Home Chuyên đề tháng Mâm cơm Nguyên Đán: Vạn sự một khởi đầu

Mâm cơm Nguyên Đán: Vạn sự một khởi đầu

Ngoài hiên uống trà đón Tết về

Năm nay Tết có gì?

Là câu hỏi mà mọi lứa tuổi, cứ hễ khi Tết cận kề lại nghĩ về. Trẻ em thì đợi xem Tết năm nay có gì vui, mong ngóng lộc lì xì, giờ lại thêm háo hứng được gia đình cho đi du xuân chứ không chỉ ở nhà như cái lệ xưa quen thuộc… Trẻ con là vậy, người già có khi còn trông mong Tết hơn vì chỉ trong dịp này con cháu mới sum vầy đầy đủ, quây quần bên ông bà thay vì chỉ loanh quanh, vội vã như các dịp khác trong năm. Với người trưởng thành thì sao, thời nay đã không còn nhiều áp lực mỗi khi Tết về như trước đây, nhưng họ vẫn cần tính toán xem mình sẽ chuẩn bị Tết ra sao, rồi để tâm nhiều hơn đến “xu hướng Tết” xung quanh như một “quán tính vào dịp cuối năm”.

Tết là sự kiện khởi đầu một năm mới. Vì vậy, mọi hoạt động diễn ra trong những ngày Tết còn hàm chứa những thông điệp mang tính dự báo năm, như coi trọng người xông nhà đầu năm, nếu hợp sẽ mang đến một năm nhiều may mắn cho gia chủ; tục kiêng quét nhà 3 ngày Tết, chỉ quét sau khi hóa vàng, không thì tổ tiên sẽ giận dỗi mà bỏ đi sớm, coi như mang đi hết lộc của năm… Trước đây, nghi lễ lấy lửa là hoạt động lấy may trong các gia đình vào đêm Giao Thừa nhưng hiện nay chỉ còn một vài địa phương giữ lại lễ nghi này, thay vào đó, người ta coi việc bếp núc trong ngày Tết cũng mang ý nghĩa mà ngọn lửa mang lại, mâm cơm được nấu nướng từ ngọn lửa đầu năm sẽ mang đến may mắn, ấm no, năm mới tốt lành cho gia đình, đặc biệt là những mâm cúng dâng lên tổ tiên: mâm cúng Giao Thừa, mâm cơm vào sáng mùng Một đón ông bà tổ tiên về ăn Tết, mâm cơm hóa vàng mùng Ba để tiễn ông bà tổ tiên về lại thế giới bên kia…

Theo thói quen, cứ mỗi dịp Tết về, tôi lại gợi nhắc cho mình những phong tục, văn hóa ngày Tết thông qua việc đọc lại các tài liệu đã có và các bài viết mới. Đa số các bài viết vẫn là viết lại những chủ đề truyền thống, chỉ thay đổi chút dựa trên hiện trạng đang diễn ra và bối cảnh mới đang đến. Mặc dù vậy, việc giữ thao tác này rất quan trọng để thấy được “động thái và xu thế” khác biệt giữa các năm, đồng thời cung cấp cho người đọc thông tin về những xu hướng mới. Tôi vẫn thường băn khoăn về “chủ đề truyền thống” bên cạnh “xu hướng mới” này, rằng ta đã hiểu vấn đề đến đâu, thông điệp mang đến cho ta là gì, có phải như cách mọi người vẫn thường nghĩ đến không… Thế rồi, có một sự tình cờ khi được tiếp cận tác phẩm Sinh lý học vị giác vừa xuất bản ngay thềm đầu năm mới:

“Hãy nói cho ta biết người ăn gì, ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi là ai”

 (Jean Anthelme Brillat-Savarin) 

Câu nói nổi tiếng “quen tai” của vị học giả lỗi lạc mà ta vẫn thường nghe, nay mới biết đến từ đâu, đã ngay lập tức dẫn tôi đến với chủ đề Tết và muốn viết gì đó. Cũng mất một thời gian suy nghĩ để lựa chọn, khi có quá nhiều chủ đề đã được viết “rất truyền thống” rồi, nên chăng ta dấn thân vào sâu bên trong chủ đề đó, tìm ngược lại thời điểm lúc “câu chuyện bắt đầu”. Cũng lại thêm sự dẫn dắt thú vị nữa, thời gian này mọi người đang có kế hoạch lên “thực đơn Tết”, tức là sẽ sắm sửa, chuẩn bị mọi thứ cho gia đình trong mấy ngày Tết sắp đến, trong “thực đơn” này, phần dành cho nguyên liệu chế biến món ăn, các đồ ăn sẵn chiếm tỷ trọng khá lớn. Vậy thì đi vào chủ đề ẩm thực Tết theo cách tiếp cận khác xem sao. Ta trở lại ba mâm cơm trong ngày Tết vừa được nhắc đến ở phía trên, trước đây tôi cũng hay để tâm đến mâm cơm vào sáng mùng Một, theo cách nghĩ quen thuộc của đa số thì đây là mâm cúng ông bà gia tiên trong ngày đầu tiên năm mới, khi được nhắc đến cũng chỉ là “nhắc” và “giới thiệu” món ăn ngày Tết được bày biện trên đó, tôi tự hỏi còn bản chất và ý nghĩa của mâm cơm cúng này liệu rằng chỉ nằm gọn trong giới hạn của cách nghĩ quen thuộc hay không?

Mâm cơm Nguyên Đán ra sao, có thể biết được cả một năm của bạn sẽ thế nào!

Có phải là một nhận định liều lĩnh! Thôi thì đã có gan liều thì sẽ có tâm thế để lĩnh mọi sự phản hồi, vì mỗi người đều có cách tiếp cận khác nhau dựa trên văn hóa và trải nghiệm cá nhân khác nhau. Tôn trọng sự khác biệt để khảm nên những sắc màu trên nền văn hóa đa sắc của chúng ta chính là con đường dẫn đến sự thống nhất trong đa dạng.

Học giả Nguyễn Văn Huyên từng nói về Tết Nguyên Đán và thời điểm Nguyên Đán, là “thời kỳ rạng đông bắt đầu”, “đứng đầu trong nhịp điệu của thời gian nên buổi sáng hôm đó là thiêng liêng nhất. Những việc chúng ta sẽ thực hiện trong những giờ đầu tiên này, sẽ mang đến cho chúng ta một sức mạnh giống như một lá bùa hộ mệnh quý giá”. Dâng cúng Mâm cơm Nguyên Đán chính là “sớ trình” dâng lên tổ tiên lúc “thời kỳ rạng đông bắt đầu”, lòng càng thành kính thì năm mới sẽ mang đến cho gia đình nhiều phúc lành.

