Home Chuyên đề tháng Hệ thống các vị Phật, bồ tát và thần, quỷ trong Phật giáo

Hệ thống các vị Phật, bồ tát và thần, quỷ trong Phật giáo

I – Giáo đoàn của Thích Ca Mâu Ni và các hệ thống kinh điển

  1. Những chứng tích về Thích Ca Mâu Ni

Đức Phật Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) hay Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) là cái tên đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt và chúng ta được nghe kể rất nhiều về cuộc đời của ông qua các truyền thuyết Phật giáo được lưu lại trong văn bản kinh sách, thế nhưng, nếu tiếp cận cuộc đời của ông dưới góc nhìn lịch sử thì sẽ thấy quá nhiều điểm mờ. Cũng giống như  Jesus Christ, Thích Ca Mâu Ni không để lại nhiều vết tích khảo cổ (dù có nhiều thánh tích và kinh văn ghi ghép). Năm sinh và năm mất của Thích Ca Mâu Ni không được xác định chính xác, chỉ được ước đoán vào khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 5 Trước công nguyên, cùng thời đại với một nhà truyền giáo khác là Mahavira, người sáng lập Jain giáo (1). Có một sự tương đồng trong cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni và Mahavira, đó là hai ông đều là các hoàng tử rời bỏ cung vàng điện ngọc để tu luyện và đắc đạo rồi rao giảng triết thuyết của mình để cứu rỗi dân chúng.

Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh – quyển thứ 2 trong số 5 quyển Nikāya) có nhắc đến chi tiết Thích Ca Mâu Ni đàm luận với một vị tu sĩ của Mahavira là Nigantha Dighatapassi và thu phục cư sĩ Jain giáo Upali tham giao giáo đoàn của Thích Ca Mâu Ni. Như vậy, ta có thể thấy, ở thời điểm Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, có một sự cạnh tranh giữa Phật giáo và Jain giáo, và cả hai giáo phái này đều đi ngược lại các truyền thống của Bà La Môn giáo đang thống trị ở  Ấn Độ với các lề luật khắc nghiệt và sự phân biệt đối xử giữa các đẳng cấp. Không chỉ Phật giáo và Jain giáo, nhiều giáo phái và  trường phái tư tưởng cũng nở rộ trong thời gian này như Pūraṇa Kassapa, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambalī, Pakudha Kaccāyana, and Sañjaya Belaṭṭhaputta, những vị được nhắc tới trong “Samaññaphala Sutta”(có nghĩa là “Qủa trái của đời sống chiêm niệm”, trích từ quyển 1 của Nikāya) (2). Các nhà nghiên cứu dự đoán thời đại của Đức Phật trùng với cuộc chinh phạt  Thung lũng Indus của đế chế Achaemenid dưới thời đại trị vì của vua Darius I (3).

Dựa trên pháp hiệu của Đức Phật là Thích Ca Mâu Ni, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ông có liên quan đến tộc Shakya (Phiên âm Hán Việt: Thích Ca – Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là hiền nhân của dòng tộc Thích Ca ). Thị tộc này tồn tại ở Ấn Độ trong khoảng từ 600 TCN đến 300 TCN. Một quốc gia riêng của thị tộc này đã được khởi lập với tên Śākya Gaṇarājya, và định đô ở Kapilavastu (Ca tỳ la vệ).Cương vực của quốc gia này được dự đoán nằm ở Tilaurakot (Nepal) hoặc Piprahwa (Ấn Độ) (4), thuộc khu vực ranh giới giữa Nepal và Ấn Độ ngày nay. Tôn giáo truyền thống của Shakya là thờ phụng thần mặt trời và những người Shakya như Thích Ca Mâu Ni đều tự nhận là hậu duệ của mặt trời (5). Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy tôn giáo thờ mặt trời của người Shakya có liên quan đến thần Surya trong kinh Vệ Đà hay tín ngưỡng từ khu vực Trung Đông lan truyền sang hay Bà La Môn giáo. Những dấu vết của thị tộc này đến nay cũng không còn mà chỉ được nhắc đến qua các truyền thuyết gắn liền với Phật giáo. Avatamsaka Sutra (Tên Hán Việt: Kinh Hoa Nghiêm) có nhắc đến một hóa thân của Thích Ca Mâu Ni với cái tên Vairocana (Tên Hán Việt: Đại Nhật Như Lai). Theo như thiền sư  Nhất Hạnh (683-727) lý giải thì “Chữ Tỳ Lô Giá Na (vairocana) là mặt trời, có nghĩa là soi sáng cùng khắp, diệt trừ mọi chỗ u ám” (6). Liệu Đại Nhật Như Lai vốn được cho là hóa thân của Đức Phật có phải chính là một hiện thân của vị thần mặt trời mà tộc Shakya thờ phụng hay không?

Không có nhiều văn bản lịch sử ghi chép về Đức Phật trong vòng một đến hai thế kỷ sau thời đại của ông. Chỉ đến thời vua Ashokha vào giữa thế kỷ 3 TCN, Đức Phật mới được đề cập đến trong các đạo luật của vị vua này, và trên Trụ đá Rummindei khi Ashokha tưởng niệm cuộc hành hương của mình tới Lumbini, nơi được cho là ghi dấu sự kiện Đức Phật ra đời (7). Bản thảo Phật giáo lâu đời nhất được lưu lại tới nay là các văn bản Phật giáo Gandhāran, được tìm thấy ở miền đông Afghanistan và bảo quản tại Thư viện Anh quốc, được viết bằng ngôn ngữ Gāndhārī trên vỏ cây bạch dương, có niên đại từ thế kỷ I TCN đến thế kỷ 3 SCN. (8)

Ghi chép về tiểu sử của Đức Phật là một quá trình phức tạp và thiếu rõ ràng, được thêm bớt trong các kinh điển khác nhau trong suốt dòng lịch sử. “Buddhacarita” (Phật sở hạnh tán) của Aśvaghoṣa vào khoảng thế kỷ I TCN, thuộc các kinh văn Đại Thừa,  là văn bản cổ xưa nhất kể lại cuộc đời Đức Phật được lưu lại đến nay. Trong văn bản kinh này, Aśvaghoṣa đã sử dụng nhiều hình ảnh thơ và triết lý liên quan đến Hindu giáo. Ví dụ như trong quyển 4 (bản dịch tiếng Anh):

“Then like Indra himself, and having tamed his senses,–desiring to return home he mounted his roble steed; and having made him turn back as he looked for his friends, from that moment he sought no more the desired forest.” (9)

“Thế rồi, giống như chính Indra, sau khi đã thuần hóa được các giác quan của mình, – với mong muốn quay trở về nhà người đã cưỡi lên con ngựa cao quý của mình; sau khi quay lại để tìm kiếm bạn bè, từ khoảnh khắc đó người không còn tìm kiếm khu rừng mơ ước nữa.”

Các cuốn kinh khác thuộc dòng đại thừa như Mahāvastu (kể về Lokottaravāda, chi phái Phật giáo đầu tiên theo quan điểm của đại thừa và thừa nhận sự siêu việt của Đức Phật), Lalitavistara Sūtra (tên tiếng Việt: Kinh Phổ Diệu, kể về sự đản sinh của Đức Phật) đều đề cập đến cuộc đời của Đức Phật và có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 3 SCN. Những chi tiết trong hai bộ kinh này khá tương đồng với Nidānakathā trong hệ kinh tiểu thừa bằng tiếng Pali, có niên đại khoảng thế kỷ 5 SCN. Qua các cuốn kinh này, ta được biết rằng cuộc đời Đức Phật được chia làm 3 giai đoạn:

  • Khi Đức Phật là một vị bồ tát dưới sự trị vì của Phật Dīpankara ( Nhiên Đăng) và những câu chuyện tiền kiếp.
  • Khi Đức Phật đầu thai làm thái tử rồi bỏ đi tu, thiền định và chứng ngộ
  • Những cuộc đàm luận cùng với giáo đoàn

Như vậy, cuộc đời Đức Phật trong quá trình truyền bá Phật giáo đã có hơn 400 năm không được lưu lại dưới dạng văn bản mà được kể lại bởi các tu sĩ. Trong quá trình này không thể tránh khỏi việc các tu sĩ đưa vào câu chuyện những tình tiết li kỳ hoặc các chi tiết du nhập từ Hindu giáo hoặc tôn giáo địa phương để dễ dàng thuyết phục người dân tại các tiểu vương quốc khác nhau trên mảnh đất Ấn Độ. Đây là trường hợp thường thấy trong Do Thái giáo, Kito giáo và bản thân Hindu giáo ở giai đoạn chưa có văn bản ghi chép. Khi các sự kiện được ghi chép lại sau vài thế kỷ thì đã có sự “sáng tạo truyền kỳ” tạo ra một khoảng cách giữa huyền thoại và thực tế mà sự “sáng tạo truyền kỳ” ấy được hình thành do nhào nặn câu chuyện thật với các truyền thuyết địa phương và tôn giáo đang hiện hành. Một khả năng khác cũng có thể xảy ra đó là tộc Shakya cũng chịu ảnh hưởng của các truyền thống Hindu giáo và quá trình truyền đạo của Đức Phật có sử dụng các yếu tố của Hindu giáo. Tuy nhiên, lập luận này chưa có cơ sở rõ ràng vì không hề có ghi chép nào liên quan đến Đức Phật ở ngay chính thời đại của ông mà chúng ta chỉ biết đến ông theo các ghi chép từ thời vua Ashokha trở về sau.

