Home Chơi Omar Khayyam và Rumi: Say là một lẽ sống

Omar Khayyam và Rumi: Say là một lẽ sống

“Thần Dionysos hay Bacchus, chúng ta được biết chủ yếu như là hiện thân của cây nho và niêm vui do nước ép của quả nho mang tới. Lễ thờ cúng xuất thần của ngài, đặc trưng bởi những màn nhảy múa dữ tợn, bởi thứ âm nhạc say mê và việc uống rượu vang thả giàn hình như có nguồn gốc từ những bộ lạc nông thôn ở Thrace, vốn đều đặn thả mình trong thú vui uống rượu. Màu sắc huyền thoại của các học thuyết và những nét quá khích trong các nghi lễ của họ chủ yếu xa lạ với đầu óc thông minh trong sáng và khí chất bình tĩnh ung dung của tộc người Hy Lạp. Tuy nhiên, từ thực tế là nó kêu gọi cái tình yêu đối với chuyện thần bí và cái khuynh hướng quay trở lại trạng thái man dã, vốn hình như là tình cảm và khuynh hướng tự nhiên của phần lớn loài người, tôn giáo này đã lan rộng như ngọn lửa trên toàn bộ nước Hy Lạp, đến nỗi vị thần mà Homère hầu như không thèm gọi tên đã trở thành khuôn mặt được lòng dân nhất trong các chư thần của Hy Lạp.” (Trang 620,621 – “Cành vàng – Bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy” – James George Frazer, NXB Văn hóa thông tin, 2006)

Trích dẫn từ “Cành vàng” về Dionysus này thay cho những dẫn giải dài dòng về địa vị của tâm thức Say của nền văn hóa phương Tây và Trung Đông. Sự thờ phụng Dionysus trải dài từ Đông Nam Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Trung Đông và lan sang cả Ấn Độ. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những họa tiết dây nho trong các tác phẩm điêu khắc ở dải văn hóa này, cũng như hình ảnh rượu nho trong thần thoại, cổ tích, thơ ca… Tín ngưỡng Dionysus và trạng thái “say” trong các nghi lễ tôn vinh thần phần gợi cho ta mối liên hệ với trạng thái say ngây ngất như một hiện tượng chứng đắc của các nhà hiền triết và tu sĩ của thế giới Trung Đông mà Omar Khayyam và Rumi là hai bậc say xuất chúng. 

Trạng thái say trong đời sống tinh thần

Lẽ thường, chúng ta luôn chọn ý niệm về sự “tỉnh” để miêu tả về trạng thái chứng đắc tâm tinh. “Tỉnh” cho thấy sự thấu suốt mọi quy luật của sự sống, sự thoát khỏi các “maya” (ảo ảnh) hay sự mê hoặc của quỷ dữ. “Tỉnh” tương ứng với trạng thái tuệ mẫn, để không tạo ra các lầm lạc. “Say” luôn gợi cho chúng ta một nỗi sợ xen lẫn yêu thích. Bởi vì trong trạng thái say ấy, ta không còn bị cầm tù trong lý trí và khuôn định của xã hội, ta được thỏa mãn những phóng cuồng trong cảm xúc và bản năng, và trong thoáng say ấy ta đạt được khoái lạc – thứ niềm vui xa xỉ mà xã hội tràn ngập sợ hãi không dám chạm tới.