Pha một ấm trà đón xuân, ngồi bên hiên nhà, ta cùng bàn luận về Mâm cơm Nguyên Đán, đâu đó người đọc sẽ cảm thấy đồng thuận, hoặc không, đó là sự đa dạng về quan điểm, chỉ xin gửi đến bạn đọc thông điệp: ngày Tết đang cận kề, hãy cùng suy nghĩ chủ đề này ở quê hương của bạn, bạn sẽ phát hiện nhiều điều thú vị, lại càng thêm trân trọng và gắn bó đời người với quê hương mình nhiều hơn.

Bồi hồi “Ngày xưa ơi” cùng mâm cơm Nguyên Đán

Vào buổi sáng ngày đầu tiên năm mới, việc đầu tiên của gia đình tôi cũng như các gia đình khác là chuẩn bị Mâm cơm Nguyên Đán, việc của tôi được phân công:

            là bóc bánh Chưng.

Đó là lúc tôi còn nhỏ, sau đêm Giao thừa ngủ muộn, thì sáng hôm sau cũng dậy muộn nhất, đến tầm mẹ đã nấu gần xong các món bày trên mâm cúng thì đến lượt tôi bóc bánh Chưng, coi như là khâu cuối cùng. Có năm tôi loay hoay dính cả lá, cả lạt vào tay, càng dứt ra lại càng dính vào, sản phẩm sau đó là chiếc bánh méo mó đến khổ. Năm sau tôi kinh nghiệm hơn là để bát nước bên cạnh, hễ bị dính tay là nhúng vào, vừa hết dính lại vừa sạch. Mà lớn hơn lại khôn hơn, nếu trước tôi vẫn thường kéo lạt ngang sang hai bên, thì lúc đó tôi lại nhấc thẳng lên, vì kéo như vậy là thịt trong nhân bánh ít nhiều sẽ được kéo lên cùng luôn, ăn ngon một cách sung sướng, mẹ không để ý, cả nhà không ai hay, còn các cụ trên ban thờ biết thì cũng chẳng buồn chấp gì đứa trẻ con.

…đến khi trưởng thành, từ đứa trẻ chốt khâu cuối cùng để hoàn thiện mâm cỗ, tôi bị thuyên chuyển lên khâu đầu tiên:

           nấu nướng và bày biện

Thường thì các gia đình đã chuẩn bị các món từ những ngày cuối năm trước như món thịt đông, giò (giò có giò ép, giò lụa), nhà tôi năm nào cũng có thêm món chân giò lợn bó với hạt Mắc Mật khô từ Cao Bằng rồi đem ninh nhừ lên, ăn đến đâu thái đến đó, nem cũng cuốn sẵn để trong khay đặt vào tủ lạnh, chỉ mang ra rán lại cho giòn lên, canh măng hầm xương chực chờ trong nồi từ đêm hôm trước, nên chỉ nấu mới món rau luộc và bát canh miến gà mộc nhĩ.

Đấy là Mâm cơm Nguyên Đán ở vùng quê ngoại thành Hà Nội, nơi quan điểm về mâm cơm Tết nhiều món, đầy ắp trên bát đĩa đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá cho gia đình khá giả. Lúc đó nhà tôi lại có người nhà làm việc ở nhiều nơi nên luôn có đặc sản ngon như Cao Bằng, Bắc Kạn, thành ra mọi người đến thăm chúc Tết thì đồng thời cũng háo hứng xem năm nay có đặc sản mới nào.

Mỗi lúc như vậy, tôi lại hay nghĩ về mâm cơm Tết quê tôi, xứ Đoài, hồi tôi còn nhỏ lúc chỉ phụ trách mỗi việc bóc bánh Chưng, Mâm cơm Nguyên Đán của mẹ tôi thường có món canh Bóng, bà nội tôi hay làm chè kho vừa ăn tráng miệng sau bữa cơm, lại vừa là thức ăn vui khi có khách đến. Mâm cơm không có đặc sản miền nọ miền kia, nhưng tôi cảm thấy ấm áp lạ kì, phải chăng là cảm giác từ những nguyên liệu địa phương mới khiến con người sinh ra tại đó cảm nhận được nguồn năng lượng này.

Trước đây khi chuẩn bị và nấu nướng cầu kỳ cho Mâm cơm Nguyên Đán, tôi lại mong liệu có giản lược được không, ngày Tết ăn được mấy đâu mà bày biện mâm cao cỗ đầy, thế này thì cứ phải ăn đi ăn lại mấy ngày Tết. Nếu thay vì làm cả mâm cơm cúng, thì thắp tuần nhang thôi có được không? Ấy là lúc tôi chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của Mâm cơm Nguyên Đán, thậm chí còn hậu thuẫn cho “thế lực đòi giản lược”. Nhưng càng trưởng thành hơn, con người lại càng hiểu và coi trọng lễ nghi hơn, vì trải nghiệm cuộc đời khiến họ nhận ra đó không đơn giản chỉ là lễ nghi, đó là thông điệp, là lời dạy bảo, thậm chí cảnh báo mà người xưa khéo léo dùng lớp vỏ lễ nghi phủ lên.

Bây giờ, khi không bị phân tâm trong suy nghĩ trước đây, việc chuẩn bị Mâm cơm Nguyên Đán của tôi đã trở nên “chuyên nghiệp” hơn, mỗi công đoạn đều cảm thấy vui và trân trọng, các thành viên trong gia đình có thể cùng nhau tạo nên bầu không khí “đậm Tết” sẽ mang đến nguồn năng lượng tốt lành cho gia đình, đón một năm mới vạn sự hanh thông, nguy cơ đến rồi cũng hóa giải thành cơ hội.

Giữ Tết

Nhiều người bảo Tết bây giờ không còn như xưa, và họ cảm thấy tiếc nuối. Nhưng có những người khác lại thích Tết nay, vì không vất vả trong khâu chuẩn bị, các dịch vụ tiện ích đã hỗ trợ gần như tất cả, cũng không quá nặng nề về mặt thủ tục lễ nghi vì thế hệ người lớn tuổi đã dần chấp nhận sự giản lược lựa theo cuộc sống hiện đại của con cháu. Cho dù có thay đổi về thủ tục chuẩn bị ra sao thì việc các thành viên cùng nhau ăn bữa cơm gia đình, cùng nhau gìn giữ không khí truyền thống Tết của gia đình mới tạo nên bầu không khí “đậm Tết” – là thứ giữ chặt ta mỗi khi đi xa lại mong sớm được trở về.

