Home Đọc Chính trị và tiếng Anh

Chính trị và tiếng Anh

BookHunter: Sự xuống cấp của tiếng Anh đã được George Orwell chỉ ra trong bài tiểu luận ông viết năm 1946. Sau 60 năm, những điều ông cảnh báo vẫn còn hiện diện, ở mức độ nào thì chưa rõ, trong các văn bản tiếng Anh. Theo George Orwell, chính trị có một mối liên quan mật thiết tới ngôn ngữ, và sự xuống cấp về ngôn ngữ chính là kẽ hở cho chính trị hạ cấp lên ngôi. Chúng tôi xin dịch trọn bộ bài viết của George Orwell để giới thiệu tới những độc giả quan tâm tới tiếng Anh nói riêng và những độc giả muốn đọc hoặc viết ra những văn bản mạch lạc, hay và có ích. 

***

Hầu hết những người quan tâm đến vấn đề này sẽ đều thừa nhận rằng ngôn ngữ Tiếng Anh đang không ở trong thời kì đỉnh cao, nhưng có thể thấy rằng chúng ta chẳng thể dùng bất kì hành động có chủ đích nào để thay đổi được điều này. Nền văn minh của chúng ta bị suy đồi, và ngôn ngữ của chúng ta cũng không tránh khỏi số phận bị tàn phá, – thế là cuộc tranh luận lại bắt đầu. Dễ thấy rằng bất kì sự đấu tranh chống lại việc lạm dụng ngôn ngữ nào cũng bị coi như sự níu kéo quá khứ xa xưa, như việc thích dùng nến và xe ngựa kéo hơn là đèn điện và máy bay chẳng hạn. Đằng sau những lời buộc tội này là một niềm tin mơ hồ rằng ngôn ngữ chỉ có thể phát triển một cách tự nhiên, không  giống một loại nhạc cụ để chúng ta uốn nắn hay tạo hình nhằm tùy ý sử dụng.
Rõ ràng, những nguyên nhân chính trị và kinh tế đã gây ra sự suy thoái của ngôn ngữ: mọi thứ không thể chỉ đơn giản là do ảnh hưởng xấu của bản thân các nhà văn. Nhưng một sự tác động có thể trở thành một nguyên do, củng cố cho nguyên do ban đầu và tạo ra những tác động tương tự mang khả năng ảnh hưởng lớn hơn và cứ thế ngày càng có chiều hướng gia tăng. Một người đàn ông uống một ly rượu vì anh ta cảm thấy mình là một nỗi thất bại, và sau đó lại còn thất bại thảm hại hơn nữa trong mọi việc vì anh ta tiếp tục uống thêm. Đó là điều đang xảy ra đối với Tiếng Anh. Nó trở nên xấu xí và lộn xộn vì chúng ta có những suy nghĩ ngu dốt, và rồi sự tùy tiện trong cách sử dụng Tiếng Anh đã tạo điều kiện cho chúng ta có thêm những suy nghĩ ngu dốt khác. Vấn đề ở đây, là quá trình này có thể bị đảo ngược. Tiếng Anh hiện đại, nhất là trong ngôn ngữ viết, mang đầy những lỗi sai được sử dụng phổ biến do bắt chước nhau, ta có thể tránh được những lỗi này nếu có ai đó tự nguyện nhận lấy rắc rối. Nếu một người có thể gạt bỏ được những lỗi sai này, người đó sẽ nghĩ thông suốt hơn, và suy nghĩ thông suốt chính là bước quan trọng đầu tiên để phục hồi chính trị: do đó mà cuộc chiến chống lại Tiếng Anh tồi sẽ không trở nên phù phiếm và không chỉ là nỗi lo của những nhà văn chuyên nghiệp. Tôi sẽ nhanh chóng trở lại vấn đề này, và hi vọng khi ấy thông điệp mà tôi muốn nói ở đây sẽ trở nên sáng rõ hơn. Trong lúc đó, tôi xin chỉ ra 5 ví dụ về lỗi phổ biến trong Tiếng Anh khi viết:

  1. I am not, indeed, sure whether it is not true to say that the Milton who once seemed not unlike a seventeenth-century Shelley had not become, out of an experience ever more bitter in each year, more alien [sic] to the founder of that Jesuit sect which nothing could induce him to tolerate.

Giáo sư Harold Laski (Bài luận về tự do ngôn luận)
(Tạm dịch: Tôi cho rằng Milton, người từng một thời được cho là Shelly của thế kỉ XVII, đã trở nên càng ngày càng căm ghét và xa lạ “như người ngoài hành tinh” với người sáng lập giáo phái Công giáo đến nỗi không gì có thể khơi dậy lòng khoan dung ở anh ta.)

  1. Above all, we cannot play ducks and drakes with a native battery of idioms which prescribes egregious collocations of vocables as the basic put up with for tolerate, or put at a loss for bewilder.

Giáo sư Lancelot Hogben (Sự giao thoa)
(Tạm dịch: Chúng ta không thể mạo hiểm với số lượng lớn thành ngữ đang quy định việc sắp xếp những từ vô nghĩa tồi tệ với nhau và để “chịu đựng” thay cho “khoan dung“, còn “gây hiểu sai” thay cho “gây lúng túng)

  1. On the one side we have the free personality: by definition it is not neurotic, for it has neither conflict nor dream. Its desires, such as they are, are transparent, for they are just what institutional approval keeps in the forefront of consciousness; another institutional pattern would alter their number and intensity; there is little in them that is natural, irreducible, or culturally dangerous. But on the other side, the social bond itself is nothing but the mutual reflection of these self-secure integrities. Recall the definition of love. Is not this the very picture of a small academic? Where is there a place in this hall of mirrors for either personality or fraternity?

Bài luận về tâm lí học chính trị (New York)
(Về một mặt, chúng ta có tâm hồn t do thuần túy: theo định nghĩa, nó không phải là một nỗi lo vì nó không có mâu thuẫn và mơ ước. Những ham muốn của nó được thể hiện quá rõ ràng, vì chúng chỉ là thứ được sự chấp thuận của thể chế đặt trong phần quan trọng nhất của ý thức; một mô hình thể chế khác sẽ làm thay đổi số lượng và mật độ của chúng; chỉ có một số rất ít trong chúng là tự nhiên, không thể bị suy giảm và nguy hiểm trong cuộc sống.  Nhưng, mặt khác, các mối liên kết xã hội đơn giản là sự ảnh hưởng lẫn nhau bởi các quy định. Hãy nhớ lại định nghĩa của tình yêu. Đây không phải là bức tranh về một học viện nhỏ sao? Liệu trong cái sảnh đây gương này có chỗ cho cá nhân hoặc tập thể hay không?)

  1. All the ‘best people’ from the gentlemen’s clubs, and all the frantic fascist captains, united in common hatred of Socialism and bestial horror at the rising tide of the mass revolutionary movement, have turned to acts of provocation, to foul incendiarism, to medieval legends of poisoned wells, to legalize their own destruction of proletarian organizations, and rouse the agitated petty-bourgeoise to chauvinistic fervor on behalf of the fight against the revolutionary way out of the crisis.

