Home Đọc Chat với Yuen Yuen Ang về “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” và tính thực tiễn trong nghiên cứu

Chat với Yuen Yuen Ang về “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” và tính thực tiễn trong nghiên cứu

Book Hunter

18/04/2023

Vào ngày 4/4/2023 vừa qua, Book Hunter đã tổ chức cuộc trao đổi giữa các thành viên nhóm dịch, các độc giả với Yuen Yuen Ang – tác giả cuốn “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” (How China Escaped the Poverty)  thông qua hình thức “chat” tại nhóm trao đổi riêng. “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” được xuất bản lần đầu năm 2016 và được Foreign Affairs đánh giá là “Cuốn sách hay nhất năm 2017”, giành Giải thưởng Peter Katzenstein năm 2017. Tháng 10 năm 2022, Book Hunter đã dịch và xuất bản cuốn sách này sang tiếng Việt.  

Book Hunter xin được dịch lại cuộc trao đổi với Yuen Yuen Ang vào 4/4/2023 để phục vụ những độc giả không có điều kiện tham dự. 

> Tìm hiểu thêm về cuốn sách: Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào – Yuen Yuen Ang – Book Hunter Lyceum

Trao đổi với Yuen Yuen Ang về quá trình nghiên cứu Trung Quốc

Dịch giả Nguyễn Phương Mạnh (tham gia dịch sách): Một câu hỏi dành cho tác giả mà tôi luôn tò mò, động lực nào khiến bà hoàn thành cuốn sách “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” và chị tâm đắc điều gì trong quá trình viết nó?

Yuen Yuen Ang: Một câu hỏi thú vị! Có khá nhiều tai nạn và sơ sót. Điều này không được lên kế hoạch trước. Bắt đầu là việc tôi muốn tìm hiểu cách Trung Quốc có thể trở thành một “quốc gia phát triển” mà không hề có nền kỹ trị kiểu Weber điển hình giống như ở Singapore nơi tôi từng đến. Nếu các bạn đọc lời nói đầu, khi viết, tôi bắt đầu nghĩ sâu. Các nhà nhà khoa học xã hội theo cách thông thường không cho phép chúng ta giải quyết các vấn đề phức tạp như “sự chuyển đổi vĩ đại của Trung Quốc” với các thành tố chuyển dịch. Giải pháp thường là các chủ đề vĩ mô hoặc giản lược hóa quá mức. Cuốn sách này tập trung vào Trung Quốc, nhưng nó mang tính phương pháp luận, phần nào đó mang tính triết học. Nếu hỏi rằng tôi có thích quá trình thực hiện không? KHÔNG HỀ!! Nó rất gian nan. Tôi phải vận não quá nhiều cho cuốn sách đầu tiên này. Nhưng nó đã đặt nền móng cho mọi công việc sau này của tôi, vốn chỉ chiếm một trang trong cuốn sách đầu tiên này.

Dịch giả Nguyễn Phương Anh (dịch “Tương lai sẽ là thoái tăng trưởng”): Cảm ơn vì cuốn sách của chị, Yuen ạ, tôi thực sự rất thích đọc nó. Nó thực sự giúp tôi rất nhiều trong việc hiểu cách mọi thứ hoạt động ở Việt Nam… Cuốn sách của chị đã được đón nhận như thế nào ở Trung Quốc và đặc biệt là chính phủ Trung Quốc?

Yuen Yuen Ang: Ở Trung Quốc, ban đầu, các học giả đã bối rối trước cuốn sách này. Có nghiên cứu sinh giễu cợt nói: “Chị muốn làm cái gì?” Tôi nhận được phản ứng này rất nhiều, cả trong và ngoài Trung Quốc. Dần dần, sự tiếp nhận thay đổi. Ban đầu, nó là một thảm họa. Tôi nghĩ nỗ lực của mình là vô ích và rằng tôi thật ngu ngốc khi viết cuốn sách này.

Dịch giả Nguyễn Phương Mạnh (tham gia dịch cuốn sách): Sau khi phỏng vấn nhiều quan chức Trung Quốc, chị có thể cho chúng tôi biết một chút về họ không? Chẳng hạn, dựa trên cách tiếp cận, mối quan tâm, mục tiêu, chiến thuật của họ, chúng ta phân loại các quan chức như thế nào?

