Home Học Sai lầm mang tính lịch sử của hệ thống giáo dục phổ cập

Sai lầm mang tính lịch sử của hệ thống giáo dục phổ cập

Trong nhiều năm ròng rã, các bài viết cả chính thống và phi chính thống đả kích nền giáo dục nhiều tới nỗi người dân không còn tin vào nền giáo dục nữa. Năm nào cũng thế, không chuyện đề thi có nhiều vấn đề nực cười do người ra đề thiếu kiến thức, lại đến những vụ việc bạo lực học đường mà chúng ta tưởng như không thể xuất hiện trong thời đại mà truyền thông lúc nào cũng ra rả về quyền trẻ em…; thậm chí trầm trọng hơn, những kiến thức mà học sinh, sinh viên tiếp nhận trong khoảng thời gian từ 12- 17 năm học và có thể hơn thế nữa là không thiết thực, còn chưa nói đến việc chúng có thể lỗi thời và sai lệch. Nhiều nhà bình luận xã hội cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lỗi ở chính phủ, lỗi của Bộ giáo dục, lỗi của xã hội… nhưng ở bài viết này, tôi sẽ đi vào một nguyên nhân khác, một sai lầm bắt rễ từ cách đây hơn 200 năm ở phương Tây rồi nảy mầm, bành trướng từ bãi phân hủy của nền giáo dục Nho giáo tại Việt Nam; và lại được tưới tắm bởi nhận thức lệch lạc, cực đoan tồn dư của nền giáo dục thực dân. 

200 năm lây lan của nền giáo dục đại chúng

Các cuộc Cách mạng tư sản và Cách mạng Công nghiệp ở thế kỷ 17, 18 đã tạo ra một thay đổi toàn diện ở xã hội phương Tây. Trước đó, môi trường học thuật là môi trường của nhà thờ và quý tộc, nơi những học giả và sinh viên của họ có thể tìm tòi, nghiên cứu, trao đổi trong các thư viện, trường đại học, viện hàn lâm… Những đứa trẻ sớm được gửi tới các xưởng nghề để học từ các nghệ nhân tùy theo năng lực và mối quan hệ gia đinh. Đây là mô hình giáo dục và đào tạo được hình thành từ Athens cổ đại và kéo dài cho tới cuối Phục Hưng. Khi quyền lực của nhà thờ và quý tộc cũ bị đánh đổ bởi Cách mạng tư sản và Cách mạng công nghiệp, các chính trị gia và các triết gia Khai Sáng đã mong muốn tạo nên một cải cách toàn diện, tạo ra những con người mới hoàn toàn, và họ ý thức rằng họ cần xây dựng một nền giáo dục kiểu mới – giáo dục phổ cập (compulsory education).

Trên thực tế, giáo dục phổ cập không phải quỷ dữ để tiêu diệt tính cá nhân của con người, giáo dục phổ cập ban đầu được cổ vũ để mang đến tự do và bình đẳng cho các công dân. Học thuật và tri thức không nên là đặc quyền của nhà thờ và tầng lớp quý tộc mà phải cho những người ở tầng lớp khác cơ hội được tiếp cận. Hình thức giáo dục phổ cập đầu tiên ở phương Tây hiện đại chính là từ Phong trào Kháng Cách khi các trường tiểu học trở thành bắt buộc, để mỗi người dân có thể tự đọc Kinh Thánh thay vì nghe lời rao giảng từ giáo hội. Chương trình phổ cập bắt buộc này là một phần của phong trào chính trị chống lại giáo hội mà Martin Luther kêu gọi (1). Ban đầu, chương trình giáo dục phổ cập chỉ dành cho nam sinh, nhưng từ năm 1592, vùng Zweibrücken trở thành lãnh thổ đầu tiên thực hiện giáo dục bắt buộc cho cả trẻ em trai và gái (2). Như vậy, ban đầu hệ thống giáo dục phổ cập chỉ nhằm mục đích hướng dẫn cho người dân biết các kỹ năng đọc và viết.

