Home Chuyên đề tháng Khổ hạnh và phúc lạc, hay một cuộc vui đạo ở cõi trần của Rumi – nhà thơ Islam vĩ đại nhất

Khổ hạnh và phúc lạc, hay một cuộc vui đạo ở cõi trần của Rumi – nhà thơ Islam vĩ đại nhất

Không giống những bậc tu hành xuất thế hướng đến một cõi vĩnh hằng, các thiền giả thời Trần với đại diện tiêu biểu nhất là Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông đều cùng đưa ra diễn ngôn “Cư trần lạc đạo”  tức “Vui đạo ở cõi trần”. Quan niệm nhập thế là di sản độc đáo của Phật giáo thời Trần trong thế kỷ 13, xuất phát từ thân phận của những thiền giả cùng lúc đảm đương hai vị thế: con người chính trị và con người tu hành. Một cách tình cờ, cũng trong thế kỷ 13 với nhiều biến động lớn ở bình diện thế giới ấy, một tinh thần chứng ngộ mạnh mẽ của thế giới Islam, cũng chọn vui đạo ở cõi trần như con đường tu hành của mình, đó chính là Rumi – nhà thơ vĩ đại nhất của thế giới Islam.

Say – trạng thái tỉnh giác trong thơ Rumi

Nếu Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông có thân phận là những quý tộc sớm bén duyên với Phật giáo, nhận thức toàn bộ lẽ vô thường của đời người, nhưng vẫn sẵn sàng nhập thế để hoàn thành bổn phận của mình, mượn nghịch cảnh ấy để tu đạo; thì Rumi lại bắt đầu ở một thái cực khác. Rumi đảm nhận cương vị của một vị sheikh, tức đạo sư trong cộng động tu đạo tại Konya, Thổ Nhĩ Kỳ và sống một cuộc đời bình dị với dạy học, thiền định, giúp đỡ người nghèo – có lẽ là một cuộc đời mà Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông, có thể trước đó là Trần Thái Tông đều ước ao khi còn trẻ. Ông đã rời khỏi chốn tu hành của mình để nhập cuộc vào thế gian, trong khao khát kiếm tìm người bạn tương tri của mình là Shams xứ Tabriz, để rồi trong suốt cuộc kiếm tìm ấy, ông đã đắc chứng ngộ. Dù xuất phát điểm thế tục khác nhau, nhưng các vị thiền giả nhập thế thời Trần và Rumi đều có chung một xuất phát điểm tinh thần, đó là Tâm Không, thấu triệt lẽ hư vô của đời người, và trong suốt cuộc lịch duyệt, các thiền giả hướng tới tỉnh giác, còn Rumi hướng tới say.

Gần như toàn bộ các bài thơ của Rumi đều hướng tới trạng thái Say, dễ khiến các độc giả lầm tưởng cơn say ấy gần với thú vui hành lạc của các trang tài tử. Nhưng với Rumi, “say” chính là sự tỉnh giác, bởi trong “say”, người tu hành có thể “nhắm mắt lại – và nhìn bằng con mắt khác” (thơ Rumi). Sufi – pháp tu mà Rumi theo đuổi, chủ trương tu hành để đạt tới trạng thái phúc lạc nhất khi hòa hợp với tồn tại.  Các bậc thầy Sufi thực hiện các điệu múa xoay vòng, và chiêm nghiệm về Thượng Đế hay toàn thể, từ đó thơ ca và âm nhạc được cất lên trong trạng thái tinh thần đẹp đẽ nhất, là biểu hiện giữa thế gian của đóa hoa chứng ngộ (mượn chữ của nhà phân tâm học tâm linh người Ý – Roberto Assagioli). Các thầy tu Sufi thường tìm kiếm cảm giác say bằng rượu vang, một món được chế biến từ hạt cà phê Arabica (đây chính là nguồn gốc của những tách cà phê sau này), âm nhạc và những điệu nhảy, và với Rumi, người đã từng trải qua toàn bộ các trạng thái say ấy, ông tìm thấy trạng thái say mãnh liệt  nhất chính là tình yêu mà tại đó mọi cái tôi đều biến mất. Nếu tìm một từ tương đương chính xác hơn để biểu hiện cho trạng thái say này trong Phật giáo, thì đó chính là Vô Trí – khi cái trí không còn thì ham muốn đạt đạo cũng không còn, chỉ nhập làm một vào toàn thể, một nguyên mẫu đạt đạo chúng ta dễ nhận thấy ở Tế Điên hòa thượng hay bậc trí tuệ điên Tây Tạng Milarepa. Ông viết:

“Hãy nhận biết suy tưởng và chiêm nghiệm,

cảm nhận qua giác quan chỉ là khúc nứa rỗng

mà con trẻ cắt ra vờ làm lũ ngựa.

Nhận biết về những người tình bí ẩn lại khác nhé.

Lịch duyệt, cảm xúc, rồi khoa học

chúng giống như lũ lừa cõng đầy sách,

có khi như son phấn của ả gái điểm trang.

                                                                                     Rồi sẽ bị cuốn trôi đi.

Nhưng nếu bạn mang hành trang đó đúng cách, niềm vui sẽ tới.

Đừng níu giữ tri thức vì ích kỷ.

Chối từ ham muốn và mong muốn,

và đỉnh núi thực sự ngay dưới chân bạn thôi.”

(Trích bài thơ “Trò chơi trẻ nhỏ” trong tập “Rumi Tinh Tuyệt”, Lê Ái & Lê Duy Nam dịch, NXB Hội Nhà Văn & Book Hunter, tái bản lần I, 2022)

>> Tìm hiểu thêm: Rumi Tinh Tuyệt – Coleman Barks – Book Hunter Lyceum

Khổ hạnh không phải thái cực mâu thuẫn của phúc lạc

Trong toàn bộ các bài thơ của Rumi, ta sẽ thấy một sự mâu thuẫn lớn, một mặt, ông ca ngợi khổ hạnh, một mặt khác, ông như thể một kẻ đeo đuổi vui thú. Nếu chúng ta sử dụng cái nhìn biện biệt, ta sẽ thấy rằng khổ hạnh và phúc lạc là hai thái cực, nhưng với tâm không bản nhiên nơi ông, thì dẫu là khổ hạnh hay phúc lạc cũng đều là trạng thái say – trạng thái mà mọi giới hạn của thân thể và tâm trí đều biến mất.

“Biến mất, cả trong lẫn ngoài,

không trăng, không mặt đất cũng chẳng bầu trời

Xin đừng rót rượu vào ly

Hãy rót thẳng vào miệng tôi.

Vì tôi chẳng thể biết miệng mình nơi nao nữa rồi.”

(Trích tập thơ “Rumi tinh tuyệt” Lê Ái & Lê Duy Nam dịch, NXB Hội Nhà Văn & Book Hunter, tái bản lần I, 2022)

Những cơn say của Rumi gợi cho ta nhớ đến thần rượu nho Dionysus, vị thần trong thần thoại Hy Lạp luôn say lướt khướt với giáo đoàn của mình. Không hoàn toàn là một vị thần có xuất xứ từ Hy Lạp, Dionysus có nguồn gốc và ảnh hưởng lớn ở vùng Tiểu Á, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (mảnh đất Konya của Rumi cũng nằm trong khu vực này). Các nhóm tôn thờ Dionyus, trong đó có Orphism – một giáo phái được phát triển trong quá trình tín ngưỡng này du nhập vào Hy Lạp, đều coi trạng thái say là trạng thái tự do và thức tỉnh nhất của con người mà tại đó con người hòa hợp với toàn thể. Những người theo Orphism uống rượu vang, ca hát, nhảy múa, làm thơ trong trạng thái phúc lạc. Trong quá trình phát triển của pháp tu Sufi, các thầy tu Sufi đã tiếp thu các yếu tố của Orphism nói riêng và hệ tín ngưỡng Dionysus nói chung, mà dấu vết rõ ràng nhất chính là ca hát, nhảy múa, thơ ca, yêu đương, uống rượu hoặc các chất có thể tạo cảm giác say.

