Home Hiểu Hôn nhân, ngoại tộc và kiến tạo : người phụ nữ ở Bản Văng Môn

Hôn nhân, ngoại tộc và kiến tạo : người phụ nữ ở Bản Văng Môn

Trong quá trình tồn tại và phát triển cũng như thực hiện quy tắc ngoại tộc hôn, người Ơ Đu chủ yếu xây dựng mối quan hệ hôn nhân với các cộng đồng khác. Trong đó, phổ biến nhất là quan hệ hôn nhân với người Thái và người Khơ Mú – các cộng đồng sinh sống gần gũi với người Ơ Đu. Phụ nữ Ơ Đu chủ yếu kết hôn với đàn ông Khơ Mú và Thái. Còn đàn ông Ơ Đu thì ngược lại, kết hôn với phụ nữ Thái và Khơ Mú. Nhiều người cho rằng, chính quan hệ hôn nhân với người ngoại tộc một cách chặt chẽ như vậy là một nguyên nhân quan trọng làm cho văn hóa truyền thống của người Ơ Đu bị mai một và mất mát, bị đồng hóa. Điều đó cũng dễ hiểu bởi nếu chỉ nhìn vào biểu hiện bên ngoài thì người ta có thể thấy được nhiều yếu tố văn hóa Thái, văn hóa Khơ Mú trong nền văn hóa Ơ Đu. Nhưng nếu nhìn một cách cởi mở hơn, việc kết hôn ngoại tộc lại trở thành một con đường để mở rộng các nguồn lực phát triển cho người Ơ Đu. Đặc biệt, qua việc kết hôn với phụ nữ Thái, phụ nữ Khơ Mú mà người Ơ Đu đã tiếp nhận được nhiều nguồn lực mới để phát triển kinh tế. Và trong cuộc sống hiện nay, những người phụ nữ ngoại tộc đang làm dâu ở bản Ơ Đu đang giữ một vai trò quan trọng trong kiến tạo văn hóa và phát triển kinh tế thị trường. Điều đó chứng tỏ người Ơ Đu đã khôn khéo, sáng suốt khi lựa chọn các quan hệ hôn nhân ngoại tộc để vừa duy trì nòi giống vừa tìm kiếm nguồn lực phát triển một cách phù hợp trong bối cảnh đặc thù của họ.

Về với dân tộc Ơ Đu, có nhiều thứ làm người ta nhầm lẫn. Không thiếu những chương trình nghệ thuật cộng đồng, nhiều người phụ nữ đã tham gia múa hát những làn điệu được coi là truyền thống của tộc người này. Và nhiều phương tiện truyền thông truyền đi hình ảnh “những người phụ nữ Ơ Đu với các tiết mục văn nghệ truyền thống”. Nhưng thực tế, điều đó chưa hẳn đã chính xác. Những người phụ nữ tham gia các tiết mục văn nghệ đó, không hẳn là người Ơ Đu. Cách đây hai năm, một tạp chí khá uy tín đã đưa bài viết về dân tộc Ơ Đu và hình ảnh được ghi chú là “Phụ nữ Ơ Đu trong trang phục truyền thống”. Lúc xem xong, tôi đã trao đổi với phía tạp chí rằng tôi biết rõ người phụ nữ trong bức ảnh đó không phải là người Ơ Đu nên việc ghi chú thích như vậy là không chính xác. Có nhiều vấn đề khiến người ta nhầm lẫn. Nhưng một thực tế rõ ràng, những người phụ nữ được coi là “ngoại tộc” đang giữ những vai trò quan trọng trong đời sống của dân tộc Ơ Đu ở các bản làng. Bởi đơn giản, làm dâu Ơ Đu chủ yếu là người ngoại tộc. Và những người phụ nữ làm dâu Ơ Đu, chủ yếu là người Thái, Khơ Mú, đang giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, và cả trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của tộc người bên chồng.