Đến thế kỷ 17, John Amos Comenius đã đề xuất một hệ thống lý thuyết về giáo dục phổ cập và hệ thống này là nền tảng cho giáo dục hiện đại. Khái niệm “giáo dục phổ thông” (universal education) được ông đề cập đến trong tác phẩm “Didactica Magna”, và ông mô tả một nền giáo dục bình đẳng cho các trẻ em nghèo và phụ nữ; một nền giáo dục dựa trên tư duy logic chứ không phải sự lặp đi lặp lại một cách máy móc và đần độn mà lối giáo dục phổ cập trước đó đang sử dụng; phương pháp để trẻ em có thể nhận thức toàn diện về thế giới xung quanh; và quan trọng hơn đó là cơ sở để mỗi người có thể tự học cả đời. Ông còn là người đầu tiên phát minh ra lối viết sách giáo khoa với các hình minh họa trực quan để giúp học sinh hiểu bài hơn. Những đóng góp của John Amos Comenius có lẽ đã truyền một cảm hứng lớn lao để thúc đẩy một nền giáo dục đại chúng cho dù nền giáo dục đại chúng về sau dường như không đạt được những mục đích mà ông đưa ra.

Giáo dục đại chúng có một bước biến chuyển lớn dưới thời Catherine II tại Nga ở thế kỷ 18. Catherine II sử dụng Ivan Betskoy làm cố vấn giáo dục, ông này đã đề xuất một chương trình giáo dục mới cho trẻ em Nga để tạo ra “một chủng tộc mới”, “những công dân mới”. Ông đề xướng thay thế lối đào tạo chuyên ngành bằng lối giáo dục phổ cập. Nếu giáo dục phổ cập hay phổ thông trước đó được phát triển hoàn toàn tự phát bởi các nhà lý tưởng hoặc các nhà hoạt động xã hội thì với chủ trương  của Betskoy đã đưa giáo dục phổ cập trở thành bắt buộc với quy mô lớn. Trước đó, mặc dù chương trình phổ cập đọc – viết đã được thực hiện tại Đức nhằm phục vụ phong trào chính trị của Kháng Cách nhưng chỉ ở quy mô một địa phương nhỏ, thì bấy giờ, dưới triều đại của Catherine II, đã được phổ biến rộng rãi (3). Bắt đầu từ đây, mô hình giáo dục với mục tiêu “tạo ra công dân mới” này đã lan sang các nước như Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Anh, Mỹ… và lan rộng khắp thế giới.

Việc tạo ra các “công dân mới” nhằm phục vụ cho mô hình chính trị mới là điều cần thiết với các chính phủ, nhưng có thực sự cần thiết với toàn thể dân chúng hay không? Đây là mâu thuẫn lớn trong các tranh luận về triết học giáo dục. Rốt cuộc giáo dục là để tạo cơ sở cho mỗi người có thể phát triển cá nhân hay là công cụ để phục vụ chính trị? Việc các chính phủ tham gia vào giáo dục đã triệt tiêu các cơ hội để phát triển cá nhân của mỗi người mà thay vào đó là biến trường học trở thành các “doanh trại huấn luyện công dân”, có phần nào giống cách người Sparta đào tạo mỗi đứa trẻ thành một người lính, để mỗi con người đều trở thành công cụ của các nhà nước. Và thế là giáo dục đại chúng trở thành một thứ hỗn hợp giữa giáo dục bắt buộc biến người ta thành công cụ với lý tưởng về giáo dục phổ thông để tạo ra những con người có tri thức. Xu hướng này khi gặp đúng thời Cách mạng công nghiệp với số lượng công nhân tại các đô thị tăng cao thật chẳng khác nào như “cá gặp nước”. Các kiến thức phổ thông được giản lược và đại trà hóa, giảng dạy trong các ngôi trường, bởi các giáo viên được đào tạo theo đúng cách ấy, nhằm tạo ra hết thế hệ này đến thế hệ khác các “nô lệ kiểu mới” cho xã hội công nghiệp với nhãn hiệu mỹ miều “công dân”.