Giữ Tết, vừa dễ lại vừa khó, nếu ta không Yêu, thì giữ thế nào, mà để Yêu, tức là phải Hiểu. Làm sao để giữ Tết? là câu hỏi đã và sẽ xuất hiện mỗi năm một nhiều hơn trong cuộc sống hiện đại khi mà quan niệm về Tết và những hoạt động diễn ra xung quanh Tết thay đổi rất nhiều… Hành trình giữ Tết đầy gian nan, thôi thì cứ đi từng bước, dần dần sẽ thành quãng đường dài, mà bước đi đầu tiên này ta sẽ bắt đầu bên Mâm cơm Nguyên Đán, theo đúng thủ tục lễ nghi đầu tiên trong ngày đầu năm mới.

Mâm cơm Nguyên Đán, đâu chỉ là mâm cơm cúng ngày đầu năm mới

đó là mâm cơm hiện sinh của gia đình và cộng đồng

Tôi vẫn nhớ vào ngày mùng hai Tết, khi đưa bọn trẻ đi chơi, chúng trực nhìn vào tiệm Pizza lúc đó đang đóng cửa mà ao ước, nào thì Pizza gà, Pizza bò, combo với Pepsi thì đã thôi rồi… Chà, cái miếng Pizza sao mang tính toàn cầu đến vậy, sự tiêu thụ Pizza nguồn gốc Ý còn cho biết động thái chính trị của Nhà trắng tận bên nước Mỹ xa xôi trước những quyết định mang tính quốc tế quan trọng; Pizza còn mang đến những bữa trưa gắn kết trong hoàn cảnh cần ăn nhanh vì thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi ở cơ quan. Pizza còn cho tôi cái cảm giác sinh viên ngày nào, hồi đó được ăn một miếng Pizza là sang lắm, được ăn là sướng, là nhớ mãi. Vậy, mâm cơm Tết của người Việt ở nước Ý xa xôi có bánh Chưng sẽ “Tết” hơn là mâm cơm người Việt ở Việt Nam có thêm Pizza chăng? Hay, hễ ta thấy bất cứ thứ gì thuộc về Tết thì đều “rất Tết”? Vậy ta xem Mâm cơm Nguyên Đán đã chứng minh sự hiện diện của Tết như thế nào!

Nhìn mâm cơm biết được văn hóa gia đình!

Có nhiều người cho rằng không phải, đó cũng chỉ là quan điểm đến từ nhiều góc tiếp cận vì hiện nay việc đánh giá văn hóa gia đình qua mâm cơm không thể theo ngày xưa. Xưa, các cụ thấy món ăn, mâm bát là biết gia đình có kinh tế hay không, người phụ nữ trong gia đình đó đảm như thế nào. Hiện nay, chỉ cần một cuộc điện thoại, mấy tiếng sau là mâm bát đã đàng hoàng đủ các món tự chọn. Nhưng nhìn qua, ta vẫn đánh giá được văn hóa gia đình phóng khoáng ra sao, cầu kỳ về bày biện, mâm bát thế nào. Và chắc chắn rằng, không ai đi đặt mâm cơm cúng vào ngày mùng Một, nghĩa là duy nhất Mâm cơm Nguyên Đán mang đầy đủ phong cách đặc trưng của gia đình, được thể hiện qua những biểu tượng tạo nên phong vị đặc trưng của Mâm cơm Nguyên Đán.

Phong vị đó được biểu hiện qua ba thành tố: Hình – Hương – Thanh. Giống và khác nhau giữa các gia đình cũng ở những thành tố này. Tôi muốn đưa thành tố Hương lên đầu tiên, vì Hương dẫn ta đến Hình và Thanh.

Hương: Hương của mâm cơm ngày Tết có đặc trưng không thể trộn lẫn, đó là sự hòa quyện hương nhang đặc biệt được các gia đình chỉ chờ dịp tết mới mua để thắp. Thường là nhang trầm vị ấm, hay nhang nhựa trám than xoan vị hơi ngái. Hương thắp quyện vào món ăn, khiến cho mâm cơm trở nên linh thiêng. Hương càng phủ mâm cơm thì các vị thần linh tham dự vào thưởng thức càng nhiều. Người nhà hạ mâm cơm xuống, ra xa khu vực thắp hương, thì hương thơm ngậy của bát miến gà, hương từ khoanh giò lợn giã tay mà ngày thường hiếm có, hương hành muối chua, hương thơm của bát nước mắm cốt, hương của món gà luộc… cùng dậy lên. Hương gọi ký ức về, hương Tết thấm đẫm lên người khiến cho Mùi Tết không thể trộn lẫn với bất cứ thời điểm nào trong năm.

Hình: Hương dẫn ta đến Hình, hương thơm bát miến gà dậy lên thì hình ảnh bát miến gà đã ngay lập tức hiện lên trong não, hương thơm từ đĩa nem béo ngậy khiến ta nghĩ ngay đến những miếng nem cuốn vàng giòn nhân thịt, giá đỗ…

Từ Hương hóa thành Hình, ta bước đến với mâm cơm để chứng thực những hình ảnh trong não mới vừa lướt qua. Lúc này, hình món ăn được rõ hơn, phẩm cách món ăn qua hình mà được tỏ: Bánh Chưng hình vuông màu xanh, đại diện cho Đất vuông, mùa xuân cỏ cây đua nhau xanh tươi; mặc dù mâm cơm gia đình không có bánh Dầy, thì chiếc mâm tròn chính là hình ảnh Trời ôm trọn lấy Đất. Thời xưa là mâm đồng màu vàng, đến nay đã trở thành đồ cổ khan hiếm, người dân chủ yếu dùng mâm bằng nhôm, inox vừa sáng vừa nhẹ. Các món thịt được chế biến cầu kỳ, thịt gà luộc được chặt khéo léo, rắc chút lá chanh tươi trên nền da vàng óng ả, thịt bò đỏ xào thập cẩm các loại rau củ, đĩa cá kho màu cánh gián, đĩa giò lụa, giò bó, bát canh măng hầm nhừ, không thiếu cơm tẻ mẹ ruột, như nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng từng nhận định, người Việt Nam ta dù đi đâu thì cơm tẻ vẫn không thể thiếu.

Khi mọi người cùng ngồi xuống và bắt đầu dùng bữa, thanh âm sẽ tiếp nối.