Tờ rơi của cộng sản
(Những người tốt nhất từ những câu lạc bộ cho các quý ông của chúng ta, và tất cả những chỉ huy phát-xít hăng hái – những người đã tụ họp lại trong một nỗi căm ghét chung với chủ nghĩa xã hội và nỗi kinh hoàng trước làn sóng cách mạng đang dâng trào – đã có những hành động kêu gọi để khơi dậy sự kích động, đầu độc giếng nước, nhằm hợp pháp hóa sự đàn áp của họ trước các tổ chức thuộc tầng lớp thấp kém và kích thích lòng yêu nước ở tầng lớp tiểu tư sản lúc bấy giờ đương hỗn loạn trên danh nghĩa đấu tranh để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.)

  1. If a new spirit is to be infused into this old country, there is one thorny and contentious reform which must be tackled, and that is the humanization and galvanization of the B.B.C. Timidity here will bespeak canker and atrophy of the soul. The heart of Britain may be sound and of strong beat, for instance, but the British lion’s roar at present is like that of Bottom in Shakespeare’s A Midsummer Night’s Dream — as gentle as any sucking dove. A virile new Britain cannot continue indefinitely to be traduced in the eyes or rather ears, of the world by the effete languors of Langham Place, brazenly masquerading as ‘standard English’. When the Voice of Britain is heard at nine o’clock, better far and infinitely less ludicrous to hear aitches honestly dropped than the present priggish, inflated, inhibited, school-ma’amish arch braying of blameless bashful mewing maidens!

Letter in Tribune
(Nếu như có một luồng gió mới được thổi vào đất nước già nua này, thì sẽ xảy ra một sự tái định hình đầy tranh cãi cần được giải quyết, đó là tính nhân đạo và sự quá khích. Trái tim của nước Anh có thể vẫn bình yên và khỏe mạnh, thế nhưng tiếng gầm của con sư tử nước Anh giờ đây chỉ như giọng nói của Bottom trong “Giấc mộng đêm hè” của Shakespeare’s – êm khẽ như tiếng bồ câu mới sinh. Một nước Anh non trẻ hùng mạnh không thể tiếp tục bị chà đạp mãi trong con mắt của thế giới bởi sự sụp đổ từ từ của Langham Place, nơi vẫn đang táo tợn dối trá là sở hữu “Tiếng Anh chuẩn”. Khi giọng nói của nước Anh vang lên lúc 9 giờ đúng, tốt hơn là nó vang thật xa và ít lố bịch nhất có thể để có thể nghe thấy những âm “h” được phát ra một cách thành thực hơn là sự kiêu ngạo, tự mãn, ức chế, cùng lối kiến trúc hình vòm kiểu các bà giáo già của các nữ tu không biết xấu hổ là gì ngày nay!)
 LƯU Ý: Chúng tôi cố gắng dịch những ví dụ mà George Orwell đưa ra nhưng thực sự rất khó để hiểu tác giả của những ví dụ này muốn viết cái gì. Thành thực cáo lỗi với độc giả nếu phần dịch còn nhiều sai sót. (ND)

Mỗi đoạn văn ở trên đều có lỗi sai, thế nhưng, khác với những lỗi sai thông thường có thể tránh được, ta có thể thấy có hai lỗi sai phổ biến như sau. Thứ nhất là sự nghèo nàn về mặt hình ảnh, thứ hai là tính chính xác không cao. Người viết, hoặc là không diễn đạt được ý nghĩ của mình, hoặc là vô tình viết lạc đề, hoặc, có khi ông ta còn chẳng thèm để tâm xem những câu mình viết có ý nghĩa gì hay không. Sự kết hợp giữa thiếu sáng suốt và thiếu năng lực đã tạo nên đặc điểm điển hình của văn xuôi Tiếng Anh hiện đại, tiêu biểu là trong tất cả các loại văn bản chính trị. Ngay sau khi ra đề tài, những phần cụ thể nhanh chóng bị tan chảy và biến thành những cái trừu tượng, và không ai có thể nghĩ đến các câu văn mà không cảm thấy nhàm chán: văn xuôi càng ngày càng ít các cụm từ được gắn kết với nhau giống như các phần của một chuồng gà được dựng sẵn. Tôi liệt kê dưới đây, với chú thích và ví dụ, một loạt các thủ thuật bằng các phương thức mà qua đó việc tạo dựng văn bản thường bị bỏ qua.

ẨN DỤ CHẾT (phép ấn dụ bị mất đi ý nghĩa ban đầu do việc sử dụng tràn lan, bắt chước – ND). Một phép ẩn dụ mới được sáng tạo mà trong đó, một mặt nó mang ý nghĩa “bóng” tác động tới suy nghĩ qua hình ảnh trực quan, mặt khác lại mang ý nghĩa “chết” (ví dụ: iron resolution – “quyết định cứng rắn”) hay nghĩa nguyên gốc (nghĩa “đen”) của cụm từ ban đầu và phép ẩn dụ này thường được sử dụng mà không làm mất đi tính gợi hình. Nhưng giữa hai cách hiểu có một lỗ hổng lớn tạo ra từ việc hiểu sai phép ẩn dụ, từ đó tính gợi hình sẽ mất đi. Phép ẩn dụ chết thường được sử dụng vì giúp cho người viết đỡ mất công nghĩ ra các cách diễn đạt của riêng mình. Ví dụ: ring the changes on (phá cách, sáng tạo), take up the cudgel for (bao biện), toe the line (làm việc phải làm), ride roughshod over (chà đạp, đối xử tàn tệ), stand shoulder to shoulder with (kề vai sát cánh), play into the hands of (tạo cơ hội), no axe to grind (không vì mục đích cá nhân nào), grist to the mill (món hời), fishing in troubled waters (làm lợi từ khó khăn của người khác), on the order of the day (có tính phổ biến), Achilles’ heel (gót chân A-sin), swan song (màn trình diễn cuối cùng trong sự nghiệp), hotbed (vị trí thuận lợi). Rất nhiều trong số này được người viết sử dụng trong khi không hề biết chính xác nghĩa của chúng (có mấy người biết rõ từ rift – “khoảng cách” – nghĩa là gì?), và khi những phép ẩn dụ mang ý nghĩa đối nghịch được dùng lẫn với nhau, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người viết đang không hề để tâm đến câu chữ của mình. Hiện nay, một vài phép ẩn dụ đã mang ý nghĩa khác xa với ý nghĩa gốc của chúng mà ngay cả những người sử dụng cũng không nhận ra. Ví dụ, toe the line đôi khi bị viết thành tow the line. Một ví dụ khác là the hammer and the anvil (“trên đe dưới búa” – lựa chọn giữa hai tình huống tệ như nhau) ngày nay luôn được dùng với nghĩa ám chỉ cái đe (the anvil) là tồi tệ hơn. Có thể thấy, một số người đã liên hệ thực tế vào phép ẩn dụ trên, trong đời thực, cái đe luôn luôn mạnh hơn cái búa, và không bao giờ có chuyện ngược lại, rằng một nhà văn khi ngừng suy nghĩ về những gì mình đang viết sẽ tránh được việc tự tay bóp méo ý nghĩa của cụm từ nguyên gốc.

