Home Chuyên đề tháng Krishnamurti và câu chuyện mới về giáo dục

Krishnamurti và câu chuyện mới về giáo dục

Bài viết này đơn thuần giống như một ghi chép riêng của người viết về quan điểm giáo dục của J. Krishnamurti trong lúc dịch cuốn “Toàn thể biến dịch của cuộc sống là học tập”. Trước khi dịch tập sách này, người viết chưa từng đọc qua cuốn sách nào của ông. Điều duy nhất mà người viết biết về tác giả là ông không nhận mình là triết gia, chính trị gia hay bậc thầy tâm linh như cách người ta vẫn tôn xưng ông. Ông từ chối tất cả những danh xưng ấy: ông chỉ là ông, với những tư tưởng riêng của mình. Những tư tưởng ấy, dù người ta có cho là chịu ảnh hưởng từ nhiều luồng tư tưởng khác nhau, thì với Krishnamurti đó vẫn là một tư tưởng đứng riêng, là một và là duy nhất, không đi lại lối mòn của bất kỳ lối nghĩ nào trước đó. Vậy thì, giả như bạn lần đầu đọc Krishnamurti và thấy mọi thứ quá mù mờ, quá rối rắm, quá xa lạ, quá khó nắm bắt, thì âu cũng là điều dễ hiểu. Khi dịch cuốn sách nhắc trên, người viết cũng vấp phải những điều đó và đã phải tạm ngưng việc dịch, dành thời gian tìm hiểu Krishnamurti quan niệm thế nào về con đường nhận thức của con người; bởi chưng bất kỳ quan điểm của một ai về một vấn đề cụ thể nào bao giờ cũng khởi phát từ cách người đó quan niệm về thế giới nói chung và về nhận thức nói riêng. Bài viết này do đó cũng được bố cục thành hai phần:
1) Một số vấn đề lõi trong nhận thức luận của J. Krishnamurti
2) Một số vấn đề lõi trong quan điểm giáo dục của J. Krishnamurti

Một số vấn đề lõi trong nhận thức luận của J.Krishnamurti

Phần này không có tham vọng trình bày một cách đầy đủ và chi tiết nhận thức luận của Krishnamurti, và do đó kỳ vọng có được một bức tranh toàn diện nhất về thế giới quan của tác giả từ những ghi chép ngắn này càng là không tưởng. Tuy nhiên, người viết vẫn cố gắng trình bày những điều mà người viết cho là vấn đề lõi trong quan điểm của Krishnamurti về nhận thức.
Dù muốn dù không, Krishnamurti vẫn là một nhà tư tưởng, thậm chí là một triết gia. Chỉ có điều, Krishnamurti không chủ đích trình bày tư tưởng của mình như một học thuyết; ông chú trọng nhiều hơn đến việc áp dụng vào thực tiễn. Hệ thống và phương pháp của ông nếu có thể cấu thành một học thuyết (hay cả một trường phái) hoàn chỉnh đều là do những tìm sâu của những người theo ông. Nhưng dù là thế thì trong các lời dạy của mình, Krishnamurti vẫn khởi đi từ các khái niệm căn bản về nhận thức luận theo những kiến giải của riêng ông; và mọi vấn đề khác đều được ông giải quyết dựa trên những khái niệm này. Do đó, “một số vấn đề lõi” trước hết nên được hiểu là một số khái niệm lõi trong nhận thức luận của J. Krishnamurti.

Bài đầy đủ: Toàn thể biến dịch của cuộc sống là học tập – J. Krishnamurti – Book Hunter Lyceum

Chân lý

Khi bàn về Chân lý, Krishnamurti từng nhận định:

“Tôi quả quyết rằng Chân lý là một lục địa không có con đường và bạn không thể tiến đến đó bằng bất kỳ con đường nào, bất cứ tôn giáo nào, bất kỳ giáo phái nào. Đấy là quan điểm của tôi và tôi giữ vững quan điểm ấy một cách tuyệt đối và vô điều kiện.”