Việc vận dụng giáo dục phổ thông ở thế kỷ 19, 20 thực sự là một sai lầm. Chương trình giáo dục của John Amos Comenius rất toàn diện và xuất sắc, rất tiến bộ, nhưng khi áp dụng với số đông thì nó gặp phải rất nhiều trở ngại. Không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng tiếp nhận toàn bộ các kiến thức về thực tại xung quanh chúng và trình độ tư duy của các đứa trẻ là không thể đồng đều. Tuy nhiên, việc đại trà hóa giáo dục phổ thông đã khiến chương trình học tạo ra áp lực trở thành “siêu nhân” đối với mỗi học sinh và giáo viên. Các học sinh đến trường phải nỗ lực hoàn thiện các bài kiểm tra của từng môn để sao cho mình đủ điểm lên lớp, để sánh ngang với bạn học, để không bị người lớn coi như đồ phế thải của xã hội. Cơ hội cho mỗi đứa trẻ được tiếp cận tri thức là văn minh và tiến bộ, nhưng áp đặt các tiêu chuẩn cao vốn chỉ phù hợp với môi trường hàn lâm cho tất cả học sinh lại là sai lầm. Một đứa trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian để cố gắng biến mình thành học giả trong khi lại thiếu đi các kỹ năng chuyên ngành khác để làm việc thực tế ngoài xã hội. Như vậy, một hệ thống giáo dục phổ thông, phổ cập, bắt buộc và còn khiếm khuyết lại trở thành một chế độ chuyên chế, hạn chế cơ hội phát triển cá nhân một cách bình đẳng.

Nếu các bạn cho rằng tình trạng vừa kể trên chỉ có ở Việt Nam thì có phần không chính xác, đó là vấn đề chung của giáo dục thế giới mà ngay cả một nền giáo dục lớn như Hoa Kỳ với tính thực dụng cao cũng không tránh khỏi. Mới đây, năm 2010, một bộ phim có tên “Waiting for “Superman” của Davis Guggenheim đã cho chúng ta thấy nền giáo dục Mỹ cũng thiếu vắng sự bình đẳng do chính những tiêu chuẩn của giáo dục phổ thông. Một bộ phim tài liệu của Arghentina có tên “La Educación Prohibida” (2012) (Tên tiếng Việt: Một nền giáo dục cấm đoán) cũng cho ta thấy nền giáo dục phương Tây với những ngôi trường đóng kín như nhà tù, sự khắc nghiệt của giáo viên, những chương trình học nặng nề thiếu tính thiết thực.

>> Tìm hiểu thêm: Bộ phim “Nền giáo dục cấm đoán” – Chưa từng có những nền giáo dục tạo ra con người tự do – Book Hunter

Một câu hỏi chắc chắn sẽ được đặt ra, đó là, nếu chương trình giáo dục của phương Tây đã sai lầm một cách hệ thống như vậy, thì tại sao phương Tây có thể có được sự phát triển như hiện nay? Chúng ta được biết rằng thành tựu lớn nhất của văn minh phương Tây chính là khoa học kỹ thuật, nhưng những thành tựu ấy lại không nảy sinh từ các học sinh ngoan ngoãn của chương trình giáo dục phổ cập. Các thành tựu lớn về khoa học kỹ thuật được xây dựng bởi một kho tư liệu đồ sộ được thu thập bởi các trí thức độc lập, các quý tộc và các thày tu yêu tri thức trong suốt một khoảng thời gian dài từ từ Athens cổ đại cho đến thời kỳ Phục Hưng. Tinh thần tôn trọng tri thức và cơ sở kiến thức khổng lồ ấy đã từng bước từng bước tạo ra các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sáng chế, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, chính trị gia kiệt xuất… Mặc cho nền giáo dục phổ cập đầy tật nhược, tinh thần tri thức ấy vẫn được duy trì và luôn có sự mâu thuẫn giữa các cá nhân xuất sắc hoặc cá biệt với hệ thống giáo dục. Nếu bạn đọc các trước tác văn học như “Alice in Wonderland”, “Chronicles of Narnia”… các bạn sẽ thấy các nhà văn này thể hiện thái độ phản đối chương trình giáo dục thực nghiệm và phổ cập ở thời công nghiệp. Cho đến sau chiến tranh thế giới thứ 2, phong trào Beat Generation và New Age đều phê phán nền giáo dục hiện hành là mô phạm, lạc hậu, chuyên chế, thiếu tính cá nhân. Ta có thể thấy các thông điệp này qua tác phẩm của các tác giả trong Beat Generation, các ca khúc của Pink Floyd,… hay nổi tiếng nhất là tác phẩm “Catching in the Rye”. Có một sự mâu thuẫn lớn giữa tinh thần tự do của con người và nền giáo dục với mục đích đào tạo ra công dân và đến nay mâu thuẫn này đã nảy sinh thành cuộc chiến không súng đạn, không chỉ trên truyền thông mà còn về chính trị, công nghệ và ý thức hệ.

