Home Chuyên đề tháng Thần thoại La Mã (2): Quân đội của Romulus cưỡng hiếp phụ nữ dẫn đến sự tiếp thu các vị thần Sabines như Saturn, Diana, Janus…

Thần thoại La Mã (2): Quân đội của Romulus cưỡng hiếp phụ nữ dẫn đến sự tiếp thu các vị thần Sabines như Saturn, Diana, Janus…

than-thoai-la-ma-2-quan-doi-romulus-cuong-hiep-phu-nu-than-sabines-saturn-diana-janus

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives – Book Hunter

Thành bang Roma mới với nhiều dân Latin bản địa và tị nạn, đa phần đều là đàn ông trẻ tuổi chưa có gia đình. Khi dân số tăng lên dưới sự cai trị của Romulus, sự chênh lệch tỉ lệ đáng kể giữa nam độc thân và nữ độc thân đã trở thành vấn đề lớn của xã hội Roma.  Romulus sau khi thất bại trong kế hoạch kêu gọi các làng lân cận cho phép đàn ông Roma giao phối, ông đã nghĩ ra một ý tưởng mới: Một lễ hội với nhiều trò chơi và nghi thức được tổ chức, thu hút người dân ở nhiều thành bang đến tham dự, trong số đó có các phụ nữ Sabines. Đàn ông Roma bắt cóc và cưỡng hiếp phụ nữ Sabines, giữ họ trong gia đình như những người vợ. Mặc dù đàn ông Sabines phát động chiến tranh để đòi lại những người phụ nữ bị bắt cóc và cưỡng hiếp nhưng phụ nữ Sabines lại bày tỏ ý muốn ở lại Roma, và chính họ là người đã đứng ra để ngăn cản và chấm dứt cuộc chiến giữa Roma và Sabines. Từ đó một cộng đồng chung của người Roma và Sabines đã được thành lập để cùng nhau cai trị người dân. (7)

Sự hòa lẫn về sắc tộc dần dần dẫn đến sự giao thoa về văn hóa và tín ngưỡng. Các vị thần có gốc Sabines cũng được du nhập vào Roma và trở thành vị thần có ảnh hưởng lớn trong thần thoại La Mã.

Tín ngưỡng người La Mã lưu lại dấu vết về Ba vị thần tối cao, được gọi là “Capitoline Triad”. Bộ ba này được biết đến ngày nay là ba vị thần Jupiter (tương ứng với Zeus), Juno (tương ứng với Hera) và Minerva (tương ứng với Hy Lạp). Tuy nhiên, trước khi hình thành bộ ba này, một bộ ba khác giữ vị trí tối cao của người La Mã đó là Jupiter, Mars và Quirinus; trong đó Quirinus vốn là một vị thần Sabines. Trong văn hóa Sabines, Quirinus đóng vai trò là vị thần chiến tranh với biểu tượng là ngọn giáo (tương tự với thần chiến tranh Laran của người Etruscan). Vị trí của Quirinus bị phai mờ sau khi Roma chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Hy Lạp. Dù vậy, Quirinus vẫn được đồng nhất với người anh hùng Romulus trong nhiều tác phẩm của các tác giả cổ đại như Plutarch, Ovid…; và tên thần được đặt cho ngọn đồi tại Rome nơi được chọn đặt cung điện hoàng gia (hiện nay trở thành nơi cư trú của Tổng thống Ý). (8)

Denarius C. Memmius C. F. Romulus.jpg
Hình Quirinus trên mặt đồng Dyna vào khoảng năm 56 TCN, và mặt kia là hình nữ thần Ceres

Thần Quirinus xuất hiện trong nghi lễ quan trọng Fornacalia của người La Mã dành để tôn vinh nữ thần Fornax – nữ thần lò nướng. Nghi lễ này đồng nhất Quirinus với Romulus, và cái tên Quirinus Romulus được nhắc đến vào ngày cuối cùng của nghi lễ, tương ứng với ngày Romulus bị giết bởi các quý tộc trong hội đồng của mình. Nghi lễ cũng tái hiện sự việc các quý tộc đã xẻ thịt Romulus, chia đều và chôn trong đất của mình. Trong nghi lễ, người dân trong làng cùng nhau tụ tập và ăn uống để tận hưởng thành tựu của một dịp nghi lễ thành công, do đó ngày này còn được gọi là “ngày lễ của những kẻ ngốc”. (9)