Tín ngưỡng Dionysus cổ xưa trong mô tả giáo đoàn say có rất nhiều sắc thái: những satyr đầu dê say lướt khướt thèm khát dục tình, những người phụ nữ Maenad cuồng loạn và bạo lực, nhưng thần Dionysus lại mang một sắc thái khác: cái say bình thản. Trong số các vị thần Hy Lạp, có thể nói, Dionysus là vị thần trải qua nhiều bất hạnh nhất, đời nhất, nhiều sắc thái cảm xúc nhất. Tín ngưỡng Orphism kể rằng, trước khi là Dionysus, vị thần có tên là Zagreus. Có nhiều tranh luận xoay quanh cái tên “Zagreus”, nó có thể là “thợ săn vĩ đại”, có thể là “sự sống”, có thể là “cạm bẫy”, nhưng không có dấu vết liên quan đến sự say sưa và cây nho. Zagreus được hưởng nhiều vinh quang, thường được miêu tả như một vị thần quyền lực của thế giới âm phủ và bóng tối, được Zeus đưa lên ngôi báu và ấn định quyền kế vị. Nhưng ngay trên con đường đi tới vinh quang tột đỉnh, Zagreus đã bị Hera lập mưu giết hại và những Titan xé xác ăn thịt. Nữ thần Athena cứu được trái tim của  Zagreus, nhờ thế mà chàng có cơ hội tái sinh thành Dionysus, một vị bán thần với người mẹ phàm trần. Không giống như Apollo hay Hermes sinh ra đã là thần thánh và sớm ngự trên ngai thần của đỉnh núi Olympus, Dionysus có một hành trình dài lang thang chứng kiến và trải qua sự khinh miệt của con người, và từng bước chứng tỏ quyền năng cũng như phẩm giá để thay thế vị trí của Hestia (thần lò lửa) trong số 12 vị thần tối cao. Dionysus là vị bán thần duy nhất, luôn trong trạng thái say lướt khướt, lại được dự vào vị trí tối cao này chính bởi hành trình của chàng không hề bị trói buộc vào đau khổ trần gian hay sa vào tội lỗi như Hercules hay Jason hay Achilles… 

Truyền thuyết về Dionysus dù được thêu dệt theo các màu sắc huyền bí theo cách nào cũng chứa đựng một dụ ngôn quan trọng: tự do chẳng trói buộc bởi thế gian, ấy chính là cái say đích thực. Ngã xuống từ đỉnh vinh quang, trải qua cái chết, quyền lực có lẽ đã trở thành một thứ hư vô đối với vị thần nhiều thăng trầm này. Đó là cái say thấu suốt lẽ hư vô của số mệnh, say để hòa vào vẻ đẹp của từng khắc thời cuộc sống. Sắc thái say này thấm đẫm trong thơ Omar Khayyam:

“Ồ, điều ta yêu, yêu nhất và tuyệt diệu

Là Thời Gian, Phận Số với Mùa Nho

Đôi ba lượt đà cùng nhau say khướt

Rồi ngơi nghỉ trong lặng lẽ thẩn thơ.”

(Bài XXII, “Đến như nước chảy, đi tựa gió phiêu – Thơ Rubaiyat”, Omar Khayyam)

Tìm hiểu thêm: Thơ Rubaiyat – Đến như Nước chảy, đi tựa Gió phiêu – Omar Khayyam – Book Hunter Lyceum

Omar Khayyam không phải một tín đồ của giáo phái Orphism hay của các giáo đoàn cổ xưa thờ Dionysus, ông không theo bất cứ một tôn giáo nào. Ông là một nhà khoa học thuần túy với những nghiên cứu về phương trình bậc ba, đường thẳng song song, hình học không gian, ông có thể tính toán năm dương lịch một cách chính xác và thiết kế bộ lịch Jalali (365 ngày). Những nghiên cứu của Edward FitzGerald mở đầu bản dịch tiếng Anh thơ Omar Khayyam cho thấy rằng ông là một nhà khoa học thuần túy luôn truy tìm chân lý, một người dành cả đời để nghiên cứu khoa học và lan tỏa tinh thần khoa học ở các tiểu quốc ở khu vực Trung Đông. Khi nói rằng ông là một nhà khoa học thuần túy, ý tôi là ông không theo bất cứ tôn giáo nào, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông hoàn toàn duy vật, ngược lại, ý nghĩa triết học và tâm linh trong thơ của ông rất rõ rệt. Chịu sự ảnh hưởng của nhiều tín ngưỡng ở khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông, Omar Khayyam quan niệm rằng xác thân con người được Thượng Đế tạo tác từ đất sét và được đặt vào trong đó linh hồn và số phận, để rồi những bình chứa ấy quá mong manh chẳng mấy chốc sẽ vỡ vụn về với đất:

“Ngẫm về Bình chứa xác thân này

Thanh âm hồi đáp ngắn ngủi thay”

(Trích bài XXXVI)

Đối diện với hư vô của đời người, Omar Khayyam không chọn đeo đuổi sự bất tử hay thiên đường, mà trọn vẹn tận hưởng và nâng niu vẻ đẹp nhất thời. Say chính là đại diện cho sự hiện diện toàn bộ ngưng tụ trong một khoảnh khắc thời gian giữa dòng chảy thời gian miên viễn. Trạng thái tinh thần này để lại những câu thơ hay bậc nhất trong số những câu thơ còn sót lại ở thế gian của Omar Khayyam:

“Kìa! Người dấu yêu ơi, hãy rót đầy

Bận lòng gì quá khứ với mai đây

Ngày Mai ư? – Vì đâu, Mai có lẽ

Chỉ là Bảy ngàn năm Quá Khứ này.”

(Bài XXI)

hay:

“Chẳng biết nơi nao vội vã đến?

Cũng chẳng biết nơi nào vội vã đi!

Rượu lại rượu đắm chìm từng chén

Muộn phiền này cũng nhạt phai theo.”

(Bài XXX)

hay:

Đừng phí đời vì hão huyền vô nghĩa

Những cưỡng cầu, những tranh đấu nọ kia

Ta cứ vui với trái Nho mọng nước

Hơn muộn phiền trước bao nỗi ê chề. 

(Bài LIV)

Những diễn ngôn về say của Omar Khayyam dễ khiến chúng ta liên tưởng tới những bậc thầy sufi, một huyền môn Islam nhuốm màu sắc hiện sinh ở Trung Đông. Các bậc thầy Sufi thông qua điệu múa xoay vòng, đôi khi là rượu, thơ, cà phê…để đạt đến trạng thái tinh thần thuần khiết, không bị trói buộc bởi những khuôn định về lý trí hoặc những bám chấp của đời người. Ban sơ, huyền môn Sufi là một giáo phái khổ hạnh thiên về thanh tu và chiêm nghiệm lời của đấng tiên tri Mohammad. Theo thời gian, do quá trình giao thoa và có lẽ, sâu xa hơn, là tiếng gọi tự do vọng từ sâu thẳm tinh thần, các tu sĩ Sufi vượt ra khỏi lề thói cứng nhắc. Con đường của Sufi bấy giời có thêm nhảy múa, có âm nhạc, có rượu, có yêu, có muôn cảnh sinh động của nhân gian. Sự biến chuyển tinh thần từ Sufi khổ hạnh sang Sufi phiêu lãng trong vũ trụ được phản ánh rõ trong thơ Rumi:

“Có một cộng đồng tinh thần.

Hãy tham gia, và tận hưởng hân hoan

khi bước đi giữa phố đông ồn ã

và được làm tiếng ồn trong đó.

 

Uống cạn đam mê

mặc người đời cười chê

Nhắm mắt lại

để nhìn bằng con mắt khác

Mở rộng bàn tay,

nếu bạn muốn được ôm

Hãy ngồi xuống vòng tròn này. 

 

Đừng hành xử như một chú sói, hãy cảm nhận

Tình cảm của người chăn cừu ngập tràn nơi bạn.

Màn đêm xuống, cuộc dạo bước thân yêu.

Đừng vừa lòng với sự an ủi này

Hãy từ chối thức ăn.

Để được nếm vị từ đôi môi tình nhân.

