Home Đọc SÁCH HAY TRONG NƯỚC TUẦN TỪ NGÀY 13 THÁNG 12 ĐẾN 19 THÁNG 12 NĂM 2021: SÁCH QUAN CHẾ, TRIẾT LÝ VÀ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA LÃO TỬ TRONG ĐẠO ĐỨC KINH… ĐI TÌM NGUỒN GỐC VIỆT

SÁCH HAY TRONG NƯỚC TUẦN TỪ NGÀY 13 THÁNG 12 ĐẾN 19 THÁNG 12 NĂM 2021: SÁCH QUAN CHẾ, TRIẾT LÝ VÀ TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA LÃO TỬ TRONG ĐẠO ĐỨC KINH… ĐI TÌM NGUỒN GỐC VIỆT

Trần Cúc

20/12/2021

Trong tuần từ 13 đến 19 tháng 12 năm 2021, thị trường sách mới lẫn các sự kiện tri thức được sinh ra là dành cho phần lớn các bạn yêu thích nghiên cứu sử Việt, về tổ chức bộ máy cai trị thời Pháp thuộc, tìm hiểu về nguồn gốc Việt và nghiên cứu tư tưởng của Lão Tử… Ngoài ra bản tin có thêm mục mới “Tuyển dụng Người yêu sách” để tổng hợp các tin tuyển dụng của các nhóm hoặc tổ chức về sách. Mời các bạn cùng xem.

Sách phổ thông đáng chú ý

1. Maihabooks hiệu chỉnh và bổ sung một số nội dung ấn bản “SÁCH QUAN CHẾ” của Paulus Của (tên khác là Huỳnh Tịnh Của – Đốc phủ sứ – Officier de L’Ordre royal du Cambodge)

Trích: Maihabooks

Năm 1874, triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất, chính thức thừa nhận chủ quyền của Pháp đối với 6 tỉnh Nam Kỳ. Từ đây, thực dân Pháp đã tổ chức xây dựng một bộ máy cai trị, bố trí quan lại chức tước nhằm dần hoàn thiện công cuộc bình định Nam Kỳ, làm bàn đạp tiến tới xâm chiếm toàn bộ nước ta. Điểm đặc biệt của bộ máy cai trị thời kỳ này là có sự tồn tại cùng lúc các quan chức người Pháp và quan lại lục bộ Annam trong chính quyền.

Tái bản từ ấn bản SÁCH QUAN CHẾ của Huỳnh Tịnh Của in năm 1888, MaiHaBooks đã hiệu chỉnh và bổ sung một số nội dung với mong muốn có thể mang đến cho bạn đọc cái nhìn chính xác và tổng quát về tổ chức bộ máy cai trị của thực dân Pháp áp đặt lên nước ta, cụ thể là ở Nam Kỳ, vào những buổi đầu của cuộc xâm lược.

Ấn phẩm SÁCH QUAN CHẾ lần này gồm có hai phần trọng tâm:

Phần chính văn: là nguyên bản nội dung “Quan chế” dùng từ ấn bản in năm 1888:

Trong phần này, tác giả đã phân chia thành hai nội dung chính đó là: Quan chế thuộc quan Langsa (hay chính là bộ máy quan lại thực dân người Pháp) và Quan chế thuộc quan Annam (hay chính là bộ máy quan lại của chính quyền phong kiến người Annam). Phần biên khảo đặc biệt ở chỗ, tác giả đã sử dụng song song cùng lúc 3 loại chữ viết: Quốc ngữ, Pháp và chữ Nho để gọi tên cũng như giải thích ý nghĩa của từng chức vị.

