Home Chơi Không gian thứ ba: từ câu chuyện “Đời sống cà phê tại Nhật Bản”

Không gian thứ ba: từ câu chuyện “Đời sống cà phê tại Nhật Bản”

Đến với  “Đời sống cà phê tại Nhật Bản

Tokyo, một buổi sáng mùa xuân, nhiệt độ ngoài trời là 20C, nắng bắt đầu lên, trời lạnh nhưng không giá buốt mà mát mẻ vô cùng. Sau khi lang thang ngắm nhìn những con phố đang dần tỉnh giấc, tôi bước vào một quán cà phê có phong cách độc đáo. Chủ quán là hai vợ chồng đã cao tuổi, rất nhanh nhẹn, cúi đầu chào đón khách theo phong cách của người Nhật. Tôi tìm chỗ ngồi nhìn ra phố, gọi một ly cà phê rồi bắt đầu quan sát không gian bên trong. Quán cà phê độc đáo ở những bộ sưu tầm ảnh chụp, tranh vẽ, các vật dụng liên quan đến môn thể thao đua ngựa, cùng với đó là những cuốn tạp chí tiếng Pháp, đâu đó nằm lẩn khuất biển hiệu tiếng Pháp, đoán rằng ông bà chủ có những kỉ niệm liên quan đến Pháp và môn đua ngựa, nên mới lưu giữ chúng bằng việc mở quán cà phê, để tạo không gian cho mọi người quan tâm cùng đến nói chuyện, cũng là cách để những người như ông bà chủ sống lại một thời kỉ niệm vàng son của mình. Có lúc ngồi trong quán tôi chợt nghĩ, tại sao ông bà chủ không mở quán trà đạo, quán ăn… mà là quán cà phê?

Từ lúc đó, tôi bắt đầu quan tâm đến câu chuyện cà phê của Nhật Bản. Vì vậy, khi được bạn bè giới thiệu cuốn sách Đời sống cà phê tại Nhật Bản của tác giả Merry I. White, tôi đã rất tò mò về đời sống cà phê qua lăng kính mô tả của một nhà nhân học ẩm thực, thích thú theo dõi và khám phá dần câu chuyện cà phê từ khi du nhập, đến khi chiếm lĩnh và chủ động sáng tạo đời sống riêng của mình tại xứ sở Phù Tang.

Tác giả Merry I. White, sinh ra tại Washington D.C., Hoa Kỳ. Bà là nhà nhân học, nhà nghiên cứu văn học, nhà xã hội học, nguyên giám đốc dự án về tiềm năng con người; hướng nghiên cứu chính của bà là nghiên cứu đa văn hóa, tập trung vào lĩnh vực nhân học ẩm thực. Bà có sự quan tâm đặc biệt đến Nhật Bản, đây là quốc gia nước ngoài đầu tiên bà đặt chân đến vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến thế giới quan của bà. Khi viết cuốn sách Đời sống cà phê tại Nhật Bản, tác giả đã có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, phát huy hồi ức và dấn thân trải nghiệm là phương pháp được tác giả sử dụng theo cách mà các nhà nhân học xác định là công cụ chính trong bộ đồ nghề nghiên cứu của mình. Từng trang trong đời sống cà phê được tác giả mở dần ra, mang đến cho người đọc câu chuyện cà phê không chỉ hấp dẫn mà còn chứa đựng đầy sự ngạc nhiên.

Kamakura_ thành phố có nhiều chuyện thần và quỷ. Cốc to hơn cốc cà phê bình thường. Một người Nhật bảo có thể du nhập phong cách uống cà phê của Pháp_họ cũng có một kiểu uống cà phê trong cốc to. Ảnh do tác giả bài viết cung cấp.

Trong nghiên cứu của mình, tác giả chỉ ra rằng, cà phê du nhập vào Nhật Bản đầu tiên vào thế kỷ XVII, đến đầu thế kỷ XX được bản địa hóa. Nhu cầu lớn đã đưa Nhật Bản trở thành quốc gia tiêu thụ cà phê lớn thứ ba thế giới. Đây là cơ sở để tác giả khẳng định cà phê chính là một trong những biểu tượng đô thị. Kể chuyện về đời sống của cà phê để hiểu hơn về đời sống cư dân thành thị, qua đó thấy được sự biến đổi xã hội trong lịch sử của Nhật Bản. Cuốn sách gồm bảy chương, sắp đặt đúng như tựa đề được Thảo Minh biên dịch, “đời sống cà phê”: chương I bắt đầu đời sống cà phê tại đô thị, tác giả kể lại câu chuyện bản thân trải nghiệm, quan sát khi đến và ngồi trong những quán cà phê; chương II đến chương VI đi sâu vào bản chất quá trình tiếp xúc, biến đổi cà phê – từ một thức uống được du nhập từ bên ngoài, trở thành thức uống biểu tượng của thành thị, cũng như quyền lực mềm của chính trị. Chương VII, tác giả quay trở về đô thị, không gian quán cà phê được nâng lên ở tầm cao hơn, đó là không gian thứ ba bên cạnh không gian sống và làm việc. Chương VIII là một tập hợp mô tả không gian quán cà phê được tác giả ghé thăm, sưu tầm, ghi chép lại và phân loại theo phong cách; phần chỉ dẫn mang đến những gợi ý lựa chọn địa điểm quán cà phê mà người đọc có thể tham khảo, lựa chọn.