(Trích “Cộng đồng tinh thần”, thuộc tập thơ “Rumi tinh tuyệt , Lê Duy Nam & Lê Thúy Ái dịch, Book Hunter & NXB Hội Nhà Văn)

> Tìm hiểu thêm:

Đạo tu Sufi trong thế giới Islam: Thơ ca thăng hoa trong vũ điệu say vũ trụ – Book Hunter

Những bóng hình chứng ngộ trong thơ Rumi – Book Hunter

Khổ hạnh và phúc lạc, hay một cuộc vui đạo ở cõi trần của Rumi – nhà thơ Islam vĩ đại nhất – Book Hunter

“Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay – Book Hunter

Dù không tìm được bằng chứng ảnh hưởng của truyền thống Orphism tới Sufi nhưng thơ Sufi luôn gợi tới những thực hành Orphism và các lễ tế Dionysus. Trong những truyền thống này, rượu vang, âm nhạc, thơ ca, nhảy múa, dục…tất cả đều là chất dẫn để hợp nhất với đấng thiêng. Tuy nhiên, cùng với sự tiến hóa của nền văn minh, các yếu tố cực đoan dễ dẫn tới sự sa đọa dần bị lược bỏ, kết hợp với các nguyên tắc khổ hạnh, để tạo ra sắc thái say nhuốm màu chủ nghĩa khoái lạc của Epicurus:

“Một Ổ Bánh Mỳ dưới tán cây

Rượu đầy vò, Thánh Kinh của ta đây

Cùng nhau điệu Hoang Vu ta hát

Chợt thấy Thiên Đàng giữa điệu say.”

(Bài XII, “Đến như nước chảy, đi tựa gió phiêu – Thơ Rubaiyat”, Omar Khayyam)

hay:

“Jesus lạc trong tình yêu Người dâng lên Chúa.

Con lừa của Người đã say rượu barley.

Hãy uống từ hiện hữu của thánh thần,

đừng uống từ chiếc bình nào khác.

Vạn vật vạn sinh linh,

đều là bình chứa ngập đầy kỳ thú.

Hãy là kẻ sành sỏi,

và nếm trải từng li từng tí

Rượu nào mà chẳng khiến bạn ngây ngất.

Thẩm định như đế vương, tuyển lựa loại tinh khiết nhất,

thứ gì không bị tạp nhiễm bởi sợ hãi,

hay bởi sự vội vàng làm những điều “cần thiết.”

Hãy uống thứ rượu khiến bạn rung động

như chú lạc đà không thòng lọng

và cứ bước thong dong.”

(Trích “Nhiều loại rượu”, thuộc tập thơ “Rumi tinh tuyệt , Lê Duy Nam & Lê Thúy Ái dịch, Book Hunter & NXB Hội Nhà Văn, 2022)

Không giống Omar Khayyam, Rumi không phải con người khoa học. Ông là một bậc thanh tu uy tín trong cộng đồng, người nắm giữ tri thức thiêng của cộng đồng. Nhưng rồi, Shams xứ Tabriz xuất hiện trong cuộc đời ông, và mọi điều ông đeo đuổi trước đó bỗng trở nên vô nghĩa. Shams biến mất, Rumi dành cả cuộc đời để đi tìm Shams. Đó không phải là cuộc tìm kiếm một Shams bằng xương bằng thịt, mà là cuộc tìm kiếm Shams của tinh thần, tìm kiếm hiển lộ của Thượng Đế giữa thế gian. Trong cả cuộc kiếm tìm, Shams và Thượng Đế đã đồng nhất và hiển lộ nơi trái tim của Rumi:

“Đâu còn rượu nữa, bát của tôi đà vỡ

Tôi ốm đau, chỉ Shams chữa lành thôi

Ai biết Shams ở chốn nao không, ôi 

ông hoàng thị kiến

bậc kéo người chết đuối khỏi đại dương

và hồi sinh, để rồi bãi biển tựa hồ

bao lễ cưới đang diễn trình cùng lúc,

cười đùa rôm rả, bánh nướng theo lệ,

diễu hành trong âm nhạc.

