Home Chuyên đề tháng Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại

Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại

Romanticism được dịch sang từ Hán Việt là Chủ nghĩa lãng mạn. “Lãng mạn” theo nghĩa đen là con sóng tràn đầy; theo nghĩa bóng là chỉ sự buông thả, phong lưu, không chịu ràng buộc của luân lý. Lối dịch này có lẽ do ảnh hưởng từ cách dịch của các nhà văn hiện đại Trung Quốc. Lối hiểu này nghe có vẻ hợp lý và gần nghĩa nhưng vô tình làm giảm đi triết lý của “romanticism”, và đưa “romanticism” đến gần với mô hình các tài tử phong lưu, trăng hoa thường xuất hiện trong các tác phẩm văn chương trung đại của Trung Quốc. Và cũng bởi thế, Romanticism trong văn học Á Đông hiện đại thường mang đậm màu sắc tình ái, thay vì thể hiện đầy đủ các đặc tính của nó như ở phương Tây.

Chủ nghĩa lãng mạn là gì?

Trên thực tế, có nhiều tranh cãi xoay quanh khái niệm “romantic”, và thường các nhà nghiên cứu thống nhất với nhau cách hiểu của “romantic” dựa trên sự định nghĩa của các tác giả trường phái lãng mạn thế kỷ 18 và 19. Theo Từ điển Cambridge giải thích, “romantic” có thể xuất phát từ thói quen ngôn ngữ Roman mà các nhà văn Phục Hưng đưa vào sáng tác của họ để làm giàu cho ngôn ngữ nước mình và giúp tác phẩm tăng tính thơ, mà điển hình nhất là các tác phẩm của Shakespeare, Dante, Cervantes… Không chỉ vậy, họ còn tiếp thu mô hình nhân vật từ kịch và sử thi Hy Lạp, La Mã để tạo thành các mẫu hình tình yêu đôi lứa, hiệp sĩ cao quý, bi kịch của số phận… Những yếu tố này là tiền đề cho chủ nghĩa lãng mạn của thế kỷ 18-19. (1)

Vào những năm 1790s, khái niệm “lãng mạn” được sử dụng phổ biến bởi anh em nhà phê bình người Đức August và Friedrich Schlegel, họ đã sử dụng các nói “thơ lãng mạn” (romantische poesie) để đối nghịch với chủ nghĩa cổ điển. Friedrich Schlegel đã viết trong “Đối thoại về Thơ ca” (1800) như sau: “Tôi đã tìm và đã thấy sự lãng mạn trong những người hiện đại xa xưa, ở Shakespeare, ở Cervantes, trong thơ ca Ý, trong thời đại của sự hào hiệp, tình yêu và ngụ ngôn, bắt nguồn từ đó mà hiện tượng và ngôn từ ấy được hình thành.” Mặc dù vậy, cách hiểu này không được phổ biến ở châu Âu. Chỉ đến khi các tác giả Anh và Pháp vào cuộc, thì chủ nghĩa lãng mạn mới hình thành thành một phong trào sáng tác.

Nữ tác giả Germaine de Staël là người có công lớn nhất trong sự phổ biến khái niệm “lãng mạn”. Bà sử dụng đi sử dụng lại khái niệm này trong cuốn bút ký De l’Allemagne (1813)  của bà khi bà ghé thăm nước Đức. Song song với nữ nhà văn Ý này, William Wordsworth – một nhà thơ vĩ đại vô cùng quan trọng của nước Anh đã ví von sự đối nghịch giữa “đàn lyre cổ điển” và “đàn hạc lãng mạn”. Nhưng thái độ của ông đối với chủ nghĩa lãng mạn cũng khá thờ ơ. Ông cho rằng thơ ca không phải thứ theo mô hình của “đàn lyre cổ điển” hay “đàn hạc lãng mạn” mà đến từ sự tự do tâm trí của nhà thơ. (2) Và ngay cả Lord Byron, nhà thơ được coi là “phóng đãng” và “tình ái” cũng khẳng định rằng “chủ nghĩa lãng mạn” không phải là một khái niệm quen thuộc với các tác giả Anh quốc, những người vốn vẫn bị gọi là các tác giả lãng mạn. (3)