Trong danh mục các dân tộc ở Việt Nam được công bố năm 1979 thì người Ơ Đu đứng cuối cùng và có số dân ít nhất cả nước. Số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2019 thì quy mô và cơ cấu dân số của người Ơ Đu ở Việt Nam hiện nay như sau: Tổng dân số người Ơ Đu là 428 người. Trong đó có 237 nam và 191 nữ. Phân theo thành thị và nông thôn thì có 29 người ở thành thị (gồm 9 nam và 20 nữ) và 399 người ở nông thôn (gồm 228 nam và 171 nữ)[1]. Riêng ở Nghệ An, người Ơ Đu sinh sống tập trung ở huyện Tương Dương. Có nhiều người đi làm việc một số đô thị nhưng hộ khẩu vẫn ở quê nhà. Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương thì tính đến cuối tháng 12/2020, dân tộc Ơ Đu có 135 hộ gia đình với 383 nhân khẩu. Trong đó, bản Văng Môn (xã Nga My, Tương Dương) tập trung 99 hộ với 273 nhân khẩu, chiếm 73,3% số hộ và 71,3% nhân khẩu Ơ Đu. Đây là một bản tái định cư dành cho cộng đồng này được thành lập từ năm 2006 khi Nhà nước xây dựng nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ. Ban đầu có 73 hộ thuộc 8 bản (Kim Hoà, Bản Com, Xốp Pột, Xốp Cháo, Bản Củng, Tạ Xiêng, Bản Mã, Cha Coong) ở 4 xã là Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Dương, Hữu Khuông tái định cư về. Đến năm 2007 có thêm 5 hộ gia đình Ơ Đu di cư tự phát về đây. Sau đó có nhiều hộ gia đình được tách ra khi con cái trưởng thành. Vậy nên, hiện nay, bản Văng Môn trở thành trung tâm của người Ơ Đu ở Việt Nam.

Là một cộng đồng có dân số ít lại di cư đến sau nên người Ơ Đu chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Thái và Khơ Mú, đặc biệt là người Thái. “Trước Cách mạng tháng Tám, đồng bào phải làm dân “cuông, nhốc” cho chúa đất người Thái vì hầu hết đất rừng bị chúng chiếm đoạt. Người Ơ Đu phải “ăn ruộng” của chúa đất Thái, nộp thuế đến mức lao động gần như không công và nộp những sản vật quý để đổi lấy quyền cư trú trong khu vực cai quản của chúng. Tuy bị áp bức chèn ép về tinh thần, cướp đoạt về kinh tế, nhưng nhờ trong quá khứ dân tộc Ơ Đu đã từng có trình độ phát triển xã hội tương đối cao, nên họ không bị đẩy vào tình trạng sống phiêu bạt bằng “kinh tế tự nhiên” như một số cư dân khác trong vùng. Cư dân Ơ Đu một thời biết làm nghề ruộng nước, lại có nhiều kinh nghiệm trong canh tác nương rẫy dốc. Họ tự sản xuất được vải mặc và khâu, vá, thêu thùa giỏi. Nghề đan mây tre, nghề làm đồ gỗ, nghề đãi vàng trên sông khá thành thạo. Nhà ở của họ khác nhà ở của người Thái ở chỗ: đầu nhà quay vào núi, áo quần của họ như người Thái; nhưng người già khi chết họ mặc áo có dấu ấn của một số yếu tố trang phục cổ truyền. Ngày hội mùa đầu năm đồng bào tổ chức riêng không cùng một ngày với cư dân Thái và Khơ Mú trong vùng”[2]. Đây là một nhận định về vị thế, quan hệ của người Ơ Đu với các dân tộc khác trong vùng và cả những đặc trưng văn hóa mà người Ơ Đu từng có. Nhưng nhận định này chưa cho thấy rõ xuất phát từ nguồn tài liệu nào và nếu không khéo dễ gây ra những mâu thuẫn giữa các dân tộc khi quá coi nặng quan hệ bóc lột mà người Thái đối với người Ơ Đu. Ngày nay, giới nghiên cứu chưa chứng minh được có cuộc chiến nào nổ ra giữa hai cộng đồng này. Và hiện tại họ vẫn giữ được những mối quan hệ tốt đẹp. Những tư liệu dân tộc học từ quan hệ hôn nhân phần nào cũng chứng minh được điều đó.

