Home Hiểu Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan: Vì sao căng thẳng?

Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan: Vì sao căng thẳng?

Yến Nhi

04/12/2022

Bất đồng quan điểm về tình trạng của Đài Loan đã châm ngòi cho căng thẳng giữa hòn đảo này và đại lục. Và Đài Loan có tiềm năng châm ngòi xung đột trong quan hệ Mỹ-Trung.

Tóm tắt:

  • Trung Quốc đã không còn toàn quyền kiểm soát Đài Loan từ 1949, nhưng Bắc Kinh vẫn xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ quốc gia. Bắc Kinh từng thề rằng rồi đây họ sẽ “thống nhất” Đài Loan và lục địa, kể cả phải dùng vũ lực.
  • Căng thẳng leo thang. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người thuộc phe ủng hộ độc lập, đã bác bỏ những nỗ lực phá hoại nền dân chủ từ Bắc Kinh. Bắc Kinh gia tăng sức ép chính trị và quân sự lên Đài Bắc
  • Một số chuyên gia phân tích lo ngại Mỹ và Trung Quốc sẽ gây chiến vì Đài Loan. Chuyến thăm hòn đảo này vừa rồi của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ, càng làm căng thẳng dâng cao.

Tổng quan

Đài Loan, với tên gọi chính thức là Cộng hòa Trung Hoa (ROC), là một hòn đảo được ngăn cách với Trung Quốc bởi eo biển Đài Loan. Từ năm 1949, nó đã bị tách khỏi quyền kiểm soát của Trung Quốc lục địa hay tên chính thức là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). CHND Trung Hoa xem hòn đảo này như một tỉnh nổi loạn và thề thốt sẽ “thống nhất” lãnh thổ, tức là gộp hòn đảo này vào lục địa Trung Quốc. Đài Loan là nơi có chính phủ riêng được bầu cử dân chủ và là nhà của 23 triệu dân, thế nên các lãnh tụ trên thế giới có những nhìn nhận khác nhau về địa vị chính trị của nơi này và mối quan hệ của nó với đại lục.

Căng thẳng xuyên eo biển đã leo thang kể từ cuộc bầu cử của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào năm 2016. Bà đã từ chối làm theo công thức tăng cường quan hệ hai bờ eo biển mà người tiền nhiệm Mã Anh Cửu từng tán thành. Trong khi đó, Bắc Kinh ngày càng thích gây hấn, bao gồm cả việc điều máy bay chiến đấu đến gần hòn đảo. Một số nhà phân tích lo ngại sẽ nổ ra một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan và kéo theo cả Hoa Kỳ vào chiến tranh với Trung Quốc.

Đài Loan có phải một phần của Trung Quốc?

Bắc Kinh khẳng định rằng vốn chỉ có “một Trung Quốc” nên Đài Loan là một phần trong đó và PRC là chính phủ hợp pháp duy nhất. Hướng tiếp cận này được gọi là chính sách Một Trung Quốc, hướng đến việc thống nhất Đài Loan vào lãnh thổ lục địa.

Bắc Kinh tuyên bố rằng Đài Loan bị ràng buộc bởi Thỏa thuận 1992, ký kết bởi đại diện đảng Cộng Sản (CCP) và Quốc Dân đảng (KMT), phe thống trị Đài Loan sau này. Tuy nhiên, hai bên không hoàn toàn đồng ý về nội dung của cái được gọi là thỏa thuận này. Trong đó cũng chưa từng đề cập đến vấn đề về tình trạng pháp lý của Đài Loan. Với CHND Trung Hoa, như Chủ tịch nước Tập Cận Bình từng phát biểu, Thỏa thuận 1992 cho thấy sự đồng thuận rằng “hai bờ eo biển đều thuộc Trung Quốc và sẽ nỗ lực cùng nhau để đạt đến thống nhất.” Với Quốc dân đảng thì khác, họ cho rằng bản thỏa thuận này đề cập “một Trung Quốc, nhưng với nhiều cách diễn giải,” một Trung Quốc ở đây chỉ là CHND Trung Hoa mà thôi.