Phần phụ lục: “Nghị định quan chế hương chức ở Nam Kỳ”:

Đây là nội dung được MaiHaBooks bổ sung thêm vào bản in năm 2021, nhằm cung cấp cho độc giả có một cái nhìn tổng quan hơn về tổ chức bộ máy quan lại từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phụ lục này lấy nguyên văn từ bản “Nghị định về tổ chức hoạt động hương chức trong các làng xã ở Nam Kỳ” do Thống đốc Nam Kỳ François Pierre Rodier thông báo theo lệnh của viên Toàn quyền Đông Dương Jean Beau năm 1904. Nội dung Nghị định được viết bằng 4 loại chữ viết: Langsa (Pháp), Annam (Quốc ngữ), chữ Nho và Cao Miên (Campuchia). Nghị định trình bày chi tiết các khía cạnh xoay xung quanh vấn đề quan chế hương chức (hay Hội đồng Kỳ mục) trong các làng xã ở Nam Kỳ như: Cơ cấu tổ chức; Quyền lợi và nhiệm vụ; Chế độ tuyển cử, thăng chức, thưởng công, trừng phạt, cách chức; Quy trình xử lý kiện tụng; Quy định về nhận tiền phí lộ khi đi làm việc công…

sách quan chế
Ảnh: Maihabooks

2. NXB Tri thức xuất bản cuốn “Triết lý và tư tưởng triết học của Lão Tử trong Đạo đức kinh” của Phạm Văn Chung

Trích: NXB Tri thức

“Lão Tử, một con người mà lai lịch cuộc đời, sự nghiệp có nhiều điều còn nghi hoặc, thậm chí được xem như một truyền thuyết. Đạo đức kinh, một cuốn sách có xuất xứ và nội dung còn gây nhiều tranh cãi và có lẽ còn những điều không bao giờ có lời giải cuối cùng. Nhưng sự tồn tại đồng thời giữa cái hư và cái thực dường như là một nghịch lý tự nhiên của lịch sử tư tưởng cổ đại nói chung. Cho nên, theo dòng thời gian hơn hai ngàn năm nay, dù không tránh được phải nêu lên những sự thật không tách rời, chứa đựng cả những cái hư, cái khó và cái không thể xác định, người ta vẫn bàn về Lão Tử, về cuốn Đạo đức kinh như một sự thật hiển nhiên. Dù muốn hay không, người ta vẫn thấy trên thực tế tư tưởng Lão Tử đã ghi một dấu ấn hết sức sâu đậm và có sức ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống con người, xã hội Trung Quốc – phương Đông và có thể cả nhân loại cả về những mặt giá trị, tích cực và hạn chế cũng như những mặt tiêu cực của nó. Nhưng cùng với quá trình ấy thì những cuộc tranh cãi về nội dung, ý nghĩa tư tưởng Lão Tử vẫn không ngừng diễn ra theo xu hướng ngày càng đúng, sâu sắc và toàn diện hơn, căn cứ vào những yêu cầu, điều kiện và khả năng thực tế của mỗi giai đoạn lịch sử.

Người ta có thể quên nhiều điều trong Đạo đức kinh, nhưng có lẽ bất cứ ai đã yêu thích, từng đọc sách này đều khó có thể không biết đến hoặc khó có thể quên những câu nói nổi tiếng trong sách này như “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” và “Vô vi nhi vô bất vi”, v.v. Nhưng biết, nhớ những câu nói nổi tiếng ấy để ít nhiều có thể sẻ chia trong giao tiếp, ít ra có cái để quan tâm hơn đến các giá trị, ý nghĩa cuộc đời, là một chuyện, còn hiểu thấu, nắm được tinh thần những câu nói ấy, toàn bộ nội dung tư tưởng của Đạo đức kinh lại là một câu chuyện khác, hơn thế rất khác. Lão Tử từng chia sẻ: “Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi đạo”. Có nghĩa là: “Bậc thượng sĩ [sáng suốt] nghe đạo [hiểu được] thì gắng sức thi hành đạo; kẻ tầm thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ; kẻ tối tăm nghe đạo [cho là hoang đường] thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa”. Giáo huấn rõ ràng và chí lý này của Lão Tử về Đạo khiến chúng ta, trước hết là những người quan tâm, đặt cho mình nhiệm vụ là phải nắm được, hiểu thấu bản chất của tồn tại nói chung, của đời sống con người, kiếp người và ý nghĩa của nó không khỏi băn khoăn rằng liệu ta đã đạt đến tầm vóc của “bậc thượng sĩ” [thực sự sáng suốt] để thực hiện trọng trách này và như thế cũng tức là đã có khả năng để hiểu được con người và tư tưởng Lão Tử về Đạo chưa?”

