Home Đọc “HAI NGƯỜI ĐIÊN GIỮA KINH THÀNH HÀ NỘI” – TÌM ĐÂU CHO ĐƯỢC BÓNG NGƯỜI YÊU?

“HAI NGƯỜI ĐIÊN GIỮA KINH THÀNH HÀ NỘI” – TÌM ĐÂU CHO ĐƯỢC BÓNG NGƯỜI YÊU?

Tuấn và Điệp là thi sĩ kiêm văn sĩ, hai người sống trên căn gác nhỏ ở phố Hàng Đầu. Dù tính cách trái ngược, nhưng cả Tuấn và Điệp đều có một điểm chung: Khao khát tình yêu, nhưng lại e sợ đàn bà. Họ nhìn thấy ở những người phụ nữ các thói xấu như ham tiền ham của, lừa dối, dâm loàn,… và dù tìm mỏi mắt, Tuấn và Điệp cũng chẳng tìm được một thiếu nữ xứng đáng để yêu: người phụ nữ có tâm hồn đẹp. Nhưng làm sao để biết một người phụ nữ có tâm hồn đẹp? Điệp không trả lời, Tuấn cũng không trả lời được, vì xung quanh họ, những người con gái họ biết đều chỉ thể hiện ra là những cô gái nông cạn, yêu thích vật chất. Thế là, trong một phút giây đầy bất ngờ, cả hai quyết định chung một cuộc tình với Hoàng Lan – một thiếu nữ chết trẻ có mộ ở phía Bạch Mai.

“Còn gì đáng khóc cho bằng ở giữa kinh thành Hà Nội hoa lệ này, con gái đẹp nhiều như rươi, mà có hai thằng thi sĩ phải đi yêu một cái mả lạnh!”

“Yêu một cái mả lạnh”, điều này tưởng lạ lùng, nhưng thật ra khi xét đến hoàn cảnh sáng tác của “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” vào năm 1940, thì việc yêu một cái mả lạnh lại chẳng lấy gì làm khác thường. Giới văn nhân nghệ sĩ Việt Nam khi đó từng có Đinh Hùng viết thơ “Gửi người dưới mộ”, Chế Lan Viên mê đắm với hư ảnh “Chiêm nương”, và đến nay, ta biết thêm Nguyễn Bính, ngoài những mối tình bướm hoa, thì cũng có cả mối tình với một cái mả lạnh mang tên người con gái Hoàng Lan. Tuy cùng tìm đến một đối tượng không còn sống để yêu thương và trút bầu tâm sự, song câu chuyện và nhân vật trong “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” của Nguyễn Bính lại không mang cảm giác ma quái, ghê rợn, khác biệt như thơ ca của Chế Lan Viên, Đinh Hùng. Thay vào đó, mối tình với cái mả lạnh của Tuấn và Điệp vừa có nét gần gũi, lại vừa có nét đáng thương, khiến bạn đọc phần nào thấu hiểu và thông cảm.

Lý do cho việc cả hai quyết định “yêu một cái mả lạnh” khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện về Pygmalion – một nhà điêu khắc đại tại trong thần thoại Hy Lạp. Anh cũng chán ghét phụ nữ, chán ghét yêu đương. Ấy vậy mà Pygmalion lại say mê tạc tượng một người phụ nữ đẹp đẽ nhất, hoàn hảo nhất, để rồi cuối cùng yêu luôn tạo tác ấy của mình. Quay lại với cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bính, Tuấn và Điệp không tạc tượng, nhưng cả hai cũng đã “tạc” một hình mẫu phụ nữ lý tưởng để yêu trong tâm trí mình. Để rồi sau đó, họ cần tìm một đối tượng để hiện thực hóa hình mẫu phụ nữ lý tưởng này. Nhưng biết tìm đâu bây giờ?

“Anh tưởng những người con gái sống chung quanh ta có thể yêu được đấy à? Họ còn sống là họ còn có thể phụ mình, họ còn coi cái giầu sang to hơn tấm chân tình. Thà yêu một người chết, một người đã chết. Người đã chết thì không bao giờ còn có thể sống lại mà phụ bạc được nữa.”

Thế là, Tuấn và Điệp hiện thực hóa người phụ nữ lý tưởng này vào cô gái chết trẻ mang tên Vương Thị Hoàng Lan – người con gái vừa trẻ, vừa mang một cái tên hay, lại không bao giờ phụ bạc hai chàng. Thay vì tự tay tạc nên người phụ nữ mình yêu như chàng Pygmalion trong thần thoại, Tuấn và Điệp của Nguyễn Bính lại gửi gắm người phụ nữ lý tưởng ấy vào một nấm mộ mà cả hai chưa từng quen biết, để rồi những ngày tháng sau đó, hai người lâng lâng trong tình yêu, “một tình yêu cao khiết, một tình yêu hoàn toàn”.