Krishnamurti không muốn nói Chân lý thì không thể tri nhận, dù bằng bất kỳ cách thức hay con đường nào; vì nếu như thế thì Krishnamurti đã đứng về phía thuyết bất khả tri và thậm chí là cả thuyết hư vô, từ đó Krishnamurti tự mâu thuẫn với chính mình. Nhưng trong thực tế ông nhìn nhận cuộc sống này có ý nghĩa, và ông có đề ra cách thức để thấu đạt được ý nghĩa đó. Với Krishnamurti, để đạt được Chân lý thì không có một con đường cụ thể và duy nhất dành cho hết thảy mọi người, và mỗi một người đều có con đường riêng. Ông bác bỏ các tôn giáo, giáo phái, thể chế và các kiểu uy quyền khác vì những thứ uy quyền này đều tự cho mình là con đường thấu đạt Chân lý một cách hữu hiệu nhất. Ông đề ra một con đường riêng, khởi đi từ chuyện phải thừa nhận rằng đạt đến Chân lý thì không có một con đường chung. Trước khi nói đến con đường ấy, điều đầu tiên phải giải quyết là theo Krishnamurti, Chân lý là gì.

Krishnamurti chưa một lần định nghĩa Chân lý theo cách giống như các triết gia và các nhà tư tưởng đã làm. Nhưng rải rác trong các đối thoại của ông, người ta vẫn nhận ra được một suy tư thống nhất. Với Krishnamurti, Chân lý chính là thực tại, là cái thực sự là và đang diễn ra ngay lúc này và ở đây; trong đó thực tại chính là cuộc sống của mỗi một người xét như một cái toàn thể và không bị chia tách. Krishnamurti mô tả cụ thể hơn như sau: một là cuộc sống xét như cái toàn thể trong chính nó, nghĩa là có sự hoà hợp giữa đời sống nội tâm và thể lý; hai là cuộc sống xét như cái toàn thể trong các mối quan hệ ngoài nó, là với những người khác và với thiên nhiên. Ngoài ra, thực tại/cuộc sống ấy phải là cái ngay lúc này, chứ không phải là những gì đã xảy ra hay sẽ đến. Cái hiện tại Krishnamurti nói ở đây là hiện tại vĩnh cửu (chứ không phải thứ hiện tại nhất thời, chỉ là nhịp cầu nối quá khứ với tương lai), vốn là một hiện tại sống động và liên tục chuyển động; nói theo René Fouère thì hiện tại đó là “cái tổng số chung của quá khứ” và “tương lai chỉ là chiều sâu của hiện tại […] Đây là điều đúng thực trong mỗi khoảnh khắc hiện tại.” Với Krishnamurti, Chân lý chính là mỗi một và tổng hoà khoảnh khắc hiện tại ấy. Và bao lâu chúng ta còn có thể nhận biết được thực tại/cuộc sống/hiện tại một cách toàn thể như thế thì ta mới có thể tiệm cận đến Chân lý.

Kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống, thói quen, v.v.

Chính cách hiểu trên về Chân lý cho ta một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống và một ý nghĩa hoàn toàn khác về các kinh nghiệm/trải nghiệm trong cuộc sống. Trong các đối thoại của mình, Krishnamurti liên tục nhắc người đối thoại cần phải nỗ lực nhìn ra: cuộc sống của chúng ta liên tục bị giới hạn hay bị quy định trong cái hiện tại nhất thời, mà thực chất là trong quá khứ. Cái quá khứ ấy được nhân loại mã hoá và đặt cho những tên gọi khác nhau, như kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống, thói quen, v.v.. Tất cả những thứ này, theo Krishnamurti, đều giống nhau ở một điểm: đó đều là những cái ta đã biết (the known) và luôn có một hay nhiều thẩm quyền (authority) xác nhận. Thẩm quyền này có thể là một chuyên gia, một tu sĩ, hoặc một tôn giáo, một thể chế, một trường phái. Bất kỳ đối tượng nào đặt ra các yêu sách cho chúng ta thì đều là một thẩm quyền. Các thẩm quyền sẽ xác nhận và quy định những gì ta cần phải biết để có thể đóng góp cho xã hội. Ở đây nảy sinh ra hai vấn đề: một là cái ta phải biết chỉ gồm những gì thuộc về quá khứ, nó đã bỏ qua hiện tại sống động, nói cách khác, nó chỉ là một phần thực tại và do đó không là Chân lý; hai là cái ta phải biết ấy lại phải tương thích với ý chí của các thẩm quyền, như vậy nó không phản ánh Chân lý nhưng phản ánh lập trường của một hay một nhóm người. Ngoài ra, kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống, thói quen, v.v. không bao gồm những gì ta không biết (the unknown). Như vậy thì chúng rất hạn hẹp.

