Home Chuyên đề tháng Thần thoại La Mã (3): Ảnh hưởng từ thần thoại Hy Lạp đã đưa các tiểu thần yếu ớt như Neptune, Pluto, Juno… thành thần tối cao

Thần thoại La Mã (3): Ảnh hưởng từ thần thoại Hy Lạp đã đưa các tiểu thần yếu ớt như Neptune, Pluto, Juno… thành thần tối cao

than-thoai-la-ma-3-anh-huong-tu-than-thoai-hy-lap-da-dua-cac-tieu-than-yeu-ot-nhu-neptune-pluto-juno-thanh-than-toi-cao

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives – Book Hunter

Sự ảnh hưởng của thần thoại Hy Lạp tới thần thoại La Mã chuỗi phức tạp khó phân định, dù rằng ta có thể dễ dàng tìm thấy các vị thần ở La Mã tương ứng với thần Hy Lạp. Qua những phần I, II, một  điểm dễ nhận thấy đó là dù là vị thần bản địa hay du nhập thì vẫn đều trải qua sự đồng nhất với các thần Hy Lạp. Ở một chiều khác, khi thần thoại Hy Lạp được du nhập vào La Mã thì cũng trải qua sự khúc xạ và biến tướng để phù hợp với tập tính tín ngưỡng của người dân La Mã.

Như vậy, các vị thần Hy Lạp khả năng có 4 hướng du nhập chính vào thần thoại La Mã:

Thứ nhất: lớp dân cư Trojan di chuyển đến Latium theo truyền thuyết về Aeneid. Tuy nhiên, lớp này không chắc chắn, bởi vì câu chuyện về Aeneid không có chứng cứ trong lịch sử mà chỉ được truyền miệng cho đến khi được ghi chép lại bởi sử gia Virgil.

Thứ hai: sự ảnh hưởng của Hy Lạp tới Etruscan và sau đó ảnh hưởng tới La Mã. Ngay từ thời kỳ đầu của người Etruscan, được gọi là Kỳ Villanovan (khoảng 900 – 720 TCN), người Etruscan đã chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa và đương nhiên là cả tín ngưỡng Hy Lạp thông qua con đường giao thương. Điều này có thể phần nào lý giải sự tương đồng trong các thần tích về một số vị thần của Hy Lạp, Etruscan và La Mã. Ví dụ như trường hợp: Ares –> Laran –> Mars hay Dionysus -> Fufluns -> Bacchus…

Thứ ba: sự ảnh hưởng của Hy Lạp tới Sabines. Như đã biết, văn hóa Sabines có ảnh hưởng sâu đậm tới hệ thống thần thoại La Mã, vậy nên sẽ thiếu sót nếu ta không xem xét mối liên hệ giữa người Sabines và Hy Lạp. Có nhiều tranh cãi liên quan đến nguồn gốc của người Sabines, nhưng thuyết được ủng hộ nhất đó là xuất xứ Sparta của tộc người này. Theo sử gia Dionysius xứ Halicarnassus, một nhóm cư dân thành bang Lacedaemon, tức tên cổ xưa của người Sparta – một bộ phận của người Hy Lạp. Nhóm dân cư này đã rời khỏi Lacedaemon vì cho rằng các cải cách về luật pháp của vua Lycurgus của người Sparta vào khoảng thế kỷ 9 TCN là quá khắt khe. Plutarch cũng đồng tình với nhận định này của Dionysius, và cả hai ông đều cho rằng có sự tương đồng giữa bản tính hiếu chiến của người Sabines và người Sparta.

Như vậy, một sự chuyển tiếp từ tôn giáo cổ có xuất xứ Hy Lạp tại Sparta sang tôn giáo của Sabines và sau đó được La Mã hóa là điều dễ dàng nhận thấy. Tuy không có nhiều tư liệu nghiên cứu về tôn giáo cổ của người Sparta vào trước thế kỷ 9 TCN để có thể phân biệt được sự khác nhau giữa lớp thần thoại Hy Lạp phổ biến tại các thành bang Hy Lạp và thần thoại Sabines, nhưng vẫn có thể xác định được nhiều vị thần La Mã có xuất xứ Sabines mà không tìm được tương ứng phù hợp trong thần thoại Hy Lạp dù cho các tư tế đã cố gắng đồng nhất, ví dụ như Janus, Saturn… Bên cạnh đó vẫn có nhiều vị thần tương đồng với Hy Lạp ở cả thần tích và đặc trưng như Vulcan, Minerva… Và có những vị thần được đồng nhất nhưng lại khác biệt về tính chất và thần tích như trường hợp Diana – Artemis hay 9 nữ thần Novensides – 9 Muses.

