Trong dịp lễ Giáng Sinh năm 2021, thị trường xuất bản sách chiêu đãi những con mọt sách bằng những ấn phẩm sách phổ thông hữu ích, đủ để chúng ta có thể đón dịp Giáng Sinh đầy xúc cảm và màu sắc. Các sự kiện tri thức vẫn hoạt động trực tuyến sôi nổi như thường lệ với các chủ đề quen thuộc về sức khỏe, môi trường, văn học…
Mời các bạn cùng theo dõi.
Sách học thuật thú vị
1. Thư Books giới thiệu ấn phẩm mới “QUAN HỆ ANH – VIỆT NAM (1614-1705) từ tự do thương mại đến xung đột chính trị, quân sự” của Trần Tiến Dũng
Trích: Thư books
Trong công trình nghiên cứu này, tiến sĩ Trần Ngọc Dũng – giảng viên, nhà nghiên cứu của trường Đại học sư phạm Hà Nội, chủ yếu tập trung vào khía cạnh quan hệ giữa hai quốc gia Anh – Việt ở mảng thương mại, ngoại giao, chính trị, quân sự bằng sự bám sát quá trình phát triển của một đại diện thương mại lớn thời bấy giờ là Công ty Đông Ấn Anh và trở thành quân bài chiến lược phục vụ chính quyền và mục tiêu mở mang lãnh thổ của Đế quốc Anh.
Với nguồn tư liệu tiếng Việt hiếm hoi, tản mác, tác giả đã phải tìm kiếm, khai thác tư liệu lưu trữ của Anh quốc và theo đó, nghiêng về lập trường, góc nhìn của người Anh, cụ thể là Công ty Đông Ấn Anh trong quan hệ với Việt Nam ở giai đoạn này. Tuy nhiên, góc nhìn ấy vẫn được đặt trong sự đối sánh với tình hình cụ thể và xu hướng phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của Đàng Trong và Đàng Ngoài ở thế kỷ XVII – XVIII hòng đánh giá những điểm tương đồng, khác biệt giữa quan hệ của Anh quốc với Đàng Trong và với Đàng Ngoài. Trần Ngọc Dũng đã bổ khuyết cho những công trình đi trước ở nhiều điểm, trong đó nổi bật nhất là: làm rõ hoạt động của người Anh ở Việt Nam thế kỷ XVII, tức lý giải phương thức triển khai chiến lược gây ảnh hưởng của Công ty Đông Ấn Anh ở Đông Á.
Tác giả cố gắng sử dụng phương pháp nghiên cứu đa dạng trong phân tích, xử lý số liệu để giữ một cái nhìn khách quan hơn dù công trình của ông chủ yếu khai thác nguồn tư liệu từ Anh quốc. Đó là mô hình về sự kết nối của William McNeil trong trình bày mối quan hệ tương hỗ giữa Công ty Đông Ấn Anh và Việt Nam ở cấp vĩ mô, giữa nhân viên Anh và quan lại, thương nhân Việt ở cấp vi mô.
Điều đáng chú ý là, công trình còn đưa ra nhiều tư liệu quan trọng về lịch sử nước nhà, những ghi chép tỉ mỉ về vấn đề nội bộ của Việt Nam trong giai đoạn chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài cũng như những nhìn nhận, đánh giá khách quan bên ngoài về thực trạng xã hội Việt Nam đương thời.
Ngoài việc làm rõ chiến lược Đông Á của người Anh mà Việt Nam là một mắt xích thì tác giả còn phân tích cặn kẽ việc chúa Nguyễn vừa khôn khéo trong gìn giữ quan hệ hoà bình với phương Tây, vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà sự kiện tiêu biểu là cuộc tấn công đồn trú của Anh ở Côn Đảo năm 1705. Đây chính là minh chứng về việc duy trì quan hệ hoà hảo, thúc đẩy thương mại giữa các bên.
