Home Chuyên đề tháng Thực phẩm là ranh giới đầu tiên của xung đột Israel-Palestine

Thực phẩm là ranh giới đầu tiên của xung đột Israel-Palestine

Tiếng gà gáy le te xé tan sự tĩnh lặng, bình yên của hoàng hôn và đánh thức Doha. Bà bước ra khỏi giường và mặc thobe của Palestine – một chiếc váy thêu truyền thống – để bắt đầu công việc buổi sáng. Cho gà ăn, tưới nước cho cây trồng và chuẩn bị bữa sáng cho chồng và con gái. Người phụ nữ 60 tuổi này đã sống trong ngôi nhà này cả đời và bà đã chăm sóc mảnh đất này gần bằng thời gian đó. Đôi tay bà chai sạn và khuôn mặt bà sạm đen vì nắng, nhưng bà không bao giờ cảm thấy mệt mỏi với công việc mà một người nông dân phải làm. Trên thực tế, bà nói rằng công việc này giúp bà lấy lại sức lực.

Vào buổi sáng tháng 5 này, khi mặt trời mọc từ phía Burin, một ngôi làng ở Bờ Tây, ngay phía đông Nablus, khói bốc lên theo. Khi Doha thoáng nhìn thấy đám khói qua cửa sổ, bà hoảng sợ. Vì ngôi nhà của bà nằm sâu trong sườn núi nên bà không thể nhìn thấy nơi ngọn lửa đang cháy. Bà chạy lên cầu thang lên mái nhà để nhìn về phía thung lũng. Bên kia Đường 60, xa lộ chính qua Bờ Tây, ngọn lửa màu cam tàn phá những vườn ô liu của bà. Hàng ngàn cây ô liu cháy rụi. Vụ thu hoạch ô liu vào mỗi tháng 10 mang lại phần lớn thu nhập khiêm tốn của bà.

“Tôi chỉ có thể ngồi, nhìn và khóc khi tất cả vườn cây của tôi cháy rụi,” bà hồi tưởng khi phát lại đoạn video ghi lại cảnh tàn phá vào buổi sáng bằng điện thoại di động.

Những cánh đồng này cách trung tâm Burin khoảng 400m và gia đình bà đã sở hữu chúng từ trước khi Israel được thành lập vào năm 1948. Doha cho biết bà vẫn còn giữ giấy tờ. Tuy nhiên, vào những năm 1980, khi sự phát triển của các khu định cư của Israel ở Bờ Tây tăng tốc và Yitzhar, người hàng xóm của Burin, đã thâu tóm đất của bà.

Doha, người yêu cầu chúng tôi không tiết lộ họ của bà, không thể tự do tiếp cận tài sản này. Quân đội Israel và những người định cư có vũ trang canh gác nơi này. Bà được phép vào trong 2-3 hàng năm trong mùa thu hoạch. Ngay cả khi đó, bà vẫn phải phối hợp với Cơ quan Quản lý Dân sự Israel, và bà đã phải chịu sự quấy rối và ném đá từ những người định cư trong những chuyến thăm vườn được chấp thuận trước đó.

Cảnh tượng bi thảm này rất quen thuộc với hàng nghìn gia đình Palestine. Nhân danh an ninh, Israel đã di dời họ khỏi vùng đất này và xóa bỏ gốc rễ lịch sử của họ đối với địa điểm địa lý này. Đối với người Palestine, thực phẩm và nông nghiệp không chỉ là một thú vui; chúng là kế sinh nhai. Nếu không có chúng, họ sẽ mất khả năng về mặt kinh tế, không có tiếng nói về mặt chính trị và không còn di sản văn hóa của riêng mình. Cho đến nay, đó chính xác là lý do tại sao một hệ thống lương thực có chủ quyền và tự cung tự cấp lại là mục tiêu ban đầu của Israel.

Theo nhiều cư dân Bờ Tây, sự chiếm đóng của Israel đã biến đổi hệ thống lương thực của người Palestine, chuyển đổi nó từ một xã hội sản xuất thành một xã hội tiêu dùng. Một mạng lưới luật lệ phức tạp khiến việc bán các loại nông sản hoặc các sản phẩm như tahini (bột vừng/mè) với giá đủ cao như một nguồn thu nhập bền vững trở nên khó khăn và các khu định cư tiếp tục xâm lấn vào các ngôi làng của người Palestine, chiếm giữ đất canh tác và hạn chế quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng như nước. Thực phẩm là ranh giới đầu tiên của cuộc xung đột này, và quyền của người Palestine trong việc được sản xuất, bán và ăn thực phẩm địa phương là thước đo khả năng tồn tại trong tương lai của phong trào kháng chiến.

Nguồn gốc của vùng Lưỡi liềm màu mỡ

Nhìn chung, lịch sử của người Palestine là lịch sử nông nghiệp. Vùng đất giữa Biển Địa Trung Hải và Sông Jordan – nơi Israel và Palestine ngày nay tọa lạc – bao gồm một phần đáng kể của vùng Lưỡi liềm màu mỡ (một vùng hình lưỡi liềm ở Trung Đông). Các nhà sử học tin rằng đây là nơi các xã hội nông nghiệp đầu tiên bắt đầu, được hỗ trợ bởi khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ gần nguồn nước. Người dân đã đổi mới với nhiều loại cây trồng và kỹ thuật canh tác để nuôi sống bản thân và thế giới.