Tuy nhiên, một nghịch lý thú vị thường thấy rằng khi điều gì đó bị cấm đoán thì nó càng trở nên phổ biến. Khi chủ nghĩa lãng mạn nằm trong danh sách công kích của Viện hàn lâm Pháp (Académie Française) và viện này đã ban hành một sắc lệnh để lên án thì khái niệm lãng mạn lại chính thức được sử dụng với nội hàm ý nghĩa của mình và trở nên phổ biến rộng rãi vào năm 1824.  Viện hàn lâm Pháp được thành lập bởi Hồng y Richelieu vào thế kỷ 17 nhằm mục đích sàng lọc và định hướng ngôn ngữ Pháp. Sau Cách mạng Pháp, Viện hàn lâm vẫn hoạt động và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới học giả Pháp, đặc biệt là dưới thời cai trị của Napoleon tiếp tục được chính phủ Pháp bảo trợ. Sự cấm đoán của  Viện hàn lâm Pháp đã vô tình khiến các tác giả vốn chẳng mấy thiện cảm với giáo hội lại nghiêng về chủ nghĩa còn non trẻ này, và coi chủ nghĩa lãng mạn như một đòn giáng vào thế lực học thuật của giáo hội với tính chất kinh viện và khô cứng. (4) Thế nhưng, đến năm 1982, khi chủ nghĩa lãng mạn đã trở nên lỗi thời và tự bản thân nó trở thành cái lồng giam giữ các nghệ sĩ thì chính Viện hàn lâm Pháp, kết hợp với kênh truyền hình R.M. Productions (Film & Television) Ltd. lại là tổ chức đầu tư cho bộ phim tài liệu nói về thành quả của Chủ nghĩa lãng mạn có tên Romantic Spirit”. (5)

Như vậy, chủ nghĩa lãng mạn có thể được hiểu như một trào lưu giải phóng cá nhân khỏi những ràng buộc về luân lý và phận vị xã hội, mà cụ thể là sự giải phóng cảm xúc. Họa sĩ lãng mạn người Đức Caspar David Friedrich đã tuyên bố: “Cảm giác của người nghệ sĩ là luật của anh ta.” Nhạc sĩ lãng mạn người Pháp De Bussy cũng khẳng định: “Không có lý thuyết. Bạn chỉ cần lắng nghe. Niềm vui thích là luật. Tôi yêu âm nhạc say đắm. Và bởi vì tôi yêu nó, tôi cố giải phóng nó khỏi những truyền thống càn cỗi đã bóp nghẹt nó. Đó là nghệ thuật tự do tuôn ra – một nghệ thuật ngoài trờ, vô biên như các yếu tố, gió, bầu trời, biển. Nó không bao giờ được phép đóng kín và trở thành thứ nghệ thuật kinh viện.” Và nhà thơ Anh William Wordsworth thì nói rằng thơ là “sự tràn đầy tự phát của cảm xúc”. Tuy nhiên, trong giới phê bình, cuộc tranh luận về chủ nghĩa lãng mạn vẫn không dứt, không tìm được sự đồng thuận về định nghĩa và các đặc trưng của trường phái này, và vẫn coi chủ nghĩa này như một hình thức tương phản của các niêm luật và lề thói văn chương cổ điển, thay vì theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng và duy mỹ hoàn hảo thì các nghệ sĩ biểu hiện nội tâm của mình một cách đa dạng và độc đáo, đồng thời chống lại sự áp đặt của nhà nước, tôn giáo và chủ nghĩa duy lý. (6) Và bởi vậy, các nghệ sĩ đã phát triển một loạt các hình thức sáng tạo khác nhau để biểu hiện nội tâm của mình: trữ tình, trường phái ấn tượng, trường phái tượng trưng, trường phái dã thú…, thậm chí họ còn coi chủ nghĩa lãng mạn như tiền đề để dẫn tới các trường phái ấy.

