Home Đọc Đêm hội Long Trì – Bức tranh con người nơi phủ chúa

Đêm hội Long Trì – Bức tranh con người nơi phủ chúa

Năm 1942, Nguyễn Huy Tưởng ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên – Đêm hội Long Trì. Không giống với các tác phẩm văn học dã sử khác như Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay Vũ trung tùy bút đi sâu vào mâu thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội hoặc sự sa đọa của bên thống trị, Đêm hội Long Trì mở ra một không gian lịch sử hoàn toàn mới lạ: Chuyện nhà chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương. Cuốn tiểu thuyết vì thế đã đem đến một cái nhìn sâu hơn vào từng nhân vật.
Lịch sử từng ghi nhận một vị chúa tài giỏi, giành quyền biến từ tay vua dễ như trở bàn tay nhưng lại sẵn sàng vì chiều lòng một người phụ nữ mà dâng hiến cả giang sơn. Tuyên phi Đặng Thị Huệ vẫn được nhắc đến như một người đàn bà âm mưu, chuyên quyền. Cuộc hôn nhân của Quận chúa Quỳnh Hoa với Cậu Trời Đặng Lân cuối cùng cũng chỉ còn lại được vài ba dòng chữ được viết qua loa trong sử sách. Qua mấy trăm năm, tất cả những gì thế hệ sau biết duy có vậy. Cũng vì chỉ có vậy, Nguyễn Huy Tưởng mới viết Đêm hội Long Trì.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu bằng cảnh hội Trung thu bên hồ. Cảnh sinh hoạt của người dân nơi kinh thành được tái hiện lại như trong một bức tranh sơn dầu với ánh sáng bàng bạc của trăng, ánh đèn vàng bập bùng của những người đi chơi hội, mặt ngọc của Quận chúa Quỳnh Hoa khi nàng e lệ gặp người trong mộng, dáng chờ chông trong vô vọng của chàng thư sinh Bảo Kim,… Cảnh vui chơi, cảnh thi thơ, đối đáp hòa quyện vào nhau một cách hài hòa trong không gian đầm ấm, quay quần của một tối mùa thu. Có thể nói, đây là cảnh gây ấn tượng nhất trong Đêm hội Long Trì, cũng là cảnh thành công nhất trong việc khôi phục lại không gian, thời gian, con người của cả một thời kì đã lùi sâu vào dĩ vãng của chúa Trịnh Sâm. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa thể tưởng tượng ra được hết buổi hội hè đình đám ấy khi trên hồ đã chẳng còn thuyền rồng rẽ sóng, phủ chúa uy nghi nay thay thế bằng những tòa nhà xây san sát nhau, cũ mới lẫn lộn. Vật đổi sao rời, hội Long Trì cũng chỉ còn lại là một tàn tích của quá khứ. Nguyễn Huy Tưởng viết về một thời xã hội lung lay, một thời máu đổ chỉ vì sự hống hách chuyên quyền của những tay tiểu nhân thấp kém, nhưng vẫn khiến người ta tiếc thương vô cùng.
Và trong cuộc vui hân hoan nơi tao nhân mặc khách tương ngộ, trai tài gái sắc tương phùng ấy, xuất hiện một tên phá đám tự xưng là Cậu Trời – Đặng Lân. Đặng Lân vốn là em trai của Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Cậy thế chị gái mình được chúa sủng ái, hắn tự cho bản thân cái quyền lực ngang với chúa. Điều đáng ngạc nhiên là Tĩnh Đô Vương biết nhưng để làm vừa ý mĩ nhân, ông không bao giờ xử phạt tên cẩu tặc này. Sự hiện diện và hành động của Đặng Lân không chỉ là sự phá đám đối với riêng đêm hội, khiến cuộc hoa mất vui, bỗng chốc biến nơi tiên cảnh bồng lai thành chốn địa ngục trần gian với hành động cướp gái, to tiếng đánh nhau. Suy rộng ra, tên Đặng Lân này chính là kẻ trực tiếp phá hoại những giá trị văn hóa, xã hội được xây dựng trong suốt quãng thời gian trước đó, cũng là kẻ đẩy