Home Đọc “Căn tính và bạo lực – Huyễn tưởng về số mệnh” – Vài điều suy nghĩ

“Căn tính và bạo lực – Huyễn tưởng về số mệnh” – Vài điều suy nghĩ

“Hầu hết người ta là kẻ khác”
« Tư tưởng của họ là quan niệm của kẻ khác, cuộc sống của họ là sự bắt chước, đam mê của họ là sự trích dẫn lại từ kẻ khác »
Oscar Wilde
Đó là những câu Amartya Sen sử dụng để mở đầu cuốn sách « Căn tính và bạo lực – Huyễn tưởng về số mệnh ». Điều này có nghĩa là cá nhân của mỗi chúng ta đều bị định nghĩa bởi người khác, bị một số mệnh nào đó mà cộng đồng áp đặt nên. Qủa nhiên, đó là điều mà Sen dành rất nhiều công sức để làm rõ vấn đề trong cuốn sách này. Có ba nghi vấn đã xuất hiện khi đọc cuốn sách như sau : Thứ nhất là, căn tính của một con người thực sự được tạo ra như thế nào. Thứ hai là, mối quan hệ giữa căn tính và bạo lực như thế nào ? Thứ ba là, liệu có một tương lai mà con người thoát khỏi căn tính để hình thành một xã hội đa nguyên? Đây đều là những câu hỏi lớn mà chúng ta cần phải đặt ra khi đang đứng bên lề chuyển giao giữa một thế giới bị phân loại bởi các căn tính và một thế giới được định dạng bởi tính cá nhân.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta cần phải làm rõ khái niệm « Identity » và cách dịch của dịch giả – « căn tính ». « Identity » dịch sang tiếng Việt có nghĩa là « căn cước ». Khi tác giả sử dụng khái niệm « Identity » trong văn cảnh của cuốn sách, tác giả muốn nói rằng chúng ta bị định nghĩa bởi cái căn cước mà chúng ta sở hữu. Mà căn cước là do cộng đồng áp đặt lên, do cộng đồng dán nhãn. Dần dần, chúng ta tự đồng hóa mình với cái căn cước ấy, tự huyễn đến mức tự hào và sẵn sàng chuyển sang xu hướng bạo lực. Từ « căn tính » có nghĩa là những thuộc tính gốc rễ, nói như các cụ nhà ta là những gì đã là thâm căn cố đế trong một cá nhân. Ở một khía cạnh nào đó, « căn tính » giống như là một hạt giống « căn cước » được gieo trồng, và bén rễ bên trong cá nhân và cứ thế phát triển cho đến khi trở thành một phần đặc trưng của cá nhân. Dịch là « căn tính », tuy không sát nghĩa, nhưng lại thể hiện được cái ý của Amartya Sen. Bởi vậy, ở đây, tôi sẽ vẫn sử dụng cách nói « căn tính » để đi sâu hơn vào những vẫn đề mà Amartya Sen đặt ra.
I – Hiểu về căn tính
Điều hấp dẫn của cuốn sách chính là lối viết quy nạp của Amartyra Sen. Ông luôn bắt đầu bằng việc đưa ra rất nhiều dẫn chứng dưới dạng câu chuyện hoặc nhận định của các tác giả để rồi đi dần đến các lập luận của mình. Để cho người đọc như chúng ta có thể hiểu về căn tính, ông không đưa ra một định nghĩa cứng ngắc mà đưa ra khá nhiều các dẫn chứng thú vị. Ví dụ như để nói về sự bất đồng trong cách tư duy giữa những người thuộc căn tính khác nhau, ông lấy một đoạn trích từ tác phẩm « Khúc quanh ở miền Nam » của Naipaul như sau :
« Tôi còn nhớ cú sốc của mình khi đang chu du quanh biển Caribe vào năm 1961, để viết cuốn sách đầu tiên kể chuyện lữ hành. Đó là cảm giác ô uế và hủy diệt tâm linh khi tôi trông thấy một số người Ấn ở Martinique và hiểu ra rằng họ đã thấm đẫm chất Martinique đến vô phương cứu chữa, rằng tôi không có cách nào để cùng chia sẻ nhãn quan với họ, những kẻ mà vào giai đoạn nào đó đã từng có lịch sử giống như tôi, vậy mà nay, về mặt chủng tộc và cả những điều khác đã trở nên khác biệt. »