Phải cô đơn và thất vọng đến mức nào mà hai người trai trẻ mới quyết định yêu một hồn ma như vậy? Rất nhiều nhà phê bình đã chỉ ra được rằng Điệp mang bóng dáng của chính tác giả Nguyễn Bính, còn Tuấn chính là anh chàng Thâm Tâm từng nổi tiếng với “Tống biệt hành”, họ cũng cho rằng “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện đậm nét. Điều đó không phải không có căn cứ. Nhưng bỏ qua những yếu tố thuộc về cá nhân và những cái “điên” của văn nhân và thi sĩ, ta có quyền đặt câu hỏi về nỗi lòng người đang khao khát tình yêu nhưng dù tìm kiếm điên cuồng thì cũng chẳng tìm đâu ra được bóng dáng người yêu. Nguyễn Bính yêu cầu quá khắt khe ư? Ông “ghim” phụ nữ vào ngục tù cái nhìn của người đàn ông ư? Nào phải vậy! Chính nhân vật Điệp còn “thần tượng” mối tình kĩ nữ, nhân vật Tuấn cũng đâu xem trọng cái “xử nữ mô”, cái trinh tiết xác thịt mà bao thế kỷ qua Nho học vẫn luôn đề cao. Thậm chí, ước mong của Điệp chỉ đơn giản là:

“Mình chỉ cần có người để thương yêu, chứ không cần họ thương yêu lại mình. Mình chỉ cần có một người để săn sóc, giúp đỡ vuốt ve họ, chứ không cần họ săn sóc, vuốt ve mình. Vậy mà cũng không được…”

Cái ước mong này đâu phải chỉ riêng Điệp mới có, mà là ước mong của tất cả những con người muốn yêu, thèm yêu, tha thiết yêu. Thế nhưng yêu ai đây, khi mà chẳng có phụ nữ nào cảm nổi hoa, hoặc người ta chỉ yêu quý nhau vì “mốt”, yêu quý nhau cho hợp thời với “thứ tình yêu cẩu thả, thứ tình yêu hồi hộ, thứ tình yêu chốc lát, thứ tình yêu thấp hèn”. Bất lực như vậy, có gì khó hiểu khi Tuấn và Điệp quyết định cùng yêu một cái mả lạnh đâu!

Trong suốt hai phần ba còn lại của tác phẩm, Nguyễn Bính kể lại cho người đọc về những mối duyên lỡ dở của hai nhân vật chính, để người đọc hiểu hơn về tình cảnh ngang trái của hai chàng trai trẻ này. Rồi sau đó, ông cũng đưa hai nhân vật chính đi xa hơn khi được đắm chìm trong mối tình với nàng Hoàng Lan trong tư tưởng. Tuấn và Điệp đã “sống thật hiền lành chăm chỉ để mà yêu”, không đi hút thuốc phiện, không lê la hát cô đầu, cũng xa rời cái thú đi chơi giang hồ. Tình yêu có sức mạnh mãnh liệt thay đổi người ta như thế đấy. Chỉ tiếc là hạnh phúc chẳng kéo dài được lâu. Người yêu dựng lên từ ảo ảnh cuối cùng lại là một người yêu không hoàn hảo. Vương Thị Hoàng Lan khi còn sống cũng từng có những mối tình không “trong sạch” như bao cô gái đang sống đương thời. Biết tin, Điệp đau đớn, khóc suốt đêm. “Bức tượng” Hoàng Lan cả hai cùng tạc lên ngày nào nay tan vỡ thành từng mảnh, và chẳng có vị nữ thần trong thần thoại nào hiện ra để chắp ghép những mảnh vỡ lại thành người thiếu nữ hoàn hảo được, cũng chẳng có vị thần nào hiện ra ban phát ân huệ tình yêu cho văn nhân và thi sĩ.

Nguyễn Bính khép lại câu chuyện về hai người điên ở kinh thành Hà Nội bằng một đêm mưa rét ào ào. Không có một thông điệp trực tiếp nào được đặt ra cho sự kiện đầy biến động trên, tất cả chỉ còn lại cơn mưa cảm xúc lạnh lẽo bất tận mà Điệp phải chịu đựng. Dường như Nguyễn Bính viết câu chuyện này vốn không phải để tìm một kết thúc, đưa ra một thông điệp, mà đơn giản hơn, ông chỉ muốn kể lại với người đọc hành trình tìm kiếm người yêu của hai chàng trai trẻ, và trong hành trình ấy, hai chàng trai trẻ mang nhiều vết thương tình ái kia đã trải qua một đoạn tình duyên thất bại với một nấm mộ.