Tĩnh Đô Vương vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, gián tiếp dẫn đến những hậu quả nguy hại về sau. Nếu phải tìm nhân vật được Nguyễn Huy Tưởng chăm chút kĩ lưỡng nhất trong Đêm hội Long Trì, thì đó chắc chắn sẽ là Đặng Lân. Gây ấn tượng ngay từ khi xuất hiện, từ đó về sau, mỗi lời Lân nói, mỗi việc Lân làm, từng từ ngữ, cử chỉ, điệu bộ đều được tác giả tập trung khai thác để làm nổi bật lên sự tiểu nhân, hèn kém của kẻ trưởng giả học làm sang, đồng thời nhấn mạnh bản tính độc ác, dã man của tay con buôn có xuất thân Nho học.
Với nhân vật Tĩnh Đô Vương, Nguyễn Huy Tưởng tập trung khai thác vào mâu thuẫn diễn ra trong nội tâm ông ta. Thường xuyên phải lựa chọn giữa người đẹp và phía khác, ông chưa bao giờ dám làm phật ý người đẹp. Và điều đó dần biến vị chúa đầy quyền uy trở thành một kẻ nhu nhược, yếu thế; đến mức chẳng dám lên tiếng bảo vệ cho đứa con gái mình hết mực yêu thương. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của cuốn tiểu thuyết là ở chỗ, Tĩnh Đô Vương không khiến ai ghét ông, trái lại, ông còn nhận được sự thương cảm từ cả các nhân vật trong truyện lẫn phần lớn các độc giả ở ngoài. Cũng phải thôi, từ xưa đến nay, anh hùng vẫn khó qua nổi ải mĩ nhân. Bi kịch ấy được thể hiện rõ nét vô cùng trong câu chuyện này.
Ngoài chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương, Quận chúa Quỳnh Hoa cũng là nhân vật giành được nhiều niềm tiếc thương từ phía người đọc. Nàng vốn có một mối tình thầm kín với chàng thư sinh Bảo Kim. Bất hạnh là Quỳnh Hoa lại phải lấy Đặng Lân theo ý Tuyên phi giật dây. Đối với cuộc đời Quỳnh Hoa, tôi thật sự không muốn bình luận gì nhiều, bởi nàng đã sống theo đúng những gì nàng lựa chọn, dù có thể lựa chọn đó làm nàng đau khổ. Sự hi sinh của nàng là sự hi sinh chủ động, dù có thể dưới con mắt thời hiện đại, đó là sự hi sinh vô nghĩa. Nhưng hãy nhìn vào lịch sử, nhìn vào vị trí của nàng, một người con gái thương cha, không muốn đẩy cha vào tình thế khó xử, nàng còn có thể làm gì hơn là chấp thuận cho cuộc hôn nhân kia được diễn ra? Nếu có trách thì chỉ có thể trách sao Quỳnh Hoa quá thương người, bởi đáng lẽ chỉ cần đặt bản thân lên trên, nàng đã không còn phải chịu khổ.
Các nhân vật cuối cùng cần nhắc đến là Bảo Kim, những người bạn và hộ thành Nguyễn Mại. Giữa những người này có thể chia ra làm hai tuyến rõ rệt: Một bên là Bảo Kim và những người bạn, một bên là hộ thành Nguyễn Mại, tức một bên là những chàng thư sinh áo vải nho nhã, “đề huề lưng túi gió trăng”, một bên là viên tướng chẳng một lần viết được thơ phú văn chương. Hai tuyến nhân vật này xuất hiện lớp lang, kẻ trước người sau theo một mô hình chung: Kế sau sự bất lực, thất bại của những chàng học trò Nho gia ngày đêm rót nước pha trà là sự vùng lên và thắng lợi của quan hộ thành mang tiếng võ biền. Nguyễn Mại chính là vị cứu tinh trong cả hai lần tên háo sắc Đặng Lân lên cơn thèm “thịt”. Chàng chính trực, ngay thẳng, giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha. Với Nguyễn Mại, những kẻ như Đặng Lân cần phải diệt sạch, khỏi cần biết thế lực sau lưng là ai, khỏi cần mất công ngồi lập kế hoạch, chờ thời cơ, cứ trái phép nước, lòng nhân là chém, “Cậu Trời cũng chém!”. Ngược lại, tuyến nhân vật của Bảo Kim và những người bạn lại hành động khác hẳn. Dù căm giận, dù lên kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, nhưng những anh chàng thư sinh trói gà không chặt kia vẫn không thể lật đổ được Cậu Trời, thậm chí còn bị Cậu Trời bắt giam và bỏ đói trong ngục.