  1. Những xu hướng giản lược hóa phân loại căn tính sai lầm

Từ đó, Sen đưa ra vấn đề phân loại căn tính mà một cách tự nhiên loài người đã gán cho mình. Rõ ràng, sự phân loại căn tính không chỉ dừng lại ở khía cạnh lịch sử hay tộc người, mà còn có thể phân loại theo rất nhiều cách khác nhau như khu vực cư trú, nghề nghiệp, tư tưởng, niềm tin, sứ mệnh, tôn giáo… Có thể coi mỗi dạng căn tính này như một « nhóm ». Một cách khách quan mà nói, một người có thể có nhiều căn tính, hay thuộc nhiều nhóm khác nhau, chứ không nhất thiết thuộc về một nhóm riêng biệt nào đó tới mức đồng nhất với nhóm. Sen đã khẳng định về các tính chất của « căn tính » như sau :
« Thứ nhất, cần nhìn nhận rằng căn tính luôn luôn là ở số nhiều và tầm quan trọng của căn tính này không nhất thiết xóa sạch tầm quan trọng của các căn tính khác. Thứ hai, một cá thể phải có nhiều lựa chọn – một cách minh nhiên hoặc hàm ẩn, nhằm xác định trong mối cảnh cụ thể, rằng cần phải gán tầm quan trọng tương đối nào cho từng thứ một trong những thứ cùng đòi hỏi lòng trung thành và sự ưu tiên của ta, tất cả đều cạnh tranh nhau để giành lấy sự ưu tiên ấy. »
Con người luôn cần đến căn tính để tồn tại an toàn trong một cộng đồng, nhưng các nhà nghiên cứu xã hội luôn gặp khó khăn trong vấn đề phân loại, và thường đi vào giản lược hóa. Dưới góc độ của các nhà nghiên cứu kinh tế, họ thường có cái nhìn rằng con người « bất chấp căn tính ». Góc nhìn này xuất phát từ việc họ coi con người như các tập khách hàng, và khi ấy, mọi sự ảnh hưởng của căn tính đều có thể bị xóa bỏ. Ngược lại với « bất chấp căn tính » là « hệ thuộc đơn nhất ». Đây là lối nhìn của các nhà nghiên cứu địa chính trị, lịch sử chính trị, tôn giáo… Họ nhìn con người như những « người dân », và cho rằng người dân chỉ thuộc về một nền văn hóa, văn minh hoặc thể chế nào đó đến mức đồng nhất. Với Sen, cả hai góc nhìn này đều quá giản lược, thế nhưng lại đang chiếm ưu thế trên thế giới. 
Nền tảng của góc nhìn « bất chấp căn tính » của các nhà nghiên cứu kinh tế đến từ quan niệm về tư hữu  – vấn đề gốc của thế giới phương Tây hiện đại. Sen cho rằng, quan điểm tư hữu đã kích thích những lối nghĩ ích kỷ và hẹp hòi dưới danh nghĩa « sự hợp lý », tạo ra hình mẫu « con người kinh tế » với cách suy nghĩ : « Nếu không phải là vì lợi ích của anh thì tại sao anh chọn là điều anh đã làm ? ». Sen tỏ một thái độ cười nhạo đối với những « con người kinh tế », loại người chỉ biết có một mối quan tâm duy nhất trong cuộc đời tới mức chỉ có thể đưa ra được một câu trả lời nhất quán cho mọi câu hỏi khác nhau về hành động. Ông gọi đó là « gã hề duy lý » chỉ biết « chọn cái nào hợp lý ». Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý rằng, không chỉ có hành vi tư lợi kiểu « hợp lý » mới là « bất chấp căn tính ». Một con người khi hành động cũng có thể không phụ thuộc vào căn tính của mình khi xét đoán của họ nằm trong một số những nhóm căn tính khác như chuẩn mực đạo đức, lương tâm hay trách nhiệm…v…v… Đọc một chuỗi lập luận về « gã hề duy lý » này, chúng ta buộc phải đồng tình với Sen rằng cần bài trừ lối suy nghĩ tư lợi ấy.
Trói buộc mỗi cá nhân vào một nhóm căn tính nào đó là thói quen thường thấy của các nhà phân tích xã hội, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa xã hội cổ điển. Họ thường có phân loại theo nhóm người hoặc là công nhân, hoặc không phải công nhân. Ngay cả Karl Marx cũng đã phê phán lối phân loại này, bởi nó làm « mờ đi tính đa dạng của họ với tư cách con người ». Karl Marx đã viết trong « Cương lĩnh Gotha » như sau :
« Những cá nhân không ngang nhau (và họ sẽ không phải là những cá nhân khác nhau nếu họ không phải là người không ngang nhau) chỉ có thể đo theo một thước đo như nhau trong chừng mực người ta xét họ theo một góc độ họ giống nhau, nghĩa là chỉ xét họ về một phương diện nhất định, như trong trường hợp này thì người ta chỉ xét họ về mặt là người lao động, chứ không thấy gì hơn nữa ở họ, không xét đến cái gì khác nữa. »
Đồng ý rằng sẽ luôn có những căn tính chiếm ưu thế đối với một cá nhân hơn các căn tính khác, tuy nhiên tùy vào bối cảnh xã hội và hoàn cảnh sống. Tức là căn tính vốn dĩ không có tính lâu bền đến mức bất biến. Vậy nên, lối phân loại mang tính ấn định cá nhân vào căn tính là lối phân loại hết sức sai lầm. Sen cho rằng đó là cách phân loại mang tính « tùy hứng và thất thường », tuy nhiên ông cũng khẳng định «một khi nó được phát biểu và nhìn nhận dưới dạng đường lối phân chia, thì các nhóm hình thành từ sự phân loại ấy cũng mang sự thích đáng phái sinh… ».
Từ đó, Sen đề xuất rằng : « Sự luận lý trong việc lựa chọn những căn tính thích hợp phải vượt xa ngoài cái trí năng đơn thuần, để dấn sâu vào tầm quan yếu mang tính xã hội. Không phải chỉ có lý tính mà quan yếu trong việc lựa chọn căn tính, việc luận lý còn phải xét đến bối cảnh xã hội và sự thích hợp ngẫu nhiên của con người ta thuộc loại này hay loại khác. ».