Thanh: Là âm thanh đến từ những hoạt động diễn ra xung quanh mâm cơm: gắp thức ăn, ăn, uống, va chạm bát đĩa, tiếng nói chuyện, cười đùa… Cùng với đó là những thanh âm ẩn qua lời nói, câu chúc, gọi tên món ăn. Như nhà Nhân học Ellen Oxfeld đã mô tả nguyên liệu được dùng trong sáng ngày đầu năm ở một làng quê Trung Quốc, cần tây được thêm vào món cháo buổi sáng vì cần tây (cần thái) có cùng âm với từ siêng năngchăm chỉ, và ta cần làm việc chăm chỉ để được thịnh vượng. Sáng hôm đó người ta cũng xào tỏi vì tỏi (toán) khi phát âm thì nghe giống từ tính toán, và để thịnh vượng thì cần tính toán sao cho đúng… Cách dùng âm này tương đồng với phong tục lễ tết của người miền Nam với mâm ngũ quả gồm có “cầu sung vừa đủ xài”, nghĩa là các thức quả Mãng Cầu, Sung, Dừa, Đu Đủ, Xoài, khi đọc âm lên gần với ước nguyện năm mới cầu gì được nấy, sung túc, đủ đầy.

Như vậy, với Thanh, dùng âm tương đồng để gửi gắm mong cầu, thay cho việc ta nói ra trực tiếp, thì việc ta tự nhiên nói ra, nói lặp lại, gộp tổng những thanh âm phát ra từ các thành viên gia đình sẽ tạo nên sức mạnh vô hình của thanh âm, khiến cho ước mong được phát ra đó sẽ linh ứng.

Ngoài những thanh âm từ món ăn, những lời chúc tết, câu nói hân hoan tốt lành của mọi người dành cho nhau cũng chính là thanh âm đẹp. Nếu tiếng chuông ngân từ cõi trần sang cõi tâm linh, thì thanh âm từ lời hay ý đẹp cũng giống như tiếng chuông, “ngân” lên trong thời khắc thiêng liêng buổi sớm đầu năm sẽ được truyền đến các cõi, dẫn nguồn năng lượng tốt từ thế giới xung quanh đến, và chỉ trong thời khắc Nguyên Đán thanh âm mới có sức mạnh “ngân” xa.

Một lịch sử, văn hóa của cộng đồng

Mâm cơm Nguyên Đán có đặc tính là khép kín vì diễn ra trong phạm vi gia đình, và cũng chỉ dành cho các thành viên gia đình sống trong cùng một nhà, nhưng khi xét ra phạm vi cộng đồng, ta lại thấy Mâm cơm Nguyên Đán cũng có tính cộng đồng cao, đó là sự thống nhất trong cấu trúc món ăn chủ đạo, bày biện, quy định số lượng bát đũa. Như trong “Việt Nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính có nói rằng: Mồng một đầu năm là Tết Nguyên Đán. Tết này ăn to hơn cả tết trong một năm… Sáng mồng một Tết thì là cỗ cúng Gia Tiên, và cúng cả Thổ Công, Táo Quân, Nghệ sư… cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được, nhưng làm sao cũng phải có bánh Chưng, cá kho, giò chả, dưa hành, thịt bò mới ra cỗ ngày Tết”. Và cũng cho biết đặc trưng văn hóa ẩm thực gắn liền với vùng đất mà cộng đồng đó sinh sống: Mâm cơm Tết của người Việt thể hiện đời sống và sản xuất gắn liền với nông nghiệp sản xuất lúa gạo, các loại đậu đỗ; thịt lợn và cá phổ biến cho thấy cộng đồng gắn liền với chăn nuôi gia súc nhỏ và haojt động sông nước, nếu dừng ở đây cùng đĩa dưa hành thì không khác nhiều với mâm cơm hàng ngày, nhưng khi thêm đĩa thịt bò – món ăn sang của của người xưa, mới được gọi là cỗ tết. Tuy nhiên, tư liệu cũng chỉ mang tính tương đối vì đặc trưng mâm cỗ tết trong gia đình và các cộng đồng miền Trung và miền Nam có tương đồng nhưng cũng có nhiều khác biệt. Trong cuốn sách “Tết cổ truyền của người Việt” đã ghi lại phong tục tết nơi Thị thành – chốn phồn hoa hội tụ tinh hoa ẩm thực theo vùng miền:

Ở Hà Nội: “Mâm cỗ tết thường có 4 bát, 6 đĩa, phong lưu thì 8 bát, 8 đĩa, thậm chí đến 10 bát mới gọi là sang. Đĩa thì có thịt gà luộc, thịt đông, giò xào, cá kho, thịt bò xào, nộm đĩa dưa hành. Bát thì có bát canh bóng, bát miến, bát canh măng khô, bát cà ri khoai tây hầm”.

Ở Huế: “Mâm cỗ tết của người Huế nói chung đơn giản hơn mâm cỗ tết của người Hà Nội… Người Huế theo đạo Phật nhiều nên cỗ cũng Nguyên đán là cỗ chay. Đơn giản thì cúng bánh trái hoa quả, cầu kỳ hơn thì làm một mâm cỗ chay”.

Ở Sài Gòn: “Mâm cỗ tết Sài Gòn bao giờ cũng có bánh tét, thịt kho, dưa giá, kiệu muối và nem bì”.

Đó là mâm cỗ tết theo vùng miền, mỗi vùng đất phong thổ riêng gắn liền với đặc trưng cộng đồng sinh sống trên đó tạo nên phong vị ẩm thực mang đặc trưng riêng.

Mặc dù sống tại Hà Nội nhưng mâm cơm Tết lại không giống nhau, ta cùng bước vào mâm cơm của giới tinh hoa ẩm thực đến từ một người Hà Nội gốc sống ngay tại khu vực Thăng Long xưa mà hiện nay là khu vực trung tâm Hà Nội: nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, một phụ nữ Hà Nội điển hình được sỉnh ra và lớn lên trong khu phổ cổ, bà đã viết lại ký ức về mâm cố tết Hà Nội của một thời đã xa, kể lại rằng, bữa cỗ tết xưa của Hà Nội rất cầu kỳ: một đĩa giò hoa, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế, một đĩa xôi gấc, một đĩa thịt gà, một bát măng khô hầm móng giò, một bát bóng, một đĩa dưa góp, đĩa thịt đông, đĩa dưa hành, thêm đĩa cá kho, có thể thêm cả bát giả cầy nấu đông, bát miến xào lòng gà, đĩa thịt bò xào thập cẩm, đĩa chè kho vàng… đúng là mâm cơm Tết đúng chất kinh kỳ phồn hoa.

