Home Đọc “Mê hồn ca” của Đinh Hùng: cõi chiêm bao của thức tỉnh tinh thần

“Mê hồn ca” của Đinh Hùng: cõi chiêm bao của thức tỉnh tinh thần

Hà Thủy Nguyên

Lần đầu tiên đọc thơ Đinh Hùng, khi ấy tôi vẫn còn ngồi trên ghế trường trung học, đó là bài thơ “Khi mới nhớn”. Bài thơ nằm trong một tuyển tập ở thư viện Hà Nội. Tôi đọc bài thơ với sự khoái chí khi tưởng tượng đến cậu học trò trốn học bởi nhận thức được những sự ngớ ngẩn của trường lớp và muốn giữ mãi sự mơ mộng nguyên thủy của bản thân. Thời ấy, tôi tâm đắc mấy câu này:
“Ta ném bút dẫm lên sầu một buổi
Xa vở bài, mở rộng sách ham mê
Đã từng phen trèo cổng, bỏ trường về
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn”
Tôi thích mê Đinh Hùng đi được và quyết định là sẽ tìm bằng được thơ của ông. Nhưng thời ấy, các cô giáo dậy văn của tôi không ai biết Đinh Hùng, thư viện không có sách của ông, và ngay cả cuốn sách điểm mặt gần như toàn bộ các nhà thơ xuất sắc thời 30 – 45 là “Thi nhân Việt Nam” cũng không nhắc đến ông. Chỉ đến khi vào đại học, tôi mới được đọc thêm một bài khác của Đinh Hùng là “Bài ca man rợ”, và lúc ấy, tôi mới nhận diện được phần nào con người thơ của Đinh Hùng, rồi được nghe nói đến tập thơ “Mê hồn ca” của ông như một huyền thoại. Cũng xin nói thêm, một sinh viên ngành nhân văn ở Việt Nam trước 2010 mà muốn tìm tư liệu để đọc không phải việc dễ nếu không có mối quan hệ đủ tốt với các thày và các nhà nghiên cứu. Sẽ không có chuyện lên Thi Viện “search” tên Đinh Hùng là có gần như đầy đủ các tác phẩm của ông. Tôi đã đi tìm tập thơ ấy trong nhiều năm, và chỉ đến khi vào Sài Gòn làm việc (năm 2008), tôi mới thực sự được đọc toàn bộ tập thơ “Mê hồn ca” nhờ những hàng sách cũ ở thành phố này. Nhiều năm sau khi đọc “Mê hồn ca”, tôi không đọc được thơ của người khác. Tôi đã bị ám ảnh bởi thực tại kỳ vĩ trong thơ Đinh Hùng, một thế giới thơ hiếm hoi trong nền văn chương Việt Nam vốn chỉ thích những thứ be bé, xinh xinh…
Đinh Hùng sinh năm 1920, thuộc thế hệ nhà thơ trẻ bắt đầu trưởng thành vào cuối Phong trào Thơ Mới. Ông sáng tác nhiều bài thơ thời ấy, dù còn non tay. Sau này, những bài thơ thời non trẻ ấy được đưa vào tập “Đường vào tình sử” (1961). Kể ra thì, ngay cả các bài thơ non tay của Đinh Hùng cũng ăn đứt không ít các nhà thơ được tuyển vào “Thi nhân Việt Nam” (1942). Sau này, các học giả đều phê phán Hoài Thanh về việc không đưa Đinh Hùng vào “Thi nhân Việt Nam” với lời buộc tội rằng Hoài Thanh không chịu nổi các bài thơ siêu thực, tượng trưng mà chỉ thích các bài êm tai. Đinh Hùng không được nhắc đến trong “Thi nhân Việt Nam”, tôi cho rằng đó là điều hợp lý. Bởi thơ ông vượt ra khỏi phạm vi “Việt Nam”, và nếu có đưa ông vào tập sách ấy, quả thực cũng không biết xếp ông ở ghế nào trong bảng xếp hạng thời thượng đó. Hơn nữa, việc hiểu thơ Đinh Hùng không phải việc dễ, nó đòi hỏi người đọc phải tách biệt khỏi thế giới thực để bước vào một cõi giới khác. “Muốn đi vào thi giới của Mê Hồn ca và Đường Vào Tình Sử, trước hết, phải tách rời nó ra khỏi thực tại. Tách rời hẳn ra. Vì thi giới đó, không phải là một phản ánh thơ mộng của thực tại như ta lầm tưởng. Thi giới đó là một hư cấu, hoàn toàn độc lập với thực tại, nếu có tương quan thì tương quan đó chỉ là tác giả và người đọc, những nhân sự khởi đi từ trần lụy để tìm đến một vũ trụ khác.” (Đặng Tiến) (1)
Đinh Hùng là bạn thân của Vũ Hoàng Chương và Thạch Lam, nhưng người “tri ngộ” ông lại chính là Thế Lữ – vị chủ soái của phong trào Thơ Mới. Thế Lữ khi viết “Trại Bồ Tùng Linh” đã lấy bài thơ “Kỳ nữ” của Đinh Hùng để sử dụng trong truyện. Bài thơ hẳn đã là một sự chấn động với vị chủ soái, nếu không ông đã tự sáng tác một bài thơ thay vì mượn thơ của một nhà thơ trẻ tuổi chưa có nhiều danh tiếng. Sau khi đọc bài thơ này, Thế Lữ đã không làm thơ nữa. “Kỳ nữ” là những mảng siêu thực về hình ảnh của người con gái phi thường. Người con gái này là một nữ thần để Đinh Hùng phải quỳ gối:
“Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo
Nhưng cúi đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm
Chưa tội lỗi đã thấy tràn hối hận”
Nếu nhà phê bình nào cố gắng đi tìm “Kỳ nữ” này ngoài đời thật thì đó là một nhiệm vụ không tưởng. Người “kỳ nữ” của Đinh Hùng không có một chút nào là “thật”. “Thật” ở đây có nghĩa là hiện hữu. Đi tìm một dạng tồn tại không hiện hữu thì không thể sử dụng con mắt của các nhà nghiên cứu hay phê bình được. Nếu chỉ bằng con mắt soi xét những thứ hiện hữu, ta chỉ thấy những hấp dẫn câu chữ mà chúng ta thường quen gọi là “thủ pháp” và “tư tưởng”. Người ta đọc thơ không phải đi tìm những thứ ấy. Người ta đọc thơ bởi vì thơ đưa tinh thần của ta vào không gian tinh thần của thi sĩ và thông qua đó gợi mở cho ta điều mới mẻ. Trong trường hợp bài “Kỳ nữ”, Đinh Hùng đã đưa ta vào một không gian thần thoại mà ở đó tự nhiên và người