Home Chuyên đề tháng Tính thiền trong tác phẩm “Nhà giả kim” của Paulo Coelho

Tính thiền trong tác phẩm “Nhà giả kim” của Paulo Coelho

le-nam

Lê Nam

28/07/2019

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên, 
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. 
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, 
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch nghĩa

Sống giữa phàm trần, hãy tuỳ duyên mà vui với đạo 
Đói thì ăn, mệt thì ngủ 
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác 
Đối diện với mọi cảnh giới mà vẫn vô tâm, thì cần chi hỏi thiền nữa.

(Kệ vân, Trần Nhân Tông)

Đây là một trong những bài thơ thiền của Trần Nhân Tông mà tôi rất tâm đắc. Bởi lẽ bài thơ nhiều lần giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm, khoan khoái và trút bỏ được bao nỗi lo toan trong đời sống tầm thường. Thế nhưng để hiểu được trọn vẹn bài thơ này thì không hề dễ. Đã ai trong chúng ta hiểu được cho tỏ tường chữ “đạo” và chữ “duyên” chưa? Đói thì ăn, mệt thì ngủ: cảm giác đói liệu có thật sự là đói, hay là do lòng tham trỗi dậy? Cảm giác mệt có phải là mệt, hay là do cái sự lười biếng gây nên?

Một tình cờ thú vị, tác phẩm “Nhà giả kim” của Paulo Coelho dường như là một sự diễn giải tường tận cho bốn câu thơ trên của Trần Nhân Tông. Quả thực đây là một “duyên kỳ ngộ” bởi một vị vua sống ở Việt Nam vào thế kỷ 13 lại có sự đồng điệu với một tác giả người Brazil sống ở thế kỷ 20. Đối với tôi, Santiago chính là Trần Nhân Tông khi ngài không làm vua. Làm vua hay làm một chàng chăn cừu thì cũng không khiến cho ngài thay đổi thái độ của mình. Tôi nhận ra một thái độ “cư trần lạc đạo” đầy tính thiền của nhân vật chính, Santiago, khi đọc “Nhà giả kim”.

Tác phẩm “Nhà giả kim” của Paulo Coelho quả thực là một bài học hữu ích về thiền cho những ai muốn bước chân vào con đường tâm linh. Thông qua hành trình của Santiago, tác phẩm đã chỉ ra cách thực hành thiền cốt yếu nhất: tĩnh tâm, không vọng cầu và hãy quan sát, lắng nghe nhiều hơn. Tuy nhiên, để đạt đến trạng thái Thiền thì Santiago cần một điều kiện tiên quyết: có ước mơ, hoài bão và dám sống với ước mơ và hoài bão của mình.

ĐỘC THOẠI VÀ TỰ VẤN

Theo dõi hành trình của Santiago khi cậu theo đuổi ước mơ đưa tôi đi hết từ thú vị này tới thú vị khác. Cậu chịu khó quan sát, rút ra nhận định cho riêng mình và cũng không quên tự vấn bản thân để không trở nên cứng nhắc với bất kỳ một quan điểm nào. Mặc dù được cha mẹ cho đi học ở trong một chủng viện, cậu đã từ chối tương lai được định sẵn đó, và dứt khoát theo đuổi mong muốn được đi đây đi đó của bản thân.

Cho tới năm mười sáu tuổi cậu còn theo học trong một chủng viện. Cha mẹ cậu mong cậu sẽ trở thành linh mục; được như thế thì mọi gia đình nông dân bình thường như gia đình cậu sẽ rất tự hào… Thế là cậu được học tiếng Latinh, tiếng Tây Ban Nha và thần học. Nhưng từ nhỏ cậu đã mơ ước đi cùng khắp thế giới bao la và điều này đối với cậu quan trọng hơn là biết về Chúa và tội lỗi của loài người. Rồi vào một buổi xế trưa, nhân dịp về nhà thăm cha mẹ, cậu thu hết can đảm nói với bố rằng mình không muốn trở thành linh mục, mà muốn được đi đây đó.

