Home Chuyên đề tháng Đạo tu Sufi trong thế giới Islam: Thơ ca thăng hoa trong vũ điệu say vũ trụ

Đạo tu Sufi trong thế giới Islam: Thơ ca thăng hoa trong vũ điệu say vũ trụ

le-ai

Lê Ái

12/12/2023

Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, Sufi đã gây ra tranh cãi, thậm chí là chịu bài xích từ chính thế giới Islam. Dù vậy, chủ nghĩa Sufi lại cống hiến cho Islam, cho thế giới một nền văn hóa, nghệ thuật rực rỡ cũng như tư tưởng tiến bộ. Văn hóa Sufi từng đạt đến đỉnh cao rồi bị rơi vào quên lãng. Nhưng giờ đây, khi con người từ Đông sang Tây đều đang sống trong dòng chảy đầy biến động của những mâu thuẫn, xung đột, dường như chủ thuyết về Đại đồng và Tình yêu – một trong số các giá trị cốt lõi tạo lên Sufi – đã trở thành lý do khiến người ta tìm hiểu về chủ nghĩa này lẫn thành tựu của nó. 

Đạo tu Sufi là gì?

Sufi là đức tin và thực hành Islam thần bí mà ở đó tín đồ tìm kiếm chân lý về tình yêu lẫn tri thức thiêng liêng thông qua các trải nghiệm cá nhân với Allah. Sufi bao gồm nhiều con đường thần bí khác nhau nhằm tìm ra bản chất của con người và của Allah, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện của tình yêu cũng như trí tuệ thiêng liêng trên thế giới. 

Chủ nghĩa Sufi xuất hiện lần đầu tiên ở giai đoạn đầu thời Umayyad (661-749), như một sự phản kháng từ chính thế giới Islam với tính thế tục của vương triều, mà lối sống xa hoa là một trong số các khía cạnh thể hiện rõ ràng nhất. Những người tin tưởng, thực hành theo Sufi ban đầu được xem là các thầy tu khổ hạnh, “luôn khóc lóc” và xem thế giới này như “một túp lều đau khổ”. Thế nhưng, điều mà họ hướng đến lại không phải sự khổ hạnh hành xác. Các sufi tập trung vào việc suy ngẫm những câu kinh Qur’an nói về ngày tận thế, thực hành một cách tỉ mỉ các tín điều cũng như truyền thống mà thiên kinh đề cập và cầu nguyện mỗi đêm. 

Trong quan điểm của các tín đồ Islam ủng hộ chủ nghĩa Sufi buổi sơ khai, việc triều đại Umayyad thiết lập quyền cai trị bằng vũ lực thay vì giá trị cá nhân của người lãnh đạo cùng ý kiến từ cộng đồng là một điều khó chấp nhận. Thế nên, trong các nguồn tài liệu sau này, khi nhắc đến triều đại Umayyad, người ta thường dùng cách gọi “vương quyền” (mulk) để thể hiện sự khinh miệt, ngược lại với cách gọi caliphate đầy tôn kính. Có thể thấy rằng, ở thời điểm ban đầu, bên cạnh việc đề cao đường lối tu tập nghiêm ngặt thông qua suy ngẫm kinh sách, cầu nguyện lẫn lối sống khổ hạnh, cộng đồng Islam nói chung và những người theo chủ nghĩa Sufi nói riêng còn khuyến khích một thái độ sống ôn hòa, phi bạo lực. Đó chính là yếu tố tạo lên giá trị cốt lõi thứ hai của chủ nghĩa này: Tình yêu. 

Như đã đề cập, cách thức thực hành tôn giáo theo hướng khổ hạnh của những người theo chủ nghĩa Sufi được xem như một khía cạnh nổi bật, một nét đặc trưng. Do đó, phải đến khi yếu tố tình yêu xuất hiện, Sufi mới đi từ “chủ nghĩa tu tập khổ hạnh” thành “chủ nghĩa huyền bí”. Người đầu tiên khơi nguồn cho tình yêu của chủ nghĩa Sufi là Rabi ah al-Adawiyah (qua đời năm 801), một người phụ nữ đến từ Basra. Rabi ah al-Adawiyah đã hình thành ý tưởng về tình yêu dành cho Allah, không chịu ràng buộc với hi vọng vào thiên đường hay nỗi sợ hãi trước địa ngục. Sau khi bà qua đời, khái niệm về tình yêu thiêng liêng được lan truyền rộng khắp trong cộng đồng các tín đồ Islam theo chủ nghĩa Sufi, trở thành xúc tác giúp hàng loạt học thuyết mới ra đời, mà một trong số đó là học thuyết mang màu sắc Đại đồng. 