Bức tranh: Kẻ lãng du trên biển sương mù, 1818 – Caspar David Friedrich

 

Thời đại của Chủ nghĩa lãng mạn : giải phóng cảm xúc và sự đối đầu với chủ nghĩa duy lý, cổ điển, và các giá trị đạo đức Kito giáo

Mặc dù các yếu tố lãng mạn đã xuất hiện trong các tác phẩm thời Phục Hưng và đến thế kỷ 20 vẫn còn phổ biến ở nhiều quốc gia nhưng các học giả đã khoanh vùng thời kỳ lãng mạn là từ cuối thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19 và có thể kéo dài sang đầu thế kỷ 20, đánh dấu sự kết thúc bằng sự lên ngôi của chủ nghĩa hiện thực. Khi chủ nghĩa lãng mạn được hình thành, châu Âu đang ở trong một sự chuyển đổi lớn và sâu về mô hình xã hội. Cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789 đã đánh dấu sự sụp đổ của hoàng gia và quyền lực của nhà thờ, truyền cảm hứng cho hình ảnh những tư tưởng về tự do và khai phóng. Song song với nó, là hai chiều hướng tư tưởng đối nghịch nhau: Tư tưởng Khai Sáng và Chủ nghĩa Lãng mạn.

Tư tưởng Khai Sáng đi tiếp chặng đường của Chủ nghĩa Duy lý (Rationalism) được hình thành từ thế kỷ 17. Chủ nghĩa Duy lý đề xướng “sự thật không đến từ cảm giác mà đến từ tri thức và suy luận” (7), cho đến thời kỳ của các nhà tư tưởng Khai Sáng (thế kỷ 18), thì đã hình thành nên xu hướng chính trị duy lý, tức là các quyết định chính trị được thực hiện dựa trên sự lựa chọn hợp lý, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa thế tục và phi tôn giáo. Đối lập với Khai Sáng, tư tưởng lãng mạn đề cao cảm giác và cảm xúc, hướng tới các giá trị tinh thần, cổ vũ lối sống trung thực biểu hiện cảm xúc của mình. Do đó, đa phần các học giả đều cho rằng Chủ nghĩa lãng mạn là sự phản kháng lại xu hướng duy lý của tư tưởng Khai Sáng.

Trước sự xuất hiện của Chủ nghĩa lãng mạn, ở phương Tây, Chủ nghĩa Cổ điển và Tân cổ điển đang thống trị với các tiêu chuẩn về cái đẹp, một phong cách trang trọng và gò bó. Các sáng tác cổ điển được lấy cảm hứng từ sự phục hưng vẻ đẹp của văn minh Hy Lạp – La Mã, và dựa trên chủ nghĩa lý tưởng của Plato. Người nghệ sĩ theo chủ nghĩa này luôn mong muốn sáng tác những tác phẩm đạt đến sự hoàn mỹ, và với các kỹ thuật điêu luyện đã được mô hình hóa thành các niêm luật và tiêu chuẩn. Vì vậy, chủ nghĩa cổ điển cũng là một thành trì mà chủ nghĩa lãng mạn cần phải đánh đổ.

Ảnh hưởng của xu hướng chống lại nhà thờ, chủ nghĩa lãng mạn cũng góp tiếng nói và sáng tác vào sự hồi sinh của các tôn giáo và tín ngưỡng tiền Kito. Trải qua nhiều thế kỷ bị nhà thờ Công giáo trói buộc bởi các giá trị đạo đức Kito giáo, những xu hướng tự do cá nhân đã mở đường cho các vị thần vốn bị coi là quỷ dữ. Các hình mẫu thiên thần sa ngã Lucifer, phù thủy Faust, thần Pan… đều trở thành các đề tài xuất hiện trong các sáng tác thơ ca, âm nhạc, hội họa thời kỳ này. Trong các tác phẩm của Victor Hugo, Lord Byron đều có những lời viết say mê về Satan, và đặc biệt là nữ tác giả Percy Bysshe Shelley còn khẳng định rằng Satan giống như một vị thiên thần đã tự giải phóng mình khỏi gông xiềng. (8) Pan và các satyr, vị thần đầu dê, đại diện cho sự phóng túng, dâm dật trong thần thoại Hy Lạp – La Mã, giờ đây trở thành nhân vật trung tâm trong một loạt các tác phẩm hội họa, âm nhạc và tiểu thuyết được ưa chuộng.

Hoàng đến Napoleon III đã phong tặng tước hiệu Họa sĩ hàn lâm cho Alexandre Cabanel vì bức tranh miêu tả cảnh một nymph bị một Pan bắt. Năm 1873, một họa sĩ hàn lâm khác người Pháp tên là William-Adolphe Bouguereau cũng vẽ cảnh bốn nymph khoản thân nhảy múa xung quanh một satyr với sự phục tùng bất thường và nhẹ nhàng dụ hắn xuống dòng nước gần đó. Bức tranh này được một đại gia Mỹ là John Wolfe mua, trưng bày công khai ở quán bar tại Nhà Hoffman trên quảng trường Broadway. Bức tranh thu hút rất nhiều phụ nữ tới xe, và sau đó các phiên bản của nó nhân rộng xuất hiện trên gạch men, đĩa sứ và các mặt hàng xa xỉ khác ở Hoa Kỳ.