Shams là cây trumpet nốt thanh

khởi lên các nguyên tử quay vòng,

cơn gió thổi đến khi vừa sớm

nếm vị bánh mì cùng muối.

Di chuyển về muôn hướng. Bay cao bằng đôi cánh

người trao, và nếu mỏi mệt, cứ nằm xuống thôi,

nhưng hãy mở rộng tâm hồn.”

(Trích bài “Gió đượm hương bánh mì và muối”, trong tập thơ “Rumi – Nhà huyền môn và kẻ say”, Hà Thủy Nguyên dịch, Book Hunter & NXB Văn Học, 2023)

Sự xuất hiện của Shams đánh đổ thành trì lý trí giáo điều bủa vây cuộc đời của Rumi, và từ đó ông bước vào một cuộc say. Rượu trở thành một biểu tượng, ông có thể say rượu đích thực hoặc không. Nhưng hơn thế, ông say tình yêu, say sự ngất ngây diễm phúc Thượng Đế ban, ông say vạn vật. Nếu Omar Khayyam đi đến tận cùng của lý trí và kiến thức để rồi chọn lựa say, thì với Rumi, say đã ập đến không báo trước, và ông cứ thế lảo đảo bước theo. 

Tìm hiểu thêm: Combo Rumi: “Rumi Tinh Tuyệt” + “Rumi Nhà huyền môn và Kẻ say” – Book Hunter Lyceum


Say như một lựa chọn thoát khỏi trói buộc của lý trí để tận hưởng cuộc đời

Khi nghiên cứu về trường hợp Omar Khayyam và Rumi, ý kiến thường gặp đều xoay quanh nhận định rằng “rượu” và “say” chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Có lẽ, định chế học thuật khó chấp nhận những kẻ say khướt lại ở đỉnh cao nơi thành trì trí tuệ mà bản thân đeo đuổi. Cũng có thể, việc nghiên cứu về những kẻ say bàn về Thượng Đế và Số Mệnh khiến độ khả tín trong công trình của họ bị nghi ngờ. Hoặc rằng, họ lo ngại những kẻ say bê tha và bệnh hoạn sẽ vin vào cái say thiêng liêng để thỏa mãn dục vọng khó kiềm chế của bản thân. Nhưng dùng thế nào đi nữa, các nhà nghiên cứu đều phủ nhận tính chân thực của cái say, tức là không thừa nhận một nhà khoa học hay một bậc tu sĩ có thể say rượu. Để hiểu về trạng thái say chân thực, ta có thể đọc lại thơ Lý Bạch:

“Chuông trống cỗ bàn có là gì,

Chỉ nguyện say hoài không màng tỉnh!

Xưa nay thánh hiền đều hiu quạnh

Chỉ phường uống rượu mới lưu danh.”

(Trích “Tương tiến tửu”, Lý Bạch, Hà Thủy Nguyên dịch)

Cái say của Lý Bạch hoàn toàn đến từ khoái lạc trong bữa rượu, khi vẻ đạo mạo của thánh nhân có thể vứt bỏ, những đeo đuổi công danh có thể xếp lại. Trong câu thơ say của Lý Bạch, “thánh hiền” là biểu tượng cho khuôn thước xã hội, “phường uống rượu” là những “chân nhân”, những con người vượt ra khỏi khuôn thước sáo rỗng, để sống thực sự là mình. Những kẻ loay hoay trong khuôn thước, những kẻ chẳng bao giờ thực sự sống, sẽ phai nhạt theo thời gian, bởi họ chưa bao giờ hiển lộ, họ chưa bao giờ trọn vẹn với tinh thần của mình, không thể để lại bất cứ dấu ấn gì. Nhưng “phường uống rượu”, những kẻ không bị trói buộc, những kẻ hiển lộ bản thân dù chỉ chốc lát trong cơn ngây ngất, cũng đủ để lưu lại một dấu ấn giữa cuộc đời. Câu thơ của Lý Bạch là một tuyên ngôn vượt khỏi thuyết chính danh của Khổng Tử, không phải có công thì mới có danh, mà là khi con người là chính mình thì cái danh ấy mới thực sự là danh. 