Trong xã hội Ơ Đu truyền thống đến hiện đại thì quan hệ hôn nhân đa tộc người là phổ biến. Người Ơ Đu ở Việt Nam chỉ có một dòng họ là Lo/Lô nên họ luôn coi nhau là anh em có cùng chung tổ tiên. Do vậy, người Ơ Đu không được phép kết hôn với nhau như là một biểu hiện rõ nét của quy tắc ngoại tộc hôn. Hôn nhân của người Ơ Đu chủ yếu diễn ra với các cộng đồng khác, mà người Khơ Mú và người Thái là chính, như phần đầu bài viết này đã đề cập. Tại bản Văng Môn, trong tổng số 99 hộ gia đình thì có 52 phụ nữ Khơ Mú và 44 phụ nữ Thái làm dâu. Trong đó có 3 trường hợp hiếm hoi người Ơ Đu lấy nhau là những người trẻ tuổi và họ tiếp thu quan niệm từ người Kinh ở vùng xuôi là dù cùng họ nhưng quan hệ huyết thống quá 5 đời trở lên vẫn lấy nhau được. Nhưng về cơ bản, người Ơ Đu vẫn không muốn cùng họ kết hôn với nhau, và hôn nhân đa tộc người là hiện thực phổ biến.

Việc đàn ông Ơ Đu chủ yếu kết hôn với phụ nữ Khơ Mú và Thái là một trong những nguyên nhân tạo nên sự ảnh hưởng của văn hóa Thái và Khơ Mú đối với văn hóa Ơ Đu. Bởi như đã biết, phụ nữ luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc thực hành và trao truyền văn hóa. Khác với hầu hết các phụ nữ Ơ Đu lấy chồng Khơ Mú hay Thái khi về nhà chồng họ thực hành văn hóa bên tộc người chồng là chủ yếu, thì những người phụ nữ Khơ Mú và Thái khi về làm dâu Ơ Đu lại thực hành song song hai nền văn hóa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Ơ Đu đã và đang bị đồng hóa qua các quá trình Thái hóa, Khơ Mú hóa qua các mối quan hệ hôn nhân. Điều đó có thể không sai, nhưng cái gì cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Nếu nhìn trên góc độ vốn văn hóa và phát triển kinh tế, có thể lập luận rằng: Người Ơ Đu đã rất thông minh và nhanh nhạy khi biết vận dụng các mối quan hệ hôn nhân với người Thái và Khơ Mú để tiếp nhận, thừa hưởng một nguồn vốn văn hóa quan trọng để vận dụng vào phát triển kinh tế một cách hiệu quả trong bối cảnh họ bị yếu thế về số lượng dân số và sự phân bố rải rác. Lập luận này hoàn toàn có cơ sở nếu xem xét tình hình thực tiễn phát triển kinh tế của người Ơ Đu.

