Home Đọc “Ánh sáng trong bóng tối” của S.L.Frank – Tập tiểu luận về đạo đức Kito giáo trong một xã hội vô thần

“Ánh sáng trong bóng tối” của S.L.Frank – Tập tiểu luận về đạo đức Kito giáo trong một xã hội vô thần

Năm 1922, “Con tàu triết học” đã chở hơn 160 trí thức và gia đình họ bị trục xuất khỏi Liên Xô, đi từ Petrograd (tức Saint Peterburg) đến cảng biển Stettin (nay thuộc Ba Lan). Đây là những nhà triết học không đồng tình với tư tưởng của nhà nước Liên Xô, ví dụ như Sergei Bulgakov, Nikolai Berdyaev… và Semen Lyudvigovich Frank. Cũng giống như nhiều nhà triết học trên con tàu ấy, S.L. Frank mang nặng những tâm tư thời đại, và vượt trên các vấn đề thời đại để hướng tới các trải nghiệm tinh thần cao hơn. “Ánh sáng trong bóng tối – Trải nghiệm đạo đức học Kito giáo và triết học xã hội” là một trong số các trước tác nổi tiếng của ông, được xuất bản bằng tiếng Nga năm 1989. Tựa đề “Ánh sáng trong bóng tối” được lấy từ Phúc âm Yoan.1,5:  “Kai to phos en te skotia phainei kai e skotia auto ou katelaben”, có nghĩa là “ánh sáng chiếu rạng trong bóng tối, và bóng tối không chiếm lĩnh nó”(Nguyễn Văn Trọng dịch). Sử dụng hình ảnh ánh sáng và bóng tối, S.L. Frank đã có những biện luận về thời đại vô thần và hơn cả thế, những trải nghiệm Thượng Đế bên trên hiện hữu ở cõi trần gian. Sâu sắc hơn thế, ông còn viết về những biểu hiện của Thượng Đế ở cõi trần và trong kết cấu đạo đức của xã hội.

I – Chặng đường biến chuyển tư tưởng của Semen Lyudvigovich Frank

Trước hết phải nói rằng, S.L Frank không xuất thân từ một gia đình Kito giáo, mà từ một gia đình Do Thái giáo. Ông ngoại ông là sáng lập viên Hội đoàn Do Thái ở Moskva, và ông lớn lên dưới sự chỉ dạy của ông ngoại và quả thực ông đã có một tuổi trẻ được vun đắp bởi tinh thần tôn giáo. Khi lớn lên, ông theo học khoa Luật của Đại học Tổng hợp Moskva (1894), và cũng giống như nhiều người trẻ tuổi nhiệt huyết thời ấy, ông tiếp thu chủ nghĩa Marx và tham gia các hoạt động cách mạng của sinh viên. Ông hoạt động hăng hái tới mức… đã bị lưu đày ở vùng Nijni Novogorod do hoạt động cách mạng. Sau đó, ông được phép ra nước ngoài và theo học ở nhiều trường đại học khác. Thế nhưng, lúc này, tư tưởng của ông đã thay đổi, và ông đã dấn sâu hơn vào thế giới triết học.

Triết gia khiến ông “choáng váng” (chữ dùng của dịch giả Nguyễn Văn Trọng), chính là F.Nietzsche với tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế”. Ông viết: “Tôi bị chấn động không phải bởi học thuyết của Nietzsche mà bởi bầu không khí của cuộc sống tinh thần mà cuốn sách đã thổi vào đó” (Phần giới thiệu về S.L Frank của dịch giả  Nguyễn Văn Trọng). Sự “choáng váng” mà Nietzsche gây ra đối với những nhà triết học của Đông Âu thời Xô Viết kể ra cũng không có gì lạ. Rất nhiều các triết gia khác cũng bị ảnh hưởng bởi “Zarathustra đã nói như thế”, mà điển hình là triết gia người Hungary mà độc giả Việt đã được biết tới qua các tác phẩm kinh điển “Câu chuyện vô hình & Đảo”, “Minh triết thiêng liêng”, “Một giọt từ sự đọa đày” (đều được dịch bởi dịch giả Nguyễn Hồng Nhung, NXB Tri Thức ấn hành). Trong một xã hội vô thần, con người bị rơi vào chủ nghĩa vật chất và ảo tưởng đó là tự do, là sự giải phóng khỏi các ràng buộc của giáo hội thì “Zarathustra đã nói như thế” đã đánh thức con người ra khỏi ảo tưởng ấy khi Nietzsche nhấn mạnh vào sự tự do ý chí với rao giảng của mình về siêu nhân: “Con người là cái gì cần phải được vượt qua. Các ngươi đã làm gì để vượt qua con người?”. Và mặc dù Zarathustra cố gắng rao giảng về cái chết của Thượng Đế một cách đa nghĩa thì S.Frank lại được đưa đến gần với Thượng Đế hơn một cách rất đa chiều.

