Home Soát Định kiến xã hội đã giới hạn chúng ta!

Định kiến xã hội đã giới hạn chúng ta!

BookHunter: Đây là bản tham luận của Nguyễn Hồng Tâm trong buổi Seminar “Thế Giới Mà Xã Hội Tạo ra: Góc Nhìn của Xã Hội Học về Thực Tại và Con Người” do BookHunter thực hiện tại NXB Tri Thức, 53 Nguyễn Du. Bài viết dựa trên ba cuốn sách: Lời mời đến với Xã hội học, Sự kiến tạo Xã hội về Thực tại, và Đám đông cô đơn. Chúng tôi xin đăng lại toàn bộ bài tham luận để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn vấn đề được trình bày trong buổi Seminar cũng như trong ba cuốn sách.
Link mua sách “Sự kiến tạo của xã hội về thực tại”: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/su-kien-tao-xa-hoi-ve-thuc-tai/
Link mua sách “Lời mời đến với xã hội học”: https://www.bookhunterlyceum.org/san-pham/loi-moi-den-voi-xa-hoi-hoc-mot-goc-nhin-nhan-van/
***
Vào những năm 50 và 60 của thế kì trước, ba cuốn sách Lời Mời đến với Xã Hội Học (1963), Sự Kiến Tạo Xã Hội về Thực Tại (1966), và Đám Đông Cô Đơn (1950) xuất hiện như những tác phẩm quan trọng và phổ biến nhất ở thời kì chuyển dịch giữa cuối kỉ nguyên cổ điển và đầu kỉ nguyên hiện đại của xã hội học.[1] Những cuốn sách này đã nêu bật lên rất nhiều điểm chung trong khái niệm tư duy về tính cách, về phận định của con người trong xã hội. Sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu chúng được liệt kê vào những cuốn sách ít nhiều thay đổi tư duy của một bộ phận đông đảo độc giả trong tư duy của họ về bản thân và xã hội.
Trong tham luận này, cuốn sách Lời Mời Xã Hội Học sẽ được tóm tắt, phân tích và đối chiếu với hai cuốn sách còn lại, nhằm đưa ra ba bức tranh tổng quan nhất về hệ quy chiều của xã hội học.

Xã hội đã xây dựng bản đồ cho chúng ta như thế nào?