Giáo dục phổ cập ở Việt Nam, hạt giống xấu gieo trên mảnh đất cằn

Trước khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, nền giáo dục Nho học ở nước ta có thể khẳng định là rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Lối thi khoa cử đã tạo ra nhiều thế hệ nhà Nho chỉ biết lải nhải lời thánh hiền, tự biến mình thành công chức phục vụ chính quyền phong kiến mà không có thực tài. Thậm chí, việc dùng tiền mua chức quan từ thời chúa Trịnh Giang cũng đã rất phổ biến. Khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, một loạt các trường Tây được mở ra để tạo ra các công chức làm việc cho chính quyền thuộc địa. Mặc dù các phong trào yêu nước đả kích lối giảng dạy của Pháp là nô dịch người dân Việt Nam, biến người dân Việt Nam thành nô lệ cho Pháp, nhưng thực ra, cả nền giáo dục phương Tây lúc bấy giờ đều hướng đến việc biến mỗi người thành công dân phục vụ cho xã hội. Nếu xét về bản chất của triết lý giáo dục thì hệ thống giáo dục mới mà Pháp đưa vào Việt Nam cũng không khác biệt mấy so với lối giáo dục khoa cử của Nho học. Tuy nhiên, lối giáo dục mới của Pháp được tầng lớp thị dân trẻ ưa thích hơn bởi sự đa dạng và phong phú trong kiến thức mà nền giáo dục Nho học không thể mang lại trong suốt chiều dài lịch sử.

Với một truyền thống đề cao thi cử, đỗ đạt và ước mơ được học hành để phục vụ cho quốc gia được tuyên truyền bởi Nho giáo từ thời kỳ Bắc thuộc, tâm thức người dân Việt Nam ngay lập tức dễ dàng tiếp nhận nền giáo dục phổ thông phổ cập nhằm đào tạo ra các công dân biết tuân thủ. Nền giáo dục phổ cập này của Pháp đã gặp phải sự phản đối của không ít các trí thức Việt Nam, trong đó có Phạm Quỳnh. Khi ông được Bảo Đại cử là Thượng thư Bộ Học, ông đã đấu tranh quyết liệt với chính quyền bảo hộ Pháp để Việt Nam được quyền tự quản lý trường học, nhưng Pháp chỉ cho phép Bộ Học quản lý bậc tiểu học ở Trung kỳ nhưng vẫn do Tòa khâm sứ Pháp giám sát (4). Như vậy, ta có thể thấy chính quyền bảo hộ Pháp rất ý thức tầm quan trọng của giáo dục trong việc biến đổi người dân trở thành công cụ cho nhà cầm quyền. Một phần, Pháp nô dịch người dân Việt Nam trong vòng xoay “học để trở thành công dân”, một phần Pháp tạo ra cơ hội được tiếp cận tri thức thế giới cho những sinh viên tuân thủ đúng với quá trình học tập của chính quyền bảo hộ yêu cầu.

Sau năm 1945, khi Việt Minh dành thắng lợi trong nắm chính quyền, chương trình giáo dục phổ cập được áp dụng rộng rãi với mục đích “diệt giặc dốt”. Nhiệm vụ xóa mù chữ qua các lớp bình dân học vụ là yêu cầu tối quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ đầu của chính quyền Cộng Sản (5). Chỉ đến khi giáo sư Nguyễn Văn Huyên, một vị giáo sư rất có uy tín trong giới học thuật thời Pháp thuộc được cử là Bộ trưởng Bộ quốc gia giáo dục thì chiến lược giáo dục mới thoát khỏi nhiệm vụ “diệt giặc dốt”. Ông Nguyễn Văn Huyên áp dụng chương trình học 9 năm ở bậc phổ thông. Ông giữ chức vụ này trong suốt 29 năm mà không bị thúc ép phải trở thành Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Lúc bấy giờ, Bộ giáo dục (thiên về phổ biến kiến thức phổ thông) và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (thiên về đào tạo chuyên môn của các ngành nghề) vẫn còn tách biệt. Cùng thời với giáo sư văn hóa học Nguyễn Văn Huyên giữ chức vụ Bộ trưởng bộ Giáo dục quốc gia thì giáo sư toán học và vật lý lý thuyết Tạ Quang Bửu giữ chức Bộ trưởng bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Mặc dù lúc này nhiệm vụ của việc học không tránh khỏi mục đích tạo ra nhân tài để phục vụ cuộc đấu tranh chống lại Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng chất lượng giáo dục vẫn còn được đảm bảo bởi đội ngũ học giả từ thời Pháp thuộc nay cũng tham gia và công tác giảng dạy ở các trường đại học và phổ thông.

