Nhân đọc “Lịch sử Thượng Đế – Hành trình 4000 năm Do Thái giáo, Kito giáo, Hồi giáo” của Karen Amstrong
“Con người là con vật tinh thần” – Karen Amstrong
Nhận định này không hề tương phản với nhận định của Aristotle trong “Chính trị luận” rằng “Con người là sinh vật mang tính chính trị”; mà thể hiện một khía cạnh khác của con người: đời sống tinh thần – thứ bản nguyên sơ khai nơi con người. Trong cuốn sách “Lịch sử của Thượng Đế – Hành trình 4000 năm Do Thái giáo, Kito giáo, Hồi giáo”, thật kỳ lạ, Karen Amstrong thể hiện một cái nhìn trân trọng với Thượng Đế của Aristotle – Thượng Đế của lý trí và đức hạnh, hoàn toàn khác biệt với những Thượng Đế sáng thế trong các tôn giáo sơ khai. Trong suốt cuốn sách của mình, Karen Amstrong đã phân loại một cách rõ rệt những mô hình Thượng Đế, chỉ ra các đặc trưng của từng mô hình, và phân tích những chuyển dịch và tương tác của chúng với nhau. Thông qua cuốn sách, ta dễ dàng nhân thấy rằng Thượng Đế dường như không phải là Đấng Một Duy Nhất mà mọi hình tướng chỉ là sự phóng chiếu tâm thức của các cộng đồng dân cư.
Từ nhãn quan hòa hợp tôn giáo
Xuất phát là một sơ thuộc Công giáo La Mã chính thống, nhưng Karen Amstrong không viết một cuốn lịch sử Thượng Đế với nhãn quan Thần học Công giáo. Xuất phát điểm của bà tạo cho bà một nền tảng vững chắc về Thượng Đế, nhưng những gì tạo nên sự xuất sắc của cuốn sách lại là phương pháp sử học kết hợp với nhân học với nhãn quan hòa hợp tôn giáo toàn cầu. Karen Amstrong gia nhập tu viện vào năm 18 tuổi khi bà bắt đầu học đại học, và đây là quãng thời gian khó khăn của bà. Bà đã kể lại rằng tu viện lạm dụng thân thể và tâm lý của bà, từng trói bà bằng các sợi dây xích có gai và thường xuyên đánh đập bà. Năm 25 tuổi, bà rời khỏi tu viện và hoàn toàn bước vào đời sống thế tục. Bà tiếp tục theo đuổi các nghiên cứu về thơ Tennyson và theo đuổi bằng Tiến sĩ Triết học, nhưng cũng gặp không ít cản trở. Vượt qua nhiều nghịch cảnh, Karen Amstrong đã từng bước khẳng định những hiểu biết và tư tưởng của mình về tôn giáo, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy hòa hợp tôn giáo, nâng cao các hiểu biết về nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới.
Ngay từ chương đầu tiên trong “Lịch sử Thượng Đế”, Karen Amstrong đã tâm sự:
“Điều kỳ lạ là, Thượng Đế rất ít được nhắc đến trong bất kỳ đề tài nào trên đây. Sự chú ý dường như chỉ đặt vào các chi tiết phụ và những khía cạnh hời hợt bề ngoài của tôn giáo. Tôi vật lộn với bản thân tong việc cầu nguyện, cố buộc tâm trí phải gặp Thượng Đế nhưng người vẫn mãi là một đốc công lạnh lùng, luôn theo dõi từng hành vi vi phạm Luật Dòng của tôi, hoặc vắng mặt như trêu ngươi. Càng đọc nhiều về trạng thái xuất thần của các vị thánh, tôi càng cảm thấy mình là một kẻ thất bại. Tôi bất hạnh nhận ra rằng, một chút trải nghiệm tôn giáo tôi có được, thì cách nào đó là do chính tôi đã tạo ra khi gò ép những cảm nghĩ và trí tưởng tượng của riêng mình. Đôi khi ý nghĩa của việc dâng mình chỉ là một ứng đáp thẩm mỹ trước vẻ đẹp của Thánh ca và nghi thức phụng vụ. Nhưng chẳng có gì thật sự xảy đến với tôi từ một nguồn mạch vượt lên ngoài tôi. Tôi chưa bao giờ thoáng thấy một Thượng Đế như được mô tả bởi các tiên tri và các nhà thần bí. Jesus Kito, đấng chúng ta nói đến còn nhiều hơn Thượng Đế, dường như cũng chỉ là một nhân vật thuần lịch sử, có mối liên hệ chặt chẽ với mạt kỳ cổ đại. Tôi cũng bắt đầu có những nghi ngờ trầm trọng về một vài tín điều của Giáo hội. Làm thế nào mà ai đó có thể biết chắc rằng người đàn ông tên Jesus là Thượng Đế nhập thế và một niềm tin như vậy có ý nghĩa gì? Có phải Tân Uước thật sự truyền dạy tín điều phức tạp – đầy mâu thuẫn – về Chúa Ba Ngôi (Tam vị Nhất thể), hay là giống như nhiều trình thuật khác về đức tin, đây có phải là chuyện bịa đặt của các nhà thần học nhiều thế kỷ sau cái chết của Chúa Jesus ở Jerusalem.” (Trang 17)