Nymphe et Saty (Alexandre Cabanel) 1860

 

Năm 1786, Stéphane Mallarmé viết bài thơ “The Afternoon of a Faun”, kể về nỗi buồn của một satyr cố hôn hai nữ thần sinh đẹp nhưng không thành. Claude De Busy cũng sáng tác bản giao hưởng “Prélude à l’après-midi d’un faune”, được trình diễn vòa năm 1894.

 

 

Những ảnh hưởng về tín ngưỡng này tiếp tục được lan rộng trong thế kỷ 20 và 21, khi phong trào tự do tình dục và tự do tôn giáo, tự do tư tưởng trở thành giá trị phổ quát của thế giới.

Bên cạnh việc chống lại những xu hướng cũ, chủ nghĩa lãng mạn dần dần bị tích hợp với các tư tưởng kiến tạo thời đại mới, mà một trong các tư tưởng được ưa chuộng chính là chủ nghĩa quốc gia. Ban đầu, các tác giả lãng mạn chỉ tập trung và phát triển ngôn ngữ và văn hóa dân gian, những phong tục và truyền thống địa phương, nhưng sau đó do ảnh hưởng của phong trào yêu nước, các tác giả lãng mạn cũng góp tiếng nói vào lời kêu gọi tự quyết dân tộc. Dần dần, chủ nghĩa dân tộc trở thành tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa lãng mạn, và chủ nghĩa lãng mạn chỉ là hình thức biểu hiện cho tư tưởng này. Đặc biệt, trong triều đại của Napoleon, chủ nghĩa dân tộc trở thành nguồn cảm hứng cho các phong trào ở quốc gia khác khi vị hoàng đế này thực hiện các cuộc xâm chiếm toàn châu Âu và chủ nghĩa dân tộc trở thành xu hướng tuyên truyền chính của các quốc gia Đông Âu.

Ngoài ra, những cuộc nổi dậy lớn, đặc biệt là tại Pháp trong thế kỷ 18 và 19 (Cách mạng Tư sản Pháp và Công xã Paris) đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ lãng mạn về hình ảnh của những người nổi dậy, đấu tranh cho tự do của chính mình. Những hình ảnh này có ảnh hưởng sâu đậm đến phong trào cách mạng trên toàn thế giới, đặc biệt là phong trào Cộng Sản và sau này là các phong trào dân chủ, nhân quyền cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Bức tranh: Tự do dẫn đường cho nhân dân, 1789, Eugène Delacroix

 

Các đề tài của Chủ nghĩa lãng mạn và sự ảnh hưởng tới Việt Nam đầu thế kỷ 20 (trước 1945)

Đề tài

Đặc tính

Một số tác phẩm tiêu biểu quen thuộc

Ảnh hưởng tại Việt Nam

Tình yêu đôi lứa

Các nhân vật luôn đứng giữa lựa chọn đi theo tiếng gọi tình yêu hay chấp nhận các trách nhiệm của gia đình, phận vị xã hội. Các nhân vật thường bị giằng xé, ngay cả khi đi theo tiếng gọi của trái tim. Ngoài ra, sự mâu thuẫn giữa tình yêu và thù hận cũng được khai thác.

Đồi gió hú – Emily Brontë

Chiến tranh và hòa bình – L.Tolstoy

Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà – Victor Hugo

Bá tước Monte Cristo – A. Dumas (cha)

Trà hoa nữ – A. Dumas (con)

Thơ Puskin

Thơ Lord Byron

Thơ Edgar Allan Poe

Kịch Oscar Wilde

Phổ biến trong hầu hết các tác phẩm

Đặc biệt trong các tác phẩm như “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, “Lan Hữu” của Nhượng Tống, và các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn như “Hồn bướm mơ tiên”, Bướm trắng”…

Thơ tình của hầu hết các nhà thơ, đặc biệt là Nguyễn Bính, Xuân Diệu…

Các ca khúc Cô láng giềng của Hoàng Qúy, Bến xuân của Văn Cao…

Đời sống phóng túng

Đời sống phóng túng trong tình dục, và đi ngược lại mọi lề luật xã hội là một trong các đại diện của tinh thần tự do.