Trong giai đoạn sau đó cho đến năm 1111, chủ nghĩa Sufi dần được các sufi đến từ Ba Tư, Ai Cập v.v… hoàn thiện thông qua các học thuyết của họ. Có thể kể đến một vài tên tuổi như al-Muhasibi với niềm tin về giá trị duy nhất của khổ hạnh là thanh lọc tâm hồn trước khi đồng hành cùng Allah; Junayd thành Baghdad (qua đời năm 910) với những lời dạy về sự thông tuệ và điều độ; Dhu al-Hun (qua đời năm 859) với thuật ngữ ma rifah (“tri thức nội tại”) như một khái niệm dựa trên Qur’an, đối lập với tri thức sách vở và thuật ngữ này được trau chuốt thêm trong thơ ca Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ; Abu Yazid al-Bistami (qua đời năm 874) đại diện cho học thuyết về sự tiêu diệt bản ngã, góp phần hình thành lên các thuật ngữ cho các nhà thơ thần bí sau này… 

Lắng nghe thơ của Rumi, bậc Sufi nổi tiếng nhất thế giới

Các trật tự thần bí và vai trò của Sufi trong thế giới Islam

Triết lý nòng cốt của chủ nghĩa Sufi đề cao mối liên hệ chặt chẽ giữa người thầy và các môn đệ khi mỗi người thầy đều chọn ra người kế nhiệm. Phong trào Sufi được tổ chức theo nhiều trật tự khác nhau (silsilah). Các trật tự này do một thủ lĩnh Sufi nổi tiếng dẫn dắt, họ sống và cùng thực hành tôn giáo với các môn đệ (murids). Trái ngược với sự nhấn mạnh vào tính cứng nhắc của các luật lệ mà những người theo Islam truyền thống tôn sùng, người theo chủ nghĩa Sufi lựa chọn cách nêu gương thông qua việc chia sẻ các thông điệp một cách thực tế và linh hoạt cùng lối sống giản dị để truyền giáo. Do đó, trong thế kỷ 12 và 13, chủ nghĩa Sufi bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất tại khu vực Trung Á, Tây Ban Nha, tiểu lục địa Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ả Rập v.v… Đây cũng là giai đoạn phong trào Sufi hình thành một nền văn hóa riêng, thông qua thơ ca, âm nhạc như một nỗ lực nhằm miêu tả các trải nghiệm tâm lý lẫn thần bí từ các bậc thầy sufi. 

Một trong số những sufi nổi tiếng nhất ở giai đoạn này, đồng thời cũng là người có đóng góp rất lớn cho chủ nghĩa Sufi và văn hóa Sufi, là Jalal al-Din al-Rumi (1207-1273). Ông sinh ra ở Balkh (Afghanistan ngày nay), sau đó chuyển đến Konya (Thổ Nhĩ Kỳ). Tại đây, ông kế nhiệm cha mình và lập ra nhóm Mevlevi, một nhóm đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội đương thời. Song song với vai trò sufi của mình, Rumi còn nổi tiếng với vai trò một nhà thơ thần bí. Ông sáng tác rất nhiều thơ trữ tình, xuất phát từ nỗi xúc động bởi tình yêu thần bí mà ông dành cho người thầy Shams al-Din xứ Tabriz. Tác phẩm nổi bật nhất của Rumi, tập thơ khoảng 26.000 câu thơ đôi viết bằng tiếng Ba Tư có tiêu đề Masnavi-yi Ma ‘navi, thậm chí còn được các sufi xem như văn bản quan trọng thứ hai, chỉ sau Qur’an. Masnavi-yi Ma ‘navi và rộng hơn là thơ của Rumi bao hàm trọn vẹn mọi điều tư tưởng thần bí, mà trong đó người đọc có thể tìm được ý tưởng tôn giáo của riêng họ dù đức tin của họ không thuộc về Islam. Rumi cũng là người truyền cảm hứng cho việc thực hành các vũ điệu xoay vòng nhằm tìm kiếm sự xuất thần trên nền nhạc mang đậm màu sắc tôn giáo. Bên cạnh Rumi, các sufi cùng thời với ông như Yunus Emre, Ibn Ata Allah ở Alexandria, thậm chí cả các trật tự khác như Shadhiliyyah ở Ai Cập… đều hăng hái trong việc cho  ra đời các tác phẩm văn học thần bí. Đi cùng với không khí sôi động của phong trào Sufi, các cuộc thảo luận nhằm tìm kiếm tri thức dành cho bất cứ ai quan tâm đến Sufi cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi có cộng đồng Islam. 