Từ động lực ấy, Karen Amstrong đã thực hiện một cuộc lội ngược dòng lịch sử từ các vị thần sáng thế của văn minh Sumer, Babylon, Canaan, rồi dẫn đến mô hình Thượng Đế trong Do Thái giáo, Ki to giáo, Hồi giáo trong sự đối sánh với các Thượng Đế của Ấn Độ giáo và Thượng Đế của các triết gia. Thật là một công trình kỳ vĩ mà có lẽ không phải một người luôn khao khát tìm Thượng Đế thì không thể có động lực tìm kiếm rộng khắp và dung chứa đến thế. Tựa như, mọi cánh cửa dẫn đến Thượng Đế nơi bà đều đã được mở tung, chỉ đợi Thượng Đế bước vào. Những cánh cửa ấy, về bản chất là “cách thức con người đã tri nhận Ngài”. Và bà đã định vị cuốn sách rất rõ ràng:
“Cuốn sách này không phải một lịch sử về thực tại khôn tả của Thượng Đế tự thân, cái vượt quá ngoài thời gian và sự thay đổi, mà là một lịch sử về cách thức con người đã tri nhân Ngài từ thời Abraham đến nay. Ý tưởng của con người về Thượng Đế có một lịch sử, bởi nó đã luôn luôn có nghĩa là thứ gì đó đôi chút khác nhau qua mỗi nhóm người đã sử dụng nó tại thời điểm khác nhau. Ý tưởng về Thượng Đế được hình thành ở một thế hệ bởi một nhóm người có thể là vô nghĩa ở một nhóm khác.” (Trang 21)
Thượng Đế trong tâm thức sơ khai
Quan điểm của Karen Amstrong rằng niềm tin của con người vào Thượng Đế là niềm tin sơ khai nhất, nguyên bản nhất của con người xuất phát từ luân thuyết của Cha Wilhem Schimidt (1868 -1954) trong “Nguồn gốc ý niệm về Thượng Đế” về thứ chủ nghĩa độc thần ban sơ trước khi con người thờ phụng đa thần. Thượng Đế đối với những người nguyên thủy là tối cao, dù có thể được gọi bằng các tên khác nhau trong nhiều nền văn hóa. Và bởi vì sự xa cách của vị thần tối cao này đối với con người, nên vị Thượng Đế bất khả tri ấy dần dần được thay thế bằng các vị thần thấp hơn. Hẳn là Cha Wilhem Schimidt và Karen Amstrong đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng tìm kiếm Thượng Đế Tối Thượng mà các hình tướng của ngài bị khúc xạ qua các nền văn hóa khác nhau, hình thành nên các tôn giáo khác nhau. Thượng Đế chung của toàn thể nhân loại trở thành một tín điều mà những nhà hoạt động tôn giáo tiến bộ sử dụng để thúc đẩy tự do và hòa hợp tôn giáo. Đây không phải quan điểm hoàn toàn mới mẻ, mà đã được các nhà truyền giáo Tin Lành sử dụng khi tiếp cân với các cộng đồng thiểu số tại các quốc gia thuộc địa khi họ cố gắng đồng nhất Thượng Đế Kito giáo với vị thần Tối Cao bản địa. Bằng cách này, một số dòng của Công giáo và Tin Lành đã dễ dàng xâm nhập vào đời sống tín ngưỡng tại các cộng đồng này.
Nhưng Karen Amstrong cũng thú nhân rằng chẳng có gì làm bằng chứng để chứng minh luân thuyết về vị Thượng Đế Tối Cao Duy Nhất muôn hình tướng này, bà chỉ có thể chắc chắn về mong muốn được gắn kết với tính thiêng vô hình trên khắp thế giới, dù cho thời đại khoa học cố giới hạn viễn kiến của loài người trong thế giới hữu hình và vật chất. Sự mong muốn ấy đến từ khát khao lý giải cội nguồn của tồn tại, và thế là các vị thần Sáng Thế được tạo ra. (trang 28)
Mẹ Vĩ Đại là mô hình thần Sáng Thế ban sơ nhất, từ thời Đồ Đá, khi khả năng sinh sản được tôn thờ trong các xã hội mẫu hệ. Những bức tượng nữ thần mang thai khỏa thân trở thành biểu tượng của Đấng Sáng Thế cổ đại. Dần dần, sự Sáng Thế được đa dạng hóa bằng cách hỗn hợp với các vị thần khác đại diện cho nhiều cõi giới khác nhau. Những trường ca về sự Sáng Thế phức tạp dần được kiến tạo, mà trong đó Enuma Elish của người Babylon đặc biệt được đề cập đến. Người Babylon cho rằng Thượng Đế được sinh ra từ bản chất tâm linh của vạn vật mà trong trường ca Enuma Elish gọi là “thể lỏng vô định hình” sẵn có thần tính tồn tại muôn đời, và Thượng Đế bao gồm 3 vị: Apsu (thần nước của các dòng sông), Tiamat (thần biển) và Mummu (ổ chứa hỗn loạn). Từ đó những vị thần khác được khai sinh cho đến khi vị thần ở dạng hoàn hảo nhất là Marduk chịu trách nhiệm cai quản toàn bộ vòm trời và thế giới con người bằng trật tự và luật lệ. (trang 36) Trường ca sáng thế của Babylon tương đồng với nhiều thần thoại sáng thế khác ở khu vực Địa Trung Hải như Hy Lạp, Ai Cập… Sự tiến hóa này được biểu hiện qua cuộc chiến của các vị thần, trong Enuma Elish là cuộc chiến của Marduk lật đổ Tiamat để giành ngai vị Thần Tối Cao.