Học giả Marcus Terentius Varro (116–27 BC) đã chỉ ra một bản danh sách các vị thần có xuất xứ Sabines, trong đó ông lý giải 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự du nhập các vị thần Sabines vào Roma là những phụ nữ bị hiếp dâm người Sabines đã đưa theo vị thần của mình “về nhà chồng” và đặc biệt hệ thống các vị thần Sabines được du nhập chính thức dưới triều đại của vua Numa Pompilius – người Sabines đã kế vị Romulus (10).

Numa Pompilius (753–673 BC) có nguồn gốc là người Sabines, là người đã được Hội đồng Thượng viện Roma bầu làm vua sau khi Romulus bị ám sát. Khi lên ngôi, hành động đầu tiên của Numa Pompilius đó là giải tán đội Cận vệ 300 vốn trung thành với Romulus. Trong suốt thời gian cai trị của mình, Numa được tôn vinh là một vị vua khôn ngoan và đạo đức, và đương nhiên, công việc quan trọng hơn hết ông để lại chính là đưa các vị thần Sabines và Roma một cách chính thức. Theo truyền thuyết, ông thường liên lạc với các vị thần để xin sự tham vấn của họ (ở đây có lẽ là các vị thần Sabines), đặc biệt là với nữ thần Egeria (11). Nữ thần Egeria đã hướng dẫn Numa cách xây dựng hệ thống pháp luật và tế tự tại Roma.

Egeria là một nữ thần nhỏ thuộc giáo phái thờ Diana vùng Nemi (nữ thần mặt trăng của người La Mã). Khó có thể biết được Egeria là vị thần tồn tại trước Diana và được đưa vào hệ thống nữ thần dưới trướng Diana hay Egeria ngay từ ban đầu đã nằm trong giáo đoàn của Diana rồi. Tuy nhiên, điều đáng chú ý đó là nữ thần Diana (thường được coi là tương đồng với nữ thần Artemis của thần thoại Hy Lạp), theo học giả Varro, lại nằm trong số các vị thần có xuất xứ Sabines. Tuy nhiên, ngoài ghi chép của Varro, không có các bằng chứng khảo cổ khác chỉ ra sự liên đới của Diana với Sabines, nhưng cũng không có nhiều tương đồng trong thần tích cũng như nghi lễ thờ cúng của  Diana với Artemis.

Rests of Temple of Diana in Nemi.jpg
Di chỉ đền thờ Diana tại hồ Nemi. Nguồn: Wikipedia

Vua  Numa còn bắt hai vị tiểu thần là Picus và Faunus thuộc dòng dõi của thần Saturn phải đưa ra các lời tiên tri cho mình. Picus theo truyền thuyết là vị vua lập nên ngôi làng Latin đầu tiên và có tài sử dụng chim gõ kiến để bói toán. Faunus là con trai của Picus, được mô tả có hình dạng mình người chân dê, giống với Pan trong thần thoại Hy Lạp. Faunus thường truyền đạt những điềm báo qua giấc mơ hoặc giọng nói trong mơ khi hiến tế cho thần những con cừu. Mặc dù được đồng nhất với Pan vì hình dáng mình người chân dê, nhưng giữa Faunus và Pan không có nhiều tương đồng về thần tích, phép thuật cũng như tên gọi. Từ “Faunus” xuất phát từ tiếng Latin cổ “favere”, nghĩa là sự ưu ái của thần thánh, trong khi “Pan” có nghĩa là “toàn thể”. Faunus có năng lực tiên tri còn Pan là vị thần mang lại vận may cho mùa màng. Trong sử thi “Aeneid” của Virgil, Pan và Faunus cũng được đề cập đến như hai vị thần riêng biệt, cho thấy sự khác biệt của hai vị thần này. Một điểm thú vị đó là dù nhiều vị cổ thần La Mã ở giai đoạn cai trị của Công giáo đã bị xóa bỏ, nhưng Faunus vẫn được duy trì biểu tượng và sự thờ phụng. Không có nhiều bằng chứng cho thấy gốc tích của Faunus với các bộ lạc của Latins hay Sabines, nhưng truyền thuyết lại khẳng định Faunus là cháu trai của Saturn – vị thần được Varro liệt kê trong danh sách thần xuất xứ từ Sabines.