SỬ DỤNG CỤM TỪ/THÀNH NGỮ THAY CHO MỘT TỪ ĐƠN CÙNG NGHĨA ĐỂ KÉO DÀI CÂU. Cách này giúp cho người viết khỏi mất công tìm động từ hoặc danh từ thích hợp, đồng thời thêm vần điệu cho câu nhằm tạo tính đối xứng. Một số cụm từ điển hình là render inoperative (không hoạt động), militate against (cản trở), make contact with (liên lạc), be subjected to (chịu đựng), give rise to (vận hành), give rounds for (chịu đựng), have the effect of (chịu tác động), play a leading part (role) in (có vai trò dẫn đầu), make itself felt (có tác động đáng kể), take effect (bắt đầu hoạt động), exhibit a tendency to (có xu hướng), serve the purpose of (hữu ích), vv…Vấn đề chính ở đây là việc loại bỏ các động từ đơn giản. Thay vì chỉ dùng duy nhất một từ, như break (đập, phá), stop (dừng, cản), spoil (làm hỏng, để lộ), mend (sửa), kill (giết), thì người ta lại dùng một cụm từ, tạo nên từ một danh từ hoặc tính từ đi kèm với các động từ đa nghĩa như prove (chứng tỏ, thể hiện), serve (phục vụ, giúp đỡ, tương thích, hoạt động), form (tạo hình, sắp xếp, tổ chức), play (chơi, lừa gạt, diễn xuất), render (thực hiện, biểu diễn, chi trả). Ngoài ra, câu bị động cũng thường được dùng thay cho câu chủ động, và cấu trúc danh từ thay thế cho danh động từ (by examination of thay cho by examining). Sự đa dạng của động từ bị suy giảm đáng kể bởi sự cấu tạo từ có hậu tố -ize và tiền tố de- (để tạo thành động từ), và các câu khẳng định tầm thường bỗng trở nên sâu sắc nhờ các cụm từ có cấu trúc not un-. Các liên từ và giới từ bị thay thế bởi các cụm từ with respect to (với), having regard to (liên quan tới), the fact that (sự thật là), by dint of (bằng cách), in view of (theo như, vì), in the interests of (nhằm mục đích), on the hypothesis that (theo giả thuyết rằng); và kết thúc các câu này đã tránh được sự hụt hẫng lãng xẹt nhờ các cụm từ phổ biến nghe rất kêu như greatly to be disired (không như mong đợi), cannot be left out of account (không thể bị lãng quên), a development to be expected in the near future (một sự phát triển đáng để trông đợi trong tương lai gần), deserving of serious consideration (xứng đáng được xem xét kĩ lưỡng), brought to a satisfactory conclusion (dẫn tới một kết luận được mong đợi), và còn nhiều hơn thế, nhiều hơn nữa.
THÍCH DÙNG CHỮ (để tăng phần quan trọng, tăng tính thi vị thừa thãi cho câu). Những từ như phenomenon (hiện tượng), element (nguyên tố), individual (dùng như danh từ) (cá nhân), objective (về mặt khách quan), categorical (tính minh bạch), effective (hiệu quả), virtual (hầu như),  basic (cơ bản), primary (căn bản), promote (thăng tiến), constitute (cấu tạo), exhibit (trưng bày), exploit (khai thác), utilize (sử dụng), eliminate (loại trừ), liquidate (thanh toán) được sử dụng để tô điểm cho những tuyên bố giản đơn và thêm mùi khoa học một cách vô tư cho những phán xét đầy thiên vị. Các tính từ như epoch-making (có tác động lớn trong tương lai), epic (tính sử thi), historic (có tính lịch sử), unforgettable (không thể quên được), triumphant (bất bại), age-old (rất cũ), inevitable (không tránh khỏi), inexorable (không thể lay chuyển), veritable (vô cùng) được dùng để truy xét các thương vụ bẩn thỉu của chính trị quốc tế, trong khi đó các bài viết nhằm tôn vinh chiến tranh thường sử dụng những từ có màu sắc cổ điển tiêu biểu như: beam (tỏa sáng), chariot (xe ngựa kéo trong chiến tranh), mailed fist (lực lượng), trident (đinh ba), sword (kiếm), shield (lá chắn), buckler (khiên), banner (biểu ngữ), jackboot (giày ống), clarion (vang dội). Những từ mượn và thành ngữ như cul de sac (đường cùng), ancien regime (chế độ cũ), deus ex machina (tình thế đảo ngược) , mutatis mutandis (sửa đổi phù hợp), status quo (thực trạng), gleichschaltung (sự tiêu chuẩn hóa các thể chế chính trị, xã hội được thực hiện ở các quốc gia độc tài), weltanschauung (quan điểm sống) được sử dụng để khiến cho văn bản nhuốm màu văn hóa và thanh lịch. Ngoại trừ các từ viết tắt hữu dụng như i.e. (Indo-European – “có nghĩa là”), e.g. (exempli gratia – “ví dụ như”), etc. (et cetera – “vân vân…”), không có bất kì cụm từ vay mượn nước ngoài nào là cần thiết trong ngôn ngữ Tiếng Anh. Những nhà văn tồi, đặc biệt là những người viết về khoa học, chính trị, xã hội học, hầu như luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ là tiếng Latin hay tiếng Hy Lạp cao quý hơn tiếng của người Saxon, và những từ không cần thiết như expedite (khẩn cấp), ameliorate (cải thiện), predict (dự đoán), extraneous (không liên quan), deracinated (cự tuyệt), clandestine (bí mật), subaqueous (dưới nước) cùng hàng trăm từ khác đã liên tục được phát triển (theo kiểu Hy Lạp, Latin) từ cuốn Kinh Cựu Ước thứ 4 của người Anglo-Saxon(1). Những biệt ngữ trong các bài viết của chủ nghĩa Marx (hyena (linh cẩu), hangman (người bị treo cổ), cannibal (kẻ ăn thịt người), petty bourgeois (tiểu tư sản), these gentry (những kẻ thượng lưu), lackey (đầy tớ), flunkey (công nhân), mad dog (giận dữ), White Guard (lực lượng cách mạng), vv…) bao gồm phần lớn các từ được dịch từ tiếng Nga, Đức hoặc Pháp, tuy nhiên, cách thông thường để tạo ra một từ mới là dùng gốc Latin hoặc Hy Lạp với các yếu tố phù hợp và, nếu cần thiết, cân đối dung lượng kí tự trong từ đó. Việc tạo ra những từ loại kiểu như deregionalize (với tiền tố de- và hậu tố -ize), impermissible (với tiền tố im- và hậu tố -ible), extramarital (với hậu tố -ital) và non-fragmentary (với tiền tố non-  và hậu tố -ary) thường dễ dàng hơn việc nghĩ ra những từ Tiếng Anh mới hoàn toàn. Kết quả dẫn tới là sự tùy tiện cẩu thả và mơ hồ trong sử dụng ngôn ngữ.
NHỮNG TỪ VÔ NGHĨA. Trong một số văn bản nhất định, đặc biệt là trong phê bình hội họa và phê bình văn học, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi ta vô tình đọc tới một số đoạn văn dài lê thê nhưng hầu như chẳng có ý nghĩa gì (2). Những từ romantic (lãng mạn), plastic (dẻo dai), values (giá trị), human (loài người), dead (chết), sentimental (đa cảm), natural (tự nhiên), vitality (nhiệt huyết) được sử dụng trong phê bình nghệ thuật thực chất là vô nghĩa, do chúng không chỉ không nhắm tới những vấn đề cần được phân tích, mà ngay cả người đọc cũng chẳng trông đợi điều này ở chúng. Khi một nhà phê bình viết, “Điểm ấn tượng trong công trình của ngài X  đó là ý nghĩa thực tiễn (living quality) của nó”, trong khi người khác viết “Thứ ngay lập tức gây chú ý ở công trình của ngài X là nó đặc biệt thiếu tính tương tác (peculiar deadness)”, người đọc chấp nhận chúng như hai luồng ý kiến khác nhau. Nếu như những từ như “đen” và “trắng” được nói đến, thay vì những từ có ý nghĩa chuyên ngành khi đặt trong hoàn cảnh này là “dead” (chết) và “living” (sống), họ sẽ thấy ngay rằng ngôn ngữ đã được sử dụng rất tùy tiện. Chịu chung số phận bị lạm dụng là các thuật ngữ chính trị. Từ “Fascism” (chủ nghĩa phát-xít) hiện nay chỉ còn mang nghĩa “một thứ mà chẳng ai ưa”. Những từ như “democracy”, “socialism”, “freedom”, “patriotic”, “realistic”, “justice”, mỗi từ lại mang nhiều nghĩa khác biệt mà tự thân chúng chẳng có chút liên quan nào đến nhau. Với trường hợp của từ “democracy” (dân chủ), không những ta không có được một định nghĩa chung, mà nỗ lực để có một nghĩa chung còn bị cản trở từ mọi phía. Dường như ở bất kì đâu trên thế giới, khi người ta gọi một quốc gia là “có tính dân chủ” (democratic) thì cũng có nghĩa ta đang tán dương đất nước đó: cuối cùng thì những người ủng hộ của mọi kiểu chế độ sẽ tuyên bố rằng ta nên hiểu “dân chủ” (democracy) theo nghĩa này, và sợ rằng họ sẽ không được dùng từ đó nữa nếu nó bị ràng buộc bởi bất kì ý nghĩa nào khác. Những từ như vậy thường bị dùng sai có chủ đích. Đó là vì, người dùng chúng hiểu theo nghĩa này, nhưng anh ta lại muốn người nghe hiểu theo nghĩa khác. Những tuyên bố như “Marshal Petain là một người ái quốc (patriot) chân chính”, “Báo Xô-viết có tính tự do (freest) ngôn luận nhất thế giới”, “Nhà thờ Công giáo phản đối bất công (persecution)” hầu như đều được tạo ra với mục đích không chính thống. Một số từ được dùng với ý nghĩa linh hoạt, trong nhiều trường hợp ít nhiều không trung thực, đó là “class”, “totalitarian”, “science”, “progressive”, “reactionary”, “bourgeois”, “equality”.
Trên đây tôi đã nêu ra một danh sách những cách lừa gạt và đánh tráo khái niệm của ngôn ngữ, bên dưới sẽ là một ví dụ về một phong cách viết mà những kiểu lừa gạt và đánh tráo khái niệm này dẫn tới. Lần này, về bản chất, nó phải là một đoạn văn kiểu tưởng tượng. Tôi sẽ dịch một đoạn văn được viết bằng Tiếng Anh tốt sang Tiếng Anh hiện đại theo lối tệ nhất của nó. Đây là một đoạn nổi tiếng trích từ Kinh thánh:
“I returned and saw under the sun, that the race is not to the swift, nor the battle to the strong, neither yet bread to the wise, nor yet riches to men of understanding, nor yet favour to men of skill; but time and chance happeneth to them all.”
(Tôi quay lại và thấy bên dưới ánh mặt trời, cuộc đua không giành cho người nhanh, cũng như cuộc chiến không giành cho kẻ mạnh, bánh mì không giành cho người khôn ngoan, và sự giàu có không giành cho người thông thái, sự ưu tiên cũng chẳng giành cho kẻ có năng khiếu; thế nhưng, thời cơ rồi sẽ tới với tất cả những người đó.)
