực hiện một loạt các hành động được coi là khoa học như quan sát, thí nghiệm, kiểm tra, thử sai… chứ không phải tạo ra những mô hình bằng sáp mô phỏng các bộ phận cơ thể người. Câu chuyện của Morandi đã dẫn dắt cho tác giả Subrena E. Smith trong tiểu luận “Khoa Học – Lột vỏ tính khách quan”. Subrena đã đặt ra một loạt các hoài nghi:

“Chúng ta dùng khoa học để đưa ra sự hiểu biết tổng quát về tự nhiên, nhưng sự hiểu biết tổng quát về một số khía cạnh của tự nhiên luôn dựa trên một số quan sát hạn chế mà từ đó các nhà khoa học tin rằng có thể biện minh cho những kết luận khái quát của họ. Những kết luận này cũng nhằm để chúng ta biết về những trường hợp chưa được quan sát. Mối quan hệ giữa các trường hợp đã quan sát và những trường hợp chưa được quan sát là chìa khóa cho kiến thức khoa học. Vì vậy, kiến thức khoa học là kiến thức khái quát, chứ không phải là kiến thức về những thứ cụ thể như vậy. Lấy trường hợp của y học: y khoa quan tâm đến cách thức hoạt động của thận nói chung. Các nhà khoa học sử dụng kiến thức chung này để hiểu hoạt động của từng quả thận.

Cách tư duy này có vẻ gây khó hiểu. Khoa học dựa trên sự quan sát, nhưng các nhà khoa học lại không thể quan sát từng quả thận của con người. Họ phải đưa ra kết luận khái quát về thận từ những quan sát hạn chế. Quy trình này là trọng tâm của cách thức hoạt động của khoa học, và nó có vẻ hợp lý. Nhưng các nhà triết học khoa học từ lâu đã quan tâm đến việc làm thế nào để có thể biện minh nó. Ví dụ, các nhà khoa học y tế nói rằng bệnh lao do một loại vi khuẩn có tên là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Họ nói điều này đối với tất cả các trường hợp mắc bệnh lao – mọi trường hợp đã từng và có tiềm năng mắc bệnh lao – không chỉ những trường hợp được quan sát và đưa ra kết luận là do vi khuẩn này gây ra. Nhưng tại sao chúng ta nên nghĩ rằng các trường hợp chưa được quan sát sẽ phải tuân theo cách thức tương tự như các trường hợp đã được quan sát trong quá khứ?”

Subrena cũng luận giải thêm rằng hóa ra khoa học không phải được định nghĩa bởi công trình khoa học mà bởi những hoạt động mang tính khoa học, hay nói một cách khác, một thành quả đóng góp cho nền khoa học không được coi là khoa học nếu nó có được nhờ những phương pháp khác với các phương pháp được cho là thuộc về khoa học. Cũng giống như độ nông sâu ắt phải đo về mặt không gian chứ không thể cảm nhận bằng thời gian dù rằng ẩn chứa trong từng đường khắc của chiếc “cơi đựng trầu” là chiều sâu thăm thẳm của lịch sử mỹ nghệ.

Phụ nữ khi bước vào thế giới tri thức không chỉ phác nên gương mặt phổ quát của giới tính mà còn thay đổi diện mạo của thế giới tri thức ấy bằng cách mở ra các phương pháp tiếp cận mới. Không ai biết Persephone đã cai trị thế giới âm phủ – tri thức bằng cách nào, có lẽ bởi người xưa chưa thực sự hiểu hết tiềm năng trí tuệ của phụ nữ. Trong Lời Mời của mình, Melissa Shew đã kể câu chuyện về Persephone trong ngày đầu ở địa phủ để đưa ra tuyên ngôn triết học về lẽ sống: rằng phụ nữ, đặc biệt là các cô gái trẻ cần thoát ra khỏi sự trói buộc của đời sống thường nhật, thoát khỏi sự áp chế của truyền thống mà Demeter là đại diện, để tiếp nhận uy quyền tri thức được trao ở âm phủ, và bắt đầu hành trình khám phá của riêng mình. Đó là những dòng viết đầy say mê và lôi cuốn:

“Demeter giải phóng cơn giận dữ và nỗi đau của mình lên thế gian, tàn sát tất cả những gì sinh trưởng trong quãng vắng mặt đột ngột của con gái bà, trong khi Persephone đồng thời trưởng thành trở thành chính mình trong lãnh địa mới của nàng với tư cách là người trị vì. Demeter cảm thấy sự sống tuột khỏi tầm tay của mình trong một thế giới tràn đầy sức sống. Ngược lại, con gái bà phát hiện ra cuộc sống của mình và trở thành chính mình, trong một cõi giới ngập tràn chết chóc. Trên cõi trần, khi chơi đùa với bạn bè, Persephone được gọi đơn giản là cô gái hoặc con gái (trong tiếng Hy Lạp, korē); Tuy nhiên, với vị trí là nữ hoàng, nàng được gọi bằng tên của mình, gần như luôn luôn được đặt trước các từ Hy Lạp để chỉ sự chu đáo, cẩn trọng, cao quý, khôn ngoan và linh thiêng. Nàng không còn là con gái của một nữ thần mà là một đấng thần thánh bí hiểm với những sức mạnh của riêng mình.”

Vâng, trước khi bị lôi tới thế giới u tối tịch mịch của Hades, Persephone không là ai cả, nhưng một khi nàng đã trở thành Persephone thì nàng là Persephone ở mọi cõi giới. Nàng không chỉ cai trị âm phủ, nàng mang đến mùa xuân và hi vọng cho trần gian với vẻ đẹp và phồn thịnh. Mặc dù quyền lực của Demeter, mẹ nàng, không hề bị thay thế, nhưng nàng thực sự đã trở thành người làm chủ đích thực. Khi vạn vật suy tàn thì linh hồn vạn vật thuộc sở hữu của âm phủ, tức của nàng, và cũng chính nàng mang hạt giống của vạn vật nảy nở ở trần gian. Đó là một ẩn dụ ít người nhận ra, nhưng những người phụ nữ muốn tự chủ trong cuộc sống thì cần thấu rõ: Phụ nữ không thể giành được quyền nếu chỉ biết đòi hỏi, quyền lực của phụ nữ đến từ việc phụ nữ sánh vai ngang hàng cùng đàn ông ở thế giới tri thức, không chỉ bằng sự thừa nhận mà bằng những thành tựu được thực hiện theo phương pháp của riêng mình, rồi từ đó gieo các hạt giống tri thức ấy vào cuộc sống để kiến tạo một cuộc sống tươi đẹp hơn.

 

Nắn lại dòng chảy triết học

Trong suốt hơn hai thiên niên kỷ tranh biện triết học, rất nhiều các câu hỏi triết học sâu sắc và oái oăm được đặt ra bởi những người đàn ông đáng kính và cũng có không ít các phương án trả lời không thể khẳng định đúng sai. Đó là thế giới của những “phán quan địa ngục” chưa từng hiểu phụ nữ, luôn dành cho phụ nữ những cái nhìn hoặc thái quá tôn sùng hoặc coi thường hoặc sợ hãi, như thể thế giới triết học không có chỗ cho nữ giới, cũng như chiến tranh hay chính trị vậy. Thế giới triết học dẫu rằng hướng tới sự khách quan nhưng tràn ngập không khí của những lời phán xét, chỉ trích, thậm chí là đầy những mơ mộng lý tưởng tới mức xa rời khỏi thực tiễn. Khi phụ nữ bước vào thế giới kỳ quặc ấy cũng giống với Persephone tỉnh dậy ở âm phủ, câu hỏi đầu tiên cần phải trả lời không phải “đây là đâu”, mà “tôi là ai” – câu hỏi tất yếu sẽ được khơi lên khi rơi vào một môi trường bấy lâu nay được cho là thuộc về ai đó khác nhưng hóa ra lại thân thuộc với mình.

