Home Đọc Đọc “Siddhartha” của Herman Hesse để nghĩ về chặng đường truy tìm chân lý

Đọc “Siddhartha” của Herman Hesse để nghĩ về chặng đường truy tìm chân lý

le-nam

Lê Nam

15/09/2017

Siddhartha gặp Đức Cồ Đàm và được nghe về Tứ diệu đế và Bát chính đạo, nhưng chàng không dừng ở đó, chàng không gia nhập giáo đoàn của Đức Cồ Đàm như người bạn thân từ thủa thiếu thời Giovinda của chàng. Vẫn còn điều gì đó thôi thúc bên trong chàng: đi theo Đức Cồ Đàm để diệt khổ sẽ không mang lại bình yên trong tâm trí của chàng. Đức Cồ Đàm lý luận rất hay, rất chuẩn nhưng Siddhartha chẳng để tâm tới những lời nói uyên bác đó, chàng chỉ bị hấp dẫn bởi điệu bộ, cử chỉ, giọng nói và nụ cười của Đức Cồ Đàm mà thôi. Chàng mải mê quan sát Đức Cồ Đàm và chàng biết rằng, để có được một vẻ bình yên như thế đòi hỏi nhiều hơn làm theo Tứ diệu đế và Bát chính đạo. Đây là đoạn truyện lý thú và tâm đắc nhất của tôi trong tác phẩm “Siddhartha” của nhà văn đoạt giải Nobel Herman Hesse. Đoạn truyện này không chỉ cho thấy những tư tưởng của Siddhartha là một sự nối tiếp của các bậc chứng ngộ đi trước mà còn cho thấy một con người đi tìm chân lý, không dễ dừng bước trước những câu trả lời bày ra trước mắt.
Hermann Hess đã xây dựng thực sự rất thành công nhân vật Siddhartha với một cá tính rõ ràng: một lòng hướng tới chân lý. Ở Siddhartha hội tủ đủ các điều kiện để chạm tới chân lý thực sự: từ nhỏ chàng đã luôn đặt ra cho mình các câu hỏi, chàng không dễ dàng tin và hài lòng với các hệ thống giáo điều hay các phương pháp tu tập đương thời. Khi nhìn cha chàng, một người Bà La Môn, hàng ngày phải thực hành hết nghi lễ này tới nghi lễ khác, chàng không khỏi thắc mắc liệu tâm trí của ông có bao giờ yên bình. Chàng nhận ra ngay rằng việc mình cứ ở mãi đây và làm theo mọi thứ số phận đã sắp đặt – trở thành một Bà La Môn như cha mình, sẽ không giúp chàng giải đáp các câu hỏi của chàng. Ở Siddartha có một điều mà tôi rất thích đấy là một khi chàng đã quyết là chàng sẽ làm tới cùng. Chàng trai Siddartha nhìn thấy các sa môn – những người khổ tu – ăn mặc đơn giản và dường như tâm trí họ không bị vướng bận bất cứ một điều gì trong khi người cha với tất cả địa vị đang có, nghi lễ, giáo điều, tài sản, gia đình… lại không thể đạt tới được. Trong đầu chàng nảy ra ý muốn theo học các sa môn để có được cái vẻ không vướng bận trần tục. Chàng thuyết phục Giovinda đi cùng chàng.
Chàng học rất nghiêm túc. Các sa môn bảo chàng làm gì, chàng đều làm đến nơi đến chốn. Chàng phải nhịn ăn hàng tuần, phải chịu cái nắng cháy da cháy thịt, phải chịu cái lạnh thấu xương, phải chịu cái đau gai đâm…Sau một thời gian ngắn, chàng đã trở thành một sa môn thực thụ với nhiều năng lực siêu phàm: nhịn đói nhiều ngày mà vẫn sống, độ tập trung tư duy cao, sức bền và sự kiên nhẫn siêu đẳng. Chàng luyện tập năng lực đồng cảm với vạn vật xung quanh.  Chàng tưởng tượng mình là một con chim đang bay trên trời để cảm nhận được sự tự do, thống khoái. Chàng tưởng tượng mình là một cái cây bên đường, một con thú đang săn mồi và rất nhiều những sự vật khác nữa. Tất cả các bài học chàng đều thực hiện một cách nhanh chóng và thành thục và điều này khiến cho các sa môn già rất quý chàng. Tuy nhiên, sau ba năm, chàng đã quyết định rời các sa môn để đi tìm một nơi có thể cho chàng chân lý thực sự. Đối với chàng, các siêu năng lực mà sa môn có thể dạy chàng thì có gì hay. Đi trên nước, chịu được lửa, bay lơ lửng trên không trung…tất cả những năng lực này chàng đều không ham muốn. Nó không trả lời được các câu hỏi mà chàng đang tìm kiếm. Lúc bấy giờ mọi người đang truyền tai nhau nghe về Đức Cồ Đàm, một người giảng pháp rất hay, một triết gia thực thụ. Siddhartha và Govinda đến từ biệt các sa môn để tìm Đức Cồ Đàm học đạo lý. Các sa môn giận lắm, mắng chửi hai chàng trai thậm tệ. Siddhartha thật sự ngạc nhiên vì phản ứng này của các sa môn già. Các sa môn già này đã hơn ngũ tuần, lục tuần và đã tu tập sa môn vài thập kỷ, thế mà vẫn sân si đầy mình. Siddhartha cười khẩy và chàng dùng chính năng lực thôi miên mà các sa môn đã truyền dạy cho chàng để bắt vị sa môn già đang giận dữ kia phải quỳ xuống lạy vái chàng và để chàng ra đi. Thật uổng cho các sa môn một đời tu tập khổ hạnh, thế mà không qua được ải tham sân si.