Krishnamurti bác bỏ kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống, thói quen, v.v. trong tư cách là con đường chủ đạo của việc truy cầu Chân lý. Xin lưu ý: ông không bác bỏ những thứ ấy, nhưng chỉ không công nhận chúng là con đường duy nhất truy cầu Chân lý. Đằng khác, ông lại mời gọi mọi người cần sử dụng chúng một cách vừa phải và hoà hợp.

Ý nghĩ

Krishnamurti không chỉ vạch ra được bản chất của kiến thức và những thứ tương tự. Ông còn đi xa hơn khi cho thấy những thứ ấy đã gây hại thế nào đến từng cá nhân và cả nhân loại. Câu chuyện của nhân loại trước giờ là dùng kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống, thói quen, ý thức hệ, v.v. để phân chia thế giới và từ đó gây ra đau khổ triền miên. Câu chuyện ấy diễn ra trước hết là trong ý nghĩ của mỗi người, sau mới đến hành động. Krishnamurti nói ý nghĩ là “phản ứng của ký ức mà con người có được từ nhiều trải nghiệm […] được lưu giữ lại trong não như là kiến thức.” Ta có thể diễn đạt lại thế này: ý nghĩ, vốn phản ánh thực tại trong tâm trí mỗi người, lại vận hành tuỳ thuộc vào trải nghiệm, kiến thức, tức là dựa theo quá khứ. Như thế, ý nghĩ của mỗi người chẳng có gì là chính xác. Và lại càng không chính xác khi nhân loại chỉ dựa vào ý nghĩ để làm chủ và vận hành thế giới. Chính ý nghĩ là thứ đã sản sinh ra đủ loại chủ nghĩa; và không có một loại chủ nghĩa nào lại không phân chia thế giới thành hai phần rõ rệt: tôi/chúng tôi và anh/các anh. Sự phân chia ấy đặt thế giới luôn ở trong tình trạng đối kháng; mối quan hệ giữa người với người và giữa người với vũ trụ giờ đây chỉ còn là khổ đau.

Đến đây ta có thể tạm xâu chuỗi lại thế này: con đường đạt đến Chân lý không chỉ có một, nhưng mỗi người đều có một lối nẻo riêng. Tuy nhiên, lịch sử nhân loại bấy lâu cho thấy con người luôn phạm sai lầm và xa rời Chân lý. Họ tự cho rằng chỉ họ và những người theo họ mới có thể đạt được Chân lý. Kiến thức mà họ tạo lập đã giới hạn ý nghĩ, từ đó phân chia thế giới thành những phần nhỏ và xung đột nhau. Theo Krishnamurti, con đường đạt đến Chân lý tuy nhiều nhưng đều khởi đi một điểm cơ bản này: mọi người cần được đánh thức trí thông minh để nhận chân được cuộc sống một cách toàn thể.

Trí thông minh

Nếu ý nghĩ chỉ có thể phản ánh và bị giới hạn bởi quá khứ, cái đã biết, tức là kiến thức, trải nghiệm, v.v. thì trí thông minh, theo Krishnamurti, là “khả năng nhận biết cái toàn thể” và trong trí thông minh thì giác quan, cảm xúc và trí năng hoạt động hài hoà với nhau, không bị tách rời. Ta có thể hiểu rõ hơn về khái niệm này qua đoạn đối thoại sau giữa Krishnamurti và triết gia David Bohm:

DB: Thật thú vị, từ này [trí thông minh/intelligence] xuất phát từ inter và legere có nghĩa là ‘đọc giữa.’ Vì vậy, theo tôi, ông có thể nói rằng suy nghĩ giống như thông tin trong một cuốn sách và trí thông minh phải đọc ý nghĩa của nó.
K: Đọc giữa các dòng.
DB: Phải, để xem nó có nghĩa gì. Ngoài ra, từ điển còn cung cấp một ý nghĩa liên quan nữa, đó là sự tỉnh táo của tinh thần.
K: Phải, sự tỉnh táo của tinh thần.
Đoạn đối thoại này có thể cho phép ta diễn đạt lại một chút cách mà Krishnamurti đã nói về trí thông minh. Đó là khả năng đọc ra được một cách tỉnh táo những gì ẩn chứa bên trong mọi sự vật và sự việc. Một cách tỉnh táo – rồi ta sẽ thấy, đó là một cách nói khác của “một cách tự do.”