Còn đây là cách viết theo lối Tiếng Anh hiện đại:
Objective considerations of contemporary phenomena compel the conclusion that success or failure in competitive activities exhibits no tendency to be commensurate with innate capacity, but that a considerable element of the unpredictable must invariably be taken into account.
(Những suy xét khách quan về các hiện tượng đồng thời xảy ra đi đến kết luận rằng thành công hay thất bại trong các hoạt động mang tính cạnh tranh không thể hiện bất kì xu hướng nào tương ứng với tài năng thiên bẩm. )
Đây là một phiên bản bắt chước, nhưng không đến nỗi kinh khủng lắm. Từ exhibit (thể hiện) (3) ở trên chẳng hạn, là một ví dụ điển hình của Tiếng Anh hiện đại. Có thể thấy rằng tôi đã làm một bản dịch không được hoàn chỉnh. Phần mở đầu và kết thúc của câu bám khá sát với nghĩa gốc, nhưng ở giữa câu thì các minh họa cụ thể như “cuộc đua” (race), “cuộc chiến” (battle), “bánh mì” (bread) đã biến mất trong những cụm từ trừu tượng như “thành công hay thất bại các hoạt động mang tính cạnh tranh” (success or failure in competitive activities). Đó là điều hiển nhiên thôi, vì chẳng có nhà văn hiện đại nào trong số những ông mà tôi đang nói đến ở đây, có khả năng dùng những cụm từ như “những suy xét khách quan về các hiện tượng đồng thời xảy ra” (objective considerations of contemporary phenomena), mà lại tóm lược suy nghĩ của mình bằng cách chính xác và hàm súc (bằng các minh họa cụ thể) như thế. Toàn bộ khuynh hướng của văn xuôi hiện đại đều đang đi quá xa khỏi sự khúc chiết. Bây giờ, hãy phân tích kĩ hơn hai câu văn này. Câu thứ nhất là từ Kinh Thánh, câu thứ hai là bắt chước lại. Câu thứ nhất chứa 49 từ nhưng chỉ có 60 âm tiết, và tất cả chúng đều là những từ thông dụng hàng ngày. Câu thứ hai chứa 38 từ và 90 âm tiết: 18 từ trong số đó có gốc Latin, 1 từ có gốc Hy Lạp. Câu thứ nhất có 6 hình ảnh sống động, và chỉ duy nhất một cụm từ (“time and chance” – thời cơ) có thể coi là trừu tượng. Câu thứ hai không có nổi một cụm từ mới mẻ và gây chú ý nào, và cho dù đã huy động đến 90 âm tiết, nó chỉ có thể đưa ra ý nghĩa tóm lược của câu thứ nhất. Thế nhưng, không còn nghi ngờ gì, nó chính là kiểu câu đang phát triển rộng rãi trong Tiếng Anh hiện đại. Tôi không hề có ý nói quá về vấn đề này. Cách viết kiểu như vậy vẫn chưa lan rộng trên toàn cầu, và đâu đó vẫn sẽ có những ngôn từ mộc mạc nổi lên ngay cả trong những trang viết tồi tệ nhất. Dù sao đi nữa, nếu bạn hay tôi được yêu cầu viết vài dòng về sự bấp bênh của số mệnh loài người, có lẽ chúng ta vẫn nên để tâm tới cái câu phi thực tế kia của tôi hơn là câu trích trong Kinh thánh.
Như tôi đã cố gắng chỉ ra, văn viết hiện đại theo lối tệ nhất của nó không hề được nhà văn để tâm đến việc lựa chọn từ ngữ thật chuẩn xác theo đúng ý nghĩa của từ cũng như tạo ra các hình ảnh nhằm minh họa cho ý nghĩa ấy. Họ chỉ chăm chăm ghép các cụm từ dài lê thê đã được tạo sẵn lại với nhau, và cố khiến cho văn bản trở nên hoa mĩ bằng sự dối trá khôn cùng của mình. Điểm thu hút của lối viết này đó là nó rất dễ học theo. Nó còn dễ – thậm chí nhanh hơn, một khi bạn đã hình thành thói quen – khi nói rằng “Theo tôi đây không phải là một nhận định không chấp nhận được…” hơn là nói rằng “Tôi nghĩ là…”. Nếu bạn dùng những cụm từ đã có sẵn, không những bạn không cần phải vắt não tìm từ, mà bạn còn chẳng phải lo về âm điệu của câu vì những cụm từ ấy vốn được làm ra để ít nhiều nghe thuận tai người đọc. Khi bạn đang phải cuống cuồng soạn thảo – hoặc khi bạn đang chỉ dẫn cho một người tốc kí, hay khi đang diễn thuyết trước công chúng – sẽ rất bình thường nếu giọng văn của bạn bỗng dưng bị nhuốm phong cách La-tinh tự phụ. Những kiểu câu như a consideration which we should do well to bear in mind (Một sự cân nhắc kĩ lưỡng mà ta nên lưu ý trong đầu) hay a conclusion to which all of us would readily assent (Một kết luận mà tất cả chúng ta sẽ ngay lập tức nhất trí) sẽ cứu cho nhiều câu văn của bạn khỏi bị cụt ngủn. Bằng cách sử dụng nhiều phép ẩn dụ, tương đồng, thành ngữ cổ điển, bạn sẽ đỡ tốn sức hơn nhiều, với cái giá phải trả là thông điệp trở nên mơ hồ, đối với không chỉ người đọc mà cả chính bản thân bạn. Đây chính là hậu quả của việc kết hợp nhiều phép ẩn dụ. Mục đích đơn thuần của một phép ẩn dụ là để gợi ra hình ảnh trực quan. Khi những hình ảnh này không tương thích với nhau – như trong câu The Fascist octopus has sung its swan song, the jackboot is thrown into the melting pot. (Con bạch tuộc Phát-xít tung ra đòn cuối cùng, đôi ủng Đức Quốc Xã bị ném vào trong một vùng giao thoa văn hóa) – có thể dám chắc rằng người viết đang không tưởng tượng được hình ảnh của đối tượng mà anh ta đang gọi tên; nói cách khác, anh ta đang không hề suy nghĩ. Hãy nhìn lại vào những ví dụ tôi chỉ ra ở đầu bài luận này. Giáo sư Laski ở đoạn văn (1) dùng 5 từ phủ định trong số 53 từ. Một trong số đó là không cần thiết, chẳng đóng góp gì được cho đoạn văn, ngoài ra còn có một lỗi nhỏ – đó là từ alien (người ngoài hành tinh) – càng vô nghĩa hơn nữa, cùng hàng loạt những lỗi vụn vặt có thể tránh được đã làm tăng phần không rõ ràng cho văn bản. Giáo sư Hogben ở đoạn (2) đã mạo hiểm với một số lượng lớn thành ngữ, điều này đáng được lưu ý, và trong khi phản đối một cụm từ rất thông dụng là put up with, ông đã không tra từ điển xem từ egregious nghĩa là gì; Ở ví dụ thứ (3), nếu ai đó xem xét đoạn văn này với một thái độ không mấy vui vẻ, thì họ sẽ thấy nó hoàn toàn vô nghĩa: có thể một ai đó sẽ cố gắng tìm hiểu xem đoạn văn ấy định gửi gắm điều gì bằng cách đọc toàn bộ văn bản có chứa nó. Trong ví dụ (4), ít nhiều thì nhà văn cũng biết ông ta muốn nói gì, nhưng sự bành trướng của những cụm từ cổ đã khiến ông ta chết nghẹn như bồn rửa bị tắc bã chè. Ở đoạn (5), từ ngữ và nghĩa của chúng đã không còn đi đôi với nhau nữa. Những người có văn phong như thế này thường mang thông điệp tinh thần chung nào đó – họ ghét một thứ và muốn thể hiện sự ủng hộ với một thứ khác – nhưng họ lại không thích đi sâu vào chi tiết của vấn đề họ đang nói. Một nhà văn cẩn thận trong từng câu chữ sẽ tự vấn bản thân ít nhất bốn câu này: Tôi đang cố nói gì? Từ nào sẽ biểu đạt được điều tôi muốn nói? Hình ảnh hay thành ngữ nào sẽ làm nó sáng tỏ hơn? Hình ảnh này có đủ rõ ràng để tạo hiệu ứng hay không? Và có thể ông ta sẽ tự hỏi mình thêm hai câu nữa: Tôi có thể làm cho câu văn ngắn gọn hơn không? Có chỗ nào tôi viết chưa hay mà có thể sửa lại được không? Nhưng bạn không nhất thiết phải kinh qua hàng tá rắc rối thế này. Bạn có thể lơ chúng đi đơn giản bằng cách mở rộng đầu óc và để cho các cụm từ có sẵn mặc sức lấp đầy tâm trí. Chúng sẽ thi triển câu văn cho bạn, thậm chí suy nghĩ cho bạn, đến một mức độ nhất định, và khi cần chúng sẽ tiến hành một nhiệm vụ quan trọng là gần như giấu nhẹm ý nghĩa của câu văn khỏi bạn. Cho đến thời điểm này thì mối liên hệ đặc biệt giữa chính trị và sự mai một của ngôn ngữ đã trở nên rõ ràng.  
Trong thời đại của chúng ta, có một điều được cho là đúng ở hầu khắp các nơi đó là văn chính luận là loại văn tồi. Ở những nơi mà nhận định này là không đúng, thường thì ta sẽ thấy những nhà văn ở đó khá là ngông, tự do thể hiện quan điểm và không có tư tưởng đảng phái (party line). Một cách chính thống mà nói, mọi phe phái chính trị đều có vẻ như muốn con người sống như những cỗ máy vô hồn vô cảm bắt chước lẫn nhau. Những thuật ngữ chính trị được tìm thấy ở các pamphlet, bài viết hàng đầu, các tuyên bố, Sách Trắng và các bài thuyết trình của những viên chức cao cấp, chúng hiển nhiên là khác nhau ở mỗi đảng, nhưng đều có điểm chung đó là ta hầu như không thể tìm thấy ở chúng một chút nào là sống động, tươi mới hay bình dân. Khi chúng ta ngồi xem một ông nhà báo nghiệp dư rũ rượi đứng trên giảng đường máy móc lặp lại những cụm từ giống nhau – bestial (bất nhân),  atrocities (tàn bạo), iron heel (dã man), bloodstained tyranny (chuyên chế), free people of the world (giành lại độc lập cho con người), stand shoulder to shoulder (kề vai sát cánh) – ta thường có cảm giác kì lạ rằng đó có lẽ không phải là một người đang sống bình thường mà là một cái máy: một cảm giác bỗng chốc trở nên mạnh hơn vào thời điểm ánh sáng chiếu qua cặp kính của người diễn thuyết, biến chúng thành hai chiếc đĩa đen và dường như không có cặp mắt người nào đằng sau chúng. Vẫn chưa hết lí thú. Một người diễn thuyết có biểu cảm như thế đã phần nào tự biến mình thành một con robot. Âm thanh đang phát ra từ thanh quản của anh ta, nhưng bộ não lại không tham gia vào việc này, cứ như thể anh ta vẫn đang tìm kiếm từ vựng vậy .  Nếu anh ta đang nói bài thuyết trình mà trước đó đã nói đi nói lại nhiều lần, có lẽ anh ta còn chẳng nhận thức được điều mình đang diễn đạt, giống như khi ta nhắc lại những tiếng trả lời trong nhà thờ. Và sự suy giảm về nhận thức này, nếu không phải là không thể thiếu, thì đều hữu ích, dù ở mức độ nào, cho sự phục tùng chính trị.