Sơ lược về Đài Loan

Diện tích

35,980 km vuông (nhỏ hơn một chút so với tổng diện tích 2 bang Maryland và Delaware cộng lại)

Thể chế chính phủ

Chính thể cộng hòa lưỡng tính

Dân số

24 triệu dân (2022)

GDP

774 tỷ đô la (2021)

GDP bình quân đầu người

33,004 đô la (2021)

Tuổi thọ trung bình

81 tuổi (2022)

Tôn giáo

Phật giáo 35%, Đạo giáo 33%, Thiên Chúa giáo 4%, tín ngưỡng dân gian 10%, không có hoặc không xác định 18% (2005)

Ngôn ngữ

Tiếng Phổ thông (chính thức), tiếng Mân Nam, tiếng Khách Gia, các tiếng bản địa

 

Nguồn: CIA World Factbook; Taiwan Directorate-General of Budget, Accounting, and Statistics

Hiến pháp do Quốc Dân Đảng soạn thảo vẫn công nhận Trung Quốc, Mông Cổ, Đài Loan, Tây Tạng và biển Đông là một phần của Cộng hòa Trung Hoa (ROC). Quốc Dân Đảng vốn không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và đã liên tục kêu gọi quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh. Nhưng những thất bại trong cuộc bầu cử gần đây đã khiến các nhà lãnh đạo Quốc dân đảng cân nhắc lại về việc có nên thay đổi lập trường về Thỏa thuận 1992 hay không.

Đối thủ chính của Quốc dân đảng, đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), chưa từng chấp nhận những điều được đề cập trong Thỏa thuận 1992. Tổng thống Thái Anh Văn, lãnh đạo DPP, từ chối tuân theo biên bản này. Thay vào đó, bà nỗ lực tìm một mô hình khác mà Bắc Kinh cũng có thể ủng hộ. Trong bài phát biểu nhậm chức năm 2016, bà Thái nhấn mạnh rằng bà đã “được bầu làm tổng thống theo Hiến pháp của Cộng hòa Trung Hoa,” vốn dĩ là một văn kiện của Một Trung Quốc và cho biết bà sẽ “bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của Cộng hòa Trung Hoa”. Bà cũng đưa ra cam kết “tiến hành các công việc giữa hai bờ eo biển theo đúng Hiến pháp Cộng hòa Trung Hoa, đạo luật Điều chỉnh mối quan hệ giữa người dân Đài Loan và đại lục, cũng như các luật liên quan khác.” Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ tuyên bố này và cắt đứt các liên hệ chính thức với Đài Loan.

Trong bài phát biểu năm 2019, Tập Cận Bình nhắc lại đề xuất lâu nay của Trung Quốc đối với Đài Loan: nó sẽ được sáp nhập vào đại lục dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ.” Đây là mô hình tương tự đã áp dụng cho Hồng Kông, vốn được đảm bảo về khả năng bảo toàn hệ thống chính trị, kinh tế và cấp cho Hồng Kông “mức độ tự chủ cao.” Nhưng mô hình này không được lòng công chúng Đài Loan. Nhìn vào các cuộc đàn áp gần đây của Bắc Kinh đối với nền tự do của Hồng Kông, bà Thái và thậm chí cả Quốc dân đảng đã bác bỏ cái gọi là “một quốc gia, hai chế độ”.

Đài Loan có phải thành viên của Liên Hợp Quốc?