Don Juan – Lord Byron

Các bức tranh với chủ đề về Satyr, Pan, thần đầu sừng (đã kể ở trên)

Tiểu thuyết Carmen của Mérimée

Vở Opera cùng tên của Carmen

Thơ Bích Khê

Thơ Đinh Hùng

Thơ Vũ Hoàng Chương

Thơ Nguyễn Bính

 

 

Mượn thiên nhiên để biểu hiện cảm xúc

Thiên nhiên là chủ đề trong các sáng tác nhưng thực ra chúng là biểu hiện cho trạng thái cảm xúc của nghệ sĩ.

Đây là một sự đảo chiều so với chủ nghĩa cổ điển, vốn lấy thiên nhiên như một thước đo tiêu chuẩn.

Thơ William Wordsworth

Thơ Verlain

Thơ Baudelaire

Tranh Aivazovsky

Nhạc De Bussy

Thơ Tennyson

Thơ Puskin

Thơ Oscar Wilde

Thơ Tản Đà

Thơ Huy Cận

Thơ Lưu Trọng Lư

Thơ Anh Thơ

Thơ Bàng Bá Lân

Có trong hầu hết các nhà thơ của phong trào Thơ Mới.

Nhạc Văn Cao

Nhạc Đặng Thế Phong

 

Phiêu lưu  & Anh hùng

Các nhân vật vượt ra khỏi đời sống xã hội bình thường để thực hiện các chuyến phiêu lưu chinh phục tự nhiên. Ngoài ra, các hình mẫu anh hùng cổ điển cũng được xây dựng lại với các thang bậc cảm xúc đa dạng và tinh thần tự do.

Moby Dick – Herman Melville

Ivanhoe – Walter Scott

Ba chàng lính ngự lâm dũng cảm – Alexandre Dumas

Nhạc kịch và giao hưởng của Wagner

Tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng.

Thơ Phạm Huy Thông

Tiểu thuyết Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài

 

Sự cô đơn

Sự cô đơn xuất hiện trong chủ nghĩa lãng mạn với cảm xúc vừa buồn và đẹp, đoi khi trở biểu tượng cho trạng thái tự do.

Thơ William Wordsworth

Thơ Tennyson

Bức tranh Lang thang trên biển sương của Caspar David Friedrich

Tiểu luận Những lời gan ruột (Da Profundis) của Oscar Wilde

Thơ Tản Đà

Thơ Nguyễn Bính

Thơ Vũ Hoàng Chương

Thơ Đinh Hùng

Thơ Hàn Mặc Tử

Vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng

Nhạc Văn Cao

Nhạc Đặng Thế Phong

Tuyên ngôn về tự do

Các tác giả đôi khi cảm thấy biểu hiện là không đủ, họ thấy cần phải tuyên ngôn trực diện về tự do và cá tính của mình

Thơ William Wordsworth

Thơ Lord Byron

Thơ Tản Đà

Thơ Thế Lữ

Thơ Xuân Diệu

Thơ  Vũ Hoàng Chương

Thơ Đinh Hùng

Tôn giáo thần bí và tín ngưỡng dị giáo

Những cảm hứng từ tín ngưỡng dị giáo và tôn giáo thần bí được sử dụng một mặt để chống lại nhà thờ Công giáo, một mặt để chống lại Khai Sáng.  Một số  tác phẩm loại này cũng thường được xếp vào trường phái Dark Romanticism.

Thơ William Blake

Thơ John Keats

Nhạc De Bussy

Faust – Goethe

Nhạc kịch và giao hưởng của Wagner

Dracula của Bram Stoker

 

Thơ Đinh Hùng

Thơ Hàn Mặc Tử

Những ám ảnh ghê rợn và ma quái

Chủ đề này được phản ánh trong các tác phẩm thuộc trường phái Dark Romanticism (tạm dịch: Lãng mạn u ám), biểu hiện những ám ảnh ma quái, vùng không biết của con người.