Yuen Yuen Ang: Trong Chương 4, tôi có một bảng, phân chia chúng theo cấp độ. Tôi đoán hệ thống ở Việt Nam không khác lắm. Cũng theo khu vực. Có thể có sự khác biệt rõ rệt về văn hóa và phát triển giữa các vùng.

Dịch giả Thiên Trang (dịch giả 2 tác phẩm của A.Schopenhauer do Book Hunter xuất bản): Phát triển hay tiến bộ mặc dù được định nghĩa một cách lỏng lẻo, nhưng nó đi kèm với suy nghĩ về sự can thiệp của nước ngoài hoặc cụ thể là các tiêu chuẩn phương Tây như được đề cập trong cuốn sách. Có phải do nhiều sự kiện vào đầu thế kỷ 20 cần phải giải quyết khủng hoảng như chiến tranh hoặc thảm họa tự nhiên? Hiện nay, nhiều người đồng ý rằng có nhiều khía cạnh để tiến bộ, ví dụ tôi đã đọc về các lô trình khác nhau được tìm thấy trong bối cảnh phi thực dân hóa khiến các độc giả ngạc nhiên và khôi dậy sự thấu hiểu/đồng cảm (như Favela ở Brazil chẳng hạn), nhưng sự phát triển của Trung Quốc, vốn cũng có tính tự phát như ở Nam Mỹ,  dường như vẫn bị kì thị, chị có nhận xét gì về vấn đề này? Có phải vì diễn ngôn về phát triển chủ yếu dựa vào hệ thống Weber, tức là các tiêu chuẩn phương Tây?

Yuen Yuen Ang: Sự thống trị của các câu chuyện và tiêu chuẩn phương Tây một phần là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân và những tác động kéo dài của nó, và một phần là biểu hiện của quyền lực địa chính trị. Thế giới sau Thế chiến thứ hai là một trật tự toàn cầu do phương Tây lãnh đạo. Bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào thống trị trong trật tự toàn cầu sẽ kể những câu chuyện có lợi cho mình và áp đặt các tiêu chuẩn của mình. Thẳng thắn mà nói, nó không chỉ có ở phương Tây. Quyền lực quá mức và sự bá quyền mang lại sự thống trị. Đó là lý do tại sao một trật tự đa cực là điều tốt cho tất cả. Giống như thị trường tự do mang tính cạnh tranh giữa nhiều doanh nghiệp nhỏ, trái ngược với độc quyền, là một điều tốt cho người tiêu dùng.

Thiên Trang: Tôi thực sự ngạc nhiên khi biết cuốn sách của chị được xuất bản vào năm 2017, nhưng trong suốt thời gian đó,, tôi không bao giờ nghe thấy bất kỳ đề cập nào về Trung Quốc, vì vậy mặc dù nhiều người nói rằng “có nhiều lộ trình” nhưng tôi nghĩ rằng diễn ngôn chính vẫn bị chi phối nặng nề. Có rất nhiều ví dụ khác nhau về sự giải tập trung (decentralizing) như người Sami ở Na Uy chẳng hạn (Thiên Trang hiện đang học tập và nghiên cứu tại Na Uy), nên tôi băn khoăn không rõ có sự né tránh đề cập đến Trung Quốc hay không (liệu do chính trị hay thiếu nghiên cứu)?

Yuen Yuen Ang: Tôi đã ghi lại câu hỏi này. 

Nguyễn Nghĩa Long (tham gia dịch cuốn sách): Chào chị, tôi là người dịch 1/3 cuố củai cuốn sách nên tôi quan tâm đến hiện tại, đó là tương lai mà chị nói ở cuối sách. Tác động của chiến dịch diệt hổ diệt ruồi của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với con đường phát triển của Trung Quốc như được đề cập ở phần sau của cuốn sách là gì?

Yuen Yuen Ang: Cảm ơn vì đã dịch cuốn sách! Tôi muốn giới thiệu cho bạn cuốn sách thứ hai của tôi, China’s Gilded Age. Tôi được biết là đã có bản dịch tiếng Việt trên kệ, nhưng bản thân tôi thì chưa nhận được.Cuốn sách đó trả lời toàn diện câu hỏi của bạn.