Năm 1912, ông gia nhập Chính thống giáo Cơ Đốc và bắt đầu thuyết giảng triết học tại trường đại học Saint Peterburg. Ông viết: “Tôi coi Kito giáo của mình như sự hoàn thành những gì tôi học được trong Cựu Ước, như một sự tiến hóa hữu cơ dựa trên nền tảng tôn giáo mà tôi đã được hấp thụ từ thời thơ ấu” (S.L. Frank A Miscellany -in Russian /1954. Munich, p.3-4.). Như vậy, S.L Frank đã đi qua một chặng đường biến chuyển tư tưởng khá điển hình cho thời đại đầy xung đột giữa các hệ tư tưởng trái nghịch, để rồi, ông nhìn thấy rõ hơn con đường tinh thần mà mình phải bước qua.

Năm 1922, cùng với một nhóm trí thức lớn, ông đã bị trục xuất khỏi nước Nga trên “chuyến tàu triết học” và lưu vong ở Berlin. Đến năm 1937, ông lại bị nhà nước phát xít trục xuất khỏi Đức. Ông chuyển sang Pháp và cuối cùng lưu lại ở Anh cho tới khi qua đời. Sống một cuộc đời long đong như vậy, nhưng ông không hề tham gia vào các hoạt động đình đám mà sống ẩn dật và dấn sâu vào chặng đường khám phá nội tâm của mình.

“Ánh sáng và bóng tối” là cuốn sách quan trọng nhất của S.Frank. Như đã nói ở trên, ý tưởng cuốn sách đến từ câu Phúc âm Yoan về ánh sáng và bóng tối. S.Frank không sa đà vào luận giải những ý nghĩa vật lý của ánh sáng và bóng tối, mà ông nhận định rất rõ rằng cặp phạm trù này được Phúc Âm đề cập đến, không phải là “khái niệm” mà là “hình tượng”. Bởi thế, “ánh sáng” và “bóng tối” không triệt tiêu nhau, mà là ở trong bóng tối thì ánh sáng vẫn tồn tại, đó là ánh sáng của chân lý, của Thượng Đế, của những điều toàn hảo. Mặc dù bóng tối ngự trị và ánh sáng xuất hiện nhỏ nhoi, không thể chiếm lĩnh bóng tối nhưng như S.Frank nói, ánh sáng ấy ẩn chứa “sức mạnh nội tại mạnh mẽ”, không khuất phục, không phai mờ. Bởi thế, tình trạng của ánh sáng ẩn sâu đằng sau sự bi quan lại rất lạc quan và ngược lại.

Tình trạng bóng tối, theo như S.Frank là tình trạng thiếu vắng ánh sáng, “không nhìn thấy được”, “ẩn kín”, “chôn giấu”: “bóng tối vốn bất lực trong nội tại trước ánh sáng, nhưng lại có thể tiếp tục ngoan cố trước ánh sáng. Bóng tối tồn tại vì rằng ý chí độc ác lẩn trốn ánh sáng, né tránh nó. Ánh sáng thần thánh có sức mạnh toàn năng hóa ra lại vẫn không có sức mạnh toàn năng hiện hữu thường nghiệm của chốn trần gian, vì nó bị ý chí độc ác của con người khác cự lại”(tr39). Với những nhận thức về ánh sáng và bóng tối như vậy, dường như gần gũi với cặp phạm trù “giác ngộ” và “vô minh” trong Phật giáo, trong đó vô minh là tình trạng chìm đắm trong sự u mê và giác ngộ để chỉ trạng thái thức tỉnh và nhận thức được chân lý.