Trong thời đại của chúng ta, các bài diễn thuyết chính trị và văn bản chính luận thường là tấm lá chắn cho những tội ác nhân loại. Sự tiếp tục chế độ đô hộ của Anh tại Ấn Độ, các vụ thanh trừng và trục xuất của Nga, sự kiện thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản của Mỹ, thực chất đều có thể được biện minh, nhưng chỉ có thể được biện minh bằng những lập luận quá tàn nhẫn với đa số mọi người và không tương xứng với những mục đích vốn được rao giảng của các đảng phái chính trị. Do đó, ngôn ngữ chính trị bao chứa rất nhiều các từ nói giảm nói tránh, câu hỏi tu từ, và sự mơ hồ đơn thuần. Những ngôi làng không được bảo vệ bị thả bom, cư dân di tản đến các vùng nông thôn, gia súc bị bắn chết, những chòi canh bị phóng hỏa bởi những viên đạn gây cháy: đây được gọi là công cuộc bình định. Hàng nghìn nông dân bị cướp đất và bị giải đi trên những con đường dài mệt mỏi với số hành lí không nhiều hơn những gì họ có thể mang: đây được gọi là phân bố dân cư và cải tổ biên giới. Những tù nhân bị bắt giam nhiều năm mà không được xét xử, họ, hoặc bị bắn vào gáy hoặc bị gửi đến các Bắc Cực và chết trong các lán trại vì bệnh scobut (scurvy – một chứng bệnh do thiếu vitamin C): đây được gọi là loại bỏ những cá thể không đáng tin cậy. Những thuật ngữ như thế này được dùng đến khi người ta không muốn gọi tên sự việc một cách trần trụi. Ví dụ, hãy xem xét việc một số giáo sư Tiếng Anh ủng hộ chế độ chuyên chế ở Nga. Họ không thể nói thẳng ra: “Tôi tin rằng ta nên hạ sát đối thủ khi ta được lợi từ việc đó”. Do đó mà có thể, ông ta sẽ nói những thứ kiểu như thế này:
“While freely conceding that the Soviet regime exhibits certain features which the humanitarian may be inclined to deplore, we must, I think, agree that a certain curtailment of the right to political opposition is an unavoidable concomitant of transitional periods, and that the rigors which the Russian people have been called upon to undergo have been amply justified in the sphere of concrete achievement.”
(Trong khi tự do thừa nhận việc chế độ Xô-viết đã thể hiện một số động thái có thể đã khiến các nhà hoạt động nhân đạo phản đối, tôi nghĩ chúng ta nên nhất trí rằng việc cắt giảm quyền hạn trong phản đối chính trị là một điều không thể tránh khỏi trong thời kì chuyển giao và những rắc rối mà người Nga phải trải qua đã được minh chứng rộng rãi trong phạm vi những thành tựu cụ thể của họ.)
Kiểu thổi phồng sự kiện này chính nó là một kiểu thuật ngữ. Một số lượng lớn các từ gốc Latin rải trên câu chữ như tuyết mềm, làm mờ đi đại ý và che phủ lên mọi tiểu tiết. Kẻ thù lớn nhất của ngôn ngữ mạch lạc là sự gian dối. Khi lỗ hổng giữa mục đích thực và mục đích được tuyên bố của cùng một người xuất hiện, anh ta theo bản năng sẽ tuôn ra một tràng lê thê mỏi mệt những từ dài và những thành ngữ như mực ống phun mực vậy. Trong thời đại của chúng ta, chẳng bao giờ có thứ gì gọi là “không liên quan đến chính trị” cả. Mọi vấn đề đều là vấn đề chính trị, và chính trị bản thân nó là một mớ dối trá, lảng tránh, điên rồ, hận thù và tâm thần đang giẫm đạp lên nhau. Khi bầu không khí thời đại bị khủng hoảng, ngôn ngữ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng – đây chỉ là một phỏng đoán vì tôi không có đủ khả năng chứng thực – tiếng Đức, Nga và Ý đều đã bị con người làm cho thui chột trong vòng mười đến mười lăm năm qua, như là hậu quả của chế độ độc tài.
Nhưng nếu suy nghĩ làm hư ngôn ngữ, thì ngôn ngữ cũng có thể làm điều ngược lại với suy nghĩ. Việc sử dụng ngôn ngữ sai cách có thể bị lan rộng qua thói quen và qua bắt chước tới mọi người, kể cả khi họ là những người đáng nhẽ nên có và hiển nhiên có nhận thức tốt hơn những người khác. Thứ ngôn ngữ xấu mà tôi đang bàn đến, về mặt nào đó, rất thuận tiện trong sử dụng. Những cụm từ như a not unjustifiable assumption (một nhận định không phải là không hợp lí), leaves much to be desired (không được như mong đợi), would serve no good purpose (không vì một mục đích tốt đẹp nào), a consideration which we should do well to bear in mind (một sự xem xét mà ta nên lưu ý trong đầu) chỉ là những cám dỗ tiếp nối, một vỉ aspirins luôn trong tầm tay với. Bạn có thể thấy xuyên suốt bài luận này, tôi không ngừng đưa ra những sai phạm trong ngôn ngữ mà tôi kịch liệt phản đối. Trong lá thư mà tôi nhận được sáng nay có đi kèm một pamphlet liên quan tới tình trạng tại nước Đức. Tác giả của nó nói với tôi rằng anh ấy “cảm thấy hào hứng” khi viết nó. Tôi mở ngẫu nhiên một trang, và đây là gần như hoàn chỉnh câu đầu tiên mà tôi đọc được: “[The Allies] have an opportunity not only of achieving a radical transformation of Germany’s social and political structure in such a way as to avoid a nationalistic reaction in Germany itself, but at the same time of laying the foundations of a co-operative and unified Europe.” ([Phe Đồng Minh] có cơ hội để không chỉ chuyển đổi cơ cấu xã hội và chính trị của Đức theo cách tránh được sự nổi dậy chủ nghĩa dân tộc của người Đức, mà còn cùng lúc đặt nền móng cho một châu Âu hợp tác và thống nhất.” Các bạn thấy đấy, anh ấy “cảm thấy hào hứng” khi viết – “cảm thấy”, có lẽ, anh ấy có điều gì đó mới mẻ muốn nói – thế nhưng những câu chữ ấy, như ngựa chiến đáp lời kèn binh, tụ họp lại một cách máy móc vào trong một khuôn mẫu quen thuộc. Cuộc xâm lược vào bộ não người của những cụm từ tạo sẵn này (lay the foundations (đặt nền móng), achieve a radical transformation (chuyển đổi cơ cấu)) chỉ có thể bị ngăn chặn nếu có người luôn ngày đêm canh chừng chúng và mỗi cụm từ như thế chỉ gây mê một phần của bộ não con người.
Tôi đã đề cập trước đó rằng thứ ngôn ngữ tồi tệ của chúng ta có lẽ vẫn cứu chữa được. Những người phản đối, nếu họ có thể phản đối, sẽ cho rằng ngôn ngữ đơn thuần phản chiếu điều kiện xã hội hiện tại, và rằng chúng ta không thể tác động đến quá trình phát triển của nó bằng bất kì phương thức nào sử dụng từ ngữ và cấu trúc ngữ pháp. Cho đến thời điểm hiện tại, về mặt tinh thần thì là như vậy, nhưng điều đó sẽ không còn đúng nữa nếu đi sâu vào chi tiết. Những từ và thành ngữ ngớ ngẩn thường bị lãng quên, không cần đến bất kì quá trình cải cách nào mà nhờ những hành động có ý thức của số ít. Hai ví dụ là explore every avenueleave no stone unturned (cả hai mang nghĩa “tìm mọi cách để giải quyết vấn đề) đều đã biến mất trong tiếng cười nhạo của vài nhà báo. Có cả một danh sách dài những phép ẩn dụ đã mất nghĩa có thể chịu chung số phận bị thất sủng nếu có đủ những người không ngại đảm đương trọng trách này; ta cần chế giễu sâu cay để cấu trúc not un– không thể xuất hiện được nữa (3), để giảm bớt số lượng từ Latin và Hy Lạp xuất hiện trung bình trong một câu, để thải bớt những từ mượn tiếng nước ngoài và những từ khoa học lạc lõng, và nhìn chung, để thói khoe khoảng trở nên lỗi thời. Nhưng tất cả những lí do trên chỉ là phụ. Việc bảo vệ Tiếng Anh ám chỉ nhiều hơn thế, và có lẽ tốt nhất tôi nên bắt đầu bằng thứ không được ám chỉ tới.
Trước hết, ta không cần phải để tâm đến cổ ngữ, đến việc cứu vớt những từ đã lỗi thời và các lượt lời, hay đến việc thiết lập một thứ “Tiếng Anh chuẩn” không bao giờ bị mai một. Trái lại, ta nên quan tâm đến  những từ hay thành ngữ vốn đã mất nghĩa gốc nay dễ bị rơi vào quên lãng. Ta chẳng cần quan tâm đến ngữ pháp và cú pháp chính xác, chúng không hề quan trọng miễn là ta giữ cho ý kiến của mình được rõ ràng, mạch lạc; hay sự né tránh sử dụng các từ kiểu Mỹ, hay việc có một thứ gọi là “kiểu văn xuôi tốt”. Mặt khác, ta cũng nên bỏ qua nỗi lo về sự giản dị trá hình hoặc nỗ lực viết Tiếng Anh sao cho thật bình dân. Chẳng phải việc ám chỉ thích dùng tiếng Saxon hơn tiếng Latin trong mọi trường hợp, dù rõ ràng việc dùng từ thật ít và ngắn sẽ giúp chứa đựng tư tưởng của người viết. Trên tất cả, điều quan trọng nhất là để ý nghĩa chọn từ ngữ, thứ sẽ làm nhiệm vụ biểu đạt cho ý nghĩa, chứ không phải ngược lại. Trong văn xuôi, điều tồi tệ nhất một nhà văn có thể làm với ngôn ngữ chính là đầu hàng chúng. Khi nghĩ đến một đối tượng cụ thể, bạn chỉ nghĩ mà không dùng đến từ ngữ, và rồi, khi bạn muốn miêu tả thứ mà bạn đang hình dung trong đầu, có lẽ bạn sẽ lục lọi trong đống câu chữ cho đến khi tìm thấy một từ chính xác vừa vặn với nó. Khi liên tưởng đến một thứ trừu tượng, bạn sẽ có xu hướng dùng từ ngữ ngay từ đầu, trừ khi bạn cố tình ngăn quá trình này xảy ra, nếu không thì thứ phương ngữ đang phổ biến sẽ đến và làm công việc miêu tả cho bạn, đổi lại là những gì bạn muốn nói sẽ trở nên hoặc mơ hồ hoặc bị thay đổi hẳn. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta ngừng sử dụng những từ dài nhất có thể và để cho quan điểm sáng rõ qua hình ảnh và cảm nhận. Sau đó, ta có thể chọn – chứ không đơn thuần là chấp nhận – dùng một cụm từ có khả năng chứa đựng ý nghĩa tốt nhất, rồi nhìn lại và quyết định xem từ nào cần tạo ấn tượng như thế nào đến người đọc. Nỗ lực cuối cùng này của trí não là để cắt bỏ mọi hình ảnh lỗi thời hoặc rối rắm, mọi cụm từ tạo sẵn, các từ lặp, cũng như sự không thành thật và không rõ ràng nói chung. Nhưng ta vẫn thường nghi ngờ tác dụng của một từ hay cụm từ và cần các quy tắc để có thể làm theo khi bản năng hoạt động không tốt. Tôi nghĩ các quy tắc dưới đây sẽ đúng trong đa số trường hợp:

  1. Không bao giờ dùng phép ẩn dụ, tương đồng hoặc các biện pháp tu từ khác mà bạn quen thấy trên báo chí, sách vở.
  2. Không bao giờ dùng từ dài khi có từ ngắn hơn khả dụng.
  3. Nếu có thể, hãy luôn cắt bớt từ.
  4. Không bao giờ dùng bị động khi có thể dùng chủ động.
  5. Không bao giờ dùng cụm từ mượn tiếng nước ngoài, một từ khoa học hay biệt ngữ khi có thể dùng từ Tiếng Anh phổ thông.
  6. Phá vỡ những quy tắc trên ngay trước khi định nói ra bất kì thứ gì tàn nhẫn.

Những quy tắc này nghe có vẻ khá sơ cấp, đúng là như thế, nhưng nó đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc trong thái độ của bất kì những ai vốn đã quen với lối viết hợp thời ngày nay. Một nhà văn có thể giữ ý kiến của mình và vẫn viết thứ Tiếng Anh tồi, nhưng ông ta cũng có thể chọn không viết những thứ mà tôi đã chỉ ra trong năm ví dụ ở đầu bài.
Tôi không ở đây để nói về cách sử dụng Tiếng Anh trong văn chương, mà đơn thuần muốn chỉ ra rằng ngôn ngữ chính là một loại nhạc cụ để biểu đạt cảm xúc chứ không phải để lừa dối hay cản trở suy nghĩ. Stuart Chase và những người khác đã tiến gần đến tuyên bố rằng mọi từ trừu tượng đều vô nghĩa, và đã dùng nó như một cái cớ để ủng hộ cho một kiểu chính trị an phận. Khi bạn không biết chủ nghĩa phát-xít nghĩa là gì, sao bạn có thể đấu tranh chống lại nó được? Bạn không cần phải để ý sự ngớ ngẩn này, nhưng nên nhận ra tình hình chính trị nhiễu nhương ngày nay có liên hệ với sự suy sụp của ngôn ngữ, rằng ta nên bắt đầu cải thiện từ ngôn ngữ nói. Nếu bạn đơn giản hóa Tiếng Anh của mình, bạn sẽ thoát khỏi những gì tồi tệ nhất của kiểu Tiếng Anh hiện đại ngày nay. Bạn sẽ không thể nói được bất kì phương ngữ nào khi cần, vì khi bạn đưa ra một nhận xét ngu ngốc thì sự ngu ngốc ấy sẽ hiển hiện ra thấy rõ, ngay cả với chính bạn. Ngôn ngữ chính trị – kể cả với những biến thể, nó vẫn đúng ở mọi đảng phái, từ bảo thủ đến vô thần – được tạo ra để những lời dối trá nghe như chân lí, để việc giết chóc trở nên chấp nhận được, và để tạo ra dáng vẻ vững chắc cho một ngọn gió đơn thuần. Không ai có thể thay đổi tất cả trong khoảnh khắc, nhưng ít nhất có thể thay đổi thói quen của chính mình, và dần dần mỗi người trong chúng ta, nếu cười nhạo đủ lớn, có thể bằng cách đó ném tất cả những cụm từ lỗi thời và vô nghĩa – những jackboot (giày ống), Achilles’ heel (gót chân A-sin), hotbed (vị trí thuận tiện), melting pot (sự giao thoa), acid test (bài kiểm tra khắc nghiệt), veritable inferno (hỏa ngục đích thực) và những thứ rác rưởi khác – vào đống tanh hôi nơi chúng xứng đáng thuộc về.
George Orwell – 1946
Người dịch:  Phạm Khánh Dương, CTV BookHunter 

