Home Đọc Trao đổi với Lê Duy Nam, trưởng nhóm dịch cuốn Thuận Theo Hoàn Cảnh của Brian Levy, về nhận định lộ trình quản trị và phát triển của một quốc gia

Trao đổi với Lê Duy Nam, trưởng nhóm dịch cuốn Thuận Theo Hoàn Cảnh của Brian Levy, về nhận định lộ trình quản trị và phát triển của một quốc gia

Book Hunter

03/02/2023

Trải qua một phần tư thế kỉ làm việc tại Ngân hàng Thế giới (World Bank), tác giả Brian Levy đã tạo nên điểm gặp gỡ giữa lí thuyết và thực hành trong cuốn sách Thuận Theo Hoàn Cảnh – Không Có Một Chiến Lược Phát Triển Vạn Năng bằng những cuộc nghiền ngẫm và thảo luận từ những số liệu và thực tiễn, để chỉ ra các khiếm khuyết trong chính sách đầu tư và tư vấn quản trị cho các quốc gia đã & đang phát triển có thể dẫn tới tình trạng tham nhũng, ô nhiễm môi trường, chủ nghĩa dân túy, phân biệt chủng tộc, xung đột… ngay tại các quốc gia này.

Cuốn sách đưa ra giải pháp tiếp cận “thuận theo hoàn cảnh” trong quản trị quốc gia và hoạch định chính sách phát triển thông qua việc tìm hiểu tình trạng thực tế và sự song hành giữa quản trị và phát triển tại mỗi quốc gia, từ đó hướng đến tìm kiếm cách cải thiện chính sách và từ đó thúc đẩy phát triển một cách ổn định. Tiền đề của toàn bộ giải pháp dựa trên luận đề: nền kinh tế, chính thể, thể chế và xã hội của một quốc gia có sự liên thuộc; do đó, hỗ trợ nước ngoài, mà cụ thể là World Bank, muốn thành công phải hiểu rõ tình trạng của mỗi quốc gia để tương thích với động lực của những nhân tố có sức ảnh hưởng nhằm tạo ra những cột chống vững chắc trong tiến trình chuyển đổi và bảo vệ quá trình đổi mới trước sự đối kháng từ những người hưởng lợi từ hoàn cảnh cũ. 

Cuộc trao đổi với anh Lê Duy Nam, trưởng nhóm dịch của Book Hunter trong dự án hợp tác dịch thuật Thuận Theo Hoàn Cảnh với Nhà Xuất Bản Tri Thức, được thực hiện tại group chat facebook có tên Book Hunter – Read & Chat. Phần trình bày của anh Lê Duy Nam dựa trên câu hỏi của ban tổ chức Book Hunter và các bạn đọc tham gia cuộc thảo luận. 

>> Tìm hiểu thêm về sách: THUẬN THEO HOÀN CẢNH – KHÔNG CÓ MỘT CHIẾN LƯỢC VẠN NĂNG – Book Hunter Lyceum

Trước cuộc thảo luận, tại fanpage Nam Đọc Sách của mình, anh Lê Duy Nam đã chia sẻ: 

“Nếu xét về cơ duyên, THUẬN THEO HOÀN CẢNH là cuốn sách đầu tiên tôi đóng vai trò dịch giả & tổ chức dịch thuật. Năm 2015, khi còn là một “Book Hunter” đầy hoài nghi về nền kinh tế và chính trị hiện hành, tôi đã nhận lời mời tham gia dịch các sách về kinh tế của Nhà xuất bản Tri Thức. Lúc ấy, NXB đưa ra 3 cuốn cần dịch, một là cuốn bây giờ đã được xuất bản với tên tiếng Việt là “Cách nền kinh tế vận hành”, hai là cuốn “Sức bật cho thế hệ mới”, và cuối cùng tôi đã chọn cuốn khó nhất lúc bấy giờ “THUẬN THEO HOÀN CẢNH” (Tên tiếng Anh là Working with the grain).

Cuốn sách thực sự khó, theo nhiều nghĩa.