>> Yuen Yuen Ang gửi link review cuốn sách “China’s Gilded Age”: Book Review: China’s Gilded Age: The Paradox of Economic Boom and Vast Corruption by Yuen Yuen Ang | LSE Review of Books

Dịch giả Nguyễn Phương Anh: Cảm ơn chị về câu trả lời, thật thú vị khi biết giới học thuật bối rối trước tác phẩm của chị… Trong cuộc phỏng vấn với CGTN America, chị đã đề cập đến sự khác biệt giữa nghèo và khổ. Trong các cuộc phỏng vấn của chị với các quan chức Trung Quốc, chị có nghĩ rằng họ nhận ra sự khác biệt này và có kế hoạch làm gì đó với vấn đề ấy không? Và họ có nhận ra bất bình đẳng là mối đe dọa đối với các xã hội ổn định, chứ không chỉ là vấn đề ‘đạo đức’ (như thường thấy ở Việt Nam)?

Dịch giả Nguyễn Phương Mạnh: Tôi tự hỏi liệu các thành phố, khu vực hoặc quốc gia phát triển có rút ra bài học từ cách tiếp cận cùng tiến hóa của Trung Quốc để giải quyết vấn đề của họ không? Các thể chế dân chủ của họ là hình thức cuối cùng hay họ vẫn có thể phát triển?

Yuen Yuen Ang: Vâng, tôi muốn nói rằng người ta nhận ra rằng bất bình đẳng là một nguy cơ đối với sự ổn định xã hội. Đối với sự khác biệt giữa nghèo đói và đau khổ, có một điểm tế nhị mà nhiều người, trong và ngoài Trung Quốc, có thể không đánh giá cao. Đặc biệt ở Trung Quốc, có một nỗi ám ảnh về tăng trưởng bằng mọi giá, cũng như sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Tôi đã từng thấy một tổ chức từ thiện muốn đưa những đứa trẻ rất nghèo từ các ngôi làng đến tham quan hội chợ triển lãm ở Thượng Hải. Theo quan điểm của tôi, đó là một ý tưởng tồi tệ. Nếu không so sánh, chúng có thể không biết mình bị tước đoạt. Một khi chứng kiến sự hào nhoáng của các thành phố, chúng sẽ đau khổ. Nói chung, trong quá trình phát triển, mọi người muốn tăng tốc độ tăng trưởng và tiêu thụ vật chất, vì những lý do chính đáng, tất cả chúng ta đều thích điều đó. Nhưng hầu như không có bất kỳ phản ánh nào về nguồn gốc thực sự của đau khổ. Tôi không đi thẳng vào những vấn đề triết học đó trong cuốn sách của mình. Nhưng tôi nhấn mạnh sự đổi mới bản địa (“sử dụng những gì bạn có”), tôi đang cố gắng trả lại quyền tự quyết và phẩm giá cho các cộng đồng địa phương, nông thôn, có lẽ là “lạc hậu”.

Dịch giả Lê Duy Nam (Chịu trách nhiệm chuyên môn của Book Hunter): Chị có nghĩ rằng trí tuệ Nho giáo đóng một vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Yuen Yuen Ang: Tôi không chắc trí tuệ Nho giáo là gì, nhưng tôi biết rằng Khổng Tử và văn bản của ông thường bị những người chưa bao giờ đọc lạm dụng. Bàn về trí tuệ của Đặng Tiểu Bình thì hợp lý hơn, vì ông ấy là người tiên phong cải cách, một người đã sống và là nhà lãnh đạo vào thời điểm đó, và đã thể hiện trí tuệ của mình thông qua hành động của mình, hơn là nói về Khổng Tử từ hơn 2.500 năm trước.