Nhưng khác với các pháp tu thuộc tín ngưỡng Dionysus, pháp tu Sufi nói chung và Rumi nói riêng có một hướng tiếp cận khác, dù các dấu hiệu có sự tương đương. Nếu tín ngưỡng Dionyus mượn rượu, ca hát, nhảy múa, thơ ca, yêu đương… để đạt tới trạng thái tự do và phúc lạc, thì Rumi và các thầy tu Sufi khác coi thơ ca, nghệ thuật và tình yêu là sự tuôn chảy tự nhiên sau khi phúc lạc được lấp đầy bởi toàn thể. Bởi thế, thay vì tìm khoái lạc để tự do, thì Rumi và các thầy tu Sufi coi khổ hạnh và mọi đau khổ trần ai đều như những trải nghiệm cần vượt qua và chỉ thực sự bước qua chúng khi nhận thấy vẻ đẹp và tính thiêng nơi chúng.

Rumi đã viết về trải nghiệm nhịn ăn – một phương pháp tu khổ hạnh thế này:

“Có vị ngọt tiềm tàng trong sự trống rỗng nơi dạ dày.

Chúng ta là chiếc đàn luýt, không hơn, không kém. Nếu hộp âm

được nhồi đầy, chẳng thể nào nhạc cất lên.

Nếu bộ não và cái bụng đang cháy lụi

vì nhịn ăn, mỗi khoảnh khắc một bài ca mới mẻ sinh ra từ ngọn lửa.

Sương mù tan, và năng lượng mới khiến bạn

vụt chạy từng bước về phía trước.

Hãy thêm trống rỗng và cứ than khóc tựa hồ nhạc cụ từ cây sậy khóc than.

Trống rỗng hơn, hãy viết nên bao điều bí mật bằng cây bút sậy.”

(Trích bài thơ « Nhịn ăn” trong tập thơ “Rumi Tinh Tuyệt”)

Trái với nhận định rằng Rumi chọn pháp tu nuông chiều các giác quan, ngược với diệt trừ tham dục, trên thực tế, trong các bài thơ của mình, ông luôn coi sự trừ bỏ tham dục là cốt lõi của hành động giữa thế gian. Ví dụ, trong một truyện thơ ngụ ngôn có tên “Cơn hứng tình, điều mà tiếng cười của một người phụ nữ có thể tạo ra, và bản chất của tính dương đích thực”, ông kể về một chuyện tình tay ba giữa một mỹ nhân, một tướng quân và một vị Caliph (tức một vị vua). Mỹ nhân vốn thuộc về vị vua nhưng đã tằng tịu với tướng quân, Rumi đã dành những câu thơ đắm say cho cảnh ái ân của nàng và chàng, nhưng rồi đến cuối bài thơ, ông ca tụng phẩm hạnh đẹp đẽ của vị vua khi không giết vị tướng và mỹ nhân, thậm chí còn thành toàn cho họ. Vị vua đã không bị chi phối bởi lòng ham muốn và sân hận:

“Cốt lõi dũng khí của đàn ông chân chính là khả năng

từ bỏ những ham muốn nhục dục. Sinh lực mạnh mẽ

của vị tướng quân kém cỏi hơn lớp vỏ vô giá trị

khi so với sự cao thượng của Caliph ở điểm kết

vòng gieo rắc dục vọng và gặt về

bí mật cùng trái đắng.”