Với bố cục 5 chương, cuốn chuyên khảo của Trần Ngọc Dũng đã lột tả khá tường tận quan hệ Việt – Anh trong suốt thế kỷ XVII và kéo sang cả những năm đầu thế kỷ XVIII, nhấn mạnh giá trị của Việt Nam trong hệ thống thương mại khu vực, là tác phẩm xứng đáng được đón nhận ở mảng sử liệu Anh – Việt vốn còn nhiều bỏ ngỏ.
2. Book Hunter cùng chuyên gia Ayurveda & Yoga Sophia Ngo tổ chức dịch thuật cuốn “BHAGAVAD GITA”
Trích: Book Hunter
Bhagavad Gita luôn được đọc và nghiền ngẫm bởi các nhà tư tưởng và những người tu luyện, bởi tính minh triết và thâm sâu được hun đúc qua nhiều thế kỷ ở Ấn Độ – quốc gia của các bậc chứng ngộ. Còn các nhà nghiên cứu luôn xem xét Bhagavad Gita như một văn bản quan trọng có ý nghĩa lịch sử đặc biệt mà sự xuất hiện của những thuyết giảng ấy được đặt trong bộ sử thi MahaBharata cho thấy một quá trình chuyển biến của xu hướng tư tưởng trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Còn đối với người hoạt động tri thức, Bhagavad Gita có một ý nghĩa đặc biệt, bởi qua đó, người có tri thức tự soi chiếu được các giới hạn của bản thân.
Book Hunter chọn bản dịch tiếng Anh của Paramananda (1884–1940), một trong số các swami (tu sĩ) của phái Vedanta đầu tiên đã đến Hoa Kỳ để truyền giáo. Ông được phái đến Luân Đôn vào năm 1906 khi ông mới hai mươi hai tuổi, và đến năm 1909, ông đã thành thành lập Trung tâm Vedanta ở Boston. Ông thuyết giảng khắp Hoa Kỳ, Châu Âu, Châu Á trong suốt 34 năm cho đến khi qua đời vào năm 1940. Trong suốt những năm tháng thuyết giảng của mình, ông đã thành lập tạp chí định kỳ Thông Điệp của Phương Đông (Message of the East) – tạp chí đầu tiên được xuất bản tại Mỹ, duy trì liên tục suốt 55 năm, cung cấp các bài báo, thơ, phê bình về các tôn giáo. Các tác phẩm kinh điển của Ấn Độ như Bhagavad Gita, The Upanishads và các sách thực hành của Vedanta được ông dịch sang tiếng Anh, đồng thời ông cũng viết các tác phẩm đối chiếu triết luận Vedanta với triết học phương Tây, các luận giải của ông trên con đường tu tập tâm linh.
Dịch giả Sophia Ngo đã truy tìm nguồn gốc của văn bản Bhagavad Gita thông qua đọc các nghiên cứu khảo cổ và văn bản học. Theo cuốn sách “The Original Gita: Striving for Oneness, with Comments and Related Verses of the Bhagavad Gita” (Motilal Banarsidass, 2012)” của Tiến sĩ Ir. Gerard D. C. Kuiken, Bhagavad Gita có nguồn từ một văn bản riêng biệt ngoài MahaBharata và dần được tích hợp cho đến khi thành hình rõ nét vào thời đỉnh cao của đế chế Kushan (105-250). Các nghiên cứu về văn bản Bhagavad Gita trong thế kỷ 20, lần theo các manh mối khảo cổ và văn bản học, đã dẫn đường tới Svabhavikasutra (Kinh về nỗ lực Hợp Nhất) với 209 câu cách ngôn không tồn tại dấu vết của các vị thần và không có hệ thống đẳng cấp.