> Để tìm hiểu thêm về các cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, mời các bạn xem video chia sẻ của dịch giả Nguyễn Phương Mạnh (một trong 3 dịch giả của “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào”):

Rico Le: Chào GS Yuen, trong cuốn sách chị có đề cập đến khái niệm “Ứng nhân tùy cơ ứng biến” và những kết quả tích cực mà nó mang lại dưới thời Đặng Tiểu Bình, nhưng cũng là hệ lụy của việc gia tăng bất bình đẳng, tình trạng nợ nần của chính quyền địa phương, và tăng trưởng không bền vững, tôi hiểu câu hỏi này có thể còn xa vời, nhưng dưới thời chính quyền Tập “chị nghĩ hình thức lý tưởng của” ứng biến có chỉ đạo” có lẽ là một phiên bản cải tiến chăng?

Paven Thuat DO: Tôi băn khoăn về “các chiến lược nhân tài mà Trung Quốc đã thúc đẩy trong 3 thập kỷ gần đây, cả nhân tài trong nước và nước ngoài, nó cống hiến như thế nào cho sự phát triển của Trung Quốc?”

Thiên Trang: Tương tự như vậy, tôi đã tự hỏi khi bạn nói về “nguồn gốc thực sự của đau khổ” thì có đúng không khi nói rằng chúng ta nên đánh giá chúng theo từng trường hợp hơn là dựa vào các ý thức hệ cổ xưa (ví dụ như Phật giáo hoặc Đạo giáo)?

Yuen Yuen Ang (do thời gian có hạn, đã lựa chọn câu hỏi của Thiên Trang và trả lời sơ lược về các ý khác): Tôi hoài nghi về bất kỳ “chủ nghĩa” nào vì chúng dễ trở thành hệ tư tưởng khiến người ta khó hiểu. Nho giáo là ví dụ điển hình nhất, một thuật ngữ thường được sử dụng khắp nơi, nhưng ai đã thực sự đọc các tác phẩm của Khổng Tử? Điều đó vô nghĩa. Đặng đã giới thiệu chủ nghĩa thực dụng đến Trung Quốc, “đánh giá mọi thứ bằng sự thật.” Vì vậy, vâng, nếu chúng ta muốn xem xét tác động của sự phát triển, hãy đánh giá mọi thứ dựa trên thực tế. Tất nhiên, tăng trưởng và tăng thu nhập và tiêu dùng là một giải pháp cần thiết cho nỗi khổ của Trung Quốc: nghèo đói lan rộng. Tuy nhiên, tôi đang nói rằng nếu bạn nhìn kỹ hơn, sau khi nghèo đói được xóa bỏ, những vấn đề mới và nguồn đau khổ mới – bất bình đẳng và cạnh tranh khốc liệt – sẽ nảy sinh. Đó là lý do tại sao tôi viết cuốn sách thứ hai của mình, China’s Gilded Age, nó là phần tiếp theo. Xin cảm ơn các bạn đã tham gia. 

> Đọc thêm các bài viết khác của Yuen Yuen Ang:

Yuen Yuen Ang: Cần quan tâm đặc biệt tới chi tiết – Làm thế nào để cải cách các cơ quan viện trợ để tạo ra kiến thức dựa trên hoàn cảnh – Book Hunter

Yuen Yuen Ang: Giảm nghèo – Chỉ thấy một cái cây mà quên mất cả khu rừng – Book Hunter

Vấn đề với Zero COVID: Cách chính sách của Tập Cận Bình gây nên khủng hoảng cho chế độ – Book Hunter

Tìm hiểu thêm về “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” với Lê Duy Nam

Lê Duy Nam: Cuộc trao đổi vừa rồi cùng Ang sẽ hữu ích với những ai đã đọc sách, nhưng có lẽ sẽ khiến các bạn chưa đọc sách thấy khó hình dung. Tôi xin được chia sẻ chi tiết thêm tại đây. Cuốn “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” được có khá nhiều điểm tương đồng với cuốn “Thuận theo hoàn cảnh” của Brian Levy (cũng do Book Hunter dịch). Cả hai tác giả có thể nói đều đi ngược lại, thậm chí có thể nói là phản đối mạnh mẽ cách thực hành “chìa khóa vạn năng” của World Bank hay USAID… Có lẽ đây là một xu hướng tất yếu khi cách thức viện trợ của các thể chế tài chính phương Tây mang lại nhiều vấn đề hơn giải quyết vấn đề. 