Toàn bộ quá trình diễn tiến này bị lược bỏ trong hệ thống tín ngưỡng của Do Thái giáo, và sau này cả Kito giáo và Hồi giáo, tuy nhiên vẫn lưu dấu trong thần thoại của vùng Canaan. Canaan là địa danh xuất hiện trong Cựu Ước và gắn liền với dân tộc Do Thái. Theo mô tả thì Canaan tương ứng với vùng Levan, ngày nay là Liban, Israel, Palestin, bờ Tây Jordan và Tây Nam Syria. Thuật ngữ Canaan còn được sử dụng để chỉ tộc người tại khu vực này mà nay đã bị tiêu diệt, với niên đại trong khoảng cuối thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên. Thần thoại của người Canaan đã kể lại về cuộc chiến Sáng Thế khi Yam và Baal cùng chung sống với thần El tối cao. Baal đã đánh bại Yam và chuẩn bị kết liễu Yam thì Ashera (vợ của El và mẹ của chư thần) đã thuyết phục Baal tha cho Yam. Trong cuộc chiến này, Yam đại diện cho sông biển thường đe dọa sự sụt lún đất đai còn Baal là thần bão tố mang lại sự màu mỡ và phồn thịnh. Baal trở thành vị thần tối cao. Thế nhưng, Baal không bất tử, ông chết và bị lưu đày trong thế giới của thần chết Mot. Ashera đã thực hiện nghi lễ tôn vinh Baal, trừng phạt Mot và sau đó tái sinh Baal bằng cách hợp nhất với người chị gái đồng thời là phối ngẫu của ông – Anat. Sự tái sinh này được tôn vinh bằng các nghi thức tình dục của người Canaan cổ đại và gắn liền với tín ngưỡng phồn thực. (trang 38-39)
Sự thay đổi mô hình Thượng Đế từ El của người Canaan sang Yahweh của Do Thái do Abraham truyền giảng lại không có sự xung đột rõ rệt, mà biểu hiện mờ ảo thông qua các lớp tính cách. Abraham đã rời bỏ Ur (tiếng Sumer là Urim), ngày nay thuộc miền Nam Iraq, sát rìa cửa sông Euphrates trên vịnh Ba Tư để tới Canaan vào khoảng thiên niên kỷ III TCN. Qua những truyện kể của Cựu Ước, ta biết được rằng ông làm việc cho vua Sodom và thường xuyên có những xung đột lợi ích với các quý tộc Canaan. Con cháu của Abraham đã hình thành nên 12 chi tộc Israel, di cư sang Ai Cập và rồi lại từ Ai Cập quay lại Canaan. Những nười Israel cổ đại này đã kể rằng họ bị người Ai Cập bắt làm nô lệ và được giải thoát bởi vị thần Yahweh – Thượng Đế xuất hiện cùng với câu chuyện về Moses (trang 40). Trong các kinh sách của người Do Thái giáo và Kito giáo, sự lẫn lộn giữa Yahweh và Elohim (cách gọi khác của El) thường xuyên xảy do tình trạng các nhà tiên tri Do Thái gọi Thượng Đế theo cái tên mà họ cảm thấy quen thuộc. (trang 41)
So với thần thoại Sáng Thế của Enuma Elish, Yahweh và công cuộc Sáng Thế của ông hoàn toàn khác biệt. Thế giới không phải được tạo bởi các vị thần mà được tạo bỏi một vị thần duy nhất có tên Yahweh. Karen Amstrong đã đặt ra một câu hỏi đầy băn khoăn: Ai là Yahweh? Chắc chắn Yahweh không phải là vị thần Sáng Thế El sẵn sàng rời bỏ ngai vàng, tự rạch mặt mình để hồi sinh cho người con trai Marduk của mình. Yahweh tạo ra người con trai Adam từ bùn đất và thổi sinh khí của mình để tạo ra sự sống cho Adam, và đương nhiên cũng không tỏ ra một chút xót thương gì khi để Adam cũng như con cháu của ông phải chịu đựng cái chết. Không giống vị thần El luôn hướng đến sự phồn sinh cho con người, Yahweh luôn tạo ra trừng phạt và đe dọa đối với những con người không tuân phục. Amstrong cho rằng rất có thể Thượng Đế của Abraham ban đầu là El – vị thần có thể đàm phán với Abraham, và đó có thể là lý do cho sự ra đời của tên gọi “Israel”, thế nhưng dần dần đã bị thay thế bởi Yahweh bởi các trải nghiệm khi tương tác với Yahweh quá khủng khiếp. Amstrong đưa ra giả thuyết rằng Yahweh có lẽ xuất phát điểm là một vị thần của chiến tranh có tên là Sabaoth (trang 51), có nguồn gốc từ Exodus và Isaiah. Sabaoth được xuất hiện trong Sách của Samuel và Thánh Thi David và coi đó là “Đức Chúa Trời của các đội quân Israel”, với vai trò lãnh đạo các chủ thể trên trời, biểu thị cho Đức Chúa Trời. Tên gọi này tương ứng với cấu trúc Thượng Đế Yahweh và các tổng lãnh thiên thần có hậu tố “el” trong tên của mình như Michael, Gabriel, Rafael…