Trong cuốn Bhagavad Gita sắp ra mắt, Book Hunter cùng dịch giả Sophia Ngo sẽ bổ sung bản dịch Svabhavikasutra như một tham chiếu để các độc giả có thể dễ dàng so sánh sự biến đổi của các khái niệm và nhận thức từ phiếm thần sang hữu thần, đặc biệt tránh cho những tâm trí dễ bị ảnh hưởng bởi các hình tượng thần thánh lẫn lộn giữa CÁI ẤY không thể gọi tên nhưng bất biến, bao trùm rộng khắp, với danh xưng Brahman (hay được hiểu là Thượng Đế, mà ở đây chúng tôi chọn dịch là Chân Lý Tuyệt Đối) vốn luôn bị hình hài hóa theo tưởng tượng hạn hẹp của tâm thức con người. Hơn nữa, một bài nghiên cứu về hữu thần và phiếm thần trong Bhagavad Gita của nhà nghiên cứu Richard Garbe từ đầu thế kỷ 20 cũng được dịch và đưa vào phần phụ lục của cuốn sách này.
Sách được in 300 cuốn, dạng bìa cứng, khổ 16x24cm. Dự kiến, sách sẽ ra mắt vào tháng năm 2022.
Các bạn đặt trước sách tại đây.
3. NXB Tri thức xuất bản cuốn “Pierre Bourdieu một dẫn nhập” của Pierre Mounier với bản đặc biệt bìa cứng và bìa mềm
Trích: NXB Tri thức
Pierre Bourdieu đã xuất hiện trước bối cảnh [la scène] truyền thông và chính trị trong các cuộc đình công tháng 12/1995. Những hoạt động của ông đã làm cho những cuộc đình công này có một tiếng vang lớn trong cuộc tranh luận tri thức ở Pháp và từ đó tiếng tăm của ông đã không ngừng vang xa.
Phải chăng chúng ta đang nói đến hai Bourdieu, một nhà lí thuyết xã hội học và một người đả kích triệt để chủ nghĩa tân tự do và các phương tiện truyền thông đại chúng? Quan điểm phổ biến cho rằng Bourdieu vừa là một chính trị gia tồi vừa là một nhà xã hội học xuất sắc.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Vì kết quả của một cuộc khảo sát gần 40 năm nghiên cứu xã hội học đã chứng minh ngược lại, chiều kích chính trị chưa từng vắng mặt trong xã hội học của Bourdieu, tuy nó không tất yếu mang hình thức của một sự “dấn thân” trực tiếp. Ngược lại với những gì thấy ở vẻ bề ngoài, sự dấn thân chính trị của Bourdieu không phải bắt đầu từ tháng 12/1995 mà hiện diện trong toàn bộ sự nghiệp của ông, cho dù có nhiều biến đổi. Đối với những người nghĩ cuộc đình công năm 1995 là sự đoạn tuyệt dứt khoát trong quá trình dấn thân chính trị của Bourdieu, ta có thể nhắc lại cuốn Sự khốn khổ của thế giới (La Misère du monde), xuất bản năm 1993, đã chuẩn bị cho sự đoạn tuyệt này vì nó thể hiện sâu sắc hơn tính chủ quan của những tác nhân trong các mối quan hệ thống trị, và năm trước đó, ông đã ngừng phân tích trường văn học trong Những quy tắc của nghệ thuật (Les Règles de l’art) bằng một bài viết với nhan đề “Vì một chủ nghĩa nghiệp đoàn về tính phổ quát” (pour un corporatisme de l’universel) kêu gọi các trí thức hãy đảm nhiệm vai trò chống quyền lực đáng lẽ phải là vai trò của họ, nhưng nay không còn được họ đảm nhiệm nữa.
Chiều kích phê phán mà Bourdieu thường hay gán cho xã hội học đã hiện diện ngay từ cuộc nghiên cứu về vùng Kabyle (Algérie) cho đến sự phân tích các cấu trúc xã hội của nền kinh tế. Ngay cả với Bourdieu, điều này giải thích và biện minh cho tính chất luận chiến gắn liền với xã hội học của ông.
“Ngay từ đầu và trong cội nguồn của mình, xã hội học là một môn khoa học mơ hồ, hai mặt, đeo mặt nạ; nó đã phải tự làm cho chính mình bị lãng quên, phải tự phủ nhận như là khoa học chính trị để có thể được chấp nhận như một môn khoa học ở đại học”.