Khó đầu tiên nằm ở chỗ tác giả đã đặt ra quá nhiều vấn đề vĩ mô, không phải ở phạm vi quốc gia, mà là phạm vi quốc tế. Đó là những vấn đề mà những người trẻ chỉ loanh quanh với các lý thuyết kinh tế trong sách vở, hay chỉ có cơ hội tiếp xúc với các ông chủ nuôi mộng làm giàu… sẽ không thể nào dễ dàng nắm bắt. Thực sự, cuốn sách THUẬN THEO HOÀN CẢNH đúng với nghĩa của hai chữ “kinh tế” trong chính trị Trung Hoa. Các bạn biết không, “kinh tế” chính là viết tắt của “kinh bang tế thế”, tức an định và nuôi dưỡng cho thiên hạ trở nên giàu mạnh. Thế là cuốn sách đã ép tôi phải mở rộng tầm nhìn, phải học cách suy nghĩ toàn cảnh để hiểu về bức tranh phát triển kinh tế toàn cầu.

Brian Levy là chuyên gia World Bank từ 1989 đến 2012 với vai trò cố vấn, chủ nhiệm chương trình giảm nghèo và quản lí kinh tế, phụ trách đơn vị chuyên trách hỗ trợ cải cách khu vực công ở châu Phi, đồng chủ nhiệm dự án đưa quản trị và chống tham nhũng vào chương trình hành động của World Bank. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế tại Harvard năm 1983, từ năm 2012 đến nay, ông đang giảng dạy về Thực hành Phát triển Quốc tế ở Trường nghiên cứu Quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins (SAIS), Mĩ. Từ năm 2012 đến 2019, ông đảm nhiệm vai trò Giám đốc Học thuật và sáng lập Trường Quản trị Công Nelson Mandela tại Đại học của Cape Town. Ông đã đưa ra giải pháp tiếp cận “thuận theo hoàn cảnh” trong quản trị quốc gia và hoạch định chính sách phát triển thông qua việc tìm hiểu tình trạng thực tế và sự song hành giữa quản trị và phát triển tại mỗi quốc gia, từ đó hướng đến tìm kiếm cách cải thiện chính sách và từ đó thúc đẩy phát triển một cách ổn định. Tiền đề của toàn bộ giải pháp dựa trên luận đề: nền kinh tế, chính thể, thể chế và xã hội của một quốc gia có sự liên thuộc; do đó, hỗ trợ nước ngoài, mà cụ thể là World Bank, muốn thành công phải hiểu rõ tình trạng của mỗi quốc gia để tương thích với động lực của những nhân tố có sức ảnh hưởng nhằm tạo ra những cột chống vững chắc trong tiến trình chuyển đổi và bảo vệ quá trình đổi mới trước sự đối kháng từ những người hưởng lợi từ hoàn cảnh cũ.

Khó tiếp theo nằm ở chỗ rất nhiều thuật ngữ kinh tế mới, chưa có trong từ điển Anh Việt, thậm chí không có trong từ điển Anh Anh. Đó là những thuật ngữ do Brian Levy sáng tạo ra. Chính cuốn sách đã dạy cho tôi một nguyên tắc quý báu trong dịch thuật rằng: không thể chỉ dựa vào từ điển, bởi từ điển chỉ đưa ra những quy phạm ngôn ngữ, trong khi ấy ngôn ngữ thì biến dịch “thuận theo hoàn cảnh”. Khi dịch, ta buộc phải hiểu và chọn cách diễn đạt phù hợp với nghĩa mà tác giả chuyển tải bằng ngôn từ.

Một vấn đề khó hơn cả, dẫn đến việc cuốn sách chậm xuất bản (phải mất 6 năm), đó chính là cuốn sách rất khó bán. Ai sẽ đọc cuốn sách này kia chứ? Ai sẽ quan tâm đến việc World Bank đã thất bại như thế nào trong các chính sách đầu tư phát triển tại các nước đang phát triển, họ có được lợi gì từ đó đâu. Người đáng lý phải đọc cuốn sách này là những quan chức chính phủ, những chuyên gia kinh tế đầu ngành đang đảm nhiệm vị trí cố vấn chiến lược phát triển kinh tế… Họ còn đang bận rộn vận động xin đầu tư từ World Bank từ năm này qua năm khác, tại sao phải cân nhắc đến việc nó có thể thất bại. 

