Home Đọc Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (8): Nicholas St North – Các vị thánh đều mang tội lỗi, và kẻ tội đồ cũng có tương lai

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (8): Nicholas St North – Các vị thánh đều mang tội lỗi, và kẻ tội đồ cũng có tương lai

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter

Nicholas St North xuất hiện trong “Những vệ thần của tuổi thơ” với một sắc thái rất khác so với những hình ảnh ta đã biết trong huyền thoại về Ông già Noel. North không phải vị thánh Nicholas huyền nhiệm với các kỳ tích cứu rỗi bằng sức mạnh thần thánh, cũng không phải ông già bụng phệ vui vẻ. Nicholas St North ban sơ là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trong thế giới du mục man rợ của những tên cướp, một Vua Tướng Cướp còn dữ dằn và xảo trá hơn bất cứ kẻ cướp nào, một kẻ tham lam kho báu điên cuồng bất chấp hiểm nguy, đó thực sự là một tội đồ. Câu chuyện trở thành vệ thần của Nicholas St North luôn khiến tôi nghĩ đến câu nói “Các vị thánh đều mang tội lỗi, và kẻ tội đồ cũng có tương lai” của thánh Augustine, và có lẽ khi William Joyce xây dựng Nicholas St North, ông ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi ý niệm này – một ý niệm vỗ về tâm hồn của những người lớn lầm lạc.

Mặc dù xây dựng nhân vật với những tình tiết xa lạ với huyền thoại phổ thông, nhưng Nicholas St North của William Joyce vẫn thấp thoáng hình bóng của Ông già Noel và thánh Nicholas. Dấu vết của sự kết hợp này nằm ngay ở tên nhân vật: Nicholas (tức thánh Nicholas) – St (viết tắt của Saint, tức thánh) – North (tức vùng đất Bắc Cực nơi tương truyền là chỗ ở của Ông già Noel). Bối cảnh xuất hiện của Nicholas St North gợi cho tâm trí ta liên hệ đến dải văn hóa kéo dài từ Đông Âu tới Trung Đông, với những toán cướp du mục, những ngôi làng huyền bí sù sì gốc cổ thụ, lưỡi kiếm cong cong của người Ả Rập, và những cuộc truy tìm kho báu thấp thoáng trong cổ tích “Ngàn lẻ một đêm”. Bầu không khí trong tập tiểu thuyết đầu tiên “Nicholas St North và trận chiến với Vua Ác Mộng” chính là thể hiện cho những va chạm văn hóa của văn hóa bản địa Đông Âu: ngôi làng Santoff Claussen mang dáng dấp của cổ tích Celtic và Slavic, sắc màu Thiên Chúa giáo đặc thù kết hợp của Chính Thống giáo và Islam qua câu chuyện về Kỷ Nguyên Vàng , lối sống lang bạt của những người du mục…

Thánh Nicholas (270 – 343) trong lịch sử  là một giám mục Kito giáo Hy Lạp ở vùng Lycia (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Các sự tích về ông đều thể hiện ông là người hào phóng và luôn giúp đỡ người nghèo. Ngay khi bố mẹ ông qua đời, ông đã phân phát toàn bộ tài sản của mình cho những người khốn cùng, Ông sẵn sàng tặng của hồi môn cho ba cô gái nghèo để giúp họ không thành gái mại dâm nhưng vẫn không muốn sự trợ giúp này quá lộ liễu (sợ họ xấu hổ khi nhận từ thiện), ông bí mật ném những túi tiền vàng vào nhà họ vào ban đêm. Người dân nghèo chỉ phát hiện ra ông khi ông làm việc tốt quá thường xuyên tới mức không thể che giấu thêm nữa. Ngoài ra, ông còn cứu ba người đàn ông vô tội sắp sửa bị hành quyết. Thời đại của ông sống có lẽ là một thời đại đen tối, và đây cũng chính là thời kỳ mà bộ truyện vệ thần nhắc đến như Thời đại Bóng Tối. Trong những chuyến du hành của mình, thánh Nicholas bắt gặp một đồ tể chuyên bắt trẻ con để ăn thịt, hắn đã lừa ba đứa trẻ đến nhà, làm thịt chúng. Ông đã hồi sinh ba đứa trẻ. Sự tích này đã đi vào tiềm thức của dân gian sâu đậm tới mức thánh Nicholas trở thành vị thánh bảo hộ trẻ em. Ở một sự tích khác, thánh Nicholas đã cứu trợ cho những người thủy thủ, bày cho họ cách “tham nhũng” lúa mì của hoàng đế ở Constantinople để vượt qua nạn đói, nhờ vậy, họ cũng tôn sùng ông  và đồng nhất ông với vị thần biển cả Poseidon với râu tóc bạc phơ lòa xòa như sóng biển (những hình ảnh của ông già Noel), phong tặng ông danh hiệu “Chúa tể của biển cả”. Thánh Nicholas gắn bó với mạch nguồn Kito giáo ở  Địa Trung Hải hơn so với Tây Âu, và từ đó lan truyền lên phía Bắc. Được tôn sùng bởi chính người người nghèo, hình ảnh thánh Nicholas dần lan rộng tại Châu Âu, bởi một lẽ tất nhiên, đó là đa phần người dân đều là người nghèo. Sự ảnh hưởng của thánh Nicholas càng rộng khắp và có dấu ấn mạnh mẽ, đặc biệt với trẻ con, nghịch lý thay, lại chính nhờ vào động cơ dẹp bỏ sự tôn vinh cách thánh của chính phong trào Kháng Cách: Martin Luther nỗ lực thực hiện các chiến lược tuyên truyền thay đổi phong tục thánh Nicholas tặng quà cho người nghèo và trẻ nhỏ bằng hình ảnh chúa Jesus mang quà cho các em bé, tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục tôn thờ ông. Trước khi chiến dịch tuyên truyền này của Luther được thực hiện, ngày tặng quà của thánh Nicholas và các lễ tôn vinh ông diễn ra vào ngày 6 tháng 12, nhưng sau đó, do nỗ lực thay đổi hình tượng bất thành của phong trào Kháng Cách, ngày thánh Nicholas cũng bị đồng nhất với Lễ Giáng Sinh mà ta biết ngày nay và trở thành Father Christmas, tức Ông già Giáng Sinh hay Ông Già Noel (chữ Noel trong tiếng Latin có nghĩa là Chào Đời).