Theo Varro, từ “Saturn” bắt nguồn từ  “satus”, với ý nghĩa “gieo hạt”. Một lý giải khác cho nguồn gốc của Saturn đó là sự biến chuyển từ vị thần phân bón Sterquilinus (12). Cho dù sự lý giải nguồn gốc như thế nào thì Saturn ban đầu vẫn khẳng định chức năng của vị thần này là thần bảo trợ nông nghiệp, mang lại mùa màng tốt tươi. Saturn được đồng nhất với thần Satre của người Etruscan, vị thần cai trị khu vực phía tây bắc tối tăm và đáng sợ, thường ném những tia sét từ lòng đất và mang đến sự hủy diệt. Có lẽ đây là mối liên đới giữa Saturn với địa ngục. Nghi lễ đấu vật và hiến tế đầu người cho thần Saturn được duy trì trong quá trình phát triển của đế chế La Mã và được ghi chép lại trong các sử liệu ở thế kỷ thứ III (13).

Saturnalia by Antoine Callet.jpg
Nghi lễ Saturnalia trong tranh của Antoine Callet (1783)

Khi người La Mã xâm lược Hy Lạp và đưa các vị thần Hy Lạp vào hệ thống tín ngưỡng của mình, Saturn còn được đồng nhất với titan Chronnus, tương trưng cho thời gian. Nhưng khác với Chronus vốn là kẻ thù của 12 vị thần Olympus và bị đầy dưới địa ngục, Saturn giữ vị trí cao trong cộng đồng La Mã với vị trí đền thờ nằm trên đồi Capitol tại Roma. Một nghi lễ có tên Saturnalia được tổ chức tương đồng với nghi lễ Krona (nghi lễ của Chronus) của Hy Lạp nhưng có nhiều điểm khác biệt. Cả hai nghi lễ đều là cơ hội để toàn bộ người dân và nô lệ đánh bạc và chơi súc sắc. Tuy nhiên, điểm khác biệt dễ nhận thấy đầu tiên đó là thời gian của nghi lễ: Krona được tổ chức vào tháng 7 hoặc tháng 8, còn Saturnalia được tổ chức vào giữa tháng 12 hàng năm. Ngoài ra, trong Krona, người dân và nô lệ được giải phóng khỏi nhiệm vụ xã hội của mình để cùng tiệc tùng và chơi bời, thì trông Saturnalia, trật tự xã hội bị đảo lộn, trong đó nô lệ và ông chủ thay đổi vị trí với nhau. Sự khác biệt này không tự nhiên nảy sinh do thói quen văn hóa của người dân các làng Latin, mà đến từ lý do thất bại của đế chế La Mã trong cuộc chiến Punic II. Lúc này, người La Mã đã phải tiếp thu các yếu tố nghi lễ thờ thần Ba’al Hammon của người Carthage để tranh thủ lôi kéo sự ủng hộ của dân Carthage vì với người Carthage, Ba’al  Hammon có chức năng tương đồng với Saturn. (14)