… 

Sau rồi thì đến giờ, tôi nhận ra là không chỉ những quan chức hay chuyên gia của chính phủ cần đọc cuốn sách này. Nhiều bạn bè qua trao đổi với tôi, họ chia sẻ rằng cuốn sách hữu ích với họ. Họ là những chuyên gia đầu tư, các quản lý cấp trung và cấp cao của các tập đoàn trong nước, những người hoạt động xã hội dân sự đang nỗ lực thúc đẩy vì một đời sống xã hội tốt hơn… Chúng ta không cần thiết phải là một quan chức để có những suy nghĩ “kinh bang tế thế”, chỉ cần chúng ta cần cân đối giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng một cách khôn ngoan, ta cũng cần đến loại tư duy này.”

Hỏi: Cuốn sách “Thuận Theo Hoàn Cảnh” có phải chỉ để nêu ra những bất ổn trong chính sách đầu tư của World Bank?

Lê Duy Nam: Để hiểu cuốn sách, đầu tiên cần nắm bố cục và mục đích của tác giả Brian Levy. Như chúng ta đã biết, Brian Levy là một Tiến sĩ Kinh tế học và giảng dạy tại Harvard, sau đó tham gia World Bank. Học viên của ông chủ yếu là các cán bộ nhà nước đã có chút ít kinh nghiệm về vấn đề thể chế. Từ 1989 – 2012 ông liên tục đảm nhiệm các vị trí tại World Bank, từ vị trí chuyên gia, tới cán bộ cấp cao, tới lãnh đạo cả khu vực, rồi cuối cùng là tới lãnh đạo mảng Quản trị tốt và Chống tham nhũng. Như chúng ta biết thì World Bank quản lý một lượng tiền rất lớn để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, và việc số tiền này được chi tiêu có hợp lý hay không nó đến từ năng lực của chính World Bank. Vậy là với 25 năm kinh nghiệm, Brian Levy đã sở hữu một lượng dữ liệu tương đối lớn và đủ để ông đưa ra một đánh giá giúp chúng ta, dù không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này cũng hình dung được phần nào toàn cảnh của mối liên hệ giữa QUẢN TRỊ và PHÁT TRIỂN. Tôi cho rằng, đây chính là trọng tâm của cuốn sách Thuận Theo Hoàn Cảnh. 

Ta cần phải hiểu, Quản trị ở đây tức là các chính sách gồm luật định, nghị định, quy định…mọi thứ đóng vai trò làm luật chơi cho tất cả mọi người. Bởi thế, dù cuốn sách đề cập đến vấn đề vĩ mô, nhưng các vấn đề ấy lại liên quan đến tất cả mọi công dân dù họ ở vị trí nào. Đó là lý do mà “người ngoài ngành” như tôi và Book Hunter vẫn chọn dịch cuốn sách này, dù nó rất khó và khô khan. 

Cuốn sách gồm 12 chương, chia làm 4 phần rõ rệt mà ta có thể thấy ở Mục Lục của sách. Phần I là đưa ra mô hình lý thuyết, tức là cái lăng kính để chúng ta nhìn và hiểu một lượng data rất lớn về quản trị và phát triển, mối tương quan giữa hai khía cạnh này. Ngày đầu dịch mình thấy còn lạ lẫm với kiểu đi này, nhưng sau khi dịch nhiều tác phẩm của Aristotle thì mình thấy đây đúng là tuân theo cách triển khai mà Aristotle đã đưa ra trong các tác phẩm của ông. Luôn luôn phải bắt đầu với một lượng dữ liệu tương đối đủ. Và với nhiều dữ liệu như vậy, cần phải phân loại ra, và chỉ ra đặc tính của từng loại .Cái này gọi là Typology. Sau khi đưa ra Typology thì Brian Levy đi tới phần II, liệt kê các ví dụ minh họa cụ thể trong mỗi Type (loại). Phần III và IV thì Brian Levy đưa ra các gợi ý để mỗi quốc gia thử áp dụng tùy vào tình trạng. Cho nên có lẽ quan trọng nhất chính là năm được Typology ở Phần I.