Tự do

Khi nói đến tự do, bao giờ Krishnamurti cũng cảnh giác trước hai lối hiểu phổ biến hiện nay về từ đó. Lối hiểu thứ nhất cho rằng tự do là được làm mọi sự theo ý muốn, đến độ buông tuồng và vô kỷ luật. Đó thực chất không phải là tự do, nhưng là sự lệ thuộc vào các ham muốn và phớt lờ các trách nhiệm với bản thân, người khác và vũ trụ. Lối hiểu thứ hai cho rằng tự do là được thoát khỏi một tình trạng nô lệ nào đó, chẳng hạn như được tự do khỏi nạn apartheid. Thực chất đây chỉ là sự chuyển dịch từ tình trạng bị thống trị này sang tình trạng bị thống trị khác. Người ta cố gắng trốn chạy một xã hội áp bức để được tự do, nhưng khi đã thoát rồi, họ tiếp tục dựng lên các thẩm quyền để kiểm soát xã hội.

Krishnamurti bác bỏ cả hai kiểu tự do đó. Với ông, tự do là khả năng “hiểu được toàn bộ quá trình của cái tôi, mà không chỉ đạo quá trình đó” cũng như không bị một thẩm quyền nào khác chỉ đạo. Tự do này là được thoải mái làm mọi điều mình muốn, nhưng là quy hướng vào bên trong để thấu hiểu bản thân. Tự do này còn là không chỉ đạo/thống trị cũng như không bị chỉ đạo/bị thống trị. Được tự do như thế, ta mới không bị các loại thẩm quyền chi phối thông qua kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống, v.v.; và như thế là ta có thể tỉnh táo nhận chân được ý nghĩa bên trong bản thân và mọi sự.

Chúng ta vừa điểm qua năm vấn đề lõi trong nhận thức luận của Krishnamurti. Ta có thể tóm kết ngắn gọn thế này: Chỉ khi đánh thức được trí thông minh, ta mới được tự do hiểu biết bản thân và thế giới trong cái toàn thể; từ đó mà có thể thấu đạt được chân lý. Và cách thức hữu hiệu nhất để đánh thức trí thông minh chính là giáo dục.

Tìm hiểu thêm: Bộ 3 tác phẩm bàn về giáo dục của Krishnamurti – Book Hunter Lyceum

Một số vấn đề lõi trong quan điểm giáo dục của J.Krishnamurti

Nhiệm vụ, mục tiêu và nguyên tắc của giáo dục

Trong các lá thư gửi cho các trường học được ông thành lập, Krishnamurti đã nói lý do hiện hữu của những trường học này chính là để đánh thức trí thông minh của con người. Với ông, đó chính là nhiệm vụ cao quý của cả nền giáo dục. Ông đã diễn tả nhiệm vụ này thành ba mục tiêu chính sau đây, mà ta có thể đọc thấy rải rác ở tất cả các cuộc đối thoại của ông về vấn đề giáo dục:
+ giúp người học khám phá ra những vẻ đẹp của cuộc sống ẩn chứa bên trong văn hoá, tôn giáo, kiến thức;
+ giúp người học nhận biết được các vấn đề thể lý và tinh thần của bản thân;
+ giúp người học phát triển trong tình yêu và điều thiện.
Ông cũng lưu ý rằng đang khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục đó, các trường học của ông và các thầy cô tham gia giảng dạy tại những trường học cần phải luôn nhớ đến nguyên tắc cốt lõi và duy nhất này: xem mỗi một người học là một hiện hữu toàn thể trong chính bản thân người học và trong mối quan hệ giữa người học với tha nhân và với thiên nhiên.

Định hướng giáo dục

Trong phần này, người viết tạm dùng từ “định hướng” với nét nghĩa những hướng đi cụ thể. Nói cách khác, nền giáo dục cần thực hiện những việc này trong thực tế để có thể đạt được ba mục tiêu nhắc trên. Phần này tạm trình bày bốn định hướng mà người viết cho là quan trọng nhất, được Krishnamurti nhấn mạnh nhiều lần.