Trong cuốn Lời Mời đến Với Xã Hội Học, bức tranh đầu tiên mà Peter Berger đề cập đến phác hoạ xã hội như một thực tại đồ sộ mang tính nhào nặn tư duy của các thành viên xã hội và ép họ theo xu hướng chung. Berger lấy ví dụ về sự mong muốn từ thời con trẻ của chúng ta về việc được định vị trên bản đồ. Trẻ con được tham gia vào trò chơi thế giới của người lớn bằng việc có địa chỉ. Những đứa trẻ háo hức chứng tỏ mình là một thứ gì đó bằng cách định vị mình trên bản đồ: rằng mình đã bao nhiêu tuổi, học ở trường nào, là con ai, cháu của ai..vv. Những định vị này hầu hết là các thuộc tính xã hội được xác lập sẵn và mang tính áp đặt. Đứa trẻ không mảy may nghi ngờ bởi những người khác cũng tin là như vậy. Đứa trẻ bắt đầu dùng những định vị đấy để xác định mình là ai. Việc được xác định mình là ai trong tấm bản đồ xã hội này cho chúng ta biết giới hạn của mình nằm ở đâu, và người ta kì vọng chúng ta những gì trong cuộc sống.
Nếu xã hội đã xây dựng cho mỗi người một định vị riêng trong tấm bản đồ, sẽ luôn có những lực lượng giữ cho chúng ta không dịch chuyển nhiều. Chúng ta tạm thời gọi những thế lực này là bảo vệ, canh gác. Phương thức thứ nhất mà Peter nói đến là kiểm soát xã hội. Đây là phương thức khiến cho những người không tuân thủ bị cưỡng ép phải theo xu hướng chung. Ở đây, phương thức kiểm soát bằng bạo lực là hình thức nền móng nhất. Kể cả trong những nước dân chủ nhất thì phần kiểm soát an ninh bằng bạo lực là yếu tố không thể thiếu, vì dù gì đi chăng nữa nó vẫn luôn là sự kiểm soát tối hậu và sau cùng. Phương thức kiểm soát thứ hai là về phương diện kinh tế. Berger dẫn ra ví dụ về hai lĩnh vực đó là giáo hội và các trường đại học. Trong đó những người có xu hướng vượt quá những giới hạn chấp nhận được về sự lệch lạc sẽ bị mất việc hoặc chuyển  tới một vùng giáo dục hẻo lánh với mức lương tối thiểu.
Điều may mắn là chúng ta sẽ thấy nó xảy ra cực hiếm, vì có những hình thức kiểm soát tinh vi và mang ảnh hưởng lâu dài hơn, mà không cần tới sự can thiệp trực tiếp đến thân thể và nguồn kiếm sống. Hình thức đó bao gồm sự kiểm soát của những cơ chế thuyết phục, chế nhạo và dựng chuyện tầm phào. Điều này đặc biệt hiệu quả ở những nhóm nhỏ biết rõ về nhau. Những kẻ lệch lạc sẽ là trung tâm của những chủ đề được bàn tán. Những nỗi sợ của việc bị tẩy chay và bị từ chối bởi những người thân cận với mình tạo ra áp lực cho cá nhân phải tự điều chỉnh mình theo xu hướng chung. Một vòng tròn kiểm soát nữa chúng ta có thể hình dung là hệ thống đạo đức, phong tục và tập quán-một ví dụ khá nổi tiếng được đề cập trong cuốn Đạo Đức Tin Lành và Chủ Nghĩa Tư Bản. Max Weber đã đề cập đến những việc như tiết kiệm tiền và coi trọng tiền như là một phẩm chất đạo đức đáng kính trọng trong xã hội, và các tiêu chuẩn đạo đức này đặt ra cái gì là phải đạo. Phần kiến thức mang tính chuẩn tắc, đưa ra lời giáo huấn này ít nhiều mang tính chất cưỡng ép.
Berger đã thiết lập ra phạm trù bao quát của hệ thống xã hội, mà không ngoại trừ một ai. Những người tưởng chừng thân thiết với ta nhất lại cũng là những người đứng theo phạm trù của xã hội để định nghĩa về ta, đánh giá về ta và quy ước ta. Một điểm cần lưu ý là những cách thức kiểm soát này không hề tách biệt mà ngấm ngầm thông đồng với nhau nhằm xây dựng một hệ thống công cụ kiểm soát mạnh mẽ. Những cơ chế này liên tục thuyết phục, cưỡng chế ngầm con người đi theo những toạ độ cho sẵn trong tấm bản đồ.
Còn tồn tại một hệ thống kiểm soát mang tính thưởng phạt là sự phân tầng xã hội, trong đó bao gồm quyền lực, đặc ân đặc lợi và sự uy tín. Trong đó điều đầu tiên cần nói tới là hệ thống giai cấp, một phân tầng được quy định bởi tiêu chuẩn kinh tế. Tất nhiên trong xã hội sự đi lên về mặt tài chính không chắc đã đồng nghĩa với việc được củng cố về sức mạnh và quyền lực. Tuy nhiên, Berger  phân tích rằng việc sở hữu tài chính đăng kể làm tăng cơ may có được cuộc sống không chỉ hơn về lượng, tức là có được nhiều quần áo nhà cửa hơn, mà còn có cơ hội sống khác về chất. Berger đưa ra ví dụ về  việc dựa trên số liệu thống kê về mặt tài chính của các hộ gia đình, chúng ta không chỉ dự đoán sở thích, tính cách, thiên hướng sự nghiệp và theo đuổi nghệ thuật của họ, mà còn xác định được cả chặng đường tương lai của con cháu. Những người có tiền không những có thể chu cấp cho con mình điều kiện vật sống tốt hơn mà còn giúp con cái họ trải nghiệm nền  giáo dục tốt hơn bằng cách đưa con đi du học hoặc tương tự. Ngược lại, những người ở giai cấp thấp trong xã hội phải chịu nhiều bất lợi về phương diện xã hội, kinh tế, hoặc trong việc gây dựng các mối quan hệ.
Berger kết luận rằng xã hội đã quy định cuộc sống của chúng ta một cách rất ngặt nghèo. Điều kiện tài chính, kinh tế của gia đình chúng ta quyết định nền giáo dục mà chúng ta nhận được, những định hướng mà chúng ta có được từ khi còn nhỏ, mà vô hình chung chúng ta đồng hoá với nó và cho rằng nó là thực tại. Trong quan điểm này, chúng ta có thể nhìn xã hội như một sự giam cầm. Chúng ta sở hữu một vài lựa chọn cố định mà xã hội đã cung cấp sẵn. Thông thường chúng ta rất hiếm khi được thấy những lựa chọn hay những con đường khác so với những gì chúng ta đã được quy định từ khi còn nhỏ. Xã hội tạo ra sự dễ đoán trong tính cách con người bằng cách thu hẹp sự lựa chọn bằng bàn tay của quá khứ.
Nhìn nhận về tính chất cưỡng ép của xã hội mà Berger đã phân tích có nhiều tương đồng với cách nhìn của Emile Durkhiem về hiện thực xã hội. Ông coi xã hội  như một hiện thực đồ sộ (sui generis) mà hầu hết các thành viên trong xã hội không có khả năng thay đổi. Lấy ví dụ của Durkhiem về công trình về tự sát. Ông không cho rằng những động cơ và tính cách của cá nhân là yếu tố quan trọng, mà thay vào đó ông phân tích những xu hướng mang tính thống kê của tự sát và cách hệ thống xã hội đã ảnh hưởng đến vấn đề tự sát. Ông cho rằng tự sát không liên quan đến bệnh tâm lí của những cá thể, mà có sự liên hệ trực tiếp giữa tôn giáo và tự sát, hay giữa sự ổn định kinh tế và tự sát. Từ những số liệu thống kê đó ta có thể dự đoán về số lượng người tự sát. Cách tiếp cận của Durkhiem hoàn toàn gạt bỏ yếu tố cá nhân và chỉ xem xét yếu tố xã hội.