Hỏi: Ở thời điểm Brian Levy viết cuốn sách, World Bank đang gặp những vấn đề gì?

Lê Duy Nam: Ở thời điểm ông công tác tại World Bank, ông nhận thấy một vấn đề rất lớn, đó là có một khoảng cách giữa nói và làm, giữa lý thuyết và thực tiễn trong các chính sách phát triển của tổ chức này. Họ vẫn còn giữ phong cách “One size fits all (chìa khóa vạn năng)”, tức một công thức duy nhất áp dụng cho tất cả các nước đang phát triển. 

Brian Levy thấy thật khó chấp nhận khi các chuyên gia World Bank sử dụng một bài thuyết trình duy nhất để áp dụng cho mọi quốc gia đang phát triển, họ chỉ cần thay tên quốc gia vào bài thuyết trình là xong. Và hệ lụy mà One size fits all để lại rất rõ ràng: tham nhũng thì phổ biến mà phát triển thì rất chậm, đặc biệt là châu Phi, nơi Brian Levy công tác chủ yếu. Xuất phát từ sự mong muốn cải thiện cách World Bank  làm việc, Brian Levy đã đề xuất phương pháp thay thế có tên là “Working with the grain.” Hồi đầu chúng tôi thống nhất dịch là “Vận hành xuôi thớ”. Tuy nhiên cuốn sách này Book Hunter phải là đơn vị đầu tư xuất bản nên không can thiệp được vào các quyết định cuối cùng. Tiêu đề “Thuận theo hoàn cảnh” tuy dễ hợp tai, nhưng hơi khác so với “Vận hành xuôi thớ”, vì điều quan trọng là ta phải nhìn ra “Thớ”, trong khi “Thuận theo hoàn cảnh” thì có tính bị động, để dòng đời xô đẩy. Và thông qua nội dung cuốn sách, Brian Levy giúp độc giả nhận ra “thớ”, tức đặc tính của mỗi tình trạng, hoàn cảnh mà dựa vào đó các chính sách được đưa ra để dễ dàng trong vận hành, không phải chỉ để hợp cảnh, mà để phát triển. 

Độc giả: Cuốn sách có cách đặt vấn đề khá tương đồng với “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” của Yuen Yuen Ang đúng không ạ?

Lê Duy Nam: Đúng vậy! Có thể coi Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào phát triển các nghiên cứu của Brian Levy, nhưng sử dụng dữ liệu ở trường hợp Trung Quốc. So với Brian Levy thì dữ liệu của Ang sâu hơn. Trong Thuận Theo Hoàn Cảnh, Brian Levy không có dữ liệu từ Trung Quốc như Ang, mà đưa ra các mô hình phân tích dựa trên dữ liệu bề rộng thu thập từ quá trình công tác của ông. 

Hỏi: Có phải cuốn sách Thuận Theo Hoàn Cảnh chỉ đề cập đến tầm cỡ vĩ mô của quản trị quốc gia hay không?

Lê Duy Nam: Dù Brian Levy lấy mẫu khảo sát là chính phủ của các quốc gia, nhưng những nghiên cứu của ông có thể ứng dụng ở nhiều trường hợp khác nhau trong quản trị doanh nghiệp hay tổ chức. Ông mô tả mỗi nước theo các tham số sau: 1/Thu nhập (Thấp, Trung Bình, Cao) – 2/Cơ chế quản lý (Yếu -> Mạnh) – 3/Quy định (Áp đặt, Cạnh Tranh) – 4/ Quyết định được đưa ra (Mang tính cá nhân hay Tuân thủ pháp luật một cách không thiên vị). Chúng ta có thể xem xét bảng phân loại sau được trích ra từ Thuận Theo Hoàn Cảnh. 

 

#1 là tình trạng như thời 12 sứ quân đang giao tranh hoặc thời Trịnh Nguyễn phân tranh vậy, loạn lạc mâu thuẫn khắp nơi, và chưa đạt đến Dàn xếp chính trị. Dàn xếp chính trị có thể xảy ra theo mức độ từ Thấp đến Cao. Dàn xếp chính trị ở mức độ thấp tức là thỏa thuận giữa vài cá nhân tinh hoa với nhau mà thôi. Tức là lúc nhà Trịnh – Nguyễn hòa hoãn được với nhau trong một thời gian, vì hai người đứng đầu thỏa thuận với nhau. 