Cùng lúc này, tại Việt Nam Cộng Hòa, xu hướng giáo dục phổ thông phổ cập thiên về lý thuyết có từ thời Pháp thuộc được thay thế một chủ trương mới được đặt ra bởi Bộ quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1958 với những lý tưởng rất tốt đẹp, được gói gọn trong ba từ: “nhân bản”, “khai phóng” và “dân tộc”. Chủ trương giáo dục của Việt Nam cộng hòa đặt trọng tâm vào cá nhân, sự phát triển trí tuệ và tinh thần dân tộc ôn hòa (6). Tuy nhiên, cũng giống như tất cả các môi trường giáo dục phổ cập khác, hệ thống trường học của Việt Nam Cộng Hòa vẫn bị phân chia theo các cấp học, các cách chấm điểm và phân hạng. Dẫu cho nội dung của chương trình giáo dục do Bộ quốc gia giáo dục Việt Nam Cộng hòa đề xướng năm 1958, nhưng sự cải cách này cũng vẫn không thoát được cái khung trình tự phát triển của lối khoa cử phương Tây, cũng quan liêu và thiếu tính chuyên biệt trong chương trình học ở bậc phổ thông. Đó là còn chưa kể đến chính sách bất bình đẳng kéo dài từ năm 1955-1963 với sự ưu đãi đặc biệt dành cho các giáo dân Công giáo (phần lớn các học bổng và suất du học được ưu tiên cho giáo dân hoặc các linh mục trẻ) và Ngô Đình Diệm cho phép giáo hội Công giáo được can thiệp vào chương trình học phổ thông, đưa chương trình phổ thông của Việt Nam Cộng Hòa quay lại lối học trong các nhà thờ ở thời Trung Cổ (7). Như vậy, các lý tưởng tốt đẹp về giáo dục được đề ra đã bị triệt tiêu ngay khi manh nha do sự can thiệp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa dưới thời Ngô Đình Diệm và sự hạn chế của cơ sở tri thức lúc bấy giờ.

Sau năm 1975, sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị  đánh bại, mô hình chính trị xã hội chủ nghĩa được áp dụng trên toàn quốc, và đương nhiên, lối giáo dục phổ thông phổ cập với tinh thần “vừa hồng vừa chuyên” (mà “chuyên” thì ít, “hồng” thì nhiều) lan ra từ Bắc chí Nam, từ đô thị cho đến các vung nông thôn, vùng sâu vùng xa. Lúc này, các giáo sư có trình độ chuyên môn giỏi được đào tạo từ thời Pháp thuộc cũng lần lượt qua đời. Đến năm 1988, Bộ giáo dục quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được sát nhập với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, thực hiện chương trình học 12 năm phổ thông. Như vậy chuyên môn càng ít được coi trọng so với nhiệm vụ tạo ra công dân biết tuân thủ mà nền giáo dục phải ganh vác. Một hạn chế lớn cản trở sự tiến bộ của giáo dục và đào tạo còn đến từ Đề cương văn hóa năm 1943 của Trường Chinh với chủ trương “dân tộc, khoa học, và đại chúng”. Đề cương văn hóa năm 1943 của Trường Chinh chính là cơ sở lý luận cho đội ngũ cán bộ kiểm duyệt hạn chế sự đa dạng và phong phú của kiến thức, phương pháp nghiên cứu, phương pháp học và tư duy khoa học. Đề cương này bài trừ tất cả các nhân tố từ phong kiến, tư bản, tất cả những gì không phục vụ lợi ích của đại chúng (8). Đề cương văn hóa này đã đẩy mô hình giáo dục phổ thông phổ cập tiếp thu từ phương Tây vốn đầy hạn chế nhưng vẫn duy trì tinh thần tôn trọng tri thức vào một môi trường không hề coi trọng tri thức. Và thế là, mô hình giáo dục này quay trở về đúng với hình dạng nguyên sơ, không tô vẽ của nó, đó là tạo ra các nô lệ biết tuân thủ.