Đi ngược lại mong muốn của cha mẹ là đi ngược lại cái định mệnh được áp vào cho số phận một con người. Khước từ những lời dạy trong giáo đường là để Santiago tách mình khỏi các định kiến tôn giáo để thực sự bước trên con đường tinh thần đơn độc. Nếu ai đó cho rằng tác phẩm chịu ảnh hưởng sâu sắc của Kito giáo khi những biểu tượng “đàn cừu” hay “Thượng Đế” được nhắc tới, thì người ấy chưa thực sự đọc tác phẩm. Những biểu tượng ấy, rốt cục là những biểu tượng mà Santiago vứt bỏ trên con đường tâm linh của mình. Hay nói một cách khác, chính Paulo Coelho đã vứt bỏ những ảnh hưởng của Kito giáo khi ông đi sâu vào cõi tinh thần của mình. Chặng đường tinh thần mà Paulo Coelho bước đi khá điển hình cho xu hướng tôn giáo tâm linh ở phương Tây. Vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20, khi niềm tin Kito giáo bị lung lay trong tâm thức người dân, các nhà tư tưởng, nhà văn đã có một cuộc trở về với phương Đông, mà trong đó các tri kiến cổ xưa của Ai Cập được tái sinh qua hội kín Golden Dawn. Những biểu tượng mà Paulo Coelho sử dụng như “nhà giả kim”, “kim tự tháp”… có lẽ chịu ảnh hưởng từ xu hướng của Golden Dawn. Paulo Coelho không phải nhà văn duy nhất của phương Tây chịu ảnh hưởng từ Golden Dawn. Tham gia trực tiếp vào hội kín Golden Dawn còn có các tác giả tài danh có ảnh hưởng lớn đến văn học phương Tây như William Butler Yeats, Sir Athur Conan Doyle, Bram Stoker… Nhắc lại đến Golden Dawn là để chúng ta có thể hình dung được thế giới giả kim thuật của Ai Cập cổ đại có ảnh hưởng thế nào đến thế giới quan của các nhà văn phương Tây nói chung và những quan điểm tôn giáo tâm linh của Paulo Coelho nói riêng. Thế nhưng, rốt cuộc, các biểu tượng giả kim thuật chỉ là cái cớ để nói về thuật giả kim tinh thần, của chặng đường tâm thức mà Santiago bước đi. Thuật giả kim tinh thần ấy lại gần gũi với Thiền, một biện pháp luyện tâm phổ biến ở Ấn Độ và Á Đông. Bởi vậy, giải mã về thuật giả kim tinh thần được nhắc đến trong tác phẩm chính là hiểu về tác phẩm qua lăng kính của Thiền.

Nhiều người cho rằng Santiago bắt đầu chặng đường tâm linh khi cậu bắt đầu hành trình đi tìm kho báu. Nhưng thực ra, cậu đã bắt đầu từ khi lang thang nay đây mai đó cùng với đàn cừu của mình. Trong những ngày lang thang ấy, một chuỗi độc thoại đa nghĩa về đàn cừu đã đưa đến cho Santiago những tự vấn mang tính triết học về con người và bầy đàn. Cậu chiêm nghiệm về mối quan hệ của mình với đàn cừu rồi chợt nhận ra cậu đã trở thành một phần của bầy; con người cũng thế, khi ở quá lâu trong một cộng đồng hay nói một cách khác là bầy người thì họ cũng trở nên bị gắn kết với bầy ấy.

 “Chúng đã quá quen với mình nên biết luôn cả giờ giấc của mình”, cậu nghĩ. Nhưng sau một lúc suy ngẫm cậu lại thấy có thể ngược lại lắm, rằng cậu đã quen với giờ giấc của bầy cừu.

Theo nhà phân tâm học Roberto Assagiolie trong tác phẩm “Sự phát triển siêu cá nhân”, con người bước vào khủng hoảng tiền tâm linh với một nỗi hoài nghi về mọi thứ trước mắt. Ở trường hợp của Santiago, chuỗi tự vấn với bầy cừu chính là biểu hiện của cơn khủng hoảng tiền tâm linh, khi cậu nhận thức được ảnh hưởng của môi trường đến bản thân mình. Trong thiền chính niệm, quan sát những suy nghĩ diễn ra trong tâm trí về bản chất chính là quan sát những định kiến được xây đắp bởi môi trường bên ngoài tác động đến tâm trí của chúng ta. Các suy nghĩ đối nghịch đại diện cho những môi trường đối nghịch đang ồn ào tranh cãi trong tâm trí. Người quan sát cần phải tách bạch bản thân khỏi những suy nghĩ ấy và ý thức một cách sâu sắc về sự khác biệt giữa quan sát và suy nghĩ. Ở trong tác phẩm, bầy cừu là một đại diện của các hệ thống tạo nên định kiến, những thói quen suy nghĩ trong tâm trí. Bầy cừu đại diện cho giáo hội nói riêng và xã hội loài người nói chung. Trên chặng đường tâm linh, những thứ ấy trở thành cản trở, thành sự che mờ sự tỉnh táo:

“Mình thật không hiểu nổi làm sao người ta có thể tìm thấy Chúa trong lớp học cho chúng sinh được”, cậu nghĩ trong lúc ngắm nhìn mặt trời lên.

Đối với cậu, tính thần thánh chỉ có thể đến từ những cảm nhận, trải nghiệm của mỗi người chứ không thể bằng ngôn từ mà chia sẻ cho nhau được. Hết suy nghĩ miên man về Chúa, cậu lại nghĩ về đàn cừu của mình.

Được cho ăn và cho uống là chúng hài lòng. Với chúng thì thế là đủ. Đổi lại, chúng là những người bạn đồng hành đem lại niềm vui, cống hiến nhiều len và thỉnh thoảng cả thịt nữa. ‘Nếu bất chợt mình biến thành một kẻ hung ác, giết hết con này đến con khác thì chắc khi cả lũ chết gần hết rồi chúng mới biết’, cậu thầm nghĩ. ‘Vì chúng mù quáng tin vào mình, chứ không còn tin ở bản năng của chúng nữa. Chỉ bởi vì mình là kẻ dẫn chúng đến những đồng cỏ xanh và nguồn nước mát.’