Mối quan hệ và sự tôn trọng đối với đất đai này vẫn là nền tảng vững chắc trong bản sắc của người Palestine. Mohammed Fokha, một người nông dân ở Tubas, cách Nablus khoảng 14 dặm về phía bắc, cho biết: “Đất đai là thứ rất thiêng liêng đối với chúng tôi. Đó là tâm hồn và di sản của chúng tôi”. Ngôi làng này từng bao phủ một diện tích rộng lớn khoảng 2.000 mẫu Anh, chủ yếu được sử dụng để trồng nhiều loại cây trồng khác nhau như rau bina, dưa hấu và ớt. Nhưng sự phát triển tràn lan của khu định cư Israel gần đó đã xâm phạm phần lớn diện tích đó, ăn mòn các nguồn tài nguyên có giá trị. Nhiều cư dân Tubas cuối cùng đã từ bỏ tài sản vì họ không còn có thể sống trên đất của mình nữa, Fokha cho biết.

Số phận của vùng Tubas mang tính biểu tượng cho cuộc chiến tranh rộng lớn hơn nhằm vào tính hợp pháp từ tuyên bố của người dân Palestine đối với vùng đất này và khả năng tự duy trì của họ nhờ sự trù phú của vùng đất. Những gia đình như gia đình Doha đã sống ở cùng một thị trấn, thường là trên cùng một lô đất, qua nhiều thế hệ. “Những cây ô liu cổ thụ của tôi tồn tại nhiều năm hơn bất kỳ ai còn sống ngày nay”, bà nói. Từng tự cung tự cấp, Palestine hiện phụ thuộc vào Israel và các quốc gia khác để vận hành. Theo những phát hiện từ Viện Công nghệ Massachusetts, quốc gia này đã nhập khẩu khoảng 840 triệu đô la hàng hóa vào năm 2017, chỉ xuất khẩu 95 triệu đô la. Ngân hàng Thế giới phát hiện ra rằng quốc gia này đã nhận được 2.1 tỷ đô la viện trợ phát triển chính thức. (Chính quyền Trump đã cắt giảm đáng kể viện trợ cho Bờ Tây và Dải Gaza). Tình trạng phụ thuộc này bắt nguồn trực tiếp từ các thỏa thuận được cho là tạo ra hòa bình – Hiệp định Oslo và Nghị định thư Paris.

Tác động của các Hiệp định quốc tế

Trước Hiệp định Oslo I năm 1993, người Palestine và người Israel có thể di chuyển khá tự do qua biên giới giữa Israel và Dải Gaza và Bờ Tây. Với sự tự do di chuyển đó, người dân có thể tiếp cận thị trường của nhau và trao đổi hàng hóa và lao động. Hiệp định Oslo đã đưa ra sự phân chia nghiêm ngặt giữa hai bên, mặc dù hiệp định này chỉ dừng lại ở việc tuyên bố Palestine là một tiểu bang, và chia Bờ Tây thành ba khu vực – Khu vực A, B và C – với chế độ quản lý khác nhau cho từng khu vực. Khu vực A và B được trao cho Chính quyền Palestine trong khi Khu vực C, chiếm khoảng 60% Bờ Tây, vẫn chịu sự quản lý của chính quyền quân sự và dân sự Israel. Điều này được cho là sẽ kéo dài trong 5 năm tiếp theo trong khi tiến trình hòa bình vẫn tiếp tục, nhưng các cuộc đàm phán đã kết thúc với cuộc Intifada lần thứ hai. Người dân Palestine từ Bờ Tây và Dải Gaza không còn có thể tiến vào Israel để làm việc hoặc bán hàng hóa của họ mà không có giấy cấp phép đặc biệt, một quá trình ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới từ năm 2016 ước tính rằng việc cho phép người dân Palestine tiếp cận bình đẳng với Khu vực C sẽ làm tăng GDP thêm một phần ba.

Năm tiếp theo, hai chính phủ đã ký Nghị định thư Paris để điều chỉnh tương tác kinh tế. Thỏa thuận này đã kìm hãm mọi hy vọng phát triển kinh tế của Palestine, gần như đảm bảo rằng Palestine sẽ phụ thuộc vào Israel. Thỏa thuận này trao cho Israel quyền kiểm soát hoàn toàn biên giới và đặt trung tâm thông quan duy nhất dưới quyền tài phán của mình. Hàng hóa ra vào Palestine vẫn phải chịu thuế của Israel. Hàng xuất khẩu của Palestine bị đánh thuế nặng trong khi hàng hóa của Israel được tự do vào Palestine. Hàng hóa của Israel, đặc biệt là các sản phẩm nông sản và thực phẩm như tahini và dầu ô liu, tràn ngập thị trường với các lựa chọn thay thế rẻ hơn so với các lựa chọn địa phương.

Raya Ziada, người sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận về sinh thái nông nghiệp có trụ sở tại Ramallah, cho biết kết quả là sự chuyển đổi mạnh mẽ của Palestine. “Chúng tôi phụ thuộc vào các bên khác, cho dù đó là Israel hay viện trợ quốc tế, và chúng tôi phải tuân theo chỉ đạo của các bên khác về sản xuất thực phẩm”.