Trường học

Krishnamurti nói trường học là “nhà của học sinh.” Đây không phải là một khẩu hiệu mà ta vẫn nghe và thấy trong các trường học tại Việt Nam. Khi nói như thế, ông muốn trường học phải là nơi “học sinh được bảo vệ về mặt thể lý, được chăm sóc và được tự do.” Đó còn là nơi “học sinh thấy hạnh phúc” và là nơi “dạy nghệ thuật học tập.” Với những mô tả này, ta thấy Krishnamurti dứt khoát loại bỏ mọi thứ thẩm quyền trong trường học. Vì nếu còn dung dưỡng cho bất kỳ thẩm quyền nào tồn tại, kể cả thẩm quyền của giáo viên, của sách giáo khoa, của thi cử, của xếp hạng, của đánh giá, thì học sinh sẽ không bao giờ thấy an toàn và được tự do. Trường học, ấy là nơi học sinh được tự do quan sát bản thân, được tự do bộc lộ con người mình, được tự do học biết mọi thứ. Nhưng làm sao có thể loại bỏ hết mọi thẩm quyền, hầu làm cho trường học thực sự là nhà của học sinh?

Nhà giáo dục

Để trường học trở thành nhà của học sinh, mọi sự phải bắt đầu từ chính các nhà giáo dục, gồm cả ban giám hiệu, các thầy cô và phụ huynh học sinh. Krishnamurti luôn đặt nhà giáo dục bình đẳng với các học sinh, không phải theo kiểu đồng vai phải lứa, nhưng theo nghĩa là cả nhà giáo dục hay học sinh đều là những người học. Krishnamurti chất vấn: “Là nhà giáo dục bạn chẳng có chút địa vị nào; bạn là một con người bình thường, gánh trên vai mọi vấn nạn cuộc sống, giống như học sinh vậy.” Ai cũng có những vấn đề riêng của mình. Như thế, nhà giáo dục “cũng cần được giáo dục như học sinh.” Bên cạnh đó, vì chức năng của nhà giáo dục là giúp học sinh trở nên một con người toàn diện, nên trước tiên chính nhà giáo dục phải “hiểu được trọn vẹn bản chất và cấu trúc của ký ức, là phải quan sát thấy được các giới hạn của ký ức, là phải giúp học sinh nhận ra được giới hạn ấy.”

Hành vi Học

Cả nhà giáo dục và học sinh đều phải học. Nhưng học là gì và học để làm gì? Krishnamurti giải thích rằng học là “quan sát thuần tuý, và sự quan sát này không thể thực hiện được trong những giới hạn của ký ức.” Để hiểu được mô tả này, ta cần quay trở về với những gì Krishnamurti nói về kiến thức. Quan niệm thông thường của đại đa số chúng ta đều khẳng định, học là quá trình tiếp thu kiến thức thông qua sách vở và thực hành. Nhưng với Krishnamurti, vì kiến thức bị giới hạn nên học theo cách đó cũng sẽ giới hạn và khuôn định tâm trí người học. Việc duy nhất chúng ta làm trong việc học theo cách này, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là việc tiếp nhận một quá khứ mà bỏ quên một hiện tại sống động và vĩnh cửu, là một hiện tại liên tục chuyển động. Do đó, khi mô tả hành vi học là hành vi quan sát thuần tuý, Krishnamurti muốn xác định: 1) đối tượng của hành vi học là hiện tại sống động (chứ không chỉ là quá khứ); và 2) quan sát liên tục sẽ giúp nắm bắt được hiện tại đó. Do đó mà Krishnamurti nói “Toàn thể biến dịch của cuộc sống là học tập.”
Bên cạnh đó, học không phải là để thoả mãn nhu cầu xã hội, tức không phải là để có được một công việc ổn định. Có lẽ mỗi người trong chúng ta đã ít nhất một lần chứng kiến một hay nhiều người quen biết của mình phải vật vã thế nào trong việc chọn trường học, chọn ngành học, rồi phải đổi ngành, đổi trường, sau đó làm không đúng việc và liên tục bị giày vò bởi những chuyện như thế. Đó là một kiểu nô lệ – nô lệ cho các mong muốn và nhu cầu xã hội, đến độ đánh mất mình. Krishnamurti xác nhận lại: học là để hiểu biết chính mình và mọi biến dịch của cuộc sống. Phải xác định đúng đối tượng và mục đích học thì mới có thể bàn tiếp đến nội dung học.

