Home Chuyên đề tháng Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ của William Joyce (5): Thần Mộng Mơ (Sandman) – Chiến thắng cái ác là chiến thắng ác niệm của chính mình

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ của William Joyce (5): Thần Mộng Mơ (Sandman) – Chiến thắng cái ác là chiến thắng ác niệm của chính mình

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter

Cùng với Người Cung Trăng và Jack Frost, Thần Mộng Mơ – Sandman là những gì đẹp đẽ còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng. Nếu thế giới của Người Cung Trăng tràn ngập sắc màu rực rỡ, của Jack Frost xanh một màu băng tuyết, thì Thần Mộng Mơ lấp lánh ánh vàng rực rỡ, và nếu xét về tính biểu tượng, Thần Mộng Mơ mang tính đại diện cho Kỷ Nguyên Vàng một cách ấn tượng hơn so với Người Cung Trăng. Thần Mộng Mơ vốn là Phi đoàn trưởng của Phi đoàn Tinh Tú, một Người Khiển Sao vĩ đại, người anh hùng chiến đấu đến giây phút cuối cùng với Pitch Vua Ác Mộng. Khi Thần Mộng Mơ và ngôi sao vĩ đại của chàng rơi xuống Trái Đất, Người Cung Trăng đã dùng ước nguyện của mình để giữ an toàn cho Thần Mộng Mơ, để rồi đến thời điểm thích hợp, đánh thức Thần Mộng Mơ khỏi giấc ngủ miên viễn, để trở thành vị vệ thần bảo vệ những giấc mơ tươi sáng.

Trong những câu chuyện dân gian Việt Nam, người lớn ở nước ta thường dọa trẻ con đủ thứ, nào thì Ngáo Ộp, Ông Kẹ, Ba Bị, Mẹ Mìn… Những loài ma quỷ ấy, dù ác ôn hay vô tội, thì cũng bị biến thành một thứ gì đó đáng sợ trong tâm trí trẻ thơ giữa đêm đen tối trước khi đi ngủ. Những bóng hình của nỗi sợ ấy sẽ đeo đuổi đứa trẻ vào bên trong giấc mơ, khiến chúng buộc phải tự triệt bỏ những mong muốn của mình để tuân thủ yêu cầu của người lớn (bao gồm cả những yêu cầu tốt và xấu). Trong tâm thức dân gian của người Việt không có một vị thần bảo hộ cho giấc ngủ, cho những giấc mơ và ước vọng đẹp đẽ, có lẽ vì thế, một nhân vật như Sandman – Thần Mộng Mơ có gì đó xa lạ với độc giả Việt, không gần gũi như Người Cung Trăng hay Thỏ Phục Sinh (nghe có vẻ ngộ nghĩnh).

Thần Mộng Mơ trong bộ sách tranh Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ.

Nguyên mẫu Sandman – Thần Mộng Mơ trong văn học dân gian

Trong niềm tin dân gian thuộc khu vực Scandinavi, Sandman xuất hiện khá phổ biến, nhưng những câu chuyện xoay quanh nhân vật này đều khá “kinh dị”. Họ thường cho rằng Sandman với nắm cát hắc ám sẽ tấn công con người, đưa con người chìm vào giấc ngủ và tước đoạt con mắt người lớn hoặc trẻ con và đem chúng lên mặt trăng. Chỉ đến khi Andersen sáng tạo lại các câu chuyện cổ tích, Sandman mới có một chân chung khác, và đích thực là Thần Mộng Mơ. Andersen viết trong truyện cổ của mình như sau:

“Chẳng ai trên thế giới biết nhiều câu chuyện như Ole-Luk-Oie, vị thần có thể kể lại chúng một cách cực kỳ độc đáo. Vào mỗi tối, khi lũ trẻ còn đang ngồi bên bàn ăn hay ở chiếc ghế nhỏ xinh, ngài bước lên cầu thang thật khẽ bởi chân đã mang bít tất, hé mở cửa mà chẳng một tiếng động nhỏ nào, ném chút bụi mịn bay vào mắt chúng, để để chúng không thể mở mắt ra và nhìn thấy ngài.  Sau đó, ngài luồn ra phía sau chúng, thổi nhẹ vào gáy, cho đến khi chúng ngủ rũ. Nhưng Ole-Luk-Oie không muốn làm tổn thương chúng, ngài yêu lũ trẻ mà chỉ muốn chúng im lặng để lắng nghe những câu chuyện hay, bởi chúng không thể giữ im lặng trừ phi đã ngủ say. Ngay khi chúng ngủ, Ole-Luk-Oie ngồi xuống giường. Ngài ăn vận rất đẹp, áo khoác bằng vải lụa, khó có thể khẳng định nó màu gì, vì nó đổi từ lục sang đỏ, và từ đỏ sang lam, mỗi khi ngài trở người. Dưới mỗi cánh tay, ngài mang một chiếc ô, một trong số đó chứa đựng hình ảnh, ngài giương ô lên che cho những đứa trẻ ngoan, và chúng mơ những câu chuyện đẹp nhất cả đêm. Còn chiếc ô kia không có hình ảnh, dùng để che cho những đứa trẻ ngõ nghịch khiến chúng ngủ say sưa và thức dậy vào lúc sáng sớm mà không có giấc mơ nào cả.”

Ole-Luk-Oie có nghĩa là “người đàn ông nhắm mắt” trong hệ ngữ của các tộc tại Scandinavi, cũng không rõ có xuất xứ như thế nào, nhưng Ole-Luk-Oie của Andersen chắc chắn là nguyên mẫu cho Thần Mộng Mơ – Sandman của William Joyce. Andersen cũng tạo ra một Ole-Luk-Oie – Sandman khác, với thái cực khác, đó là Thần Chết. Theo lời kể của Andersen Ole-Luk-Oie Thần Chết đưa con người vào cõi chết và kể một trong hai câu chuyện, hoặc tuyệt đẹp hoặc khủng khiếp chưa từng thấy. Ole-Luk-Oie Thần Chết được Andersen miêu tả như một kỵ mã giáp bạc khoác áo choàng nhung đen lộng lấy, phi nước đại giữa thế gian. Cặp đối lập Ngủ – Chết này là sự hòa trộn giữa niềm tin dân gian tại Scandinavi và thần thoại Hy Lạp vốn có ảnh hưởng lan rộng khắp Châu Âu.

Thần thoại Hy Lạp kể về cặp đôi titan song sinh Hipnos (Ngủ) và Thanatos (Chết), những đứa con được sinh ra từ Nyx (Bóng đêm) và sống tại Âm phủ. Tương truyền, Hypnos sống trong một cái hang bắt nguồn từ con sông Lethe (tên vị nữ thần cai quản, đại diện cho sự lãng quên), nơi giao thoa giữa ngày và đêm. Hipnos vây quanh mình rất nhiều các loại cỏ an thần, do đó, trong ngôn ngữ Hy Lạp và Latin, Hipnos còn mang ý nghĩa là thôi miên. Nhân vật Morpheus trong bộ phim “Sandman” do Netflix sản xuất được xây dựng từ mình mẫu của vị thần Morpheus, con trai của Hipnos (tên trong thần thoại La Mã là Sommus), nhưng hình mẫu này không liên quan đến Sandman – Thần Mộng Mơ của William Joyce. Người anh em song sinh của Hipnos là Thanatos, vị Thần Chết đầy căm hận bất kể thần thánh hay loài người, luôn điên cuồng tìm cách thống trị mọi linh hồn. Có lẽ, Thanatos là một phần trong cách xây dựng nhân vật Pitch – Vua Ác Mộng của William Joyce. Thái cực còn lại của Pitch, hay nói cách khác là quá khứ của Pitch, chính là một vị tướng quân lẫy lừng và vĩ đại nhất của phi đoàn tinh tú với vẻ uy nghiêm lộng lẫy giống cách Andersen miêu tả Ole-Luk-Oie Thần Chết.