Amstrong tuy không khẳng định, nhưng cũng đưa ra những gợi mở về giả thuyết mối quan hệ của Yahweh và cư dân vùng Midian. Bà dưa ra lập luận rằng Midian chính là nơi nhà tiên tri Moses đã có thị kiến đầu tiên về Yahweh, khi ông đang trú ẩn và cưới vợ tại đây. Khi ông đang trông đàn cừu cho bố vợ, ông thấy một dấu hiệu lạ: bụi gai đang cháy, nhưng không bị thiêu. Khi tới gần, Yahweh đã gọi tên ông và Moses đã đáp lại. Vị Yahweh này đã tự xưng là “Thượng Đế của cha ngươi, Thượng Đế của Abraham, Thượng Đế của Isaac và Thượng Đế của Jacob.” Khi Moses hỏi về tên của vị Thượng Đế này, Yahweh đã trả lời bằng kiểu chơi chữ “Ta Là Đấng Ta Là” một cách mơ hồ. (trang 54) Và vị Thượng Đế này đã giúp Moses rẽ biển cho dân Do Thái sang Canaan với giao ước về sự thờ tự dành cho Yahweh. Nhưng khi tới Canaan, người Do Thái lại chuyển sang thờ thần Baal với năng lực mang lại sự trù phú, và đã khiến Yahweh tức giân trừng phạt cho đến khi đạt được giao ước bền chặt về tín ngưỡng. Quay trở lại với vấn đề khu vực Midian, các nhà khảo cổ học gần như không thể xác định được khu vực cụ thể của Midian bởi các vết tích của cư dân Midian để lại rải rác trong một khu vực quá rộng lớn tại Trung Đông, do đó, họ đề xuất một cách hiểu hợp lý hơn, đó là Midian không phải là vùng đất mà là cách chung để gọi nhóm sắc tộc sống rải rác khắp Trung Đông. Theo Karel van der Toorn, “vào thế kỷ 14 trước Công nguyên, trước khi sự sùng bái Yahweh đến được với người Israel, các nhóm người Edomites và Midianites đã tôn thờ Yahweh như vị thần của họ.” Mối liên hệ phức tạp với Midian cùng với sự không tuân thủ giao ước của người dân Israel càng cho thấy rằng Yahweh không phải vị Thượng Đế nguyên bản của người Do Thái, còn bản thân Yahweh trong suốt Kinh Cựu Ước cũng phải hết lần này đến lần khác chứng minh quyền lực của mình bằng ban thưởng và trừng phạt.
Mô hình Thượng Đế của Yahweh có thể nói là độc nhất vô nhị, không những khác biệt với El hay các thần Sáng Thế trong khu vực Địa Trung Hải mà còn khác biệt căn bản với toàn bộ các nền văn hóa khác như Trung Quốc, Hindu giáo, Bái Hỏa giáo… Karen Amstrong đã làm một so sánh đơn giản về mô hình của Thượng Đế của Do Thái giáo vào Thượng Đế của người Aryan từ vùng Iran (cũng thuộc Trung Đông) ảnh hưởng sang thung lũng Indus. Các vị Thượng Đế của Ấn Độ tồn tại tách biệt hoàn toàn với thế gian và “các thần không còn được xem là những hữu thể tồn tại bên ngoài những người thờ phụng, thay vào đó con người cố đạt đến một sự hiện thực hóa nội tại về chân lý.” Thượng Đế với người Ấn Độ cổ đại chính là Đại Ngã. (trang 65-66) Còn trong Phật giáo – tôn giáo phát sinh từ chính Ấn Độ giáo, Thượng Đế không tồn tại mà tồn tại một Thực Tại Tối Thượng, được gọi là Niết Bàn, tương tự như Thượng Đế trong khía cạnh tâm linh. Tuy nhiên, những người tu luyện Phật giáo chối bỏ sự so sánh này vì họ cho rằng khái niệm ấy “quá hạn hẹp để diễn tả quan niệm của họ về thực tại tối thượng”. (trang70,71,72).
Từ Đấng Messiah đến Thượng Đế trong hình dạng con người
Đức Jesus được người Do Thái ở Palestine thờ là Đấng Messiah – danh xưng cho vị thánh cứu tinh, người đã “cùng Thượng Đế”, là “Con Thiên Chúa”. “Jesus dường như là môn đệ của John Thánh Tẩy, có lẽ thuộc giáo phái Essenes lang thang khổ hạnh. John coi thiết chế Jerusalem là thối nát vô vọng và giảng dạy các bài thuyết giáo chỉ trích gây gắt. Ông thôi thức dân chúng hãy ăn năn sám hối và đón nhân nghi thức thanh tẩy Essenes bằng việc rửa tội trong nước sông Jordan.” (trang 139) Essenes là một cộng đồng tôn giáo phát triển vào khoảng thế kỷ II TCN, rải rác trên khắp Judaea của La Mã. Tôn giáo này tập hợp những người nghèo khổ tự nguyện (mà cũng có thể là xuất phát từ tầng lớp nghèo khổ), tụ họp và thực hành khổ hạnh, sống độc thân, giữ bí mật và thực hiện nghi lễ Thanh Tẩy bằng cách nhúng người vào nước sông Jordan vào mỗi buổi sáng, ăn cùng nhau sau cầu nguyện, cống hiến hết mình cho từ thiện và nhân từ, tiết chế cơn giận và lưu tâm đến tên của các thiên thần trong các tác phẩm thiêng thần bí của họ. Nhiều học giả cho rằng Essenes ly khai khỏi giáo phái Zadokite xuất phát điểm từ dòng dõi của linh mục cao cấp Zadok trông coi đền thờ của vua Solomon. Giáo đoàn của John Thánh Tẩy là lực lượng đầu tiên thừa nhận Jesus như một Đấng Messiah.