Xã hội được coi như thực tại khách quan

Việc chúng ta đặt niềm tin mù quáng vào những thực tại xung quanh tạo ra một mối băn khoăn lớn. Làm sao mà xã hội có thể biến những sản phẩm từ đời ông cha của họ  trở thành thực tại mang tính khách quan? Cuốn Sự Kiến Tạo của Xã Hội Về Thực Tại là một công trình về lý thuyết xã hội học nhằm giải đáp câu hỏi này. Mấu chốt ở việc chuyển biến từ chủ quan sang khách quan này là sự tập quán hoá, điển hình hoá, sự hình thành các vai trò và cuối cùng là định chế hoá.
Để hiểu thêm về những khái niệm trừu tượng này, chúng ta lấy một ví dụ mà Luckmann và Berger đưa ra để minh hoạ cho sự tồn tại khách quan của thực tại xã hội. Lấy ví dụ về người A và người B. Khi họ gặp nhau và tương tác, sự điển hình hoá diễn ra rất nhanh chóng. Người A sẽ quan sát người B và khi thấy một hành động lặp đi lặp lại của người B thì người A bắt đầu gắn cho những hành động lặp lại thế này cũng sẽ xảy ra trong tương lai, vô hình chung tạo thành những cách ứng xử đặc thù dễ đoán. Đây là hình thức tập quán hoá bởi nó tạo ra sự thu hẹp sự lựa chọn mà không mất nhiều công sức.Những hành động mang tính tập quán hoá này qua thời gian tạo nên những khuôn mẫu điển hình để xây dựng một khuôn mẫu nhất quán về người đối diện.. Việc điển hình hoá này tạo ra nhiều giải toả về tâm lí, bởi nó làm cho mọi hành động về người đối diện không còn gay ra sự ngạc nhiên và không yêu cầu sự  tập trung hay chú ý nữa. Thế nên dần dần các hành động của hai con người này  được cho là một phần của đời sống thường nhật.
Hai tác giả phỏng đoán tiếp khi A và B có con cái thì những hành động mang tính điển hình hoá của hai người trở thành định chế hoá mang sử tính. Việc cha mẹ truyền lại cho con cái những định kiến của mình tạo thành sự thật mang tính khách quan đối với con trẻ, bởi khi nó nhìn xung quanh nó thì đây là việc ai cũng làm thế.
Đây là ví dụ có cả tiến trình đặc thù của tập quán hoá, điển hình hoá, vai trò và rồi định chế hoá. Sự tiếp nhận vai trò, khi bắt đầu đã được điển hình hoá, trở thành những xu hướng phản ứng được kì vọng.
Perger và Luckmann đã giả định về nguồn gốc của sự định chế hoá, và phân tích từ một hành động chủ quan trở thành một sự khiên cưỡng mang tính ép buộc trong xã hội. Đây xuất phát từ một mong muốn cỗ hữu của con người về sự ổn định và chắc chắn. Chúng ta không thể sống mà cứ liên tục ngạc nhiên, đề phòng về hành động của những người xung quanh ta; những lối ứng xử dễ đoán là cần thiết cho sự an toàn của chính chúng ta.