Ở đây, một lần nữa cậu lại sử dụng đàn cừu như một ẩn dụ về đức tin. Kito giáo gọi những người tín Chúa của họ là “con chiên” tức “con cừu”. Ở đây, mượn lời của Santiago, Paulo Coelho có ý giễu cợt những đức tin mù quáng, như đàn cừu của Santiago phó mặc số phận của mình cho kẻ chăn cừu. Việc “tìm thấy Chúa” trong “các lớp học cho chủng sinh” chẳng khác nào đàn cừu nghe theo sự sắp đặt số phận của kẻ chăn cừu, và Santiago không muốn có thứ niềm tin mù quáng ấy. Cậu muốn được chạm đến Chúa bằng chính trải nghiệm của mình. Nhưng sâu xa hơn thế, đây là ẩn dụ về đức tin. Paulo Coelho có lẽ muốn nói nhiều hơn là giễu cợt đức tin Kito giáo. Đức tin mù quáng, thiếu trải nghiệm, thiếu hiểu biết của các tín đồ tâm linh trong bất cứ tôn giáo nào, thậm chí là bất cứ hệ tư tưởng nào đều là đức tin vào loài cừu, vốn chỉ tin vào người chủ cho nó đồ ăn và chỗ ngủ mà không hề biết rằng cái ngày chúng bị làm thịt không còn xa. Santiago chọn con đường tinh thần của mình theo một cách khác, cậu không muốn trở thành con cừu trong bầy cừu, cậu chọn mạo hiểm theo cách của riêng mình. Tinh thần này có thể thấy Tất Đạt Đa tức đức Phật Thích Ca, khi ông từ bỏ các tôn giáo đã bày sẵn cho ông con đường tu tập. Ta cũng có thể bắt gặp tinh thần tương tự ở Thiền sư Quảng Nghiêm thời Trần:

“Li tịch phương ngôn tịch diệt khứ,

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.”

Dịch nghĩa:

Xa lìa sự ham muốn mới có thể bàn chuyện đi vào tịch diệt

Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh

Làm trai phải tự có chí xông trời thẳm

Đừng dẫm theo vết chân của Như Lai.

LẤY CHỈ DẪN TỪ TRÁI TIM

Có thể thấy hành trình của Santiago là một ẩn dụ cho chặng đường dẫn đến sự chứng ngộ. Kinh nghiệm của Santiago, từ một cậu bé chăn cừu tới một bậc chứng ngộ, được Paulo Coelho gói gọn trong năm chữ: Hãy lắng nghe trái tim. Trái tim của Santiago ở đâu, kho báu của cậu ở đó. Trái tim mách bảo cậu hãy đi xa và khám phá. Trái tim cho cậu đủ dũng khí để đi ngược lại nguyện vọng và an bài của bố mẹ. Cũng chính trái tim giúp cậu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí là nguy hiểm trên sa mạc. Thông điệp “Hãy lắng nghe trái tim” không phải là thông điệp mới, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện. Con người quá sợ hãi để đi theo trái tim. Trong những bài giảng về sự dũng cảm, nhà huyền môn Osho đã thuyết giảng như thế này:

“Từ courage (dũng cảm) rất hay. Nó bắt nguồn từ gốc Latin cor, có nghĩa là “trái tim.” Cho nên dũng cảm nghĩa là sống bằng trái tim. Và người yếu đuối, chỉ người yếu đuối thôi, mới sống bằng đầu; sợ hãi, họ tạo ra an ninh của logic quanh bản thân họ. Hoảng sợ, họ đóng mọi cửa sổ và cửa ra vào – bằng thượng đế học, khái niệm, từ ngữ, lí thuyết – và bên trong những cửa sổ và cửa ra vào đóng im ỉm đó, họ ẩn trốn.

Con đường của trái tim là con đường của dũng cảm. Đó là sống trong không an ninh; đó là sống trong tình yêu, và tin cậy; đó là đi vào trong cái không biết. Đó là việc rời bỏ quá khứ và cho phép tương lai hiện hữu. Dũng cảm là đi trên con đường nguy hiểm. Cuộc sống là nguy hiểm và chỉ kẻ hèn nhát mới có thể tránh nguy hiểm – nhưng thế thì họ đã chết rồi. Người sống, thực sự sống, sống sinh động, bao giờ cũng sẽ đi vào trong cái không biết. Có nguy hiểm ở đó, nhưng người đó sẽ nhận mạo hiểm. Trái tim bao giờ cũng sẵn sàng nhận mạo hiểm, trái tim là kẻ liều lĩnh. Cái đầu là doanh nhân. Cái đầu bao giờ cũng tính toán – nó tinh ranh. Trái tim không tính toán.

Từ tiếng Anh courage (dũng cảm) này thật hay, rất thú vị. Sống qua trái tim là khám phá. Nhà thơ sống qua trái tim và, dần dần, trong trái tim ông ấy bắt đầu nghe thấy âm thanh của cái không biết. Cái đầu không thể nghe được; nó ở rất xa với cái không biết. Cái đầu chất đầy những cái đã biết.”

Đi vào sa mạc để theo chỉ dẫn của một giấc mơ bí ẩn, đó là đại diện cho hành trình đi vào cõi không biết. Sự lặp đi lặp lại giấc mơ là một cú hích của trái tim để nhắc nhở Santiago phải tiếp tục đi vào cõi không biết. Cậu đã nhiều lần thành công trong kinh doanh, cậu nhiều lần được mời để sống một cuộc sống an toàn và no đủ, nhưng cậu chọn cái không biết. Lời giải mộng của bà bói già hay những câu chuyện huyền bí của ông vua Melchisedek xứ Salem đều là sự phóng chiếu của điều trái tim mách bảo: Hãy đi vào cõi không biết.