Karen Amstrong đã phân định sự tách bạch giữa các rao rảng do đệ tử của Jesus thiết lập sau khi Jesus chết với “bản chất Do Thái đích thực” trong sự nghiệp của một Đấng Messiah của ông bao gồm: hành khất truyền giảng, chữa bệnh và trục quỷ. Trong khi đó, các đệ tử của Jesus lại rao giảng rằng ông chính là Thượng Đế trong hình thể con người, điều mà chính ông cũng không hề khẳng định, mà chỉ dừng ở vai trò Con Thiên Chúa – tương đương với Đấng Messiah; và chính Jesus cũng thường gọi mình là “Con Người” – “Aram”. (trang 141,142) Trong Phúc Âm, Jesus nhiều lần xuất hiện với sự miêu tả thần thánh: “khuôn mặt người sáng như mặt trời và y phục người trở nên trắng như ánh sáng”, thế rồi “Moses và Elijah đại diện cho Lề luật và Tiên tri bỗng nhiên xuất hiện bệnh cạnh ông và cả ba cùng đàm đạo”. Theo các đệ tử của ông, Jesus cũng thường xuyên hứa ban phát quyền năng của Thượng Đế cho các môn đệ có “đức tin” (trang 142). Sự giao rảng về Nước Chúa cũng là một tín điều phổ biến trong cách sách Phúc Âm, nơi mà các đệ tử hiện diện vượt khỏi thân phận phàm tục và hữu hạn của con người. Cùng với đó, Thánh Paul đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của tín ngưỡng và tín điều liên quan đến Jesus ra bên ngoài cộng đồng Do Thái, tới các xứ sở khác mà ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia và Hy Lạp. Karen Amstrong cho rằng, coi Jesus là hóa thân của Thượng Đế trong hình dạng con người là rất nguy hiểm, gây ra sự mâu thuẫn lớn ngay với người Do Thái và Hồi giáo. (trang 143) Thánh Paul, trong quá trình mở rộng sự truyền đạo với những cộng đồng ngoài Do Thái đã buộc phải loại bỏ tín điều này, thay vì đó ông vẫn gọi Jesus là Đấng Messiah và cọi Jesus là “sự thay thế cho Kinh Torah như một sự mặc khải chính thức của Thượng Đế cho thế gian”, và Jesus vẫn sống ở một thế giới khác – tức Nước Chúa, rằng cái chết của Jesus là để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại và mang đến đời sống mới cho nhân loại.
Dầu vậy, vẫn thật khó khăn cho các Kito hữu để truyền đạo cho những người bên ngoài Do Thái, những người hoàn toàn xa lạ với khái niệm về Yahweh, và vốn dĩ có hệ tín ngưỡng riêng biệt. Và thế là các Kito hữu đã quay ngược lại với hai yếu tố: Một là bản tính thần thánh nguyên sơ của vũ trụ, vốn luôn xuất hiện trong tất cả các thần thoại Sáng Thế, thông qua các truyền giảng của thánh Paul mà trong đó các vị thần cổ xưa trở thành trung gian của con người và Thượng Đế duy nhất. Hai là triết học thông qua thánh Justin (100-165), người đã từng “bái sư” của phái Khắc Kỷ, của Aristotle và học thuyết của Pythagoras. Thánh Justin đã diễn giải khái niệm Logos phổ biến trong triết học qua lăng kính của Ngôi Lời và đã thuyết phục Hoàng Đế La Mã Antonio ngưng đàn áp Kito giáo, và từ đó, thật dễ dàng để biến các triết gia như Plato hay Aristotle trở thành các Kito hữu trong vô thức (chỉ vì đã sử dụng khái niệm “logos”). (Trang 159,160) Trước đó, Thượng Đế Yahweh đã được đồng nhất với Thượng Đế của các triết gia Hy Lạp của Plato và Aristotle trong phong thái ung dung tự tại, không bị khổ đau hoặc thay đổi (khác biệt hoàn toàn với cách hành xử của Yahweh trong Cựu Ước. Thượng Đế được triết học hóa này được mô hình rõ nét trong các trước tác của thánh Clement (thế kỷ I SCN).(trang 165) Sự gần gũi với các triết gia Hy Lạp này đặc biệt đã thuyết phục được Hoàng Đế Constantine trở thành một Kito hữu và cho hợp pháp hóa Kito giáo. Từ đó, các tín đồ Kito giáo có thể sở hữu đất đai, tự do thờ phụng, còn Kito giáo lần đầu tiên trở thành một quốc giáo của một đế chế rộng lớn. (trang 178,179)
Nhưng thật trớ trêu, ngay tại thịnh thế của Kito giáo tại đế quốc Constantinope, dưới triều đại của vua Constantine, sự tranh cãi về Thượng Đế và tình trạng nhập thể của Jesus lại nẩy sinh: một bên vẫn tin tưởng rằng Jesus chính là hóa thân của Thiên Chúa, còn một bên khác coi sự hóa thân ấy là báng bổ. Cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi không chỉ trong nội bộ các giám mục mà còn cả toàn bộ dân chúng. Hoàng Đế Constantine đã phải can thiệp và triệu tập hội nghị giám mục ở Nicaea thuộc Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề này. Một học thuyết mới được đề xướng mang đậm chất triết học: Thượng Đế khởi sinh từ Hư Vô, mà trong đó Jesus thông qua con đường chiêm niệm về sự toàn hảo của Thượng Đế mà trở nên vĩ đại, trở nên cùng bản tính với Thượng Đế, trở thành Một với Thượng Đế. Đây là học thuyết do Athanasius tổng giám mục của Alexandria đã áp đảo trong cuộc tranh luận tại hội nghị. (trang 182,183) Mặc dù vậy, những xung đột này vẫn tiếp tục bén rễ xoay quanh quan điểm rốt cuộc Jesus có phải Thiên Chúa hay không, và một hệ thống Ba Ngôi dần dần được hình thành để khỏa lấp các xung đột. Trong đó, Chúa Cha (Yahweh) – Chúa Con (Jesus) – Chúa Thánh Thần (tức thần tính mà thánh Paul rao giảng) là các biểu hiện của Thượng Đế. Tuy nhiên, không thể nhầm lẫn Chúa Ba Ngôi với Thượng Đế Tối Thượng, bởi vì đây chỉ là 3 biểu hiện mang tính tượng trưng cho ý niệm rằng Thượng Đế hoàn toàn có thể biểu hiện toàn vẹn qua mọi hành động. Do đó, chiêm nghiệm về Chúa Ba Ngôi hay chiêm nghiệm về sự biểu hiện của Thượng Đế ở thế gian trở thành một trải nghiệm tôn giáo đầy hứng khởi cho các linh mục (trang 192,193) mà nổi tiếng nhất là trải nghiệm nhiều thang bậc của thánh Augustine.