Triết học hóa ra rất hợp với tâm trí của phụ nữ, không phải ở phương pháp duy lý và nguyên tắc khách quan, mà ở tinh thần tò mò, hoài nghi, bất chấp khuôn khổ… – những gì chúng ta thấy ở các cô gái trẻ vẫn chưa bị xã hội nhào nặn. Đó chính là lý do các tác giả của cuốn sách chọn cái tên “Philosophy for girl” chứ không phải “Philosophy for women”. Và hành trình tìm hiểu chính mình chỉ có thể bắt đầu với tinh thần tươi mới không hề bị bóp méo ở các cô gái như Persephone. Nhu cầu hiểu chính mình được đặt ra khi ai đó bị định nghĩa thành một thứ không phải chính họ trong một khoảng thời gian dài tới mức đôi khi họ cũng tự nghĩ bản thân theo khía cạnh ấy để rồi hành xử theo đúng khuôn mẫu ấy. Nhưng dù bị điều hướng theo cách hành xử như vậy, ta vẫn thấy nó không phải bản thân mình, bản thân mình hoàn toàn có thể sẽ tốt hơn, hoặc tốt theo một cách khác. Những cô gái bắt đầu truy vấn về những gì được cho là “tính nữ”, là “đàn bà”, bao gồm các thuộc tính tốt và xấu. Ngay cả những điều tốt được gắn với nữ giới có thể chỉ là điều mà những người đàn ông muốn chứ không phải điều tốt tự thân. Và những điều xấu ở nữ giới thường đến từ cái nhìn thiên kiến được dựng nên bởi các trải nghiệm đau thương của đàn ông. Cả hai thái cực ấy đều không hình thành nên các đặc tính của người phụ nữ nhưng từ lâu lại trở thành một phần của phụ nữ. Trong tiểu luận đầu tiên với tựa đề “Danh Tính: Hiện-là-giữa-thế-gian và Trở nên là”, Meena Dhanda đã đặt ra một nan đề thú vị: “Khi các tấm ván trên con tàu của Theseus cần được sửa chữa, người ta đã thay thế từng phần một, dần dần tới cuối cùng chẳng còn bộ phận nào từ con tàu ban đầu nữa. Thế thì nó có còn là con tàu của Theseus không? Nếu các bộ phận bị loại bỏ lại được sử dụng để đóng một con tàu khác, thì trong hai cái đâu là “Con tàu của Theseus” đích thực?” . Từ đó, một câu hỏi khác được khơi lên, giữa những gì chúng ta được cho là như vậy và chúng ta thực sự là gì có khác nhau không, và liệu chúng ta có cơ hội nào để trở thành điều gì đó tốt hơn chúng ta đang là không? Những câu hỏi ấy, những cô gái trẻ và bất cứ phụ nữ nào cũng đều có thể tìm thấy trong triết học. Trong “Siêu hình học”, Aristotle cho rằng một vật bao hàm cả tự tính và ngoại tính cũng như cả sự biến dịch tới mục đích tốt nhất. Chiều hướng tư duy này không chỉ biểu hiện ở tiểu luận bàn về Danh Tính mà còn xuất hiện trong nhiều tiểu luận khác, đặc biệt khi luận bàn về những biến thể của giới tính hay những lĩnh vực được cho là phù hợp với năng lực của phụ nữ.

Sự xuất hiện của Aristotle trong “Triết học cho con gái” là một hiện tượng thú vị bởi nó cho thấy rằng phụ nữ hoàn toàn có thể vượt qua tự ái do nhận định sai lầm của một người đàn ông để tiếp thu tinh hoa của họ. Trong nhiều thập kỷ của chủ nghĩa nữ quyền, tư tưởng của Aristotle luôn bị phủ nhận và coi là lỗi thời chỉ bởi vì ông đưa ra những kết luận tiêu cực về phụ nữ Sparta trong “Politics”. Sự chống đối Aristotle đi xa hơn thế khi những người phụ nữ chối bỏ năng lực lý trí (mà cụ thể là logic học) của ông và tự hào với năng lực phi lý của mình tới mức đi xa hơn trên con đường phi lý như một hành động mang tính tuyên ngôn cho tính nữ. Đây là một sai lầm của phong trào nữ quyền. Trong tiểu luận “Logic học: Một cách tiếp cận nữ quyền”, Gillian Russell chỉ ra mối quan hệ không hề mâu thuẫn mà còn bổ trợ cho nhau: “Một mặt, logic học là: khía cạnh kỹ thuật và toán học của triết học để nghiên cứu cấu trúc lập luận, và cụ thể là cấu trúc chứa một lập luận bảo toàn được chân lý. Mặt khác, nữ quyền là một phong trào luân lý và chính trị đấu tranh cho bình đẳng giới, mà theo đó địa vị, quyền lực, và các lựa chọn trong cuộc sống của một người không nên bị xác định bởi giới.” Không chỉ Logic học, “Luân Lý học” của Aristotle cũng được Claudia Mills trong tiểu luận “Kiêu hãnh: Phức hợp của Phẩm hạnh và Thói xấu”, Karen Stohr trong tiểu luận “Hiểu bản thân: Tầm quan trọng của suy ngẫm”. Trong cả hai tiểu luận này, học thuyết về phẩm hạnh của Aristotle là cơ sở để lý giải những phản ứng mang tính cảm xúc của phụ nữ hoặc của bất cứ ai để bảo vệ phẩm giá của mình. Phản ứng cảm xúc ấy không phải là cái cớ để quy chụp phụ nữ như những người dễ bột phát.