Không. Trung Quốc phủ nhận sự tham gia của Đài Loan với tư cách là thành viên trong các cơ quan thuộc Liên hợp quốc lẫn các tổ chức quốc tế khác mà giới hạn tư cách thành viên của các quốc gia. Đài Bắc thường xuyên phản đối chuyện này; Mỹ cũng thúc đẩy để Đài Loan được tham gia vào những tổ chức như vậy. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đài Bắc đã chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi nhượng bộ các yêu cầu của Bắc Kinh và tiếp tục cấm Đài Loan, vốn là một trong những nơi đối phó với COVID-19 hiệu quả nhất thế giới trong hai năm đầu đại dịch, tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên. Các bộ trưởng từ Nhóm bảy nước (G7) đã kêu gọi đưa Đài Loan vào các diễn đàn của WHO.

Nói vậy nhưng Đài Loan vẫn đang làm thành viên của hơn 40 tổ chức, hầu hết là cấp khu vực, như Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation forum), cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đài Loan cũng giữ vai trò quan sát viên hoặc chức vụ khác trong một số cơ quan.

Chỉ có 14 quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Chưa có chính phủ nào đồng thời duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với cả Trung Quốc và Đài Loan.

Quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan là gì?

Năm 1979, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với CHND Trung Hoa (PRC). Đồng thời, nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao và bãi bỏ hiệp ước phòng thủ chung với Cộng hòa Trung Hoa (ROC). Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ dẫu không chính thức nhưng bền chặt với hòn đảo này và tiếp tục bán thiết bị quốc phòng cho quân đội Đài. Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng đòi Washington ngừng bán vũ khí và cắt liên lạc với Đài Bắc.

Cách làm kiểu Mỹ này thể hiện cách hiểu chính sách Một Trung Quốc của riêng nó. Điều này dựa trên một vài tài liệu như: 3 thông cáo chung Mỹ-Trung năm 1972, 1978 và 1982, Đạo luật Quan hệ Đài Loan được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1979 và “Sáu đảm bảo” được công khai gần đây mà Tổng thống Ronald Reagan đã chuyển tới Đài Loan vào năm 1982. Những tài liệu này cho thấy Hoa Kỳ:

  • “thừa nhận quan điểm của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc”, CHND Trung Hoa (PRC) là “chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc” (một số quan chức Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng việc sử dụng từ “thừa nhận” ngụ ý rằng Hoa Kỳ không nhất thiết phải đồng ý với lập trường của Trung Quốc);
  • bác bỏ mọi hành vi sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp;
  • duy trì các mối quan hệ văn hóa, thương mại và các mối quan hệ khác với Đài Loan, được thực hiện thông qua Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT);
  • cam kết bán vũ khí cho Đài Loan để tự vệ; và
  • sẽ duy trì khả năng hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan, nhưng lại không thực sự cam kết làm thế, đây là chính sách được biết đến dưới cái tên sự mơ hồ có chiến lược.

Mục tiêu chính của Hoa Kỳ là duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và tha thiết đề nghị cả Bắc Kinh và Đài Bắc duy trì hiện trạng. Mỹ tuyên bố không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.

Thông qua chính sách mơ hồ có chiến lược của mình, Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ đã cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh giữa việc hỗ trợ Đài Loan và ngăn chặn một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng Tổng thống Joe Biden dường như không muốn thế, ông nhiều lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ đứng ra bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công. Các quan chức Nhà Trắng đã phản hồi rằng tuy chính sách không thay đổi, nhưng tổng thống sẽ quyết định nên thực thi thế nào. Một số chuyên gia, chẳng hạn như Richard Haass và David Sacks của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), và một số thành viên Quốc hội đã hoan nghênh các tuyên bố của Biden, cho rằng sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc khiến họ phải thể hiện lập trường cứng rắn hơn. Các chuyên gia khác thì không đồng ý với quan điểm này.

Các chính quyền Hoa Kỳ gần đây đã tiếp cận vấn đề Đài Loan như thế nào?

Dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ vẫn thắt chặt tình bạn với Đài Loan mặc kệ Trung Quốc có phản đối thế nào, ví dụ như việc bán vũ khí trị giá hơn 18 tỷ đô cho quân đội và khánh thành một khu phức hợp trị giá 250 triệu đô la thuộc đại sứ quán Mỹ ở Đài Bắc. Trump thậm chí còn nói chuyện điện thoại cùng Thái Anh Văn trước lễ nhậm chức, vốn là mức độ liên lạc mật thiết nhất của hai bên kể từ 1979. Ông cũng cử một số quan chức chính quyền cấp cao, bao gồm cả một thành viên nội các, đến Đài Bắc, và trong những ngày cuối cùng ông tại chức, Bộ Ngoại giao đã gỡ bỏ các hạn chế lâu nay quy định địa điểm và cách thức các quan chức Hoa Kỳ có thể gặp gỡ những vị đồng cấp người Đài Loan.

Chính quyền Biden cũng làm tương tự, vẫn bán vũ khí và tiếp bước Trump trong việc cho phép các quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ tự do hơn với các quan chức Đài Loan. Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên mời cả đại diện Đài Loan sang dự lễ nhậm chức tổng thống của mình. Sự tham gia của Mỹ vào việc huấn luyện quân sự cũng như các đối thoại với Đài Loan và việc thường xuyên cho tàu bè qua lại eo biển Đài Loan là để chứng tỏ sự hiện diện về quân sự của mình trong khu vực, đồng thời khuyến khích hòn đảo này tăng chi tiêu quốc phòng.

Ngoài ra, Đài Loan đã nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng của Quốc hội trong những năm qua, với việc các nhà lập pháp đề xuất và thông qua luật để thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ-Đài Loan, củng cố khả năng phòng thủ của hòn đảo và khuyến khích nước này tham gia vào các tổ chức quốc tế. Luật mới nhất được đề xuất, đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022, chỉ định Đài Loan là một đồng minh chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vào tháng 8 năm 2022, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (D-CA) đã đến công du Đài Bắc. Bà người đại diện chính quyền đầu tiên, kể từ Newt Gingrich (R-GA) vào năm 1997, đến thăm Đài và gặp gỡ tổng thống Thái Anh Văn. Bắc Kinh lên án mạnh mẽ lần thăm này và đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự có kế hoạch quanh hòn đảo và ban lệnh cấm nhập khẩu một số trái cây và cá từ Đài Loan, cùng nhiều hành động khác.

Liệu chiến tranh có nổ ra ở Đài Loan?

Mối quan tâm hàng đầu của các nhà phân tích Mỹ là năng lực quân sự cùng quyết tâm của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và quan hệ hai bờ eo biển ngày càng xấu có thể gây ra mâu thuẫn. Điều này có thể dẫn đến cuộc đụng độ Mỹ-Trung. Đấy là vì Trung Quốc chưa hề muốn bỏ qua phương án dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan và Mỹ cũng không ngần ngại đưa quân bảo vệ nếu Trung Quốc đánh tới hòn đảo này. Trong một báo cáo năm 2021, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết rằng quân đội Trung Quốc hay còn gọi là Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), “có vẻ đang chuẩn bị cho một tình huống bất ngờ để thống nhất Đài Loan với CHND Trung Hoa bằng vũ lực, đồng thời răn đe, trì hoãn hoặc từ chối bất kỳ sự can thiệp của bên thứ ba nào, chẳng hạn như Hoa Kỳ. ”