Sự nghiệp và phương pháp xã hội học của Bourdieu chỉ có thể được hiểu trong mối tương quan với ý đồ mà ông khẳng định và phô bày nhằm khôi phục lại chiều kích chính trị cho xã hội học, tức là lấy quyền lực làm đối tượng. Xã hội học của Bourdieu đã được xây dựng xung quanh mục tiêu vạch trần và phân tích những mối tương quan quyền lực và những cơ chế thống trị được ấn định trong cơ cấu xã hội. Đó đúng là một dự án mơ hồ vì kết quả của sự quan sát xã hội học làm cho chính đối tượng của sự quan sát biến đổi rất nhiều. Tính mơ hồ của xã hội học lại được tái xác định ở cấp độ của nhà xã hội học vì, khi ông vạch trần các cơ chế và thực tại của sự thống trị thì cùng lúc ông lại “tố giác” chúng, cho dù đây không phải là mục tiêu đầu tiên của ông, do đó ông không thể nào không ý thức về chiều kích chính trị của việc mình làm: sự thống trị chỉ hoàn toàn có hiệu quả khi nó được che giấu ngay cả đối với những người bị trị. Là tác nhân trong trường mà mình quan sát, ông cung cấp những kết quả nghiên cứu có khả năng được phân tích trên bình diện xã hội học, vì xã hội học là một khoa học trong đó người quan sát và người được quan sát thuộc cùng một trật tự tự nhiên. Nếu đối với Bourdieu, không thể tồn tại một xã hội học mà không có một xã hội học về chính nó, mở rộng ra về người trí thức, và vì ngay từ đầu, ông đã đặt câu hỏi về những điều kiện trong tính khoa học của môn khoa học như thế. Câu hỏi này, vốn đã vượt quá câu hỏi của Weber về tính trung lập về mặt giá trị, đã thay đổi theo thời gian. Nó không thể tách khỏi câu hỏi về sự dấn thân chính trị của ông.
Sách văn học đáng chú ý
1. Tao Đàn thông báo phát hành tác phẩm “LƯỠI LAM LẲNG LƠ”
Trích: Tao Đàn
Đang trên đường đi gặp đối tác, thì xe của Lane Coolman đột nhiên bị đâm từ phía sau. Khi xuống xe để xem kẻ gây tai nạn là ai, thì cô nàng thủ phạm vẫn đang hững hờ cạo lông vùng kín… Ngỡ ngàng ngơ ngác, nhưng anh vẫn đồng ý cho kẻ gây tai nạn quá giang, nào biết cô nàng tóc đỏ nóng bỏng ấy lại trong đường dây “tông xong dông”, chuyên gây tai nạn để bắt cóc đòi tiền. Tiếc thay lần này cô ả lại bắt nhầm đối tượng, mở ra một câu chuyện hài hước vô đối. Những trang đầu của LƯỠI LAM LẲNG LƠ như cơn gió nóng bỏng ở Florida hất vào mặt người đọc, nhưng cơn choáng ngợp sẽ qua rất nhanh thôi, vì ngay lập tức người đọc chợt nhận ra, sự điên rồ không dừng ở việc vừa lái xe vừa cạo lông vùng bikini, mà chỉ mới là màn dạo đầu cho những sự kiện và nhân vật khủng khiếp hơn phía sau. Đó là những kế hoạch hủy hoại môi trường để làm giàu bất chính, những tay to chính trị tham nhũng, chương trình truyền hình sẵn sàng đổi đạo đức lấy tiền…
2. Book Hunter đồng hành cùng Lily dịch thuật bộ sách tranh “NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ” của William Joyce
Trích: Fanpage Book Hunter
Bộ sách tranh 3 cuốn kể về Jack Frost, Người Cung Trăng và Thần Mộng Mơ – những nhân vật đã từng ghi dấu khó phai trong tâm trí các em nhỏ qua bộ phim hoạt hình nổi tiếng SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁC VỆ THẦN, đã có mặt tại Việt Nam.