Tìm hiểu thêm về sách: Đời sống cà phê tại Nhật Bản – Merry White – Book Hunter Lyceum

Không gian thứ ba, hay quán cà phê – nơi được gọi là “nhà

Các nhà nhân học thường có sự quan tâm đặc biệt đến không gian mà con người ở trong đó, không gian chứa đựng những tác động đa chiều giữa con người với các mối quan hệ xung quanh họ, vừa là nơi tồn tại, nơi phát triển, cũng là nơi cho biết họ là ai. Khi đọc tác phẩm, tôi quan tâm đến cách tác giả, một nhà nhân học, tiếp cận về không gian, đó là quán cà phê, hay không gian thứ ba, theo cách hiểu như trong đời sống của con người, quán cà phê chính là “nhà”. Theo đó, quán cà phê đã bộc lộ bản chất của mình qua phát hiện của tác giả: “ngay từ buổi đầu, giá trị một quán cà phê mang lại còn lớn hơn giá trị của từng tách cà phê, hay của máy pha cà phê. Nó là thứ gì đó mang đến ý nghĩa hơn so với loại thức uống được bưng ra và đặt lên bàn”,cảm giác được nương náu và chở che về mặt kết nối xã hội” để con người sống nơi đô thị tấp nập có thể “điều hòa lối sống” theo cách tự bản thân họ tìm đến, như chính tác giả tìm đến quán cà phê theo một bản năng tự nhiên, coi đây là nơi đến để nạp năng lượng, quan sát nhịp đập cuộc sống, cá nhân và cộng đồng, viết những bài phỏng vấn vừa thực hiện…

Tác giả khẳng định rằng: nhận định trọng tâm của công trình nghiên cứu này là “các quán cà phê, và cả thức uống cà phê, có công năng như một không gian cộng cộng tại đô thị”, vì vậy “chính trải nghiệm tại đô thị mới lột tả được sự đa dạng và biến chuyển của quán cà phê theo thời gian”. Thời điểm tác giả đến Nhật Bản vào những năm 1960s, khi Nhật Bản thực hiện tái thiết sau chiến tranh, cũng là thời điểm tổ chức Thế vận hội năm 1964, đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa tại các đô thị Nhật Bản diễn ra nhanh chóng, “cà phê và bản thân các quán cà phê, đã mang đến một khuôn khổ mới giữa tính cộng đồng và sự riêng tư”, để rồi tác giả nhận định, bản sắc cà phê tại đây, chính là tính “hiện đại” và “dân chủ”. Quán cà phê là nơi mà ranh giới giữa “cá nhân” và “cộng đồng” có sự phân định “mập mờ”, “các vị khách ghé thăm đều có quyền được che giấu tính danh của mình”, nơi “chứng kiến tiến trình đổi mới, phá vỡ và vượt ra khỏi những đặc điểm vừa cũ vừa mới trong văn hóa đô thị, trong đời sống chính trị và trong cuộc sống cá nhân”, cũng chính là nơi “có thể bén rễ cho những hành vi đi ngược dòng”, khởi nguồn những ý tưởng mới mang tính cách tân.

Các quán cà phê cuối thời Minh Trị (1868-1912) và đầu thời Đại Chính (1912-1926) đã đáp ứng các nhu cầu về không gian cá nhân của người dân, mang nhiều hình thái “muôn màu muôn vẻ” gắn liền với sự vận động không ngừng của nền kinh tế cà phê, từ chuỗi cửa hàng bình dân như Doutor (được thành lập năm 1976, đây là công ty bán lẻ chuyên về rang và nhượng quyền của hàng cà phê), cho đến không gian của những trường phái đỉnh cao về sự nghiêm cẩn trong cung cách dịch vụ, nơi đích thân nghệ nhân hướng dẫn từng tách cà phê cho khách hàng.