Thứ tư: sau khi La Mã thôn tính Hy Lạp (27 TCN thần Hy Lạp được đồng nhất với các vị thần La Mã một cách có hệ thống và có những biến tướng hoàn toàn hoặc một phần về nghi lễ, đặc tính và chức năng. Ví dụ điển hình nhất là sự thay thế Capitoline Triad nguyên thủy gồm Jupiter, Mars và Quirinus bằng bộ ba mới Jupiter, Juno và Minerva vào thời cai trị của Augustus. Tuy nhiên, trừ Minerva tương đồng hoàn toàn với nữ thần Athena, Jupiter và Juno lại có những đặc trưng khác biệt so với Zeus và Hera trong thần thoại Hy Lạp.

Một số vị thần La Mã đậm đặc yếu tố thần thoại Hy Lạp

Zeus và Jupiter tương đồng với nhau về vai trò vị thần bầu trời, thể hiện bản thân bằng ánh sáng ban ngày, và là anh em trai của vị thần biển cả (Poseidon – Neptune) và vị thần địa ngục (Hades – Pluto). Nhưng khác với Zeus vốn chỉ ở trên Olympus và cai trị các vị thần, Jupiter được xem như vị thần chính trị, bảo hộ cho toàn bộ cơ cấu quyền lực nội bộ cũng như ngoại giao của Roma. (15) Nếu trong thần thoại Hy Lạp, sự ra đời và tuổi thơ của Zeus được miêu tả kỹ lưỡng thì tuổi thơ chỉ được nhắc đến như một yếu tố phụ trong những thần tích của Jupiter. Trong đó, những chi tiết nhỏ cũng được thay mới, ví dụ như Juno là chị em sinh đôi của Jupiter (Hera được sinh ra trước Zeus chức không phải sinh đôi), và Jupiter được nuôi bởi Fortuna Primigenia – nữ thần vân may. Thế nhưng Fortuna Primigenia được chuyển thành con gái của Jupiter do ảnh hưởng từ lớp thần tích Tyche – nữ thần may mắn và định mệnh Hy Lạp được cho là con gái của Zeus (“Tyche” còn có nghĩa là “được sinh ra đầu tiên”). Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên mẫu thực sự của Jupiter là thần bầu trời Tinia của người Etruscan (16) và trong tín ngưỡng của người Etruscan cũng tồn tại bộ ba thần thánh Tinia – Uni – Minerve, tương ứng với Jupiter – Juno – Minerva trong Triad Capitoline. Tuy nhiên, giả thuyết này không có nhiều cơ sở để khẳng định bởi vì Tinia có các đặc tính gần với Zeus hơn, đặc biệt là trong quyền uy sấm sét. Sự gắn bó của Jupiter với cơ cấu chính quyền La Mã có lẽ đến từ vị vua phù thủy Numa. Numa đã sai hai vị tiểu thần Picus và Faunus dùng bùa triệu hồi Iuppiter Elicius, tức thần Jupiter. Numa đã đàm phán với Iuppiter Elicius để không sử dụng hiến tế người mà thay bằng củ hành tây, tóc và cá, bù lại vị thần này sẽ ban cho Numa và người dân La Mã những sức mạnh tối thượng. Hôm sau, Iuppiter Elicius giáng xuống 3 tia sét và một chiếc khiên không có góc. Sự đòi hỏi hiến tế người của Iuppiter Elicius khá giống với Saturn và liệu rằng cũng giống như Saturn, Iuppiter Elicius có xuất xứ Sabines hay không? Mặc dù chưa có nghiên cứu khẳng định rõ ràng, nhưng người viết cho rằng mối liên đới này là có cơ sở. Bởi vì trong lớp thần tích của Jupiter có ghi nhận vị thần này là con của Saturn (một vị thần Sabines) và được nuôi dưỡng bởi Fortuna (một vị thần Sabines khác). Về sau, trong suốt quá trình tương tác với cư dân Hy Lạp hoặc trong quá trình đô hộ Hy Lạp, lớp chuyện của thần Zeus đã được đồng nhất với Jupiter nhưng vẫn lưu lại các dây nối liên hệ với thần thoại Sabines cổ.