Trong lịch sử cho thấy, người Ơ Đu đã vận dụng nhiều kỹ năng, kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp của người Khơ Mú, người Thái. Người Khơ Mú là cộng đồng có hệ thống tri thức dân gian về canh tác nương rẫy rất đa dạng và phong phú và họ quen thuộc với môi trường vùng miền núi nơi họ sinh sống. Những người Ơ Đu ở chung trong các bản người Khơ Mú thường chủ yếu lấy vợ là người Khơ Mú, vừa mở rộng thêm nguồn lực phát triển của mình, vừa nhận được thêm sự hỗ trợ từ phía gia đình và dòng họ bên vợ. Hơn hết, khi lấy người Khơ Mú về họ cũng được thừa hưởng và tiếp nhận những kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất từ người vợ. Còn ở khu vực người Thái thì người đàn ông Ơ Đu nào lấy được vợ Thái là một điều hãnh diện. Nhiều gia đình Ơ Đu sau khi kết hôn với phụ nữ Thái đã biết cách làm ruộng nước. Kết hôn với người phụ nữ Thái cũng có nghĩa là trong gia đình đó sẽ tự sản xuất được nhiều sản phẩm thủ công nghiệp quan trọng mà không phải qua mua bán, trao đổi như trước đây. Bởi hầu hết phụ nữ Thái đều biết những nghề thủ công cơ bản như dệt may, làm rượu cần… những nghề mà ở người Ơ Đu đã bị mai một, mất mát.

Một trong những điều quan trọng là qua quan hệ hôn nhân với người Thái, người Ơ Đu đã tìm ra được một con đường để tiếp cận và phát triển kinh tế thị trường cho riêng mình: con đường thừa hưởng và tiếp nhận vốn văn hóa từ cộng đồng khác. Thực tiễn phát triển ở bản Văng Môn cho thấy rõ hơn về điều đó. Khi tái định cư về đây, theo chính sách thì mỗi gia đình được chia cho một khoảng đất rừng để canh tác. Nhưng thực tế, đất được phân chia không đủ điều kiện để sản xuất lương thực mà chỉ để trồng keo, xoan và vài loại cây khác. Vấn đề lương thực trở thành thách thức lớn nhất của người dân nơi đây. Không sản xuất được lương thực nên phần lớn thu nhập của người dân chủ yếu để mua lúa gạo. Những người trẻ tuổi đi làm ở các khu công nghiệp, các đô thị để gửi tiền về trang trải trong gia đình. Những người ở lại cũng tìm những con đường mưu sinh khác nhau. Trong bối cảnh đó, một số gia đình đã thành công nhờ vào việc tham gia vào thị trường qua một vài hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Khi này, những giá trị của vốn văn hóa từ quan hệ hôn nhân với người Thái được thể hiện rõ nét nhất. Hiện nay, cả bản có 8 khung dệt đang hoạt động thì chủ nhân của cả 8 khung dệt này đều là phụ nữ Thái về làm dâu trong bản. Phụ nữ Ơ Đu chủ yếu đi làm dâu bản khác và họ cũng không biết nhiều về dệt may, còn phụ nữ Khơ Mú cũng không có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc thêu thùa, dệt may nên việc này do phụ nữ Thái đảm nhận. Hầu hết trang phục được coi là truyền thống của người Ơ Đu trong bản đều do những người này sản xuất và bán lại cho người dân. Họ cũng dệt may các trang phục truyền thống của người Thái để bán cho những người khác trong vùng. Việc làm này giúp cho họ có thêm một nguồn thu nhập tương đối lớn so với điều kiện cuộc sống ở bản. Không chỉ dệt may mà các hoạt động kinh tế thị trường khác trong bản cũng do phụ nữ Thái đảm nhiệm là chính. Bản Văng Môn hiện tại có 6 quán tạp hóa đảm nhiệm vai trò cung cấp các hàng hóa thiết yếu cho người dân cũng do phụ nữ Thái làm chủ. Có hai hộ gia đình chuyên làm rượu cần bán cho người trong bản và cả trong vùng cũng là do hai người phụ nữ Thái lấy chồng về đây làm ra. Để thực hiện những công việc này, những người phụ nữ Thái đã vận dụng vốn văn hóa được trao truyền từ cha mẹ vào cuộc sống hiện tại. Kỹ năng, kinh nghiệm về thủ công nghiệp, những trải nghiệm thị trường, mạng lưới xã hội và cả tư duy kinh tế nhanh nhạy của họ là những nhân tố quan trọng. Những người phụ nữ Thái hay Khơ Mú cũng có vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên văn hóa Ơ Đu hiện nay.