Truyện ngắn của Edgar Allan Poe

Tập thơ Ác Hoa của Baudelaire

Tiểu thuyết Bức họa Dorian Gray của Oscar Wilde

Tiểu thuyết Frankenstein của Mary Shelley

 

Truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Tuân

Truyện ngắn của Thế Lữ

Thơ Đinh Hùng

Thơ Bích Khê

Thơ Chế Lan Viên

Thơ Hàn Mặc Tử

Tinh thần Cách mạng và tinh thần dân tộc

Đa phần là thể hiện sự phục hồi các truyền thống cũ của dân tộc và miêu tả vẻ đẹp của những người làm Cách mạng.

Bức tranh Tự do dẫn dắt nhân dân của Eugène Delacroix.

Tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy

Tiểu thuyết  Những người khốn khổ của Victor Hugo

Thơ Tản Đà

Thơ Tố Hữu

Truyện ngắn của Nguyễn Tuân

Âm nhạc của nhóm Đồng Vọng, đặc biệt là của Hoàng Qúy

Các vở kịch lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng

 *Lưu ý: Những thống kê tại đây chỉ mang tính chất đại diện

Các tác phẩm thuộc Chủ nghĩa Lãng Mạn do Book Hunter xuất bản:

Tại sao nói Chủ nghĩa lãng mạn như một cái lồng giam giữ tự do

Ngay từ gốc rễ của hành vi sáng tạo, mọi người nghệ sĩ hướng đến tự do, tình yêu, vẻ đẹp thiên nhiên, biểu hiện trung thực cảm xúc và suy nghĩ của mình… nhưng sự áp đặt những giá trị ấy trong một mô hình thẩm mỹ của một thời kỳ và gọi tên nó là “chủ nghĩa lãng mạn”, đã vô tình trói buộc các giá trị ấy vào sự hạn chế của thời đại. Sự áp đặt này đẩy chủ nghĩa lãng mạn trở thành thế đối đầu với các hệ giá trị khác trước đó, thay vì tiếp thu và học hỏi từ chúng. Sự đối đầu này cũng gây ra tình trạng người sáng tác tự trói mình trong một trạng thái cảm xúc với các thủ pháp, chủ đề của thời đại lãng mạn, dù cho các giá trị cốt lõi vẫn tiếp tục trường tồn và có thể tìm hình thức thể hiện mới để phù hợp với thời đại hơn.

Người sáng tác có thể chuyển đổi sang các hình thức biểu hiện mới và thế giới quan mới nhưng dường như thị hiếu của độc giả vẫn như ở lại với thế kỷ 18 và 19, đặc biệt là khi sự ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn khi được lồng ghép với các tư tưởng thời đại như chủ nghĩa dân tộc và tinh thần Cách mạng để biến thành công cụ tuyên truyền thì đó là mối nguy hại lớn cho tinh thần tự do đích thực mà các nghệ sĩ hướng tới. Việc lãng mạn hóa những ám ảnh của thế kỷ 18 và thế kỷ 19 đã kéo dài mô thức xã hội ấy đến tận ngày nay, dù cho thế giới đã chuyển mình sang các biểu hiện mới của tự do, tình yêu và trạng thái liên kết với thiên nhiên.

 

Ảnh chụp phong trào phản chiến chiến tranh Việt Nam năm 1969 tại Boston

 

Dưới đây là  bảng thống kê những ảnh hưởng của Chủ nghĩa lãng mạn đến các xu hướng đương đại.

Xu hướng

Ảnh hưởng từ chủ nghĩa lãng mạn

Biểu hiện

Hậu hiện đại

Tính phản kháng và sự phá hủy các cấu trúc điển hình của chủ nghĩa cổ điển

Chủ yếu biểu hiện ở triết lý thủ pháp, thay vì hướng đến sự hoàn hảo thì chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương đưa mọi nguyên liệu cuộc sống vào sáng tác, và chấp nhận sự phi trật tự của các nguyên liệu

Tuyên ngôn “Là chính mình”

Tương đồng với tư tưởng tự do cá nhân của chủ nghĩa lãng mạn

Trong các tuyên ngôn của các nhà huyền môn, trào lưu pop rock đầu thế kỷ 20

Âm nhạc,tiểu thuyết, phim, manga tình ái, ngôn tình

Các yếu tố tình ái vẫn không có nhiều sự khác biệt so với thời kỳ lãng mạn, dù cho có thêm các tình tiết đời sống đương đại.