con gái đồng nhất với nhau. Trong thần thoại, các nữ thần cổ xưa thường được mô tả với vẻ kì vĩ của trăng sao, của núi rừng. Nữ thần không mang hình hài con người mà mang hình hài của tự nhiên với “biển sắc rừng hương”, “ngàn hoa sớm”, “vầng đông”, “sao mọc”, “băng tuyết”… Trong khoảnh khắc đầu tiên mà thần nữ xuất hiện, không phải là “làn thu thủy nét xuân sơn” (2) mà là “trời ta mơ ước”. “Kỳ nữ” với Đinh Hùng cũng giống như nàng Galatae với chàng Pygmalion, là đại diện cho lý tưởng, cho cõi mơ, cho sự hoàn hảo mà người nghệ sĩ luôn tưởng đến. Nhưng “Kỳ nữ” chỉ là một mã để ta nhận diện thế giới Đinh Hùng mong muốn chạm đến. Trong thế giới ấy, tự nhiên đóng vai trò tuyệt bích dù cho có “dị kỳ”, có “yêu ma”. “Kỳ nữ” nằm trong phần II của “Mê hồn ca”, có tên là “Thần tượng” cùng với hai bài thơ khác là “Ác mộng” và “Hương trinh bạch”. Người con gái trong hai bài thơ này cũng giống như “Kỳ nữ”, đều là đại diện cho lý tưởng của nhà thơ, cho sự ngưỡng vọng và khao khát đối với tự nhiên, với cảm giác hung bạo của bản năng.
Trong bài viết “Thơ Đinh Hùng: Hai thế giới” của nhà phê bình văn học Nhị Linh (Cao Việt Dũng) (3), yếu tố “man rợ” của tự nhiên trong thơ Đinh Hùng bị gạt bỏ và người đọc được thuyết phục rằng mấu chốt của thơ Đinh Hùng chính là yếu tố “mị”. Nhị Linh đã liệt kê một loạt các bằng chứng để thuyết phục người đọc rằng thơ Đinh Hùng có màu sắc ma mị, trong đó có bằng chứng về lời nhận định của những người bạn thân với Đinh Hùng. Đây là một cách nhìn hết sức sai lầm. Sai lầm này đến từ việc nhà phê bình không hiểu về tự nhiên, cũng không hiểu về ma mị. Tự nhiên trong tâm thức thần thoại luôn được gắn với các linh hồn lớn mà chúng ta vẫn gọi là “thần”. Con người thời cổ không thể lý giải được tự nhiên nên họ kính sợ, gán cho các hiện tượng ấy những thần tính. Các thần tính này dựa trên một sự chắt lọc về nhân cách hoàn hảo mà một bộ tộc tôn sùng. Như vậy, một vị thần tự nhiên được kết hợp bởi sức mạnh bí hiểm của tự nhiên và nhân cách hoàn hảo đại diện cho bộ tộc, để rồi toàn bộ tộc chịu sự chi phối của vị thần. Con người trong nhiều nghìn năm lịch sử, vừa kính sợ lại vừa ghét bỏ và đồng thời cũng ước ao đạt tới thế giới của các vị thần. Nhưng nực cười ở chỗ, con người có thể kính sợ hoặc ghét bỏ ngoại trừ việc đạt đến. Và thế là họ chuyển sang kế hoạch hạ bệ các vị thần hết lần này đến lần khác, bằng nhiều cách khác nhau. Các vị thần lùi vào bóng đêm, trở thành những bóng ma lẩn khuất và vẫn gắn liền với tự nhiên nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Trong văn hóa dân gian Á Đông, hồ ly tinh là một hình mẫu như vậy. Hồ ly tinh vốn là một vị thần cổ và dần dần bị biến thành yêu ma, quỷ quái trong các truyện truyền kỳ dưới con mắt của Nho giáo – một hệ tư tưởng bài trừ các vị thần. Người ta thích đọc các câu truyện Liêu Trai với các mối tình giữa người thường với hồ ly, hồn ma, tinh hoa, tinh bướm…v…v… bởi người ta bị kích thích do sự say đắm hoan lạc khi cảm giác sự chạm đến tự nhiên bí ẩn, kể cả trong tưởng tượng.  Đời sống của cộng đồng người với thứ “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” (4) không đáp ứng được lòng ham muốn không đáy của con người, bởi thứ con người thực sự đói khát là được trở về với xuất xứ của mình, với bản tính tự nhiên. Con người tôn sùng các vị thần tự nhiên hay mơ mộng được làm tình với hồ ly tinh thì cũng đều là một sự đói khát tự nhiên – phẩm chất đã mất đi trong dòng lịch sử. Đó là nỗi ám ảnh của Đinh Hùng, là cảm hứng chi phối chủ đạo trong “Mê hồn ca”. Gán thơ Đinh Hùng với yếu tố mị, Nhị Linh đã hạ thấp tầm cỡ của Đinh Hùng xuống một thứ tầm thường như những truyện ma thịnh hành từ quãng những năm 30s, 40s đến 60s của thế kỷ 20. Không nhà thơ nào sống một đời đắm đuối với thơ ca lại đi viết những bài thơ để biểu hiện sự ma mị chẳng khác nào “Liêu Trai chí dị”. Có lẽ, Nhị Linh đã quá thích thú với các tư liệu ngoài lề mà mình tìm được mà quên mất rằng điều quan trọng nhất để hiểu con người thơ của một nhà thơ là qua văn bản chứ không phải qua các mẩu chuyện đời. Những mẩu chuyện đời chỉ là một sự bổ trợ để lý giải các mã ngôn từ trong văn bản mang tính chất đời sống cá nhân của tác giả.
Cũng trong bài viết của mình, Nhị Linh phản đối việc sử dụng “Bài ca man rợ” như một chìa khóa quan trọng để giải mã tập thơ kỳ dị “Mê hồn ca”. “Bài ca man rợ” quả thực không phải là chìa khóa quan trọng, nhưng “Bài ca man rợ” đóng vai trò như một tuyên ngôn của Đinh Hùng. Bài thơ nằm trong phần “Nguyên thủy”, mở đầu tập “Mê hồn ca”. Sự sắp xếp này của Đinh Hùng chẳng phải rất rõ ràng sao? “Nguyên thủy” là một thời kỳ mà con người sống trong tâm thức thần thoại, khi vẫn còn rất gần với tự nhiên. Phần “Nguyên thủy” có 5 bài là “Bài ca man rợ”, “Những hướng sao rơi”, “Người gái thiên nhiên”, “Hoa sử”, “Trời ảo diệu”. Cả 5 bài thơ này dù được viết với các phong cách khác nhau nhưng tràn ngập các biểu tượng liên quan đến tự nhiên:
Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối
Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng
Rồi ta đi, khí núi bốc trên lưng
Mắt hung ác và hình dung cổ quái”
(“Bài ca man rợ”)
Khi miếu đường kia phá bỏ rồi
ta đi tìm những hướng sao rơi
lạc loài theo dấu chân cầm thú
từng vệt dương sa mọc khắc người
(“Những hướng sao rơi”)
chúng tôi gặp nhau bên dòng suối ngọt
làm đôi người cô độc thuở sơ khai:
nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài
ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc
nàng là Gái-Muôn-Đời không đổi khác:
bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân
ta đến đây làm chủ hội phong trần
lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ
rừng buổi đó vang tiếng cười man rợ
quả tơ duyên đỏ thắm sắc trên cành
chúng ta đi, lặng ngắm núi đồi xanh
bước trên cỏ để ngàn sau in dấu
(“Người gái thiên nhiên”)
xưa mạch đất dấu nghìn xuân vũ trụ
ta lãng du, chợt gặp cỏ hoa tình
mừng phong cảnh bốn mùa về hội ngộ
em gọi tên hồn non nước sơ sinh
(“Hoa sử”)
“Hỡi non thẳm! trước thời gian xao động
Đá bâng khuâng, màu thạch nhũ phai mờ
Mấy xuân thu ngươi đứng nhìn sao rụng?
Ta tìm trên tuyết dấu Người Xưa”
(“Trời ảo diệu”)
Người hoang dã, mong muốn trở về với cầm thú, sự xao động trước tự nhiên, nỗi nhớ “người xưa” hay người cùng bộ lạc từ thuở xa xôi… tất cả đều là một sự tiếc nhớ bản chất tự nhiên. Những điều ấy được phát biểu rõ nét trong “Bài ca man rợ”. “Bài ca man rợ” nói về một người “thiên nhiên” về với đô thị. Người thiên nhiên này mang dáng vẻ của rừng núi hoang sơ khiến “cả cõi đời kinh hãi”. Người rừng đứng trước đô thành với ánh mắt ngơ ngác:
“Ta ngẩn ngơ nhìn theo bóng ngựa xe
Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả
Và ta thấy hiện nguyên lòng sơn dã:
Cảnh sắc này bỗng nhuộm máu tà dương
Ta xót thương, ta căm giận, hung cuồng
Ta gầm thét, rung mấy trời thế sự”
Đó là sự “xót thương”, “căm giận”, “hung cuồng” khi chứng kiến đời sống đô thị giả dối, yếu đuối và nhàm chán với những “xiêm áo”, với “trán phẳng”. Trong cơn giận dữ ấy, người rừng – thi sĩ đã hét lên vừa như muốn kêu gọi đồng loại, vừa như muốn chối bỏ đồng loại:
“Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản
Mất tinh thần từ những thuở xa xôi!
Ta về đây lạ hết các ngươi rồi
Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống”
Và:
“Lạc thiên nhiên đến cả bọn đàn bà”
Sự tuyệt vọng đã khiến người rừng – thi sĩ ra tay tàn phá toàn bộ đô thành, để rồi quay trở lại với núi rừng dưới ánh hoàng hôn đỏ máu. Sự tàn phá này không phải sự phá hoại, đây là một sự tàn phá bằng tinh thần để chống lại các quy ước giả dối của con người. Đây là không khí thơ ta thấy được ở các nhà thơ thời kỳ Lãng mạn như Tennyson, Thoreau hay Wiliam Wordsworth. Những nhà thơ lãng mạn này chứng kiến cuộc Cách mạng Công nghiệp diễn ra ở Châu Âu với sự tàn phá cảnh quan và bản tính con người, cũng đã không ít lần giận dữ và họ chọn quay về với tự nhiên theo những cách rất khác nhau. Mặc dù các nhà phê bình thường so sánh thơ Đinh Hùng với thơ tượng trưng Pháp nhưng tôi lại thấy Đinh Hùng gần với các nhà thơ lãng mạn Anh – Mỹ hơn. Các nhà thơ lãng mạn Anh – Mỹ không đắm đuối theo ái tình mà có thiên hướng gần gũi với tự nhiên, với những điều huyền bí, bởi thế trong thơ lãng mạn Anh – Mỹ có rất nhiều yếu tố tượng trưng và siêu thực. Tôi không rõ Đinh Hùng có chịu ảnh hưởng của các tác giả ấy hay không, sự so sánh này đơn thuần là chỉ ra sự tương đồng. Bởi thế, giữa một nền thi ca mang màu sắc của lãng mạn Pháp, Đinh Hùng là một sự lạc điệu với không khí lãng mạn của Anh. Hoài Thanh không cảm được, nhiều người sau này không cảm được ông âu cũng là dễ hiểu. Cho đến nay, văn chương Anh – Mỹ vẫn là một thế giới xa vời với đại đa số người đọc Việt Nam, hay nói một cách khác, thơ Việt Nam vẫn chưa thoát được cái bóng của thơ Pháp, và bất cứ ai có một giọng điệu khác với loại thơ mẫu quốc ấy thì khó có thể được nhiều người yêu thích.
Bóng ma chiếm một phần trong tập thơ với hai phần “Chiêu niệm” và “Mê hồn” cùng với bài trường thi “Thần tụng”. Trong bài viết “Đinh Hùng, người kiến trúc chiêm bao”, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cho rằng biểu tượng mạnh mẽ nhất của Đinh Hùng là cái chết với “mặt trời máu”, với “nấm mồ”, “tử thần”, “hồn ma”… (5) Quả nhiên, trong hai phần “Chiêu niệm”, “Mê hồn” và cả bài trường thi “Thần tụng” cũng tràn ngập không khí của cõi chết. Nhưng cái chết trong thơ Đinh Hùng không phải sự tàn lụi và đau thương. Cái chết trong thơ Đinh Hùng rạo rực xuân tình, đầy sức sống:
“Cười lên em!
Khóc lên em!
Đâu trăng tình sử
Nép áo trần duyên?
Gót sen tố nữ
Xôn xao đêm huyền
Ta đi, lạc xứ thần tiên
Hồn trùng dương hiện bóng thuyền U Minh
 