  1. Các tính chất của « Căn tính »

Căn tính tương phản và không tương phản
Đây là một vấn đề phức tạp trong phân loại căn tính. Bởi lẽ, có những nhóm căn tính sau khi chia xong sẽ không có sự xung đột nhau. Ví dụ như một người vừa thuộc nhóm căn tính luật sư lại vừa thuộc nhóm căn tính ăn chay. Ngược lại, có những trường hợp phân loại gặp phải sự tương phản, thậm chí xung đột. Điều này thường gặp phải với những người có phạm vi tương tác rộng. Ví dụ như một người dân Trung Quốc sống ở Mỹ, hay một người công nhân có xuất thân từ gia đình quý tộc…v…v…
Trong trường hợp một cá nhân có các căn tính không tương phản nhau, cá nhân ấy sẽ không gặp phải những khó khăn trong lựa chọn như các cá nhân có căn tính tương phản.
Lựa chọn và bắt buộc
Xã hội vốn dĩ đa nguyên về căn tính. Như đã nói ở trên, một người có thể có rất nhiều căn tính khác nhau. Theo như Sen nói, việc « một con người có thể thật sự mất đi khả năng xem xét những dạng thức căn tính thay thế khác » là một việc « khó hình dung ». Tức là  lựa chọn căn tính ưu tiên là quá trình diễn ra tự nhiên và « liên tục ». Một khi căn tính ưu tiên đã được lựa chọn, cuộc đời của mỗi cá nhân sẽ gắn liền với một số căn tính ấy.
Ngược lại, vẫn có những căn tính bắt buộc, tức là rất khó để cá nhân có thể có lựa chọn khác. Ví dụ như những thứ thuộc về bẩm sinh. Những người có mắt xanh thì sẽ thuộc nhóm mắt xanh cho dù họ có muốn hay không. Hay xét trường hợp những người có thu nhập thấp, họ không phải không muốn lựa chọn hàng hóa xa xỉ phẩm, nhưng vì họ chỉ có mức thu nhập như vậy nên không còn quyền lựa chọn nữa. Bởi vậy, khi phân loại các nhóm, nhà phân tích phải xét trên rất nhiều khía cạnh.
Lệ thuộc cộng đồng hay tự do lựa chọn
Ở một số cộng đồng, cá nhân luôn được định hình bởi cộng đồng ấy, bị ảnh hưởng mọi tư tưởng, tư duy, thói quen văn hóa của cộng đồng. Nói cách khác, căn tính của cộng đồng chi phối toàn bộ cá nhân, hoặc nhẹ hơn, là được ưu tiên tối đa so với các căn tính khác. Tuy nhiên, việc này không hề làm giảm đi khả năng lựa chọn căn tính của cá nhân.
Một số học giả khác lại cho rằng, căn tính là tự sinh. Vì thế, việc « phát hiện ra căn tính » quan trọng hơn lựa chọn căn tính. Quan điểm này hình thành dựa trên niềm tin rằng con người thuộc về nơi họ sinh ra. Nhưng, trên thực tế, con người dù sinh ra ở bất kỳ đâu trên thế giới, dù cảm thức rất mạnh, nhưng cũng không thể loại trừ hay áp đảo những căn tính khác được.
Trong trang viết của mình, Sen đưa ra luận điểm phản đối tác phẩm « Sự va chạm giữa các nền văn minh » của Huttington. Ông cho rằng cuốn sách này là một biểu hiện của sự quy giản khi gắn các cá nhân vào  nền văn hóa hoặc văn minh mà họ bị lệ thuộc. Cụ thể là không thể cho rằng toàn bộ người Islam đều là khủng bố cực đoan và chống lại phương Tây. Cũng như không phải đất nước Ấn Độ là một quốc gia Ấn giáo. Tất cả lối suy nghĩ như vậy chỉ duy trì và kích động các xung đột mà thôi.