Chúng ta nhìn lại biểu đồ, sẽ thấy là có 2 trục theo 2 hướng Dàn xếp chính trị, một trục là Áp đặt, một trục là Cạnh tranh. Dù theo hướng nào cũng đều có ưu thế và hệ lụy riêng. Trong Áp đặt, chia ra Áp đặt tùy ý mang tính cá nhân và Áp đặt tuân theo pháp trị. Trong đó áp đặt tùy ý là tình trạng còn sơ khai, nơi mọi quyết định đưa ra đều mang tính cá nhân, vắng bóng pháp luật, thường dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm. Tình trạng này trong thực tế cũng rất phổ biến, và đôi lúc thì cá nhân đưa ra áp đặt có thể được ca ngợi hoặc bị chê trách, tùy năng lực của người ấy. Cùng tình trạng này nhưng ở khía cạnh đối lập đó chính là Cạnh tranh mang tính cá nhân, tức là cũng vắng bóng pháp luật hoặc pháp luật yếu, nhưng cho phép sự cạnh tranh, giống như đấu thầu vậy. Tức là ở đây đã có nhiều nhóm tinh hoa cạnh tranh với nhau, nhưng vẫn đóng kín trong một cộng đồng cầm quyền nhỏ mà thôi. Theo tôi, Việt Nam đã và đang chuyển từ Áp đặt tùy ý sang Cạnh tranh mang tính cá nhân, và có thể đi tiếp là Áp đặt – Pháp trị, và dù gì đi nữa, đây cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Tương tự thế, bạn có thể tự hiểu về Áp đặt – Pháp trị và Cạnh tranh – Pháp quyền, hoặc đọc chi tiết hơn trong sách. 

Xin mời xem một vài đoạn trích từ sách:

Tóm lại mô hình cạnh tranh tức là phải tuân thủ “hiệp ước”, tức là luật chơi được bảo vệ, không bị vi phạm. Để làm được điều này cần chính quyền đủ mạnh và đứng ra làm trọng tài. Theo bảng thống kê được cung cấp trong sách (số liệu năm 2000), thì ta có thể thấy rằng đa phần các quốc gia chọn phương án Áp đặt. Đơn giản là vì để vẽ được ra các “hiệp ước”, luật chơi, và đưa vào thực tế đòi hỏi mức độ thống nhất và dân trí của quốc gia đó phải ở mức độ cao. Nhìn chung là cần nhiều thời gian để làm luật cho đủ tốt. Như thời gian gần đây, tôi thấy Việt Nam đang tập trung hoàn thiện rất nhiều bộ luật, không biết Việt Nam có đang áp dụng các lời khuyên của Brian Levy hay không.

Chúng ta thấy chỉ có 29 quốc gia trong lộ trình cạnh tranh nhưng có tới 22 quốc gia thu nhập ở mức cao. Có lẽ cũng dễ hiểu vì cạnh tranh thì khuyến khích tất cả mọi người phấn đấu hơn. Vì họ được các “hiệp ước” bảo vệ, không lo cống hiến nhiều xong rồi tự nhiên bị tước đoạt. 

Tiếp theo, các bạn có thể theo dõi bảng phân chia mức độ mạnh yếu của pháp luật và phân chia thu nhập bình quân. 

Dựa trên các bảng này thì chúng ta biết nước mình đang ở đâu, các nước khác ở đâu, nước nào tương đồng với nước  mình, nước nào khá hơn một chút. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng đây là số liệu năm 2000, đến nay số liệu có thể đã thay đổi, nên chúng ta cần nắm bắt phương thức đánh giá chứ không chỉ tiếp nhận dữ liệu để đưa ra nhận định về quốc gia đó được. 