Juno, thần phối ngẫu của Jupiter vẫn được xem làm phiên bản La Mã của nữ thần Hera, nhưng lại có các đặc tính và chức năng hoàn toàn khác với Hera. Khác với tạo hình nữ tính của Hera trong thần thoại Hy Lạp, Juno được thể hiện theo nguyên mẫu chiến binh với vũ khí trên tay và trang phục chiến đấu bằng da dê. Cái tên Juno có mối liên hệ với Jove (với từ gốc Diovona), với ý nghĩa là tuổi trẻ, chung ý nghĩa với từ “Uni” – tên của nữ thần Etruscan được cho là Juno,  khác với gốc của từ “Hera” có nghĩa là “được yêu”. Thông qua giải mã văn bia liên quan đến Juno, các nhà khảo cổ và thần thoại học La Mã đều bối rối với sự nhận diện của Juno, bởi vì tại mỗi khu vực Juno lại có một hiện thân và chức năng khác nhau. Thông qua văn bia cổ Lucina tại La Mã mà các nhà khảo cổ đã xem xét, ta biết được rằng Juno không chỉ đảm nhận vị thế của một vị thần sinh sản như Hera mà liên đới đến mặt trăng, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, và mang đến sức sống cho trẻ sơ sinh. Nhiều tác giả cổ đại cho biết rằng tín ngưỡng thờ Juno đã có mặt tại thị trấn Veii trong khu vực người Etruscan ở phía Bắc Rome với tên gọi Juno Regina (trong đó từ Regina có nghĩa là nữ hoàng), với vai trò vị thần của tuổi trẻ, người dân và bảo vệ nhà nước. Với danh tính Juno Sospita tại Lanuvium, một thành phố tại Latium, phía đông nam Rome, bà bảo vệ những người bị giam giữ, mặc áo da dê và mang theo khiên giáo – hình tượng chiến binh phổ biến trong các điêu khắc Juno tại La Mã và tại đồi Capitol. Juno ở phía bắc Rome mang nhiều dấu vết của Etruscan với các thần tích liên đới đến nữ thần Uni, ở phía đông nam lại có yếu tố Sabine, và pha trộn với tính chất sinh sản của Hera do ảnh hưởng từ Hy Lạp, vậy thì rốt cuộc Juno có gốc tích ra sao?

Nếu lộn về thần loại lập quốc của La Mã với đoạn sử thi đầy cảm hứng kể lại cuộc phiêu lưu của Aeneas, ta lại thêm bối rối với mối liên hệ của Juno với Carthage khi nữ thần Juno thể hiện tình yêu đặc biệt của mình cho Carthage và mối lo ngại của bà với tiên tri rằng Rome được lập bởi Aeneas trong tương lai sẽ tiêu diệt đô thành yêu quý của mình. Nhiều học giả cho rằng Juno được đề cập trong sử thi Aeneid chính là Hera, tuy nhiên không tìm thấy dấu vết sự tôn sùng Hera một cách đặc biệt tại Carthage. Juno trong Aeneid là vị thần phối hợp với Venus để thúc đẩy hôn nhân của Aeneas với nữ hoàng Dido của Cartharge. Dido (được cho là nữ hoàng Elyssa, tuy nhiên không có khả năng trên thực tế bởi từ sự kiện thành Trojan đến thời đại cảu Dido chênh nhau từ 400 đến 600 năm) có gốc tích từ Tyre, một trong các đô thành quan trọng bậc nhất thuộc Phoenician (một lớp văn hóa ảnh hưởng đến thần thoại Hy Lạp mà ở dịp khác chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng hơn), do mâu thuẫn với vua của Tyre là Pygmalion, mà Dido chạy đến vùng của người Berber và thành lập đô thành Carthage. Điều này dẫn đến tín ngưỡng của Carthage có sự pha trộn giữa tín ngưỡng Phoenician và Berber, và do những sự liên đới giữa Carthage và Roma mà một hiện thân khác của Juno (Juno Caelestis) có lẽ tương đồng với nữ thần Tanit của đô thành này – vị thần phối ngẫu của Ba’al  Hammon (được đồng nhất với Saturn). Như vậy, có khả năng rằng vị nữ thần được cho là Juno trong sử thi Aeneid chính là Tanit chứ không phải Hera hay Uni. Nhưng Tanit lại mang phẩm chất điển hình của một nữ thần chiến tranh, tương ứng với Juno Sospita, và cũng gần gũi nhẫn với hình ảnh của Juno tại Đồi Capitol. Đến đây, ta có thể kết luận rằng Juno mang hình hài của Tanit và kết hợp với hình mẫu thần Uni của Etruscan và thần Hera. (17)