Cá nhân, trong áp lực lệ thuộc vào các căn tính, thường bị rơi vào những lựa chọn căn tính phức tạp. Sen đã đưa ra một dẫn chứng thú vị là bài thơ « Phi Châu xa vời » của Derek Walcott, tác giả được giải Nobel văn chương năm 1992 :
« Tôi quay về đâu đây,
Khi đã bị chia cắt tận trong huyết quản 
Tôi đây, kẻ đã nguyền rủa
Gã công chức say mèm của quy tắc Anh
Làm sao lựa chọn
Giữa nơi này, châu Phi, với tiếng Anh
Ngôn ngữ tôi yêu ?
Phụ bạc cả hai, hay trả lại những gì
Chúng đã trao tôi ?
Làm sao tôi đối mặt sự thảm sát này
Mà điềm tĩnh được ?
Làm sao tôi có thể quay mặt khỏi châu Phi
Mà vẫn sống ? »
Điều quan trọng của cá nhân như Sen nhận định, « không phải là có hay không có một căn tính bất kỳ nào đó mà ta có thể lựa chọn (đấy là một khẳng định ngớ ngẩn) mà là liệu chúng ta thực sự có quyền lựa chọn giữa những căn tính khác nhau hay kết hợp căn tính khác nhau hay không, và có lẽ quan trọng hơn là có tự do thực sự hay không trong việc cân nhắc dành ưu tiên cho những căn tính nào trong số các căn tính mà ta có thể đồng thời có ». Vậy điều gì là quan trọng để cho phép một cá nhân có thể lựa chọn căn tính cho mình ? Sen cho rằng, điểm mấu chốt nằm ở khả năng nhận thức của cá nhân. Bởi chính sự hạn chế trong nhận thức gây ra sự trói buộc trong một số căn tính nhất định nào đó và làm giảm khả năng lựa chọn.
II – Căn tính và bạo lực
Như đã phân tích ở trên, « căn tính » là thứ không thể thiếu cho mỗi cá nhân trong cộng đồng người. Đúng như Sen phân tích, « việc chú trọng đến các căn tính cụ thể có thể làm phong phú các quan hệ của chúng ta và khiến ta làm được nhiều việc cho nhau, cũng có thể giúp ta vượt ra ngoài cuộc sống lấy cái tôi làm trung tâm của mình. »
Thế nhưng, gắn chặt bản thân mình vào một « căn tính » nào đó đến mức tin rằng mình thuộc về hay đồng nhất mình… thì dùng theo chữ của Sen, đó là một « huyễn tưởng ». Và cũng chính từ « huyễn tưởng » này mà bạo lực nảy sinh. « Căn tính cũng có thể gây ra giết chóc – và giết chóc một cách vô tội vạ. Một cảm thức mạnh mẽ và việc thuộc về một nhóm – và chỉ một nhóm ấy thôi – trong nhiều trường hợp có thể mang theo nó cả một nhận thức tự phát về sự cách biệt và phân cách giữa mình với các nhóm khác. » Một khi đã có sự lệ thuộc vào nhóm căn tính thì yêu cầu về lòng trung thành của cá nhân và sự đoàn kết trong cộng đồng có chung căn tính trở nên vô cùng quan trọng. Quan trọng tới mức cá nhân ấy phải khước từ, thậm chí là kỳ thị những nhóm căn tính khác.  
Nếu chúng ta nói rằng một nhóm người này sống rất hòa hợp, hạnh phúc và yên ấm, và đó là cộng đồng lý tưởng, thì chúng ta nên coi chừng. Họ có thể rất tử tế với người có chung « căn tính » với mình, nhưng không ngại ném đá vào người lạ sống trong cộng đồng của họ. Cũng chính bởi vậy, các cá nhân thường có xu hướng tìm về « căn tính » được gọi là « gốc » của mình, và cho rằng đó là nơi mình thuộc về. Trên thực tế, đó là cộng đồng mà họ có các điểm tương đồng đa số, và có được cảm giác an toàn.  Cứ thế, cứ thế, giống như những viên gạch xây nên bức tường, họ phải củng cố thêm sức mạnh cho cộng đồng.