Tuy không được Varro liệt kê vào danh sách các vị thần có nguồn gốc Sabines, nhưng thần Janus (người anh em của Saturn) lại có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên hệ với Sabines hơn so với Saturn. Janus thường được biết đến như vị thần của sự khởi đầu, vị thần hai mặt, và vị vua của các nghi lễ. Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của Janus, trong đó giả thuyết phổ biến nhất cho rằng thần chính là vị vua đầu tiên của Latium. Người Roma tin rằng Janus đã bảo vệ họ trong cuộc chiến của Latium với Sabines. Thế nhưng, vị vua Roma gốc Sabines là Numa đã xây dựng đền thờ Janus Geminus. Ngôi đền này chỉ được mở cửa trong chiến tranh và sẽ đóng cửa trong suốt thời gian hòa bình. Janus đứng hàng đầu trong số các vị thần La Mã, ngang hàng với Jupiter trong điện thờ. Với vị trí và đặc trưng của mình, Janus không có vị thần Hy Lạp có chức năng tương đương, dù rằng người ta cố gán ghép Janus với vị thần Apollo của Hy Lạp. Có thể khẳng định Janus là vị thần nguyên bản của thần thoại La Mã, và dựa trên sự trọng vọng của vua Numa dành cho ông, hoàn toàn có cơ sở để phỏng đoán Janus có nguồn gốc từ Sabines.

Janus1.JPG
Tượng Janus hai mặt tại Viện bảo tàng Vatican

Trước sự cai trị của vua Numa, Titus Tatius – vua của người Sabines đã rất tích cực mở đường cho các giáo phái Sabines du nhập vào Rome sau khi Rome và Sabines đạt được hòa ước, trong đó đáng chú ý nhất là giáo phái thờ thần mặt trời Sol. Đền thờ Sol nằm rải rác trên các khu đồi thuộc Rome trong suốt nhiều thế kỷ. Nhưng trong tiến trình lịch sử, một sự chuyển đổi mô hình và xuất xứ của Sol đã diễn ra. Vị thần Sol cổ đại có xuất xứ từ Sabines, được gọi là Sol Indiges (mặt trời bản địa), thường được tế lễ vào ngày 9 tháng 8 và ngày 11 tháng 12 hàng năm. Còn vị Sol có nguồn gốc từ Syria được du nhập vào La Mã dưới sự cai trị của Aurelian vào năm 274, được gọi là “Sol Invictus” (mặt trời chưa bị chinh phục), có nghi lễ tổ chức vào ngày Đông chí 21 tháng 12. Sol mặc dù cũng được đồng nhất với Apollo và Helios trong thần thoại Hy Lạp, nhưng phổ biến hơn, lại được đồng nhất với Janus và người phối ngẫu của Sol – Janus chính là Luna, thần mặt trăng.

Thần mặt trăng Luna cũng nằm trong danh sách những vị thần nguồn gốc Sabines của Varro. Một bằng chứng khác củng cố cho xuất xứ Sabines của Luna chính là ngôi đền của Titus Tatius xây để thờ tự Luna tại Rome. Tượng hoặc tranh thờ Luna thường miêu tả nữ thần có đôi sừng cong, hoặc đó là vương miện hình trăng lưỡi liềm. Sự gán ghép Luna với nữ thần mặt trăng Selene của người Hy Lạp không xóa nhòa được xuất xứ rõ ràng của Luna trong tín ngưỡng của người Sabines, và các thần tích của Luna cũng không tiếp thu các yếu tố trong thần tích của Selene.

Danh sách một số các vị thần khác trong thần thoại La Mã có nguồn gốc Sabines, theo Varro:

Feronia: Vị  nữ thần thu hoạch và của người tự do. Feronia thường được đồng nhất với thần tự do Libertas. Tên gọi “Feronia” có gốc từ tiếng Sabines, có nghĩa là “chưa được canh tác”.

Minerva: Nữ thần trí tuệ. Không có bằng chứng khác chứng minh liên đới với  Sabines, thần thoại cho thấy nhiều tương đồng với nữ thần Athena của Hi Lạp.

Novensides: 9 vị nữ thần của dòng nước ngọt và tiên tri của người Sabines, trong đó có nữ thần Egeria. 9 vị nữ thần này thường được đồng nhất với 9 Muses trong thần thoại Hy Lạp.