Bức tranh thứ hai về xã hội: Nhà hát múa rối

Không mất nhiều thời gian để chúng ta nhận ra rằng bức tranh về nhà tù xã hội là một bức tranh không đầy đủ. Bởi nếu thực tại mang tính chất đè đầu cưỡi cổ như vậy thì chúng ta đã không chọn cách tuân thủ mà sẵn sàng lật đổ để đánh đổi lấy tự do. Nhưng, thực tế là chúng ta cũng mong muốn những điều mà xã hội kì vọng vào ta, và việc đồng thuận này đòi hỏi một sự đồng nhất giữa cái nhìn của cá nhân và của xã hội về cái gì cần được kì vọng. Điều này xảy ra bởi quá trình đồng hoá của chúng ta về căn cước của bản thân và xã hội dường như ăn khớp với nhau, mà ở đây chúng ta có thể gọi nó là sự xã hội hoá. Nói một cách khác, quá trình xã hội hoá là tiến trình biến “những ý nghĩa đã được khách thể hoá về mặt xã hội” thành ý nghĩa của cuộc đời  mình.” Xã hội không chỉ xây dựng cuộc sống chúng ta bằng những con đường chọn sẵn, mà chúng ta cũng ủng hộ chính giới hạn đã được xã hội chấp thuận.
Một quan điểm về xã hội chúng ta sẽ quan tâm ở đây là định nghĩa về vai trò. Vai trò tạo ra khuôn mẫu hành động cho con người. Lấy ví dụ một người được phong tiến sĩ và được cử đi giảng dạy ở một trường đại học nào đó. Lúc đầu anh ta sẽ thấy vụng về khi mọi người gọi anh ta bằng thầy và chào anh ta với cử chỉ lễ phép. Anh ta lúc đầu sẽ thấy ngượng nghịu nhưng sau dần dần quen với vai trò đó. Dần dần anh ta cũng đối xử với học trò của mình như một bậc trên nhìn bậc dưới. Peter nói rằng, không phải việc thông thái giúp ta trở thành giáo sư, mà chúng ta trở nên được coi là thông thái khi trở thành giáo sư. Thế nên chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang ở trên sân khấu trình diễn: xã hội là những đạo diễn, và chúng ta là những con rối sẵn sàng đi theo những gì mà xã hội đã xác lập sẵn.
Các vai trò này được hình thành bởi những gì xã hội kì vọng vào ta. Nếu chúng ta coi rằng chúng ta thông minh và sang suốt thì dần dần chúng ta cũng xử sự với tâm thế sáng suốt. Tất cả những phẩm chất chúng ta gắn vào cho các cá nhân như sự thông minh, tính hài hước, sự nghiêm túc không có tính bản thể ở trong đó, mà hầu như là do xã hội đã gán vào cho họ.
Ở đây Berger muốn nhắc đến khái niệm vai trò đã được xác lập sẵn mang tính xã hội. Và hầu hết chúng ta là người chơi trò chơi.  Những con rối đã được xác lập sẵn tính cách, kì vọng và lối ứng xử điển hình. Ví dụ ở một mối quan hệ tình cảm thì người bạn gái có vai trò trở nên dịu dàng, biết cách ăn mặc khi đi chơi. Vai trò của người con trai thì có thể trở nên ga-lăng, và biết cách chứng tỏ tính nam nhi của mình.
Không ít thì nhiều bây giờ các bạn cũng nhận ra rằng xã hội nào cũng tạo ra những loại người mà nó cần. Hầu hết để phục vụ cái guồng quay của xã hội. Rất ít người trong xã hội bị lệch khỏi cái guồng quay này. Thế nên bây giờ chúng ta sẽ xem xét cách nhìn của xã hội về tính cách.
Trong những lập luận này, Berger đã đưa mọi góc nhìn thường tình của chúng ta về những hành động cá nhân theo góc quy chiếu của xã hội. Có nghĩa là ông đã đưa mọi sự kiện mang tính cá nhân của chúng ta, và chúng ta cũng tưởng rằng là những sự kiện đó mang tính cá nhân, theo sự phân tích có đoán trước được và được cố định theo góc nhìn khoa học. Ví dụ chúng ta trải nghiệm kết hôn, đi học, bị đuổi học, hay kể cả những nỗi cô đơn, thiên hướng của sự tự tử của chúng ta cũng đều mang hơi thở của xã hội. Xã hội không ít hay nhiều đã làm cho chúng ta phụ thuộc vào nó và đồng thời nó cũng tác động vào ta. Chúng ta để cuộc đời đi theo một buồng lái tự động trong hầu hết cuộc đời của mình. “Đối với hầu hết con người trong xã hội, sự kiểm soát là từ bên ngoài. Xã hội nhào nặn tư lối suy nghĩ chúng ta, định hình bản sắc, tư duy, tình cảm của chúng ta. Thường xuyên hơn nhiều chúng ta bị sập bẫy do chính xã hội của chúng ta.”
Cũng có thể nói rằng quá trình xã hội hoá là quá trình xã hội tạo ra những loại người mà nó cần. Mà quá trình xây dựng tính cách được định hướng về xã hội ít nhiều được phản ánh trong cuốn Đám Đông Cô Đơn của David Riesman.