  1. Một minh họa thú vị có thể được chỉ ra là tên những loài hoa bằng Tiếng Anh vốn lưu hành phổ biến hiện nay đã bị thay thế bởi những cái tên Hy Lạp, snapdragon (hoa mõm chó) bị thay thế bởi antirrhinum, forget-me-not (hoa lưu ly) bị thay thế bởi myosotis, vv… Thật khó để hình dung bất kì lí do hợp lí nào cho sự thay đổi theo mốt này: có lẽ là do sự quay lưng với những từ bình dân và cảm giác mơ hồ rằng từ Hy Lạp nghe có vẻ khoa học hơn.
  2. Ví dụ: “Comfort’s catholicity of perception and image, strangely Whitmanesque in range, almost the exact opposite in aesthetic compulsion, continues to evoke that trembling atmospheric accumulative ginting at a cruel, an inexorably selene timelessness… Wrey Gardiner scores by aiming at simple bull’s-eyes with precision. Only they are not so simple, and through this contented sadness runs more than the surface bitter-sweet of resignation” (Poetry Quarterly.)
  3. Ta có thể tự cứu mình khỏi cấu trúc not un- bằng cách nhớ đến câu văn sau: “A not unblack dog was chasing a not unsmall rabbit across a not ungreen field” (Một con chó không phải không đen đang đuổi theo một con thỏ không phải là không nhỏ qua một cách đồng không phải là không xanh).