Tranh vẽ thánh Nicholas của Jaroslav Čermák (1831 – 1878)

Ngôi làng Santoff Claussen có lẽ là một cách nghịch chữ của William Joyce và những đứa con của ông. Tên ngôi làng chắc chắn là cách biến âm của từ Sinterklaas, tiếng Hà Lan của Santa Claus. Chữ Claus là cách viết tắt của từ Nicholas, và thật thú vị khi cái tên này có nghĩa là “Sự chiến thắng của người dân”. Nếu toàn bộ cuộc đời của thánh Nicholas là dành để cứu giúp người dân nghèo, thì ngôi làng Santoff Claussen cũng chính là nơi trú ngụ của những người vô gia cư và lũ trẻ mồ côi. Ngôi làng này như thể một thế giới lý tưởng bị bủa vây bởi đen tối. Ngôi làng chính là lý tưởng chính trị của Joyce, nơi những người dân tứ cố vô thân tìm được nơi nương tựa, được học hành, được tiếp cận với tri thức cổ xưa ở thư viện cổ khổng lồ, được chăm lo bởi những tài năng ưu tú nhất dưới sự sắp đặt của phù thủy Ombric. Đó cũng là nơi một người hoàn toàn bất hảo, xảo quyệt, tham lam kho kháu vô tận như anh chàng Nicholas Vua Tướng Cướp không những hoàn lương mà còn khám phá chính mình, để trở thành thiên tài sáng chế, học trò xuất sắc nhất của phù thủy Ombric.

Một trang truyện về cuộc đời tướng cướp của Nicholas St North

Trong toàn bộ câu chuyện Những vệ thần của tuổi thơ, Nicholas St North trải qua hai lần lột xác mạnh mẽ. Lần đầu, đó là trong tập truyện về chính anh: “Nicholas St North và cuộc chiến với Vua Ác Mộng”. Anh đã được cảm hóa bởi sự chăm lo của Ombric, sự kỳ diệu của tri thức cổ xưa, và sự ngây thơ hồn nhiên của những đứa trẻ trong làng Santoff Claussen. Anh đã đón nhận những tia mặt trăng và trở thành vị vệ thần người Trái Đất đầu tiên, sát cánh cùng phù thủy Ombric, các Lạt Ma Mặt Trăng trên đỉnh Himalaya, cùng những người bạn nhỏ để ngăn chặn bóng tối trỗi dậy và đang len lỏi tấn công chốn trú ẩn lý tưởng. Không giống như Ombric già nua, North luôn thấy rằng việc đóng kín sự diệu kỳ trong ngôi làng Santoff Claussen chẳng khác nào như ánh sáng le lói trong bóng tối, bóng tối không ngừng tấn công, và có lẽ đến một lúc nào đó, nó có thể bị nuốt chửng. Là một người lớn trải qua tội lỗi, North thấm thía sự len lỏi của những suy nghĩ xấu xa, hiểu rõ sự yếu đuối của con người. Và bởi thế, trong khi những người bạn vệ thần khác say sưa với cuộc truy lùng Vua Ác Mộng, North bắt đầu tính toán đến sự nhân rộng Santoff Claussen. Vâng, thế giới cần nhiều Santoff Claussen theo cách riêng và dựa trên những sức mạnh riêng của từng khu vực, giống như những mô hình tốt cần xuất hiện ở mọi nơi. Và thế là North đã bắt đầu cho ý tưởng này bằng cách phục hồi vùng đất huyền bí của chính các vệ thần như Thỏ Phục Sinh, Tiên Răng… và bằng cách trao tặng quà cho những đứa trẻ để gợi nhắc chúng về bao điều tốt đẹp trên thế gian. Đây cũng là lúc North rũ bỏ sự hiếu chiến của mình, thay đổi hình hài, mái tóc bạc đi, chiếc bụng phệ ra, gương mặt đôn hậu hơn. Anh chỉ còn giữ một dấu vết duy nhất của thời chiến binh, chính là thanh kiếm của Sa Hoàng Mặt Trăng, thanh kiếm của lòng dũng cảm và sự bảo hộ.