Nội dung học

Việc quan sát liên tục để có thể nắm bắt được hiện tại sống động, dĩ nhiên là không dễ dàng. Theo lý giải của Krishnamurti, đó là do chúng ta đã bị quy định trong văn hoá, truyền thống, kinh nghiệm, lại còn bị các loại thẩm quyền kiểm soát. Đứng trước tình thế này, Krishnamurti đã đề nghị cho chúng ta nhiều điều cần tập để có thể được tự do quan sát hiện tại. Ở đây người viết chỉ trình bày ngắn gọn ba nội dung mà người viết cho là cơ bản nhất.

+ Chú tâm. Học sinh cần học chú tâm, vì nếu không học sinh, tức là chúng ta, sẽ không thể nhận ra được những chuyển động tinh tế của hiện tại bên trong mình và bên ngoài thế giới. Chú tâm, đó là “trạng thái tâm trí không có căng thẳng.” Krishnamurti phân biệt chú tâm với tập trung: tập trung là “vận dụng hết năng lượng chú ý vào một điểm cụ thể nào đó” và ta phải chịu một cương lực nhất định khi tập trung, trong khi chú tâm thì không có điểm chú ý nào và ta được ở trong trạng thái thanh nhàn. Chỉ khi ấy, “tâm trí mới có thể học, không chỉ khoa học, lịch sử, toán học mà còn cả chính con người mình.”

+ Tận tuỵ. Sự chú tâm đúng nghĩa sẽ đưa đến sự tận tuỵ, là khả năng “chăm lo, thao thức, quan sát và [có] một cảm thức sâu sắc về tự do.” Sự tận tuỵ không hướng đến lợi ích cá nhân, và nếu có thì theo Krishnamurti, đó là sự khinh suất, vô cảm. Sự tận tuỵ thực sự thì giải thoát ta ra khỏi những bận tâm của bản thân, giúp ta ngay lập tức đối mặt và giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh.

+ Trách nhiệm và cộng tác. Nguyên tắc giáo dục cốt lõi của Krishnamurti trình bày cho ta biết rằng: mỗi một người cần được đặt trong tương quan với chính mình, với người khác và với thiên nhiên. Theo Krishnamurti, cuộc sống chính là sự tổng hoà các mối quan hệ. Ta thấy ở đây có một logic: chú tâm sẽ sinh ra tận tuỵ, và tận tuỵ thì luôn hướng ra bên ngoài. Nghĩa là, chú tâm và tận tuỵ sẽ vun đắp tinh thần trách nhiệm và cộng tác với người khác và cả với thiên nhiên nữa.

***
Trên đây là những ghi chép của riêng người viết. Trong suốt quá trình ghi chép này, người viết đã cố gắng đứng trên lập trường của Krishnamurti để cố gắng hiểu được những gì ông trình bày và diễn giải. Có thể nói khác đi rằng người viết đã nỗ lực đối thoại với Krishnamurti thông qua một số cuốn sách của ông. Và dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc người viết hiểu đúng và hiểu đủ tư tưởng của ông; càng không có nghĩa là những ghi chép trên đây là chính xác. Phải thừa nhận rằng, người viết không hoàn toàn đồng ý với Krishnamurti (nói đúng hơn, có thể chưa hiểu được tường tận). Và Krishnamurti trấn an những người đối thoại với ông (trong đó có người viết), rằng đừng dễ dàng chấp nhận những điều ông nói mà phải liên tục quan sát hiện tại đang liên tục biến dịch trong chính mình và trong thế giới. Có lẽ tinh thần cốt lõi trong tư tưởng của ông nói chung, và trong quan điểm của ông về giáo dục nói riêng, là thế?

Và còn một điều nữa, người viết vẫn lăn tăn, có lẽ bạn đọc cũng thế: trong thực tế, quan điểm giáo dục của Krishnamurti đã được áp dụng thế nào trong các trường học của ông?