Tuy nhiên, các chuyên gia không có cùng ý kiến về khả năng và thời gian xảy ra một cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Chỉ huy quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đã cảnh báo vào năm 2021 rằng Trung Quốc có thể cố gắng chiếm lấy Đài Loan trong vòng một thập kỷ tới, trong khi một số chuyên gia cho là còn xa lắm. Những người khác tin rằng năm 2049 là một thời điểm quan trọng; Ông Tập đã nhấn mạnh rằng việc thống nhất Đài Loan là điều cần thiết để đạt tới cái mà ông gọi là Giấc mơ Trung Hoa khi vị thế cường quốc của Trung Quốc được khôi phục vào năm 2049.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào đầu năm 2022 đã khơi lại cuộc tranh luận này, với một số nhà phân tích, các động thái của Moscow có thể khuyến khích Bắc Kinh xâm lược Đài Loan, những người khác lại nói rằng Bắc Kinh có thể trở nên thận trọng hơn sau khi chứng kiến những thách thức Nga phải đối diện. Ông Sacks từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) viết rằng các hành động của Nga sẽ không ảnh hưởng đến việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực, nhưng “các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ xem xét những thất bại của Nga và điều chỉnh các kế hoạch hoạt động của họ để tránh mắc phải những sai lầm tương tự”.

Bất chấp điều đó, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã coi việc chuẩn bị cho trường hợp bất ngờ ở Đài Loan là một trong những ưu tiên hàng đầu và Đài Loan là chất xúc tác chính cho quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019, Quân đội Giải phóng Nhân dân cho biết họ sẽ “kiên quyết đánh bại bất kỳ ai cố gắng tách Đài Loan khỏi Trung Quốc”.

Các nhà phân tích nói rằng Đài Loan dường như không có khả năng phòng thủ trước cuộc tấn công của Trung Quốc nếu bỏ qua sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mặc dù Thái Anh Văn và DPP đã ưu tiên tăng chi tiêu quốc phòng với ngân sách kỷ lục gần 17 tỷ đô la cho năm 2022, số tiền Trung Quốc bỏ ra vẫn được ước tính gấp khoảng 20 lần so với Đài Loan. Vào năm 2022, các nhà lập pháp Đài Loan đã thông qua kế hoạch của chính phủ Thái Anh Văn để chi thêm 8,6 tỷ đô la cho quốc phòng trong 5 năm tới. Một phần của ngân sách quân sự mở rộng này sẽ dành cho việc mua tên lửa hành trình, thủy lôi và hệ thống giám sát tiên tiến để bảo vệ bờ biển Đài Loan.

Trung Quốc đã cố gắng đe dọa Đài Loan như thế nào?

Trung Quốc đã tung ra nhiều chiến thuật cưỡng chế khác nhau trong trường hợp xung đột vũ trang, thậm chí còn tăng thêm nhiều biện pháp kể từ cuộc bầu cử của Thái Anh Văn năm 2016. Mục tiêu của họ là làm Đài Loan suy yếu và khiến người dân chấp nhận rằng thống nhất với đại lục là con đường họ buộc phải đi. Vì vậy, Trung Quốc đã tăng tần suất và quy mô các cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay giám sát của Quân đội Giải phóng Nhân dân xung quanh hòn đảo. Chẳng những thế, tàu chiến và tàu sân bay của Trung Quốc cũng lượn lờ qua lại eo biển Đài Loan để phô trương thanh thế.

Đài Loan đã báo cáo rằng có hàng nghìn cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc nhắm vào các cơ quan chính phủ của họ mỗi ngày. Những cuộc tấn công này đã tăng vọt trong những năm gần đây. Năm 2020, Đài Bắc cáo buộc bốn nhóm người Trung Quốc đã hack vào ít nhất 10 cơ quan chính phủ Đài Loan và 6000 tài khoản email chính thức kể từ năm 2018 để truy cập dữ liệu chính phủ và thông tin cá nhân.

Bắc Kinh cũng đã sử dụng các biện pháp phi quân sự để gây sức ép lên Đài Loan. Năm 2016, Trung Quốc đình chỉ cơ chế liên lạc xuyên eo biển với văn phòng liên lạc chính của Đài Loan. Ngoài ra, nó còn hạn chế dân nước mình du lịch Đài Loan, khiến số lượng du khách đại lục giảm từ mức hơn 4 triệu vào năm 2015 xuống còn 2,7 triệu vào năm 2019. Trung Quốc cũng gây áp lực buộc các tập đoàn toàn cầu, bao gồm các hãng hàng không và chuỗi khách sạn, phải ghi thông tin về Đài Loan như là một tỉnh của Trung Quốc. Ngoài ra, nó cũng đe dọa các quốc gia có quan hệ với Đài Loan: vào năm 2021, Trung Quốc cắt đứt thương mại với Litva vì đã mở văn phòng đại diện của Đài Loan tại thủ đô nước này.