Mâm cơm Nguyên Đán của gia đình nhưng chứa đựng lịch sử, văn hóa cộng đồng, đó chính là ý nghĩa hiện sinh mang lại, chỉ khi ta nhận thức được sự hiện diện của gia đình, sự tồn tại của cộng đồng, thì ta còn giữ được Mâm cơm Nguyên Đán, và cũng từ Mâm cơm Nguyên Đán mà ta nhận thức được bản thân mình, qua mỗi năm một hiểu rõ hơn.

Cùng với ý nghĩa hiện sinh, Mâm cơm Nguyên Đán còn mang đến thông điệp cho sự khởi đầu. Sự kết hợp giữa ý nghĩa hiện sinh với thông điệp khởi đầu năm mới càng khẳng định tính Thiêng của Mâm cơm Nguyên Đán.

Thông điệp về sự khởi đầu

Đó là khởi đầu cho “vòng mười hai” trong đời người. Trong Mâm cơm Nguyên Đán, đĩa thịt gà luộc được chọn từ gà trống thiến (Lê Trung Vũ, 2012). Lý do vì trong bảy ngày Tết, ngày mùng Một là Ngày của gà theo quan niệm của người xưa:

Mùng Một ngày con gà, mùng Hai ngày con chó, mùng Ba ngày con lợn, mùng Bốn ngày con Dê, mùng Năm ngày con trâu, mùng Sáu ngày con ngựa, mùng Bảy ngày con người”.

Tức là vào ngày con nào mà trời đẹp thì trong năm mới con đó sẽ gặp nhiều tốt lành. Theo đó, mùng Một là ngày con gà – gà gáy báo bình mình, giống như mùng Một khởi đầu năm mới. Trong mâm cơm có thịt gà trống hàm chứa ẩn ý của người xưa: dâng cúng gà trống trong Ngày của gà là chứng thực tấm lòng thành mà hậu thế bày tỏ với ông bà, tổ tiên, như thế  vạn sự trong năm mới khởi hành hành thông.

Trong lịch pháp, Dương lịch dựa trên vòng quay một năm của Trái Đất quanh Mặt Trời, còn ta dùng Âm – Dương lịch là loại lịch được cải tiến dựa trên sự kết hợp giữa Dương lịch và Âm lịch. Vậy, đâu mới là “khởi đầu” năm mới, nếu như năm nay ta đón tết Dương ở châu Âu, năm sau ta đón tết Ta ở Việt Nam, chẳng lẽ nào lại có sự lệch nhau về thời điểm năm mới, có khiến cho vận may của ta cũng thay đổi theo không? Luận bàn về nội dung này cần đến các nhà thiên văn học, nhà làm lịch pháp,… không phải chủ đề bài viết. Chúng ta chỉ đang cùng bàn về “thông điệp” mà thôi. Vậy, thông điệp mang đến cho ta là gì?

Đối với cá nhân: chính là động lực cho năm mới, dù ta sẽ trở lại đời thường sau những ngày Tết, mâm cơm khác cũng sẽ đông bạn đủ bè hơn, nhưng Mâm cơm Nguyên Đán mang đến cho ta sự ấm áp của tình thân, khiến ta nhận thức được sự hiện diện của mình, giúp ta cố gắng nhiều hơn để năm sau sẽ lại đón bữa cơm Nguyên Đán sung túc, đủ đầy bên gia đình.

Đối với gia đình: cùng nhau chuẩn bị và sum vầy bên Mâm cơm Nguyên Đán, chính là thông điệp gia đình sẽ cùng nhau vượt qua những khó khăn trong năm mới, dù nước sôi lửa bỏng nếu đồng tâm thuận lòng thì sẽ có được thành quả tương xứng.

Đối với cộng đồng: giữ Mâm cơm Nguyên Đán chính là giữ Tết, giữ truyền thống mà cộng đồng đã hình thành nên từ trong lịch sử cùng với những tầng dày văn hóa, cũng tức là giữ sự tồn tại của cộng đồng.

Tính Thiêng

Sau đêm Giao thừa, năm cũ vừa qua, năm mới đến, khi ánh Mặt Trời bắt đầu lên, xua tan bóng tối, Mâm cơm Nguyên Đán được dâng cúng lên cùng với làn hương trầm và tiếng chuông, như bộ ba bảo vật vừa hân hoan trong niềm vui năm mới đã “bắt đầu”, vừa bảo chứng cho sự kết nối của nhân gian với thế giới tâm linh, cũng chính là điểm gặp của quá khứ, hiện tại và tương lai của một năm mới. Nhân gian được hiện sinh ngay trong Mâm cơm Nguyên Đán của gia đình, cộng đồng, hiện trạng gia đình, lịch sử cộng đồng ra sao thì cấu trúc mâm cơm Nguyên Đán như vậy. Từ nhân gian, để bắt đầu những ngày Tết, cũng là thủ tục Vào tết, gia đình dâng cúng Mâm cơm Nguyên Đán lên tổ tiên vừa tỏ lòng biết ơn, vừa là lời mời ông bà về ăn tết cùng gia đình. Người xưa có câu “trần sao âm vậy”, gia đình cúng lễ thức gì thì ông bà cũng dùng thức đó theo quan niệm “kính lão”, ông bà thưởng thức trước, sau khi hết tuần nhang thì con cháu mới ngồi vào mâm.

Quá khứ được kéo dài qua truyền thống duy trì lễ cúng Mâm cơm Nguyên Đán vào ngày mùng Một, hiện tại là sự hiện diện của mâm cơm, những thức được đặt lên mâm cúng, là con người và những lời cung kính trước mâm cơm; tương lai được “nhìn” thấy qua ý nghĩa của sự khởi đầu, người xưa có câu “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”, tết cha chính là Tết tại gia đình nhà mình, với ý nghĩa vạn sự trong năm mới khởi đầu từ gia đình.

Là trung gian kết nối nhân gian với thế giới tâm linh, là điểm gặp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là hiện sinh của gia đình, cộng đồng, là thông điệp của sự khởi đầu, tất cả hội tụ khiến cho Mâm cơm Nguyên Đán trở thành biểu tượng Thiêng trong văn hóa Tết. Do vậy, người xưa đã đặt ra những quy định về thủ tục đối với Mâm cơm Nguyên Đán: số lượng bát đĩa, người dâng cúng, thời gian,… mọi người trong gia đình không ai bảo ai giữ bầu không khí nghiêm trang trong thời gian này. Đó là tâm lý được xây dựng khi con người tiếp nhận cái thiêng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Xuân sang, Tết đến, thành kính dâng Mâm cơm Nguyên Đán

Sau khi tìm hiểu về Mâm cơm Nguyên Đán, ta nhận ra ý nghĩa quan trọng mà mỗi người đều cần nhìn lại: đó chính là “lòng thành kính”. Xin hỏi bạn đọc, có bạn nào chưa từng tham gia vào chuẩn bị Mâm cơm Nguyên Đán? Trường hợp “chưa từng”, xin được nhận những phản hồi đa chiều để bổ sung những luận điểm mới, lạ, sẽ rất thú vị khi cùng nhau “bàn tròn” thảo luận. Với trường hợp “có tham gia”, chúng ta cùng trà đàm tiếp. Liệu có ai cứ mỗi năm về lại nghĩ đến chuyện đi đếm số lần chuẩn bị Mâm cơm Nguyên Đán cùng gia đình?  Việc đếm cũng chỉ là hình dung cho việc ta nhận thức về Mâm cơm Nguyên Đán mà thôi, xin dùng hai câu hỏi để bạn đọc cùng suy nghĩ:

1). Tại sao gọi là Mâm cơm Nguyên Đán?