II – Thời đại bóng tối ngự trị

Luận về ánh sáng và bóng tối trong Phúc âm Yoan chỉ là một tiền đề cho những bàn luận của ông về vấn đề tinh thần trong thời đại vô thần hiện đại. S.L Frank cho rằng, thời hiện đại (có thể ám chỉ thời của ông hoặc kéo dài cho đến ngày nay) là thời “uy quyền của bóng tối trên thế gian”: “Các lầm lạc theo quy tắc chung hóa ra hùng mạnh hơn các chân lí, trò chơi mù quáng của các thế lực phi lí tính đang đặt ra giới hạn cho mọi hoài vọng của trái tim con người – trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống lịch sử… Những thế lực của trật tự đối lập – những đam mê mù quáng, tự phát của thói hám lợi, long hận thù, thói ham quyền lực và thậm chí của cả thói hung bạo vô nghĩa đốn mạt – đang tạo thành một nền chung, tựa như là thực chất chủ yếu thống trị hiện hữu trần gian”(tr43). Ông còn nhấn mạnh: “chế độ nô lệ về mặt tàn bạo vượt xa các hình thức cổ xưa, cuộc tiêu diệt tập thể hang loạt các dân tộc, thái độ đối xử với con người như với súc vật, thái độ khinh miệt trâng tráo các nguyên lí cơ bản nhất của nhân quyền và sự thật, những thứ đó được thực hiện thật dễ dàng đáng kinh ngạc. Cái được gọi là con người văn hóa đột nhiên thành ra bóng ma hư ảo; trên thực tế nó bộc lộ bản thân ra vô cùng tàn ác, kẻ man rợ mù quáng về đạo đức, tính văn hóa của nó chỉ biểu hiện ra trong một việc – tinh tế và hoàn thiện của các phương tiện hành hạ và giết chóc” (tr43).

Cái nhìn bi quan về thời đại của S.L Frank rất tương đồng với Hamvas Béla khi Béla viết về sự lên ngôi của vô thức tập thể ở kỷ nguyên Song Ngư chuẩn bị chuyển giao sang kỷ nguyên Bảo Bình: “Ý tưởng là một hình ảnh nâng lên còn evestrum thì lôi xuống và mạt sát. Ý tưởng thì thanh tẩy và sáng láng, còn evestrum tăm tối và bẩn thỉu. Người nào sống hướng về thế giới của các ý tưởng, người đó thanh lịch, tấn tới, ngày càng hài hòa, hiểu biết, sâu sắc và thông thái hơn.” “Thế giới của các ý tưởng” mà Hamvas Béla đề cập đến chính là đời sống tinh thần mà S.L.Frank nhắc tới, và có phần nào cụ thể hóa ý niệm “vượt trên con người” mà Nieztsche mượn lời của Zarathustra để rao giảng trong tác phẩm triết học có ảnh hưởng tới cả hai triết gia Đông Âu của thế kỷ 20 này.

Nước Đức với chủ nghĩa phát xít là một ví dụ tầm cỡ được S.L Frank đưa ra để mổ xẻ. Những chính sách bá quyền và diệt chủng của nước Đức đã phủ một bóng đêm dài lên toàn bộ thế giới trong nhiều năm liền. Mặc dù S.L. Frank khi ấy đã là một tín đồ Kito giáo nhưng ông cũng không thể không thốt lên sự kinh hoàng của mình trước những tội ác của nước Đức quốc xã. Ông không khỏi ngỡ ngàng khi một nước Đức với các trí thức vĩ đại nhất của nhân loại, lại trong phút chốc rơi vào thái cực “bệnh hoạn”. Theo như Frank mô tả, trước chiến tranh, chủ nghĩa quốc xã cũng như phát xít, nhờ vào sự “khoan dung độ lượng” đã chiếm được nhiều sự ủng hộ ở châu Âu. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chủ nghĩa này đã lan rộng, tạo ra các “công dân mới”, thay thế “văn hóa nhân bản của Kito giáo” bằng sự “man rợ và ác ôn”.