Nếu lược bỏ tất cả các huyền thoại mang nhiều màu sắc kỳ ảo, ta có thể biết những điều sau về Đức Phật dù không quá chắc chắn: Có một quý tộc của bộ tộc Shakya sống ở vùng núi Hymalaya, giáp ranh giữa Ấn Độ và Nepal hiện nay, đã từ bỏ ngôi vua để tu hành. Ông có thể đã trải qua nhiều pháp môn đang hiện hành ở Ấn Độ lúc bấy giờ, nhưng rồi ông đã chọn con đường thiền định và chiêm niệm trong tĩnh lặng dưới gốc cây bồ đề. Bằng con đường thiền định và chiêm niệm, ông đã có những nhận định về bản chất của thực tại và sự sống. Ông bắt đầu đi rao giảng những gì mình chiêm nghiệm và thu hút không ít các tín đồ. Cùng thời đại với ông cũng có nhiều nhà tư tưởng khác cùng rao giảng các triết thuyết khác nhau. Tư tưởng của ông được các đệ tử nhiều đời lan truyền nhưng họ cũng không quên bổ sung các chi tiết để phù hợp với trình độ, quan điểm, thân phận và nhiệm vụ họ phải gánh vác (chúng ta sẽ đi sâu vào điểm này ở phần I-2). Dù ông có những quyền năng huyền diệu như trong các cuốn kinh Phật đã thuật lại hay không thì tư tưởng của ông được phản chiếu qua ghi chép của nhiều thế hệ đệ tử cũng đã thay đổi thế giới, hướng con người vượt qua sự vô minh để đạt tới tự do đích thực.

>> Mời xem video ghi lại cuộc trò chuyện PHẬT GIÁO – CHÚNG TA ĐANG THỜ AI

https://www.youtube.com/watch?v=fv-s76A-dO8&t=355s

  1. Kinh điển Phật giáo đã được biên soạn như thế nào?

Sau khi Đức Phật tịch diệt, trong khoảng 400 năm, những giáo lý và lịch sử liên quan đến Đức Phật và các đệ tử của ngài được lưu truyền qua hình thức truyền miệng. Khi còn trên trần thế, Thích Ca Mâu Ni không để lại các ghi chép mà truyền đạo qua các bài giảng và các đối đáp với đệ tử. Khi ngài viên tịch, các đệ tử đã cùng với nhau tụ họp, tranh luận và tuyển lựa những nội dung phù hợp để truyền đạo. 500 vị Arahan (A la hán) đã được lựa chọn để tập kết kinh điển bằng cách để hai vị Ananda và Upali thuyết lại lời Đức Phật dạy và những vị khác sẽ bổ sung, biểu quyết khi cần thiết. Toàn bộ quá trình này được kéo dài bảy tháng. Sự kiện tập kết kinh điển đầu tiên này được ghi lại trong Vinaya Pitaka (Luật Tạng). Mặc dù vậy, các kinh điển kết quả của tập kết lần thứ nhất chỉ được ghi chép lại vào thế kỷ I TCN và trong suốt quá trình truyền bá, mỗi chi phái của Phật giáo đều có hệ thống kinh sách riêng của mình. Những đoạn kinh điển được tập kết trong lần này về sau được ghi chép lại thành āgama (Phiên âm tiếng Việt: A hàm)

Đại hội tập kết kinh điển lần thứ hai (khoảng 383 TCN) diễn ra khoảng 70 năm sau khi Đức Phật viên tịch, nguyên nhân bắt đầu từ sự mâu thuẫn trong giáo đoàn về vấn đề giữ giới luật, mà nghiêm trọng nhất là liên quan đến cúng dường. Lúc bấy giờ trong tăng đoàn đã bắt đầu xuất hiện những vị tu sĩ mong muốn cải cách Phật giáo bằng việc đề xướng thắt chặt giới luật vì các nhà sư quá bừa bãi, thế nhưng họ đã thất bại. Các nhà sư yêu cầu cải cách chỉ trích các nhà sư khác vì họ nhận cúng dường tiền bạc và cho rằng việc nhận cúng dường tiền bạc là một tội lỗi, nhưng đa phần các sư trong  Các nhà sư khác đều phủ nhận bản thân mắc tội. Các nhà sư theo phe cải cách đã ly khai khỏi tăng đoàn và thành lập Sthavira nikāya (Tiền thân của Theravāda – Phật giáo Thượng tọa bộ), còn các nhà sư còn lại thuộc Mahāsāṃghika (Đại chúng bộ) về sau đã phát triển thành phái Mahāyāna (Phật giáo Đại thừa).(10)

Lần đại hội tập kết kinh điển thứ ba được tổ chức dưới sự bảo trợ của vua Ashokha vào khoảng 325 TCN. Ashokha là quân vương của đế quốc Magadha (phiên âm Hán Việt: Ma Kiệt Đà). Vùng đất của đế quốc này thuộc đồng bằng sông Hằng, bang Bihar – Ấn Độ ngày nay. Vào thế kỷ thứ 4 TCN, đế quốc này đã thâu tóm được miền Bắc Ấn, sau đó rơi vào sự đô hộ của Alexandria Đại Đế nhưng triều đại triều đại Maurya đã phục hưng lại quyền lực của quý tộc người Ấn. Ashokha là một trong số các vị vua của triều đại Maurya, người đã thống nhất Ấn Độ. Với tiềm lực quân sự và chính trị của mình, vua Ashokha đã truyền bá Phật giáo đến Srikanka, Đông Nam Á, Tây Á, Trung Đông… Nguyên nhân của cuộc tập kết lần thứ ba này là do những mâu thuẫn trong tăng đoàn về vấn đề pha tạp giáo lý ngoại giáo với giáo lý của Đức Phật.  Về hình thức, lần tập kết đại hội này vãn giống hai lần tập kết trước, và đi đến sự thống nhất trong hệ thống kinh điển bằng việc tổ chức bộ Tripiṭaka (tức Tam Tạng: gồm Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng) và bổ sung Kathàvatnu (tức  Thuyết Sự) được soạn bởi Moggaliputta-tissa – chủ tọa của đại hội, vào Luận Tạng. Trong lần tập kết này, Moggaliputta-tissa phủ nhận toàn bộ các giáo lý mà ông cho là dị giáo mà chỉ thừa nhận những gì ông cho là Phật giáo chân chính. Tuy nhiên, cuộc tập kết kinh điển lần thứ ba này chỉ được ghi chép lại trong Luật tạng của Phật giáo Thượng tọa bộ trong khi Đại chúng bộ lại không hề được nhắc tới.

Đại hội tập kết kinh điển lần thứ tư là tên gọi chung của hai cuộc tập kết tại Srilanka (25TCN) và Kashmir (78SCN). Dấu tích của hai cuộc tập kết kinh điển này còn được lưu lại đến nay bằng văn bản. Đây có thể xem làm những lần đầu tiên kinh Phật được ghi lại bằng chữ, bởi vì họ bắt đầu ý thức được sự nguy hiểm của việc không lưu trữ kinh điển trong khi chiến tranh liên miên có thể gây ra cái chết của các trưởng lão dẫn đến thất truyền giáo lý. Kinh văn sau lần tập kết ở Srilanka được ghi chép trên lá cọ, còn tại Kashmir được ghi chép trên các lá bằng đồng. Kinh văn trong lần tập kết kinh điển tại Kashmir không được Theravāda thừa nhận vì đây là cuộc tập kết của các tu sĩ trong phái Sarvastivada  ( tức Nhất thiết hữu bộ )- chi phái Phật giáo hoạt động chủ yếu ở Kashmir và Gandhara. Giáo lý của Nhất thiết hữu bộ nằm giữa tiểu thừa và đại thừa, trình bày quan điểm về bản chất của tồn tại.