Khi Thượng Đế không chỉ thuộc về các Kito hữu
Các Kito hữu giữ tình thế độc quyền chân lý về Thượng Đế trong một thời gian dài bằng cách biến Jesus trở thành sự biểu hiện toàn vẹn của Thượng Đế với thế gian, đến mức họ không thể chấp nhân được sự xuất hiện của một đấng Messiah khác từ vùng đất Ả Rập – nhà tiên tri Muhammad. Nhà tiên tri Muhammad có lẽ thuộc dòng dõi của những người Quraysh du mục ở thảo nguyên Ả Rập. Người Quraysh là hậu duệ của Ishmael, người con trai đầu lòng của Abraham nhưng lại không phải là con trai cả. Abraham đã giao cho Ishmael cai quản một vùng đất khác bên ngoài Israel, và vùng đất đó được tin rằng chính là Ả Rập. Vào khoảng thế kỷ thứ VI, người Quraysh đã thoát khỏi đời sống gian truân bằng thương mại, và dần dần biến thánh địa Mecca trở thành nơi định cư quan trọng nhất Ả Rập, và đi kèm với đó là sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản hoang dã trọng vật chất và sớm muộn thứ này sẽ khiến cho bộ tộc tan rã vì con người thay vì chăm lo cho cộng đồng thì chỉ tôn thờ tiền tài. Chứng kiến sự suy đồi ấy, Muhammad – cũng là một thương gia, đã nhân thấy rằng cần có một hệ tư tưởng để giúp người Quraysh không lầm đường lạc lối. (Trang 216)
Trước khi Hồi giáo (tôi xin phép từ đây được gọi là Islam, mặc dù dịch giả của cuốn sách sử dụng thuật ngữ Hồi giáo, bởi vì “Hồi giáo” là cách phiên âm Hán Việt không chính xác), tại Ả Rập cũng từng xuất hiện những hệ tư tưởng muruwah để trau dồi tinh thần, nhưng không phát triển thần thoại học để giải thích về thế giới thiêng, cũng không có khái niệm về hậu kiếp, nhưng lại thấm thía về ý nghĩa của cái chết và bóng tối – thứ họ thường xuyên phải đối mặt. Muruwah chính là lòng can đảm trong chiến đấu, sự chịu đựng khổ đâu và tận tâm tuyệt đối dành cho bộ tộc, và có lẽ đây chính là tư tưởng mầm mống dẫn đến chủ nghĩa khủng bố. Các gia tộc tại Ả Rập lúc bấy giờ rất đề cao trả thù theo cách: khi thành viên của bộ tộc của mình bị giết bởi người của bộ tộc khác, thì họ sẽ đòi bộ tộc ấy phải giết một người để đền mạng chứ không trừng phạt đích danh sát nhân.Tinh thần Muruwah tuy đã giúp các tộc Ả Rập an toàn trong nhiều thê skyr nhưng đến thế kỷ VI thì đã không còn thích hợp nữa, bởi vì sự lớn mạnh của đế chế Ba Tư Sassanid và Byzantium đã đe dọa đến sự tự trị của các bộ tộc này. (Trang 217)
Muhammad đã thay đổi tình thế rời rạc của các bộ tộc Ả Rập bằng cách mang đến “một tinh thần thích hợp với truyền thống của họ”. Muhammad trong một lần cầu nguyện trong hang nhỏ ở đỉnh Hira vào lễ chay Ramadan đã khơi lại tinh thần của Al-Lah – Đấng Tối Cao của người Ả Rập, với nghĩa được hiểu là Thượng Đế. Nhưng khác với các nhà tiên tri Kito giáo và Do Thái giáo, Muhammad không bao giờ nhân mình là nhà tiên tri được Al-Lah gửi tới. (trang 220) Những thị kiến xuất hiện với Muhammad mang đầy xung đột: Đầu tiên là sự e sợ bản thân trở thành một kakhin (một dạng đồng cốt) của Jinn (một quỷ thần thống trị Ả Rập luôn tìm cách dụ dỗ con người làm điều xấu), và trong lúc ông định tự tử để cưỡng lại thì Tổng lãnh thiên thần Gabriel xuất hiện và mang đến cho ông những mặc khải. Không giống như Abraham hay Jesus, Muhammad coi mặc khải là một trách nhiệm nặng nề, và ông đã chủ động chuyển hóa toàn bộ những mặc khải này thành một viễn kiến chính trị và một áng văn chương đẹp đẽ, được gọi là Kinh Qu’ran. (trang 225,226) Ban đầu, Muhammad không hề kỳ vọng bản thân sẽ trở thành một thủ lĩnh của một tôn giáo độc thần và một hệ thống chính trị thần quyền, mà chỉ xác định rằng “Al-Lah phái ông đến để cảnh báo người Quraysh về những hiểm họa trong tình cảnh của họ”.(trang 227) Do đó Kinh Qu’ran không dạy điều mới, mà chỉnh mnag tính chất như những lời nhắc nhở. Còn Al-Lah thì không thể hiện nhân tính như Yahweh mà hoàn toàn siêu việt, và trong khi Yahweh luôn đe dọa để con người có thể nhân thức được mình, thì Kinh Qu’ran khẳng định rằng con người chỉ có thể tiếp xúc được với Al-Lah thông qua trí tuệ. Đây chính là cơ sở khiến người Islam có thể tạo ra một nền tảng mạnh mẽ về khoa học tự nhiên mà không có bất cứ sự xung đột gay gắt như với Kito giáo. Trong Kinh Qu’ran cũng đề cập đến 99 danh xưng của Thượng Đế mà mỗi danh xưng lại thể hiện cho các đặc tính tôn quý, thể hiện cho quan niệm rằng Thượng Đế bao la vĩ đại vô biên. (trang 241)