Omar Khayyam cũng đồng điệu thốt lên:

“Vì đâu, hiền thánh với cao nhân 

Luận đàm hai cõi cũng phai dần

Ngôn sứ ngây thơ lời cũng nhạt

Tản mát, phủ mờ bụi thế gian”

(Bài XXVI, “Đến như nước chảy, đi tựa gió phiêu – Thơ Rubaiyat”, Omar Khayyam)

Và Rumi thì thốt lên:

“Tên người là Mùa Xuân.

Tên người là Rượu quý.

Tên người là nôn nao

mà rượu chuốc say!”

(Trích “Con đường bị chặn”, thuộc tập thơ “Rumi tinh tuyệt , Lê Duy Nam & Lê Thúy Ái dịch, Book Hunter & NXB Hội Nhà Văn, 2022)

Không phải vô cớ, người La Mã phong tặng Dionysus – Bacchus danh xưng Liber Pater, nghĩa là Vị Cha Thần Thánh của Tự Do. “Say” chính là biểu tượng của tự do, và trong cơn say mọi biểu hiện đều có thể, dẫu cho trong con mắt người đời là phóng túng hay trụy lạc. Say là cái cớ để được bung xõa những gì ẩn giấu sâu thẳm bên trong. Say để phi lý trí, để cảm nhận xung quanh bằng giác quan thay vì đánh giá mọi điều xảy đến, để được trọn vẹn là mình, để thăng hoa và hòa điệu trong vũ điệu miên viễn của vũ trụ. Trong các nghi lễ của lễ hội Dionysus ở Hy Lạp và La Mã, những người đã “khai ngộ” sẽ thực hành lễ orgia, tức trạng thái nhảy múa, uống rượu, làm tình, ca hát… tất cả để đạt trạng thái thăng hoa hòa vào tính thiêng của vũ trụ. Pháp tu khoái lạc tột đỉnh này khác biệt hoàn toàn với khoái lạc trong khắc kỷ của Epicurus, và tất yếu bị kiểm soát bởi các chính quyền. Đến thời đại của Omar Khayyam, với vị thế của ông và văn hóa mà ông tiếp xúc, nghi thức orgia sẽ không diễn ra, nhưng dấu vết của tinh thần ấy vẫn thấp thoáng trong thơ.

“Bạn ơi, với khoái lạc chẳng bận lòng

Trong nhà mình, tôi vừa Tái Hôn xong

Tiễn Lý Trí cằn cỗi về xa thẳm

Trải giường đón Tiên Nho lúc động phòng.”

(Bài LV, “Đến như nước chảy, đi tựa gió phiêu – Thơ Rubaiyat”, Omar Khayyam)

hay:

“Gì cơ! Chút khuấy đảo tri giác có gì đâu

Dăm ba lần lỡ phá lệ đã sao nào

Cứ phạm giới Vui thú không thì cũng

Suy sụp trong Đoạ đày miên viễn đớn đau.”

(Bài LXXVIII)

Cái Say của Rumi có phần phi lý trí hơn, có lẽ bởi Say tìm đến với Rumi chứ không phải Rumi chủ động tìm đến say. Nếu thơ Omar Khayyam là sự ngưng đọng, thì thơ Rumi là sự tuôn tràn, một cuộc say tuôn tràn rượu, dẫu là rượu của loài người hay là rượu của Thượng Đế. 

“Những người Ả Rập gọi rượu vang bằng từ mudam,

có nghĩa là liên miên. Cứ thế và cứ thế bất tuyệt, bởi vì kẻ uống rượu chẳng biết thế nào 

là đủ.