Trong tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết ngôn tình, các dòng nhạc trẻ

Tiểu thuyết, phim, truyện tranh phiêu lưu, anh hùng

Các hình mẫu anh hùng với đời sống tình cảm đa dạng vẫn tiếp tục được khai thác với cốt truyện phức tạp hơn và có đan cài các yếu tố huyền huyễn, kì ảo.

Phim – truyện kiếm hiệp, siêu anh hùng, khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết viễn tưởng thần thoại

Chiến lược hình ảnh của các nhân vật cách mạng

Từ giữa đến cuối thế kỷ 20, thế giới chứng kiến liên tục những phong trào Cách mạng trên khắp thế giới. Hình ảnh những người làm cách mạng chính trị đều được biểu hiện qua các tác phẩm nghệ thuật và truyền thông đại chúng theo phong cách lãng mạn giống như trường hợp những tác phẩm về Cách mạng tư sản Pháp và Công xã Paris

Những bức ảnh người biểu tình cắm hoa vào súng.

Ý tưởng dung các loài hoa để đặt tên cho các cuộc Cách mạng.

Cách truyền thông các cuộc Cách mạng đều vì lý tưởng tự do, độc lập hay yêu nước.

Truyện và phim kinh dị

Tiếp nối dòng Lãng mạn u ám, xu hướng truyện và phim kinh dị ngày càng phát triển đa dạng thành dòng tác phẩm kinh dị rất được ưa chuộng.

Tiểu thuyết, truyện tranh và phim kinh dị, có chứa các yếu tố siêu nhiên kích động nỗi sợ ở người xem.

Sự trỗi dậy của các dị giáo và tín ngưỡng địa phương

Phong trào tôn giáo mới đã khôi phục nhiều tín ngưỡng cổ xưa, kết hợp thêm nhiều yếu tố hiện đại

Phong trào New Age

Phong trào Hippie

Chủ nghĩa dân tộc

Tinh thần yêu nước, yêu giá trị dân tộc tiếp tục được đẩy lại trên truyền thông gần đây, đặc biệt là với các nước muốn cưỡng lại xu hướng toàn cầu hóa và công nghiệp hóa ồ ạt.

Chủ trương đưa các yếu tố Trung Quốc đậm đặc vào các sản phẩm truyền thông đại chúng.

Sự tìm tòi và khôi phục ngôn ngữ và truyền thống thuần Việt.

Những tiểu thuyết, truyện tranh, phim chứa các yếu tố văn hóa dân tộc để tôn vinh các giá trị đẹp.

Những hình mẫu người anh hùng bảo vệ dân tộc, đất nước vẫn luôn được tô vẽ với vẻ đẹp lãng mạn và lý tưởng

Lối sáng tạo nội dung nhiều cảm xúc trong tuyên truyền và truyền thông

Người đọc vẫn ưa chuộng nội dung có tính chất kích động cảm xúc mà không cần quan tâm đến dữ kiện và lập luận. Vì vậy, đa phần các tác giả vẫn lựa chọn lối sáng tạo xoáy sâu vào các thang bậc cảm xúc của người đọc.

Các bài phát biểu, kêu gọi, tuyên truyền

Những bài bình luận xã hội  sử dụng nhiều từ cảm thán và thiên nhiều về chia sẻ cảm xúc của người viết

Cách đăng tải các hình ảnh dễ gây xúc động đối với người xem.

 

Nếu chủ nghĩa duy lý nhốt con người trong những nguyên tắc cứng nhắc và những phận vị xã hội thì chủ nghĩa lãng mạn trói buộc tầm nhìn của con người bằng chính các trạng thái cảm xúc một chiều, thói quen dễ bị dẫn dắt bởi các cách thức kích động cảm xúc của người viết, người sáng tác. Đây là một cái lồng êm ái mà những người ở trong nó không dễ gì thoát ra cho đến khi đối mặt với hiện thực, và những gì ở sau hiện thực ấy.

Hà Thủy Nguyên

Ảnh đại diện: Tranh Aivazovsky

(1) https://www.cambridge.org/core/books/cambridge-companion-to-german-romanticism/what-is-romanticism-and-where-did-it-come-from/884CEB14F83E3443A148DBC4B77B6617

(2) Poems by William Wordsworth (1815), tr 16. https://en.wikisource.org/wiki/Page%3APoems_by_William_Wordsworth_(1815)_Volume_1.djvu/26

(3) The works of Lord Byron (George Gordon Byron Baron Byron & Thomas Moore, 1935), trang 198. https://books.google.com.vn/books?id=jxc3AAAAIAAJ&printsec=frontcover&hl=vi&source=gbs_ge_summary_r&cad=0#v=onepage&q&f=false

(4) Romantic Affinities: Portraits From an Age, 1780–1830 (Rupert Christiansen, 1988) trang 242.