Kỷ nguyên vàng Islam chứng kiến một sự hình thành mô hình Thượng Đế của các triết gia từ những người theo đuổi Falsafah. Tinh thần tôn giáo coi trọng tri thức, trong đó có cả khoa học tự nhiên, đã đưa giáo lý của Islam đến gần với triết học Hy Lạp cổ đại, và đưa Al-Lah đến gần với Thượng Đế của các triết gia, đặc biệt là Aristotle: một Thượng Đế phi thời gian, bất hoại, không lưu tâm đến thế gian, không biểu lộ bản thân trong lịch sử, không tạo ra thê giới và không phán xử nó vào ngày tân thế. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Thượng Đế này lại hoàn toàn mâu thuẫn với vị Al-Lah tạo ra muôn loài. Và thế là các Falsafah đã nỗ lực kết hợp triết học và tôn giáo, giữa mặc khải và lý trí tự nhiên bằng cách nỗ lực lý giải lời dạy trong kinh Qu’ran bằng các lý luân triết học và khoa học, nói một cách khác là duy lý hóa Thượng Đế. (trang 275-276) Phương pháp này trở nên phổ biến tại Kito giáo từ thế kỷ 19 đến nay, khi Kito giáo phải đương đầu với quyền lực của khoa học.
Thoát khỏi mô hình sơ khai hoang dã của các bộ tộc, và rồi trở thành Thượng Đế bất khả tri bởi sự hạn hẹp của lý trí, Thượng Đế trở thành điều huyền bí lớn nhất – đây là con đường của các nhà huyền môn hay còn được gọi là nhà thần bí. Các nhà huyền môn không giải thích Thượng Đế mà thông qua những thực hành mặc tưởng khác nhau để trải nghiệm Thượng Đế, tương tự với phương pháp Thiền Định hay Yoga. Và đối với nhà thần bí thì sự phân định Do Thái giáo, Kito giáo hay Islam không quan trọng, mà quan trọng trải nghiệm Thượng Đế. Họ không phân tích hay miêu tả Thượng Đế mà sử dụng nhiều dạng thức biểu hiện khác nhau như cảm xúc, con số, thơ ca… để diễn tả trải nghiệm (trang 340,341) và Thượng Đế không chỉ là giọng nói duy nhất mang tính mặc khải mà được truyền qua nhiều khía cạnh thần thánh khác nhau. Do đó, giữa các nhà thần bí và các tôn giáo chính thống luôn tồn tại một mối tương tác phức tạp: vừa xung khắc lẫn nhau, vừa gần gũi nhau ở trải nghiệm, vừa bổ trợ đức tin nhưng đồng tời cũng đe dọa đến đức tin của các tín đồ.
Suốt quá trình tiến hóa liên tục của Thượng Đế, những hoài nghi dành cho các hệ thống giáo hội chính thống, đặc biệt là Kito giáo ngày một phát triển. Phản ứng lại tình trạng này là các Tòa án Dị giáo và những lời buộc tội quan hệ với Qủy Satan giành cho những người không tuân phục giáo hội. (trang 425) Dần dân “Satan nổi lên như là bóng hình của một vị Chúa thiện lương và quyền năng dường như bất khả” đối với người Kito giáo, còn trong Kinh Qu’ran thì tuyên bố rằng Satan sẽ được tha tội trong Ngày Phán Xử Cuối cùng, và dòng Sufi thì cho rằng Satan sa ngã bởi vì y quá yêu Chúa hơn bất kỳ thiên thần nào khác. Song song với xu hướng này, giáo hội Kito giáo vẫn tiếp tục tô vẽ Satan trở thành hình tượng của “cái ác không thể kiểm soát” mà biểu tượng là con thú lớn với “sự thèm khát tình dục đến ám ảnh và có dương vật khổng lồ”; và điên cuồng tổ chức “săn phù thủy” và đàn áp các xu hướng đối lập. (trang 426)
Trong mối cảnh ấy, Martin Luther đã tái khẳng định cơn thịnh nộ của Thượng Đế bằng những lời ăn năn đầy cảm hứng về sự dằn vặt bản thân là một tu sĩ chưa thể làm hài lòng Đấng Yahweh, đồng thời bi quan về bản tính của con người. Luther tái hiện tinh thần của Thánh Paul khi đề xướng Thần học về Thập giá, rằng con người chỉ gặp Thượng Đế trong khổ nạn thay vì trong sự an yên và hoan hỉ mà các nhà thần bí vẫn nhắc đến. Thay vì diễn giải về Thượng Đế, Martin Luther đề xuất một con đường: hoàn toàn thiện lương, mà không cần phải sử dụng đến thông tin, tri thức hay sự chắc chắn. Dẫu