Bộ sách được sáng tác bởi William Joyce, nhà sáng tạo TOY STORY, EPIC, MEET THE ROBINSONS…
Không giống các cuốn sách tranh phổ biến hiện nay vốn chỉ khai thác các khía cạnh đời thường với cảm xúc đơn sơ, NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ thúc đẩy tính mạnh mẽ nơi mỗi em nhỏ, và trong chính chúng ta: Mạnh mẽ đối diện với sợ hãi, mạnh mẽ vượt qua sự cô đơn, mạnh mẽ tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình. Suy cho cùng, cuộc sống vốn là vậy, liên tục thử thách mỗi số phận, và chúng ta cần vươn lên bằng tình yêu thương, niềm cảm hứng và hạnh phúc, chứ không phải trốn chạy, thỏa hiệp hay sử dụng bạo quyền.
- Ẩn sau “NGƯỜI CUNG TRĂNG” là thông điệp về chuyển hóa nỗi đau thành sứ mệnh mang lại điều tốt đẹp cho thế gian.
- Ẩn sau “JACK FROST” là thông điệp về ý nghĩa của niềm vui trong cuộc đời mỗi người.
- Ẩn sau “THẦN MỘNG MƠ” là thông điệp về sự lựa chọn những ước ao, mơ mộng và kỳ vọng trong tâm trí mỗi chúng ta.
Và bởi thế, bộ sách tranh NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ không chỉ đẹp đẽ trong tạo dựng nhân vật hay tranh minh họa, không chỉ đẹp trong ngôn từ và các tứ thơ, mà còn kì vĩ với tầm vóc tư tưởng nhân văn và sâu sắc. Đây không chỉ là bộ sách tranh cho thiếu nhi, còn là tuyệt phẩm minh triết cổ xưa được hình tượng hóa thông qua các nhân vật và nét vẽ cổ điển.
Và cũng vì vậy, NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ đã đạt đến kinh điển mà không cần trải qua thử thách thời gian.
Sách phổ thông hữu ích
1. Nhã Nam thông báo sắp xuất bản cuốn Activités de la société enfantine annamite du Tonkin ( Các hoạt động trong xã hội trẻ em An Nam ở Bắc Kỳ) của Ngô Quý Sơn
Trích: Fanpage Nhã Nam
Thoạt nghe tên sách thì cứ tưởng là của tác giả Pháp nghiên cứu về Đông dương viết, nhưng đây lại là cuốn sách của một nhà nghiên cứu người Việt, là ông Ngô Quý Sơn viết bằng tiếng Pháp với mục đích phổ biến đến người nước ngoài, giúp họ hiểu thêm về một phần văn hóa dân gian Việt Nam. Cuốn sách viết về các trò chơi của trẻ em Bắc kỳ như: Nu na nu nống, Rồng rắn lên mây, Thả đỉa, Đánh đáo… này là tài liệu cực kỳ quý giá, các trò chơi đều được tác giả ghi chép tỉ mỉ cùng các chú giải cần thiết, và minh họa rõ ràng. Phần lớn các trò chơi trong sách ngày nay đã rơi vào quên lãng, vì vậy đây sẽ là tư liệu tham khảo rất quý cho các nhà nghiên cứu xã hội, cũng như làm công tác bảo tồn văn hóa, vì những trò chơi dân gian cũng là một di sản quý báu, mà chúng ta không nên để thời gian làm cho mai một.
Sự kiện tri thức
1. Book Hunter tổ chức cuộc thi viết, vẽ cho các bạn nhỏ về ƯỚC MƠ SẼ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC
Trích: Fanpage Book Hunter
Bạn nhỏ mà bạn yêu thương đã có trong tay bộ sách tranh 3 cuốn NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ chứ? Hãy chọn trong bộ sách cuốn THẦN MỘNG MƠ, mở tới phần những trang trải nghiệm, các bạn nhỏ sẽ bắt gặp một trang trống với dòng chữ:
“Viết hoặc vẽ giấc mơ mà các bạn mong muốn Thần Mộng Mơ thực hiện.”