Đầu tiên, xuất phát điểm để viết cuốn sách này đó là Yuen không hài lòng với cách giải thích của các học giả đương thời đã từng tìm hiểu Trung Quốc. Hầu hết đều giải thích dựa trên các mô hình…khá cứng nhắc. Và khi áp dụng mô hình không được thì…cho là do may mắn. Do đó, khi Yuen bắt tay vào nghiên cứu thì có lẽ chính bà cũng ngạc nhiên với kết quả của mình.Và Yuen đã đề xuất một cách giải thích mới, bổ sung cho những cách giải thích cũ chưa đủ thuyết phục. Cách giải thích này đầu tiên là dựa vào sự khác nhau giữa hai khái niệm: phức tạp và phức hợp. Một thứ phức tạp tức là có nhiều phần, nhưng người ta có thể tìm hiểu từng phần bằng cách tách nhỏ ra, giống như cái lò nướng bánh, nhìn thấy tiến trình logic trong đó. Giống như bật điện thì nóng dây đốt, làm nóng bánh, cài đặt thời gian thì tự ngắt, bánh chín và thưởng thức thôi. Tuy nhiên phức hợp thì hoàn toàn khác. Phức hợp tức là các thành phân tương tác với nhau, tác động tới nhau, thay đổi nhau, và cùng tiến hóa. Trên thực tế, các sinh vật, các xã hội, các công ty…đều phức hợp chứ không phải phức tạp. Khi con người ốm, thực ra có bộ phận nào đó gặp vấn đề, và nó làm cho bộ phận khác bị ảnh hưởng…và cứ như vậy tới lúc có triệu chứng thì ta không thể biết rõ gốc bệnh từ đâu ra. Từ cách tư duy này, Yuen áp dụng vào mô hình xã hội Trung Quốc và nhìn thấy sự tương tác qua lại giữa hệ thống quản trị và tăng trưởng. Và hai thành phần này tương tác với nhau, thúc đẩy nhau cùng tiến hóa. Vậy thì không thể áp dụng cách mà World Bank vẫn làm, đó là khi World Bank muốn xóa đói giảm nghèo ở một quốc gia thì họ sẽ tập trung vào xây dựng Thể chế mạnh.

>> Cuộc trao đổi về cuốn “Thuận Theo Hoàn Cảnh” của Brian Levy: Trao đổi với Lê Duy Nam, trưởng nhóm dịch cuốn Thuận Theo Hoàn Cảnh của Brian Levy, về nhận định lộ trình quản trị và phát triển của một quốc gia – Book Hunter

Hồng Quân (một độc giả) : Phức tạp và phức hợp có phải là “complicated” vs “complex” ko nhỉ?

Lê Duy Nam: Đúng vậy. Họ sẽ áp dụng mô hình thể chế Weber, một mô hình đúng là hữu hiệu và mạnh mẽ tại các nước phát triển. Nhưng cưỡng ép mô hình đó vào các nước đang phát triển đã gây tác dụng ngược. Bởi vì họ không hiểu một điều là cần nhiều hơn rất nhiều mới có thể xây dựng được một thể chế mạnh, từ thói quen làm việc, quy trình tương tác, trình độ cán bộ… Những thứ này không thể có ngay trong vài năm hay thậm chí vài thập kỷ, thế kỷ. Do đó, Yuen đã áp dụng một cách đơn giản như một nhà sinh học quan sát một động vật, xem xét các quá trình phát triển của nó. Yuen đã lựa chọn 5 khoảnh khắc quan trọng của Trung Quốc để theo dõi sự tương tác giữa bộ quản trị và phát triển.