Trong thực tế lịch sử, không có văn bản nào ghi chép lại sự tồn tại của Bảo Kim, Nguyễn Mại hay những anh bạn của họ; Cậu Trời thực ra cũng không bị chém chết giữa đường như Nguyễn Huy Tưởng viết mà chỉ bị đi đày, Tuyên phi vẫn lộng hành và chúa Trịnh Sâm ngày càng sa lầy vào chén rượu nồng và đàn bà đẹp. Như vậy, hai tuyến nhân vật trên thực chất là do Nguyễn Huy Tưởng sáng tạo ra và đưa vào câu chuyện dã sử của mình. Tất nhiên, không ai có thể chắc chắn về ý đồ của tác giả, nhưng tôi mạn phép đưa ra một cách lí giải cho riêng mình về sự hiện diện của những chàng trai trẻ này. Có hai cách hiểu.
Thứ nhất, có thể xem Nguyễn Huy Tưởng với tư cách của hậu thế, đã tức giận thay cho dân chúng, thay cho nàng Quỳnh Hoa oan khuất, thay cho cả chúa Trịnh Sâm ngày càng nhu nhược, “thay trời hành đạo” để tạo ra Nguyễn Mại, để Nguyễn Mại giết Đặng Lân như cách để đền tội cho những gì hắn đã làm. Và biết đâu, nàng Quỳnh Hoa cũng từng có một chàng Bảo Kim giấu trong lòng thật. Hai nhân vật hư cấu, vừa đại diện cho ái tình chân thật, không vụ lợi, vừa đại diện cho chính nghĩa chân thật, không nhân danh, đã đem đến cho Đêm hội Long Trì một diện mạo khác với lịch sử, gần gũi hơn và cũng có hi vọng hơn.
Thứ hai, nếu đặt trong bối cảnh sáng tác là năm 1942, ta có thể thấy một mối dây liên hệ ngầm giữa nội dung tiểu thuyết và thực tế. Năm 1942 vẫn là lúc nước ta đang trong thời Pháp thuộc – một thời kì cần đứng lên đấu tranh nhiều hơn là mơ mộng, cần nhiều Nguyễn Mại hơn là những Bảo Kim, dù rằng Bảo Kim rất giỏi trong chuyên môn của anh ta. Bảo Kim và những người bạn đều là những người có tài, nhưng cái tài của họ khó lòng phục vụ được cho thế cục bấy giờ. Trong chính tiểu thuyết của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã để Nguyễn Mại nói: “Tôi điên tiết lắm, và thấy các chú lúng ta lúng túng mà buồn. Bọn văn nhân thực là lũ vô ích, ngâm vịnh để làm gì? Qua cái bệnh ngâm vịnh, cái bả từ chương, nay tôi kinh thường những thứ vô dụng ấy…”. “Bọn văn nhân” mà Nguyễn Mại nói có chăng là những anh nhà thơ lãng mạn chiều chiều thơ thẩn, hay là những anh văn sĩ tối tối kéo ghế ra ngoài ngắm trăng,… “Bọn văn nhân” ấy nói thì hay, lên kế hoạch cũng tuyệt hảo, nhưng cứ hành động là sơ sảy. Không ai lên án họ, nhưng rõ ràng họ sinh bất phùng thời. Và đó lại là một điều bất hạnh, cho cả những văn nhân, cho cả thời đại họ buộc phải chung sống cùng.
Tóm lại, với Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã phác họa ra trước mắt người đọc rất nhiều bi kịch trong triều đại của Tĩnh Đô Vương, từ bi kịch tình yêu, bi kịch quyền lực, cho đến bi kịch của những người thấp cổ bé họng và những anh chàng thư sinh yếu ớt trước sự đàn áp của thế lực ác nhân. Thế nhưng chỉ với Nguyễn Mại và một nhân vật Nguyễn Mại thôi, tác giả đã truyền vào đó biết bao nhiêu kì vọng về tương lai, cũng như ước muốn đổi thay thế cục trong quá khứ. Nguyễn Mại trong Đêm hội Long Trì có lẽ chính là nỗi lòng hậu thế gửi gắm đến ngàn xưa của Nguyễn Huy Tưởng.