Fontus: Vị thần của giếng nước, con trai của Janus. Mộ của vua Numa nằm ngay cạnh đến thờ của thần Fontus tại đồi Janiculum, phía Tây Roma. Fontus cũng thường được đồng nhất với thần Bacchus, thần rượu nho của người La Mã.

Vulcan: Vị thần thợ rèn và núi lửa. Mặc dù chính Titus Tatius cho xây dựng đền thờ của Vulcan, nhưng không có bằng chứng khác chứng minh liên đới với  Sabines, thần thoại cho thấy nhiều tương đồng với thần Hephaestus của Hi Lạp.

Summanus: Vị thần sấm sét. Titus Tatius đã xây cho Summanus một đền thờ, không phải do chủ trương của nhà vua mà do phiếu bầu của người đân Roma, do đó không có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hê của Summanus với Sabines. Theo Martianus Capella (360-428), Summanus chính là tên gọi tối cao của Pluto.

Fortuna: Vị nữ thần của bánh xe may mắn. Không có bằng chứng khác chứng minh liên đới với  Sabines, thần thoại cho thấy nhiều tương đồng với nữ thần Tyche của Hi Lạp.

Larunda: Vị nữ thần của sự im lặng. Không có bằng chứng khác chứng minh liên đới với  Sabines, thần thoại cho thấy nhiều tương đồng với tiên nữ Muta hay Tacita của Hi Lạp.

Terminus: Vị thần bảo vệ các mốc biên giới, đảm bảo hòa bình. Các tác giả cổ đại thống nhất rằng Terminus là vị thần có nguồn gốc Sabines và được du nhập vào Rome bỏi Titus Tatius hoặc Numa.

Ops: Nữ thần mùa màng và thần đất, vợ của Saturn. Đền thờ của nữ thần Ops được xây dựng bởi vua Titus Tatius.  Không có bằng chứng khác chứng minh liên đới với  Sabines, thần thoại cho thấy nhiều tương đồng với titan Rhea, vợ của Chronus.

Hà Thủy Nguyên

Chú thích

(7) Tiểu luận “Rape and consequences in the Latin declamations”, Packman ZM (January 1999).
(8) The Imperial Cult in the Latin West, Duncan Fishwich (1993), trang 53.
(9) The Beginnings of Rome, Cornell, trang 115
(10) The Religious Experience of the Roman People (London, 1922), trang 108. – Tác giả William Warde Fowler.
(11) ] Ab urbe condita, Livy, 1:19
(12) A journey through the American cloaca, Frederick Kaufman, bài đăng tải trong Harper’s Magazine, Tháng 2 năm 2008: Wasteland.
(13) “Saturnus and the Saturnalia,” Versnel, trang 146 và 211–212.
(14) “Rome and Carthage at peace”, Robert E.A Palmer, 1997, trang 63-64

Thần thoại La Mã (1): Thần thoại lập quốc và truy tìm gốc tích thực sự của cặp đôi Mars & Venus

Thần thoại La Mã bao gồm các truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc và hệ thống tín ngưỡng thời La Mã cổ đại (753 BC–476 AD). Những người La Mã xưa kia thường coi những truyền thuyết này là lịch sử, ngay cả khi các câu chuyện có mang đậm các yếu tố siêu nhiên, thường gắn với các ý niệm về chính trị và đạo đức. Xuất xứ đầu tiên của thần thoại La Mã có lẽ liên đới tới tín ngưỡng Etruscan.

Thần thoại La Mã (3): Ảnh hưởng từ thần thoại Hy Lạp đã đưa các tiểu thần yếu ớt như Neptune, Pluto, Juno… thành thần tối cao

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives – Book Hunter Sự ảnh hưởng của thần thoại Hy Lạp tới thần thoại La Mã chuỗi phức tạp khó phân định, dù rằng ta có thể dễ dàng tìm thấy các vị thần ở La Mã tương ứng với thần Hy Lạp. Qua những phần I, II, một  điểm dễ nhận thấy đó là dù là vị thần bản địa hay du nhập thì vẫn đều trải qua sự đồng nhất với các thần