Các bạn hãy hướng dẫn bạn nhỏ của mình VẼ hoặc VIẾT về ước mơ mãnh liệt nhất, mãnh liệt tới mức có khả năng trở thành hiện thực. Các bạn biết đấy, Thần Mộng Mơ là vị vệ thần có thể biến các ước mơ thành hiện thực, vì vậy, hãy mơ ước thật mãnh liệt nhé!
Đừng ngại ngần để các bạn nhỏ Vẽ hoặc Viết vào trang trống đã ghi dòng chữ “Viết hoặc vẽ giấc mơ mà các bạn mong muốn Thần Mộng Mơ thực hiện” nhé!
Sau khi người bạn nhỏ của bạn đã VẼ hoặc VIẾT ước mơ của mình lên đó, hay chụp hoặc scan và gửi cho Book Hunter qua email info.bookhunter@gmail.com, và ghi rõ các thông tin sau:
- Tên của bạn nhỏ
- Nơi bạn nhỏ đang học
- Tên của người gửi
Phần thưởng dành cho 2 bạn nhỏ dám mơ mãnh liệt nhất biểu hiện qua viết hoặc vẽ:
- 1 cuốn tiểu thuyết THỎ PHỤC SINH (Thuộc series Tiểu thuyết NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ, dự kiến phát hành vào tháng 3 năm 2022)
- Huy hiệu THẦN MỘNG MƠ bằng gỗ
Các bạn tham gia cuộc thi và gửi ước mơ của mình đúng quy cách đều được nhận huy hiệu THẦN MỘNG MƠ bằng gỗ.
Thời hạn nộp bài thi: 24/12/2021 đến 31/1/2022
2. Book Hunter tổ chức TFB #16 TRẦM CẢM MÙA ĐÔNG
Trích: Fanpage Book Hunter
Trầm cảm theo mùa (tiếng Anh: seasonal affective disorder – SAD; winter depression) hay rối loạn cảm xúc theo mùa là một rối loạn khí sắc thường xảy ra vào mùa đông và thu. Thông thường, tình trạng này sẽ phục hồi trở lại vào mùa xuân hoặc hè. Rối loạn cảm xúc theo mùa có nhiều đặc điểm chung với trầm cảm như thường xuyên cảm thấy buồn phiền do vậy dễ bị nhầm lẫn với căn bệnh này, đặc điểm khác biệt lớn là rối loạn cảm xúc theo mùa có tính chất chu kỳ rõ rệt và khi qua khỏi mùa bị ảnh hưởng người mắc lại có sức khỏe tâm lý như bình thường.
Rối loạn cảm xúc theo mùa gây ra những vấn đề như:
- Cảm thấy buồn rầu hay ủ rũ, dễ cáu gắt và lo lắng vào mùa thu hoặc đông
- Giảm sự thích thú với các hoạt động trước đây ưa thích
- Ăn nhiều hơn và thích ăn các thức ăn có nhiều tinh bột như bánh mỳ
- Ngủ nhiều hơn và cảm thấy mơ màng trong ngày
- Động tác chậm chạp uể oải
3. Tổ Chim Xanh tổ chức buổi Bluebird Reading Series #2: Những nỗi buồn chiến tranh
Trích: Tổ Chim Xanh – Bluebirds’ Nest
“Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.” (Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh)
Chiến tranh luôn là một mảnh ghép lớn trong bức tranh lịch sử, văn hóa, xã hội của nhân loại. Mảnh ghép ấy có chiều sâu hun hút, đặc trưng bởi bao khốc liệt, ám ảnh, trần trụi và đau thương. Chiến tranh như một hố đen khổng lồ hút vào trong lòng nó nhiều phận người, làm biến dạng và bóp vụn tất cả, và đáp trả lại, ở những chiều kích không gian khác, những số phận hậu chiến đậm đặc những bế tắc và trái khoáy.