  •  Khoảnh khắc 1: Khoảng năm 2002, chính quyền huyện lên kế hoạch xây dựng một khu vực kinh doanh trung tâm (CBD) và di chuyển các doanh nghiệp vào các khu vực được thiết kế bởi nhà nước. Nỗ lực mạnh mẽ này lót đường cho một cuộc bùng nổ kinh tế chưa từng thấy.
  • Khoảnh khắc 2: Cuối thập niên 1990, khi công nghiệp địa phương phát triển và huyện trở nên tắc nghẽn và hỗn loạn, có nhu cầu ngày càng cao cho việc hoạch định đô thị.
  • Khoảnh khắc 3: Giữa năm 1993 đến 1995, các doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa hàng loạt. Nhà nước vào thời điểm đó giới hạn vai trò của mình tập trung vào việc tạo điều kiện cho quyền sở hữu cá nhân. Nó không chọn ra những nhóm nổi bật (ưu tiên một số ngành công nghiệp hơn những ngành khác) và cũng không ấp ủ ý tưởng thành lập CBD.
  • Khoảnh khắc 4: Trước năm 1993, huyện có những tăng trưởng ban đầu, nhưng sự mở rộng của các xí nghiệp tập thể bị giới hạn bởi vết tích của sự kiểm soát của nhà nước và việc thiếu các quyền tài sản cá nhân rõ ràng
  • Khoảnh khắc 5: Kể từ 1978, huyện đã khuyến khích việc thành lập các xí nghiệp được sở hữu tập thể bởi thị trấn và làng xã (TVE), kích thích công nghiệp hóa nông thôn và tăng trưởng giai đoạn đầu

Chúng ta thử nghĩ kỹ một chút về 5 khoảnh khắc này. Ang bắt đầu xem xét Trung Quốc từ năm 1978, có ai biết thời điểm này đánh dấu điều gì ko? Khi kết nối các khoảnh khắc này theo mạch thời gian từ 1978 thì Ang nhìn thấy một sự song hành rất thú vị ở Trung Quốc. 1978, thu nhập trung bình của Trung Quốc là gần $200/năm, thuộc dạng nghèo.  Và lúc này thì Trung Quốc sau nhiều năm đàm phán với Mĩ thì được Mĩ chính thức hợp tác chặt chẽ vào 1979. Dòng tiền từ phương Tây bắt đầu được cho phép đổ vào Trung Quốc. Thế nhưng Trung Quốc cụ thể làm những gì thì cuốn sách đã đưa ra rất nhiều thông tin thú vị, xuất phát từ hơn 400 phỏng vấn và đặc biệt là góc nhìn sắc sảo của Yuen Yuen Ang. Hầu như mọi cách giải thích mang tính ấn định thì đều bị các phản ví dụ mà Yuen đưa ra trong sách bác bỏ. Và cách giải thích của Yuen cũng mang tính…gợi mở để chúng ta không bị ấn định vào một sự giải thích đóng khung. Với xuất phát điểm nghèo đói, lạc hậu, vậy thì không thể đòi hỏi phải có ngay được thể chế tốt, thị trường mạnh. Phải dùng cái mà mình đang có. Nếu văn hóa xã giao, mang tính cá nhân, ưu tiên họ hàng, bạn bè…là cái sẵn có thì Trung Quốc chấp nhận cho phép cái đó được áp dụng chứ không yêu cầu phải tuân thủ theo luật pháp, hay quy trình khách quan của mô hình Weber.

TS Hồ Hồng Hải: Đây là profile của tác giảng Yuen Yuen Ang: Yuen Yuen Ang (0000-0003-1476-8646) (orcid.org)

Lê Duy Nam: Trung Quốc đặt KPI cho các địa phương về việc phải kiếm được FDI và cho phép bất kể cá nhân, cán bộ…phòng ban cùng tham gia vào việc này, dựa vào mối quan hệ cá nhân cũng được và đều có các mức hoa hồng thưởng cho mỗi một lần gọi FDI thành công. Vấn đề là xây dựng thang đo các mức thưởng cho công bằng và chi tiết. Ngoài ra, để kích thích sự chủ động và nhiệt tình thì chính quyền yêu cầu các đơn vị, phòng ban phải ứng trước một khoản gọi là đặt cọc. Cuối năm mà hoàn thành KPI thì được trả lại đặt cọc, không hoàn thành thì coi như bị mất.