Để chứng minh sự trung thành của mình với cộng đồng, cá nhân thường dễ dàng chấp nhận những luận điệu để công kích các cộng đồng khác. Những luận điệu công kích này là yếu tố trực tiếp thúc đẩy bạo lực, để rồi bạo lực lại « vun bồi » thêm cho các suy nghĩ kỳ thị. Cứ vậy, bạo lực và xung đột ngày một gia tăng. Trong cuốn sách này, Sen đã sử dụng cách suy luận này để lý giải tình trạng khủng bố đang ngày một gia tăng trên thế giới hiện nay.
III – Toàn cầu hóa và đa văn hóa
Chúng ta đã rất quen thuộc với khái niệm Toàn cầu hóa trong nhiều năm gần đây. Không ít người trong số chúng ta đã từng tâm đắc với cuốn sách « Chiếc xe Lexus và cây ô liu » của Friedman khi ông cho rằng Toàn cầu hóa đang diễn ra và lấn át các yếu tố địa phương. Cũng không ít người hào hứng với sự thắng thế của « xe Lexus ». Nhưng trong tác phẩm của Sen, Toàn cầu hóa được nhìn ở một góc độ khác. Sen cho rằng : « Sự thật là toàn cầu hóa đã diễn ra hàng ngàn năm nay, đóng góp vào tiến bộ của thế giới thông qua du hành, thương mại, di cư, sự trải rộng của ảnh hưởng văn hóa, việc phổ biến kiến thức và hiểu biết… » Quan niệm « toàn cầu hóa » này hoàn toàn khác với « toàn cầu hóa về kinh tế » mà chúng ta vẫn hiểu trước đây.
Với cách hiểu như vậy, Sen khiến chúng tay thấy rằng, « toàn cầu hóa » không phải chỉ mang lại sự bất bình đẳng mà thực ra có khả năng mang lại bình đẳng nhờ vào đa dạng văn hóa. Ông nói « Bản chất Toàn cầu hóa của thế giới đương đại không cho phép người ta có thể phớt lờ những câu hỏi mà thực trạng đa văn hóa đặt ra. »
Nếu chúng ta nhìn toàn cảnh về thế giới chúng ta đang sống, với lượng thông tin nối kết nhanh hơn, mạnh hơn ; với sự hội nhập qua giao thương liên tục hơn, với sự phức hợp các căn tính trong một cá nhân phức tạp hơn… chúng ta sẽ thấy rằng, con người dần dần sẽ thoát khỏi một số căn tính cố hữu như địa phương, giai cấp, tư tưởng chính trị… Tuy nhiên, đó chỉ là khía cạnh tích cực của vấn đề. Đa văn hóa cũng có thể dẫn tới tình trạng xung đột nhiều hơn, bạo lực nhiều hơn. Tất cả đều lệ thuộc vào việc cá nhân con người có thể tự do lựa chọn cho mình hay không.
Một điểm đáng tiếc của cuốn sách này, đó là Sen không đưa ra được một giải pháp cho vấn đề « căn tính và bạo lực » mà ông nêu ra. Ông đã chỉ ra một cách thẳng thắn sự ngu xuẩn của những thế giới ảo tưởng, khi chúng ta tự giam mình trong căn tính. Đối với một số người, nhận thức được sự ngu xuẩn ấy chính là giải quyết được vấn đề rồi. Sen không phải người duy nhất đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa cá nhân và căn tính của cá nhân, nhưng ông là người gọi tên vấn đề này để chúng ta có thể nhận diện rõ ràng. Từ đó, ta có thể tự tìm giải pháp cho chính mình, và mở đường cho chúng ta tham khảo những học giả khác có nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề căn tính và văn hóa.
 