Tuy nhiên, mọi thứ không tự nhiên mà có. Mầm mống không phải vấn đề chủ nghĩa, mà là “cái ác vẫn lim dim ngủ trong tâm hồn con người” (tr45), và chủ nghĩa quốc xã cho phép sự thức dậy, “dung túng cho tình trạng buôn thả cái bản năng đó”. Cái ác dễ dàng tìm kiếm sự biện minh trong các học thuyết và thông qua đó để lây lan. Ông cũng khẳng định rằng việc đánh thắc Đức quốc xã, kể cả khi tận diệt cả dân tộc Đức thì cái ác cũng không hề biến mất. Vấn đề nằm ở linh hồn của con người quá dễ dàng để cái ác chiếm hữu, “từ ngàn xưa đã ẩn náu trong tâm hồn loài người, là một sức mạnh siêu tự nhiên nào đó, không thể vượt qua được bằng những nỗ lực thuần túy con người và những biện pháp ngoại ngoại nào hết. Nó đích thực là chúa tể của cõi trần gian này, và vì vậy cõi trần gian ở trong uy quyền của bóng tối” (tr46). Nỗi ám ảnh này có ảnh hưởng lớn đến các tác giả ngày nay không phải chỉ hàn lâm mà còn cả đại chúng khi nhân vật Joker trong “Batman” tìm mọi cách để thúc đẩy cái ác bên trong mỗi con người và cười nhạo lên mọi trò đùa của đạo đức. Hay cái ác ám ảnh đời đời kiếp kiếp trong tác phẩm “Cloud Atlas” của David Mitchell luôn đối chọi với những ý tưởng cao quý. Sự say mê của đại chúng đối với những xung đột kiểu này cho thấy cho dù người xem có ý thức hay không, họ vẫn đang chông chênh đứng giữa hai bờ thiện ác, ánh sáng và bóng tối, và những tác phẩm ấy đã phản ánh một cách trực quan những tranh chấp tinh thần của họ. Điều đó có nghĩa là, chúng ta vẫn tiếp tục đang ở trong một cuộc chiến chống lại uy quyền của bóng tối trên thế gian. Có phải vậy chăng?

Có một vấn đề với niềm tin của con người! S.L Frank đã thống kê một chặng đường dài của các thế hệ niềm tin: từ Do Thái giáo, Kito giáo, cho đến chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội… Từ thời Phục Hưng, con người đã quá tự tin với niềm tin về sự “tiến bộ”, và cứ thế “tiến bộ” cho đến khi rơi vào vực thẳm man rợ. Sự thất vọng trước “tiến bộ” chính là một sự thức tỉnh trong nhận thức của loài người, rằng loài người phải chấp nhận một hiện thực rằng ánh sáng có thể chiến thắng “uy quyền của bóng tối” và bóng tối là một tình trạng “ngẫu nhiên tạm thời của thế gian”. Quan điểm “nhân chi sơ tính bản thiện” mà ta tiếp thu được qua tư tưởng của Khổng Tử ở phương Đông hay sự lạc quan ngây thơ của các triết gia phương Tây theo xu hướng “tiến bộ” chỉ là một sự “nhẹ dạ” mang tính lịch sử. Tư tưởng của S.L Frank về cái ác tương đồng với  Tuân Tử khi ông cho rằng cái ác là “đặc trưng nội tại cho thế gian và bản chất con người” và do đó cuộc chiến chống lại cái ác ở trần gian là không thể. Và bản chất của cuộc chiến ấy là một nỗ lực cứu vãn loài người khỏi diệt vong bởi chính bản chất của mình gây nên.

Từ hiện thực ấy, S.L. Frank chỉ ra cơn khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn có nền tảng từ niềm tin vào con người vốn đã được nuôi dưỡng từ trong Cựu Ước. Cựu Ước  cho rằng con người được tạo ra bởi Thượng Đế và được cho là đồng dạng với Thượng Đế. Khi bước vào thời đại Khai Sáng, những khám phá mới đã chỉ ra rằng con người “vị kỷ” và chỉ là “một cỗ máy đặc biệt”. Vị trí cao cả và nổi trội của con người liên tiếp gặp phải những cú giáng của Darwin (con người chỉ như một loài động vật) và Freud (con người bị chi phối bởi các ham muốn tình dục vô thức). Cùng với sự khủng hoảng trong niềm tin vào con người là sự sụp đổ của giấc mơ thiên đường trên mặt đất mà các tư tưởng “tiến bộ”, trong đó có chủ nghĩa Marx vẫn rao giảng. Ông còn chỉ ra nghịch lý trong cuộc đấu tranh giai cấp dựa trên chủ nghĩa Marx rằng trong khi chủ nghĩa Marx đề cao tính thiện và lý trí thì đồng thời nó lại dung túng cho cái ác thông qua lý tưởng đấu tranh và kết quả là sự chuyên chế của những người Bolshevik.
“Ánh sáng trong bóng tối” đã nhắc đến Nietzsche bất chấp Nietzsche thể hiện tinh thần “phản Kito” đến đâu chăng nữa. Thái độ muốn vượt qua “tính con người” của Nietzsche cho thấy “ông có tính tôn giáo đích thực và chứa đựng gợi ý về một sự thực cơ bản nào đó bị lãng quên”(tr61). S.L Frank nhắc lại lời Nietzsche: “con người là một thứ gì đó phải được vượt qua” và cho rằng đó là hồi kết của chủ nghĩa nhân văn. Thế nhưng, S.L Frank lại đập vỡ “thần tượng” của mình khi ông đánh giá Nietzsche đã lầm lạc trong tư tưởng khi Nietzsche quá say sưa đạp đổ Thượng Đế của Kito giáo, tới mức sa vào sự sùng bái một chủng tộc cao quý và kết quả là tạo ra những “kẻ vô lại tóc vàng” huênh hoang về đẳng cấp trong thời kỳ cai trị của Đức quốc xã.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình với cách phê phán này của S.L Frank. Ngay trong sự phê phán chủ nghĩa Marx hay tư tưởng của Nietzsche, S.L Frank đã quên mất trọng điểm mà ông khám phá ra, đó là vấn đề không phải những chủ nghĩa mà là mầm mống cái ác của con người. Bất cứ chủ nghĩa nào, dù nghe có vẻ tuyệt vời đến đâu, đều có thể bị bóp méo bởi cái ác của loài người và đều có thể dung túng cho bóng tối trỗi dậy.