Thế nhưng cách triển khai này dựa trên cơ sở nào? Có một cơ sở rất quan trọng mà Yuen nhận ra đó là Trung Quốc  áp dụng ba quy tắc, mà cũng rất giống thế giới tự nhiên. Đầu tiên là chỉ định hướng chứ không kiểm soát. Điều này cho phép nhiều biến thể xuất hiện. Giống như tự nhiên định hướng động vật cần ô xy, nước để sống, còn muốn sống kiểu gì thì cứ tự biến đổi theo môi trường. Sẽ có loài ăn thịt, loài bay trên cao, loài bơi dưới nước. Muốn như vậy thì phải để các địa phương có được không gian tự chủ, cho phép họ tự đi kêu gọi FDI, tự lên kế hoạch phát triển, dựa trên thế mạnh của mỗi huyện, mỗi tỉnh… và CQ chỉ cần mở rộng sân chơi, cung cấp thêm ô xy, dưỡng chất.

C N (một độc giả): Vậy tại sao Trung Quốc đến giờ vẫn không giải quyết được an ninh lương thực và lại quay về đầu cơ hết vào bất động sản?

Lê Duy Nam:  Mình cũng không rõ, chưa thấy bàn về điều này trong sách của Yuen. Có lẽ Trung Quốc cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn, mà nếu ko khéo léo xử lý thì vẫn có thể bị quay lại bẫy nghèo thôi. Mình đi tiếp vụ sau khi tạo ra các biến thể nhé, khi có nhiều biến thể rồi thì sẽ có sự chọn lọc vì có nhiều biến thể thì có biến thể thất bại, có biến thể thành công. Quan trọng là dựa trên đó để nhân rộng biến thể nào thành công, và hạn chế cách đi thất bại, cũng khá giống chọn lọc tự nhiên, và tất nhiên là môi trường liên tục biến đổi, do đó quá trình tạo biến thể và chọn lọc cũng phải diễn ra liên tục. Nếu dừng lại thì chắc là…sẽ khó duy trì đà tiến. Cuối cùng là sự tạo Ngách. Sự tạo Ngách này chính là để hạn chế cạnh tranh bất lợi.  Ví dụ như có quá nhiều tỉnh cùng kêu gọi FDI vào cùng một lĩnh vực, thì rõ là ko tối ưu. Giống như thị trường chỉ có thế thôi nhưng quá nhiều người cùng chia sẻ miếng bánh thì…sẽ đạt được ít. Vậy tạo Ngách tức là cơi nới sân chơi, và để làm vậy thì cần khuyến khích sự đa dạng trong thế mạnh của mỗi địa phương. Việt Nam đang làm rất tốt kiểu này ở chiến lược OCOP – mỗi địa phương một sản phẩm đặc sản, theo mình thấy là như vậy. 

Nguyễn Nghĩa Long: Cho hỏi anh/bạn C N chút về câu hỏi “Vậy tại sao Trung Quốc đến giờ vẫn không giải quyết được an ninh lương thực và lại quay về đầu cơ hết vào bất động sản?”. Không rõ ý anh nói Trung Quốc không giải quyết được an ninh lương thực là dựa trên dữ liệu gì ạ? Theo em/mình thì nó không liên quan đến việc thị trường bđs có đầu cơ hay không và việc nói “đầu cơ hết vào bất động sản” có vẻ không ổn khi dùng từ “hết”.  Như hiện tại Việt Nam có vấn đề gì về an ninh lương thực không ạ? Và thị trường bất động sản của mình vẫn đầu cơ mạnh như thường. 

C N: An ninh lương thực thì ông Tập đã nhiều lần đưa ra các chiến dịch như không lãng phí thực phẩm, phải đảm bảo tự chủ giống và phân bón cho nông nghiệp, yêu cầu Trung Quốc đặt mục tiêu tự chủ được an ninh lương thực trong vòng 5 năm… cho đến việc Bắc Kinh hết thịt lợn, thực phẩm giá cao, thực phẩm bẩn… có nhiều ví dụ. Chưa kể con giống , đồ ăn cho gia súc, phân bón …. nông dân Trung Quốc đều ưu tiên dùng của Mỹ và một số nước khác vì hàng trong nước nguồn cung không đảm bảo, giá cao, không rõ nguồn gốc = giá cao hơn cho sản xuất và lãi thấp.