Nếu ở phương Tây, tri thức vẫn đóng vai trò như một trong các cột trụ quan trọng nhất thì ở Việt Nam cột trụ này bị đẵn bởi các nhát dao kiểm duyệt tới mức các kiến thức và phương pháp được sử dụng trong nhà trường luôn hạn hẹp, thiếu độ xác tín và lạc hậu rất xa so với nền giáo dục phương Tây. Nền giáo dục Việt Nam hiện nay, có thể nói, là còn tệ hại hơn cả nhiệm vụ đào tạo ra các công dân có ích cho xã hội hoặc nói trắng ra là các nô lệ biết làm việc mà mô hình giáo dục phổ cập phương Tây đề xướng bởi vì nó không cung cấp các kiến thức cần thiết để phục vụ các nhiệm vụ xã hội hiện đại; cộng thêm vào là thói quen trọng bằng cấp, đỗ đạt đã ăn sâu do ảnh hưởng của Nho học. 

Cơ hội cho một xã hội tri thức nhưng nền giáo dục đang là vật cản

Sự ra đời của Internet đã làm thay đổi toàn bộ cục diện của thế giới, cũng giống như cuộc Cách mạng tư sản và Cách mạng công nghiệp đã làm cách đây hơn 200 năm. Bỗng chốc, con người có thể tương tác với nhau nhiều hơn bao giờ hết, bỗng chốc một lượng lớn kiến thức và thông tin được đăng tải và lan truyền ở thế giới ảo. Những kho tư liệu, kho sách được số hóa. Một người có thể tự học được rất nhiều thứ anh ta muốn khi ngồi ở nhà, vào mạng, tự tìm đến các kho tư liệu và kho sách trực tuyến, tự tìm kiếm các bài giảng online mà anh ta thấy thích hợp với bản thân. Internet cũng tạo ra cơ hội cho những cá nhân làm việc độc lập, có thể kiếm sống qua mạng xã hội mà không cần phải làm việc trong các nhà máy hay công sở. Internet đã mang lại cơ sở để mỗi người tự học, tự tư duy, tự hoàn thiện kỹ năng làm việc, và đáng ra chúng ta đã có một nền giáo dục phổ cập và phổ thông, hoàn toàn tự do, lấy người học làm trung tâm hơn bất cứ một thời đại nào trước đó. Nhưng không, các nền giáo dục trên toàn thế giới không muốn thế. Từ rất lâu rồi, nền giáo dục đã gắn với trường học và chỉ khi nào người ta đến trường, đồng nghĩa với tước bỏ không gian cá nhân để hòa đồng với một tập thể học tập, thì mới được gọi là đi học.

Hãy thử tưởng tượng, một đứa trẻ khi đến tuổi học đọc học viết, học làm tính,… chúng được gửi đến trường. Nhưng nếu nó không đến trường thì sao? Nó hoàn toàn có thể học được các kiến thức tại nhà do chính bố mẹ dậy, hoặc thông qua các bài giảng trực tuyến, hoặc nhờ vào các gia sư. Trên thực tế, tất cả các môn học phổ thông, từ tiểu học đến trung học, học sinh đều có thể tự học ở nhà. Ngay cả khi không có Internet thì chỉ cần cung cấp cho một đứa trẻ và người huấn luyện tại gia (có thể là phụ huynh hoặc gia sư) bộ giáo trình đầy đủ kiến thức, phương pháp, các bộ bài tập, đứa trẻ có thể vẫn tiếp thu được kiến thức. Cho nên, vai trò thực sự của trường học trong xã hội không phải là nơi cung cấp kiến thức mà là nơi rèn luyện mỗi đứa trẻ với các thói quen xếp hàng, mặc đồng phục, tuân thủ quy tắc xã hội, biết nghe lời thày cô, và nỗ lực hòa nhập vào đám đông… Trường học về bản chất thực sự là những doanh trại huấn luyện ý thức công dân – ý thức nô lệ, chứ không phải là nơi để học hành.