Không giống như Jupiter và Juno, trong lớp thần thoại và cung cách thờ cúng Minerva không tồn tại sự khác biệt với nữ thần Athena. Minerva cũng được tôn sùng phổ biến khắp Roma, đại diện cho trí tuệ, nghệ thuật và phát minh…, đồng thời cũng là nữ thần chiến binh (không rõ có vị thần lớn nào tại Roma mà không có phẩm tính chiến binh không nữa). Cái tên “Minerva” có xuất xứ từ tên của một nữ thần mặt trăng của người Etruscans “Menerwā”, có nghĩa tương đương với “meminisse”, có nghĩa là “ký ức”. Với ý nghĩa này, cái tên Minerva có thể là cách gọi Metis (vợ Zeus, mẹ của Athena trong thần thoại La Mã, với ý nghĩa là tâm trí), có thể là Mnemosyne – nữ thần Ký ức trong thần thoại Hy Lạp (vợ của Zeus, mẹ của 9 nàng Muses). Metis và Mnemosyne đều là các nữ thần “bên lề” dưới sự cai trị của triều đình Olympus, đều là vợ của Zeus, và đều có chức năng liên quan đến tâm trí, nghiễm nhiên đều là ứng cử viên cho nguyên mẫu của Minerva. Nhưng cho dù là sự chuyển biến trực tiếp từ Athena hay là biến thể của Metis hoặc Mnemosyne, ta đều thấy yếu tố Hy Lạp đậm đặc trong vị nữ thần trí tuệ mà người La Mã tôn sùng. (18)

Không chỉ Juno và Minerva, mà ngay cả những vị thần anh em của Jupiter là Neptune và Pluto cũng có sự mô phỏng với Poseidon và Hades, mặc dù tồn tại khác biệt rất lớn.

Neptune, thường được cho là biểu hiện của thần biển Poseidon trong thần thoại La Mã, có nguồn gốc từ Nethuns, một vị thần của người Etruscans, cai quản các giếng nước và dần được “biển hóa” thông qua sự đồng nhất với Poseidon. Qúa trình này có thể đã diễn ra từ trước khi các thần La Mã bị Hy Lạp hóa. Quan điểm này đến nay đã bị bác bỏ bởi Nethuns xuất hiện sau Neptune trong tín ngưỡng thờ của người La Mã, tuy nhiên sự bác bỏ này không có cơ sở vững chắc. Xét về ngữ nghĩa, từ “Neptune” có nguồn gốc từ “nebula” trong tiếng Latin với ý nghĩa là “sương mù”. Xét về vai trò, Neptune ban đầu chỉ là một vị thần nhỏ cai quản nước ngọt và thủy lợi nhưng nhờ sự đồng nhất với Poseidon nên đã gia tăng vị thế trong thế giới La Mã. (19)

Tương tự như Neptune, Pluto cũng có nguồn gốc từ một vị thần nhỏ cai quản tài sản và sự giàu có, nhờ được đồng nhất với Hades – vị thần của âm phủ, mà có vị trí cao trong văn hóa tín ngưỡng của người La Mã. Từ “Plūtō” trong tiếng Latin có gốc từ Plouton trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “Người cha giàu có”. Ý nghĩa này không tương đồng với khái niệm “Hades” có nghĩa là “vô hình”, và chức năng phân phát tài sản của Pluto cũng không thống nhất với chức năng phán xử người chết của Hades. Trong thần thoại Hy Lạp, thần Demeter có một người con trai tên là Plutus – vị thần mang đến sự giàu có. Plutus được tạo ra trong một cuộc giao hoan mang tính nghi lễ giữa Demeter và Iasion để mang đến sự trù phú và giàu có – nghi lễ điển hình của tín ngưỡng Eleusinian (20). Một số giả thuyết khác cho rằng Plutus là con trai của Hades và Persephone (21). Nghi lễ phồn thực trong tín ngưỡng Eleusinian hòa trộn với truyền thống hiếp dâm phụ nữ Sabine có từ thời Romulus thành lập La Mã, cùng với khao khát giàu có của người La Mã và mong muốn hấp thụ nhưng xóa nhòa dấu vết Hy Lạp khỏi đời sống tín ngưỡng, người La Mã cổ đại đã đưa Pluto lên vị trí thay thế Hades.

