Home Đọc Thơ Đinh Hùng – Từ tình yêu tuyệt đối đến sự thăng hoa của dục vọng

Thơ Đinh Hùng – Từ tình yêu tuyệt đối đến sự thăng hoa của dục vọng

 

Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết 
Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân 
Ta gần em, mê từ ngón bàn chân 
Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão
Đinh Hùng là hồn thơ mang vẻ đẹp của những cảm xúc, khát vọng nam tính nhất trong số các nhà thơ Việt Nam hiện đại. Là một nhà thơ xuất hiện vào những năm 40 của thế kỷ 20 nhưng có một điều lạ lùng là không thấy tên tuổi của ông được nhắc đến trong “Thi nhân Việt Nam”. Có lẽ Hoài Thanh, Hoài Chân và nhiều nhà phê bình sau này không thể chịu được sự mãnh liệt trong những thang bậc tinh thần của Đinh Hùng. Trong khi các nhà thơ tình thời bấy giờ như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử say sưa với vẻ đẹp của người con gái trần thế thì Đinh Hùng đi tìm một người “kỳ nữ” không bao giờ có thật.
Image
Tranh Luis Royo
Vẫn là một dạng phức cảm Pigmalion giống Bích Khê, một cảm giác thiếu hụt vì không một người con gái nào ở cõi trần có thể sánh với nàng thơ – “kỳ nữ”, nhưng Đinh Hùng không đi tìm một hình bóng thần thánh, mà ông muốn quay trở về tìm lại trong quá khứ một “người con gái thiên nhiên”. Bởi vậy, mà người ta bắt gặp trong thơ ông rất nhiều những từ như “man rợ”, “man dại”… Loài người trải qua ba giai đoạn của diễn trình nhân loại:  hoang dã (sauvagerie – sự mông muội), man dã (barbarie – thời dã man, nhưng nhiều người hiểu nhầm từ này theo nghĩa tàn bạo) và văn minh (civilization). Cái thời mà Đinh Hùng mong muốn được quay trở về chính là thời man dã, khi con người vẫn vừa có vẻ đẹp của sự hồn nhiên tựa muôn loài, lại vừa có chiều sâu thần bí mà thời văn minh với sự phát triển của vật chất đã làm lu mờ.
Chúng tôi gặp nhau bên dòng suối ngọt
Làm đôi người cô độc thuở sơ khai
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài
Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc
Nàng là Gái Muôn Đời không đổi khác
Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân
Ta đến đây làm chủ hội phong trần
Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ
Đinh Hùng là một người khao khát sự tuyệt đối. Người ta không gặp trong thơ ông những cảm xúc nhàn nhạt của những mối tình “thoa son phấn”. Có lẽ, trong cõi người văn minh không có nổi một người con gái nào có thể thỏa mãn được sự mãnh liệt của ông. Cũng có lần, ông quay “bỏ thiên nhiên huyền bí”, tìm đến nơi“đô thị”, thăm lại “người con gái ngày xưa”… để rồi thất vọng:
Ta cười mỉm, bỗng thấy nàng che mặt, 
Ta giơ tay, nàng khiếp sợ lùi xa, 
Ta điên rồ, đau đớn, xót xa. 
Trong cô độc, thấy tình thương cũng mất.
Và trước khi “ghì chết” cái “xác thịt như hoa” của người con gái “kiều diễm nhất”, ông chán nản thốt lên: “Lạc thiên nhiên đến cả bọn đàn bà”. Sự tuyệt vọng với những người đàn bà đô thị có lần khiến ông gặp “ác mộng”,  đánh thức trong ông tàng thức của một kẻ bạo chúa.
Ta quên hết! Ta sẽ làm Bạo Chúa,
Sống nghìn năm ngự trị một lòng em.
Cuộc ân tình ghê rợn suốt muôn đêm
Nào ai tiếc thương gì thân mỹ nữ!
Image
Tranh Luis Royo
Hay đôi khi, ông thể hiện cơn cuồng vọng như một kẻ hành lạc bạo dâm:
Ta đã muốn trở nên người vô đạo.
Tất cả em đều bắt ta khổ não,
Và oán hờn căm giận tới đau thương.
Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng,
Và khát vọng đến vô tình, vô giác.
Sự mãnh liệt trong cảm xúc của Đinh Hùng được đẩy cao lên khi đặt trong không gian của cái chết. Không những muốn giày vò, muốn giết chóc mà Đinh Hùng còn mong muốn sở hữu cả linh hồn của người con gái dưới mộ. Bài thơ “Gửi người dưới mộ” của ông khiến cho mọi độc giả thấy “rợn mình”. Cuộc đời của ông bị ám ảnh bởi cái chết của những bậc tài nữ như chị gái và người yêu. Không chắc rằng khi còn sống những người đàn bà đẹp ấy có thể thỏa mãn được thẩm mỹ tuyệt đối của ông, nhưng rõ ràng rằng khi chỉ là bóng ma, họ mới có thể quay trở về trạng thái của “Gái Muôn Đời”:
Ta gởi bài thơ anh linh,
Hỏi người trong mộ có rùng mình ?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái ?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình ?
Một ám ảnh nữa thường gặp trong thơ Đinh Hùng chính là ngày tận thế. Khi đối mặt với ngày cuối cùng, có lẽ con người sẽ mạnh dạn hơn bóc đi những lớp mặt nạ được tô trát suốt biết bao nhiêu kiếp. Có lẽ bởi vậy mà ông luôn mơ đến sự giao hòa của “Anh” và “Em” trong một ngày tận thế, cái ngày mà Trái Đất này tan biến vào hư không:
Anh sẽ tìm em chiều nào tận thế
Khi những sầu thương cất cánh xa bay
Khi những giận hờn, khi những mê say
Khi tất cả hiện nguyên hình ảo mộng
Sự giao hòa vào lúc này đã vượt qua sự giao hòa của thể xác mà đạt tới trạng thái đồng nguyên của linh hồn. Dường như Đinh Hùng không đi tìm đơn thuần một người con gái, mà ở ông là khát vọng được hòa nhập với vũ trụ, với thế lực tối thượng.
Anh sẽ tìm em như một hành tinh, 
Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo.
Phất tay áo, tìm bắt hương Hồ Điệp
ta thoát hồn về nhập xác em xưa
trong giấc mộng hai lần giai nhân đẹp
cùng một đêm biến ảo trăng xuân thu
đây bài hát đã đi qua tiền kiếp
giữa tơ đàn xao động cánh hư vô
Con người đi tìm một nửa của mình bởi luôn thấy một cảm giác thiếu hụt không thể lấp đầy, cho dù có đắm chìm trong thú vui xác thịt. Nhưng suy cho cùng, những thú vui ấy không thể nào thỏa mãn những người thật sự mạnh mẽ đi tìm một cái gì đó tuyệt đối. Những kẻ yếu đuối sẽ tự ru ngủ mình trong thú vui trần thế và thấy an lòng, nhưng với một hồn thơ rộng lớn như Đinh Hùng, ông không thể nào thỏa mãn được. Có lẽ bởi vậy mà “người con gái thiên nhiên” trong thơ ông không có một dáng hình cụ thể, không có những hành động cụ thể và không thể nào nắm bắt, vì người con gái ấy chỉ có trong thế giới huyền bí của tâm linh, là sự hình tượng hóa của một thế lực miên viễn có thể lấp đầy trạng thái thiếu thốn của mỗi con người. Cho dù Đinh Hùng có ý thức được hay không thì người ta cũng tìm thấy trong thơ ông sự thăng hoa của dục tính thành một nguồn năng lượng thiêng liêng cao cả.
Hà Thủy Nguyên
Tập thơ Mê Hồn Ca của Đinh Hùng hiện có bán trên Hang Cáo.
Mời bạn đặt sách tại ĐÂY.