Tôi thích đọc Siddartha của Hermann Hesse bởi cách viết dễ hiểu, ít sử dụng những thuật ngữ Phật giao rườm rà và vô nghĩa. Có lẽ tôi sẽ không thể nào tìm được niềm vui trong khi đọc “Siddhartha” nếu cứ vài dòng lại phải bắt gặp một thuật ngữ Phật giáo với ý nghĩa mơ hồ mà có khi Siddhartha tái sinh cũng cảm thấy chán nản khi nhìn chúng. Tôi vẫn luôn mường tường Phật giáo thực sự không bao giờ quá khó hiểu, và nhận định đó của tôi đã được xác minh qua quá trình đọc “Siddhartha” của Hermann Hess. Tất cả chúng ta đều có thể giống như Siddhartha nếu chúng ta không cầu những điều thế tục; không cầu tiền bạc, danh vọng, sức khoẻ, sắc dục, quyền năng… Tôi luôn thấy buồn cười khi ngày ngày hàng đoàn người tấp nập tới chùa cầu Phật đủ các thứ trên. Trong “Siddhartha”, chúng ta sẽ thấy, một tư tưởng xuyên suốt của các bậc chứng ngộ đó là “diệt tham”. Tham là gốc của khổ. Muốn diệt khổ thì phải diệt tham. Và Siddhartha đi xa thêm một bước. Chàng chỉ ra cho chúng ta thấy để đi được tới chân lý thì không được mong cầu chân lý. Chân lý có mặt khắp nơi quanh chúng ta, chỉ cần chúng ta dừng ham muốn đó thì chúng ta sẽ nhận ra được. Chẳng phải thế mà Siddartha sau này khi làm Phật, đã truyền lại ngai vị của mình cho đại đệ tử Ma Ha Ca Diếp bởi một lẽ: chỉ có Ma Ha Ca Diếp cùng với chàng mỉm cười khi ngắm hoa sen nở, còn những đệ tử khác thì nào là suy tư, cố gắng giải thích, tìm ý nghĩa của hiện tượng này.
Khi đọc Siddhartha, nhiều người trong chúng ta sẽ dễ bắt gặp hình ảnh của mình qua người bạn Giovinda. Giovinda là một người bạn trung thành, tốt bụng nhưng luôn sợ hãi một điều gì đó. Chàng đi tìm kiếm chân lý cùng với Siddhartha để có thể giúp tâm trí chàng có được sự bình yên. Giống như Giovinda, chúng ta thường hay sợ hãi hết cái này tới cái kia. Chúng ta sợ hãi những điều chúng ta không biết, những thứ có thể đe doạ tới an nguy của chúng ta, sợ hãi một mình cả ở cõi hữu hình và vô hình. Và điều này dễ khiến chúng ta phải quỵ luỵ vào các thế lực từ tâm linh, đến đời sống kinh tế, đến chính trị…
Thế nhưng ở Siddhartha ẩn chứa một điều gì đó khác biệt khiến chàng chẳng hề mảy may bận tâm tới những điều này. Chàng không sợ hãi mà chỉ tìm kiếm, luôn luôn tìm kiếm. Rời bỏ các sa môn để tìm tới Đức Cồ Đàm. Và ở Đức Cồ Đàm, chàng đã nhận ra một điều: tu và thế tục là hai thế giới khác nhau; để có được sự yên bình giữa thế tục thì không thể thực hành tu tập như các sa môn hay các đệ tử của Đức Cồ Đàm được. Đó chỉ là một cách né tránh, từ bỏ thế tục mà đi theo con đường tu hành mà thôi. Ở Đức Cồ Đàm, Siddhartha nhìn thấy được cảnh giới giác ngộ của người tu hành và hình ảnh, dáng vẻ, điệu bộ cũng như giọng nói của Đức Cồ Đàm đã in đậm vào tâm trí chàng trai Siddhartha. Tứ diệu đế và Bát chính đạo hay thật đó, nhưng nó không mang tới cho chàng chân lý mà chàng đang tìm kiếm. Đức Cồ Đàm mới chỉ cho chàng một thái cực của trải nghiệm kiếp người thôi: thái cực thoát tục. Chàng vẫn còn muốn trải nghiệm nửa kia của kiếp người: một đời sống thế tục của một người bình thường.