2). Trong quá trình tham gia chuẩn bị, bạn chỉ nghĩa đến việc nấu cho xong và hoàn thành mâm cúng, hay bạn nghĩ đến điều gì?

Câu 1 dễ trả lời hơn, cũng như có nhiều cách để chấp nhận. Cùng với đặc trưng mà bài viết vừa thảo luận ở phần trên, việc đưa ra khái niệm theo tư duy diễn giải – quy nạp hoàn toàn phù hợp khi ta tìm hiểu về hiện tượng xã hội. Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung coi mâm cỗ trong những ngày Tết đều là mâm cỗ Nguyên Đán vì được dâng cúng trong ba ngày đầu năm. Bài viết không dùng “mâm cỗ”, mà dùng “Mâm cơm Nguyên Đán” là chỉ duy nhất mâm cơm cúng sáng mùng Một trong các gia đình chứ không bao trùm hết ba ngày Tết, bởi vì thời khắc Nguyên Đán cũng chỉ xuất hiện vào buổi sáng mùng Một, việc kéo dài ba ngày có lẽ do chủ ý của người xưa muốn dành thêm thời gian Tết cho gia đình hai bên, cho các mối quan hệ thân thiết thăm hỏi, chúc tụng nhau ngày đầu năm, cũng là để ông bà tổ tiên về chung vui và ở lại cùng gia đình. Bài viết cũng dùng “mâm cơm” thay cho “mâm cỗ”, vì cỗ bàn hàm chứa một lịch sử mà theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, tình trạng đói nghèo đã “tầm thường hóa một bộ phận dân chúng không bao giờ có ý tưởng nào khác ngoài ăn uống”, và cỗ theo ông chính là để “giải tỏa những ức chế thực phẩm”. Theo đó, hễ nhà nào có tổ chức ăn uống thì đó là cỗ, hay mâm cơm thịnh soạn hơn bình thường cũng được gọi là cỗ. Cỗ có thể nằm gọn trong phạm vi gia đình, hoặc đi ra ngoài cộng đồng. Nhưng mâm cơm lại khác, nói đến mâm cơm dù đơn giản hay thịnh soạn (để được gọi là cỗ), đó cũng là những mâm cơm chỉ nằm trong phạm vi gia đình, vì vậy, bài viết dùng Mâm cơm Nguyên Đán đã bao hàm cả mâm cỗ, đồng thời muốn nhấn mạnh đến yếu tố gia đình – nơi đầu tiên chúng ta thực hiện lễ nghi để bắt đầu một năm mới.

Câu 2 thường trả lời rất nhanh cho ý 1, sang đến ý 2 thì có vẻ khó. Nhưng chính ý này mới quyết định đến việc hiểu được lòng thành kính của bạn, vì chỉ khi bạn hiểu mới yêu và mới giữ nó, chính là cách để giữ Tết.

Khoa học là những đứa con của thời gian, và hình thành dần dần, trước tiên qua tập hợp các phương pháp được đúc rút từ kinh nghiệm, và sau đó qua việc phát hiện các nguyên lý suy ra từ sự kết hợp của những phương pháp này” (Jean Anthelme Brillat-Savarin). Do đó, người tham gia vào nấu những bữa ăn đầu tiên, chính là nhà khoa học ẩm thực đầu tiên. Cũng như khi mỗi thành viên gia đình tham gia vào Mâm cơm Nguyên Đán với “lòng thành kính” qua các năm, sẽ có khả năng đúc rút được bài học cuộc sống để trở thành chuyên gia về tử vi đời người.

Đến đây, sau khi thảo luận về tên gọi, đặc trưng, ta cùng tìm hiểu về thời gian nào phù hợp để dâng Mâm cơm Nguyên Đán. Vào thời kỳ nhà Nguyễn, lễ chính vào ngày mùng Một được bắt đầu vào canh 5, tức giờ Thìn – cung giờ của vua, (khoảng 7h – 8h sáng). Mâm cúng gồm 32 cỗ, mỗi cỗ là một món ăn riêng biệt (Lê Trung Vũ, 2012), hội tụ các sản vật quý từ khắp nơi được dâng lên trong buổi lễ Nguyên Đán này

Đó là thời kỳ vua chúa trị vì, dân chúng bên cạnh Mâm cơm Nguyên Đán trong gia đình còn trông mong vào thời vận năm mới từ lễ cúng Nguyên Đán của triều đình. Ngày nay, việc dâng Mâm cơm Nguyên Đán chỉ thực hiện trong gia đình, thời gian dâng cúng trong buổi sáng ngày mùng Một, thường từ 6h đến 11h sáng, thậm chí các gia đình sống cùng người lớn tuổi còn cẩn thận dậy từ rất sớm để chuẩn bị mâm cúng sớm.

Vậy, dựa vào đâu để đưa ra khoảng thời gian dâng mâm cúng như trên? Xin đưa ra đồ hình sau: theo đó, vòng tròn trong cùng là vòng quay 24 giờ trong ngày theo cách tính giờ quốc tế hiện nay, vòng tròn thứ hai là 12 canh giờ theo cách tính lịch của các cụ ngày xưa, do tìm hiểu về tục thờ cúng của người xưa nên vòng tròn thứ hai về canh giờ được đưa ra bên ngoài để tương ứng với những khoảng thời gian trong ngày tương tự quy luật mùa trong năm, mùa xuân nằm tương ứng ở góc phần tư chứa 3 canh giờ: canh 4, canh 5 và canh 6, tức là tường ứng khoảng thời gian bắt đầu từ 5h sáng đến hết 10h sáng. Đây là khoảng thời gian Âm tiêu Dương sinh và trưởng, chính là thời gian “Nguyên Đán” của năm mới.