Tại không gian quán cà phê theo phong cách khác nhau, đời sống cà phê được tác giả mô tả vô cùng đa dạng, mỗi quán đều có phong cách riêng gắn với câu chuyện lịch sử mang dấu ấn cá nhân người sáng lập. Đặc trưng của quán sẽ lựa chọn những vị khách phù hợp tìm đến, họ có phong cách uống cà phê ra sao, ngồi ở quán cà phê nào, ta có thể biết được tương đối kiểu mẫu người của vị khách đó. Chính vì vậy, sự thay đổi chức năng, biến đổi không gian của các quán cà phê luôn chứa đựng những động thái nào đó của xã hội: có thể là trạng thái tiềm ẩn đợi thời cơ để bộc lộ ra, hoặc là trong trạng thái của “xu hướng” đang diễn ra, có thể là chiều hướng phát triển lên, hoặc dấu hiệu của sự thoái trào nào đó…

Là nơi ta đến để “uống cà phê chào Mặt Trời”

Ngồi trong không gian quán cà phê, đã nhiều lần tôi tự hỏi: không rõ có người Nhật nào từng nghĩ đồng thời như này chưa: “Uống trà ngắm Trăng, uống cà phê chào Mặt Trời”, khi bạn uống trà vào buổi tối có Trăng, là bạn đang đợi để ngắm Trăng lên; khi bạn uống cà phê vào buổi sáng là bạn đang chào Mặt Trời – tâm thế sẵn sàng cho một ngày mới, như tác giả nhận định:“quán cà phê là điểm gặp gỡ giữa những con người sống về đêm và những công dân dậy sớm đi làm, dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi”; tại đây, vừa thưởng thức hương vị cà phê, bạn có thể “thấy đêm chuyển thành ngày” (Tg). Có thể ví xa hơn, hai phong cách thưởng thức này giống như hai nhân cách cùng tồn tại trong người Nhật, một nhân cách giàu lòng trắc ẩn, ưa trầm tĩnh, thích uống trà ngắm Trăng; một nhân cách có tinh thần võ sĩ mạnh mẽ, ưa sự mới mẻ, sẵn sàng mọi thử thách nên thích uống cà phê buổi sáng chào Mặt Trời. Hai nhân cách có thể được giữ ở trạng thái cân bằng, hoặc cái này sẽ trội hơn cái kia phụ thuộc vào từng giai đoạn, bối cảnh xã hội, năng lực thống nhất trong mỗi con người. Uống trà, hay cà phê, không chỉ là “uống”, rộng hơn chính là uống trong không gian như thế nào mới thực là “uống trà”, “uống cà phê” để có thể mang đến cho chúng ta ý nghĩa nhân sinh quan: “Uống trà ngắm Trăng, uống cà phê chào Mặt Trời” đối với người Nhật, hay có thể rộng hơn sang khu vực khác, là “Uống trà ngâm thơ, uống cà phê nghe nhạc” đối với người Việt Nam, hoặc “Uống trà ngắm hoa nghe kịch nghệ, uống rượu ngâm thơ” đối với người Trung Hoa…. Tại những không gian quán cà phê mà tác giả mở ra trong cuốn Đời sống cà phê tại Nhật Bản, chúng ta như được ngồi cùng tác giả, cùng quan sát đời sống cà phê qua các vị khách, người phục vụ, các bậc thầy pha chế; ta cùng tác giả du hành trong không gian quán cà phê mang phong cách khác nhau theo thời gian, cùng dịch chuyển qua các không gian, người đọc bằng sự suy xét riêng của mình sẽ hiểu hơn về về nhân cách thứ hai, cũng như cá tính dân tộc của người Nhật; thậm chí với bất kỳ ai muốn tìm kiếm câu chuyện văn hóa của quốc gia mình. Đến với Đời sống cà phê tại Nhật Bản, bạn đọc sẽ hiểu thêm về nguyên nhân tại sao nhiều loại sản phẩm sau khi được du nhập vào Nhật Bản thì đều được bản địa hóa mạnh mẽ, đến khi quay trở lại thị trường, với một chân dung và tầm vóc mới, đã góp phần thúc đẩy tích cực quá trình “Nhật Bản hóa địa phương” bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản.