Quá trình xây dựng quan hệ hôn nhân và thừa hưởng, vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế của người Ơ Đu với người Thái hay Khơ Mú không phải diễn ra giản đơn. Câu chuyện của một người phụ nữ Thái về làm dâu Ơ Đu ở bản Văng Môn sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về điều đó.

Bà Lo Thị[3] sinh năm 1972, là một người phụ nữ Thái ở xã Kim Đa. Từ nhỏ, bà đã được mẹ truyền dạy cho những kỹ năng, tri thức về nghề dệt may truyền thống của dân tộc Thái, cộng với sự khéo tay nên bà trở thành người dệt may giỏi và được nhiều chàng trai để ý. Nhưng rồi bà lại phải lòng một chàng trai Ơ Đu ở bản Pủng cùng xã. Khi quyết định lấy chàng trai này, gia đình bà đã không chấp nhận vì cho rằng người Ơ Đu không giỏi làm ăn, không biết các nghề thủ công mà làm ruộng làm nương cũng không bằng người Thái hay người Khơ Mú. Đã vậy, nhiều người còn cho rằng người Ơ Đu không chịu khó làm ăn. Nhưng vì bà quyết tâm nên gia đình cũng đồng ý, bởi người Thái cũng tôn trọng quyền lựa chọn của con cái. Sau khi cưới, bà về bản Pủng sinh sống với gia đình chồng. Lúc đó, nhà chồng không có ruộng nước nên cha mẹ bà đã cho hai vợ chồng canh tác ở một mảnh ruộng nhỏ để có thêm lương thực. Về làm dâu ở một tộc người khác thì bà phải học tập các phong tục tập quán bên nhà chồng để thích ứng với cuộc sống mới. Nhưng bà cũng không từ bỏ các nét văn hóa truyền thống của mình. Cả trong trang phục cũng vậy, bà tự dệt may cho mình cả trang phục theo kiểu của người Ơ Đu, và cả trang phục người Thái. Khi về nhà cha mẹ đẻ dự một việc gì đó hay đi ra gặp gỡ bạn bè bà mặc trang phục Thái, còn khi phải thực hành một số nghi lễ hay phong tục của người Ơ Đu thì bà mặc trang phục Ơ Đu. Cứ như vậy mà bà sinh sống giữa hai nền văn hóa. Sau khi có con thì chủ yếu dạy con tiếng Thái vì tiếng Ơ Đu lúc đó đã bị mất mát gần hết, chỉ vài người già biết nói, cả chồng bà cũng nói tiếng Thái chứ không biết tiếng Ơ Đu. Năm 2006, cả gia đình bà tái định cư về bản Văng Môn. Lúc này, gia đình gặp nhiều khó khăn vì không còn nương rẫy hay ruộng nước để sản xuất lương thực. Các con của bà đi làm công ty (các khu công nghiệp) và gửi tiền về mua lương thực là chính. Chồng bà cũng đi làm thêm các việc khác. Nhưng con cái cũng phải lo cho bản thân, nên bà quyết định tìm cách mở rộng sinh kế của mình. Bà bắt đầu làm lại khung dệt và tiến hành dệt may quần áo để đem bán. Khi các dự án về khôi phục các nét văn hóa truyền thống của người Ơ Đu được thực hiện, nhu cầu về trang phục truyền thống của người Ơ Đu lên cao thì bà đứng ra đảm nhận việc dệt may. Các chương trình, dự án đặt bà sản xuất các trang phục truyền thống người Ơ Đu để sử dụng, nhất là trong các cuộc trình diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống. Những việc này mang lại cho bà một nguồn thu nhập khá. Không những vậy, bà còn sản xuất trang phục truyền thống của người Thái để bán cho người trong vùng tăng thêm thu nhập. Từ đó, bà có nguồn vốn và mở một quán tạp hóa. Hàng ngày, bà vừa bán hàng vừa dệt may, thêu thùa để kiếm sống. Mỗi tháng như vậy cho bà một mức thu nhập trung bình từ 3-4 triệu đồng để trang trải cuộc sống gia đình và còn có phần hỗ trợ con cháu[4]. Và một điều cần phải biết, những người phụ nữ như bà Lo Thị ở bản Văng Môn khá phổ biến. Họ là những người Thái, người Khơ Mú về làm dâu Ơ Đu và đang hàng ngày góp phần kiến tạo nên văn hóa Ơ Đu hiện nay. Và họ cũng là những người sống giữa hai làn văn hóa là truyền thống của tộc người mình và văn hóa tộc người bên chồng. Nhưng không phải ai cũng nhận ra được vai trò của họ.

