Cái sự thất tình của Nguyễn Bính đẹp man mác như cánh đồng lúc hoàng hôn. Nó không dằn vặt, quằn quại mà khiến người đọc cảm giác như ông đang hưởng thụ sự đơn độc, sự bỏ rơi, sự xa cách.
Một chiều cả gió bám đầy áo em”
Đã mang trong mình một tâm hồn Việt, ai chẳng lưu giữ đôi ba câu thơ Nguyễn Bính trong ký ức, nhiều khi chúng ta còn không biết chúng thuộc về anh chàng thơ “chân quê” lãng mạn. Không ít các nhà phê bình lớn của Việt Nam đều viết về thơ Nguyễn Bính và khai thác ở nhiều góc độ: nào thì chuyện mâu thuẫn nông thôn – thành thị, nào thì chuyện tiếc nhớ thuở xa xưa, nhưng ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn một góc con người mà ở mỗi chúng ta ai cũng giống ông: một tâm hồn khao khát yêu thương.
Điểm lại những câu thơ tình của Nguyễn Bính, chúng ta đều thấy một tình cảnh rất cô đơn của “Tôi” và “Em”, của “chàng” và “nàng”. Lần nào cũng vậy, họ gặp nhau vì một duyên định tình cờ, nhưng thường lỡ dở. Đó phải chăng là tình trạng:
“Tình tôi mở giữa mùa thu
Tình em lặng kín y như buồng tằm”.
Những người làm thơ lãng mạn thường là một đứa trẻ con thuần túy, mà trẻ con thì luôn bộc lộ tình cảm của mình một cách tràn đầy không che đậy, một cách ngây thơ không giấu diếm và những người thông thường không phải ai cũng có thể đón nhận được. Bởi vậy mà mãi mãi họ thất vọng, lạc lõng, cô đơn. Vì vậy mà có thơ tình, nhưng thơ tình sẽ không hấp dẫn nếu không phải là thơ thất tình.
Cái sự thất tình của Nguyễn Bính đẹp man mác như cánh đồng lúc hoàng hôn. Nó không dằn vặt, quằn quại mà khiến người đọc cảm giác như ông đang hưởng thụ sự đơn độc, sự bỏ rơi, sự xa cách.
“Cô hái mơ ơi, cô gái ơi
Chẳng trả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi”
Thậm chí thật kỳ diệu khi tình yêu đi tìm tình yêu bằng nỗi buồn. Không phải sự hồ hởi, không phải sự khát khao nhục dục, mà là sự mong cầu chia sẻ:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau một dậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi”
Niềm vui có thể làm chúng ta phấn khích, nhưng chỉ có nỗi buồn mới đồng điệu được với nỗi buồn. Tiếc rằng nỗi buồn của nhà thơ chỉ có người con gái trong mơ mà rồi người con gái trong mơ ấy cũng tan biến thành sương khói. Cũng trong bài thơ ấy, chàng thi sĩ mơ mình biến thành con bướm để đến gần nàng vì e thẹn không dám thổ lộ, để rồi “nàng thơ” vẫn chỉ là ảo giác mong manh:
“Đêm qua nàng chết thật rồi
Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng
Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này”
Trong những cơn nhập mộng thơ, hình ảnh cánh bướm trở thành một nỗi ám ảnh. Nhớ câu chuyện Trang Chu, trong một giấc ngủ ngày, ông nằm mơ thấy mình hóa bướm. Lúc tỉnh giấc, ông tự hỏi không biết Trang Chu mơ thành bướm hay bướm mơ thành Trang Chu. Và cánh bướm trở thành sự tượng trưng cho những gì ảo mộng, còn Nguyễn Bính thì chấp nhận dấn thân trong cõi mơ hồ ấy.
“Em đã sang ngang với một người
Anh còn trồng cải nữa hay thôi
Đêm qua mơ thấy hai con bướm
Khép cánh tình chung ở giữa trời”
Đôi bướm còn khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Đôi trẻ bị quyền lực chia cắt và họ phải tìm đến cái chết. Nhưng khi ở trong mộ, linh hồn họ đã thoát ra hóa thân thành đôi bướm trắng. Vậy thì giữa một cõi thực của sự mất mát, và một cõi mộng hoàn hảo, có cần thiết chúng ta phải cố thích nghi để tồn tại?
Có những đứa trẻ cô đơn nên tự vẽ ra cho mình một người bạn tưởng tượng, rồi dần dần khi lớn lên chúng quên đi người bạn này. Lý trí cho chúng biết người bạn ấy không có thật, và lý trí thông thường cũng cho chúng biết rằng người đời sẽ bảo chúng điên. Nhưng nhà thơ là đứa trẻ không chịu lớn. Nguyễn Bính biết rằng tất cả là ảo tưởng, nhưng lý trí của một đứa trẻ cho ông biết rằng ông hoàn toàn có thể lựa chọn sống:
“Mộng đẹp theo ngày tháng
Đi êm đềm như thơ”.
Hà Thủy Nguyên