Trung Quốc đang hủy hoại nền dân chủ của Đài Loan?

Ngoài những chiêu trò kể trên, Trung Quốc còn can thiệp vào các cuộc bầu cử của Đài Loan. Các mánh khóe có thể kể là tung tin giả trên mạng xã hội và thâu tóm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông Đài Loan. Ví dụ trong cuộc bầu cử 2020, Trung Quốc đã tung tin đồn thất thiệt để hạ bệ danh tiếng của Thái Anh Văn và tạo cơ hội cho ứng viên Quốc Dân đảng. Những hoạt động này nằm trong kế hoạch lớn của Trung Quốc nhằm làm xói mòn niềm tin của người dân đối với hệ thống chính trị Đài Loan, từ đó gây chia rẽ xã hội. Đáng tiếc, những chuyên gia nhận định sự thành công của đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), bao gồm cả sự tái đắc cử tổng thống của bà Thái năm 2020, là một cú vả vào kế hoạch của Bắc Kinh.

Nền dân chủ Đài vẫn còn non trẻ. Từ năm 1949 đến 1987, chính phủ Quốc Dân đảng thực thi chính sách thiết quân luật. Trong thời kỳ đó, các bất đồng về chính trị bị đàn áp dã man, còn người Đài Loan đã sinh sống trước năm 1945 phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Phải đến năm 1992, Đài Loan mới tổ chức cuộc bầu cử lập pháp tự do đầu tiên và cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên vào năm 1996. Kể từ đó, những lần chuyển giao quyền lực giữa các đảng đã diễn ra trong hòa bình.

Bất chấp những lời đe dọa của Trung Quốc, Đài Loan cho đến nay có vẻ vẫn đi ngược lại xu hướng bài dân chủ, làn sóng đang ảnh hưởng đến các nền dân chủ khác trên toàn thế giới. Năm 2020, Bảng Xếp Hạng Chỉ Số Dân Chủ được thực hiện bởi Economist lần đầu tiên đánh giá Đài Loan là “nền dân chủ toàn diện”. Năm 2021, Đài Loan được xếp hạng là quốc gia dân chủ cao thứ 8 trên thế giới. Con số này cao hơn các nước láng giềng châu Á (Hàn Quốc đứng thứ 16 và Nhật Bản đứng thứ 17) và Hoa Kỳ đứng thứ 26. Các cuộc bầu cử gần đây đã đạt được tỷ lệ cử tri đi bầu cao.

Người dân Đài Loan có ủng hộ độc lập?

Hầu hết mọi người ở Đài Loan đều ủng hộ việc duy trì hiện trạng. Một số ít ủng hộ sự độc lập càng sớm càng tốt, theo các cuộc thăm dò dư luận do Đại học Quốc lập Chính trị (NCCU) thực hiện. Thậm chí có rất ít người ủng hộ việc thống nhất Đài Loan với Trung Quốc. Đa số bác bỏ mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, nhất là khi chứng kiến Bắc Kinh phá hoại nền tự do của Hồng Kông.

Ngày càng nhiều người Đài Loan cảm thấy gắn kết với hòn đảo này hơn là đại lục. Trên 62% người dân tự cho mình chỉ là người Đài Loan vào năm 2021, theo khảo sát của Đại học Quốc lập Chính trị, so với 32% người xem mình vừa là người Đài Loan vừa là người Trung Quốc, giảm 40% so với thập kỷ trước. Chỉ 3% người cho rằng mình chỉ là người Trung Quốc, con số này vốn giảm dần từ 1994, khi đó là 26%.