Qua câu chuyện của bà Lo Thị cho thấy, việc xây dựng quan hệ hôn nhân của người Ơ Đu với người Thái có nhiều vấn đề không đơn giản. Những gia đình người Thái không muốn con cái lấy người Ơ Đu nên để đến được với nhau họ phải thật sự yêu thương và quyết tâm. Thực tế, những người đàn ông Ơ Đu để lấy được vợ người Thái thì chính họ phải chăm chỉ, bản lĩnh và giỏi giang. Và lấy được vợ Thái cũng là một sự hãnh diện đối với họ. Không chỉ về mặt tâm lý mà quan hệ hôn nhân này còn giúp cho gia đình chồng được thừa hưởng một nguồn vốn văn hóa quan trọng từ một cộng đồng khác để vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Chúng ta đều biết việc trao truyền vốn văn hóa giữa các thế hệ trong gia đình, trong một cộng đồng là điều phổ biến. Nhưng với người Ơ Đu, trong thực trạng nguồn vốn văn hóa cộng đồng của họ bị mai một thì việc tiếp nhận, thừa hưởng một nguồn vốn văn hóa từ cộng đồng khác qua quan hệ hôn nhân để vận dụng vào phát triển là một lựa chọn khéo léo và hiệu quả. Quan hệ hôn nhân cũng giúp cho người Ơ Đu mở rộng mạng lưới xã hội của mình ra các cộng đồng khác. Khi có quan hệ hôn nhân thì quan hệ giữa họ với gia đình bên vợ hay dòng họ bên vợ cũng chặt chẽ hơn và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau khi cần thiết. Những nhân tố này giúp cho người Ơ Đu tiếp cận nền kinh tế thị trường theo một cách đặc trưng nhưng cũng có những hiệu quả nhất định, nhất là thông qua các nghề thủ công nghiệp được những người phụ nữ dân tộc khác mang theo về làm dâu Ơ Đu. Với một cộng đồng dân tộc rất ít người như Ơ Đu thì đây là con đường phát triển đầy khôn ngoan và cho thấy họ cũng là những con người duy lý, biết tính toán sao cho phù hợp.

Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn nói rằng người Ơ Đu đã bị mai một và mất mát hết các yếu tố văn hoá truyền thống. Đến ngôn ngữ cũng đã bị mất đi, hiện nay chỉ còn vài người biết nói một số từ cơ bản. Thậm chí có người còn cho rằng, người Ơ Đu đã bị “đồng hoá”, giờ thành người Thái, người Khơ Mú cả rồi. Đó là một nỗi lo của nhiều người. Nhưng xét cho cùng thì bản sắc văn hoá không phải là cái gì đó bất biến, mà nó luôn biến đổi qua giao lưu, tiếp xúc văn hoá. Văn hoá Ơ Đu, cũng như nhiều nền văn hoá khác luôn luôn biến đổi qua những giai đoạn khác nhau. Một cộng đồng chỉ còn lại chưa đầy bốn trăm người mà phải sinh sống xen kẽ bên cạnh các cộng đồng có dân số lớn hơn thì không thể tránh khỏi những ảnh hưởng về mặt văn hoá. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực, thì chưa hẳn đó là quá trình đồng hoá, mà có thể là sự tích hợp, hòa hợp văn hoá. Cộng đồng nào cũng muốn gìn giữ những nét văn hoá đặc trưng của mình. Nhưng mong muốn đó cũng phụ thuộc vào những bối cảnh lịch sử cụ thể khác nhau. Điều quan trọng là cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn, ấm no hơn thì có nghĩa rằng những giá trị văn hoá mà họ tiếp nhận là phù hợp với họ. Mà trong quá trình tiếp nhận đó, người phụ nữ giữ vai trò quan trọng. Ở Văng Môn, những người phụ nữ Thái, Khơ Mú về làm dâu đã và đang làm những điều đó. Vậy nên, dù nói thế nào thì khi nói về văn hoá Ơ Đu, về bản Văng Môn, không thể không đề cập đến vai trò của họ. Vì họ là những người giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên văn hoá Ơ Đu, kiến tạo sự phát triển ở Văng Môn./.