Để tạm khép lại bài viết, xin mượn lời tâm sự của tác giả trong phần dẫn nhập : “Mọi quán cà phê và cà phê ở Nhật Bản đều mang nhiều tính địa phương. Thứ đưa tôi đến với chúng là sự thân thuộc; những yếu tố khiến tôi chìm đắm với chúng là những sự khác biệt vô cùng thu hút”, đến mức tác giả coi quán cà phê chính là hình ảnh ngôi nhà, nghĩ rằng mình cũng đã “hòa hợp” với người Nhật khi bước chân vào “ngôi nhà” này. Lời tâm sự của tác giả đưa tôi trở lại quán cà phê tại Tokyo trong buổi sáng mùa xuân hôm đó để “uống cà phê chào Mặt Trời”. Ông bà chủ quán tuổi đã cao, tôi không dám chắc nếu có cơ hội quay lại còn được gặp họ hay không, cho dù mọi trường hợp có xảy ra như thế nào, thì không gian nơi tôi từng đến này, đã mang đến cho tôi sự an tâm giữa chốn đô thị xa lạ, là nơi gợi mở những ý tưởng mới mà tôi kiếm tìm, cũng như giúp tôi hiểu thêm về cá tính sẵn sàng “hướng Mở về phía Mặt Trời” của người Nhật. Cuốn sách Đời sống cà phê tại Nhật Bản của tác giả Merry I. White đã khuyến khích tôi viết bài viết này, đây là lời cảm ơn về cuốn sách và tác giả, cũng chính là lời tri ân đến ông bà chủ và quán cà phê ở Tokyo, họ như “đứng đó đợi sẵn” đón tôi: một sự chân thành, một tách cà phê nóng trong mùa xuân giá lạnh, một không gian – vừa đủ để sưởi ấm và khiến ta từ nơi xa đến ngỡ đây là “nhà”. Không gian thứ ba, hay quán cà phê trong cuộc sống hiện đại không ngừng dịch chuyển hiện nay, chính là mang đến ý nghĩa này.

Đường Thu Trang

 

[Bài giảng Kinh tế học đô thị của Edward Glaeser] #4: Tháo gỡ nhu cầu nhà ở

Mời các bạn cùng theo dõi video số 4 của Crash course Kinh tế học đô thị, một khóa học rất ngắn và thú vị về Kinh tế học đô thị ở mức độ cơ bản. Trong video mới này, Giáo sư Edward Glaeser đưa bạn làm quen với khái niệm “agglomeration” – lợi thế kinh tế nhờ quần tụ kết khối, qua đó bạn sẽ thấy thành phố càng quần tụ đông thì càng dễ nâng cao năng suất và càng dễ dàng thuận

Minh Hùng

20/03/2023

Giao thông vận tải và hình thái đô thị (phần 3): Sự phát triển của giao thông và hình thái đô thị

Tác giả: Tiến sĩ Jean-Paul Rodrigue Đại học Hofstra, New York Đô thị hóa cùng sự phát triển của đô thị gắn liền với sự phát triển của hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là về sức chứa và hiệu năng của chúng. Trong lịch sử, di chuyển trong thành phố thường bị hạn chế bởi việc đi bộ, điều này khiến những mối liên kết đô thị ở khoảng cách trung bình hoặc dài trở nên thiếu hiệu quả và tốn thời

Minh Hùng

31/12/2018

Những vấn đề với thành phố thông minh

Hatem Zeine. Nhà sáng lập và CTO của Ossia. Người tiên phong về truyền năng lượng không dây. Nhà vật lý. Nhà đầu tư.   “Thành phố thông minh” nghe cứ như một xã hội viễn tưởng với mọi thứ được số hóa, nơi mà dữ liệu sẽ loại bỏ hoàn toàn những rắc rối, hiểm nguy và bất công của thế giới hiện đại. Thế nhưng ở các thành phố thông minh cũng có những vấn đề mà đến nay không một ai trong

Minh Hùng

13/08/2018

Ni sư Jeong Kwan: “Tôi nấu thức ăn cho tâm trí”

Bạn là những gì bạn ăn, cũng như bộ quần áo nói lên con người bạn. Bạn cũng là những gì bạn tạo tác. Đối với ni sư Jeoung Kwang, người được New York Times vinh danh là “đầu bếp triết gia”, sáng tạo các món ăn thể hiện “cấp độ thiền định”. Và với thiền định, bà không tĩnh tọa hay chiêm nghiệm, mà là khám phá: khám phá con người và vạn vật xung quanh. “Tôi không phải đầu bếp”, Jeong Kwan cho

[Bài giảng Kinh tế học đô thị của Edward Glaeser] #7: Lợi thế quần tụ và sự bất ổn định của đô thị

Mời các bạn cùng theo dõi video số 7 của Crash course Kinh tế học đô thị, một khóa học rất ngắn và thú vị về Kinh tế học đô thị ở mức độ cơ bản. Trong video này, Giáo sư Edward Glaeser sẽ giởi thiệu và giải thích cho chúng ta về một số trường hợp, sự cộng hưởng giữa lợi thế quần tụ và các ảnh hưởng ngoại lai có thể dẫn đến nhiều điểm cân bằng khác nhau cho cùng một thành

Minh Hùng

15/04/2024