(5) Link Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=tneCMFhQMrI&list=PLR-VOLiFzPjkOrlVyjJbFU61HUO3jFKGc

(6) The Crooked Timber of Humanity: Chapters in the History of Ideas (Isaiah Berlin, 2013) trang 57,58.

(7) Rationalism” (Vernon J. Bourke, 1962), trang 263

(8) Những câu thơ lẻ được tìm thấy của Percy. B. Shelley ca ngợi Satan https://www.poemhunter.com/poem/fragment-satan-broken-loose/

EDGAR ALLAN POE – NHÀ VĂN LÀM NÊN CHUẨN MỰC MỸ

Gia tài đồ sộ bao gồm các truyện ngắn, thơ và các các lý thuyết phê bình văn học là minh chứng cho tầm vóc của Poe như một nhân vật quan trọng trong nền văn chương thế giới. Ảnh hưởng của ông đến hình thức thơ ngắn và truyện ngắn là không thể phủ nhận. Trong lịch sử văn chương và các sách giáo khoa, Poe không chỉ được coi như vị “kiến ​​trúc sư” chính cho truyện ngắn hiện đại mà còn là

Lãng mạn U ám (Dark Romanticism): Ám ảnh về góc khuất trong thế giới tinh thần với xúc cảm rùng rợn, hung cuồng và tuyệt vọng

Đối nghịch với khuôn vàng thước ngọc của Chủ nghĩa cổ điển phương Tây, Chủ nghĩa lãng mạn tìm đến những cảm thức phóng cuồng và biểu tượng dị giáo để biểu thị cho tinh thần của mình. Điều này, tôi đã viết trong bài Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại - Book Hunter. Nhưng không dừng ở đấy, các tác giả lãng mạn đi xa hơn vào những góc khuất của tâm

Hà Thủy Nguyên phỏng vấn giáo sư E. SAN JUAN, Jr: Ý thức chính trị và nguyên tắc tự do trong văn chương Oscar Wilde

E. SAN JUAN, Jr. là nhà phê bình văn học và văn hóa thế giới, là giáo sư danh dự về Tiếng Anh, Văn học so sánh (Comparative Literature) và Nghiên cứu Dân tộc học. Ông nhận bằng từ Trường đại học Philippines và Đại học Harvard. Ông là trưởng khoa Văn hóa so sánh Hoa Kỳ, Đại học Washington, và hiện là thành viên của Trung tâm Hary Ransom, thuộc Đại học Texas. San Juan trước đây là nghiên cứu sinh ở Viện W.E.B.

Cuộc đời nhà thơ Alfred, Lord Tennyson – đau thương đằng sau những câu thơ tuyệt mỹ

Hơn bất cứ một nhà văn nhà thơ thời Victoria nào khác, Tennyson gần như đã là hiện thân của cả thời đại mình, ngay với cả những người cùng thời và cả những độc giả hiện đại. Trong thời của mình, người ta cho rằng ông cùng với Nữ hoàng Victoria và Gladstone là ba người nổi danh nhất đương thời, một vinh dự không nhà thơ  tiếng Anh nào từng có được. Là người phát ngôn chính thức về thi ca dưới triều đại

Minh Hùng

01/05/2017

“Lửa Thiêng” của Huy Cận – “Mang mang thiên cổ sầu”

"Một chiếc linh hồn nhỏ Mang mang thiên cổ sầu Những nàng tiên dần chết Mơ mộng thuở xưa đâu" (Trích "Ê chề" - Huy Cận) "Mang mang thiên cổ sầu" là cảm hứng xuyên suốt trong tập thơ "Lửa thiêng" của Huy Cận. Không dục tính, không điên rồ đập phá, chỉ một cảm giác mênh mang không thể diễn tả. Một nỗi buồn phảng phất từ ngàn xưa trong tiền kiếp xa xôi. Mặc dù Đinh Hùng nhắc đến tiền kiếp rất nhiều,