Ta gởi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?”
(“Gửi người dưới mộ”)
Các nhà phê bình đều cho rằng cái chết của Liên, người yêu Đinh Hùng đã gây ra nỗi ám ảnh này với ông. Nhưng cái chết của người yêu chỉ là cái cớ bên ngoài, lựa chọn thói quen “đem phòng làm cổ mộ” hay “đọc thơ gọi hồn” lại đến từ sâu kín tinh thần của Đinh Hùng. Đâu phải người nào chứng kiến cái chết của người yêu cũng sẽ có những ám ảnh như ông. Thế nên, lấy cái chết của một cô gái hiện hữu để lý giải cho nỗi khao khát “kỳ nữ” hay “người gái thiên nhiên” của Đinh Hùng là sự khiên cưỡng, thậm chí để lý giải cho bóng ma trong thơ ông cũng là cái nhìn trần tục.
Chúng ta hãy quay trở lại với nỗi khao khát tự nhiên của ông. Con người khao khát tự nhiên bởi trong tự nhiên, phần tinh thần của con người được hiển diện. Đô thị, một thứ cộng đồng người tách xa tự nhiên, khiến phần tinh thần này bị suy thoái. Thoreau đã viết thế này trong những ngày một mình sống trong rừng: “Tôi đã tìm thấy trong bản thân tôi, và vẫn còn tìm, cái thiên hướng về một đời sống cao cả hơn, hay như cái tên của nó, đời sống tâm linh, như phần lớn người ta, và mặt khác, hướng về cái đời sống nguyên thủy và dã man, và tôi tôn kính cả hai. Tôi yêu cái hoang dã nguyên sơ không kém cái thiện”. (6) Trong bài thơ “Khi mới nhớn”, Đinh Hùng đã cho ta biết về một cậu bé từ bỏ sách vở để trò chuyện với cỏ cây. Đinh Hùng cũng giống như Thoreau, đã sớm tìm về với tự nhiên. “Trò chuyện” chỉ là một cách nói khác của sự giao hòa về mặt tinh thần. Khi lớn lên, ông trò chuyện với “bóng ma”. Người thường không nhìn thấy thậm chí không cảm thấy sự hiện diện của “bóng ma”. Nhưng một người có thể nói chuyện với cây cỏ trong suốt những giờ trốn học đương nhiên có thể thực hiện một cuộc ái ân với “bóng ma”, có thể gửi tới địa ngục những “bài thơ anh linh” để gọi hồn ma quay lại. Những bài thơ trong phần “Chiêu niệm” khiến cho ta hoang mang không rõ Đinh Hùng đã đưa bóng ma từ cõi ảo đến với cõi thực hay từ cõi thực xông vào cõi ảo để được gặp mặt bóng ma. Ranh giới rất khó để phân định và cũng không thể vội vã kết luận ngay rằng Đinh Hùng viết về bóng ma ở trạng thái nửa thực nửa ảo, bởi vì đôi lúc Đinh Hùng như thể đã từ bỏ cõi thực để đi vào cõi ảo:
“từ đây châu thổ không người
ta muốn xa chơi
những đường viễn xứ
ta khóc, ta cười
cho nguyệt cầu rơi
ta gọi hồn trời
trong hang cầm thú
than ôi, than ôi!
lòng ta man rợ
không còn xót thương
chết đi ta phá Thiên đường
kinh động trái tim Thần nữ”
(“Màu sương linh giác”)
“nghìn năm chưa thoát cơn mê hoảng
ta thác sinh vào ngọn hải đăng
hỏi bao hòn đảo vừa ly tán
trần tục là đâu? hỡi đất bằng!”
(“Thoát duyên trần cấu”)
Vậy là thói quen tinh thần khi đắm chìm với tự nhiên đã đưa Đinh Hùng đến với ám ảnh về cái chết, về bóng ma. Trong đời sống tôn giáo tâm linh, trải nghiệm cận tử là quan trọng nhất của các bậc thầy và đời sống sau khi chết chính là đời sống thực của linh hồn. Trải nghiệm cận tử đưa linh hồn con người thoát khỏi thể xác và khám phá thế giới cõi âm. Điều này được ghi lại trong các thư tịch của Tây Tạng, Ai Cập, Trung Quốc và một vài trường hợp cận tử được ghi lại bởi báo chí phương Tây. Trong trạng thái cận tử, con người tiếp xúc với thế giới âm, gặp gỡ những linh hồn. Thỉnh thoảng, trong trạng thái mơ màng, con người bị rơi vào trải nghiệm cận tử và thấy những linh hồn lạ hoặc những linh hồn người quen trong quá khứ. Krishnamurti, một bậc thầy tâm linh đương đại nổi tiếng được sự kính ngưỡng của cả giới tôn giáo và giới khoa học thế kỷ 20, cũng đã thường xuyên có trải nghiệm này. Trong những biến đổi mãnh liệt nhất về tâm linh, khi ở giữa ý thức và vô ý thức, ông nhìn thấy bóng ma người mẹ quá cố của mình cùng với nhiều linh hồn của các bậc chứng ngộ khác.(7) Ở trường hợp Đinh Hùng, nhà thơ luôn tìm đến trải nghiệm cận tử trong thời trai trẻ của mình, không phải bằng thiền hay các biện pháp tâm linh, mà là ma túy. Bởi thế, trong thơ ông cũng như thơ của người bạn thân Vũ Hoàng Chương của ông, mỗi khi có trải nghiệm cận tử lại thoảng màu sương khói, mây mù:
“Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Đấy màu hương khói là màu mắt xưa”
(“Gửi người dưới mộ”)
này Biển Giác: mây trời nghiêng nét mặt
cây Từ Bi hiện đóa Ác Hoa đầu
(“Tìm bóng tử thần”)
ta hằng nghe rõ
tiếng buồn trong sương
hằng thấy trên tường
hình ma bóng nhớ
chỗ em ngồi cũ
lên màu khói hương
(“Màu sương linh giác”)
qua xứ ma sầu, ta mất trí
thiêu đi tập sách vẽ hoa nguyền
trời ơi! trời ơi! làn tử khí
lạc lõng hương thầm đoá Bạch Liên
(“Cầu hồn”)
Và chính Đinh Hùng cũng thừa nhận đó là một trạng thái mộng mị, tức là cõi ảo dưới con mắt người thường, có điều trong cõi ảo ấy, tất cả đều rất thật, rất đắm say, tới mức muốn vứt bỏ cả xác trần:
“đôi ta vào hội oan hồn
âm dương tái hợp –
ồ! đây là cuộc tân hôn dị kỳ