Triết gia đàn ông tiếp theo được lựa chọn chính là Trang Tử. Trong triết thuyết của mình, Trang Tử đề xướng hành xử vô vi, thuận theo tự nhiên để đạt được tự do tự tại. Cách hành xử này tạo ra một thái cực đối lập với cách hành xử theo khuôn khổ, được định sẵn và mang tính áp đặt vốn được ưa chuộng trong mọi xã hội. Tiểu luận “Ngờ Vực: Hiểu biết và Chủ nghĩa hoài nghi” của Julliane Chung đã mượn triết thuyết vô vi của Trang Tử để luận bàn về hành động. Thông thường, niềm tin vào một ý niệm và các nguyên tắc cho chúng ta cơ sở để nhận định về đúng và sai, từ đó giúp ta phán đoán kết quả của hành động. Sự ngờ vực thường làm suy giảm động lực hành động. Vô vi lại khác, người thực hành vô vi thực hiện hành động một cách khoan thai không cưỡng cầu sau khi suy xét nhiều khả năng và ứng biến linh hoạt. Đây là lối hành động ngược lại với nguyên tắc lên kế hoạch được ưa chuộng trong xã hội phương Tây được vận hành bởi những người đàn ông luôn đeo đuổi các mục tiêu lý tưởng. Ở một tiểu luận khác trong “Triết học cho con gái” có tên “Tzedek – Làm những điều phải được làm”, nhà nghiên cứu triết học Devora Shapiro kể câu chuyện nàng Jael bất chấp lời khuyên của dân làng rằng con gái không hợp với đi săn để dùng mưu trí tiêu diệt con hổ dữ Sicera. Ẩn ngữ được Saphiro giải mã trong câu chuyện không phải là lòng dũng cảm của cô gái trẻ, mà là Tzedek – trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Làm điều phải làm”. Jael không chủ đích cũng không lên kế hoạch trước, nàng chỉ ứng biến thuận theo hoàn cảnh và bằng các giải pháp mềm dẻo như hát cho con hổ nghe, mời hổ dữ vào nhà, chải lông cho hổ… Không có người đàn ông nào trong văn hóa phương Tây được mô tả vừa hát một cách khoan thai và trong trẻo, vừa dùng búa và chông nhọn giết chết con hổ, đó là cách của phụ nữ.

Simone de Beauvoir (1908-1986) là nữ triết gia được đề cập đến nhiều nhất trong “Triết học là con gái”. Dù là một nữ triết gia xuất chúng nhưng bà thường được nhắc đến như người tình của Jean Paul Sartre, người đồng hành với Sartre trong suốt sự nghiệp của ông nhưng từ chối lời cầu hôn của ông mà đưa ra thỏa thuận về một mối tình không ràng buộc giữa hai người. Tư tưởng triết học của Simone de Beauvoir được nhiều thế hệ các nhà tư tưởng nữ quyền tôn vinh và xuất hiện trong hầu hết các bàn luận nữ quyền. Bà viết: “Một người không được sinh ra là một người phụ nữ, mà trở thành một người phụ nữ”. Tuyên ngôn này mang tính thách thức toàn bộ hệ thống xã hội ấn định những gì được xem là tính nữ và tách bạch nó khỏi giới tính nữ thuần túy sinh học, đồng thời là kim chỉ nam dẫn hướng hành động cho các nhà tư tưởng nữ quyền, chỉ cho họ thấy rằng việc hiểu bản thân là mấu chốt để phụ nữ có được tự do. Đây chính là tinh thần xuyên suốt cuốn sách “Triết học cho con gái”, và có lẽ còn bao trùm toàn bộ dự án Persephone Project do Mellissa Shew đề xướng.