 

Kỹ thuật tuyên truyền và ảnh hưởng tới xã hội

Là một dạng thức của truyền thông (communication), tuyên truyền (propaganda) được tận dụng rộng khắp trong mọi thiết chế xã hội và xuyên suốt lịch sử nhân loại. Chính cấu tạo từ “propaganda” đã hàm chứa ý nghĩa chính của khái niệm này: tiền tố “pro-” trong gốc Latin có nghĩa là “tiến về phía trước” và “paganda” có gốc Latin là “pagare” với nghĩa “tiếp nối vào”, để tạo thành hàm nghĩa là “nhân rộng”. Khi một thông điệp được lan rộng một

TÂM LÝ CHÍNH TRỊ – Chủ đề nghiên cứu quan trọng của thời đại mới

Mặc dù “tâm lý chính trị” không phải là một thuật ngữ mới mẻ gì, tuy nhiên vẫn không có ít bạn đọc vẫn chưa có một hiểu biết đủ chính xác về lĩnh vực này. Nhiều độc giả dễ dàng hiểu “tâm lý chính trị” là những chiêu trò tâm lý được một người hoặc một phe cánh sử dụng nhằm đạt được thêm quyền lực chính trị. Nếu hiểu “tâm lý chính trị” theo nghĩa này thì các bạn đang bị nhầm lẫn
le-nam

Lê Nam

06/11/2017

Tất cả đều diễn ra trong đầu chúng ta: Sử dụng tâm lí học và khoa học não bộ để hiểu hành vi chính trị tốt hơn

Một nhà khoa học chính trị kiểu mẫu thường không phát triển một kế hoạch có sử dụng dữ liệu từ cục lưu trữ quốc gia, các thống kê thử nghiệm, dữ liệu sức khoẻ cộng đồng, và một nghiên cứu fMRI trong một bài nghiên cứu khoa học duy nhất. Thế nhưng, Marika Landau-Wells lại không phải là một nhà khoa học chính trị kiểu mẫu. Có nền tảng là giao điểm của “nhận thức và mâu thuẫn,”, Landau-Wells, một nghiên cứu sinh của

Thanh Thuỷ

14/11/2017

Những cuốn sách cho bạn thấy bản chất của chính trị

Bề mặt xã hội có nhiều thay đổi trong hàng ngàn năm lịch sử, thế nhưng những thay đổi này chỉ là các biểu hiện bên ngoài. Bản chất của con người không có quá nhiều thay đổi, bởi thế bản chất của nền chính trị (ngành quản trị xã hội con người) cũng không có nhiều thay đổi. Mặc dù rất nhiều lý tưởng chính trị được đề xuất, rất nhiều cuộc cách mạng được diễn ra, rất nhiều thay đổi về đời sống

Chat với AI (3): “Nhân chi sơ tính bản ác” và Leviathan của Thomas Hobbes

Tiếp theo chuỗi Chat với AI, Book Hunter thực hiện một cuộc hỏi đáp kỳ thú về thế giới quan của Thomas Hobbes nhân dịp ra mắt tác phẩm triết học kinh điển của ông: Leviathan. Mặc dù ChatGPT không thể thay thế được việc tự đọc và nghiên cứu kỹ các tác phẩm của Thomas Hobbes, nhưng độc giả có thể nắm được một số ý tưởng chính và vai trò của ông thông qua hỏi đáp với ChatGPT. Book Hunter: Bạn có biết

Book Hunter

02/09/2023