Raya và những người khác cho rằng đây là hành động cố ý của người Israel nhằm cản trở sự phản đối việc chiếm đóng.

“Thực phẩm là một trong những cách dễ nhất để kiểm soát một quốc gia”

Trong nhiều thế kỷ, thực phẩm là nền tảng tồn tại của người Palestine. Sự đảo ngược này đe dọa đến chính sinh kế của họ. Ziada nói “Thực phẩm là một trong những cách dễ nhất để kiểm soát một quốc gia. Quyền tự do sản xuất thực phẩm của riêng chúng tôi, thực phẩm tự nhiên và đặc thù của vùng đất của chúng tôi, không phải là một đặc quyền trong trường hợp của chúng tôi. Đó là điều bắt buộc tuyệt đối”.

Raya thành lập Manjala vào năm 2016 để giới thiệu lại cho cư dân thành phố ở Ramallah về nông nghiệp và thực phẩm đặc thù. Cô ủng hộ nông dân, tổ chức các hội thảo về các hoạt động truyền thống hoặc thực vật bản địa và phục hồi không gian xanh xung quanh Ramallah. Là một phụ nữ thuộc thế hệ tiến bộ, không theo tôn giáo, cô nổi bật ngay cả ở thành phố tự do nhất Bờ Tây. Cô để tóc cắt kiểu pixie và mặc áo nát nách bên trong áo vest denim chắp vá. Cánh tay thường để trần của cô để lộ một loạt hình xăm.

Quyền tự do trồng cùng một loại thực phẩm đã được trồng ở Palestine trong hàng nghìn năm không chỉ là một phần trong cách Ziada nhìn nhận cuộc xung đột. Nó là cốt lõi của cuộc xung đột. “Tôi cảm thấy đây là giải pháp cụ thể nhất đối với việc chiếm đóng”, cô nói. Cô lấy ví dụ về cây ô liu và za’tar (tên gọi chung của một họ loài rau thơm của vùng Trung Đông) – hai biểu tượng của bản sắc dân tộc Palestine – để minh họa cho ý nghĩa của nó. Cả hai loại cây này đều đang bị Israel lấn chiếm vùng đất sinh tồn. B’tselem, một tổ chức nhân quyền của Israel, ước tính những người định cư đã đốt hàng nghìn cây trên các tài sản của người Palestine mỗi năm và còn có một luật của Israel cấm thu hoạch za’tar hoang dã.

“Việc tước quyền tiếp cận [những loại cây này] không chỉ làm suy yếu nền kinh tế của chúng tôi và ảnh hưởng đến những gì chúng tôi ăn. Nó còn mang tính biểu tượng”, cô nói.

Nhưng việc đạt được chủ quyền lương thực – nuôi sống toàn bộ Palestine bằng các mặt hàng được sản xuất tại địa phương và các loại cây trồng bản địa – không chỉ là khát vọng. Đó là sự mở rộng trực tiếp của cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Israel và Palestine.

>> Tìm hiểu thêm về sách: Hummus và Falafel – Liora Gvion – Book Hunter Lyceum

Sự giải thể chậm chạp của các trang trại Palestine

Ngôi nhà của bà Doha ở Burin rất khiêm tốn, nhưng được bao quanh bởi tầm nhìn hùng vĩ ra thung lũng lân cận. Bà cho biết hầu hết những vùng đất đai này thuộc về gia đình bà trước năm 1948. Người Palestine gọi năm đó là nakba, thảm họa, để tưởng nhớ thời điểm 700.000 người phải rời bỏ nhà cửa vì sợ bị Israel đàn áp.

Bà đứng trên hiên nhà cạnh phòng khách và chỉ về phía đỉnh đồi, cách đó khoảng nửa dặm. Bà cho biết nơi đây tràn ngập những cánh đồng cây xô thơm và za’tar hoang dã mà bà sẽ thu hoạch và dùng để tẩm ướp bánh taboun của mình – một loại bánh mì dẹt được nướng trong lò đốt củi trên đá để tạo ra các rãnh để hứng gia vị – cho đến khi luật của Israel được thông qua vào năm 1977. Ngoài ra còn có một suối nước ngọt. Nhưng khu định cư trên đồi khiến bà phải sống ở vùng ngoại ô của khu đất, không thể hái thảo mộc hoặc lấy nước. Bà cho biết “Đôi khi, tôi đứng ở hàng rào và nói chuyện với đất đai. Tôi nói với chúng rằng bọn họ sẽ không ở đây mãi mãi. Giống như đến thăm một người họ hàng vậy”.

Bà Doha chỉ cao 5 feet (~1.52m), nhỏ bé, nhưng sự nhanh trí và nụ cười dễ mến của bà thu hút sự chú ý. Giọng điệu vui vẻ và lạc quan thường ngày của bà thay đổi khi bà nói về vùng đất đã mất. Ánh sáng trong mắt bà mờ đi một chút, và tâm trạng của bà trở nên u ám, thậm chí có thể hơi đen tối khi bà suy ngẫm về sự khó giải quyết của cuộc xung đột. “Đây là số phận của chúng tôi, là ở đây”, bà nói. “Chúng tôi đang ở trong một cuộc đấu tranh không ngừng”.