Đương nhiên, việc nghe theo trái tim không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đúng là như Osho nói, trái tim có thể đưa ta đến những quyết định sai lầm. Santiago cũng từng mất đi toàn bộ số tiền vì cậu để trái tim mách bảo cậu tin tưởng vào một người không đáng tin. Nhưng có hề gì, tiền bạc thuộc về thế gian, kẻ lừa đảo thuộc về thế gian, mọi sở hữu thuộc về thế gian, còn chặng đường đi vào cõi không biết là chặng đường bên ngoài thế gian. Việc chọn đi theo trái tim đồng nghĩa với việc chọn từ bỏ mọi ham muốn sở hữu của thế gian. Giây phút Santiago bỗng nhiên trở nên tay trắng, cậu đã khóc, chỉ lúc ấy ta mới thấy rằng việc từ bỏ mọi sở hữu thế gian, bước trên con đường không an toàn mà trái tim dẫn hướng không phải là chuyện dễ. Ngay thời điểm đứng trước ngưỡng của cõi không biết, đối mặt với sự tan biết của những thứ đã biết, Santiago lại trở nên trần tục và thực tiễn.

Sự tranh chấp giữa một Santiago trần tục và thực tiễn với một Santiago dũng cảm và đi theo trái tim là một chuỗi kéo dài trong nửa đầu của cuốn truyện, trước khi cậu gặp Nhà giả kim. Không dễ để Santiago quên đi đàn cừu của mình. Cậu vẫn muốn sở hữu một đàn cừu sau tất cả cuộc hành trình. Thay vì nhanh chóng bước vào cuộc hành trình tìm kho báu, cậu lại tiêu tốn rất nhiều thời gian để làm công cho một quán bán đồ pha lê. Giấc mơ tìm kho báu, hay nói một cách khác, là ham muốn đi vào cõi không biết, nhiều lần trở nên mờ nhạt. Nhưng khi hai viên đá mà ông vua xứ Salem cho cậu tình cờ rơi ra thì ham muốn ấy lại trở về. Hai viên đá ấy đã tình cờ đánh thức cậu khỏi sự an toàn, và cậu lại nghe thấy lời trái tim mách bảo.

“Bất cứ lúc nào mình cũng có thể trở lại chăn cừu được”, cậu ngẫm nghĩ. “Mình đã biết cách chăn cừu rồi thì không thể nào quên được. Còn đi đến Kim Tự Tháp Ai Cập thì biết đâu mình không có dịp nào khác nữa. Ông già có áo giáp bằng vàng ròng và biết chuyện đời mình thì nhất định phải là vua, một minh quân thật sự.” Chỉ có hai giờ tàu ngăn cách cậu với đồng cỏ vùng Andalusia, còn giữa cậu và Kim Tự Tháp là sa mạc mênh mông. Cậu thấy nghĩ ngược lại thế này cũng được chứ: tính ra thì cậu hiện ở gần kho tàng hơn hai tiếng, cho dù đã mất gần một năm để vượt quãng đường này. “Thật dễ hiểu vì sao mình cứ thiên về lũ cừu của mình. Vì mình biết rõ chúng rồi; chăn chúng cũng chẳng cực gì và chúng dễ thương. Còn mình có ưa được sa mạc không thì chưa biết, nhưng mà kho tàng của mình chôn ở đó. Nếu không tìm thấy kho tàng thì mình vẫn trở về nước được mà. Hiện mình đủ tiền và thừa thì giờ, tại sao không thử nhỉ?”

Chỉ khi bước hẳn vào sa mạc, tức cõi không biết, mà không còn bất cứ lấn cấn nào về những gì mình sở hữu, Santiago mới thực sự sống bằng trái tim và lúc này trái tim mới có thể phát huy sức mạnh của mình. Trái tim mang đến cho Santiago những cảm nhận sâu sắc, nhờ thế cậu có thể giải mã được các dấu hiệu. Thông thường, trong cuộc sống lý trí, con người vận hành theo các lối suy nghĩ được định sẵn, các dấu hiệu trôi qua trước mắt mà không ai để ý tới. Bước vào cõi không biết, các suy nghĩ trở nên thừa thãi. Các định kiến của thế gian không giúp gì nhiều cho sự sinh tồn trên sa mạc. Và lúc này, quan sát các dấu hiệu và cảm nhận mọi biến chuyển của thiên nhiên là phương thức duy nhất mà Santiago có thể sử dụng. Đối lập với Santiago là anh chàng người Anh mê đọc sách. Trong đầu của anh ta tràn ngập các lý thuyết và tự đắc với chúng nhưng không hề biết rằng, ở cõi không biết, sự hiểu biết lý thuyết ấy không phải là tất cả. Thậm chí, sự hiểu biết lý thuyết lại là cản trở.