Tính cách của chúng ta được xã hội nhào nặn hay do chúng ta tạo nên?

Trước khi đi vào phân tích và tóm tắt lại những lập luận của David Riesman về tính cách xã hội, ta sẽ dành chút ít thời gian để nói về tiểu sử của ông. Sau khi tốt nghiệp luật tại Harvard ông dành thời gian nghiên cứu với những nhà phân tâm học Freud, điển hình là Erich Fromm. Hưởng ứng phong trào viết theo hệ thống tư tưởng của Freud vào những năm 1950s, ông viết Đám Đông Cô Đơn. Cuốn này lúc đầu chỉ xuất bản 3000 cuốn vì cho rằng sẽ chỉ có những người trong giới học thuật đọc và trao đổi với nhau. Vượt a sự kì vọng ban đầu,  số lượng in cuốn này đạt mức 1 triệu bản, trở thành một trong những cuốn xã hội học có được bán chạy nhất nước Mỹ.
Cách nhìn của xã hội học về tính cách được Riesman gói gọn lại như sau. “Tính cách có ít nhiều phương hướng của xã hội đã được điều kiện hoá về mặt lịch sử, trở thành một bộ hành trang mà con người sử dụng để tiếp xúc với người khác.” Những con người có tính cách xã hội được David Riesman phân loại ra làm ba: một là truyền thống định hướng, nội tại định hướng và cuối cùng là ngoại tại định hướng.
Vậy, cách mà David Riesman đã phân loại những con người có tính cách xã hội như thế nào? Con người dễ phân loại thứ nhất là truyền thống định hướng. Ở những vùng địa lí có tiềm năng bùng nổ dân số như Trung Quốc hay Ấn Độ hiện tại, thì hầu hết mọi người học được rằng trong xã hội ít tính linh hoạt thì cách thích nghi là lựa chọn hàng đầu chứ không phải đổi mới. Con người này đại diện cho xã hội. Văn hoá, truyền thống, thói tục tôn giáo là những thứ định hướng cho những con người này.
Loại người thứ hai mà Riesman đề cập là người nội tại định hướng. Trong thời kì có nhiều sự đổi mới, tiến bộ về khoa học cũng như phải đối mặt với sự gia tăng dân số như thời Đổi Mới ở Việt Nam và thời kì khai sáng ở các nước Châu Âu, người mang thiên hướng nội tại định hướng nảy nở. Những nguồn dẫn dắt cho người nội tại định hướng này  đã được người lớn gieo trồng từ khi còn bé để dẫn dắt hướng tới mục tiêu khai quát hoá những mang đặctính định trước. Những người kiểu này có nhiều định hướng đẻ lựa chọn: tiền bạc, quyền lực, danh vọng. Những đam mê thuở nhỏ mà xã hội gieo trồng đã được những con người này biến thành ý nghĩa cuộc đời của chính mình.
Một loại người thứ ba được sản sinh trong thời kì tiêu thụ vượt mức độ sản xuất và dân số bắt đầu chớm giảm. Xã hội bắt đầu trở nên ngang bằng và thành viên trong xã hội dần mang tính ngoại tại định hướng. Những người này đặc biệt phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Một đặc điểm  chungcủa những con người này là những người cùng thời sẽ là nguồn định hướng cho anh ta. Những người này sẽ đặc biệt nhạy cảm với những mong ước và kì vọng của người khác. Họ có thể sẽ không tham danh vọng cũng như tạo ra điều gì đó lớn lao giống như nội tại định hướng. Đơn giản anh ta sẽ chỉ thấy hổ thẹn nếu anh ta không bằng bạn bằng bè.
Những con người này thông thường là những loại hình tuân thủ. Trong xã hội  vắng bóng những uy quyền có thể định hướng cho họ, thì việc đồng nhất tính cách mình vào một nhóm nào đó làm giảm thiểu sự bất an, và hầu hết những người định hướng cho họ là những người không quen biết. Tất nhiên những con người này sẽ thông đồng với xã hội của họ bằng cách này hay cách khác. Như người truyền thống định hướng thì sẽ giữ khư khữ lấy những gì đã định sẵn cho họ và giúp ổn định hệ thống xã hội. Người nội tại định hướng sẽ xây dựng và phát triển xã hội đúng theo phướng hướng mà xã hội đã dự đoán sẵn. Còn người ngoại tại định hướng sẽ đảm bảo rằng không có ai cùng thời bị chệch hướng, hay bị lệch chuẩn.
Những loại người này thể hiện rằng mỗi loại người trải nghiệm cuộc sống theo cách hoàn toàn khác nhau, nhưng điểm chung vẫn là mỗi loại người phục vụ cho lợi ích của xã hội.