Một phần quan trọng trong chiến dịch của Israel nhằm nhổ tận gốc người Palestine ở Bờ Tây là chiếm đất có phương pháp. Các khu định cư bắt đầu xuất hiện sau Cuộc Chiến Sáu ngày năm 1967, khi chiến thắng có tính quyết định của Israel đã đẩy biên giới nhà nước ban đầu vào sâu hơn Bờ Tây. Những cộng đồng rộng lớn này không được dựng lên trên đất trống; chúng được xây dựng trên đất bị tịch thu hoặc đánh cắp từ người Palestine, được củng cố bởi một hệ thống luật phức tạp bảo vệ cả nhà thầu và người định cư khỏi hầu hết các hành động pháp lý trả đũa. Trong số những cách khác, Israel có thể tịch thu đất nếu đất đó không được đăng ký chính thức cho người Palestine, một quy trình hiếm khi được sử dụng trong Đế chế Ottoman và Ủy trị của Anh; nếu nó được coi là “vắng mặt”, điều này thường xảy ra khi mọi người bị chính phủ hoặc cảnh sát ngăn cản; hoặc nếu nó được coi là cần thiết cho mục đích quân sự.

Mặc dù đã bị Liên hợp quốc chỉ trích và coi là bất hợp pháp vào năm 2016 (Hoa Kỳ đã bỏ phiếu trắng), các khu định cư vẫn tiếp tục mở rộng, tiêu tốn nước, mùa màng và nhà cửa hiện có khi chúng phát triển. Theo ước tính của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, có hơn 628.000 người định cư Israel đang sống ở Bờ Tây. Vào tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đang trong quá trình tái tranh cử căng thẳng, đã tuyên bố ông sẽ không cho phép nhổ bỏ bất kỳ khu định cư nào ở Bờ Tây như một phần của kế hoạch hòa bình lớn hơn.

Bị bao quanh bởi các khu định cư

Muhab Al Alami hiểu rõ tác động của việc có những người định cư làm hàng xóm. Ông là người đồng sáng lập và đồng sở hữu Om Sleiman Farm, mô hình nông nghiệp đầu tiên được cộng đồng hỗ trợ tại Palestine. Trang trại hữu cơ rộng hai mẫu Anh này nằm trên đỉnh đồi ở Bilin, cách Ramallah khoảng 45 phút. Những hàng cây ăn quả, rau và cây bản địa, nhiều loại trong số đó đã được nhổ khỏi Bờ Tây, mọc men theo mặt đất, mỗi hàng được dán nhãn bằng một tấm biển vẽ tay đầy màu sắc trên các tấm gỗ.

Mô tả này gợi lên một khung cảnh bình dị, nhưng sự đối lập của trang trại với bối cảnh xung quanh đã phá vỡ mọi gợi ý về hòa bình. Cách đó chưa đầy một sân bóng đá là Rào chắn Phân cách, một dãy khối bê tông liền kề được trang trí bằng dây thép gai. Israel đã xây dựng nó trên khắp Khu vực C trong cuộc Intifada lần thứ hai để bảo vệ chống lại những kẻ đánh bom liều chết và khủng bố. Nó đã giúp giảm bạo lực. Nó cũng đã vượt qua 60% vùng Bilin, thậm chí các cuộc biểu tình kéo dài đã vận động Israel lùi kế hoạch xây dựng bức tường lại 100 mét.

Al Alami lái xe qua bức tường mỗi ngày, một lời nhắc nhở mới về cuộc chiếm đóng và cách nó đe dọa sự sống còn của ông. Một ngày thứ sáu trong tháng 7, ba người biểu tình Palestine tụ tập để lên tiếng phản đối. Họ ném đá, hô vang khẩu hiệu và đốt một đống lửa nhỏ trước khi ba người lính trèo lên tháp canh và yêu cầu họ rời đi. Al Alami nói, về cơ bản, đây là một cuộc chiến về đất đai, và cách nó đã thay đổi để cố tình loại trừ người Palestine. Ông nói: “Họ đang áp đặt một cách nhân tạo những loại cây trồng chưa bao giờ phát triển ở đây và sử dụng các kỹ thuật làm thay đổi đất mãi mãi, vì vậy chúng tôi không thể tiếp tục trồng trọt những gì chúng tôi đã trồng trong hàng trăm năm nữa”.

Định giá khiến các sản phẩm của Palestine bị mất vị thế trên thị trường

Rào cản vật lý đáng gờm không phải là trở ngại duy nhất khiến người Palestine không thể đảm bảo chủ quyền lương thực.

Vào một buổi sáng mùa hè nóng nực ở Đông Jerusalem, Khu phố Hồi giáo của Thành phố Cổ rộn ràng với âm thanh của khu chợ. Thuận mua vừa bán. Giá cả được trao đổi. Những người bán hàng mời chào người qua đường dừng lại ở gian hàng của họ. Hầu hết những người bán hàng xếp hàng dọc hai bên những con phố lát đá cuội hẹp. Họ đứng sau những hộp rau và trái cây được trưng bày theo yêu cầu. Mặc dù những người bán hàng là người Palestine, nhưng nhiều người bán sản phẩm của Israel. Các mặt hàng được lưu trữ trong các hộp có nhãn tiếng Do Thái.