vậy, Karen Amstrong vẫn đưa ra nhận định Luther vẫn cứ là “con người hoang mang, giân dữ và bạo lực” với tinh thần bài Do Thái cuồng bạo, ghét phụ nữ và tin rằng những nông dân nổi loạn cần bị giết. (trang 430,431) Vị Thượng Đế phẫn nộ tràn đầy trong ông đã thúc đẩy sức sống mới của Kito giáo. Cũng như Luther, các nhà thần học cải cách Kito giáo tôn thờ Chúa Duy Nhất quyết liệt tới mức phủ nhận học thuyết Chúa Ba Ngôi và muốn tách bạch Kito giáo ra khỏi sự ảnh hưởng của phương pháp Aristotle, cũng như sẵn sàng đập bỏ các ngẫu tượng như thiên thần hay Đức Mẹ (trang 435,436). Thượng Đế một lần nữa lại quay về với mô hình độc đoán, ghen tuông và trừng phạt. Để rồi, chính họ phải đối phó với một xu hướng ngày càng nhen mầm: Vô Thần. Vô Thần trở thành một khái niệm dùng để miệt thị những người đi ngược lại xu hướng ấy từ điểm nhìn của những người ngoan đạo, dù rằng những người vô thần ấy chẳng bao giờ tự nhân mình là vô thần. (trang 446)
Và rốt cuộc những tín điều quan trọng nhất của Kito giáo lần lượt bị đánh đổ bởi các nhà khoa học tự nhiên – thường được xem làm dị giáo, vô thần và bị quỷ ám. Những khám phá thiên văn của Copernicus và Galileo đã đạp đổ trật tự Thiên Đàng và Địa Ngục trong cộng đồng tôn giáo, và họ nhân ra rằng không thể đọc Kinh Thánh theo nghĩa đen và Thượng Đế đang đứng trước nguy cơ hoài nghi trên diện rộng. Dần dần, các nhà triết học Kito giáo sau phong trào Kháng Cách đã một lần nữa từ bỏ vị Thượng Đế của trí tưởng tượng “tìm kiếm sự khai Sáng từ vị Thượng Đế của lý trí.” (Trang 449,450,451) Và đến đây, dường như các nhà triết học Kito giáo đã đi lại con đường của các Falsafah, để rồi như Pascal, nhận ra rằng “niềm tin vào Chúa chỉ có thể là vấn đề lựa chọn cá nhân mà thôi.” (Trang 460) hay như Newton khẳng định rằng chúng ta chỉ biết Chúa bằng thưởng ngoạn thế giới chứ không phải qua Kinh Thánh (trang 468). “Các triết gia Khai Sáng không bác bỏ ý niệm Thượng Đế. Họ cự tuyệt Thiên Chúa tàn ác của tín điều chính thống đã đe dọa nhân loại bằng ngọn lửa đời đời. Họ phủ nhân những học thuyết huyền bí về Ngài vốn mâu thuẫn với lý trí. Nhưng niềm tin của họ vào một Đấng Tối Cao vẫn còn nguyên vẹn.” (trang 477)
Chủ nghĩa Vô Thần trỗi dậy mạnh mẽ vào thế kỷ 19 khi những diễn giải khoa học lên ngôi và dần dần con người nhận ra rằng có vẻ như Thượng Đế không tạo nên con người. Và nếu Thượng Đế chưa chết thì trách nhiệm “giết chết Thượng Đế” cần phải được thực hiện bởi những con người duy lý như Ludwig Feuerbach, Karl Marx, Charles Darwin, Friedrich Nietzsche và Sigmund Freud. Phong trào này mạnh mẽ đến mức mà giới thi sĩ, tiểu thuyết gia, triết gia thuộc phong trào Lãng Mạn phải cứu lấy tinh thần nhân loại bằng cách gợi mở đến những điều thần bí, đến tính thiêng và chỉ ra những giới hạn của lý trí. (trang 530,531) Nhưng Thượng Đế của phong trào Lãng Mạn lại hoàn toàn khác với vị Thượng Đế Yahweh cổ đại của người Do Thái và Kito hữu. Thượng Đế của họ gần với sự tự do tinh thần, và đỉnh cao của quá trình tiến hóa này, đó là con người phải trở thành Thượng Đế với thuyết Siêu Nhân của Nieztches.
Vậy thì, “Liệu Thượng Đế có tương lai?” Đây là chương cuối của cuốn sách. Một câu hỏi mở không chỉ đặt ra với nhân loại mà còn đặt ra với chính Karen Amstrong. Tuy không khẳng định một cách chắc chắn, nhưng Karen Amstrong đã hé mở một cánh cửa: rằng con người luôn khao khát tính thiêng như một thứ bản năng không thể từ bỏ, nhưng bà đã kết thúc một cách hụt hẫng ràng con người sẽ tạo ra những ngẫu tượng mới. Có lẽ, bà không đủ tin tưởng vào sự trưởng thành của nhân loại như Nieztches hay Freud. Nhãn quan này có lẽ đã hạn chế bà không tiếp cận với những phong trào tâm linh mới sau năm 1960s, khi mà Thượng Đế trở nên muôn màu muôn vẻ hơn.
Hà Thủy Nguyên
> Đọc thêm:
ĐỌC SÁCH TÔN GIÁO TÂM LINH – NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý – Book Hunter
Khảo lược tiến trình chuyển đổi nhận thức Tôn giáo – Book Hunter