Nhà giả kim đã chọn gặp Santiago chứ không phải anh chàng người Anh dù rằng anh chàng cả đời đắm đuối nghiên cứu về giả kim thuật, bởi lẽ ông nhận thấy ở cậu sự dũng cảm nghe theo trái tim, sự dũng cảm vứt bỏ những điều không cần thiết. Sẵn sàng từ bỏ, đó là tố chất cần thiết cho một người đi vào cõi không biết. Trong thực tập Thiền, từ bỏ đời sống thế tục chỉ là bên ngoài, khó khăn hơn thế là từ bỏ những chấp niệm mà đời sống thế tục đã xây đắp cho ta trong trùng trùng duyên kiếp. Santiago không chỉ biết từ bỏ đàn cừu của mình mà con từ bỏ cả những ham muốn sở hữu đàn cừu, bởi thế cậu tự do. Còn anh chàng người Anh có thể từ bỏ mọi an toàn về thân thể để phiêu lưu nhưng bản thân không thể từ bỏ được những ảnh hưởng từ sách vở. Bởi vậy, anh ta vẫn đang tự giam mình trong cái lồng tâm trí. Chỉ một người tự do và dũng cảm như Santiago mới có thể lắng nghe trái tim mình, đương đầu với mọi biến động mà trái tim có thể gây ra và thông qua trái tim để biến đổi bản thân mình.

Biến động lớn nhất mà trái tim gây ra cho Santiago, đó là tình yêu với Fatima. Chính tình yêu này khiến Santiago quay trở lại với sự chùn chân, với tâm thức sở hữu. Tình yêu của cậu thật đẹp nhưng dường như nó trở thành vật cản cho con đường khám phá cõi không biết. Nhưng tình yêu cũng là một phần của cõi không biết. Nếu cứ ở trong bầy cừu, có lẽ cậu sẽ không bao giờ biết đến tình yêu, không bao giờ thấu rõ được rằng tình yêu chính là “thứ lực hiện hữu trước cả loài người”. Những trải nghiệm cảm xúc yêu đương với Fatima cho Santiago trải nghiệm về “tâm linh vũ trụ quyền uy vô hạn” mà không cần các diễn giải dài dòng. Tình yêu với Fatima cho cậu cái điềm mà cậu chờ đợi nhất. Nhưng chúng ta không cần quá quan tâm về cô gái có tên Fatima này, cái chúng ta nên quan tâm chính là trạng thái tình yêu của Santiago. Fatima chỉ là đối tượng của tình yêu, Fatima đánh thức tình yêu bên trong Santiago. Tuy nhiên, bởi tình yêu quá tuyệt vời nên tâm thức sở hữu của thế tục lại trỗi dậy. Tình yêu không có tội, nhưng sự níu kéo tình yêu lại chính là tội lỗi. Đây là công án khá phổ biến trong các câu chuyện tu đạo. Ái tình là cửa ải khó qua nhất của người tu đạo, bởi ái tình khai mở cho người tu đạo những cảnh giới mới mà người tu đạo hoàn toàn chưa đủ bản lĩnh để có thể tiếp nhận và vượt qua. Trước tình yêu, một lần nữa Santiago lại sợ hãi, lại muốn chối bỏ trái tim, và nhà giả kim đã hướng dẫn cậu cách lắng nghe trái tim:

“Tại sao ta phải lắng nghe trái tim mình nhỉ?” Cậu hỏi khi hai người dừng lại nghỉ đêm.

“Bởi vì trái tim cậu ở đâu thì kho báu cậu tìm cũng ở đó”

“Nhưng mà tim cháu rạo rực”, cậu đáp. “Nó mơ, nó xúc động và nó say mê một cô gái sa mạc. Nó đòi hỏi cháu đủ chuyện, khiến nhiều đêm cháu không ngủ được khi nghĩ đến nàng”.

“Tốt lắm. Như thế là tim cậu đang sống hết mình. Hãy lắng nghe những gì nó nói”

 Ba ngày tiếp theo hai người gặp một số chiến binh có vũ trang và thấy một số khác đàng xa phía chân trời. Tim cậu bắt đầu nói về nỗi lo sợ. Nó kể chuyện nghe được từ tâm linh vũ trụ về những người đi tìm mà không hề thấy kho báu. Đôi khi nó khiến cậu hoảng sợ khi nghĩ rằng có thể mình không tìm thấy kho tàng hoặc sẽ chết trong sa mạc. Lúc khác cái trái tim kia lại bảo cậu rằng nó hài lòng lắm vì nó đã tìm thấy tình yêu và nhiều đồng tiền vàng rồi.

“Trái tim cháu giở chứng rồi”, cậu nói với nhà luyện kim đan khi họ dừng lại cho ngựa nghỉ. “Nó không muốn cháu đi tiếp nữa”.

“Điều đó đúng thôi”, ông đáp. “Đó là bằng cớ cho thấy rằng trái tim cậu rất sống động. Đương nhiên ai mà chẳng sợ khi đem tất cả gì mình có được ra đổi lấy một giấc mơ”.

“Thế thì tại sao cháu phải lắng nghe nó chứ?”

“Vì cậu chẳng bao giờ bắt nó im lặng được nữa. Ngay cả khi cậu làm như không thèm nghe nó nói thì nó vẫn luôn luôn ở trong con người cậu, nhắc đi nhắc lại những điều cậu nghĩ về cuộc đời và thế giới”.

“Ngay cả khi nó lừa cháu hay sao?”