nguyệt hoa mặc áo huyền vi
màu nghê thường đó – trời ơi! xiêm y biến hình
tôi van lơn bầy nhạc nữ đồng trinh
đừng cao giọng hát – hồn các em lạc tinh anh bốn trời!
đừng cho thể chất phục hồi
đừng cho tôi khóc, tôi cười vì điên!”
(“Cầu hồn”)
Người tình đã khuất của Đinh Hùng chỉ đóng vai trò như một bóng ma hiện về trong trải nghiệm cận tử của ông. Nếu ta cho rằng cái chết của người con gái ấy đã ám ảnh toàn bộ “Mê hồn ca” thì ta sẽ giải thích như thế nào về những biểu tượng thơ không vướng chút màu sắc ái tình hiện hữu trong thơ Đinh Hùng? Một sự tưởng tượng biến thể từ nỗi nhớ nhung ư? Nếu chỉ đơn giản vậy, Đinh Hùng đâu cần phải làm một chuyến hành trình vào cõi chết để tìm người yêu như chàng Orpheus? Orpheus vào được cõi chết và thuyết phục được thần Hades bởi vì anh ta có một nửa dòng máu thần thánh, tức là một nửa thuộc về cõi âm, thuộc về thế giới kỳ vĩ của tự nhiên. Chi tiết Orpheus xuống âm phủ chỉ là một yếu tố bẩm sinh mà vị bán thần này sở hữu.
Đến phần “Mê hồn”, những bóng ma không còn phảng phất hình bóng của người con gái đã khuất ấy nữa. Những bóng ma ấy đến từ quá khứ nghìn xưa, từ một dĩ vãng xa xôi nào đó. Giống như nhiều nghệ sĩ phương Đông khác, Đinh Hùng có vẻ tin vào thuyết luân hồi. Giống với Huy Cận trong “Lửa thiêng”, ông cảm nhận sâu sắc được cái gọi là “thiên cổ sầu” (8). Nhưng “Thiên cổ sầu” trong thơ Đinh Hùng lại có một màu sắc mãnh liệt hơn với sự dấn thân trải nghiệm táo bạo. Phản ánh trải nghiệm ấy thoang thoảng trong bài thơ “Sông núi giao thần” với tư cách của một người ngoài cuộc chứng kiến:
“hưng vong Vạn Lý thành sầu
trăng ơi! đừng bỏ mái lầu nhân gian
ta chờ thiên địa giao hoan
nhập thần cây cỏ muôn vàn kiếp sau”
rồi dấn sâu hơn trong “Lạc hồn ca” nhưng vẫn chưa dứt duyên nợ với cõi trần:
“hãy thoát thân đi, đuổi bắt hình
hồn ơi, đừng lạc xứ U Minh
ai tìm ta đó trong đêm loạn
có gặp thơ về, nhạc hiển linh?
ta gọi thiên tai, cười mệnh số
đây lời hoan lạc viết nên kinh
đời anh hoa trước nghe thần mộng
còn giữ nguyên trang sách diễm tình”
và cuối cùng hoàn toàn đắm đuối trong bài thơ “Mê hồn ca”. “Mê hồn ca” là bài thơ được lấy tên để đặt cho cả tập thơ. Bởi vậy, có thể xem như “Mê hồn ca” là đích đến của một giai đoạn thơ, của một cuộc thử nghiệm cảm giác cận tử ở Đinh Hùng. Càng đi sâu vào cõi ảo, cõi huyền diệu hay cõi giới tinh thần, thi sĩ càng gặp những bóng ma cổ xưa với những khung cảnh cổ xưa:
“ta lạc hồn giữa lâu đài kỳ dị
suốt muôn đời không hiểu dẫy hành lang
dưới hiên tây từng thế kỷ điêu tàn
gạch ngói cũ nghe hoa thềm rụng cánh
ngày tê tái đợi luân hồi về cạnh
giữa ân tình đứng lặng tượng giai nhân
dáng thiên thu khêu gợi một đêm Tần
lạc âm cung ngẩn ngơ hồn lệ quỷ
ta nằm trong di tích cuộc tang thương
khóc thâu đêm cho thấy lại thiên đường
thuở hưng phục – ôi! cõi lòng hoang phế!
hồn hỡi hồn! xưa chết chìm dưới bể
hãy vùng lên, cười một tiếng bi ai
máu ta say không chảy thoát hình hài
hằng kinh động chốn ăn nằm vĩnh viễn”
Những bóng ma hay những ảo ảnh cổ xưa ấy chính là quá khứ xa xôi từ tiền kiếp. Tiền kiếp hiện lên sống động, tràn ngập cảm xúc bi tráng:
“chiều mù sương lẫn trong tiền kiếp lạ
mỗi năm tàn ước vọng một bông hoa
Diệu Hương em!
trăng xuân rụng, nguyệt thu già
đây thể chất lạc loài đi nức nở
ôi hư vô! đừng gọi lòng ta nữa
ta phá tan hư ảnh, lại điên cuồng
mộng hoàng vương đâu? hỡi mộng hoàng vương!
đêm phản trắc đầy chiêm bao lưu huyết
ta đang nghe Thành Lạc Hồn kiến thiết”
Nhưng Đinh Hùng không chấp nhận là một kẻ chứng kiến tiền kiếp. Ông lao vào tiền kiếp bằng chính phần tinh thần trong kiếp sống của ông, để một lần nữa được sống lại quãng đời huy hoàng ấy, để gợi nhắc lại phần hồn rực rỡ đã mất đi bởi cõi đời chật hẹp của những năm đầu thế kỷ 20. Và lần này ông lại “chiêu hồn”, nhưng không phải chiêu hồn người con gái đã khuất mà là đánh thức con người kỳ vĩ trong bản thân ông và có lẽ cả những “phế vương” tình cờ đọc thơ ông:
“buổi chiều đến, sầu lên Kim Tự Tháp
bóng ta đi hoài cảm góc trời này
từ cố đô, hồn lạc xứ về đây
bao hài cốt nổi trôi bờ biển khác
thủy triều xuống, hiện lên toà Vân Các
chúng ta cùng sống lại – Phế Vương ôi!”
Lời “chiêu hồn” hay sự đánh thức những linh hồn kỳ vĩ này được nhắc lại trong bài thơ “Thần tụng”. Những người không hiểu, đọc bài “Thần tụng” hẳn sẽ thấy vừa rợn rợn vừa điên rồ. Nhưng nếu nhận thức được trải nghiệm tiền kiếp của Đinh Hùng, người đọc sẽ không còn thấy sợ nữa mà chỉ thấy bi thương cho một “phế vương” đơn độc giữa thời đại của những con người “vong bản”:
“hồn nhốt trí phù sinh vào hũ
hồn khép tay thế sự trong vò
gào to một tiếng: ô hô!
của ai này những cơ đồ không tên!
hồn hỡi hồn!
có hồn đây đảo điên vũ trụ
có hồn đây nghiêng ngửa giang san
vắng hồn lạnh lẽo nhân gian
say đâu nước biển, suối ngàn mà say”