Nước tri nhận là thức rượu đây

thân thể này là bình chứa tình yêu tràn đầy

Ân sủng tuôn trào. Sức mạnh rượu này

vỡ tung bình chứa. Điều đó xảy đến.

Nước tỉnh thức trở thành thứ rót đầy,

chính rượu, và mọi hiện diện trên bàn tiệc.”

(Trích bài “Yêu và thốt lên”, trong tập thơ “Rumi – Nhà huyền môn và kẻ say”, Hà Thủy Nguyên dịch, Book Hunter & NXB Văn Học, 2023)

Say là trạng thái, nhưng Yêu chính là hành động. Uống rượu là một khía cạnh của Yêu, bởi rượu được chưng cất từ bao tinh túy từ đất trời. Lưu luyến người thương, cũng chính là Yêu, chính là Say, là sự thăng hoa. Khi Yêu, cái tôi biện biệt xóa nhòa, sự hèn nhát không còn, trái tim rung lên hòa điệu cùng đấng Thiêng, và Rumi tuyên bố:

“khóc thương trong phút giây hội ngộ

của người yêu và kẻ được yêu. 

Đây chính là tôn giáo đích thực. Vàn điều khác

chỉ là rác rưởi khi đối sánh”

(Trích bài “Ta có năm điều muốn nói”, thuộc tập thơ “Rumi tinh tuyệt , Lê Duy Nam & Lê Thúy Ái dịch, Book Hunter & NXB Hội Nhà Văn, 2022)

Rumi có một tình yêu cuồng nhiệt dành cho Shams xứ Tabriz, và một cách phi lý trí, ông đã dành trọn vẹn đời mình cho hình bóng của Shams. Trong cuộc kiếm tìm ấy, mọi giác quan đều mở rộng, trái tim rung lên mãnh liệt…bởi mong cầu một lần được thấy lại Shams, và cũng nhờ thế mà ông hòa điệu với đám đông, với vạn vật, thoát khỏi chiếc áo thày tu chật chội mà cộng đồng khoác lên cho mình. 

“Khi bạn cảm nhận được đôi môi mình trở thành vô tận

Và ngọt ngào, như trăng trên trời,

Khi bạn cảm thấy sự rộng rãi bên trong,

Shams xứ Tabriz sẽ cũng sẽ ở đây.”

(Trang 454, “Rumi tinh tuyệt”)

Đi tận cùng của lựa chọn trạng thái Say chính là tôn giáo đích thực: Yêu. Nơi ấy không có những vị thần, không có giáo điều, không có quy tắc, không có phán xét, mà là trạng thái tự do đích thực. Omar Khayyam cất tiếng triệu hồi:

“Hỡi Yêu! Cùng hợp sức lại thôi

Giành lấy quyền định đoạt Tuồng Đời

Sao chẳng xé toang muôn mảnh nhỏ

Ráp lại sát gần trái tim tôi!”

(Bài XCIX, thuộc tập thơ “Đến như nước chảy, đi tựa gió phiêu – Thơ Rubaiyat”, Omar Khayyam)

Trong các bài thơ còn lưu lại ở bản dịch của Edward Fitzgerald, đây là bài duy nhất Omar nhắc đến Yêu. Đại đa số các bài đều là các sắc thái Say và những câu hỏi lớn về số mệnh loài người, nhưng rồi, trong bài thơ hiếm hoi này, Omar dường như chợt khai ngộ, rằng chỉ bằng cách Yêu, con người mới đích thực định đoạt đời mình, không bị nhào nặn theo những gì định sẵn, chỉ bằng Yêu, con người không phải chỉ là chiếc bình chứa trong tiệm gốm của Thượng Đế hay là con cừu trong chuồng gia súc, và bấy giờ có thể “Đến như nước chảy, đi tựa gió phiêu”. 