Tình hình kinh tế Đài Loan như thế nào?

Kinh tế Đài Loan vẫn phụ thuộc vào giao thương với Trung Quốc, vốn là đối tác kinh doanh lớn nhất của mình. Tuy nhiên, mối quan hệ này những năm gần đây không còn được tốt đẹp nữa, một phần là do Bắc Kinh gây áp lực và giới chức Đài cũng ngày càng quan ngại sự phụ thuộc thương mại quá mức này.

Dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu từ 2008 đến 2016, Đài Loan ký hơn 20 hiệp định với CHND Trung Hoa, bao gồm Thỏa thuận khung hợp tác kinh tế xuyên eo biển năm 2010, trong đó đồng ý dỡ bỏ các rào cản đối thương mại. Trung Quốc và Đài Loan đã nối lại các liên kết trực tiếp bằng đường biển, đường hàng không và thư tín đã bị cấm trong nhiều thập kỷ. Hai bên cũng cho phép các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác hoạt động trên cả hai thị trường.

Đảng Dân chủ Tiến bộ và bà Thái lại làm ngược lại bằng cách đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại của Đài Loan, dẫn đến nhiều hệ quả phức tạp. Bà Thái đạt được vài thành công trong việc thúc đẩy giao thương với Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương qua chiến lược đặc trưng, gọi là chính sách Tân Hướng Nam. Thương mại giữa Đài và 18 quốc gia mục tiêu tăng hơn 50 triệu đô la từ 2016 đến 2021 khi chiến lược được triển khai. Lượng đầu tư từ Đài Loan vào các quốc gia này cũng tăng rõ rệt. Năm 2019, bà Thái công bố kế hoạch 3 năm nhằm khuyến khích các nhà sản xuất Đài Loan từ đại lục quay về cố hương.

Dù vậy nhưng năm 2021, giá trị Đài Loan xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chạm mốc cao kỷ lục. Bắc Kinh tiếp tục gây áp lực cho các quốc gia không được ký kết hiệp ước thương mại tự do với Đài Loan. Có một nhóm nước vẫn ký nhưng trong đó chỉ có hai nền kinh tế phát triển là New Zealand và Singapore. Bắc Kinh cũng thúc đẩy việc loại Đài Loan khỏi các khối thương mại đa phương, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). (Trung Quốc được đưa vào RCEP nhưng không có trong CPTPP.) Đài Loan cũng không nằm trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền tổng thống Biden.

Căng thẳng xuyên eo biển có gây hại đến các nhà sản xuất chip bán dẫn quan trọng của Đài Loan?

Đài Loan là nhà sản xuất chip bán dẫn theo hợp đồng hàng đầu thế giới, ngành công nghiệp này vẫn bùng nổ bất chấp căng thẳng xuyên eo biển. Những con chip từ Đài được tìm thấy trong hầu hết các thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, xe cộ và thậm chí cả các hệ thống vũ khí dùng trí tuệ nhân tạo. Các công ty Đài Loan chiếm hơn 60% doanh thu từ hợp đồng bán dẫn toàn cầu năm 2020.

Chủ yếu trong đó là từ Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cũng là nhà cung cấp hàng đầu của Apple và các công ty khác ở Mỹ. Đây là một trong hai công ty duy nhất trên thế giới (đơn vị còn lại là Samsung có trụ sở tại Hàn Quốc) sở hữu bí quyết công nghệ để tạo ra những con chip nhỏ nhất, tiên tiến nhất và đang sản xuất hơn 90% trong số đó.