Chưa một giây phút nào Siddhartha tỏ ra chán chường hay nản chí. Chàng luôn hết mình đi theo điều tâm trí chàng mách bảo, đi tìm kiếm chân lý. Tạm biệt Đức Cồ Đàm, tạm biệt Giovinda, chàng đi vào thành phố để trải nghiệm tận cùng nửa kia của con người. Người đầu tiên chàng bắt gặp khi từ rừng đi ra là một cô gái điếm hạng sang: Kamala. Gương mặt xinh đẹp, đôi môi như trái mọng vừa tách ra khiến tim chàng rạo rực. Chàng quyết định sẽ học nghệ thuật tình dục từ Kamala, cái mà chàng chưa biết một chút gì. Kamala không đồng ý nếu chàng không có tiền, thế là chàng quyết định đi kiếm tiền.
Chàng không cúi mình trước bất cứ một ông chủ nào bởi lẽ chàng biết tư duy, biết kiên nhẫn chờ đợi và biết nhịn đói. Ba điều chàng biết này giúp chàng chẳng phải lệ thuộc vào ai, và do đó chẳng phải quỵ luỵ ai. Với khả năng đọc và viết được dạy từ nhỏ trong tầng lớp Bà La Môn, chàng nhanh chóng học được nghề buôn bán nhờ làm trợ lý cho một thương nhân giàu có mà Kamala giới thiệu. Chàng nhanh chóng trở nên giàu có vì đối với chàng, công việc kia thật quá dễ dàng. Đắm chìm trong những cuộc ân ái với Kamala, chàng nhanh chóng trở thành tình nhân số một của cô. Mọi thứ đối với chàng thật quá dễ, chàng học rất nhanh và làm rất tốt mọi việc thế tục, những thứ mà người thường phải nỗ lực cả đời để phấn đấu. Đó chính là giá trị của “suy tư, nhịn ăn và chờ đợi” – những thứ tưởng như vô giá trị với đời sống thế tục.
Nhưng chàng vẫn chưa có được cái mà những con người thế tục kia có được: tham tiền, tham sắc, tham gia đình, tham công danh, tham địa vị…Chàng cứ thắc mắc mãi và ngưỡng mộ những con người đang đi trên phố kia với những ham muốn và khổ đau thường nhật. Chàng không thấu hiểu được tất cả những điều đó, những điều đã đưa đẩy con người vào vòng xoay của tột cùng khoái lạc và khổ sở.  Những ngày làm sa môn, chàng đã khinh miệt những con người bị vật chất chi phối, và giờ khi chàng đã giàu có và nhiều của cải, chàng vẫn vừa thương hai, vừa khinh họ. Chàng tự hỏi tại vì sao mà họ phải khổ như thế. Và cuối cùng, sau nhiều năm kiếm tiền, ân ái, hoan lạc thì Siddhartha cũng có được những ham muốn thế tục kia: chàng lao vào cờ bạc, giận dữ khi thua, vui mừng khi thắng; chàng quát mắng và mất kiên nhẫn với những kẻ ngu; chàng đã có đủ những “phẩm chất” của một con người bình thường.
Những tưởng cuộc đời chàng sẽ cứ như vậy cho tới già, nhưng không, con người khi xưa của chàng đã trỗi dậy, kéo chàng trở lại con đường đi tìm chân lý. Chàng đã từ bỏ vợ đẹp, sự giàu sang, địa vị hiện thời giống như chàng đã từng từ bỏ gia đình Bà La Môn của mình khi xưa. Nhưng lần này, chàng đã chiêm nghiệm được nhiều hơn. Chàng nhận ra rằng cậu bé Siddhartha, chàng sa môn Siddhartha hay thương nhân Siddhartha hiện hữu cùng một lúc. Tiền kiếp, quá khứ, tương lai và hiện tại cùng xuất hiện ra trước mặt chàng, và chàng đang quan sát tất cả những điều này. Chàng là bất biến, những trải nghiệm kia đơn thuần chỉ như những giấc mơ, như những cái gương để chàng soi mình vào đó. Giống như dòng sông, nơi những trải nghiệm tâm linh được đánh thức nơi chàng, dòng thời gian với trùng trùng các kiếp trước và sau tất cả đều hiện hữu. Chúng ta nhìn dòng sông, chúng ta chỉ thấy ảnh của dòng sông như một dòng chảy từ quá khứ đến tương lai. Nhưng khi chúng ta là dòng sông, tất cả đều hiện hữu, quá khứ và tương lai trở thành một. Chỉ trong hiện hữu, chân lý mới thực sự hiển lộ.
Toàn bộ câu truyện là một trải nghiệm triết học siêu hình. Siddhartha không quân tâm tới những vấn đề thế tục, chàng không có nhu cầu cứu khổ, cũng không có nhu cầu tu tập để có quyền năng cao. Chàng đi tìm kiếm chân lý, đi tìm kiếm cái bản thể của chàng. Ta là ai? Đó là câu hỏi chàng dành suốt cả tuổi thơ và tuổi trẻ để đi tìm kiếm lời giải đáp. Hãy đọc “Siddhartha” với một tâm trí không phán xét, hãy quên hết những gì bạn biết về Phật giáo. Chỉ cần bạn dành ra một ngày tĩnh lặng, thoải mái và theo dõi hành trình Siddhartha, thả lỏng tâm trí cho những suy tư, bạn sẽ cảm thấy một con đường mới mở ra trước mắt.
Lê Duy Nam