Bức tranh thứ ba: Xã hội như kịch trường

Từ đầu đến giờ chúng ta đã xét xã hội như một thực tại khách quan, nhưng chúng ta cũng chứng kiến được rằng nhiều thứ chúng ta tưởng rằng khách quan thực chất lại có thể thay đổi. Peter trong chương, “Xã hội như kịch trường”, đã đề cập đến xã hội không cứng rẵn và mang tính cướng ép như một nhà giam, mà mang tính toàn thể hơn nếu như ta coi xã hội như một thực tại chủ quan theo góc nhìn của Max Weber. Weber, khác với Durkhiem, nhấn mạnh đến tính chủ quan của những người tham gia vào tình hướng xã hội, vì bây giờ thực tại xã hội không còn mang tính cứng nhắc như ta tưởng. Bây giờ chúng ta sẽ quay sang khám phá lí thuyết về sức hút mà lực của Max Weber để tham khảo một góc nhìn thứ ba của xã hội học: xã hội mang tính kịch trường.
Sẽ dễ để hình dung nếu chúng ta xét một vài lời dạy của Đức Phật về 20 điều khó làm trong cuộc sống này. Xét một đoạn trong kinh Phật: “Thật khó cho những người nghèo mà làm từ thiện. Thật khó cho người mạnh và giàu hành Đạo.” Những lời như thế này mang tính thách thức cao và mang tính lật đổ những điều vốn không dựa trên đạo lí và truyền thống, mà mang tính xác lập một thứ uy quyền mới. Phật không phải là ngoại lệ, những người đem lại những ý nghĩa mới này thường là những anh hùng hoặc những nhà tiên tri tôn giáo mang tính cách mạng như chúa Jessus, Muhammed, Napoleon. Như Weber đã khẳng định, “họ đem những ý nghĩa mới thay thế cho ý nghĩa cũ và triệt để xác định lại những tiền đề mặc định về cuộc sống con người.”
Mở rộng ra, chúng ta thấy  dù rằng xã hội mang tính khiên cưỡng và bắt buộc, chúng ta cũng là những người thiết lập ra nó và có khả năng thay đổi hay quy định lại chúng. Hơn nữa, mỗi quy chuẩn hay nguyên tắc được xác lập mang tính xã hội hầu hết đều cần rất nhiều người trong xã hội thừa nhận để nó có thể tồn tại.
Nếu chúng ta chuyển sang góc nhìn này, thì tự nhiên xã hội trở thành cơ hội để chúng ta có thể thiên biến vạn hoá nhằm đạt được điều mình muốn. Có nhiều cách để chúng ta sống chung với xã hội. Một là chúng ta có thể rút lui khỏi nó về mặt nội tâm; có những người đã hoàn toàn tách biệt khỏi xã hội để tạo ra thế giới cho riêng mình. Hiện nay Internet cung cấp đủ mọi loại giải trí cho con người để làm việc đó. Có thể nói chỉ cần một cái máy tính với nguồn cung cấp nước uống và thức ăn hàng ngày, con người có thể ở trong phòng mà không biết chán là gì. Cách thứ hai là dùng khả năng thao túng lợi dung. Bằng việc hiểu xã hội người ta bắt đầu sử dụng mánh khoé nhưng không bị nó lợi dụng. Ở đây thuyết Machiavalli sẽ dùng khoảng cách vai trò để thủ vai có chủ ý, đóng vai nhưng biết chắc đây chỉ là một cái mặt nạ của mình. Thật vậy, coi xã hội như một vở kịch đồng nghĩa với việc tạo ra lối thoát cho thuyết quyết định luận nghiệt ngã mà vô tình xã hội đã đẩy chúng ta vào.
Trong phần này, Berger đã giả định về rằng có tồn tại về sự tự do của con người. Nhưng từ “tự do” phải được hiểu một cách cẩn thận. Ông đã khẳng định rằng khi còn bị giới hạn bởi luật nhân quả thì chẳng có gì là tự do tuyệt đối. Và cái người tự do là người ý thức được luật nhân quả nhưng nhìn nhận nó theo cách hoàn toàn khác bình thường.
Ông đã dùng giả định về sự tự do để chứng minh rằng các cá nhân có thể dần dần thoát khỏi cái quyết định luận nghiệt ngã của xã hội và không thiếu gì cách để cá nhân có thể làm được vậy, bởi suy cho cùng mỗi chúng ta là một thành phần trong xã hội, và chúng ta có thể chọn cách thay đổi nó theo sự sáng tạo của chúng ta.