 
 

Những cuốn sách cho bạn thấy bản chất của chính trị

Bề mặt xã hội có nhiều thay đổi trong hàng ngàn năm lịch sử, thế nhưng những thay đổi này chỉ là các biểu hiện bên ngoài. Bản chất của con người không có quá nhiều thay đổi, bởi thế bản chất của nền chính trị (ngành quản trị xã hội con người) cũng không có nhiều thay đổi. Mặc dù rất nhiều lý tưởng chính trị được đề xuất, rất nhiều cuộc cách mạng được diễn ra, rất nhiều thay đổi về đời sống

Định kiến xã hội đã giới hạn chúng ta!

BookHunter: Đây là bản tham luận của Nguyễn Hồng Tâm trong buổi Seminar “Thế Giới Mà Xã Hội Tạo ra: Góc Nhìn của Xã Hội Học về Thực Tại và Con Người” do BookHunter thực hiện tại NXB Tri Thức, 53 Nguyễn Du. Bài viết dựa trên ba cuốn sách: Lời mời đến với Xã hội học, Sự kiến tạo Xã hội về Thực tại, và Đám đông cô đơn. Chúng tôi xin đăng lại toàn bộ bài tham luận để bạn đọc có thể

TÂM LÝ CHÍNH TRỊ – Chủ đề nghiên cứu quan trọng của thời đại mới

Mặc dù “tâm lý chính trị” không phải là một thuật ngữ mới mẻ gì, tuy nhiên vẫn không có ít bạn đọc vẫn chưa có một hiểu biết đủ chính xác về lĩnh vực này. Nhiều độc giả dễ dàng hiểu “tâm lý chính trị” là những chiêu trò tâm lý được một người hoặc một phe cánh sử dụng nhằm đạt được thêm quyền lực chính trị. Nếu hiểu “tâm lý chính trị” theo nghĩa này thì các bạn đang bị nhầm lẫn
le-nam

Lê Nam

06/11/2017

Niềm tin chính trị có tính bảo thủ – nghiên cứu não bộ đã chỉ ra

Tóm tắt: Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng chúng ta càng được cung cấp bằng chứng trái ngược, chúng ta càng cứng đầu về niềm tin chính trị của mình Nguồn: Đại học Nam California (USC)  Một nghiên cứu được tiến hành bởi USC đã xác nhận một điều ngày càng trở nên đúng hơn trong nền chính trị Hoa Kì: Người dân càng ngày càng cố chấp với niềm tin chính trị của họ nếu họ được cung cấp các luận điểm trái chiều.

Những cuốn sách kinh điển về tâm lý chính trị

Tâm lý học chính trị có thể nói là một môn khoa học khá mới mẻ, ít được các nhà tư tưởng thời cổ đại của phương Tây chú ý. Tuy nhiên, kể từ sau cách mạng công nghiệp, đặc biệt là sau cuộc cách mạng Pháp với những hệ quả nặng nề mang tính chính trị và tâm lý, các nhà tư tưởng phương Tây đã bắt đầu thực sự tìm hiểu một cách nghiêm túc về lĩnh vực này. Hiện nay, tâm lý
le-nam

Lê Nam

01/10/2017