Từ hiện thực ấy, dần hình thành nên tình trạng “vô tín ngưỡng bi ai”, hoàn toàn đối nghịch với “vô tín ngưỡng trâng tráo”: “trái tim con người đau buồn do ý thức được sự đắc thắng của cái ác trên thế gian, nên nó nổi lên chống lại sự đắc thắng ấy, tự cho mình có trách nhiệm giữ long trung thành và phụng sự cho sự nghiệp của cái thiện và sự thật, sự nghiệp vô vọng trong con mắt của nó – trạng thái tinh thần này về một mặt nào đó lại vẫn liên hệ thân thuộc với niềm tin. Chính là nó chứa đựng yếu tố của niềm tin do niềm tin là tôn kính trước việc thiêng liêng. Việc mở ngỏ tâm hồn cho vật thiêng liêng tác động vào, kiên quyết không chịu khuất phục trước các thế lực độc ác của hiện hữu trần gian – mà theo quan điểm duy lí thì chẳng có gì làm cơ sở, thậm chí còn vô nghĩa nữa, – thái độ sẵn sàng cho lòng dũng cảm bất vụ lợi – tất cả những cái đó chắc chắn có giá trị cao trước phán xét cao nhất không phải của khối óc mà của trái tim”(tr71).

“Thời đại chúng ta” là thời đại mà “con người hiện đại, mệt mỏi vì những mối hoài nghi, đơn giản bước qua được vực sâu ngăn cách anh ta với nội dung truyền thống của niềm tin Nhà Thờ, rồi cũng tìm được an ủi và bình an trong việc lĩnh hội giản dị truyền thống ấy mà không kiểm tra nó một cách độc lập trong nội tâm” (tr96). Những mối hoài nghi ấy được thúc đẩy trong suốt thời Phục Hưng và Khai Sáng, đã dần dần tiêu hủy các loại niềm tin, từ niềm tin vào thần thánh cho đến niềm tin vào con người để rồi đến lúc đức tin vào điều thiêng liêng lại dần được hồi phục. S.L. Frank cho rằng “tâm hồn tín ngưỡng” dành cho “vật thiêng liêng” thuộc về một phần của con người và thứ niềm tin mù quáng nhất không phải dành cho Thượng Đế mà là dành cho nhận thức bất khả sai lầm của con người.

S.L. Frank còn vạch ra một tương lai cho “con người hiện đại”, hay nói đúng hơn là con người của thời đại mới, một hệ hình niềm tin mới, sau khi con người đã vượt qua những sai lầm trong quá khứ để tiến tới niềm tin vào “ánh sáng Thượng Đế” vẫn “rạng chiếu trong bóng tối”, dung hợp cả hai trạng thái bi quan và lạc quan mà hình tượng ấy gợi nên.