Ở cái nhìn của Đại chúng bộ, bác bỏ những luật cấm đối với các tu sĩ thuộc dòng này chính là sự hướng tới tự do. Những người theo Đại chúng bộ cho rằng mười vị trưởng lão phản đối việc nới lỏng giới luật sau lần tập kết kinh điển lần thứ hai là chấp vào giới luật – những điều mà Thích Ca Mâu Ni đã dặn dò Ananda rằng có thể thay đổi tùy theo thời thế. Sau lần tập kết kinh điển lần thứ hai, hơn mười ngàn người thuộc Đại chúng bộ đã tổ chức một cuộc tập kết kinh điển riêng với tên gọi “Tuyên đọc của Đại chúng bộ”. Sự tập kết kinh điển của Đại chúng bộ bị Thượng tọa bộ công kích, cho rằng Đại chúng bộ đã bịa đặt và lắp ghép các kinh điển theo ý mình. Tuy nhiên, khi Fumio Masutani, một học giả Phật giáo thực hiện so sánh giáo lý trong hai bộ kinh điển của Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ thì không thấy có nhiều khác biệt. Cho đến nay, vẫn có nhiều quan điểm cho rằng Thượng tọa bộ là Phật giáo chính thống còn Đại chúng bộ là dị giáo, và vấn đề này cần phải được xem xét một cách cẩn trọng với cái nhìn rộng mở và công tâm. (11)

Đại chúng bộ có sự khác biệt với Thượng tọa bộ về quan niệm thực tại. Đại chúng bộ cho rằng tất cả đều chỉ là hư huyễn, cho dù là tuyệt đối hay tương đối, Niết bàn hay Luân Hồi, thế gian hay xuất thế gian. Những khái niệm ấy không thực sự trường tồn và không phải là chân thực và Đức Phật là người siêu vượt khỏi thế giới hư huyễn mà chúng ta đang mắc kẹt trong đó. Trong khi ấy, Thượng tọa bộ lại quan niệm rằng Đức Phật chỉ như người thường và có những hạn chế, còn các A la hán là những vị có được “thể tính cao khiết” (12).

Niên đại của các kinh điển của Đại chúng bộ không thể xác định rõ ràng, tuy nhiên, lịch sử Trung Quốc ghi nhận những kinh điển của Đại chúng bộ bắt đầu được lưu truyền và dịch sang tiếng Hán vào cuối thời Đông Tấn ( đầu thế kỷ 5 SCN). Trong suốt thời kỳ Ngũ Hồ Loạn Hoa và Nam Bắc triều kéo dài từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 7, Phật giáo Đại chúng bộ được lan truyền ở Trung Hoa. Thái độ của các quân vương Trung Hoa đối với Phật giáo rất khác nhau, có vị yêu thích Phật giáo, có vị bài trừ Phật giáo, điều đó cho thấy Phật giáo đã có sức ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Trung Hoa bấy giờ.

Một vấn đề khác cần được xem xét đó là Hīnayāna (Tiểu thừa) và Mahāyāna (Đại thừa). Trước nay, các nhà nghiên cứu và các tu sĩ đều đồng nhất Tiểu thừa với Thượng tọa bộ còn Đại thừa với Đại chúng bộ nhưng quan điểm này có nhiều điểm đáng bàn cãi.

Đại thừa là pháp tu của bồ tát  với nguyên lý đạt đến giác ngộ toàn triệt bằng vì mục đích cứu rỗi chúng sinh. Dấu vết cổ xưa nhất được ghi lại của khái niệm này là trong kinh Saddharma Puṇḍarīka Sūtra  (Diệu pháp liên hoa hay kinh Pháp hoa) có niên đại trong khoảng từ thế kỷ I TCN đến thế kỷ I SCN. Khái niệm này ban đầu có thể không hẳn để chỉ một chi phái mà là một phong trào để kích thích sự tinh tấn trong tu hành ở các tu sĩ và quan điểm cho rằng có sự liên đới giữa Đại thừa và Đại chúng bộ là bởi các kinh sách của Đại chúng bộ đều được coi là những kinh điển quan trọng của Đại thừa. Những kinh điển Đại thừa được lưu truyền hiện nay đều là những bản kinh đã được dịch sang tiếng Hán và chúng đều không hướng tới việc thành lập một giáo phái hay tổ chức thờ phụng, mà chỉ đề xướng tu khổ hạnh, ẩn cư trong rừng núi và thực hành thiền định. Về sau, Đại thừa phân chia thành hai phái lớn là Mādhyamika (Trung quán tông) và  Vijñaptimātravādin (Duy thức tông), trong đó Trung quán tông đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành Kim cương thừa còn các kinh điển của Duy thức tông được lan truyền rộng rãi ở Trung Hoa vào thời Đường nhờ đại sư Huyền Trang.

Các nhà nghiên cứu cho rằng khái niệm “tiểu thừa” là một khái niệm được thêm vào để tạo ra sự tương phản với “đại thừa” khi phong trào này lan rộng trong Phật giáo. Rất khó có thể định nghĩa chi phái nào của Phật giáo có xu hướng “tiểu thừa”. Tuy nhiên, tiểu thừa thường được gán với Phật giáo Thượng tọa bộ tuy nhiên có nhiều chi phái nhỏ của Thượng tọa bộ vẫn tiếp thu tư tưởng đại thừa (13). Cho đến nay, khái niệm “tiểu thừa” đã bị bác bỏ khỏi Phật giáo.

Với sự phân nhánh và chuyển mình phức tạp với rất nhiều chi phái nhỏ, Phật giáo có một hệ thống kinh điển đồ sộ được tập kết và ghi chép, chỉnh sửa, dịch thuật liên tục. Rất khó có thể biết được Thích Ca Mâu Ni đã thực sự giảng giải những gì cho đệ tử của mình, tuy nhiên, các trước tác kinh điển Phật giáo vẫn ẩn chứa đâu đó tinh thần tự do mà Thích Ca Mâu Ni đã truyền lại cho thế gian.

Bảng niên đại từ khi Đức Phật thuyết pháp đến khi Thiền tông lan truyền ở Trung Hoa
Lưu ý: Các niên đại được ghi chỉ mang tính tương đối và vẫn còn nhiều tranh cãi

Niên đại Sự kiện Ra đời cả các tông phái + kinh văn quan trọng
Khoảng 530-486 TCN Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp trong khoảng 49 năm rồi nhập Niết Bàn Giáo đoàn đầu tiên
486TCN Tập kết kinh điển lần thứ 1 Tập hợp Giới tạng và Kinh tạng đầu tiên
Khoảng 443-379 TCN Tập kết kinh điển lần thứ 2 Phân ra Đại chúng bộ và Sthavira nikāya
297- 250 (hoặc 308)TCN Ashokha phổ biến Phật giáo và tổ chức Tập kết kinh điển lần thứ 3. Ashokha gửi các nhà truyền đạo tới 9 vùng khác nhau, trong đó đặc biệt cho con trai mình truyền đạo tới Srilanka Moggaliputta Tissa tổ chức biên soạn Tam Tạng
240 TCN-40TCN Cộng đồng Thượng tọa bộ hình thành
Tập kết kinh điển lần thứ 4
Thượng tọa bộ ra đời
78 SCN Tập kết kinh điển do vương triều Khusan Qúy Sương tổ chức tại Kashmir Kinh Tam Tạng được lưu trên các lá đồng (đã bị thất lạc gần hết)
Thế kỷ 2 hoặc thế kỷ 5 Thành lập học viện Nalanda
Hình thành xu hướng đại thừa
Đại thừa hình thành và phát triển
Cuối thế kỷ 2 Nāgārjuna (Long Thọ) thuyết về tính Không và lập Trung quán tông Thành lập Trung quán tông và soạn các bộ kinh làm giáo lý cho phái này
Thế kỷ 4 -5 Asaṅga (Vô Trước) thuyết về thức và Di Lặc
Vasubandhu (Thế Thân) thuyết về Tam Thế Phật trong đó đề cao vai trò của A Di Đà và Di Lặc
Tịnh Độ Tông ra đời và lan truyền ở Trung Hoa và Nhật Bản bởi sư Huệ Viễn
Vô Trước lập Duy thức tông
Cuối thế kỷ 5 Nhất thiết hữu bộ ra đời
Thế kỷ 6 Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) truyền đạo sang Trung Quốc và thành lập Thiền Tông. Bồ Đề Đạt Ma giảng rằng Ma ha ca diếp và vị tổ sư thứ nhất của Thiền tông.
Sư Di Trí lập Thiên Thai Tông dựa trên cơ sở của Trung quán tông và coi Long Thụ là sơ tổ
Thiền tông ra đời
Thiên Thai tông ra đời
Thế kỷ 6 -9 Tây Tạng bắt đầu tiếp thu và phát triển Phật giáo tạo thành Kim Cương Thừa.
Chân Ngôn Tông
Thiền tông phân thành các nhánh mà nổi bật nhất là Lâm Tế tông và Tào Động tông
Ra đời của các phái Mật tông

II – Phật giáo đang thờ ai?