Chủ nghĩa Sufi phát triển hơn nữa tại tiểu lục địa Ấn Độ ở thế kỷ 16, khi tính Đại đồng của nó được hoàng đế Akbar thuộc đế chế Mughal tận dụng triệt để trong nỗ lực kết hợp các hình thức tín ngưỡng lẫn thực hành khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng cực đoan của Akbar lẫn người kế vị của ông đã khiến nhiều sufi phải phát triển các học thuyết và quan điểm chống lại sự hợp nhất này. Người đi đầu cho sự phản kháng là Naqshbandiya, sau đó là môn đệ của ông, Shaykh Ahmad Sirhindi. Ahmad với việc bác bỏ khái niệm về sự thống nhất thiêng liêng xuất hiện giữa Allah và thế giới cũng như con người, thay vào đó ông khuyến khích khái niệm về sự thống nhất tầm nhìn. Nhìn chung, dù rơi vào tranh cãi, nhưng chủ nghĩa Sufi vẫn thúc đẩy cũng như tạo ra thành tựu cho nền thơ ca tiếng Urdu. 

Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, chủ nghĩa Sufi vẫn duy trì được sức ảnh hưởng lên mọi mặt của thế giới Islam. Các nhà thơ thần bí được sản sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. 

Giai đoạn suy yếu của chủ nghĩa Sufi bắt đầu vào thế kỷ 19, khi tại các quốc gia Islam xuất hiện cải cách xã hội. Các nhà cải cách không thích thú hay ủng hộ chủ nghĩa Sufi, bởi họ cho rằng nó quá lỗi thời, cản trở sự phát triển tự do của xã hội. Năm 1925, Kemal Mustafa Atatürk đã cho đóng cửa hàng loạt tổ chức và hội quán dervish ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây vốn là các địa điểm gặp gỡ cũng như trao đổi tri thức mà những người quan tâm đến Sufi mở ra. Sức ảnh hưởng của chủ nghĩa Sufi dần bị thu hẹp lại, cho đến thời hiện đại, nó chỉ còn gói gọn trong lĩnh vực giáo dục tâm linh. 

> Tìm hiểu thêm về Rumi:

Sufi và thành tựu thơ ca

Đóng góp quan trọng nhất của chủ nghĩa Sufi cho đến giới Islam là di sản các văn bản, thơ ca đồ sộ trải khắp các khu vực từng tiếp nhận nó. Những cuốn sách hệ đầu tiên được biên soạn nhằm giải thích các nguyên lý của chủ nghĩa Sufi xuất hiện từ thế kỷ 10. Tiếp đến, các tác phẩm thơ văn hướng đến mục đích giáo dục, truyền đạt kinh nghiệm giữa người thầy với các môn đệ được sáng tác xuyên suốt từ thế kỷ 13 đến tận thời hiện đại. Ngoài ra, hình thức ghi chép về tiểu sử từng bậc thầy Sufi, các bình luận về Qur’an v.v… cũng đều phổ biến trong cộng đồng người theo Sufi. Nhu cầu kiếm tìm tri thức và sự giao thoa văn hóa giữa Islam với Hy Lạp, Ấn Độ còn đưa đến việc biên dịch, chuyển ngữ nhiều tài liệu, sách vở cổ điển sang tiếng Ba Tư, tiếng Arab và tiếng Urdu. 

Hai tập thơ Rumi do Book Hunter dịch và xuất bản: RUMI TINH TUYỆT (2019, tái bản 2022) & RUMI: NHÀ HUYỀN MÔN & KẺ SAY (2023)

Sufi đã tạo dựng cho thế giới Islam một nền thơ ca độc đáo. Bắt đầu là những bài thơ tình ngắn gọn, đầy quyến rũ bằng tiếng Arab thể hiện sự khao khát của tâm hồn, muốn hòa hợp với người yêu. Sau đó là các tác phẩm lãng mạn với dung lượng lớn chủ yếu bằng tiếng Ba Tư đa dạng về chủ đề, như tình yêu trai gái, vẻ đẹp vĩnh cửu mà vẻ đẹp của phụ nữ là hình ảnh tượng trưng, các câu chuyện ngụ ngôn về sự đoàn kết và tình yêu v.v… 