Đọc “Thiền uyển tập anh” để nhớ về thịnh thế của Phật giáo trên cõi Việt

Hôm nay, tôi đi trên đường và bắt gặp Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc. Một chiếc xe khách to, rú còi ầm ĩ, phóng vun vút tranh làn đường của người dân, trên xe chở nhiều ông sư với cái đầu trọc lốc. Chiếc xe đi theo hướng những anh cảnh sát giao thông đứng dẹp đường, dẫn về phía Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, nơi Đại hội diễn ra. Tôi bật cười, thầm nghĩ: “Sư bây giờ cũng vội
le-nam

Lê Nam

23/11/2017

BARDO THÖDOL – KINH VĂN PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Viết bởi Matt Stefon Matt Stefon là nhà biên tập về chủ đề tôn giáo cho trang Bách khoa toàn thư Britannica. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Anh học và Mỹ học tại trường đại học bang Pennsylvania và tốt nghiệp thạc sỹ khoa học xã hội ngành tôn giáo và văn học và thạc sỹ nghiên cứu Thần học về triết học, thần học và đạo đức (có đối chiếu vấn đề đạo đức trong tôn giáo) tại đại học Boston, tại đây

Mắt xích còn thiếu trong lịch sử y học Trung Quốc: Một ghi chú nghiên cứu về những nội dung liên quan y học trong Đại Tạng Kinh

Dẫn nhập về Y học Phật giáo Nhiều văn bản đã được tạo ra vào khoảng giữa năm 150 và 1100 SCN đã giới thiệu y học Ấn Độ đến Đông Á. Những điều này về mặt lịch sử đại diện cho một kho kiến thức liên quan đến sức khỏe tương đối rời rạc, không được tích hợp vào y học Trung Quốc và thường bị bỏ qua trong lịch sử y học chính thống của Trung Quốc. Các văn bản Phật giáo không

Hệ thống các vị Phật, bồ tát và thần, quỷ trong Phật giáo

I – Giáo đoàn của Thích Ca Mâu Ni và các hệ thống kinh điển Những chứng tích về Thích Ca Mâu Ni Đức Phật Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) hay Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) là cái tên đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt và chúng ta được nghe kể rất nhiều về cuộc đời của ông qua các truyền thuyết Phật giáo được lưu lại trong văn bản kinh sách, thế nhưng, nếu tiếp cận cuộc đời của ông dưới góc

Trà đạo vô ngôn thấu suốt lẽ nhàn

“Vi kỳ nhàn đắc địa” – Nguyễn Sưởng Thế cục cuộc đời tựa hồ bàn cờ mà trong đó mọi quyết định và diễn biến đều là các nước đi của chính ta và tha nhân. Cuộc đời không bày sẵn trận để đưa ta vào thế khó, thoạt tiên, cuộc đời chúng ta là một khoảng trống mênh mông. Nhất niệm – bước đi đầu tiên, khi ta khai trận, đã đưa đẩy chúng ta đến với thế cục mà ta phải đối mặt,