Độc giả từ thế kỉ XXI mà nhìn lại sẽ thấy các cuốn sách về chiến tranh dường như đều được viết ở thì quá khứ. Nhưng quá khứ ấy chưa hẳn đã lùi xa, hiện tại của chúng ta vẫn đang bắt rễ rất sâu từ quá khứ ấy. Trong các tác phẩm này, mỗi thân phận hiện lên đều bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người mang trong lòng một cuộc chiến tranh riêng mình, nhiều khi hoàn toàn khác với cuộc chiến chung, cuộc chiến được mô tả bởi các đại tự sự. Trong buổi Bluebird Reading Series #2 Những nỗi buồn chiến tranh, chúng tôi thử đặt những tác phẩm viết về chiến tranh, khác nhau xa về bối cảnh, điểm nhìn và phong cách, cạnh nhau rồi cùng đọc, với hy vọng chúng sẽ ánh xạ lên nhau những ánh sáng mới lạ nào đó. Các tác phẩm được mang ra cùng đọc đó là; “Nỗi buồn chiến tranh”, “Người Mỹ thầm lặng”, “Nhẫn thạch”, “Những nhân chứng cuối cùng” và “Lò sát sinh số 5”.
4. Cà phê thứ bảy tổ chức Chương trình CÀ PHÊ MÔI TRƯỜNG trực tuyến với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với Biến Đổi Khí Hậu và thích ứng của chúng ta”
Trích: Cà phê thứ bảy
Hội nghị COP26 vừa kết thúc vào tháng 11/2021 vừa qua là một nỗ lực chống biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua các cam kết đa phương về khí phát thải toàn cầu. Tuy vậy, cuộc chiến khí hậu là cuộc chiến trường kỳ của nhân loại vì ảnh hưởng của nó vượt qua giới hạn lãnh thổ, và vì vậy không dừng lại chỉ trên bàn đàm phán. BĐKH ảnh hưởng tới nhiều quốc gia theo nhiều cách khác nhau, nhưng không nơi nào là không chịu thiệt hại nặng nề dưới tác động của nó.
Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi BĐKH trên một số vùng, trong đó vùng dễ bị tổn thương nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ở miền Nam Việt Nam. Với địa hình thấp, ĐBSCL trở nên dễ bị tổn thương trước những tác động của BĐKH: Từ những hiện tượng diễn ra từ từ như nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói mòn, đến các hiện tượng khí hậu đột ngột như bão và lũ sông. Việc ĐBSCL phụ thuộc vào nông nghiệp – ngư nghiệp và là một ‘vựa lúa lớn đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước’ càng làm vùng đất này khó khăn hơn trước tác động của BĐKH.
Những thiệt hại từ BĐKH được coi là hiểm hoạ đối với sự tồn tại của ĐBSCL trong tương lai, nhưng song song đó, chúng ta cũng có những giải pháp ở các cấp độ để linh hoạt thích ứng. Trong chương trình Cà phê Môi trường lần này, chúng ta sẽ lắng nghe ThS. Kỷ Quang Vinh qua chuyên đề “ĐBSCL đối mặt với BĐKH và thích ứng của chúng ta”, để có cái nhìn bao quát về biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động của BĐKH tới ĐBSCL, và các giải pháp thích ứng với những tác động đó.
5. Cà phê thứ bảy tổ chức sự kiện Online Cuốn sách truyền cảm hứng với chủ đề “Thơ lục bát của Nguyễn Duy”
Trích: Cà phê thứ bảy
Nói đến lục bát là nói đến ca dao, đến Truyện Kiều của Nguyễn Du, một thi phẩm đã đưa thể thơ này trở thành “quốc thi”. Thơ ca hiện đại với sự ra đời của Thơ mới đã có cách tân mạnh mẽ trong vần điệu nhưng lục bát vẫn xứng tầm đỉnh cao với Nguyễn Bính. Tiếp nối thế hệ thơ mới , ở Miền Nam có Bùi Giáng, còn trong thơ đương đại, người tiêu biểu nhất là Nguyễn Duy.