Việc dâng cúng vào thời gian “Nguyên Đán” này sẽ giúp cho gia đình đón được nguồn năng lượng tinh khiết nhất khởi đầu năm mới, đẹp nhất là trong khoảng 6h – 9h sáng, sau khi khí Dương đã ổn định. Phải công nhận rằng, người xưa rất giỏi nắm bắt quy luật của vạn vật tự nhiên, có khả năng dự báo tương lai nên mới chọn ra những thời điểm tổ chức sự kiện, đặt ra thủ tục, lễ nghi hiểu được “Đạo Trời” để sống an vui và dài lâu. Thời đại kim khí hiện nay đã phá vỡ rất nhiều sự gắn kết mà người xưa tạo nên giữa con người với tự nhiên. Đơn giản nhất là từ Mâm cơm Nguyên Đán, nếu sự chuẩn bị để cho xong, thiếu đi lòng thành kính thì dù có mâm cao cỗ đầy thịnh soạn bao nhiêu, đó cũng chỉ là cho đủ thủ tục, không hơn. Chỉ khi đặt tâm ý vào Mâm cơm Nguyên Đán với lòng thành kính, đó mới là mâm cúng thiêng liêng kết nối gia đình với tổ tiên, như vậy mới đúng ý nghĩa của Mâm cơm Nguyên Đán.

Bên Mâm cơm Nguyên Đán nghĩ về Ngày Tết, Mùa Tết

Sau một tuần nhang, ta cùng ngồi xuống quanh Mâm cơm Nguyên Đán để nói chuyện về Ngày Tết, Mùa Tết. Trong các quốc gia đón năm mới theo Âm lịch truyền thống, Nhật Bản là quốc gia đã chuyển đón năm mới theo Dương lịch bắt đầu từ năm 1873 vào thời kỳ Minh Trị duy tân. Thực ra đó chỉ là “thay đổi thời điểm” đón năm mới trong bối cảnh mới của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, còn các phong tục truyền thống vẫn được giữ nguyên, chứ không phải bỏ Tết âm lịch là bỏ hoàn toàn phong tục Tết. Người Nhật dành ba ngày Tết, hay ba ngày đầu năm mới để nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, thực hiện các lễ nghi, phong tục Tết, sau đó là trở lại với công việc. Người Nhật họ đón năm mới bằng những “Ngày Tết”, đó là điểm khác biệt với Việt Nam, vì chúng ta đón “Mùa Tết”. Xét về thời gian, mùa kéo dài hơn ngày, chúng ta đón Tết bắt đầu từ Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo về trời đến tận ra Giêng. Xét về bản chất, mùa là những khoảng thời gian trong năm có sự khác biệt về thời tiết và khí hậu, đó là bốn mùa theo quy luật vòng quay của Trái Đất trong một năm, ta mượn khái niệm này để chỉ rằng “Mùa Tết”, là một khoảng thời gian trong năm diễn ra các sự kiện, hoạt động tiêu biểu mang tính đại diện, ví dụ như mùa gặt là thời gian thu hoạch lương thực, mùa nước nổi là thời gian mùa lũ về trên các sông khu vực phía Nam, mang đến nguồn thực phẩm dồi dào… Mùa Tết diễn ra khoảng một tháng rưỡi, là thời gian tiễn năm cũ, chào đón năm mới với các sự kiện, hoạt động đặc trưng, các ngày trong Mùa Tết đều được gọi là Ngày Tết.

Ellen Oxfeld, nhà Nhân học người Mỹ nhận định: “bản thân tính hiện đại luôn tạo ra những dòng chảy ngược mạnh mẽ”, thế giới vẫn luôn vận động theo hai hướng ngược nhau, lực đi ắt có lực phản hồi, đó là quy luật của sự phát triển. Thế hệ trẻ hiện nay có thể thêm Pizza vào mâm cơm Nguyên Đán vì việc chế biến Pizza tại nhà cũng rất dễ dàng, nhiều món ăn giờ đã vượt ra ngoài phạm vi địa phương, trở thành món ăn có tính quốc tế cao. Chúng ta vẫn có thể sum vầy quanh mâm cơm Nguyên Đán bên cạnh những bình hoa Ly thơm nức mà không phải cành Đào, hay Mai, quất… Bạn hãy thử thay đổi như vậy nếu chưa thử, chắc chắn vẫn ổn trong khoảng vài năm. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy lạc lõng ngay tại mâm cơm mà mình chuẩn bị với những bình hoa thời thượng và món ăn toàn cầu. Lúc đó bạn sẽ muốn quay lại với mâm cơm Nguyên Đán truyền thống. Tại sao vậy? Thay cho câu trả lời trực tiếp, chúng ta xem tác giả Ellen đã nói gì trong cuốn sách viết về ẩm thực Trung Hoa từ quá khứ đến hiện tại: “Trên đường về nhà, chúng tôi cũng đi ngang qua một số phụ nữ địa phương đang gánh nước và phân bón về vườn rau của họ, vì ở làng cứ vào chiều muộn là phụ nữ sẽ ra chăm vườn. Đó là cảnh tượng tiếp nối với quá khứ. Nhưng khi thấy cảnh đó, ta không thể không tự hỏi xem tương lai sẽ thế nào”. Vậy đó, quá khứ đã định hình hiện tại, và hiện tại sẽ định hình tương lai. Bạn muốn tương lai mình được nối dài thêm trong lịch sử Pizza nước Ý chăng. Có bạn đọc sẽ bảo có sao đâu, thế giới đang hòa nhập, văn hóa tiếp nhận là đương nhiên để hướng đến thế giới đại đồng. Tôi đã nhờ AI về câu hỏi thế giới đại đồng bởi AI sẽ truy xuất thông tin từ kho dữ liệu lớn, câu trả lời là:

“Thế giới đại đồng trong tương lai thường được hình dung là một xã hội không có sự phân biệt về chủng tộc, quốc gia, giai cấp, tôn giáo hay giới tính. Đây là một viễn cảnh mà mọi người sống trong hòa bình, hợp tác và công bằng, và các vấn đề toàn cầu như đói nghèo, biến đổi khí hậu, và xung đột quốc tế sẽ được giải quyết thông qua sự đoàn kết toàn cầu”.