Và đến khi đứa trẻ ấy cần có một chuyên môn để làm việc thì sao? Theo lẽ thường, nó sẽ phải đi học ở trường đại học hoặc cao đẳng, lãng phí một khoản tiền lớn và nhiều năm học các kiến thức đã lỗi thời so với đòi hỏi công việc hiện nay. Đến khi xin làm ở một cơ quan, một doanh nghiệp, một tổ chức, một cửa hàng nào đó…, nó sẽ mất thêm một khoảng thời gian từ nửa năm đến một năm nữa để học riêng kỹ năng cần thiết để làm việc. Thật là một sự lãng phí thời gian. Với những đứa trẻ có thiên hướng chuyên môn rõ rệt, chúng hoàn toàn có thể đầu tư phần lớn thời gian trong quãng thời niên thiếu và thanh niên để học những thứ chúng thật sự yêu thích và có khả năng thiên bẩm thay vì mài mòn đũng quần ở nhà trường để tìm kiếm sự thừa nhận của xã hội qua điểm số và bằng cấp, để cố nhồi nhét vào đầu mình những kiến thức không thiết thực với bản thân và cố gắng hòa nhập với cộng đồng trong bầu không khí “nhà tù” mà trường học tạo ra.

Cho đến nay, các trường đại học vẫn đang giữ thế độc quyền tri thức và độc quyền cho phép ai là người có phận vị xã hội. Tại sao họ có đặc quyền ấy? Bởi vì trường đại học là nơi tập trung các trí thức có uy tín và là nơi sở hữu một khối lượng tư liệu khổng lồ do các nhà nghiên cứu cống hiến công sức của mình. Trường đại học từ một thánh đường tri thức sẵn sang mở rộng cửa với những ai có lòng khao khát học thuật thì giờ đây trở thành một thế lực chính trị, cố sở hữu tri thức và sở hữu tài năng, cố gắng áp đặt các tiêu chuẩn lên toàn xã hội và sẵn sàng loại trừ tất cả những nhân tố chống đối. Đây không phải là tình trạng của riêng Việt Nam mà là tình trạng phổ biến trên khắp thế giới. Rất ít các trường đại học trên thế giới dám công bố công khai kho tư liệu nghiên cứu hay các bài giảng ở trường của mình trên Internet để bất cứ ai có thể tiếp cận và học hỏi. Nếu bạn cố gắng tiếp cận các kho tư liệu này, bạn sẽ bị coi là phạm pháp. Và để một khám phá hay nghiên cứu mới có tính đột phá, đi ngược lại các tiêu chuẩn trong trường đại học được thừa nhận, các nhà nghiên cứu phải có một lộ trình vận động lâu dài. Với cách hành xử của các trường đại học hiện nay, có vẻ như, tri thức là đặc quyền dành cho những ai sẵn sàng vứt bỏ tính cá nhân của mình để tuân thủ hệ thống phổ thông phổ cập trong suốt 12 năm học. Và nếu như bạn không cố gắng tuân thủ thì sẽ không có cơ hội cho bạn để tiếp cận kho tri thức khổng lồ kia. Điều này cũng tương tự như thời Trung Cổ, khi bạn phải là linh mục thì mới được động vào những cuốn sách quý báu lưu giữ tri thức thời cổ đại.
Không chỉ Việt Nam, nền giáo dục cố tình trì hoãn số hóa, vẫn tiếp tục duy trì hoạt động thu gom càng nhiều học sinh, sinh viên càng tốt, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, đang là vật cản cho xã hội bước vào một thời đại mới bình đẳng hơn và tiến bộ hơn. Nhiều người đổ tội cho Internet làm suy thoái tư duy của người dùng mà không nhìn thấy rằng việc hạn chế các không gian học tập online, các kho kiến thức online… đã khiến các nội dung kém chất lượng được phát tán nhiều hơn trên mạng xã hội. Bất cứ không gian nào thiếu bóng dáng của tri thức đều có thể gây ra tình trạng suy thoái đạo đức và trí tuệ, không nhất thiết phải là lỗi của Internet.

Tôi luôn mong muốn một tương lai của hệ thống giáo dục khi kiến thức được phổ biến đa chiều, đầy đủ, dễ dàng tiếp cận; mỗi người được học và phát triển theo năng lực của cá nhân, được làm những công việc mình yêu thích. Trường học trở thành nơi không bắt buộc mà là nơi đến tự nguyện do phụ huynh và trẻ em tự lựa chọn; bên cạnh rất nhiều những không gian tương tác công cộng khác như các câu lạc bộ sở thích, công viên, khu vui chơi, thư viện… Trường đại học không phải là môi trường để giảng dạy và cấp bằng mà là môi trường để nghiên cứu và trao đổi. Với Internet, những điều đó hoàn toàn là khả thi, ước mơ của những nhà lý tưởng giáo dục hay cải cách xã hội trong thời xa xưa là hoàn toàn khả thi, chỉ có lòng tham và sự cố chấp của các nhà quản lý giáo dục là cản trở mà thôi.