Thơ lục bát của Nguyễn Du là cổ điển (mẫu mực), của Bùi Giáng tuy hiện đại nhưng cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của Nguyễn Du nên có thể tạm gọi là “cổ điển-hiện đại”, của Nguyễn Bính có cái duyên dáng của ca dao nên tạm gọi là “ dân gian-hiện đại”, còn thơ lục bát của Nguyễn Duy thì phải gọi là “dân gian – đương đại”, một thứ lục bát cách tân táo bạo và hấp dẫn cho những người yêu thích sự đổi mới nhưng nặng lòng với ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt.
Trong chương trình Cuốn sách truyền cảm hứng #10 với chủ đề Thơ lục bát của Nguyễn Duy, nhà thơ Nguyễn Duy sẽ nói về thơ lục bát của ông và các bạn sẽ có cơ hội được chia sẻ với nhà thơ những cảm hứng và suy nghĩ của mình.
6. Cà phê thứ bảy tổ chức Chương trình PHIM TÀI LIỆU DOCLAND7 #18 trực tuyến: “Vào nơi rừng rậm”
Trích: Cà phê thứ bảy
Các nhà bảo tồn, hai vợ chồng mới cưới – Jim và Jean Thomas – đã dũng cảm đi tới những cánh rừng ẩm ướt ở Papua New Guinea để cứu lấy loài chuột túi cây đang trên bờ tuyệt chủng, nhưng cuối cùng thành ra lại làm công việc cung cấp nước sạch và điều kiện vệ sinh cho 10 ngàn người sống ở một trong những nơi xa xôi hẻo lánh nhất hành tinh.
Đề cập tới vấn đề bảo tồn, nhưng bộ phim này không đi vào chi tiết của giống loài được bảo tồn, ở đây là loài chuột túi sống trên cây (Tenkile) cho lắm, mà nó đi vào vấn đề chính yếu của mọi vấn đề trong Kỷ Nhân sinh (Anthropocene) này, đó là vấn đề con người – cộng đồng người. Ta sẽ thấy được ở đây những điều kiện then chốt để giúp cho một dự án bảo tồn thành công, nói rộng ra, then chốt cho sự thành công của mọi dự án hướng tới sự bền vững: những con người tham gia trực tiếp vào dự án đó phải được đảm bảo an sinh phúc lợi trước đã.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin tri thức do nhóm Book Hunter thực hiện.
Điểm tin: Trần Cúc
Do nhân lực có hạn, nên Book Hunter có thể sẽ tổng hợp thiếu sót các tin tức. Chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chia sẻ tin tức về các hoạt động xuất bản, sự kiện học thuật, hoạt động nghiên cứu… trong và ngoài nước, để Bản tin tri thức đa chiều hơn và đầy đủ hơn.
Đọc thêm Bản tin tri thức tuần trước:
https://bookhunter.vn/sach-hay-trong-nuoc-tuan-tu-ngay-13-thang-12-den-19-thang-12-nam-2021-sach-quan-che-triet-ly-va-tu-tuong-triet-hoc-cua-lao-tu-trong-dao-duc-kinh-di-tim-nguon-goc-viet/
Đọc thêm Bản tin sách học thuật thế giới tháng 11 năm 2021:
https://bookhunter.vn/sach-hoc-thuat-the-gioi-thang-11-nam-2021-weitiko-chua-lanh-virus-tam-tri-chiem-giu-the-gioi-quyen-luc-cua-dia-ly-cach-triet-ly-hoa-voi-bua-va-liem-nietzsche-va-marx-cho-canh-ta-the-ky-21-nghie/
Đọc thêm Bản tin sách tiếng Trung hay tháng 11 năm 2021:
https://bookhunter.vn/sach-tieng-trung-hay-thang-10-nam-2021-muoi-sau-goc-nhin-ve-nam-hoa-roi-luong-trang-ky-dung-giua-lan-ranh-hai-the-gioi/