Đương nhiên, lời đánh thức các linh hồn kỳ vĩ này khó lọt tai người thường, nhất là ở những năm đầu của thế kỷ 20 tại Việt Nam. Từ sau Cách mạng tư sản Pháp 1789, thế giới chứng kiến sự đi xuống của giới quý tộc hoàng gia cả ở phương Đông và phương Tây, thay vào đó là các cuộc Cách mạng công nghiệp, Cách mạng nhân quyền, Cách mạng của người vô sản. Trong một xã hội bình đẳng kiểu cào bằng với sự phổ cập hóa của mọi giá trị, những linh hồn kỳ vĩ với sự xuất chúng mà Đinh Hùng gọi là “Phế vương” (trong “Mê hồn ca”), hay “tài hoa”, “mấy lòng vương giả bơ vơ”, “tinh anh”, “đãng tử”… (trong “Thần tụng”) trở thành những linh hồn tội lỗi, những kẻ thất thế, thành người rừng “man rợ”… Và nhà thơ trở thành một kẻ hoang tưởng, cần phải bị lãng quên, bị phê phán, bị vứt bỏ. Nhưng những linh hồn kỳ vĩ ấy lại chính là trọn vẹn của linh hồn, một ẩn dụ tượng trưng cho những nét đẹp ban sơ nhất của tinh thần, cho sự nguyên vẹn tròn đầy của siêu thức. Như đã nói ở trên, Đinh Hùng viết thơ với tâm thức thần thoại, nên ông cho rằng sự toàn thiện của linh hồn gắn với hình ảnh vị vua. Ở thời bộ lạc, vị vua hay tộc trưởng đóng vai trò như người liên lạc với thế giới các vị thần. Trong thần thoại Hy Lạp, vua của một thành bang thường có dòng máu thần thánh, họ là những vị bán thần vượt trội hơn người trần đoản mệnh. Quan điểm của Nho giáo cũng cho rằng vua là “thiên tử, gánh vác sứ mệnh của các vị thần để cai trị con dân. Ở Ấn Độ có bộ môn Raja Yoga chuyên luyện tập tâm thức, trong đó “Raja” có nghĩa là “hoàng gia”, với ngụ ý rằng: người sống bằng ý thức linh hồn chính là vị vua của chính mình. Bởi thế, biểu tượng vị vua xuất hiện nhiều lần trong thơ Đinh Hùng chính là thể hiện cho phần tinh thần mà những con người “vong bản” đã vứt bỏ trong cuộc sinh tồn.
Tập thơ “Mê hồn ca” ra đời vào năm 1954, trước hiệp định Geneva. Lúc này, chẳng mấy ai còn quan tâm đến thơ ca nữa và cũng chẳng mấy ai có nhu cầu trải nghiệm tinh thần nữa. Thế giới lúc này vẫn đang trong cơn tao loạn triền miên và tiếp tục chuỗi tan vỡ kéo dài từ cuối thế kỷ 18. Những cảm nhận về thời đại dù không được nói rõ nhưng luôn hiện diện trong tập thơ của ông:
“ngủ một giấc đời nhuộm màu kim cổ
ta mỉm cười nên thế sự suy vong
mau vùng lên giữ lại Thái Dương hồng
trời lâm nạn, thôi! hành tinh tan vỡ!
hồn lệ sầu rơi!
đâu những vùng trời
không làm thương nhớ?
ta dẫn lối về đây đoàn ca vũ
tự bốn mùa địa ngục vắng âm thanh
chúng ta khóc như một bầy thú dữ
lòng dã man nghe trái đất tan tành”
(“Mê hồn ca”)
chiều Thăng Long sầu xuống bâng khuâng, cửa Đế Thánh bỏ ngỏ, hằng gợi khí đời lạnh sương bay
hồn Do Thái gió lên bát ngát, niềm tâm ý đi xa, luống ngại lúc trời thanh sao mọc
nhân thế bỏ hoài nhân thế; ồ! bao phen dâu bể ngậm ngùi giấc mộng Châu Dương, ai đến đó xin bày riêng Ngự Uyển, còn khi liễu ủ đào phai
hồng nhan để mặc hồng nhan; ôi! những trận cuồng phong tan tác cành hoa Thục Nữ, ta về đây thử đốt hết A Phòng, này lúc thành say lửa bốc
(“Thần tụng”)
“ta say ánh lửa tinh cầu
dựng lên địa chấn, loạn mầu huyền không
trận cười tan hợp núi sông
cơn mê kỳ thú lạ lùng cỏ hoa
hý trường đổi lớp phong ba
mượn tay nguỵ tạo xoá nhoà biển dâu”
(Sông núi giao thần”)
Qua những câu thơ ấy, không phải Đinh Hùng không hiểu về thời thế, không phải không biết về các biến chuyển của thời đại. Nhưng ông không xuôi theo thời đại ấy, ông không viết các bài thơ Cách mạng, không lao vào các cuộc thử nghiệm thủ pháp thơ ca, ông dường như coi thơ là một sứ mệnh, một phương thức để giao tiếp với thế giới bên kia, một phép màu để đánh thức những con người “vong bản” quay trở về với trạng thái toàn thiện ban sơ của mình, một “thị phạm ma thuật” để đánh thức những giá trị tinh thần kỳ vĩ hồi sinh trong thế giới con người.
Tôi không đọc Đinh Hùng bằng con mắt của nhà phê bình hay nghiên cứu văn chương, e rằng ông không kỳ vọng điều ấy ở độc giả. Tôi đọc Đinh Hùng qua những trải nghiệm tinh thần của mình và tôi nhận thấy những sự tương đồng trong các ám ảnh của tôi và con người thơ của ông trong “Mê hồn ca”. Bởi thế, tôi không có nhu cầu mổ xẻ các thủ pháp nghệ thuật trong thơ ông, bởi điều ấy là không cần thiết nếu ta thực sự vứt bỏ cõi thực để bước vào thế giới thơ hư ảo của ông. Vì vậy, nếu tôi viết về thơ Đinh Hùng bằng những nguyên tắc của phê bình hay nghiên cứu thì tôi đã phản bội lại chính mình, tôi đẩy bản thân mình vào tình trạng “vong bản”. Một khi bạn đã chấp nhận “vong bản” một lần, bạn sẽ trượt dài trong chuỗi “vong bản” của đời mình. Thế nên, tôi đã quyết định viết về Đinh Hùng theo cái nhìn của cá nhân tôi, dù rằng nó có thể khiến người khác nhìn về tôi như một kẻ hoang tưởng. Nhưng, một khi đã bước vào cõi hư ảo, dù theo cách này hay cách khác, tức là đã từng trải nghiệm đời sống linh hồn, thì khó có thể nhìn vạn sự bằng nhãn quan của thế giới hữu hình.