Sáng chế robot tinh linh đầu tiên của Nicholas St North

Nicholas St North được xây dựng với dáng dấp của một người lớn dày dặn kinh nghiệm, với những tính toán chỉn chu, tinh thần kiến tạo không ngừng nghỉ, vâng, một vị lãnh đạo đích thực. North không phải là một lãnh đạo tinh thần như Người Cung Trăng, mà là một lãnh đạo thực thi. Anh không phải là người tạo ra giấc mơ như Thần Mộng Mơ, anh là một người biến mọi giấc mơ thành hiện thực. Anh không phải là người bảo vệ bằng sức mạnh phép thuật như Jack Frost, anh bảo vệ bằng thanh kiếm của lòng dũng cảm và trí não sáng chế của mình. Nếu quyền năng của Ombric là truy tìm trong quá khứ thì quyền năng của North là viễn kiến tương lai. North cạnh tranh với Pitch Black không phải bằng sức mạnh tin thần hay phép thuật siêu nhiên, mà bằng chính năng lực sáng chế, kiến tạo và mở rộng không ngừng. North chính là một người Trái Đất đích thực, một người bình thường ở giữa các thái cực: tri thức cổ xưa và sáng tạo điều mới; khoa học và phép màu, tội lỗi và dũng cảm, sự đóng góp thầm lặng và sự hiển lộ kỳ diệu, một chiến binh và một người mang đến hòa bình… Và bởi thế, Nicholas St North thoát khỏi lối mòn của mọi câu chuyện khác về Ông già Noel để tạo ra một sử thi mới về Santa Claus – vị lãnh đạo vĩ đại của những thường dân.

Hà Thủy Nguyên

 

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ của William Joyce (5): Thần Mộng Mơ (Sandman) – Chiến thắng cái ác là chiến thắng ác niệm của chính mình

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Cùng với Người Cung Trăng và Jack Frost, Thần Mộng Mơ - Sandman là những gì đẹp đẽ còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng. Nếu thế giới của Người Cung Trăng tràn ngập sắc màu rực rỡ, của Jack Frost xanh một màu băng tuyết, thì Thần Mộng Mơ lấp lánh ánh vàng rực rỡ, và nếu xét về tính

Cảm thức tâm linh trong Những vệ thần của tuổi thơ của William Joyce (7): Nữ Hoàng Tiên Răng – Sức mạnh của Ký Ức

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Trong rất nhiều pháp tu hướng tới sự giải thoát, Ký Ức là một gánh nặng, bởi Ký Ức mang theo những duyên nghiệp trói buộc người tu với thế gian. Nhiều người tu đã chọn cách lãng quên Ký Ức, mà bản chất là sự chối bỏ toàn bộ những dấu vết của quá khứ trong tâm trí mình, để

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần của tuổi thơ của William Joyce (3): Kỷ ức về Kỷ Nguyên Vàng và ánh sáng của Người Cung Trăng

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Mặt Trăng đóng vai trò rất quan trọng trong tâm thức của William Joyce. Công ty sáng tạo của ông được đặt tên là Moonbot Studio, và thế giới đẹp đẽ nhất mà ông tạo ra cũng tràn ngập biểu tượng của mặt trăng. Thậm chí, trong cuốn truyện khác của mình - "Người Lá & những chú bọ dũng cảm

BIỂU TƯỢNG KỲ LÂN TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA PHƯƠNG TÂY (P.1)

Bài viết có chứa một số nội dung phù hợp với lứa tuổi 16+. ---- Kỳ lân là biểu tượng chính trong "Skandar và kẻ trộm kỳ lân" của cô A. F. Steadman. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên sinh vật huyền thoại này xuất hiện trong văn học. Chúng mình xin giới thiệu đến các bạn một bài viết thú vị về kỳ lân của tác giả Teresa Noelle Roberts đăng trên tạp chí Mythlore (1982, vol. 8 ). Thông qua bài

William Joyce và ảnh hưởng của ông trong đời sống tinh thần của trẻ thơ trong thế kỷ 21

Ngày nhỏ, khi được bao bọc trong tâm thức hồn nhiên và sống động của tuổi thơ, tôi đã hỏi mẹ tôi một câu hỏi – câu hỏi mà tôi cho rằng đó là một trong những điều thật sự quan trọng trong đời: “Có thần tiên không hở mẹ?” Và mẹ tôi đáp: “Có”. Từ đó tôi vẫn luôn tin rằng, sự kì diệu là tràn đầy khắp mọi nơi, ẩn sau mỗi rặng cây, bông hoa, hạt mưa rơi, mỗi buổi sớm mai