  1. Sự hình thành thờ phụng

Trong những kinh điển Phật giáo đầu tiên và hình thức tổ chức giáo đoàn sơ khai không hề có thờ phụng. Từ bao giờ Phật giáo đã thờ phụng và hình thành những nghi lễ thờ phụng như chúng ta thấy ở những ngôi chùa tại Đông Nam Á về sau? Những nghiên cứu cụ thể chưa được thực hiện, tuy nhiên tôi xin được đưa ra một vài phỏng đoán liên quan đến sự thờ phụng.

Nền tảng ban đầu có thể đến từ thái độ tôn sùng với các thánh tích Phật giáo mà cụ thể là các (Śarīra)  xá lị của Phật. Tại cố đô Anuradhapura (Srilanka) còn lưu lại xá lị mảnh xương vai và răng của Đức Phật và  cây bồ đề được chiết cành từ gốc bồ đề nơi Đức Phật nhập định. Chính Ashokha và các con của ông đã thực hiện những cuộc thu thập xá lị trên khắp đất nước Ấn Độ. Và xá lị cũng được đề cập đến trong Mahaparinibbana Sutta thuộc Kinh Tạng như một thánh thể mang đến phước lành và có thể được xem như sự lưu giữ pháp thân của Đức Phật hoặc các cao tăng. Vua Ashokha cũng không ít lần thể hiện sự sùng kính của mình với những thánh tích mà Đức Phật để lại như gốc cây bồ đề, Bồ Đề đạo tràng, nơi sinh của Phật…Động lực nào đã thúc đẩy Ashokha có sự tôn sùng Phật giáo đến vậy? Nếu đối chiếu với sự tôn sùng thánh tích Công giáo của Constantinus Đại Đế thì ta có thể suy luận rằng thói quen sưu tầm thánh tích có liên quan đến thiết lập quyền lực thống trị và những thánh tích là minh chứng để hợp lý hóa việc phổ biến giáo thuyết mà Ashokha và Moggaliputta-tissa đề xướng, bài trừ các chi phái đối lập.
Giáo lý Phật giáo cũng không khuyến khích cầu nguyện mặc dù truyền thống cầu nguyện đến nay trở nên rất phổ biến ở đa số các chi phái Phật giáo. Một khái niệm tương tự với cầu nguyện là pràrthanà (có nghĩa là mong ước, phát nguyện) nhưng không phải cho lợi ích của bản thân mình mà vì điều thiện cho người khác hoặc sự hướng tới Phật (14). Tuy nhiên sự cầu nguyện này thường bị các tín đồ hiểu lầm thành sự cầu nguyện cho bản thân và những người thân của mình có một đời sống gặp nhiều an lành, may mắn. Sự hiểu lầm này có thể được hình thành nên do tâm thức thờ cúng nguyên thủy mà người dân vẫn quen thuộc trong mọi nền văn hóa dành cho các vị thần ban phúc giáng họa. Do đồng nhất Phật giáo với tục thờ cúng thần linh nên các vị Phật và bồ tát cũng dần mang ý nghĩa ban phúc giáng họa trong suốt quá trình phát triển của Phật giáo. Đặc biệt với Phật giáo đại thừa vốn tôn sùng Quán Thế Âm bồ tát vì niềm tin rằng vị này có ý nguyện cứu khổ cứu nạn nên có thể giúp người dân tránh được tai ương.

Niềm tin của Phật giáo đại thừa về Bodhisattva (bồ tát) lại càng kích thích sự tôn sùng Phật giáo mù quáng trong giáo chúng. Phật giáo đại thừa tin rằng bồ tát là những vị đạt được trí tuệ nhưng có nguyện nhận mọi đau khổ của thế gian vào mình và cứu rỗi thế gian. Trong các bài giảng nguyên thủy và kinh điển của Thượng tọa bộ, bồ tát không mang ý nghĩa như vậy, mà được sử dùng để ám chỉ những vị tu sĩ phát nguyện trở thành một vị Phật và được một vị Phật tại thế tiên đoán về khả năng thành Phật. (15) Khái niệm bồ tát được đề cập cổ xưa nhất trong các truyền thuyết về sự ra đời của Đức Phật (Tiền kiếp của Đức Phật vốn là một vị bồ tát chưa đắc quả vị Phật) và những truyền thuyết này được lưu trong Jātakas (Bản sinh bộ) thuộc truyền thống Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ không thừa nhận những Jātakas được soạn trong triều đại của vua Ashokha. (16) Các vị vua của Sri Lanka thường tự nhận hoặc được ca tụng là bồ tát vì họ đã phát nguyện hành động vì người dân trong suốt quãng thời gian từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ 15, thậm chí một vài vị còn nói rằng họ đã nhận được tiên đoán về quả vị Phật từ kiếp trước. (15) Bên cạnh các vị “bồ tát tại thế”, một loạt các vị bồ tát siêu việt cũng được tôn sùng và thờ phụng tại nhiều tăng viện cùng với sự ảnh hưởng của xu thế đại thừa (Nguồn gốc của các vị bồ tát này sẽ được đề cập ở phần II-2).

Đáng lưu ý là các Stupa (có nghĩa là “gò, đống”) – các công trình bảo tháp lưu giữ các thánh tích hoặc tượng Phật và các cao tăng được xây dựng khắp Ấn Độ, đặc biệt  bắt đầu dưới thời Ashokha. Đây là hình thức sơ khai của chùa mà Phật giáo Trung Quốc vẫn gọi. Các tu sĩ thường đi vòng quanh các Stupa để thể hiện sự sùng kính. (17) Khi du nhập vào Trung Quốc, bảo tháp được xây thành một quần thể với chùa (tự). Bắt nguồn của khái niệm “tự” để gọi nơi các sư tu hành và truyền bá Phật pháp đến từ sự kiện hai vị sư từ Thiên Trúc sang thăm Trung Quốc vào thời Hán Minh Đế. Lúc bấy giờ, do chưa có cơ sở Phật giáo tại Trung Quốc nên triều đình nhà Hán đã sắp xếp cho hai ông ở trong Hồng Lô Tự, một dinh dành cho quan lại nên từ đó “tự” được sử dụng để gọi các ngôi chùa. (18) Một thuyết khác cho rằng từ “Tự” là phiên âm tiếng Hán của stupa và cấu trúc chùa Trung Hoa là sự phát triển của bảo tháp ở Gandharan. (19). Ngôi chùa trong văn hóa Trung Hoa không chỉ là nơi tu tập và thuyết pháp của các sư, khi được dung hợp với Đạo giáo thần tiên, chùa trở thành nơi chúng sinh đến cầu xin may mắn. Đặc biệt khi Tịnh Độ tông được truyền vào Trung Hoa, truyền thống thờ cúng và cầu nguyện càng được phổ biến rộng rãi, lấn át mục đích tu tập và thuyết pháp.