“Bị lừa bịp cũng giống như bị một cú đánh bất ngờ thôi. Nhưng nếu cậu hiểu rõ trái tim mình thì sẽ không xảy ra điều gì bất trắc đâu, vì cậu biết rõ nó mơ ước gì và biết phải ứng xử thế nào. Không ai trốn tránh được trái tim mình; thành ra nên lắng nghe nó nói là hay hơn cả. Như thế cậu sẽ không bao giờ bị đánh bất ngờ”.

Nghe theo trái tim không phải cách thức quan trọng nhất để đạt đến chứng ngộ, hay nói một cách khác là hiểu về cõi không biết. Nghe theo trái tim chỉ là một bước của từ bỏ các chấp niệm bên trong mình. Nhưng rồi chính trái tim cũng tạo ra chấp niệm to lớn hơn, và Santiago nhận ra rằng trái tim cũng sợ hãi, nó sợ đau khổ. Nhưng nếu vì nỗi sợ của trái tim mà Santiago bỏ qua những lời mách bảo của nó thì cậu sẽ vẫn mãi mãi là một con cừu trong đàn cừu, và khó lòng hiểu được những lời dạy bảo của nhà giả kim. Bởi thế, cho đến lúc ái tình xuất hiện, khi trái tim mất đi sự tỉnh táo, cậu cần học một bài học mới: hướng tới điều tối thượng.

Trong bài học trò chuyện với trái tim, nhà giả kim đã hướng dẫn cho Santiago cách thuần hóa trái tim. Ông đã chỉ ra cho trái tim của cậu thấy, hay cụ thể hơn là chấp niệm ái tình của cậu thấy rằng những bám víu khoảnh khắc của trái tim chỉ là vô nghĩa, bởi vẫn còn có những khoảnh khắc tuyệt vời đang chờ đợi ở phía sau, chừng nào Santiago vẫn tiếp tục bước đi vào cõi không biết, vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình. Đây là giây phút Santiago từ bỏ các chấp niệm để trở về với chính niệm, khi trái tim đã hướng về tâm linh vũ trụ.

“Dù đôi lúc tôi có phàn nàn”, nó nói, “thì cũng chỉ bởi vì tôi là trái tim người, mà tim người đều thế cả. Người ta sợ theo đuổi một giấc mơ vĩ đại vì cảm thấy không xứng đáng được hưởng hoặc sẽ không thể nào đạt nổi. Chỉ cần nghĩ rằng những người thân yêu nhất của mình sẽ ra đi vĩnh viễn, rằng những khoảnh khắc lẽ ra tươi đẹp mà rốt cuộc lại chẳng tươi đẹp tí nào, rằng có những kho tàng lẽ ra tìm được mà lại mãi mãi chôn vùi trong cát, là chúng tôi – trái tim con người – đủ kinh hoàng rồi. Khi những điều này xảy ra thật thì chúng tôi đau khổ lắm.”

“Trái tim cháu sợ sẽ phải đau khổ”, cậu đã nói với nhà luyện kim đan như thế vào một đêm hai người nhìn lên bầu trời không trăng.

“Hãy bảo nó rằng sợ phải đau khổ còn đau đớn hơn là chính sự đau khổ, và chưa từng có trái tim nào phải chịu đau khổ khi tìm cách thực hiện giấc mơ, vì mỗi phút giây tìm kiếm là một khoảnh khắc gặp gỡ Thượng Đế và sự vĩnh hằng”.

“Mỗi phút giây tìm kiếm là một khoảnh khắc gặp gỡ Thượng Đế”, cậu nói với trái tim mình. “Khi ta thành tâm đi tìm kho tàng thì mỗi một ngày đều chan hòa niềm vui, vì mỗi một giờ qua đi đều sẽ đem ta gần lại kho tàng hơn. Khi thành tâm đi tìm kho tàng, ta phát hiện trên đường nhiều điều mà ta sẽ không bao giờ thấy được nếu ta không đủ can đảm thử làm những việc xem ra một kẻ chăn cừu không thể làm nổi”.

Thế là trái tim cậu thanh thản được suốt buổi xế trưa. Đêm ấy cậu ngủ ngon giấc và khi thức dậy trái tim kể cho cậu về tâm linh vũ trụ, rằng kẻ nào hạnh phúc cũng đều có Thượng Đế trong lòng và có thể tìm thấy hạnh phúc trong từng hạt cát sa mạc như nhà luyện kim đan đã nói, vì hạt cát là một khoảnh khắc của sự sáng chế mà vũ trụ cần hàng triệu năm để tạo ra nó.

“Ai ai trên trái đất cũng đều có một kho báu chờ đợi mình”, trái tim nói. “Chúng tôi, trái tim loài người, ít khi nói về những kho báu này vì người ta không còn muốn đi tìm chúng nữa. Chúng tôi chỉ nói về chúng tôi với trẻ con thôi. Rồi chúng tôi để cuộc đời đi theo số mệnh. Song tiếc thay rất ít người đi theo con đường tiền định, con đường dẫn đến vận mệnh của họ, dẫn đến hạnh phúc. Phần lớn người ta nhìn thế giới như một nơi đầy đe dọa, chính vì thế mà thế giới trở thành nơi đe dọa thật.

“Bởi thế mà chúng tôi, trái tim người, càng ngày càng nói khẽ hơn. Chúng tôi không im hẳn nhưng mong rằng người ta không nghe thấy, vì chúng tôi không muốn người ta phải đau khổ do không nghe lời trái tim mình”.