“Mê hồn ca” trên hệ thống tuyển chọn sách Hang Cáo: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/me-hon-ca/

Chú thích:
(1) Đặng Tiến viết “Thi giới Đinh Hùng” sau khi Đinh Hùng qua đời. Ông không chỉ viết về “Mê hồn ca” mà viết về rất nhiều bài thơ khác của Đinh Hùng. Nhị Linh cho rằng Đặng Tiến là “người được chọn” để viết về Đinh Hùng bởi vì ông không gói gọn thi giới của Đinh Hùng trong “Mê hồn ca”. Nhưng “Mê hồn ca” lại là những bài thơ tinh túy nhất của Đinh Hùng, nên theo tôi, nếu không thể giải mã kỹ lưỡng “Mê hồn ca” thì cũng không thể hiểu được những bài thơ khác của ông. https://bookhunter.vn/thi-gioi-dinh-hung/
(2) Trích “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du.
(3) Bài viết “Thơ Đinh Hùng: hai thế giới” của Nhị Linh khẳng định rằng thơ Đinh Hùng “quyến rũ theo lối mị” và bàn nhiều về nỗi sợ của người khác đối với thơ Đinh Hùng. Bài viết có rất nhiều tư liệu hay nhưng việc sử dụng chúng để giải mã thơ Đinh Hùng không giúp chúng ta cảm và hiểu thơ ông tốt hơn. https://nhilinhblog.blogspot.com/2015/03/tho-dinh-hung-hai-the-gioi.html
(4) Trích bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ.
(5) Bài viết “Đinh Hùng người kiến trúc chiêm bao” của Đỗ Lai Thúy trong tập tiểu luận “Mắt thơ – Phê bình phong cách Thơ Mới” tập trung vào giải mã các biểu tượng thơ của Đinh Hùng mà lý giải thơ ông như những nhà thơ khác thuộc trường phái tượng trưng.
(6) Trích “Walden – Một mình sống trong rừng” của Henry David Thoreau. Bản dịch của Tiết Hùng Thái.
(7) “Krishnamurti tinh yếu” do Nguyễn Ước biên soạn.
(8) Cụm từ “thiên cổ sầu” được sử dụng trong bài “Ê chề” của Huy Cận: “Một chiếc linh hồn ngọc/Mang mang thiên cổ sầu”.