Thần Mộng Mơ Sandman trong bộ phim hoạt hình Sự Trỗi Dậy Của Các Vệ Thần (2012)

> Tìm hiểu toàn tập NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ của William Joyce:

3 cuốn sách tranh: Những vệ thần của tuổi thơ – combo 3 cuốn – Book Hunter Lyceum

5 cuốn tiểu thuyết: Bộ Tiểu Thuyết – Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ – Book Hunter Lyceum

Hạnh phúc nội tại và ước vọng hạnh phúc

Mặc dù Jack Frost là người đã kết thúc nỗi đau của Pitch Vua Ác Mộng ở cuối chuyện và Người Cung Trăng là khởi đầu của các vệ thần, nhưng cuộc chiến thực sự trong Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ lại chính là cuộc chiến của giấc mơ giữa Thần Mộng Mơ và Vua Ác Mộng. Pitch Vua Ác Mộng và Thần Mộng Mơ cùng chung xuất phát điểm, là những người hùng vĩ đại của phi đoàn tinh tú từ thuở Kỷ Nguyên Vàng, nhưng hai thái độ khác nhau đã đưa đẩy họ vào vị thế khác nhau. Pitch lạc mất người con gái Mary Jane, vì quá khổ đau mà biến chuyển thành thù hận, để những Kẻ Gieo Nỗi Sợ xâm nhiễm năng lượng bóng tối tới mức bóng tối chiếm đoạt. Chuyển từ Thiện sang Ác, Pitch lợi hại hơn bất cứ Kẻ Gieo Nỗi Sợ nào trước đó, và sử dụng toàn bộ tài năng cũng như sức mạnh của mình để thống trị bóng đêm. Thần Mộng Mơ được William Joyce xây dựng như một nhân vật không tì vết, không hề biết đến khổ đau, cô đơn hay lạc lõng, dù trải qua bao nhiêu cuộc chiến. Thần Mộng Mơ là biết nhiều hơn tất thảy các vệ thần, vì chàng trải qua quãng thời gian đằng đẵng, từ những cuộc chiến với ác mộng, gặp gỡ người con gái đã thất lạc của Pitch và cứu cô khỏi cơn giận cuồng điên, và bởi vì chàng có thể đi sâu vào giấc mơ của mỗi người để thực sự hiểu điều họ muốn.

Pitch Vua Ác Mộng và Thần Mộng Mơ là hai thái độ sống của những người kỳ vĩ phải gánh trọng trách chiến đấu chống lại bóng tối để bảo vệ an bình cho mọi người. Pitch chọn một cuộc sống hạnh phúc cá nhân với vợ và con gái bên cạnh đời sống của một người kỳ vĩ vốn dĩ phải đặt bản thân vào sứ mệnh tầm cỡ vũ trụ, lựa chọn này có lẽ đã mang đến cho ông sức mạnh để chiến đấu oanh liệt nhất, nhưng cũng là điểm yếu chí mạng. Những Kẻ Gieo Nỗi Sợ đã hủy hoại nguồn sáng ấm êm – giấc mơ đẹp về một gia đình hạnh phúc và yêu thương của ông, cũng từ đó mà hủy hoại ông. Thần Mộng Mơ chọn một cuộc sống phiêu lưu với ngôi sao của mình, du hành xuyên vũ trụ và tìm vui trong sứ mệnh ấy, không chút ràng buộc, một cuộc sống cống hiến vì những điều tốt đẹp:

“Ta từng là Phi trưởng Tinh Tú trong Kỷ Nguyên Vàng, ta sinh ra để dẫn đường cho các vì sao không chịu đứng yên. Các vì sao là một hiện tượng kỳ thú – ngoại trừ những trường hợp hi hữu nhất thì tất cả chúng đều đứng đúng chỗ. Bạn nhìn thấy chúng trên bầu trời đêm và sẽ luôn là vậy. Tuy nhiên, một số ít – một số ít quý giá – lại không đứng yên, bị thúc đẩy tiến lên và tiến lên bởi quá nhiều năng lượng hoặc sự hiếu kỳ hay thậm chí là cơn giận dữ… Các vì sao này là những vì sao mà chúng ta gọi là “sao băng”.