Chính phủ Israel coi Đông Jerusalem là một phần của Israel, mặc dù những người sinh ra ở đó không đương nhiên được hưởng quyền công dân Israel và tình trạng này chưa được quốc tế công nhận. Israel được tự do tiếp cận thị trường của mình, nơi họ thúc đẩy hàng hóa miễn thuế của Israel. Trong khi đó, sản phẩm được mang đến từ Bờ Tây, nguồn cung cấp phần lớn nông nghiệp của Palestine, bị đánh thuế cao và phải trải qua quá trình xin giấy phép khó khăn và hiếm khi được bật đèn xanh để vượt biên giới. Một báo cáo từ Liên hợp quốc ước tính chi phí để người Palestine kinh doanh ở đây cao gấp đôi.

“Có sự căng thẳng lớn giữa sự phản kháng và sự sống còn”, Izzeldin Bukhari nói. Ông là người sáng lập Sacred Cuisine, một công ty có trụ sở tại Jerusalem tổ chức các hoạt động xoay quanh thực phẩm như một sự thách thức. Bukhari trình bày chi tiết về hệ thống môi giới mới nổi, một ngành công nghiệp gia đình xuất phát từ việc cấm bán sản phẩm của Palestine. Một người nông dân Israel sẽ bán với số lượng lớn với giá rất thấp cho một người trung gian Palestine, sau đó người này sẽ cắt một phần và bán cho người bán hàng rong. Ông cho biết Israel có công nghệ tốt hơn, tiếp cận được vùng đất màu mỡ nhất và có khả năng cải tạo cây trồng, vì vậy các nông sản của họ thường bóng bẩy hơn, to hơn và đẹp hơn trên thị trường.

Nhiệm vụ bán hàng hóa của người Palestine thường thuộc về những người không có cách nào khác để kiếm sống. Theo luật pháp Israel, phụ nữ trên 50 tuổi được phép vào Jerusalem từ Bờ Tây mà không cần giấy phép. Những người phụ nữ lớn tuổi từ các ngôi làng nông nghiệp xa xôi đi xe buýt hàng giờ mỗi ngày để mang cà tím, dưa chuột, lê gai và các mặt hàng khác đến chợ. Họ thường không được Israel cho phép bán hàng. Thay vì có một gian hàng, họ ngồi trên sàn đá cứng và xếp thành một hàng thẳng ở giữa lối đi chính của chợ. Đội khăn trùm đầu, họ phải ngồi 8 giờ mỗi ngày dưới ánh nắng mặt trời mùa hè nóng nực, hy vọng sẽ bán được một số nông sản. Những sản phẩm của họ trông nhỏ, méo mó và thậm chí hơi bẩn so với những sản phẩm tương tự được sản xuất hoàn hảo của Israel được bán cách đó vài bước chân. Bukhari cho biết: “Nó củng cố quan điểm cho rằng Palestine thấp kém hơn Israel và chúng tôi cần họ để tồn tại”.

Tahini: Biểu tượng văn hóa của người Palestine

Tuy nhiên, có một số thứ được ngầm hiểu là ngon hơn ở Palestine. Ở các nước Trung Đông, tahini không chỉ là một thành phần chính trong ẩm thực mà còn là yếu tố quyết định bản sắc dân tộc. Tahini của người Palestine đủ mặn để làm sốt rưới lên, đủ béo để ăn không và đủ ngậy để phết. Không giống như loại thay thế đắng, có sạn được tìm thấy ở Hoa Kỳ. Chất lượng cao nhất quán đến từ cam kết không lay chuyển của những người sản xuất tahini trong việc tuân thủ quy trình sản xuất ban đầu, đòi hỏi nhiều công sức. “Đây là công việc khó khăn, công việc cũ, nhưng là công việc quan trọng. Chúng tôi đã làm điều tương tự trong hàng trăm năm”, một công nhân nhà máy tahini nói khi anh ta rang hạt trên ngọn lửa.

Tahini bắt đầu bằng hạt vừng/mè sống. Chúng được ngâm trong nước muối trước khi một số được bóc vỏ, một số khác được rang và một số để sống tùy thuộc vào loại tahini mong muốn. Tahini Kosher – một chứng nhận cần phải có từ Giáo sĩ Do Thái Israel để được bán ở hầu hết các thị trường Israel – yêu cầu phải không bóc vỏ và không nướng. Người Palestine thường tách vỏ hạt, khiến tahini của họ có màu hơi sẫm hơn. Sau đó, chúng được nghiền thành bột trong cối xay cũ hàng trăm năm tuổi, tạo ra độ mịn đặc trưng đáng kinh ngạc của các mẻ Tahini của người Palestine và được đổ vào các thùng chứa.

Các trang trại vừng từng mọc khắp Bờ Tây, phát triển mạnh nhờ khí hậu khô cằn. Nhưng sau khi Rào cản Phân cách được thiết lập và Israel áp thuế đối với hàng hóa của người Palestine, việc sử dụng hạt giống địa phương trở nên quá tốn kém và nhiều nông dân đã phá sản hoặc chuyển đổi cây trồng của họ. Ngày nay, hầu hết các nhà máy tahini đều nhập khẩu vừng từ Ethiopia và Nigeria. Bukhari cho biết: “Việc giao hạt giống đến tận nhà rẻ hơn và dễ dàng hơn là mạo hiểm để chúng bị tịch thu tại trạm kiểm soát hoặc nghỉ làm để tự mình lấy chúng”.