Lê Duy Nam: Một cách tổng quát thì Yuen nhận thấy chính quyền Trung Quốc định hướng nhưng không kiểm soát, đảm bảo sự công bằng ở luật chơi và nới rộng sân chơi, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần để tận dụng thời cơ đầu tư nước ngoài, thúc đẩy công nghiệp. Tất nhiên là cũng khó mà cứ lên mãi được, bắt đầu gặp trở lực thì lại phải khéo léo xoay sở tiếp thôi. Không làm khéo thì bị thụt lùi cũng dễ hiểu. Cuốn sách này dừng lại ở năm 2013. Sau 2013 thì không lấy thêm mẫu dữ liệu nữa. Hi vọng là một vài gợi mở như vậy có thể hữu ích đối với những ai quan tâm tới cuốn sách. Cuốn sách khá là dày và nhiều dữ liệu thú vị, đọc chắc là mất thời gian đó. Hi vọng rằng chúng ta có thể trao đổi sâu thêm ở những lần sau.

Book Hunter dịch

Cuộc chat được điều phối bởi dịch giả Lê Duy Nam, người chịu trách nhiệm chuyên môn tại Book Hunter.

Yuen Yuen Ang: Cần quan tâm đặc biệt tới chi tiết – Làm thế nào để cải cách các cơ quan viện trợ để tạo ra kiến thức dựa trên hoàn cảnh

Cuộc Thi Tiểu Luận Next Horizons Của GDN 2014* TƯƠNG LAI CỦA HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN Được Hỗ trợ Bởi Quỹ Bill và Melinda Gates Bài thi đoạt giải "CẦN QUAN TÂM ĐẶT BIỆT TỚI CHI TIẾT: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI CÁCH CÁC CƠ QUAN VIỆN TRỢ ĐỂ TẠO RA KIẾN THỨC DỰA TRÊN HOÀN CẢNH"  Tóm tắt Cộng đồng viện trợ đã cố gắng áp đặt các thực hành tốt nhất từ thế giới phát triển lên thế giới đang phát triển. Tuy
le-nam

Lê Nam

03/04/2023

Vấn đề với Zero COVID: Cách chính sách của Tập Cận Bình gây nên khủng hoảng cho chế độ

Bài viết của Yuen Yuen Ang, tác giả cuốn "Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào", phân tích các kịch bản có thể xảy ra sau các cuộc biểu tình phản đối Zero Covid tại Trung Quốc.  Sự thất vọng của người dân Trung Quốc với chính sách “Zero COVID” của chính phủ đã lên đến đỉnh điểm. Bắt đầu từ ngày 26 tháng 11, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố, với việc người dân xuống đường và

Tô Lông

03/12/2022

Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan: Vì sao căng thẳng?

Bất đồng quan điểm về tình trạng của Đài Loan đã châm ngòi cho căng thẳng giữa hòn đảo này và đại lục. Và Đài Loan có tiềm năng châm ngòi xung đột trong quan hệ Mỹ-Trung. Tóm tắt: Trung Quốc đã không còn toàn quyền kiểm soát Đài Loan từ 1949, nhưng Bắc Kinh vẫn xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ quốc gia. Bắc Kinh từng thề rằng rồi đây họ sẽ “thống nhất” Đài Loan và lục địa, kể cả

Yến Nhi

04/12/2022

Yuen Yuen Ang: Giảm nghèo – Chỉ thấy một cái cây mà quên mất cả khu rừng

ANN ARBOR - Giải Nobel Kinh tế năm 2019 được trao cho Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer cho công trình của họ về phương pháp tiếp cận đói nghèo. Theo quan điểm của Hội đồng Nobel, ứng dụng của thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát (RCTs) trong kinh tế, một phương pháp lấy từ khoa học y tế, để kiểm tra xem liệu một sự can thiệp nhất định có thật là “tăng khả năng chống nghèo đói toàn cầu một cách

Yến Nhi

01/04/2023

Ứng biến có định hướng – Cách Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo và trỗi dậy

Trong cuốn sách “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào”, Yuen Yuen Ang đã đi sâu vào chi tiết về sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, thách thức những quan niệm thông thường bằng cách chỉ ra sự phát triển của nước này là một “quá trình đồng tiến hóa” giữa thị trường và thể chế. Duncan Green đã thôi thúc độc giả đắm mình trong cuốn sách được nghiên cứu kỹ càng này với những hiểu biết và phát hiện

Nguyen Water

06/11/2023