Còn về phần bạn đọc, nếu bạn đọc là nhà giáo dục, bạn có thể bắt đầu bằng việc đặt lại vị trí của mình ở ngang hàng với học sinh/con em mình. Bạn có thể chủ động loại bỏ vai trò uy quyền truyền đạt kiến thức của mình, để trở nên một người bạn với các em; và cùng với các em học biết bản thân và cuộc sống.

Nếu bạn đọc là người học (và nên nhớ: nhà giáo dục cũng phải học), bạn có thể bắt đầu bằng việc đừng đề cao việc thủ đắc kiến thức (và điểm số lẫn bằng cấp); thay vào đó, bạn có thể tập chú tâm trong từng cái bạn thấy, bạn nghe, bạn ngửi, bạn nếm, bạn chạm, bạn cảm và bạn làm. Từng chút một như thế, có lẽ trí thông minh của chúng ta sẽ được đánh thức.

Quách Đình Quốc Trọng

MUÔN NẺO CÁI HỌC NGOÀI CHÍNH THỐNG

Do những thiếu sót của hệ thống giáo dục chính thống, từ những học sinh – sinh viên cho đến các bậc phụ huynh đều hoang mang tìm đủ các phương pháp học, các trung tâm, các sách hướng dẫn kỹ năng… những mong xây dựng cho mình một tay nghề để có thể vững bước vào đời. Tuy nhiên, khi bước chân ra khỏi hệ thống giáo dục chính thống, một người muốn tìm cho mình một hướng học tập đúng đắn cũng không
le-nam

Lê Nam

13/09/2017

Sự lỡ hẹn của Giáo dục Montessori

Phương pháp của bà ấy là dành cho công chúng. Và thế rồi bỗng dưng nó trở thành một đặc ân. Khi con gái tôi còn nhỏ, tôi sống trong một ngôi nhà cách căn hộ của chúng tôi vài dãy nhà — một ngôi nhà nhiều tầng theo phong cách Tudor, với trang trí màu đỏ và một ống khói bằng gạch và một sân chơi toàn bằng gỗ. Cửa sổ tầng một bị che khuất bởi những bụi cây cao xanh không tưởng,

Tô Lông

11/06/2022

Phỏng vấn Asa Wikforss về thách thức của giáo dục và dân chủ trong thời đại tin giả

Nhân dịp ngày Quốc tế Dân chủ 15/9, Book Hunter đã thực hiện cuộc phỏng vấn tác giả Asa Wikforss, tác giả của cuốn sách "Dữ Kiện Lấp Lửng" (Book Hunter & NXB Đà Nẵng, 2023) - một cuốn sách về những thách thức mà nền tri thức phải đối mặt trong thời đại Tin Giả (fake news). Åsa Wikforss có bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Columbia, New York và là Giáo sư Triết học tại Đại học Stockholm. Bà có sự

Book Hunter

14/09/2023

Krishnamurti bàn về giáo dục: “Một khi bạn bắt đầu học thì không có kết thúc cho việc học”

Bạn biết đấy, bạn sống ở một trong những thung lũng đẹp nhất mà tôi từng thấy. Có một bầu không khí đặc biệt tại đây. Bạn có chú ý không, đặc biệt là vào các buổi tối và sớm tinh mơ, một sự tĩnh tại thấm sâu vào thung lũng? Tôi tin quanh đây có những ngọn đồi xa xưa mà con người chưa hủy hoại chúng, và bất cứ nơi nào bạn đi qua, ở thành phố hay đâu đó khác, con người

Chat với AI (2): Kết hợp Aristotle & Osho để hướng đến mô hình giáo dục hoàn hảo

Tiếp theo chuỗi Chat với AI, Book Hunter thực hiện một cuộc hỏi đáp kỳ thú về quan điểm giáo dục của Aristotle và Osho. Trong nhiều bài nói chuyện, Osho đưa ra nhiều chỉ trích quan điểm giáo dục và công cụ tư duy của Aristotle, điều này dẫn đến nhiều tín đồ của Osho lên tiếng phê bình gay gắt quan điểm của Aristotle. ChatGPT đã đưa ra những kiến giải xuất sắc về sự khác biệt cũng như đồng thuận trong quan

Book Hunter

05/02/2023