Đọc toàn bộ thơ Rumi với đẩy đủ các thang bậc từ thế tục nhất tới tính thiêng cao quý nhất, người đọc thực sự trải qua đủ đầy mọi sắc thái cảm xúc của mọi cảnh tượng và bước ra khỏi chúng, từ đó chiêm nghiệm những ý nghĩa cho riêng mình. Đó chính là lý do Rumi có sức ảnh hưởng vượt ra khỏi giới hạn của pháp tu Sufi hay Hồi giáo, mà có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, và ngay tại quê hương ông, đến nay những người dân vẫn ngâm ngợi “lẩy thơ Rumi”.

Hà Thủy Nguyên

Bài đã đăng trên báo ANTG giữa và cuối tháng

> Đọc thêm các bài:

“Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay – Book Hunter

Paulo Coelho nói về Trí huệ của Rumi – Book Hunter

“Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay

Ban đầu, tôi biết đến Rumi qua các bài giảng của nhà huyền môn thế kỷ 20 đầy mê hoặc – Osho (Rumi có một cái tên rất dài, nhưng tôi chỉ muốn gọi ông đơn giản là Rumi). Osho yêu Rumi, không ít lần Osho thốt lên điều ấy. Tình yêu của Rumi cũng chính là trọng tâm trong những lời giảng về con đường chứng ngộ của Osho. Năm 2016, tôi được đọc bản dịch Rumi đầu tiên được xuất bản ở Việt

KHẢO LƯỢC VỀ ISLAM VÀ ẢNH HƯỞNG LÊN CHÂU ÂU THỜI PHỤC HƯNG (PHẦN II)

CHƯƠNG 9: KHOA HỌC Kinh Qur’an nhấn mạnh vẻ đẹp của tự nhiên và sự hiện diện của phép màu từ Thượng đế trong thế giới vật chất. Ở nhiều nơi, Qur’an là tài liệu tham khảo về tự nhiên cũng như các yếu tố của khoa học và kết nối tất cả với sự sáng tạo của Thượng đế, thậm chí còn khuyến khích nghiên cứu có hệ thống. Kinh Qur’an hướng sự chú ý tới các dấu hiệu từ thế giới tự nhiên
le-ai

Lê Ái

04/10/2017

Khảo lược về Islam và ảnh hưởng lên Châu Âu thời Phục Hưng (Phần I)

Bookhunter: Đây là bài giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu về nền văn minh Islam”, xuất bản vào năm 2010 và tái bản 2011 của hai tác giả Ahmed Essa và Othman Ali. 1- VAI TRÒ CỦA ISLAM TRONG LỊCH SỬ Đạo Islam đã tạo ra cây cầu độc nhất nối giữa các nền văn minh của phương Đông và phương Tây. Giới học giả Islam đã cứu lại nền tri thức đang trên đà thất lạc trong nhiều thế kỷ và đem cái mới
le-ai

Lê Ái

27/09/2017

Omar Khayyam và Rumi: Say là một lẽ sống

“Thần Dionysos hay Bacchus, chúng ta được biết chủ yếu như là hiện thân của cây nho và niêm vui do nước ép của quả nho mang tới. Lễ thờ cúng xuất thần của ngài, đặc trưng bởi những màn nhảy múa dữ tợn, bởi thứ âm nhạc say mê và việc uống rượu vang thả giàn hình như có nguồn gốc từ những bộ lạc nông thôn ở Thrace, vốn đều đặn thả mình trong thú vui uống rượu. Màu sắc huyền thoại của

“LỜI DẠY CỦA RUMI” – CHỈ DẪN TỚI ĐIỀU THIÊNG

“Khi bạn tìm kiếm Thượng Đế, bạn thấy bản thân mình Khi bạn tìm kiếm bản thân mình, bạn tìm thấy Thượng Đế” Rumi Jalal-ud-din Rumi  (1207-1273) là nhà thần bí đồng thời là nhà thơ vĩ đại nhất của thế giới Islam cổ đại. Ông là nhà thần bí quan trọng trong trường phái bí giáo Islam có tên là Sufi – trường phái tâm linh đạt được chứng nghiệm về Thượng Đế và toàn thể thông qua nhảy múa, âm nhạc và thơ