Một số chuyên gia cho rằng sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các công ty chip Đài Loan làm tăng thêm động lực bảo vệ hòn đảo trước sự tấn công của Trung Quốc. Nhận thức được mức độ phụ thuộc của Hoa Kỳ, ông Biden đã thúc đẩy ngành công nghiệp chip ở nước mình, cụ thể là năm 2022, Quốc hội đã thông qua một dự luật trị giá 280 tỷ đô la. Trung Quốc cũng chịu tình trạng tương tự, mặc dù không phụ thuộc nhiều như Mỹ. Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp chip của mình, đặc biệt là khi Washington tác động TSMC để ngừng bán cho các công ty Trung Quốc, trong đó có cả Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc mà Washington nghi ngờ đã bị Bắc Kinh sử dụng để thực hiện hoạt động gián điệp.

Lindsay Maizland

Nguồn: Why China-Taiwan Relations Are So Tense | Council on Foreign Relations (cfr.org)

Yến Nhi dịch

Tài liệu tham khảo:

>>Đọc thêm:

Vấn đề với Zero COVID: Cách chính sách của Tập Cận Bình gây nên khủng hoảng cho chế độ – Book Hunter

Làm thế nào Đài Loan đạt được một trong những tỉ lệ tái chế cao nhất thế giới – Book Hunter

Sự chiến thắng của đô thị hiện đại

Vào năm 2007, lần đầu tiên trong lịch sử, sự đô thị hóa, quy mô và dân số thành thị trên thế giới đã tăng vượt trội so với nông thôn. Theo điều tra và ước lượng của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thì vào năm 2030, dân số thành thị sẽ chiếm tới hơn 60% tổng dân số trên thế giới. Số liệu đó là kết quả của các đường lối, sự thi hành các chính sách kinh tế thông minh và mang
le-nam

Lê Nam

10/10/2017

Chia sẻ là độc ác – theo giáo trình mà các tập đoàn soạn cho trẻ em Mỹ

Ảnh bìa: em sẽ không tải bộ phim này trái phép nữa. Giờ đây các đứa trẻ sẽ phải nhớ: Gian lận trong làm bài tập về nhà hoặc chép bài của một bạn khác là xấu, nhưng không xấu bằng việc chia sẻ đoạn nhạc với bạn, hoặc các hành động khác động chạm tới lợi nhuận của các công ty sản xuất nội dung. Trên đây là một trong những thông điệp của giáo trình mới được phát triển bởi hiệp hội phim

Ứng biến có định hướng – Cách Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo và trỗi dậy

Trong cuốn sách “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào”, Yuen Yuen Ang đã đi sâu vào chi tiết về sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, thách thức những quan niệm thông thường bằng cách chỉ ra sự phát triển của nước này là một “quá trình đồng tiến hóa” giữa thị trường và thể chế. Duncan Green đã thôi thúc độc giả đắm mình trong cuốn sách được nghiên cứu kỹ càng này với những hiểu biết và phát hiện

Nguyen Water

06/11/2023

Chat với Yuen Yuen Ang về “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” và tính thực tiễn trong nghiên cứu

Vào ngày 4/4/2023 vừa qua, Book Hunter đã tổ chức cuộc trao đổi giữa các thành viên nhóm dịch, các độc giả với Yuen Yuen Ang - tác giả cuốn “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” (How China Escaped the Poverty)  thông qua hình thức “chat” tại nhóm trao đổi riêng. “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” được xuất bản lần đầu năm 2016 và được Foreign Affairs đánh giá là “Cuốn sách hay nhất năm 2017”, giành Giải

Book Hunter

18/04/2023

Giới thiệu cơ sở dữ liệu khảo sát giá trị toàn cầu

Bài viết này giới thiệu về cơ sở dữ liệu của cuộc khảo sát giá trị toàn cầu, nhằm giúp các nhà nghiên cứu và sinh viên hiểu tổng quan về cuộc nghiên cứu và một số cách sử dụng dữ liệu. Đôi nét về cuộc khảo sát giá trị toàn cầu: Cuộc khảo sát giá trị toàn cầu (World Value Survey, viết tắt: WVS) là một dự án nghiên cứu khám phá giá trị, niềm tin, góc nhìn, quan điểm của con người và