III – Đạo đức học Kito giáo theo quan điểm của S.L Frank

S.L Frank đã dành cả chương 2 để luận về các vấn đề đạo đức học trong Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước. Ông lý giải về “tin mừng” và niềm tin của Kito giáo vào “tin mừng”. Một cách cẩn trọng, ông khẳng định rằng không ai thực sự hiểu nghĩa của từ “tin mừng” (gospel) trong tiếng Hy Lạp, mà chỉ được hiểu theo nghĩa phổ biến vốn đã được nhà thờ rao giảng. Ở đây có thể hiểu, niềm tin vào “tin mừng” là đại diện cho niềm tin về sự biểu hiện của Thiên Chúa trên cõi trần gian. Khác với Cựu Ước,  Thượng Đế đưa ra những điều luật để ràng buộc thế gian, thì Tân Ước đã chỉ ra rằng Thượng Đế ở ngay trong mỗi con người trần gian, và S.L. Frank đã nhắc lại lời của Tông đồ Paulo: “Thượng Đế cùng một giống với chúng ta”. Tân Ước dùng khái niệm “người cha” để ám chỉ Thượng Đế như để nhấm mạnh rằng Thượng Đế rất gần gũi với con người trần gian và giữa hai bên tồn tại mối quan hệ tình yêu chứ không phải là uy quyền.

Chuyển từ môt hình Thượng Đế của Cựu  Ước sang Tân Ước, đó thực sự là một cuộc cách mạng mà Jesus là vị lãnh tụ tinh thần tràn ngập đức tin. Jesus không hứa hẹn về một thiên đường – vương quốc của Thượng Đế, mà khẳng định “vương quốc của Thượng Đế” là một hiện thực trần gian, “đã tới rồi”. S.L Frank nhận ra rằng những lời rao giảng ấy không phải là tình trạng lý tưởng hóa “vương quốc của Thượng Đế”, tức là không phải Thượng Đế là một đấng “đột nhập” vào trần gian để thay đổi trần gian, mà thực tại ấy đã có ngay trong trái tim của chúng ta và vương quốc ấy cần được lan rộng một cách hữu cơ. Ông nhận ra mấu chốt của tin mừng đó là “Vương quốc Thiên Chúa không mang tính siêu việt, mà ở trong nội tại của chính hiện hữu con người”, và vì thế  “vương quốc Thiên Chúa trong ý nghĩa đó chính là tài sản vĩnh hằng của con người”, còn hạnh phúc mà con người truy cầu không nằm ở thế giới nào đó xa với mà nằm ngay trong con tim mình. Dựa trên những nhận thức tâm linh ấy, giáo hội Kito giáo ban đầu được xây dựng không phải như những người đi rao giảng mà là một “cộng đồng thần thánh”, “một cơ thể Thần nhân tập thể huyền bí, mọc lên một cách hữu cơ từ sức mạnh thần thánh, trút vào cõi trần gian thông qua Đức Kito và sống bằng sức mạnh ấy”. Và giáo hội gắn liền với “tính thánh thiện”, như một hiện thân của Thượng Đế. (tr 105,106,107,108)

Thế nhưng cõi trần gian lại đầy những nghịch lý, sang đầu chương 3, S.L. Frank đã nhanh chóng chỉ ra các nghịch lý của tin mừng. Lịch sử của Kito giáo đã được ông đúc rút lại trong nhận xét: “Bi kịch, khổ đau, dối trá, cái chết trên thực tế vẫn ngự trị trong thế giới Kito giáo chẳng hề ít hơn so với thế giới phi Kito giáo hay so với thế giới trước khi có tin mừng. Như vậy, cái được mệnh danh là “tin mừng” hiển nhiên đã không đem lại cho con người và thế gian phúc lành rõ rệt nào, tức là phúc lợi khả dĩ cảm nhận được và xác nhận được một cách thường nghiệm – chẳng có cải thiện nào cho số phận con người ở cõi trần gian” (tr134, 145). Tuy nhiên, ông cũng khẳng định điều ấy không có nghĩa là Jesus không đóng góp bất cứ điều gì ở phương diện lịch sử. Jesus thực sự đã thay đổi các giá trị ở trần gian, ông mang đến những rao giảng về sự bình đẳng giữa con người và con người, hơn thế nữa, là một thái độ mới đối với đấng siêu việt. Từ khi có “tin mừng”, chính quyền nhà nước với quyền lực bao trùm vô hạn trần gian đã “vấp phải bức tường không gì phá nổi ngăn cách cuộc sống ở trong Thượng Đế của bầu đoàn tự do của Thượng Đế” (tr153).