  1. Bảng thống kê các vị Phật, bồ tát và thần, quỷ phổ biến trong Phật giáo

Phân loại theo quả vị và dựa trên quan niệm của đại thừa

Qủa vị Tên Xuất hiện trong kinh điển Chứng tích khảo cổ quan trọng
Phật Thích Ca Mâu Ni Được nhắc tới trong tất cả các kinh điển của Phật giáo.
Theo truyền thống Mật tông, Thích Ca Mâu Ni được gọi là Đại Nhật Như Lai (Kinh Đại Nhật).
4 thánh tích liên quan gồm:
Bodh Gaya: Nơi Đức Phật thành đạo. Đạo tràng được xây dựng lại nhiều lần bắt đầu từ thời vua Ashokha
Kushinagar: Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Tại đây còn vết tích tượng Phật và cột đá ghi lại sự việc được dựng dưới thời vua Ashokha
Lumbini: Địa danh không rõ ràng và chỉ được xác định bởi cột đá được dựng dưới thời vua Ashokha
Sarnath: Nơi Phật thuyết pháp đầu tiên. Di tích còn lại là tháp Dhamekh dưới triều đại  Gupta (Thế kỷ VI)
Amitābha
A Di Đà
(nghĩa là ánh sáng vô lượng)
A Di Đà và cõi Tịnh Độ được đề cập đầu tiên trong Sukhāvatīvyūha Sūtra (Vô lượng thọ kinh).  Kinh điển có thể được soạn trong triều đại Qúy Sương vào khoảng thế kỷ I đến II SCN (20) . Cuốn kinh này đề cập đến tiền kiếp của A Di Đà là một tu sĩ sống ở thế giới khác có tên Dharmakāra. Ông vốn là một vị vua và được một vị Phật cổ xưa tên là Lokeśvararāja – vị Phật thứ 54 – truyền đạo.  
Trong Phật giáo Tây Tạng: Liên Hoa Sinh và Panchen- blama được xem là hóa thân của Đức Phật A Di Đà
Bức tượng cổ xưa nhất được tìm thấy có niên đại khoảng cuối thế kỷ II, dưới sự cai trị của vương triều Qúy Sương. (21)
Văn bản muộn nhất ghi chép về A Di Đà cũng được soạn trong triều đại Qúy Sương. Do đó A Di Đà là một vị Phật được du nhập vào Phật giáo trong triều đại này.
Vương triều Qúy Sương của người Nguyệt Chi có một sự dung hòa các nền văn hóa rất mạnh mẽ. Trong tín ngưỡng thờ cúng của họ có cả các vị thần Hy Lạp, La Mã và dưới triều đại của ông vua cổ vũ Phật giáo  Kanishka, các bức tượng Phật giáo đã mang màu sắc của nghệ thuật Hy Lạp – La Mã (tượng Phật đứng), mở đầu cho văn minh Phật giáo Gandhara. Dường như có một sự tương đồng giữa tiền kiếp của A Di Đà được đề cập trong kinh điển đại thừa với chính cuộc đời của vua Kanishka. (22)
Maitreya
Di Lặc
(nghĩa là người từ bi)
Được đề cập đến đầu tiên trong Kinh Tạng (thuộc Tam Tạng). Một lần với cái tên Tissametteyya trong cuộc hỏi đáp giữa Tissametteyya và Thích Ca Mâu Ni về ái dục. Một lần khác trong bài kinh 26 về “Sư tử rống chuyển bánh xe đại pháp” như vị Phật vị lai.   Nhà nghiên cứu Phật học Richard Gombrich cho rằng đoạn kinh viết về Di Lặc bị ảnh hưởng của thuyết mạt thế hoặc đã bị viết thêm vào, vì khi Thích Ca Mâu Ni thuyết về Di Lặc thì không có bối cảnh hỏi đáp đi kèm giống như những bài kinh khác (23).
Một giả thuyết khác cho rằng Di Lặc chính là vị thầy của sư Vô Trước – người sáng lập phái Duy Thức, được gọi với tên  Maitreya-nātha (270 – 350 SCN). (25) Vô Trước là người đã được Di Lặc khải lộ về
Diệu Pháp Liên Hoa – một cuốn kinh đại thừa được sáng tác và bổ sung liên tục trong suốt từ thế kỷ ITCN đến thế kỷ II SCN, cũng nhắc tới Di Lặc nhưng với quả vị bồ tát và được dự đoán là vị Phật vị lai. Trong cuốn kinh này có đề cập không rõ ràng về sự liên quan của Di Lặc với Ajita (A dật đa). Trong Kinh Tạng cũng nhắc tới A dật đa phát nguyện sẽ trở thành Chuyển Luân thánh vương Samkha (phiên âm là “Loa”). Theo kinh Trung A hàm, Ajta và Maitreya là hai vị khác nhau và có tâm tính khác nhau. (26)
Nhiều vị vua hoặc giáo chủ mới cũng tự xưng mình là hóa thân của Di Lặc để khai tông lập phái hoặc tạo ảnh hưởng.
Trong các tượng thờ Gandhara, Di Lặc thường được tôn thờ ngang với Thích Ca Mâu Ni và cũng được gọi bằng danh xưng này vào khoảng thế kỷ 2.
Tại Trung Quốc, từ thế kỷ 4-6, Di Lặc thường được đồng nhất với Thích Ca Mâu Ni (24)
Ở Trung Quốc vào thế kỷ 10, Di Lặc được tạo hình theo Bố Đại hòa thượng, người tự nhận là hóa thân của Di Lặc.
Bhaiṣajya-guru-vaiḍūrya-prabhā-rāja
Dược vương lưu ly Phật
Phật Dược sư
(vị Phật chữa bệnh khổ bằng giáo lý của mình)
Bhaiṣajya-guru-vaiḍūrya-prabhā-rāja Sūtra (Kinh Dược Sư)  mô tả Phật Dược Sư như vị bồ tát đã thực hiện 12 ý nguyện và đắc Phật. Bộ kinh được lưu truyền không chỉ có bản tiếng Hán mà người ta còn tìm thấy bản kinh Gandhāra lưu truyền ở Bắc Ấn có niên đại thế kỷ thứ 7. Phật Dược Sư thường được mô tả cầm trên tay bình thuốc có màu ngọc lưu ly hoặc có hào quang màu ngọc lưu ly. Những bức tượng Dược Sư cổ nhất tìm thấy tại Bắc Ngụy vào thế kỷ thứ VI.
Hình ảnh Dược Sư cũng được tìm thấy phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng, Nhật Bản và Trung Quốc.
Dīpankara
Nhiên Đăng Cổ Phật
Trong các truyền thuyết Jakkata, Nhiên Đăng Cổ Phật được nhắc đến như một vị Phật thời cổ đại, người đã hướng đạo cho tiền kiếp của  Thích Ca Mâu Ni và tiên đoán của cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni.
Nằm trong bộ Tam Thế Phật cùng với Thích Ca Mâu Ni và Di Lặc.
Vairocana
Đại Nhật Như Lai
Mật Tông Tây Tạng tin rằng Đại Nhật Như Lai là pháp thân của Thích Ca Mâu Ni, phần sâu kín nhất, tĩnh lặng nhất và hoàn toàn vĩnh cửu. Đại Nhật Như Lai lần đầu được nhắc đến trong Kinh Brahmajala (thuộc Kinh Tạng)  trong Tam Tạng Thượng Tọa Bộ, sau đó là Kinh Đại Nhật của Kim Cương Thừa.
Đại Nhật Như Lai nằm trong Ngũ Trí Như Lai của Phật giáo Tây Tạng.
Amoghasiddhi
Bất Không Thành Tựu Như Lai
Amoghasiddhi nằm trong Ngũ Phật Như Lai, gắn liền với diệt tâm đố kị và có lưỡi tầm sét trong tay.
Amoghasiddhi đại diện cho phương Bắc, và mùa thu.
A Di Đà Như Lai Nằm trong Ngũ Phật Như Lai, đại diện cho hướng tây, mùa hè
Ratnasambhava
Bảo Sinh Như Lai
Kinh điển sớm nhất đề cập đến Bảo Sinh Như Lai là Suvarṇaprabhāsa Sūtra, và sau đó là trong các kinh của Kim Cương Thừa.
Bảo Sinh Như Lai gắn với việc tăng cường tri kiến cho người tu đạo, đại diện cho mùa xuân, và phương nam.
Akshobhya
A Súc Như Lai
Tên của A Súc Như Lai có nghĩa là “người bất động”, thường được đồng nhất với Acala.
A Súc  Như  Lai đại diện cho tâm trí phản chiếu hay nhận thức bản chất thế giới, ông là vị Phật cai quản phương Đông, mùa đông.
Bồ tát
(siêu việt)
Avalokiteś
-vara
Quán Thế Âm bồ tát
(Nghĩa là đấng quán chiếu thế gian)
Quán Tự Tại (Huyền Trang dịch)
Theo Kāraṇḍirlha Sūtra (soạn trong thế kỷ IV – V), mặt trời và mặt trăng được cho là được sinh ra từ đôi mắt của Avalokiteśvara, Shiva từ trán, Brahma từ vai, Narayana từ trái tim, Sarasvati từ răng, gió từ chân và bầu trời từ dạ dày của ngài.  Cũng trong kinh này, Om mani padme hum được nhắc đến như thần chú dẫn tới giải thoát cuối cùng. (27) Các kinh đại thừa khác cũng đều nhắc đến Quán thế âm bồ tát.