Điểm chung từ 3 cuốn sách

Các cuốn sách cho rằng việc đồng nhất với những tính cách mang tính tập thể này đồng nghĩa với việc từ bỏ một phần lớn tự do cá nhân. Chúng ta có thể thấy trong Đám Đông Cô Đơn, David Riesman đã đề cập đến những loại người mang tính chất được định hướng, từ người bên ngoài, từ xã hội gia đình và bạn bè. Và chúng ta cũng phải thừa nhận rằng họ đã từ chối việc chọn tự do cho mình một cách sống độc lập để có thể tuân theo các quy tắc chung của xã hôi.
Thừa nhận rằng có con đường để cho cá nhân trở nên độc lập hơn, thế nhưng cũng e rằng con đường này rất gian nan, vất vả. David Riesman cũng đã thừa nhận rằng có rất ít nghiên cứu cũng như sự khám phá về  con người độc lập. Nó vẫn còn bí hiểm và cực kì khan hiếm. Bởi xét trong hiện thực xã hội, có rất ít người có khả năng nhìn lại và đánh giá những định chế mà xã hội đã áp đặt cho họ như vậy. Hầu hết thì xã hội vẫn là kẻ thắng cuộc, khi sự áp chế của xã hội vẫn là những thứ “được coi là đương nhiên”. Sự độc lập ở đây mang mùi vị của tự do, khi cá nhân vẫn mang hình thức tuân thủ các định chế, nhưng có quyền để chọn con  đường khác.

Xã hội học thực sự là gì?

Vậy chúng ta nhận ra rằng xã hội học cũng không chỉ dành cho những cuộc điều tra mang tính thống kê, hay chỉ liên quan tới những tổ chức NGO mang tính từ thiện và cải thiện cuộc sống của người khác. Vì xã hội học không đơn thuần chỉ mang tính chất công tác xã hội: nó là công cụ nhưng không phải mục đích chính. Nhưng ở vẻ bề ngoài thì những người làm xã hội học kiểu này có rất nhiều. Bởi cũng dễ khi nhìn qua bề mặt, chúng ta sẽ thấy rất nhiều vấn đề trong xã hội: kì thị đồng tính, bất cân bằng giới tính. Nhà xã hội học sẽ không ngay lập tức tìm giải pháp, cũng như đặt ngay câu hỏi tại sao những điều sai trái lại diễn ra. Xã hội học sẽ truy tìm cho những câu hỏi: “cấu trúc xã hội vận hành thế nào, những tiền đề mặc định của nó là gì, nó được cô kết với nhau bằng phương tiện nào?” Công cụ là cần thiết, nhưng mục đích của xã hội vẫn là sự nỗ lực để hiểu biết.
Nếu không phải là nhà công tác xã hội thì nhà xã hội và xã hội học nên được hiểu như thế nào? Trước hết xã hội học là một ngành khoa học, bởi nó có hệ quy chiếu rất rõ ràng, và bị ảnh hưởng bởi những quy tắc về bằng chứng. Có thể hình dung hình ảnh của nhà xã hoịhocj như một điệp viên, bởi anh ta coi xã hội như bao trùm một màn rèm che kín, và anh ta muốn tìm hiểu và thâm nhập vào trong những tấm rèm này và khám phá những sự thật ẩn sau nó. Ở vẻ bề ngoài, hôn nhân có thể coi như là một sự kết duyên của những người coi nhau là bạn đời, nhưng ai đâu ngờ rằng nó cũng là cái thể chế ép buộc sinh sản có hợp pháp. Nhà xã hội học sẽ đi tìm những xung lực khiến con người hành động.
Một tính chất của xã hội học là thái độ không sùng kính bất kì một uy quyền hay đánh giá mang xu hướng tuyệt đối luận. Nhà xã hội không chỉ nghi ngờ vè những cuộc cách mạng hứa hẹn hay có thái độ tin tưởng với bất kì nhà chính trị, tôn giáo có những phát biểu mang tính hứa hẹn. Và với những phẩm chất như vậy, xã hội học để lại cái nhìn cực kì rộng mở và mở ngỏ về thế giới con người.