Đêm hội Long Trì – Bức tranh con người nơi phủ chúa

Năm 1942, Nguyễn Huy Tưởng ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên – Đêm hội Long Trì. Không giống với các tác phẩm văn học dã sử khác như Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay Vũ trung tùy bút đi sâu vào mâu thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội hoặc sự sa đọa của bên thống trị, Đêm hội Long Trì mở ra một không gian lịch sử hoàn toàn mới lạ: Chuyện nhà chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương. Cuốn tiểu thuyết

Thơ Nguyễn Bính – Say đắm trong ảo mộng

Cái sự thất tình của Nguyễn Bính đẹp man mác như cánh đồng lúc hoàng hôn. Nó không dằn vặt, quằn quại mà khiến người đọc cảm giác như ông đang hưởng thụ sự đơn độc, sự bỏ rơi, sự xa cách. “Hồn anh như hoa cỏ may Một chiều cả gió bám đầy áo em” Đã mang trong mình một tâm hồn Việt, ai chẳng lưu giữ đôi ba câu thơ Nguyễn Bính trong ký ức, nhiều khi chúng ta còn không biết chúng

“Mê hồn ca” của Đinh Hùng: cõi chiêm bao của thức tỉnh tinh thần

Hà Thủy Nguyên Lần đầu tiên đọc thơ Đinh Hùng, khi ấy tôi vẫn còn ngồi trên ghế trường trung học, đó là bài thơ “Khi mới nhớn”. Bài thơ nằm trong một tuyển tập ở thư viện Hà Nội. Tôi đọc bài thơ với sự khoái chí khi tưởng tượng đến cậu học trò trốn học bởi nhận thức được những sự ngớ ngẩn của trường lớp và muốn giữ mãi sự mơ mộng nguyên thủy của bản thân. Thời ấy, tôi tâm đắc

Lãng mạn U ám (Dark Romanticism): Ám ảnh về góc khuất trong thế giới tinh thần với xúc cảm rùng rợn, hung cuồng và tuyệt vọng

Đối nghịch với khuôn vàng thước ngọc của Chủ nghĩa cổ điển phương Tây, Chủ nghĩa lãng mạn tìm đến những cảm thức phóng cuồng và biểu tượng dị giáo để biểu thị cho tinh thần của mình. Điều này, tôi đã viết trong bài Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại - Book Hunter. Nhưng không dừng ở đấy, các tác giả lãng mạn đi xa hơn vào những góc khuất của tâm

“Mắt Thơ” – Góc nhìn Mới về phong trào Thơ Mới

Người ta thường biết về phong trào Thơ Mới 32-45 qua tác phẩm phê bình “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân. “Thi nhân Việt Nam” đã đóng vai trò quan trọng trong việc “Phong Thần” các thi sĩ Thơ Mới. Nhưng nhà phê bình thật sự khẳng định sự chuyển dịch của các đỉnh cao Thơ Mới thì phải kể đến Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy với tác phẩm “Mắt Thơ”. Sử dụng một bút pháp hoàn toàn khác,