Quán thế âm bồ tát là vị bồ tát đại thừa đầu tiên được thờ trong Phật giáo Thượng tọa bộ. Ở Tích Lan, Quán Thế Âm được gọi là Natha-deva và đồng nhất với Maitreya, tuy nhiên các học giả phương Tây đã chỉ ra Natha-deva chính là Quán Thế Âm. Natha-deva có một ban thờ riêng cạnh ban thờ Phật. (28)
ở Myanmar, ngài được gọi là Lokanat hoặc lokabyuharnat, và Thái Lan thì được gọi là Lokesvara có nghĩa là chúa tể của thế gian.
Dựa trên nguồn văn học dân gian của Tamil và kinh điển Phật giáo, nhà nghiên cứu Phật học Nhật Bản Shu Hikosaka cho rằng đỉnh núi huyền thoại Potalaka – nơi được cho là thánh địa của Quán Thế Âm được Huyền Trang ghi lại trong bút ký của mình là một ngọn núi thiêng có thực có tên Pothigai làm ở Tamil, vốn là thánh địa của người dân Nam Ấn xưa, nơi tu hành của hiền nhân Agastya – một đạo sư được nhắc đến trong Rigveda, Ramayana và Mahabharata. Khi Ashokha xâm lược vùng Nam Ấn, một sự hòa trộn giữa hình ảnh Agastya và Phật giáo đã tạo nên hình tượng Quán Thế Âm. (29)
Hình tượng Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay đến từ truyền thuyết Quán Thế Âm sẽ không nhập Niết Bàn cho đế khi giải thoát tất cả chúng sinh khỏi luân hồi, thế rồi từ đầu của ngài tách ra mười một phần nhưng vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ, nên A Di Đà đã hóa cho Quán Thế Âm mười một cái đầu và ngàn cánh tay để cứu giúp thế gian. (30)  Trong Phật giáo Tây Tạng, các nữ thần Tara được ra đời từ nước mắt của Quán Thế Âm.
Hình tượng nhiều đầu nhiều tay xuất hiện trong nhiều hình tượng thần và quỷ của Hindu giáo: Brahma và Vishnu đều được miêu tả là có nhiều đầu nhiều tay, nhưng vị nữ thần gắn liền với ý tưởng nhiều đầu nhiều tay nhất chính là Durga, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa Durga và Quán Thế Âm. Ở Việt Nam, hình ảnh Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay được gắn với tên Quan Âm Diệu Thiện và sự tích của chùa Hương.
Vào thời Đường, Quán Thế Âm được miêu tả dưới thân nữ với y phục màu trắng.
Mahāsthā
-maprāpta
Đại Thế Chí (có nghĩa là mang đến sức mạnh)
Theo Sukhāvatīvyūha Sūtra (Vô lượng thọ kinh), Đại Thế Chí và Quán Thế Âm là hai vị thị giả theo hầu Phật A Di Đà. Ngài còn được kể là con trai của A Di Đà khi ngài ở trong kiếp hoàng đế.
Trong Kinh Amitayurdhyana, Đại Thế Chí được tượng trưng bởi mặt trăng trong khi Quán Thế Âm được đại diện bởi mặt trời. Ở Trung Hoa, cũng giống như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí được tạo hình dưới thân nữ mặc áo vàng. (31)
Kṣitigarbha
Địa Tạng (có nghĩa là Ma trận Trái Đất, hoặc Tử cung Trái Đất)
Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrvapraṇidhāna Sūtra (Kinh Địa Tạng) là bộ kinh đầu tiên nhắc tới Địa Tạng với ý nguyện giải thoát chúng sinh khỏi địa ngục cho đến khi Di Lặc xuất thế. Kinh Địa Tạng có xuất xứ không rõ ràng và không tìm được bản tiếng Pali hay Sankrite mà chỉ còn lưu lại bản dịch sang tiếng Hán nên nhiều học giả hoài nghi rằng cuốn kinh này được viết bởi người Trung Quốc. Kinh Địa Tạng đề cao chữ hiếu và có nhắc đến câu chuyện tiền kiếp của Địa Tạng là một cô gái xả thân cứu mẹ khỏi khổ hình ở địa ngục. Câu chuyện này có nhiều tương đồng với câu chuyện về tôn giả Mục Kiền Liên, một trong mười đại đệ tử của Đức Phật. Địa Tạng được mô tả là một nhà sư đầu trọc, không mặc y phục Ấn Độ giống như các vị Phật và Bồ Tát khác.
Tại Cửu Hoa Sơn (Trung Quốc), tương truyền Địa Tạng đầu thai làm hoàng tử nước Tân La, sống cùng thời với Võ Tắc Thiên. Ông có tên là Kim Kiều Giác, đi tu từ nhỏ, đến Trung Nguyên để theo học Huyền Trang, sau đó lên Cửu Hoa Sơn tu hành. Sau khi ông mất, nhục thân của ông được bảo quản trong bảo tháp. Cứ đến rằm và 30 tháng 7 (được cho là ngày sinh và ngày đắc đạo của Địa Tạng), các tín đồ lại đến Tháp Nhục Thân để cầu bái. (32)
Mañjuśrī
Văn thù sư lợi
Diệu Âm
(có nghĩa là vinh quang êm ái)
Văn thù sư lợi được nhắc đến đầu tiên trong ārya-mañjuśrī-mūlakalpa (Văn-thù-sư-lợi căn bản nghi quỹ), đại diện cho trí huệ soi sáng khỏi vô minh. Luận sư Tsongkhapa trong Phật giáo Tây Tạng được cho là hóa thân của Văn thù sư lợi.  Văn thù sư lợi thường được tán tụng bởi các sư thuộc Trung quán tông trước giờ họ học kinh điển.
Trong Phật giáo Tây Tạng, Văn thù sư lợi được biểu hiện với một hóa thân khác là
Yamāntaka (có nghĩa là kẻ hủy diệt của thần Yama) với khuôn mặt phẫn nộ với cặp sừng bò trên đầu, phổ biến trong trường phái Gelug (Tây Tạng). (34)
Ngũ Đài Sơn tại Trung Quốc được coi là thánh địa của Văn thù sư lợi, gắn với sự tích hiển thánh của ông. Sự tích được kể như sau:
Một năm nọ nơi đây có tổ chức một bữa tiệc ăn chay lớn. Một phụ nữ hành khất dắt theo hai đứa con nhỏ và một con chó đói tới ăn xin, được cho ba xuất, chưa cho là đủ, nói: “Con chó cũng nên có phần”. Hòa thượng cho thêm một xuất, người phụ nữ lại nói: “Trong bụng tôi còn một đứa bé cũng nên có phần”. Vị hòa thượng nổi giận: “Đứa bé còn chưa sinh ra cũng đòi phần ăn, thật không biết thế nào là đủ”. Người phụ nữ bèn đáp:”Chúng sinh bình đẳng, thai nhi chẳng nhẽ không phải là người?”. Nói rồi, người phụ nữ cắt tóc, bay lên trời, xuất hiện pháp tướng Bồ Tát, hai đứa con hóa thành hai đồng tử, con chó biến thành sư tử xanh. Đến nay Ngũ Đài sơn còn có Phát tháp Văn Thù, tương truyền là nơi cất giữ tóc của Văn Thù. (33)
Samantabhadra
Phổ Hiền (những giá trị tốt đẹp cần được phổ độ với thế gian)
Theo kinh Pháp Hoa, Phổ Hiền ở phía đông cõi Ta Bà (thế gian), nghe Thích Ca Mâu Ni giảng pháp nên đã dẫn theo 500 vị đại bồ tát đến bảo hộ cho Đức Phật.
Trong truyền thống Tây Tạng, Phổ Hiền được đồng nhất với hai vị cổ phật là Dharmakaya Samantabhadra và Vajradhara (Nhiên Đăng), tuy nhiên niềm tin này không được phổ biến.
Ở Sri Lanka, Phổ Hiền có tên là Saman có nghĩa là “mặt trời lúc bình minh”, và được tôn sùng như một trong các vị thần bảo hộ cho vùng đảo này. (35) Saman là một vị thần có xuất xứ từ một vị vua nòi giống deva ở Sri Lanka với tên đầy đủ là Maha Sumana Sama. Vị thần này cũng được mô tả giống với Phổ Hiền, ngồi trên con voi trắng.
Phổ Hiền thường được mô tả dáng hình giống nữ, cưỡi trên con voi màu trắng, đứng bên cạnh Thích Ca Mâu Ni cùng với Văn thù sư lợi.
Mahamayuri
Khổng Tước Minh vương
Mahamayuri-Vidyaraini-Sutra gọi Khổng Tước Minh Vương là “nữ hoàng của huyền thuật”, mẹ của Đức Phật trong Phật giáo Đại thừa. Tương truyền là một con công từ thời khai thiên lập địa, có sức mạnh vảo vệ các tín đồ Phật giáo. Đây là kinh Phật giáo duy nhất nhắc đến kinh Rigveda.