Ngoài ra, Brian Levy còn nhắc đến một khái niệm quan trọng nữa là “The Edge of Chaos” (Biên hỗn loạn”), tức là với mỗi dàn xếp chính trị, nếu chúng ta thử áp dụng các chính sách để thúc đẩy phát triển, chúng ta có thể trở nên tốt hơn nhưng cũng có thể sụp đổ về mức #0. Mâu thuẫn, tức là tình trạng vô chính phủ. Rủi ro này luôn thường trực khiến cho các nhà nước vẫn rụt rè trong việc áp dụng các thay đổi vào thực tế. Phải đủ tự tin và hiểu biết thì mới dám làm quyết liệt. Do đó, làm thế nào để thúc đẩy phát triển trở thành một câu hỏi khó mà vẫn đang cần tìm lời giải đáp

Trong quá trình chuyển đổi, các nhà nước thường có xu hướng chuyển từ Áp đặt tùy ý sang Áp đặt pháp trị, thay vì Áp đặt tùy ý sang Cạnh tranh có tính cá nhân. Nhưng dù theo hướng nào thì cũng đều vấp phải một quá trình lấp lửng, dẫn đến cạnh tranh nội bộ khiến cho tiến trình xây dựng các hiệp ước chậm lại. 

Hỏi: Vậy làm thế nào để bắt đầu?

Lê Duy Nam: Với mọi chuyển đổi, chúng ta đều phải tìm một điểm bắt đầu mà khi tác động vào sẽ tạo ra sự chuyển đổi liên tiếp. Trên lý thuyết là thế, thực tế thì không hề dễ dàng, với mỗi trường hợp khác nhau lại cần một điểm bắt đầu khác nhau, nên Brian Levy sẽ không đưa ra công thức mang tính “chìa khóa vạn năng” cho các quốc gia, thay vì đó, ông đề cập đến một nguyên lý, ông gọi nó là “virtuous circle”, chúng tôi chọn dịch là “vòng hồi tiếp dương”. Ta có thể hiểu “vòng hồi tiếp dương” là chọn một giải pháp và tạo ra quán tính liên tục, xây dựng chuỗi kế thừa không bị gián đoạn. Hãy tưởng tượng nó giống hòn tuyết lăn từ trên núi xuống, càng lăn thì nó càng to ra và quán tính càng lớn hơn. Lúc mới lăn, có thể nó sẽ bị ngăn lại nhưng càng lăn lâu thì nó sẽ khó bị gián đoạn hơn. 

Như ở Việt Nam hiện nay, tôi thấy rằng chính phủ đang tập trung dồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện chất lượng dịch vụ công, có thể đây là điểm bắt đầu mà chính quyền lựa chọn. Theo Brian Levy, đây là những điểm bắt đầu dễ thu hút đầu tư hơn và dễ gặt hái nhiều lợi nhuận hơn đối với các chính phụ lựa chọn lộ trình Áp đặt. Còn về việc tại sao Việt Nam không lựa chọn lộ trình Cạnh tranh, thì những kết luận rút ra từ dữ liệu của Brian Levy cho thấy rằng phải “giàu rồi mới làm màu” được, bởi vì đây là lộ trình đòi hỏi chi phí rất cao để duy trì mà nếu không có nền tảng đủ vững thì khi khó khăn dễ bị quay lại mô hình Áp đặt nếu không sẽ rơi vào Hỗn loạn. Sự ra quyết định của một chính phủ sẽ không mang tính chất đóng khung, mà sẽ tùy thời thế, nên ta cũng không nên khiên cưỡng đóng khung nhận định của mình về chính sách quản trị của một chính phủ, mà ta cần nhìn thấy xu hướng lộ trình sẽ tiến lên hay thụt lùi để từ đó góp sức lực và ý nguyện để thúc đẩy môi trường chính trị nơi ta sống tiến tới “công bằng, dân chủ, văn minh” chứ không tụt lùi xuống mâu thuẫn và hỗn loạn. 

Book Hunter thực hiện

>> Xin vui lòng đặt sách tại hệ thống Book Hunter để ủng hộ các hoạt động dịch thuật của chúng mình: THUẬN THEO HOÀN CẢNH – KHÔNG CÓ MỘT CHIẾN LƯỢC VẠN NĂNG – Book Hunter Lyceum