Bùi Hào

“Those were the days” – Lời tuyên ngôn của kẻ say mê

“Those were the days” là ca khúc tiếng Anh đầu tiên tôi được nghe khi mới học lớp 6. Ở độ tuổi mới lớn, phải đối mặt với các bài kiểm tra ngặt nghèo của “trường chuyên lớp chọn”, bắt gặp ca khúc này qua băng cassette mà bố tôi lâu lắm rồi không nghe đến. Tôi lập tức bị cuốn hút bởi giai điệu tưởng chừng rất vui tươi nhưng lại ẩn chứa đầy tâm trạng của ca khúc này, nhưng vì không có

Hồn Anime – Năng lượng nảy sinh từ bức tranh toàn cảnh

Một bản vẽ tay có “hồn” là bản vẽ toát ra được sức sống từ sự kết hợp các đường nét. Trong Hồn Anime, tác giả kiêm nhà nhân học văn hóa Ian Condry đã mượn từ “hồn” để nói đến năng lượng xã hội tập thể nảy sinh trong một mạng lưới hợp tác cùng sáng tạo anime. Muốn đưa được cái hồn anime này ra cho người khác thấy, công việc của Condry trong quyển sách là vẽ nên một bức tranh toàn

Một ngày của Mế – theo chân một người phụ nữ Thái lên nương

Hãy theo chân một người phụ nữ Thái lên nương. Chỉ một ngày thôi, người ta sẽ có được bức tranh vẽ nên cả những kiếp người. Người Thái có câu ngạn ngữ đại ý rằng người vợ là vía của gia đình. Khi đã xong lễ tơ hồng trong ngày cưới thì vía của vợ gắn với chồng. Từ đó thành người đàn bà, thuộc về nhà chồng. Nhưng ngày nay thật khó nhận ra một phụ nữ Thái khi ra chốn đô hội,

Hữu Vi

16/10/2024

Để trở thành người phụ nữ đích thực

Trong xã hội Việt Nam hiện nay dường như đã có sự chia phe của hai kiểu mẫu phụ nữ:  kiểu mẫu “người mẹ” và kiểu mẫu “người tình”. Hai phe này thậm chí còn luôn chê trách, dè bỉu lối sống của nhau. Cách phân chia như vậy hình thành từ rất lâu đời, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới, rồi sau đó,  được nhà phân tâm học Carl Jung “chỉ mặt đặt tên” trong các nghiên cứu

“Triết học cho con gái” hay triết học của “cơi đựng trầu”

“Đàn ông nông nổi giếng khơi Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” Cặp ca dao Việt Nam này thường được dùng  để mỉa mai phụ nữ, ý muốn ám chỉ rằng phụ nữ dẫu có sâu sắc đến mấy cũng nông chư chiếc cơi đựng trầu, không thể sánh với đàn ông, dẫu có nông nổi mấy thì cũng có ý nghĩa thâm sâu. Thực ra, cặp ca dao này có thể được hiểu theo một nghĩa khác nếu ta mở rộng tầm