Mặc dù là nguồn tự hào của dân tộc, nhưng phần lớn tahini ngon nhất của Palestine đều được bán cho Israel. Al-Tammam Tahini là một nhà máy do gia đình thế hệ thứ ba sở hữu tại Nablus. Đá họ dùng để nghiền hạt đã tách vỏ có niên đại 150 năm tuổi từ Syria, được truyền lại từ người đứng đầu gia đình, người đã sáng lập ra doanh nghiệp này. Doanh nghiệp đã phát triển đáng kể kể từ khi thành lập, hiện sản xuất khoảng 850 kg tahini mỗi ngày.

Mamdouh Tammam là cháu trai và hiện là người quản lý hoạt động hàng ngày tại nhà máy. Anh có khuôn mặt bầu bĩnh, tiếng cười sảng khoái và niềm đam mê rõ ràng với món ngon của gia đình. Anh cho biết “Mọi người đều biết Palestine có tahini ngon nhất. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung của Al-Tammam được bán ở Israel. Khách hàng lớn nhất của chúng tôi là một công ty sản xuất nước sốt salad có trụ sở tại Tamra, nơi đặt hàng với số lượng lớn đến mức chúng tôi phải dành phần lớn thời gian trong năm chỉ để đáp ứng nhu cầu đó”.

Nhưng giá bán ở Israel rất cao và các nhà máy như Al-Tammam phải chịu chi phí. “Chúng tôi phải trả tiền cho không khí mà chúng tôi hít thở”, Tammam nói. Theo các điều khoản của Nghị định thư Paris, Israel kiểm soát các điểm nhập cảnh và thu phí hoa hồng. Tammam cho biết anh nhớ lại thời điểm chính phủ bỏ bê các túi hạt giống, để chúng vương vãi hoặc hỏng tại cảng. Al-Tammam cũng phải trả phí cho chứng nhận kosher để bán sản phẩm tahini của mình tại Israel. Tammam cho biết họ phải trả 15.000 shekel mỗi tháng, tương đương khoảng 4.242 đô la, cho một giáo sĩ Do Thái đến kiểm tra cơ sở và gia hạn giấy phép.

Những trở ngại này ngăn cản các nhà sản xuất tahini như Al-Tammam tối đa hóa lợi nhuận và hoạt động với bất kỳ quyền tự chủ nào. Tuy nhiên, vì người tiêu dùng ở Israel coi trọng tahini chất lượng cao nên vẫn có sự đảm bảo nguồn khách hàng, ngay cả khi phải thông qua mối quan hệ bóc lột. Những thách thức cũng khác nhau đối với những người tạo ra thứ gì đó không phục vụ cho nền kinh tế hoặc thị hiếu của Israel.

Thực phẩm như sự phản kháng dân sự

Shadia Hamza tin rằng cô có thể nâng tầm cho vùng Jericho thông qua ẩm thực và phục hồi nền kinh tế nông nghiệp của Thung lũng Jordan bằng cách trả cho nông dân mức giá công bằng. Thung lũng này từng nuôi sống hầu hết người Palestine và một số vùng của Israel. Thung lũng nằm dưới mực nước biển với môi trường gần như hoàn hảo cho các loại trái cây, đặc biệt là chà là căng mọng và chuối ngọt. Trong cuộc Intifada lần thứ hai, vùng Jericho bị quân đội Israel bao vây và cắt đứt khỏi các tuyến đường chính nối liền với đất nông nghiệp, nông dân nông thôn và các thành phố khác. Sau khi bạo lực kết thúc, quyền tiếp cận các khu vực này không bao giờ được khôi phục và một mạng lưới các trạm kiểm soát và giấy phép được đưa vào thay thế. Do đó, lượng khách hàng của nhiều nông dân ở Thung lũng Jordan đã giảm và lợi nhuận cũng giảm.

Đó là nơi Hamza bước vào. Cô tập hợp những người phụ nữ trong cộng đồng để nấu các món ăn Palestine theo phong cách gia đình bằng các nguyên liệu có nguồn gốc tại địa phương. Họ bán các món ăn truyền thống như maqluba – cơm hầm, rau và thịt gà – và fatayer – bánh ngọt mặn nhồi thịt và phô mai – với giá cả phải chăng. Nó cung cấp thêm thu nhập cho các gia đình có người thân chiến đấu, hỗ trợ các nguồn tài nguyên nông nghiệp còn lại và truyền cảm hứng cho lòng tự hào dân tộc thông qua thực phẩm. Hamza nói: “Văn hóa của chúng tôi xoay quanh nghề nông, nhưng khi mất đất, chúng tôi có nguy cơ mất đi nền văn hóa và những phong tục đi kèm với nó”.