Thơ Bích Khê – Sự tinh khiết của tính dục

“Mộng? Thiên tài: Trên hỗn độn khỏa thân Đẹp tỉ mỉ, hỡi rung động truyền thần!” Người ta nói rằng cho đến tận bây giờ, những ý thơ của Bích Khê vẫn còn quá mới với người Việt. Có lẽ bởi vậy, không có nhiều người yêu thơ có thể tiếp cận được với thế giới thơ của chàng thi sĩ mong manh này. Họ gần như bỏ quên ông suốt từ những năm 1945 đến giờ, chỉ tới khi người ta bắt đầu nhắc

Lãng mạn U ám (Dark Romanticism): Ám ảnh về góc khuất trong thế giới tinh thần với xúc cảm rùng rợn, hung cuồng và tuyệt vọng

Đối nghịch với khuôn vàng thước ngọc của Chủ nghĩa cổ điển phương Tây, Chủ nghĩa lãng mạn tìm đến những cảm thức phóng cuồng và biểu tượng dị giáo để biểu thị cho tinh thần của mình. Điều này, tôi đã viết trong bài Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại - Book Hunter. Nhưng không dừng ở đấy, các tác giả lãng mạn đi xa hơn vào những góc khuất của tâm

“Cầm Thư quán” và những cuộc truy cầu bất tận

“Ở biển Bắc có con cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Cá côn biến thành chimbằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì chim bằngrời về biển Nam, biển Nam là Ao trời. ... Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng rằng: ‘Chúng ta bay vù lên cây du, cây phượng, có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay

“HAI NGƯỜI ĐIÊN GIỮA KINH THÀNH HÀ NỘI” – TÌM ĐÂU CHO ĐƯỢC BÓNG NGƯỜI YÊU?

Tuấn và Điệp là thi sĩ kiêm văn sĩ, hai người sống trên căn gác nhỏ ở phố Hàng Đầu. Dù tính cách trái ngược, nhưng cả Tuấn và Điệp đều có một điểm chung: Khao khát tình yêu, nhưng lại e sợ đàn bà. Họ nhìn thấy ở những người phụ nữ các thói xấu như ham tiền ham của, lừa dối, dâm loàn,... và dù tìm mỏi mắt, Tuấn và Điệp cũng chẳng tìm được một thiếu nữ xứng đáng để yêu: người

Đêm hội Long Trì – Bức tranh con người nơi phủ chúa

Năm 1942, Nguyễn Huy Tưởng ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên – Đêm hội Long Trì. Không giống với các tác phẩm văn học dã sử khác như Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay Vũ trung tùy bút đi sâu vào mâu thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội hoặc sự sa đọa của bên thống trị, Đêm hội Long Trì mở ra một không gian lịch sử hoàn toàn mới lạ: Chuyện nhà chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương. Cuốn tiểu thuyết