Hà Thủy Nguyên

*Tranh minh họa: Hình vẽ Dionysus trên đĩa gốm Hy Lạp vào khoảng 520 TCN, miêu tả Thần Rượu Nho khi chưa có vị trí trên Olympus, đang lưu lạc và bị cướp biển bắt cóc, nhưng vẫn nằm lười biếng thư nhàn say khướt.

Bản lưu lại cuộc trò chuyện về thơ Omar Khayyam và Rumi:

Những bóng hình chứng ngộ trong thơ Rumi

Trong nhiều bài thơ của mình, Rumi kể những câu chuyện dài. Dù chúng đều chứa đựng các thông điệp về cuộc sống và bài học tâm linh quý giá, nhưng chúng cũng là một thế giới quá rộng lớn với hàng loạt nhân vật phức tạp. Ngay cả khi Shams xứ Tabriz hay vua Solomon, Joseph… không phải những cái tên xa lạ, thì dường như các nhân vật này cũng vẫn là một thử thách đối với những độc giả tìm đến thơ
le-ai

Lê Ái

12/12/2023

“LỜI DẠY CỦA RUMI” – CHỈ DẪN TỚI ĐIỀU THIÊNG

“Khi bạn tìm kiếm Thượng Đế, bạn thấy bản thân mình Khi bạn tìm kiếm bản thân mình, bạn tìm thấy Thượng Đế” Rumi Jalal-ud-din Rumi  (1207-1273) là nhà thần bí đồng thời là nhà thơ vĩ đại nhất của thế giới Islam cổ đại. Ông là nhà thần bí quan trọng trong trường phái bí giáo Islam có tên là Sufi – trường phái tâm linh đạt được chứng nghiệm về Thượng Đế và toàn thể thông qua nhảy múa, âm nhạc và thơ

Paulo Coelho nói về Trí huệ của Rumi

Paulo Coelho Nguồn: Blog của Paulo Coelho   Trong cơn khát, bạn uống nước từ một cái cốc, và bạn thấy Thượng Đế trong đó. Những ai không yêu Thượng Đế sẽ chỉ thấy từ đó khuôn mặt chính mình. Ngày lại ngày tôi suy ngẫm Đêm lại đêm tôi buột miệng thốt lên “Tôi từ đâu tới, tôi đang làm gì?” Tôi không biết. Linh hồn tôi tới từ đâu đó, hẳn vậy rồi và tôi sẽ kết thúc tại khởi đầu (Trích "Lời

Minh Hùng

10/09/2019

Đạo tu Sufi trong thế giới Islam: Thơ ca thăng hoa trong vũ điệu say vũ trụ

Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, Sufi đã gây ra tranh cãi, thậm chí là chịu bài xích từ chính thế giới Islam. Dù vậy, chủ nghĩa Sufi lại cống hiến cho Islam, cho thế giới một nền văn hóa, nghệ thuật rực rỡ cũng như tư tưởng tiến bộ. Văn hóa Sufi từng đạt đến đỉnh cao rồi bị rơi vào quên lãng. Nhưng giờ đây, khi con người từ Đông sang Tây đều đang sống trong dòng chảy đầy biến
le-ai

Lê Ái

12/12/2023

Chân dung Harun al Rashid – Vị vua Hồi giáo vĩ đại không giống trong “Nghìn Lẻ Một Đêm”

Đó là lúc nền văn minh Islam mở cửa để tiếp nhận những ý tưởng mới từ phương Đông và phương Tây. Những người Hồi giáo mạnh dạn đã tiếp nhận những ý tưởng này và cải biến chúng thành những hệ hình Islam. Từ đây, nghệ thuật, kiến trúc, thiên văn học, hóa học, y học, toán học, âm nhạc, triết học và Luân lý học của người Islam đã ra đời. Qủa nhiên quá trình của Fiqh (luật học Islam) được thực thi

Tô Lông

08/01/2017