“Tại sao trái tim người không giục giã họ theo đuổi ước mơ?” Cậu hỏi nhà luyện kim đan.

“Vì như thế thì trái tim sẽ đau khổ vô cùng mà chúng lại không muốn đau khổ” Từ đó cậu hiểu trái tim mình. Cậu yêu cầu nó đừng bao giờ ngừng trò chuyện với mình và khi nào cậu đi chệch khỏi ước mơ thì nó phải co thắt lại để cảnh báo cậu. Cậu thề sẽ nghe theo mỗi khi được cảnh báo. Đêm hôm ấy cậu kể hết những điều này cho người luyện kim đan nghe. Ông hiểu trái tim cậu đã hướng về tâm linh vũ trụ.”

TẤT CẢ ĐỀU CHỈ LÀ SỰ PHÓNG CHIẾU

Nếu ta thử tóm tắt câu chuyện “Nhà giả kim”, ta sẽ thấy thật buồn cười: Một anh chàng chăn cừu đi tìm kho báu theo giấc mơ không tưởng, trải qua biết bao gian khổ, cuối cùng kho báu lại nằm ngay tại ngôi nhà cũ của anh ta. Một cốt truyện vô nghĩa với những ai ham mê câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Nhưng “Nhà giả kim” không phải tiểu thuyết phiêu lưu, đó là một tác phẩm ngụ ngôn mà tất cả đều là các ẩn ý thâm sâu. Cuộc phiêu lưu trên sa mạc đi tìm kho báu của Santiago chỉ là một cái cớ, là sự phóng chiếu cho tâm thức muốn lao vào cõi không biết. Cõi không biết ấy ban đầu mang dáng vẻ hấp dẫn của thế tục qua biểu tượng kho báu, rồi lại khoác thêm màu bí hiểm của thuật giả kim và các câu chuyện mà ông vua Salem nhắc đến, rồi đến tình yêu mê đắm, và cuối cùng là tâm linh vũ trụ vô hình vô ảnh nhưng vĩ đại và tối thượng. Phạm vi và tầm vóc của cõi không biết mở rộng theo nhận thức của Santiago.

Toàn bộ cuộc phiêu lưu là phóng chiếu cho con đường tinh thần mà Santiago phải đi. Cuộc phiêu lưu là bên ngoài, nhưng những biến chuyển nội tâm là bên trong. Cuộc phiêu lưu không phải ẩn dụ cho con đường tâm linh, cuộc phiêu lưu là ẩn dụ cho cuộc sống của chúng ta. Trên cuộc phiêu lưu ấy, có những người chọn cho mình một cuộc sống an toàn với gia đình và sự giàu có, thành đạt; có những người chọn cho mình cuộc sống đi vào những điều không biết mênh mang để có các khám phá tinh thần. Trái tim không phải trái tim hữu hình, trái tim là đại diện cho cái siêu thức dẫn dắt ta tới sự tối thượng. Cũng trong tác phẩm “Sự phát triển siêu cá nhân”, Roberto Assagiolie đã lý giải hiện tượng tâm lý này. Tất cả những cảm giác muốn leo lên tột đỉnh của vinh quang, muốn cứu giúp thế giới, thậm chí muốn vươn tới mặt trăng…v…v… tất cả chỉ là một sự phóng chiếu cho ham muốn lấp đầy tinh thần của con người. Con người đeo đuổi các thành công khác để khỏa lấp cho sự thiếu hụt tinh thần khi linh hồn bị lạc lối trong đời sống. Kho báu đại diện cho sự hoàn hảo của tinh thần, nhưng sự hoàn hảo ấy không nằm ở kim tự tháp mà nằm ở ngôi nhà cũ của Santiago. Đây chính là ngụ ý mà ta cũng thấy được trong câu thơ của Trần Nhân Tông: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch”, nghĩa là “Trong nhà có báu vật cần gì phải đi đâu tìm kiếm”. Điều mà Santiago cần không phải là chuyến đi tìm khó báu mà là trạng thái đủ đầy về tinh thần, trạng thái ấy chỉ đến sau khi cậu đã kết thúc một cuộc hành trình gian nan với hai bàn tay trắng mà vẫn tràn ngập hạnh phúc. Trong sự thấu triệt mọi lẽ tối thượng, hiểu được thông điệp của tâm linh vũ trụ, đúng như nhà giả kim đã giảng giải cho cậu: mỗi giây phút cậu đều cảm nhận thấy sự vĩnh hằng.