Với tư cách một phi công tinh tú, ta thuộc Liên đoàn các phi trưởng tinh tú, hội anh em hào hứng cống hiến để ban tặng các điều ước. Mỗi người chúng ta đều có một vì sao lang thang mà chúng ta chỉ huy. Trên đỉnh vì sao của chúng ta là buồng lái, một chốn bé xinh sáng sủa, gần giống chiếc giường tầng sang trọng. Chúng ta chu du đến bất cứ đâu chúng ta muốn, ngang qua các hành tinh một cách ngẫu nhiên và lắng nghe những điều ước gửi đến cho mình khi chúng ta đi qua. Nếu điều ước là xứng đáng, chúng ta vinh dự đáp lại nó. Chúng ta sẽ gửi một giấc mơ cho người nào tạo ra điều ước. Giấc mơ sẽ đi đến chỗ người đó khi họ ngủ, và trong giấc mơ này, sẽ có một câu chuyện. Nếu câu chuyện đủ mạnh, người ta sẽ nhớ về nó mãi mãi, và nó sẽ giúp chỉ dẫn cho họ trên hành trình biến giấc mơ thành hiện thực.”

Pitch đã gửi gắm hạnh phúc của mình vào một giấc mơ gắn kết với các đối tượng bên ngoài, còn Thần Mộng Mơ có hạnh phúc nội tại mà bằng chính trạng thái ấy, chàng đã xoa dịu nỗi đau và hóa giải sợ hãi. Nếu ta đeo đuổi hạnh phúc ngoại cảnh và cố gắng chiến đấu chống lại bóng tối, thì bóng tối đồng thời cũng nhen nhóm trong ta, bởi ánh sáng trong tâm thức ta đặt ở chỗ khác chứ không phải trong nội tâm mình. Ngược lại, bóng tối sẽ không thể xâm nhập vào những ai đặt ánh sáng hạnh phúc ngay trong chính mình. Để rồi sau tất cả biến loạn ấy, Pitch biến thành Vua Ác Mộng còn Thần Mộng Mơ thì chìm trong giấc mộng đẹp của chính mình để giữ trạng thái hoàn hảo ấy.

William Joyce đã tả Thần Mộng Mơ bằng những câu văn đẹp nhất và khắc họa chàng với nét vẽ đẹp nhất:

“Anh chàng có vẻ rất thân thiện; nụ cười của chàng ta rạng rỡ. Đó là nụ cười đến từ sự vững dạ tuyệt đối và đem đến cho tất cả những ai nhìn thấy một cảm giác vô cùng hạnh phúc. Không phải niềm vui, mà là thứ gì đó hơi giống sự yên bình trong giấc ngủ. Một loại cảm giác không-phải-lo-âu-điều-gì. Không ai trong số họ, kể cả các Vệ thần, có thể làm được gì hơn là nhìn chăm chú vào người đồng đội hòa nhã này. Và dù chàng ta không cất tiếng, nhưng họ cảm nhận được như thể nghe thấy anh ta nói một câu thì thầm duy nhất: Giờ là thời gian cho mộng mơ. Thế rồi, bằng một cái vẫy từ đôi tay nhỏ của anh chàng, bụi bắt đầu xoay tròn xung quanh họ. Nó không làm đau nhói, cũng chẳng rơi vào mắt ai. Nó có cảm giác giống như cảm giác nhột nhột của chiếc chăn đắp mềm mại. Sau đó, mọi người, ngay cả con Gấu, đều chìm vào giấc ngủ say thư thái.

Nhưng đây không phải giấc ngủ bình thường: Họ bắt đầu chia sẻ một trải nghiệm có vẻ giống như một giấc mơ, vì nó giống như mơ, nhưng mọi khoảnh khắc trong đó đều tuyệt vời, và bằng cách nào đó, họ biết nó hoàn toàn là thực. Họ cảm thấy mình đang được trao truyền lịch sử theo cách tốt nhất mà anh chàng bé nhỏ thân thiện này biết rõ.”