Do sự đa dạng về ngôn ngữ thể hiện, thơ ca Sufi cũng đóng góp cho sự phát triển của nền văn học tại các quốc gia và khu vực khác nhau. Thông qua thơ ca của mình, các tác giả đều thể hiện mượn tình yêu và sự kết hợp trần tục để thể hiện tình yêu và sự kết hợp thần bí. Điểm đặc biệt trong các tác phẩm này là việc sử dụng từ vựng của Sufi, tạo ra sự mơ hồ nhưng cũng rất hấp dẫn đặc trưng của văn học Ba Tư, Thổ Nhĩ  Kỳ và Urdu. Bằng cách này, những ý tưởng lẫn thông điệp về tình yêu, sự đoàn kết cũng như tri thức của các sufi dần thấm nhuần vào trái tim người nghe thơ. Chủ nghĩa Sufi, vì thế, có lẽ đúng với nhận xét của Annemaire Schimmel trong cuốn Mystical Dimensions of Islam: “Đó là trường hợp của chủ nghĩa Sufi, tên gọi được chấp nhận rộng rãi để chỉ chủ nghĩa thần bí của Islam… Chủ nghĩa thần bí được gọi là ‘dòng tâm linh vĩ đại xuyên suốt’, ý nghĩa rộng hơn của nó là ý thức về Một thực tại – Được gọi là Trí tuệ, Ánh sáng, Tình yêu hoặc Hư vô.”

 

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.britannica.com/topic/Sufism
  2. https://www.britannica.com/biography/Shaykh-Ahmad-Sirhindi#ref632960
  3. https://www.britannica.com/place/Caliphate
  4. https://www.moroccoworldnews.com/2021/08/343915/sufism-helped-spread-islam-in-the-indian-subcontinent
  5. https://www.nytimes.com/2017/11/24/world/middleeast/sufi-muslim-explainer.html
  6. https://nhantu.net/TrietHoc/TinhHoaCacDaoGiao/THCDG%20Ch30.htm#_ftn10

 

Lê Thúy Ái

Kỷ nguyên vàng Islam – Nền văn minh dựa trên sự thông thái

(Giới thiệu sơ bộ về Hồi giáo từ giữa thế kỷ thứ 7 đến giữa thế kỷ thứ 13) Kỷ nguyên Vàng của Islam kéo dài từ giữa thế kỷ thứ 7 đến giữa thế kỷ 13 khi các lãnh tụ Hồi giáo thiết lập đế chế lớn nhất trong lịch sử. Trong suốt thời kỳ này, các nghệ sĩ, kỹ sư, học giả, nhà thơ, triết gia, nhà địa lý và thương nhân của thế giới Hồi giáo đóng góp cho nông nghiệp, nghệ

Tô Lông

08/01/2017

Khổ hạnh và phúc lạc, hay một cuộc vui đạo ở cõi trần của Rumi – nhà thơ Islam vĩ đại nhất

Không giống những bậc tu hành xuất thế hướng đến một cõi vĩnh hằng, các thiền giả thời Trần với đại diện tiêu biểu nhất là Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông đều cùng đưa ra diễn ngôn “Cư trần lạc đạo”  tức “Vui đạo ở cõi trần”. Quan niệm nhập thế là di sản độc đáo của Phật giáo thời Trần trong thế kỷ 13, xuất phát từ thân phận của những thiền giả cùng lúc đảm đương hai vị thế: con

“LỜI DẠY CỦA RUMI” – CHỈ DẪN TỚI ĐIỀU THIÊNG

“Khi bạn tìm kiếm Thượng Đế, bạn thấy bản thân mình Khi bạn tìm kiếm bản thân mình, bạn tìm thấy Thượng Đế” Rumi Jalal-ud-din Rumi  (1207-1273) là nhà thần bí đồng thời là nhà thơ vĩ đại nhất của thế giới Islam cổ đại. Ông là nhà thần bí quan trọng trong trường phái bí giáo Islam có tên là Sufi – trường phái tâm linh đạt được chứng nghiệm về Thượng Đế và toàn thể thông qua nhảy múa, âm nhạc và thơ

Chân dung Harun al Rashid – Vị vua Hồi giáo vĩ đại không giống trong “Nghìn Lẻ Một Đêm”

Đó là lúc nền văn minh Islam mở cửa để tiếp nhận những ý tưởng mới từ phương Đông và phương Tây. Những người Hồi giáo mạnh dạn đã tiếp nhận những ý tưởng này và cải biến chúng thành những hệ hình Islam. Từ đây, nghệ thuật, kiến trúc, thiên văn học, hóa học, y học, toán học, âm nhạc, triết học và Luân lý học của người Islam đã ra đời. Qủa nhiên quá trình của Fiqh (luật học Islam) được thực thi

Tô Lông

08/01/2017

“Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay

Ban đầu, tôi biết đến Rumi qua các bài giảng của nhà huyền môn thế kỷ 20 đầy mê hoặc – Osho (Rumi có một cái tên rất dài, nhưng tôi chỉ muốn gọi ông đơn giản là Rumi). Osho yêu Rumi, không ít lần Osho thốt lên điều ấy. Tình yêu của Rumi cũng chính là trọng tâm trong những lời giảng về con đường chứng ngộ của Osho. Năm 2016, tôi được đọc bản dịch Rumi đầu tiên được xuất bản ở Việt