Nghịch lý của tin mừng được S.L Frank nhắc đến qua lời khẳng định của Jesus : “Vương quốc của Ta không phải ở cõi trần gian này” và “Ở cõi trần gian thì anh sẽ có đau buồn”. Hai nghịch lý này đi ngược lại với ý niệm về vương quốc Thượng Đế đã có mầm mống ngay từ cõi trần gian. Và chính từ hai nghịch lý này đã dẫn đến những cách hiểu sai lầm về “vương quốc Thiên Chúa”. Thay vì lan tỏa tính thiện, những tín đồ chuyển hướng sang đấu tranh với “vương quốc trần gian” như một sự nuôi dưỡng thù hận, hoặc ở một chiều hướng khác là sự nhạo báng và coi thường đức tin của những người vô tín ngưỡng. Bởi thế, thay vì tính thiện ngự trị trần gian như những gì Jesus mong muốn lại là “trá ngụy, độc ác và khổ đau”.

Tiếp theo đó, S.L. Frank đã đặt ra một câu hỏi lớn: Đâu là cuộc cải tạo trần gian trong tương lai? Đây có lẽ là câu hỏi mấu chốt nhất mà cuốn sách đã đặt ra. Ánh sáng và bóng tối sẽ tiếp tục giằng co trong cả bi quan và lạc quan đến tận bao giờ? Đó thực sự là một câu hỏi mang tính thời đại và cũng vượt ra khỏi thời đại.

Trước hết, ta có thể thấy một cách thường xuyên trong cuốn sách “Ánh sáng và bóng tối”, S.L. Frank đặt ra vấn đề lưỡng phân giữa “vương quốc Thiên Chúa” và “cõi trần gian” như hai thái cực đối nghịch. Cuộc cải tạo trần gian mang tính chất như một cuộc chiến giữa “ánh sáng” và “bóng tối”, mà theo S.L. Frank đó là “cuộc đối đầu vô hình về mặt thường nghiệm giữa các khởi nguyên của trật tự tinh thần”. Ở khía cạnh cực đoan, vấn đề linh hồn con người sẽ “được cứu độ” hay “bị tiêu vong” vào ngày phán xét đã nảy sinh sự phân cực giữa người mộ đạo và những người bị cho là tội lỗi. Điều này đi ngược lại “tính bình đẳng về nguyên tắc của các linh hồn con người trước Thượng Đế” ngay cả khi con người không hoàn hảo. Và sự cứu độ trần gian chỉ có thể đạt được khi linh hồn mỗi con người đều được cứu độ, như thánh đồ Yoan đã nói: “Kẻ nào nói rằng hắn ở trong ánh sáng nhưng lại căm thù người anh em của mình, kẻ đó vẫn ở trong bóng tối.”

Đạo đức Kito giáo đặt ra vấn đề trách nhiệm của mỗi người Kito đối với mọi đau khổ của thế gian. Họ không những phải chịu trách nhiệm với cái ác của bản thân mình mà còn phải chịu trách nhiệm cả sự vô cảm của bản thân đối với cái ác. Đó chính là cây thánh giá mà họ phải gánh vác và cũng vì thế mà thói quen cảm xúc về tính trách nhiệm trước cái ác của xã hội. Ở đây, theo S.L. Frank, cũng có một nhầm lẫn to lớn, đó là “lẫn lộn nhiệm vụ hoàn thiện thực chất tinh thần cho thế gian với nhiệm vụ giúp đỡ người gần và cõi trần gian trong hình thức đơn giản bảo vệ họ khỏi các sức mạnh phá hủy của cái ác.” (tr205), mà cụ thể hơn  là thay vì lan tỏa tính thiện ở con người thì lại cố gắng bao bọc nhau trong vùng an toàn khỏi cái ác, dẫn đến thái độ thụ động trước cái ác. Ông cho rằng “ý đồ thiện là chưa đủ để thực hiện hành vi đúng đắn về đạo đức, mọi người đều biết là con đường vào địa ngục được lát bằng những ý đồ thiện hảo.”(tr212), cuộc cải tạo cuối cùng đòi hỏi không chỉ là “các nhu cầu đích thực của con người”, mà còn có “dũng cảm đạo đức” và còn “minh triết và tầm nhìn rộng lớn trong đánh giá ý nghĩa đích thực hành vi của chúng ta trong tình huống cụ thể đã cho của thế gian” (tr212). Mặc dù đó là chân lý, Frank còn nhấn mạnh thêm, nó cũng rất khó để thực hiện bởi chỉ cần một khoảnh khắc thiếu “nghiêm cẩn và khách quan” thì cũng đều có thể trở thành cội nguồn của cái ác hay sự trói buộc linh hồn con người.