Nhiều người đọc “Nhà giả kim” thường bỏ qua chương mở đầu cuốn sách. Trong chương mở đầu, Paulo Coelho nhắc đến bài thơ Narciss của Oscar Wilde và tóm tắt lại câu chuyện về Narciss với cái nhìn của hồ nước. Narciss hàng ngày ngắm mình trong một cái hồ đến mức cái hồ yêu chàng. Cho đến một ngày, Narciss chết đi, các nàng tiên vừa nuối tiếc vừa nói với cái hồ rằng nó có diễm phúc bởi hàng ngày được ngắm vẻ đẹp của chàng. Nhưng cái hồ tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, bởi vì nó không yêu Narciss vì chàng đẹp mà bởi vì nó nhìn thấy vẻ đẹp của nó trong đôi mắt của chàng. Thoáng nhìn, vở kịch này chỉ đơn thuần là một nghịch lý của tình yêu và tưởng như không liên quan gì tới toàn bộ câu chuyện. Nhưng nếu ta nhìn hành trình đi tìm kho báu của Santiago không phải là một cuộc phiêu lưu theo nghĩa thế gian, ta sẽ hiểu mối liên hệ giữa chương mở đầu và toàn bộ câu chuyện. Cái hồ yêu Narciss bởi vì Narciss là sự phóng chiếu cho cái đẹp của hồ nước, chúng ta yêu một ai đó bởi người ấy phóng chiếu một phần đẹp đẽ của chúng ta, chúng ta ghét một ai đó bởi kẻ ta ghét ấy chứa một phần tính cách xấu xa mà ta có, chúng ta đeo đuổi điều gì thì đó là phóng chiếu cho tâm thức của chính chúng ta. Sự phóng chiếu này được Phật giáo đề cập đến rất nhiều trong giáo lý và sự phóng chiếu ấy chính là biểu hiện cho những cái tôi. Để rồi cuối cùng, Santiago không còn bị lệ thuộc vào các phóng chiếu nữa, mà cậu yên bình kết thúc cuộc hành trình trong ngôi nhà của mình, đó là lúc kho báu được tìm thấy, tinh thần được toàn thiện.

Sau tất cả Paulo Coelho  đã cho Santiago một cái kết hoàn hảo. Cái kết hoàn hảo này dường như lại khiến cuốn truyện kém đi phần hoàn hảo. Chính bởi vì kho báu đến cuối lại hiện hữu, và Santiago lại lao đi tìm kiếm Fatima mà toàn bộ vẻ đẹp tinh thần của cuốn sách bỗng dưng trở nên trần tục. Nhưng có lẽ, nhờ cái kết trần tục ấy mà “Nhà giả kim” trở thành cuốn sách bán chạy nhất, giống như Chúa Jesus muốn người ta nghe lời giảng sâu sắc của mình cũng phải biến ra bánh mì và rượu nho vậy.

Lê Duy Nam

GIẢI MÃ BIỂU TƯỢNG TRONG “NHÀ GIẢ KIM” CỦA PAULO COELHO (5) – TỪ PHẦN MỞ ĐẦU

Có rất nhiều người đọc Nhà giả kim, nhưng hầu hết đều bỏ qua hoặc chưa nhận ra được mối liên hệ giữa phần mở đầu truyện với phần nội dung chính, đặc biệt là mối liên hệ giữa bài thơ về chàng Narcisuss của Oscar Wilde và câu chuyện về chàng Santiago của Paulo Coelho. Vậy, hai câu chuyện này liên quan đến nhau như thế nào?Trong bài thơ của Wilde, Narcisuss nhìn hình ảnh mình phản chiếu qua mặt hồ. Mặt hồ nhìn hình

Thư Sinh

29/07/2019

Giải mã biểu tượng trong “Nhà giả kim” của Paulo Coelho (2) – Những mô hình người trong xã hội

    Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nhóm biểu tượng thứ nhất: Những mô hình người trong xã hội.   1. Đàn cừu:   Đàn cừu là một biểu tượng xuất hiện dày đặc trong tác phẩm (15 lần, 9 lần trong lúc Santiago nhụt chí). Trong truyện, Santiago sở hữu một đàn cừu, và về sau, nó trở thành phương tiện trao đổi để phục vụ cho nhu cầu đi đây đi đó, đi đến Kim Tự Tháp của Santiago.

Thư Sinh

29/07/2019

Trà đạo vô ngôn thấu suốt lẽ nhàn

“Vi kỳ nhàn đắc địa” – Nguyễn Sưởng Thế cục cuộc đời tựa hồ bàn cờ mà trong đó mọi quyết định và diễn biến đều là các nước đi của chính ta và tha nhân. Cuộc đời không bày sẵn trận để đưa ta vào thế khó, thoạt tiên, cuộc đời chúng ta là một khoảng trống mênh mông. Nhất niệm – bước đi đầu tiên, khi ta khai trận, đã đưa đẩy chúng ta đến với thế cục mà ta phải đối mặt,

“NHÀ GIẢ KIM” HAY LỜI NHẮC CHO NHỮNG CON CỪU CẦN MẪN

Nhà giả kim phát hành năm 1988 với tên gốc là “O Alquimista”, được Paulo Coelho viết bằng tiếng Bồ Đào Nha và do NXB Editora Rocco Ltd chịu trách nhiệm xuất bản. Hành trình khám phá bản thân và giải mã giấc mơ của cậu bé Santiago được kể lại bằng sự pha trộn văn phong hiện thực – lãng mạn – huyền ảo đã thu hút sự chú ý của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Cho đến nay, sức hấp dẫn

Bhagavad Gita & Đối cảnh vô tâm

Nhân lễ hội Gita Mahotsav 2023 Năm 2009, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với kinh văn Ấn Độ ngoài Phật giáo, và đó là một trải nghiệm độc nhất vô nhị mà sau này tôi chẳng thể gặp lại ở bất cứ một tri thức nào khác nữa. Đó là những ngày tôi lưu lạc ở Sài Gòn, đã quyết định bỏ học ở trường Nhân Văn Hà Nội và quyết định đeo đuổi con đường kiếm tiền qua các hoạt động truyền