Hà Thủy Nguyên
*Chú thích:
(1) Trang 70, Luther deutsch – Martin Luther
(2) Emil Sehling (ed.), Die evangelischen Kirchenordnungen des 16, Emil Sehling (ed.), . Tübingen 2006, p. 406.
(3) “Ivan Betskoi and the Institutionalization of Enlightenment in Russia David Ransel, (1980), page 327–328.
(4) https://thanhhaphung.wordpress.com/2011/09/12/he-thong-giao-duc-thoi-phap-thuoc/
(5) https://www.moet.gov.vn/gioi-thieu/lich-su-phat-trien/Pages/default.aspx?ItemID=4089
(6) Chính sách văn hóa giáo dục, trang 5, Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa (1972)
(7) Nguyễn Văn Trung, tạp chí Bách Khoa số 175, ngày 15-4-1964, trang 37-43.
(8) https://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/books-110620159142646/index-21062015912514620.html

Văn hóa ứng xử với lỗi sai trong hoạt động tri thức

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Internet cho phép những người hoạt động tri thức tiếp cận một khối lượng khổng lồ tư liệu trên khắp thế giới, và cơ hội lớn ấy đã dần dần khiến các trí thức nhận ra rằng những niềm tin cũ, những điều vốn được coi là sự thật khách quan, hóa ra lại sai hoặc chứa đựng nhiều khúc mắc. Sự chuyển đổi này đã truyền cảm hứng cho xu hướng “giải thiêng” các học giả tiền

Bắt bệnh chứng “cuồng Harvard” hay giấc mơ khoa bảng chưa nguôi

Cách đây 10 năm, người ta đã xôn xao nhau về những người Việt Nam học Harvard. Ở cái thành phố Hà Nội bé tí nơi tôi sống, ai đó học Harvard sẽ lập tức nổi tiếng, lập tức được đồn đại như là thiên tài vậy. 10 năm sau, nỗi ám ảnh về Harvard ngày càng tăng, và đặc biệt ảnh hưởng đến những bạn trẻ cũng như những gia đình thời thượng mong muốn được nước mình có thể “sánh vai” với Âu

Tô Lông

14/12/2016

TRANH LUẬN CÙNG ADMIN THƯ VIỆN NHÂN HỌC VÀ NGHĨ VỀ ĐIỂM SÁCH TRÊN INTERNET

Đầu năm 2017, Book Hunter đã giới thiệu cuốn sách “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” của Tạ Đức. Cuốn sách nhận được nhiều sự quan tâm của các độc giả. Mặc dù không phải hoàn toàn đồng tình với các luận điểm của tác giả, nhưng Book Hunter vẫn giới thiệu cuốn sách này bởi nhận thấy sự kỳ công của tác giả khi thực hiện một cuộc chuyên khảo này với nhiều tư liệu chính thống và phi

Chat với AI (2): Kết hợp Aristotle & Osho để hướng đến mô hình giáo dục hoàn hảo

Tiếp theo chuỗi Chat với AI, Book Hunter thực hiện một cuộc hỏi đáp kỳ thú về quan điểm giáo dục của Aristotle và Osho. Trong nhiều bài nói chuyện, Osho đưa ra nhiều chỉ trích quan điểm giáo dục và công cụ tư duy của Aristotle, điều này dẫn đến nhiều tín đồ của Osho lên tiếng phê bình gay gắt quan điểm của Aristotle. ChatGPT đã đưa ra những kiến giải xuất sắc về sự khác biệt cũng như đồng thuận trong quan

Book Hunter

05/02/2023

Chúng ta không cần một cuộc Cải cách giáo dục rầm rộ

Chúng ta cảm giác bị thiếu hụt, chúng ta thấy mình không phát triển, chúng ta hoang mang khi nhìn thấy những sinh viên tự tin và chuyên nghiệp của các nước phương Tây và chúng ta vội vàng đổ lỗi cho nền giáo dục. Hệ thống giáo dục còn rất nhiều sai lầm, điều đó không thể phủ nhận, nhưng đó không phải nguyên nhân chính khiến chúng ta tụt hậu, kém cỏi như ngày nay. Đổ lỗi tai ngoại cảnh, tại tình hình