Xã hội học mang tính nhân văn và giải phóng

Đây là một điểm mới của Peter Berger trong cuốn Lời Mời Đến Với Xã Hội Học, rằng xã hội học là một ngành mang tính nhân văn. Nhưng cần nhấn mạnh rằng xã hội học không đi từ lòng thương cảm mà mong muốn cứu rỗi loại người, không giống như Me Teresa. Mà nó có thể lật tẩy những điều hư cấu bịa đặt nhằm che đậy sự nhẫn tâm giữa con người và con người. Sau tham luận này, có lẽ mọi người sẽ không còn tin vào một xã hội trao quyền tự do cho con người được tự quyền quyết định cuộc sống của mình, rằng xã hội đã cho mình một bức tranh tuyệt đối về thực tại của nó, dù thực chất nó đều là những hư cấu mà con người nghĩ ra. Như vậy Peter đã nhìn xã hội học như một thế giới bao phủ đầy sự lừa dối và hư cấu.
Chính vì vậy, nhà xã hội học đã mang tính nhân đạo, bởi anh ta đã lật tẩy những sự mong manh vô định mà xã hội đã chỉ định: khải niệm chủng tộc, những kì vọng về giới tính. Hay là án tử hình.vv.. Xã hội học cũng dạy cho người ta khả năng lắng nghe một cách không phán xét mà không đưa vào phạm trù đạo đức của chính mình. Và chắc chắn xã hội học sẽ khuyến khích một con người có thiên hướng phát triển độc lập, và ủng hộ một nền giáo dục mang tính chất giải phóng. Peter nói: “xã hội học chính đáng nhờ niềm tin rằng có ý thức thì tốt hơn là không có ý thức, và rằng ý thức là một điều kiện để đạt được tự do.”

Nguyễn Hồng Tâm

[1] Tôi liệt kê Đám Đông Cô Đơn như tác phẩm về chủ đề phân tâm học cũng như xã hội học.

Chat với AI (3): “Nhân chi sơ tính bản ác” và Leviathan của Thomas Hobbes

Tiếp theo chuỗi Chat với AI, Book Hunter thực hiện một cuộc hỏi đáp kỳ thú về thế giới quan của Thomas Hobbes nhân dịp ra mắt tác phẩm triết học kinh điển của ông: Leviathan. Mặc dù ChatGPT không thể thay thế được việc tự đọc và nghiên cứu kỹ các tác phẩm của Thomas Hobbes, nhưng độc giả có thể nắm được một số ý tưởng chính và vai trò của ông thông qua hỏi đáp với ChatGPT. Book Hunter: Bạn có biết

Book Hunter

02/09/2023

Tất cả đều diễn ra trong đầu chúng ta: Sử dụng tâm lí học và khoa học não bộ để hiểu hành vi chính trị tốt hơn

Một nhà khoa học chính trị kiểu mẫu thường không phát triển một kế hoạch có sử dụng dữ liệu từ cục lưu trữ quốc gia, các thống kê thử nghiệm, dữ liệu sức khoẻ cộng đồng, và một nghiên cứu fMRI trong một bài nghiên cứu khoa học duy nhất. Thế nhưng, Marika Landau-Wells lại không phải là một nhà khoa học chính trị kiểu mẫu. Có nền tảng là giao điểm của “nhận thức và mâu thuẫn,”, Landau-Wells, một nghiên cứu sinh của

Thanh Thuỷ

14/11/2017

Chính trị và tiếng Anh

BookHunter: Sự xuống cấp của tiếng Anh đã được George Orwell chỉ ra trong bài tiểu luận ông viết năm 1946. Sau 60 năm, những điều ông cảnh báo vẫn còn hiện diện, ở mức độ nào thì chưa rõ, trong các văn bản tiếng Anh. Theo George Orwell, chính trị có một mối liên quan mật thiết tới ngôn ngữ, và sự xuống cấp về ngôn ngữ chính là kẽ hở cho chính trị hạ cấp lên ngôi. Chúng tôi xin dịch trọn bộ

Niềm tin chính trị có tính bảo thủ – nghiên cứu não bộ đã chỉ ra

Tóm tắt: Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng chúng ta càng được cung cấp bằng chứng trái ngược, chúng ta càng cứng đầu về niềm tin chính trị của mình Nguồn: Đại học Nam California (USC)  Một nghiên cứu được tiến hành bởi USC đã xác nhận một điều ngày càng trở nên đúng hơn trong nền chính trị Hoa Kì: Người dân càng ngày càng cố chấp với niềm tin chính trị của họ nếu họ được cung cấp các luận điểm trái chiều.

Những cuốn sách cho bạn thấy bản chất của chính trị

Bề mặt xã hội có nhiều thay đổi trong hàng ngàn năm lịch sử, thế nhưng những thay đổi này chỉ là các biểu hiện bên ngoài. Bản chất của con người không có quá nhiều thay đổi, bởi thế bản chất của nền chính trị (ngành quản trị xã hội con người) cũng không có nhiều thay đổi. Mặc dù rất nhiều lý tưởng chính trị được đề xuất, rất nhiều cuộc cách mạng được diễn ra, rất nhiều thay đổi về đời sống