Gấp cuốn sách lại, có lẽ cả nhân vật chính và người đọc đều nhận ra rằng, không phải lúc nào ước nguyện Pygmalion cũng có thể trở thành hiện thực, nhưng người ta vẫn sẽ mãi đi tìm người yêu hoàn hảo của đời mình. Và dù trong “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội”, Tuấn và Điệp chê trách đủ thứ về phụ nữ, thậm chí còn kết luận “bàn tay đàn bà con gái nào thì cũng bóp bẹp trái tim đàn ông”, nhưng cuối cùng thì họ vẫn tìm kiếm, vẫn lao vào tình yêu, bất chấp người yêu chỉ là một cái mả lạnh.

Người ta điên khi yêu một nấm mộ ư? Không phải. Người ta điên vì biết rằng mình đang mò kim đáy bể, biết rằng có thể giờ đây chẳng còn được trải nghiệm “tình yêu cao khiết, tình yêu hoàn toàn”, biết rằng có thể mình đang kiếm tìm trong vô định, nhưng bất chấp tất cả những điều đó, người ta vẫn quăng mình vào cuộc tìm kiếm chất chứa khổ đau nhiều hơn hy vọng, mà có thể sẽ thất bại nhiều hơn thành công. Người ta có thể yêu thương một cô hát cô đầu, một nàng thi sĩ, hay một cô gái chết trẻ mà trước đó chưa từng quen. Dù khó khăn, dù vô định, dù mò kim đáy bể, người ta vẫn đi tìm một người để yêu.

Suy cho cùng, “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” của Nguyễn Bính chính là câu chuyện kể về những kẻ điên như thế…

TẢN ĐÀ VỚI “CẢM THU, TIỄN THU” VÀ THÂN PHẬN THU

Nói đến thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ XX, không thể không nhắc tới Tản Đà. Trước khi làn sóng thơ mới của thế hệ Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu… tràn đến trên xứ sở này, Tản Đà có lẽ là người xứng với hai chữ thi sĩ nhất ở nước Nam. Người nổi danh về thi phú văn chương từ khi còn nhỏ tuổi, sớm đã có ý thức chỉ dựa vào cây bút mà nên nghiệp cả đời. Những năm 1920

Minh Hùng

17/12/2019

Lời cảm ơn của tác giả sách Hồi âm từ phương Nam (Tiểu luận phê bình, NXB Đà Nẵng – Book Hunter, 2023)

Xin kính chào quý thầy cô, quý anh chị đến dự buổi họp mặt hôm nay. Đây đơn giản là một buổi gặp gỡ trong vòng thân hữu để giới thiệu cuốn sách mới của chúng tôi là tập tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam do NXB Đà Nẵng và Công ty Truyền thông và Giáo dục Lyceum (Book Hunter) liên kết thực hiện. Hồi âm từ phương Nam là cuốn sách in riêng thứ 15 của chúng tôi, trong đó có

Book Hunter

24/03/2024

Văn chương đích thực và tiểu thuyết hạ cấp ở Việt Nam

Nếu bạn là người thích đọc tiểu thuyết, bạn đi vào hiệu sách và dạo quanh một vòng, bạn sẽ thấy lẫn lộn những cuốn tiểu thuyết hạ cấp với văn chương đích thực. Thậm chí các tác phẩm văn chương sẽ bị để trong xó xỉnh, còn những cuốn tiểu thuyết thị trường lại nghiễm nhiên chiếm vị trí đẹp đẽ nhất trên giá sách. Đó là cách sắp xếp sách ở các trung tâm phát hành Việt Nam, từ nhà sách lớn như

Thơ Nguyễn Bính – Say đắm trong ảo mộng

Cái sự thất tình của Nguyễn Bính đẹp man mác như cánh đồng lúc hoàng hôn. Nó không dằn vặt, quằn quại mà khiến người đọc cảm giác như ông đang hưởng thụ sự đơn độc, sự bỏ rơi, sự xa cách. “Hồn anh như hoa cỏ may Một chiều cả gió bám đầy áo em” Đã mang trong mình một tâm hồn Việt, ai chẳng lưu giữ đôi ba câu thơ Nguyễn Bính trong ký ức, nhiều khi chúng ta còn không biết chúng

“Cầm Thư quán”; tiểu thuyết dã sử bối cảnh thời Lê Thánh Tông “tái xuất” sau 10 năm gian nan

Tiểu thuyết "Cầm thư quán" của nhà văn Hà Thủy Nguyên là một cuốn sách hiếm hoi trên thị trường sách Việt Nam hiện nay được viết với phong cách cổ điển, duy mỹ và giàu tính triết học Á Đông. Năm 2008, lần đầu cuốn sách được xuất bản bởi NXB Phụ Nữ và Nhà sách Kiến Thức, tiểu thuyết "Cầm thư quán" đã bị thu hồi ngay trong tháng đầu phát hành với lý do không rõ ràng. Tháng 9 năm 2018, sau

Book Hunter

22/10/2018