Hộ pháp Vajrapani
Bát Bộ Kim Cương
(Có nghĩa là vũ khí hoặc tia sét trong tay)
Trong những truyền thuyết Phật giáo thời kỳ đầu, Vajrapāni là một vị tiểu thần đi theo Thích Ca Mâu Ni và bảo vệ Thích Ca Mâu Ni khỏi những mối đe dọa. Điều này được ghi lại trong Tam Tạng.  Có thuyết cho rằng ông là một pháp thân của Sakra – thượng đế cõi trời Trāyastriṃśa, hoặc thần mưa trong truyền thống Gandharva. Ông tự hóa thành tám thân quỷ để bảo vệ Thích Ca Mâu Ni. (36) Được thờ phổ biến trong các tu viện Tịnh Độ Tông, Phật giáo Tây Tạng và chùa Thiếu Lâm với khuôn mặt phẫn nộ.
Người ta cho rằng những hình ảnh đầu tiên của Bát Bộ  Kim Cương chính là sự du nhập người anh hùng Heracles và thần Zeus vào Phật giáo (tay cầm lưỡi tầm sét). (37)
Giống loài Garuda Xuất hiện trong cả Tam Tạng và kinh Pháp Hoa. Có xuất xứ từ Hindu giáo, được mô tả như thiên thần có cánh (phổ biến ở Trung Đông) hoặc chim kéo cỗ xe của thần mặt trời Surya,  vua của của các loài chim.
Giống loài Deva (chư thiên) Đây là giống loài không giới tính sống ở cõi giới cao nhất trong lục giới. Deva có thể sa đọa vào con đường tội ác và cũng chết (khác với quan niệm về Deva trong Hindu giáo và Trung Đông). Deva cũng chia nhiều đẳng cấp khác nhau. Họ vô hình với những người thường và chỉ có những người khai thiên nhãn mới có thể nhìn thấy. Mỗi deva đều tỏa ánh sáng riêng, có thể bay lượn trong không trung.
Giống loài Naga Có hình dạng rắn hổ mang hoặc rồng. Naga xuất hiện trong Kinh Tạng và Kinh Pháp Hoa, thường xuyên hộ Pháp và cúng dường Phật. Naga được giao trách nhiệm cai quản các vùng biển. Trong  Hindu giáo, Naga là giống loài bán thần mang đến điều thiện, thường quấn quanh Vishnu, Shiva, Ganesha.
Giống loài Yaksha
(Dạ xoa)
Trong kinh Dược Sư, Dạ Xoa là từ được sử dụng để chỉ 12 vị tướng hộ vệ cho Phật Dược Sư.
Mahamayuri-Vidyaraini-Sutra, được soạn trước thế kỷ IV có một bản liệt kê các Dạ Xoa ở khắp cõi Ấn Độ quy thuận Đức Phật.
Các tượng Dạ Xoa cổ nhất được biến đến là từ thời Đế chế Mauryan. Ban đầu, Dạ Xoa có thể là thần hộ mệnh của rừng và làng mạc, sau đó là thần cai quản mặt đất và bảo vệ sự giàu có.
Vị Dạ Xoa nổi tiếng nhất là Kubera (Sóc Thiên vương).
Giống loài Gandharva
Càn thát bà
Càn Thát Bà là giống thần thấp cấp nhất nhưng có tài năng âm nhạc, sống ở cõi trời của Śakra (Đế Thích).
Giống loài Asura (Atula) A tu la được mô tả là các vị thần hung dữ, nam thì xấu xí, nữ thì xinh đẹp, thường tranh chấp với Deva.
Trong Hindu giáo, Asura có ý nghĩa như các ác linh. Rigveda sử dụng Asura để biểu thị sức mạnh . Nguồn gốc của Asura có thể bắt nguồn từ Ahura thời tiền Bái Hỏa giáo.
Tranh Đôn Hoàng hang đá số 249 mô tả Asura có 4 tay 2 đầu, thân hình màu đỏ.
Giống loài Kinnara
Khẩn na la
(có nghĩa là “người gì?”)
Được mô tả nửa người nửa chim, hoặc nửa người nửa ngựa, là các thần giỏi ca hát và chung tình. Kinara rất phổ biến và được giữ đúng tính chất trong cả truyền thống Hindu giáo và Phật giáo.
Giống loài Mahoraga
Ma hầu la già
Địa long
Là tên gọi của rắn thần, vua các loại rắn, những con rắn nằm sâu dưới lòng đất đôi khi tạo ra động đất.  Được ghi lại trong kinh Lăng Nghiêm như một giống loài đần độn vô tri và bị sâu bọ rúc rỉa, nhưng muốn thoát khổ nên đã thực hành Phật pháp.
Phạm Thiên (Brahma) Được du nhập từ Hindu giáo
Đế Thích
(Indra)
Được du nhập từ  Hindu giáo
Anathapindika
Cấp Cô Độc
Đức Ông
Một trong số các đệ tử tại gia của Thích Ca Mâu Ni, người đã hào phóng cấp chỗ ở và cúng dường cho tăng đoàn cũng như bố thí cho người vô gia cư. Ông được nhắc đến trong Tam Tạng.
Vương Yama
Diêm La Vương
Diêm Vương xuất hiện trong Phật giáo đại thừa, đặc biệt là trong Kim Cương Thừa với hình hài vị thần phẫn nộ, chuyên phán xét người chết và cai trị Narakas (Địa ngục). Ở Trung Quốc, Diêm Vương được thờ phổ biến và đồng hóa với các vua địa ngục có sẵn trong niềm tin của người Hán.
Trong Tam Tạng của Thượng Tọa bộ, Đức Phật thuyết rằng một người sau khi chết sẽ đến thế giới của Diêm vương và nhận sự phán xử dựa trên các hành vi của mình khi còn sống.
Trong tín ngưỡng Hindu giáo, Yama là con trai của thần mặt trời Surya, và trở thành vua địa ngục vì ông là người phàm đầu tiên chết.
Tại Á Đông, người ta tin rằng có Thập Điện Diêm La cai quản 10 địa ngục, và thường bố trí thành hai gian hoặc được vẽ tranh.
Acala
Bất Động
Trong Kim Cương Thừa, được coi là hóa thân  phẫn nộ của Đại Nhật Như Lai để đánh bại các yêu ma.
Xuất xứ ban đầu có thể là một vị thần được truyền thống đại thừa nhắc đến với cái tên Acalanātha, có nghĩa là “người bảo hộ bất động”. Học giả Phật giáo Miyeko Murase cho rằng Acala chính là sự du nhập thần Shiva vào truyền thống Phật giáo, vì Bất Động Minh Vương cũng có chứng năng hủy diệt và tái sinh. (38)
Tuy nhiên, trong kinh Sādhanamālā, một kinh điển mật tông cho rằng Bất Động Minh Vương và người chiến thắng các ác thần như Brahma, Vishnu, Shiva và Kandarpa – những vị thần bị cho là gây ra sự tái sinh liên tục.
Trailokyavijaya
Hàng Tam Thế
Là vị vua tri thức được đề cập trong kinh Đại Nhật, đã chinh phục ba thế giới Tham – Sân  – Si, cai quản phía đông của thế giới. Ông là người đã đánh bại Maheśvara (Shiva) (39)
Kundali
Quân Gia Lợi
Đây là vị minh vương mang đến hạt giống của sự bất tử, theo kinh Đại Nhật.
Yamantaka
Đại Uy Đức Kim Cang
Một biến tướng của Yama, chuyển từ thần cai quản địa ngục sang vị thần bảo hộ sự giác ngộ.
Vajrayakṣa
Kim Cương Dạ Xoa
Theo kinh Đại Nhật, đây là hiện thân của Văn Thù Sư Lợi
Kubera
Sóc Thiên Vương
Đây vốn dĩ là một vị vua dạ xoa trong thần thoại  Hindu giáo, người cai quản phương bắc và bảo vệ thế giới, vị vua cai trị các linh hồn đen tối và tội phạm, là chủ nhân của mọi kho báu trên thế gian. Trong Phật giáo, ông được gọi là Vaisravana (Đa Văn Thiên Vương), người chế phục chúng ma ở dục giới. Nòi giống của Kubera gây nhiều tranh cãi, RigVeda cho rằng ngài là A tu la, còn trong MahaBharata lại mô tả ông thuộc hàng deva.
Kubera được nhắc đến trong Tam Tạng của Thượng tọa bộ.
Virūḍhaka
Nam Thiên Vương
Tên của ngài có nghĩa là tăng trưởng, và cũng được nhắc đến trong Tam Tạng của Thượng tọa bộ.
Dhṛtarāṣṭra
Đông Thiên vương
Tên của ngài có nghĩa là bảo hộ quốc gia, và cũng được nhắc đến trong Tam Tạng của Thượng tọa bộ.
Virūpākṣa
Tây Thiên vương
Tên của ngài có nghĩa là “phân biệt”, có năng lực thấu thị, phân rõ tà ma. Về giống loài, có thể ngài thuộc dòng A tu la vì có màu đỏ.