Dự án đó hiện đã trở thành YWCA (Hiệp hội Cơ đốc Phụ nữ Trẻ). Hiện tại, dự án này tuyển dụng 16 phụ nữ làm việc toàn thời gian và trả cho nông dân mức lương đủ sống cho mùa màng của họ. Giám đốc điều hành của dự án cho biết dự án nhận được nguồn tài trợ quốc tế, nhưng khả năng tự cung tự cấp trong tương lai là rất thấp. Họ không kiếm đủ tiền để kinh doanh ở Israel, nơi họ phải tăng giá để bù đắp thêm thuế và phí cấp phép, nhưng nếu không có nguồn cứu trợ, họ không thể trả lương công bằng cho nông dân.

“Thiếu nước do con người gây ra”

Lái xe qua Bờ Tây là đi qua một cảnh quan thiên nhiên với màu nâu, cam và đỏ. Đó là những ngọn đồi nhấp nhô rải rác những lùm cây ô liu hoang dã và những luống cây trồng, và quang cảnh của những thành phố rộng lớn ở phía xa, hơi bị che khuất bởi một làn sương mờ. Bối cảnh đó đột nhiên thay đổi khi đối mặt với một khu định cư của Israel. Sắc thái sa mạc được đổi thành màu xanh ngọc lục bảo, và cây ô liu được đổi thành cây thông. Những dải đất nông nghiệp đột nhiên trở thành hồ bơi và sân bóng đá, và đất nông nghiệp khô cằn trở thành thảm thực vật xanh tươi.

Fokha, người sống trong ngôi làng Tubas bị bao quanh bởi những khu định cư như vậy, cho biết sự phân cực gây sốc này là lời nhắc nhở liên tục về sự chiếm đóng của Israel. Ông nói: “Họ có tất cả những thứ này, còn chúng tôi đã bị tước đoạt sinh kế của mình. Tất cả những gì tôi muốn là đủ nước để nuôi sống gia đình và đất đai của mình”.

Theo nhiều chuyên gia, đây cũng là cách hiệu quả nhất để gây tổn hại vĩnh viễn đến hệ thống lương thực của người Palestine.

Do điều kiện khô hạn, việc tiếp cận nước từ lâu đã trở thành vũ khí trong cuộc xung đột. Nhiều đến mức, Hiệp định Oslo đã tìm cách giải quyết vấn đề này. Hiệp định quy định rằng trong thời gian tạm thời là 5 năm, Israel sẽ được tiếp cận 80% lượng nước được bơm từ Bờ Tây và người Palestine sẽ được tiếp cận 20% còn lại. Hiệp định cũng hạn chế lượng nước mà Palestine có thể khoan từ tầng chứa nước ngầm chung trên núi, trong khi vẫn cho phép Israel tiếp cận không giới hạn và yêu cầu Israel bán một lượng nước đã định trước cho người Palestine hàng năm. B’tselem choi biết những gì đã xảy ra kể từ khi tình trạng thiếu nước “phần lớn do con người gây ra” đã cho phép Mekorot, công ty nước do nhà nước Israel điều hành, kiểm soát toàn bộ lưới điện, ưu tiên tiếp cận cho những người định cư trong khi hàng trăm nghìn người Palestine phải sống thiếu nước trong nhiều tuần mỗi năm.

Những người nông dân Palestine trên khắp Bờ Tây không thể sinh tồn vì hậu quả này nữa. Fokha, người đã làm việc trên cùng một mảnh đất kể từ năm 18 tuổi, chỉ có đủ nước để trồng trọt trong một mùa – từ tháng 8 đến tháng 3 – khiến năng suất của anh giảm một nửa. Anh cho biết đất đã bị hạn hán nên không thể trồng dưa hấu, khoai tây và một số loại dưa chuột nữa. Yosef Salmon đã làm nông dân ở Beit Jala, một khu vực bên ngoài Bethlehem, trong gần 45 năm. Anh cho biết trước đây có 5 suối nước ở Thung lũng Makhrour. Ngày nay, anh chỉ có thể tiếp cận được 1 con suối. Người hàng xóm của anh, Basem (người này yêu cầu giữ không tiết lộ họ của mình), đã không thể tưới tiêu một nửa mùa màng của mình vào năm ngoái, vì vậy anh đã bị thất thu và không thể sống bằng vụ thu hoạch dự kiến. “Nếu không có nước, chúng tôi không thể tiến triển. Nếu không có nước, chúng tôi không thể làm gì cả. Đó là cuộc sống”, Basem nói.

Cuộc sống ở Khu C

Đối với những người sống ở Khu C, luật pháp Israel gần như cấm họ xây dựng thêm các công trình trên tài sản của mình, bao gồm cả những công trình có thể kết nối họ với nước và giúp duy trì đất đai của họ. Basem đã dành một năm để xây dựng một ngôi nhà khiêm tốn với một cơ sở thu gom nước nhỏ để chứa nước mưa. Nó đã bị phá hủy vào năm 2014 sau khi tồn tại trong vài tháng. “Trong vòng chưa đầy một phút, người Israel đã phá hủy nó bằng xe ủi đất”, anh nhớ lại. Nhưng anh vẫn kiên quyết: “Nếu điều này có thể trở nên quá khó khăn, tôi đã dừng lại từ lâu rồi”.