Nguyễn Hoàng Dương

“Mê hồn ca” của Đinh Hùng: cõi chiêm bao của thức tỉnh tinh thần

Hà Thủy Nguyên Lần đầu tiên đọc thơ Đinh Hùng, khi ấy tôi vẫn còn ngồi trên ghế trường trung học, đó là bài thơ “Khi mới nhớn”. Bài thơ nằm trong một tuyển tập ở thư viện Hà Nội. Tôi đọc bài thơ với sự khoái chí khi tưởng tượng đến cậu học trò trốn học bởi nhận thức được những sự ngớ ngẩn của trường lớp và muốn giữ mãi sự mơ mộng nguyên thủy của bản thân. Thời ấy, tôi tâm đắc

Thơ Đinh Hùng – Từ tình yêu tuyệt đối đến sự thăng hoa của dục vọng

  Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết  Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân  Ta gần em, mê từ ngón bàn chân  Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão Đinh Hùng là hồn thơ mang vẻ đẹp của những cảm xúc, khát vọng nam tính nhất trong số các nhà thơ Việt Nam hiện đại. Là một nhà thơ xuất hiện vào những năm 40 của thế kỷ 20 nhưng có một điều lạ lùng là không thấy tên tuổi của ông được

Đọc “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ 17, 18” để thấy nền kinh tế chuyển mình trong hỗn loạn

Thi thoảng lại có một vài nhân vật ưu tú chuyên “đọc sách tinh hoa” than thở với tôi rằng, nếu từ thế kỷ XVIII, Việt Nam cũng làm cải cách như Nhật Bản thì có lẽ bây giờ chúng ta đã ở vị trí cường quốc, hoặc chí ít cũng không thể kém Nhật Bản, Israel. Tôi chỉ muốn nói với họ hãy bỏ ngay mấy quyển sách dạy làm giàu kiểu Nhật, kiểu Do Thái xuống để đọc “Bức tranh kinh tế Việt

Minh Hùng

11/02/2018

Thơ Bích Khê – Sự tinh khiết của tính dục

“Mộng? Thiên tài: Trên hỗn độn khỏa thân Đẹp tỉ mỉ, hỡi rung động truyền thần!” Người ta nói rằng cho đến tận bây giờ, những ý thơ của Bích Khê vẫn còn quá mới với người Việt. Có lẽ bởi vậy, không có nhiều người yêu thơ có thể tiếp cận được với thế giới thơ của chàng thi sĩ mong manh này. Họ gần như bỏ quên ông suốt từ những năm 1945 đến giờ, chỉ tới khi người ta bắt đầu nhắc

Tiểu thuyết lịch sử thời Lê Mạt “Thiên địa phong trần” với nhân vật chính là Nguyễn Gia Thiều

Trong tháng Năm năm 2019, Book Hunter xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử Thiên địa phong trần” – Tập 1: Khúc cung oán của nhà văn Hà Thủy Nguyên. “Thiên địa phong trần” xoay quanh những biến loạn chính trị thời Lê Mạt, cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Trong đó, Tập 1: Khúc cung oán tập trung khai thác những âm mưu đấu đá trong năm tháng gắng gượng cuối cùng của triều đình chúa Trịnh Sâm và vua Lê

Book Hunter

24/05/2019