Hà Thủy Nguyên biên soạn

*Nguồn ảnh: Sưu tầm

Chú thích:

  1. The early history of India : from 600 B.C. to the Muhammadan conquest, including the invasion of Alexander the Great – Vincent A.Smith (trang 34, 48/ Link sách online: https://archive.org/details/earlyhistoryofi00smit )
  2. The Long Discourses of the Buddha. A Translation of the Digha Nikaya, Boston: Wisdom Publications, 1995 – Maurice Walse (trang 268)
  3. Greek Buddha: Pyrrho’s Encounter with Early Buddhism in Central Asia. Princeton University Press. – Christopher I. Beckwith (2015).  (trang 7–12/ Link sách online: https://books.google.com.vn/books?id=RlCUBgAAQBAJ&pg=PA7&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false)
  4. The Ancient City of Kapilvastu-Revisited – Swoyambhu D. Tuladhar (Bản đọc online: https://himalaya.socanth.cam.ac.uk/collections/journals/ancientnepal/pdf/ancient_nepal_151_01.pdf )
  5. Gotama Buddha: A Biography Based on the Most Reliable Texts, Quyển 1. Kosei Publishing Company, 2000 – Hajime Nakamura (trang 124)
  6. Nhất Hạnh (thuật ký) Đại Nhật Kinh Nghĩa Thích. Taisho Tripitaka Vol. T18, No. 848
  7. That the True Dhamma Might Last a Long Time, Readings Selected by King Asoka, được tuyển chọn và dịch bởi Thanissaro Bhikkhu (Bản đọc online: https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/asoka.html )
  8. Ancient Buddhist Scrolls from Gandhara – Richard Salomon (Bản đọc Online: https://www.washington.edu/uwpress/search/books/SALANC.html )
  9. Bản dịch tiếng Anh online của Buddhacarita: https://www.sacred-texts.com/bud/sbe49/sbe4901.htm
  10. A Concise History of Buddhism – Andrew Skilton (2004) (trang 49-64)
  11. https://www.tuvienquangduc.com.au/kinhdien-2/390nentangkettaplan2.html
  12. Indian Buddhism- A.K. Warder (2000) , Delhi: Motilal Banarsidass Publishers (trang 283,284)
  13. Phật giáo Nguyên Thủy: Lịch sử xã hội – Richard Francis Gombrich (1988) (trang 158)
  14. https://thuvienhoasen.org/a25030/y-nghia-cua-cau-nguyen-cau-an-va-cau-sieu
  15. Mahayana Sutras and the Opening of the Bodhisattva Path – David Drewes https://www.academia.edu/34935437/Mahayana_Sutras_and_the_Opening_of_the_Bodhisattva_Path_Updated_2019_?email_work_card=title
  16. Sects & Sectarianism: The Origins of Buddhist Schools – Sujato, Bhikkhu (2006) (trang 51)
  17. A Dictionary of Architecture and Landscape Architecture- James Stevens Curl (2000 Oxford University Press)
  18. Từ điển Hán Nôm online (Link tra cứu: https://hvdic.thivien.net/whv/%E5%AF%BA )
  19. Buddhist architecture -Lê Hữu Phước (Grafikol, 2009) (Trang 180)
  20. Indian Buddhism: A Survey With Biographical Notes – Hajime Nakamura (1999) (trang 205)
  21. On the origins of Mahāyāna Buddhism – Shinkan Murakami (Link đọc online: https://web.archive.org/web/20130612150915/https://old.ykbi.edu.tw/htm/ykbi16/ykbi16_1.pdf )
  22. https://www.vbu.edu.vn/referances/RP-8/Vai-net-so-luoc-ve-nghe-thuat-Phat-giao-Gandhara-Pakistan.html
  23. Theravada Buddhism: A Social History from Ancient Benares to Modern Colombo – Richard Gombrich (Routledge and Kegan Paul, 1988) (trang 83–85)
  24. Chinese Sculpture – Angela Falco Howard (Yale University Press, 2006) (trang 228)
  25. Being as Consciousness: Yogācāra Philosophy of Buddhism – Fernando Tola and Carmen Dragonetti (Motilal Banarsidass, 2004) (trang 15)
  26. https://vuonhoaphatgiao.com/tu-dien-phat-hoc/a-dat-da/
  27. The Origins of Om Manipadme Hum: A Study of the Karandavyuha Sutra- Alexander Studholme (State University of New York Press, 2002) (trang 39-40)
  28. Buddhist Sects and Sectarianism – Bibhuti Baruah (2008) (trang 137)
  29. Bodhisattva Avalokiteśvara in the Gaṇḍavyūhasūtra – Märt Läänemets (Link đọc online: https://www.chibs.edu.tw/ch_html/chbs/10/chbs1011.htm )
  30. Arya Avalokitesvara and the Six Syllable Mantra #2 – Venerable Shangpa Rinpoche (Đọc online: https://web.archive.org/web/20070927222250/https://www.dhagpo-kagyu.org/anglais/science-esprit/chemin/medit/methodes/avalokitesvara_shangpa2.htm )
  31. https://www.chinabuddhismencyclopedia.com/en/index.php/Mahasthamaprapta_(Shih_Chih,_Seishi)
  32. Đàm thiên thuyết địa luận nhân, Ngô Bạch, Trương Huyền dịch, Nhà xuất bản Thời đại 2011
  33. Đàm thiên thuyết địa luận nhân, Ngô Bạch, Trương Huyền dịch, Nhà xuất bản Thời đại 2011
  34. https://tibet.net/2018/12/his-holiness-the-dalai-lama-confers-the-solitary-hero-yamantaka-empowerment-in-bodh-gaya/
  35. https://www.lankalibrary.com/myths/gods.htm
  36. The Gods of Northern Buddhism: Their History and Iconography (1988) – Alice Getty https://books.google.com.vn/books?id=KxczE2AZ7T8C&pg=PA52&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false
  37. In the art of Gandhara Zeus became the inseparable companion of the Buddha as Vajrapani. Freedom, Progress, and Society – K. Satchidananda Murty, R. Balasubramanian, Sibajiban Bhattacharyya (Motilal Banarsidass Publishe, 1986) (trang 97, Đọc Online: https://books.google.com.vn/books?id=KQubSpHFrKQC&pg=PA97&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false )
  38. Japanese Art – Miyeko Murase (1975, Metropolitan Museum of Art) (trang 31, 32 – Link online: https://books.google.com.vn/books?id=ZQ8NAl2Bj-4C&pg=PA31&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false )
  39. Study on Buddhist iconography of India from unpublished texts – Alfred Foucher ( Paris, E. Leroux, 1905)

Thần quỷ ở Hà Nội (1): Phân vùng (Ghi chép ngắn)

Hà Nội là một mảnh đất chứa nhiều bí ẩn, với nhiều tục thờ cúng thần quỷ xa xưa đã được Nho giáo hóa hoặc Phật giáo hóa. Tôi luôn muốn tìm hiểu một cách tổng thể về các thần và quỷ được thờ ở Hà Nội, cũng muốn qua đó hiểu hơn về các sắc dân đã an cư và lập nghiệp tại đây. Đây là những ghi chép của tôi, có thể có những phần suy luận chưa có đủ căn cứ. Đây

Trà đạo vô ngôn thấu suốt lẽ nhàn

“Vi kỳ nhàn đắc địa” – Nguyễn Sưởng Thế cục cuộc đời tựa hồ bàn cờ mà trong đó mọi quyết định và diễn biến đều là các nước đi của chính ta và tha nhân. Cuộc đời không bày sẵn trận để đưa ta vào thế khó, thoạt tiên, cuộc đời chúng ta là một khoảng trống mênh mông. Nhất niệm – bước đi đầu tiên, khi ta khai trận, đã đưa đẩy chúng ta đến với thế cục mà ta phải đối mặt,

Đọc “Siddhartha” của Herman Hesse để nghĩ về chặng đường truy tìm chân lý

Siddhartha gặp Đức Cồ Đàm và được nghe về Tứ diệu đế và Bát chính đạo, nhưng chàng không dừng ở đó, chàng không gia nhập giáo đoàn của Đức Cồ Đàm như người bạn thân từ thủa thiếu thời Giovinda của chàng. Vẫn còn điều gì đó thôi thúc bên trong chàng: đi theo Đức Cồ Đàm để diệt khổ sẽ không mang lại bình yên trong tâm trí của chàng. Đức Cồ Đàm lý luận rất hay, rất chuẩn nhưng Siddhartha chẳng để
le-nam

Lê Nam

15/09/2017

Khảo lược tiến trình chuyển đổi nhận thức Tôn giáo

Tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Tôn giáo có thể cứu rỗi con người nhưng đồng thời cũng đẩy con người vào bi kịch. Tôn giáo được ra đời như thế nào, từ bao giờ, và tại sao con người lại có các nhận thức tôn giáo, cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng, các giáo lý của tôn giáo thay đổi trong từng

“Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay

Ban đầu, tôi biết đến Rumi qua các bài giảng của nhà huyền môn thế kỷ 20 đầy mê hoặc – Osho (Rumi có một cái tên rất dài, nhưng tôi chỉ muốn gọi ông đơn giản là Rumi). Osho yêu Rumi, không ít lần Osho thốt lên điều ấy. Tình yêu của Rumi cũng chính là trọng tâm trong những lời giảng về con đường chứng ngộ của Osho. Năm 2016, tôi được đọc bản dịch Rumi đầu tiên được xuất bản ở Việt