Đây là “viễn cảnh”, nhưng trước khi có thể đạt tới viễn cảnh này, liệu các cộng đồng sẽ trải qua quá trình tiến tới sự “không phân biệt” như thế nào, phải chăng tiếp nhận toàn cầu hóa văn hóa chính là tiến tới “thành tựu” này? Nếu phân tích xa hơn, Trái Đất đang nóng lên, vùng sinh thái lúa mì bị thu hẹp lại, đế Pizza chuyển từ lúa mì sang làm từ lúa gạo, ngô liệu có còn đúng Pizza, hay lúc đó là “văn hóa đại chúng phái sinh”, dần dần chúng ta lại trở lại câu chuyện của chính mình, lúc đó sẽ rất vất vả để “tìm về ta là ai” khi mà văn hóa bản địa đã bị xóa nhòa, che lấp đi trước những dòng văn hóa đại chúng ồ ạt kéo đến.

Văn hóa là sự sáng tạo riêng của cộng đồng từ trong lịch sử gắn với khu vực nhất định. Nếu ta coi đó là một mã cộng đồng, thì mỗi cộng đồng đều có một mã riêng. Việc ta giữ, hay biến đổi mã cộng đồng sẽ khiến cho cộng đồng một là tồn tại, hai sẽ trở thành một phần của cộng đồng khác, khi mã thay đổi thì nguy cơ nhiều hơn cơ hội, bởi con người làm thay đổi sự gắn kết với tự nhiên tại khu vực đó, dẫn đến làm xáo trộn những nguồn năng lượng xung quanh. Đó chẳng phải là cảnh báo cho nguy cơ liên quan đến hành tinh hay sao.

Đi xa để lại về gần, bạn sẽ “giữ Tết” với mâm cơm Nguyên Đán có hoa Đào hồng/ Mai vàng cùng bánh Tết xanh, hay hoa Ly và Pizza đỏ, vàng. Đó là lựa chọn của riêng bạn! nhưng xin bạn nhớ rằng, trong mỗi giai đoạn xã hội thì sự sáng tạo mới sẽ luôn xuất hiện. Chỉ khi sự sáng tạo mang đến giá trị hữu dụng cho cộng đồng, đồng thời cộng hưởng được với phong thổ và lịch sử nơi đó mới tạo nên văn hóa cộng đồng. Giữ được văn hóa cộng đồng, hay một mã cộng đồng chính là giữ lại được một cánh cửa sự tồn tại của nhân loại.

Bên Mâm cơm Nguyên Đán, gắp một miếng bánh Chưng xanh, ta thành kính ước nguyện năm mới đủ đầy, mùa màng tốt tươi, nhân gian no ấm, hàng triệu ước nguyện thành kính như vậy cùng một lúc trong buổi sáng mùng Một vào thời gian Nguyên Đán, chắc chắn sẽ linh hiển!

VẠN SỰ MỘT KHỞI ĐẦU!

Đường Thu Trang

—————————————————————————-

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Văn học, 2005.
  2. Nhiều tác giả, Tết Việt Nam xưa, Du Uyên dịch, NXB Thế giới, Mai Hà phát hành, 2021.
  3. Jean Anthelme Brillat-Savarin, Sinh lý học vị giác, Phương Ngô dịch, NXB Hội Nhà văn, Book Hunter phát hành, 2024.
  4. Vũ Thị Tuyết Nhung, Hà thành hương xưa vị cũ, NXB Hà Nội, 2023.
  5. Ellen Oxfeld, Đắng cay và ngọt bùi, Quách Trọng dịch, NXB Đà Nẵng, Book Hunter phát hành, 2024.
  6. Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, NXB Tri thức, 2012.
  7. Lê Trung Vũ (chủ biên), Tết cổ truyền của người Việt, NXB Văn hóa dân tộc, 2012.

Ramen – món mì nước “giá rẻ” trở thành trào lưu tại Việt Nam

Vài năm trở lại đây, chúng ta không thể phủ nhận sức hút của trào lưu ăn món mì ramen khắp Việt Nam. Từ những con ngõ nhỏ trong lòng Sài Gòn, hay những hàng quán lung linh sáng đèn giữa con phố đông đúc tại Hà Nội… Dường như ở đâu người ta cũng tìm thấy một quán ramen “rặt” Nhật Bản.  Nhắc đến mì ramen, nhiều người lờ mờ liên hệ luôn tới mì undon và mì soba bởi cả ba loại mỳ

Chu Hà

10/11/2023

ROBOT CHEF – ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG NỘI TRỢ

Sau một ngày dài làm việc vất vả, không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ động lực để nấu một bữa ăn ngon lành và hấp dẫn. Thay vì đánh vật với bếp núc, nhiều người lựa chọn các bữa ăn ở nhà hàng dù cho giá cả đắt đỏ và không phải lúc nào cũng bảo đảm về an toàn cũng như dinh dưỡng. Ý tưởng về một đầu bếp robot, sẵn sàng phục vụ bạn những bữa ăn ngon khi bạn

Không gian thứ ba: từ câu chuyện “Đời sống cà phê tại Nhật Bản”

Đến với  “Đời sống cà phê tại Nhật Bản” Tokyo, một buổi sáng mùa xuân, nhiệt độ ngoài trời là 20C, nắng bắt đầu lên, trời lạnh nhưng không giá buốt mà mát mẻ vô cùng. Sau khi lang thang ngắm nhìn những con phố đang dần tỉnh giấc, tôi bước vào một quán cà phê có phong cách độc đáo. Chủ quán là hai vợ chồng đã cao tuổi, rất nhanh nhẹn, cúi đầu chào đón khách theo phong cách của người Nhật. Tôi

Trò chuyện về ẩm thực và xung đột tại Nga với Darra Goldstein – Tác giả của “Vương quốc lúa mạch đen”

Darra Goldstein, một học giả về ẩm thực và tác giả, đã tham gia cùng Jill Dougherty để thảo luận về cuốn sách mới của bà, Vương quốc lúa mạch đen: Lược sử ẩm thực Nga. Trong cuộc trò chuyện, họ khám phá nguồn gốc và lịch sử của nhiều món ăn và nguyên liệu truyền thống của Nga, cũng như vai trò của chúng trong văn hóa rộng lớn hơn. Cuộc thảo luận cũng đề cập đến mối quan hệ giữa văn hóa ẩm

Cụt Đuôi

04/01/2025

Bảo tồn ẩm thực truyền thống và bản sắc văn hóa – Bài học từ ẩm thực Hồi giáo tại Palestine trong xung đột chính trị

Theo Arjun Appadurai và Warren Belasco, ẩm thực đại diện cho tập thể và thể hiện chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu và chúng ta muốn trở thành ai.[1] Nó là một sản phẩm văn hóa mà qua đó tính sắc tộc được hình thành.[2] Sở thích về thực phẩm của chúng ta tiết lộ mức độ mà chúng ta mong muốn bao gồm những người khác vào trong tập thể của chúng ta và mức độ mà chúng ta thừa nhận