Ánh sáng nội tại luôn tỏa rạng nơi Thần Mộng Mơ, đó là lý do anh chàng là vệ thần phát sáng mạnh mẽ nhất, vị vệ thần có thể thay thế Người Cung Trăng thắp lên ánh sáng vào những đêm đen tối, khi mặt trăng không thể chiếu rạng trên Trái Đất. Ánh sáng ấy không chỉ chữa lành, mà còn soi rọi những vùng chưa biết. Trái với hình ảnh bóng đêm của giấc ngủ, giấc mơ mà Thần Mộng Mơ mang đến sống động đầy sắc màu lấp lánh để khải lộ các ký ức đã mất hoặc lãng quên. Ký ức ấy không bị bóp méo thành những khổ đau như cách Pitch gieo rắc ác mộng mà rõ ràng, đủ đầy, để từ đó người ta có thể hiểu rõ nguyên cớ đằng sau mọi sự việc đang diễn ra và đưa ra quyết định đúng đắn. Sự thấu rõ mọi điều chính là căn nguyên của sự dũng cảm đương đầu với bóng tối và lòng vị tha nâng đỡ những linh hồn tội lỗi. Thần Mộng Mơ bởi thế toàn thiện theo nguyên mẫu của đấng chân tu mà mơ ngủ là biểu tượng cho thiền định và cảm hóa ác tâm của mỗi người bằng ánh sáng chứng ngộ vô ngôn của chính mình.

Hà Thủy Nguyên

 

Biến chuyển nguyên mẫu Santa Claus hay St Nicholas trong dòng lịch sử: Từ niềm vui trao đi đến kích cầu thương mại

Santa Claus - hay còn được biết đến với tên gọi St. Nicholas hoặc Kris Kringle - có một lịch sử lâu đời gắn bó mật thiết với truyền thống Giáng sinh. Ngày nay, người ta thường nghĩ đến ông với hình ảnh một người đàn ông vui vẻ mặc đồ đỏ, mang đồ chơi đến cho những cô bé và cậu bé ngoan vào đêm Giáng sinh, nhưng câu chuyện của ông kéo dài từ thế kỷ thứ 3, khi St. Nicholas đặt chân

Cụt Đuôi

18/12/2022

‘VỊ VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ’ – WILLIAM JOYCE, nhà sáng tạo thiên tài của Sự trỗi dậy của các vệ thần, Toy Story, Epic…

“Vượt qua mọi rào cản về thời gian và không gian, là cách để nắm bắt trí tưởng tượng”. —Nicholas St. North - William Joyce. Những cuốn sách bay diệu kỳ của ông Morris Lessmore(The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore - William Joyce) Điều gì có thể được ẩn giấu phía dưới người đàn ông luôn khoác lên mình bộ phục trang bình dị, chỉ gồm chiếc quần jeans, áo sơ mi trắng không cổ, cùng bộ râu và ria mép luôn được

Văn chương kỳ ảo của trẻ em: Vì sao việc thoát ly hiện thực lại tốt cho trẻ nhỏ

Văn chương kỳ ảo (fantasy) là dòng văn chương có xu hướng phân cực độc giả. Theo logic thông thường thì các độc giả “nghiêm túc” sẽ thích văn hiện thực (realism) hơn, còn văn kỳ ảo lại đặc biệt hướng đến trẻ em hoặc những ai xem việc đọc như là một cách để thoát ly hiện thực. Còn theo nhiều người giả định thì văn kỳ ảo mang ít giá trị hơn là văn hiện thực – đó là lý do vì sao

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần của tuổi thơ của William Joyce (3): Kỷ ức về Kỷ Nguyên Vàng và ánh sáng của Người Cung Trăng

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Mặt Trăng đóng vai trò rất quan trọng trong tâm thức của William Joyce. Công ty sáng tạo của ông được đặt tên là Moonbot Studio, và thế giới đẹp đẽ nhất mà ông tạo ra cũng tràn ngập biểu tượng của mặt trăng. Thậm chí, trong cuốn truyện khác của mình - "Người Lá & những chú bọ dũng cảm

Biên niên sử Narnia – Bài học về sự trưởng thành

Nhiều bạn bè có hỏi tôi về những cuốn sách có thể cho con cái họ đọc. Tôi hỏi họ rằng họ muốn biến con cái họ sau này thành người như thế nào? Thế là họ im lặng. Ai cũng muốn điều tốt nhất cho con cái mình, nhưng điều tốt nhất ấy là gì, đó là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ, điều tốt nhất mà mỗi bố mẹ có thể mong muốn ở đứa con của mình, đó là sự trưởng thành.