Vào buổi sáng chúng tôi đến thăm trang trại của Doha, nguồn nước của bà ấy đã được mở lại sau 3 ngày. Đây chỉ là một ngày bình thường đối với bà ấy, thực tế là một ngày tốt đẹp, vì bà ấy có khách đến ăn trưa. Bà chuẩn bị một bữa tiệc xa hoa, bàn tiệc chất đầy các món ăn truyền thống của Palestine. Mỗi đĩa thức ăn đều có một ổ bánh mì taboun khổng lồ, được lấy thẳng từ lò nướng và phủ lên trên là hỗn hợp za’tar độc quyền của Doha. Bà gợi ý chấm bánh mì vào hummus, tahini và món salad của nông dân, một hỗn hợp gồm các loại thảo mộc, cà chua và dưa chuột. Mỗi món ăn đều thể hiện mùa màng của bà. Bà cũng cung cấp dầu ô liu. Bà tự ép và cất giữ dầu, sử dụng ô liu hái từ cùng một vườn mà bà đã định thu hoạch vào mùa thu năm nay cho đến khi chúng bị đốt cháy.

Doha cho biết bà vẫn sẽ cứu những gì còn sót lại của cây cối. Bà nói: “Họ không bao giờ có thể thực sự đoạt lấy đất của tôi vì nó nằm trong máu tôi và trong di sản của gia đình tôi. Tôi cảm thấy niềm vui vô cùng lớn lao khi đặt chân lên đất của mình”.

Rõ ràng Doha không phải là người duy nhất tin rằng đất đai không phải là thứ có thể mua, bán và chiếm đoạt. Làm nông là một cách sống, được thể hiện và hiểu thông qua thực phẩm. Tình cảm đó được quần chúng hưởng ứng. Đối với Salmon, anh đang đấu tranh vì những ký ức tuổi thơ; đối với Fokha, ở lại trên mảnh đất là hình thức kháng cự của anh; và đối với Ziada, đạt được chủ quyền lương thực là bước đầu tiên hướng tới tự do chính trị.

Còn nỗi sợ hãi? Không có trong từ vựng. “Không ai có thể chặt đầu tôi ngoại trừ người đã đặt nó ở đó”, bà nói.

Sophia Ngo dịch

Nguồn: Food Is the First Frontier of the Israeli-Palestinian Conflict | Pulitzer Center

Ni sư Jeong Kwan: “Tôi nấu thức ăn cho tâm trí”

Bạn là những gì bạn ăn, cũng như bộ quần áo nói lên con người bạn. Bạn cũng là những gì bạn tạo tác. Đối với ni sư Jeoung Kwang, người được New York Times vinh danh là “đầu bếp triết gia”, sáng tạo các món ăn thể hiện “cấp độ thiền định”. Và với thiền định, bà không tĩnh tọa hay chiêm nghiệm, mà là khám phá: khám phá con người và vạn vật xung quanh. “Tôi không phải đầu bếp”, Jeong Kwan cho

Các khía cạnh về sản xuất, chất lượng và an toàn của đồ uống Kombucha

Giới thiệu Sự phát triển của thức ăn và đồ uống dân gian có liên quan đến các nền văn minh đang phát triển trên toàn cầu. Bên cạnh việc chống lại cảm giác đói, cảm giác no và khẩu vị nói chung, các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau thường được tiêu thụ vì những lợi ích sức khỏe đã được giả định và đã được chứng minh của chúng. Nước nóng chiết xuất từ lá khô của cây chè (Camellia sinensis),

Không gian thứ ba: từ câu chuyện “Đời sống cà phê tại Nhật Bản”

Đến với  “Đời sống cà phê tại Nhật Bản” Tokyo, một buổi sáng mùa xuân, nhiệt độ ngoài trời là 20C, nắng bắt đầu lên, trời lạnh nhưng không giá buốt mà mát mẻ vô cùng. Sau khi lang thang ngắm nhìn những con phố đang dần tỉnh giấc, tôi bước vào một quán cà phê có phong cách độc đáo. Chủ quán là hai vợ chồng đã cao tuổi, rất nhanh nhẹn, cúi đầu chào đón khách theo phong cách của người Nhật. Tôi
Xem

“JULIE&JULIA” – NẤU ĂN NHƯ LỐI THOÁT CHO SỰ NHÀM CHÁN

“Julie&Julia” không phải một bộ phim xuất sắc, nhưng là bộ phim truyền cảm hứng về việc nấu nướng. Bộ phim dựa trên hai câu chuyện có thật của Julie Powell và Julia Child, đều là những đầu bếp và những người viết về nghệ thuật nấu ăn của Pháp. Với họ, nấu ăn là một cách thức để cứu rỗi đời sống của họ khỏi sự nhàm chán. Julie Powell và Julia Child có một điểm chung, đó là họ đều là những người

Những điều cần biết về GMO (Thực phẩm biến đổi gene)

GMO là gì? GMO(Genetically Modified Organism có thể gọi là Sinh vật biến đổi gen hay hiện tại được biết đến nhiều là Thực phẩm biến đổi gen) là kết quả của một quá trình thí nghiệm trong đó 1 loại gen trong hệ thống DNA của loài sinh vật bất kỳ được tách ra và ghép trực tiếp vào trong hệ thống gen của 1 loài động hoặc thực vật khác. Các gen nguồn có thể đến từ vi khuẩn, virus, côn trùng, động