Cuộc truy tìm bản thân ẩn dưới lớp trang phục được tạo ra để đạt được sự thừa nhận trong xã hội là một hành trình khó khăn, bởi những gì một cô gái phải đối mặt chính là sự cô đơn, thậm chí là sự phủ nhận của xã hội. Nhưng đó là con đường cần thiết cho mỗi cô gái để tự chủ tạo ra con đường mới cho thế giới. Bởi thế giới đã quá cũ kỹ vào sáo mòn, như âm phủ ảm đạm vật vờ những bóng ma, thế giới cần thêm nhiều câu hỏi, cần thêm nhiều tạo tác theo lối riêng, cần thêm những tư tưởng thách thức, cần những hành động không thể lường trước của những cô gái luôn hoài nghi, bất định, suy xét thấu đáo nhưng ngẫu hứng tựa hồ như bột phát, dễ thấy mà luôn biến dịch. Đó chính là triết học của sự “sâu sắc như cơi đựng trầu.”

Hà Thủy Nguyên

Nữ quyền sinh thái: Trong đại dịch covid, cùng ngẫm về Nữ quyền & Thiên nhiên

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách "Khí Hậu - Câu Chuyện Mới" của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.   Gánh trên lưng vai trò chăm sóc và nuôi dưỡng gia đình, người phụ nữ thường là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề khi dịch bệnh, thiên tai, nạn đói xảy ra. Nhưng cũng bởi lẽ đó, phụ nữ đã và đang đóng vai trò tiên phong, hiệu quả trong

Mưa rào không mây – Osho bàn về chứng ngộ của phụ nữ

Nhi nữ đa tình nguyên thị PhậtAnh hùng mạt lộ bán vi Tăng Thời bé, khi đọc hai câu thơ này, tôi rất tâm đắc, tâm đắc một cách vô thức mà không hiểu vì lẽ gì mình lại thích thú đến thế. Tại sao nữ nhi say đắm vì tình thì đích thị là Phật, còn đấng anh hùng quy ẩn lại chỉ nửa là Tăng, trong khi giáo lý của Đức Phật luôn nhắc nhở các tỳ kheo đừng si mê, đừng bám

Tình dục có mang tính chính trị không?

Cuốn The Right to Sex (Quyền quan hệ tình dục) của Amia Srinivasan, xuất bản vào tháng 9 năm 2021, khám phá không chỉ câu hỏi về tình dục và tình dục thuộc về ai, mà còn cả sự trỗi dậy và tập đoàn hóa của phong trào nữ quyền hiện đại, cùng các chủ đề khác. Một số lập luận của Srinivasan nghe có vẻ bảo thủ một cách đáng ngạc nhiên, nhưng những lập luận khác vẫn bị sa lầy trong quan điểm

Con đường đi tìm chính mình cho nữ giới – Giao lưu với Melissa M. Shew và Kimberly K. Garchar, hai đồng tác giả của cuốn sách Triết học cho con gái

Trong thần thoại Hy Lạp, Persephone chỉ được mô tả thoáng qua như một cô con gái xinh đẹp của nữ thần Demeter đầy quyền lực bị vị thần cai trị cõi âm phủ Hades bắt cóc, rồi sau đó vì đã ăn một quả lựu ở cõi âm mà cả quãng đời sau đó sống cuộc đời xê dịch qua lại giữa hai cõi giới - cõi dương và cõi âm. Nhưng trong câu chuyện đó chúng ta hầu như không biết gì về

Book Hunter

29/02/2024

Y học đối xử với phụ nữ thật kinh khủng

“Thật bàng hoàng và phẫn nộ với cách y học hủy hoại phụ nữ suốt thời gian qua”, Elinor Cleghorn nói. Hippocrates, người lập ra nền y khoa hiện đại, tin rằng phụ nữ bị dạ con của họ điều khiển. Cha đẻ của ngành phụ khoa hiện đại, James Marion Sims, thí nghiệm vào giữa những năm 1800 trên các nữ nô lệ da đen không có thuốc gây tê, tin rằng họ cảm thấy ít đau đớn hơn phụ nữ da trắng. (Cho
le-ai

Lê Ái

23/12/2021