Trước Kito, đời sống tôn giáo luôn gắn liền với lề luật, và sự xuất hiện của Kito không phải là để phá vỡ các lề luật đạo đức dù cho Jesus có kêu gọi con người hãy trở nên tự do. Khái niệm tự do mà Jesus nhắc đến không phải là sự tự do vô lề luật mà là sự làm chủ tinh thần. Chỉ khi con người được giải phóng khỏi sự ràng buộc trong bóng tối thế gian thì con người mới thực sự có tự do, và điều ấy khiến cho  Kito giáo rất gần với Phật giáo. Lề luật được đề cập đến ở đây chính là thứ “lề luật siêu vệt”, do đó nó không mang tính cấm đoán, mà mang tính “khai mở hiện hữu nội tâm con người” và mang tính “chữa lành”. Theo S.L. Frank, đó chính là điểm trọng yếu trong “Bài giảng trên núi” của Jesus.
Rốt cuộc, đạo đức Kito giáo chân chính nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhận thức nhất nhưng lại khó thực hiện nhất chính là tình yêu thương. Chỉ bằng tình yêu thương ấy, tính thần thánh thiêng liêng mới được hiện hữu bên trong con người vốn có một phần là súc vật. Sự đối lập được vạch ra rõ rệt trong Phúc âm Yoan, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa “vương quốc của Thiên Chúa” và “cõi trần gian” lại đầy nghịch lý. S.L. Frank đã chỉ ra nghịch lý ẩn chứa bên trong bóng tối của cõi trần gian như sau: “Nghịch lý của cõi trần gian không nhận ra và ruồng bỏ Ánh sáng đi tới nó, chính nằm ở chỗ là bản thân cõi trần gian ấy bắt đầu hiện hữu thông qua ánh sáng ấy” (tr256). Điều này hoàn toàn hợp lý với ý tưởng rằng “Thượng Đế yêu cõi trần gian” đến nỗi hiến sinh cả người con trai ruột duy nhất của mình. Con đường cứu chuộc được đúc kết trong một câu: “Hãy hoàn hảo như Cha trên trời hoàn hảo”, tức là cần không ngừng hoàn thiện bản thân cũng như hoàn thiện cõi trần gian. Đây chính là vấn đề được bàn tới chủ đạo trong chương V và chương VI, và rồi đến cuối cùng vẫn cứ là sự tiệm cận đến tính thiện hoàn hảo dù rằng có những sai lầm và hạn chế.

Hà Thủy Nguyên

>Đọc thêm:

ĐỌC SÁCH TÔN GIÁO TÂM LINH – NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý – Book Hunter

Giải mã triết học huyền bí của Hamvas Béla – Book Hunter

“SUY TƯỞNG” CỦA MARCUS AURELIUS ANTONNIUS – NHỮNG CHIÊM NGHIỆM CỦA MỘT ÔNG VUA TRIẾT GIA

"Philosophy" - Triết học, là một lĩnh vực có địa hạt rất rộng, và bao trùm nhiều lĩnh vực khác. Bởi thế, người ta thường dành một sự tôn sùng lớn cho triết học với niềm tin rằng triết học là chìa khoá để đưa con người tới trí tuệ. Thế là, người ta chấp nhận bước vào một thế giới ngập đầy các khái niệm, các suy luận loằng ngoằng với hi vọng rằng thông qua đọc hiểu các sách triết, bản thân có

Sự biến chuyển mô hình Thượng Đế: từ thần tính đến thần thoại, duy lý và tinh thần tự do tuyệt đối

Nhân đọc "Lịch sử Thượng Đế - Hành trình 4000 năm Do Thái giáo, Kito giáo, Hồi giáo" của Karen Amstrong “Con người là con vật tinh thần” – Karen Amstrong Nhận định này không hề tương phản với nhận định của Aristotle trong “Chính trị luận”  rằng “Con người là sinh vật mang tính chính trị”; mà thể hiện một khía cạnh khác của con người: đời sống tinh thần – thứ bản nguyên sơ khai nơi con người. Trong cuốn sách “Lịch sử