Apollo có lẽ là vị thần duy nhất của giữ được gần như nguyên bản yếu tố Hy Lạp khi dịch chuyển sang La Mã (ngay cả Hermes khi được chuyển dịch sang La Mã cũng phải mang cái tên La Mã là “Mercury” với ý nghĩa là buôn bán, và vẫn giữ biểu tượng giống ở Hy Lạp). Các đền thờ của người Etruscan từ rất sớm đã dành vị trí thờ cúng trang trọng cho Apollo như vị thần đại diện cho ánh sáng và chính nghĩa. Các nhà thơ La Mã cũng thường gọi ông bằng cái tên Phoebus – có nghĩa là ánh sáng. Trong suốt lịch sử La Mã, Apollo không hề bị thay thế bởi một vị thần tương đương nào trong hệ thống tín ngưỡng cổ xưa của La Mã hoặc du nhập từ nền văn hóa khác. Đây là bí ẩn mang tính lịch sử mà chưa sử gia nào giải thích được.

Hà Thủy Nguyên

Chú thích

(15) A Critical History of Early Rome: From Prehistory to the First Punic War (University of California Press, 2005, 2006), trang 159, Gary Forsythe.
(16) Etruscan Myth: Sacred History and Legend, de Grummond, trang 53
(17) https://www.worldhistory.org/Juno/
(18) https://www.worldhistory.org/Minerva/
(19) https://www.newworldencyclopedia.org/entry/Neptune_(mythology)
(20) Eleusis: Archetypal Image of Mother and Daughter (Bollingen) 1967, trang 30
(21) Eleusis: Archetypal Image of Mother and Daughter (Bollingen) 1967, trang 31

THẦN THOẠI HY LẠP – NHỮNG CUỐN SÁCH NỀN TẢNG

Thần thoại Hy Lạp rất quen thuộc không chỉ với độc giả Việt Nam, mà còn phổ biến trên toàn thế giới. Những câu chuyện xoay quanh sự hình thành thế giới, nguồn gốc các vị thần và thời đại các anh hùng trong thần thoại Hy Lạp đã đi sâu vào văn hóa đại chúng thông qua những bộ phim, những nhãn hiệu thời trang, và cả trong từng cuộc trò chuyện bình thường diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, chúng ta không nên

Thư Sinh

09/07/2019
Xem

Hercules (2014) – Khi ta tin mình là anh hùng

Phim Hercules (2014) có lẽ là một trong những phim thần thoại ‘người’ nhất là mình từng xem. Hoàn toàn không có sự xuất hiện thật sự của bất kỳ vị thần nào, kể cả quái thú trong truyền thuyết. Chỉ có con người, với trí tưởng tượng không giới hạn. Chính bởi trí tưởng tượng ấy, con người với đầy đủ nhân tính, thiện - ác, tham lam - rộng lượng, vị kỷ và vị tha, sợ hãi - can đảm, nguyên tắc -

Bảo Khanh

28/11/2016

TỬ THƯ – CUỐN SÁCH VỀ CÁI CHẾT CỦA AI CẬP

Định nghĩa Tử Thư Ai Cập là tập hợp các thần chú giúp đỡ những linh hồn đã qua đời định hướng cuộc sống sau cái chết. Chính các học giả phương Tây đã đặt cái tựa đề nổi tiếng cho tài liệu này; tựa đề thực sự của nó có lẽ nên được dịch là “Cuốn sách về Giải thoát trong Ánh sáng” hoặc “Thần chú về Giải thoát trong Ánh sáng” và có một cách dịch dễ hơn sang tiếng Anh có thể

Tiếp cận thần thoại nghiêm túc

Thần thoại (Myth) đến nay vẫn là một hình thức lưu truyền hệ thống tín ngưỡng phức tạp mà các nhà nghiên cứu vẫn không tìm hiểu được cơ chế kiến tạo ra những câu chuyện đậm màu sắc siêu nhiên với tầm vóc kỳ vĩ. Một cách mặc định, thần thoại ở mọi nơi trên thế giới, đều chia tách thực tại thành hai cõi giới: cõi của các lực lượng siêu nhiên (cõi thiêng) và cõi phàm trần (cõi tục). Cõi thiêng ẩn

Thần thoại La Mã (2): Quân đội của Romulus cưỡng hiếp phụ nữ dẫn đến sự tiếp thu các vị thần Sabines như Saturn, Diana, Janus…

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives - Book Hunter Thành bang Roma mới với nhiều dân Latin bản địa và tị nạn, đa phần đều là đàn ông trẻ tuổi chưa có gia đình. Khi dân số tăng lên dưới sự cai trị của Romulus, sự chênh lệch tỉ lệ đáng kể giữa nam độc thân và nữ độc thân đã trở thành vấn đề lớn của xã hội Roma.  Romulus sau khi thất bại trong kế hoạch kêu gọi