lão tử
Ảnh: NXB Tri thức

Sự kiện tri thức

1. Book Hunter tổ chức sự kiện “ĐI TÌM NGUỒN GỐC VIỆT qua các nghiên cứu về văn hóa của PGS.TS nhân học ĐINH HỒNG HẢI”

Trích: Fanpage Book Hunter

  • Diễn giả: PGS.TS nhân học Đinh Hồng Hải
  • Hướng nghiên cứu chính: Nhân học văn hóa, nhân học tôn giáo, nhân học nghệ thuật và biểu tượng, nghệ thuật học, ký hiệu học, biến đổi văn hoá.

“Việt” luôn là một khái niệm gây tranh cãi trong giới học thuật, bởi đi tìm nguồn gốc của khái niệm “Việt” cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về các tộc Việt (trong đó có Âu Việt, Lạc Việt), và xa hơn thế là mở ra cánh cửa bước vào quá khứ để xác định cội nguồn của dân tộc, để hiểu hơn mối quan hệ với các tộc láng giềng và sự giao thoa không chỉ văn hóa mà còn nhân chủng và cơ cấu xã hội.

Trong cuộc gặp gỡ với Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Hải ở buổi Nam Phong tháng 12, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các vấn đề:

  1. Vì sao chúng ta quan tâm đến nguồn gốc của mình?
  2. Tổ tiên người Việt là ai? Tại sao có nhiều bàn luận và tranh cãi? (trong khi các nước khác không như vậy)
  3. Giới thiệu (lại) giả thuyết của Đào Duy Anh (nguồn gốc chim Lạc và tô tem chim) để đối sánh với 02 công bố mới (2018 và 2021) là:
    • a) Tên gọi Lạc Việt (mà người Việt Nam hiện nay tự nhận) là một sáng tạo của Đào Duy Anh mới được tạo ra từ giữa TK20
    • b) Nguồn gốc tộc người Việt không phải từ tộc người Hán

2. Book Hunter tổ chức sự kiện TFB#15 “ĐỒNG HỒ SINH HỌC THEO QUAN ĐIỂM AYURVEDA”

Trích: Fanpage Book Hunter

Để có sức khỏe tốt bạn cần lắng nghe cơ thể chính mình. Sống theo nhịp sinh học là cách tốt nhất giúp bạn có sức khỏe tốt để làm việc.

Trong cơ thể chúng ta các mô và cơ quan đều hoạt động theo nhịp sinh học. Các quá trình trong cơ thể hoạt động theo một lịch trình còn gọi là đồng hồ cơ thể. Nhịp sinh học là chu trình 24 giờ quy định thời gian của các quá trình để đảm bảo có một vòng tuần hoàn với các quá trình sinh học cần thiết.

Nếu đồng hồ sinh học có vấn đề thì toàn bộ hệ thống của cơ thể cũng bị ảnh hưởng như giấc ngủ, nồng độ hormone, hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta như tăng nguy cơ ung thư, béo phì, bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường, lo âu, và trầm cảm.

Ayurveda – Y học cổ truyền Ấn Độ, dựa vào các mối liên hệ giữa năng lượng của cơ thể con người với năng lượng của tự nhiên, theo trong chu kỳ 24 giờ trong ngày để đưa ra lời chỉ dẫn để đạt tối ưu trong dưỡng sinh và làm việc.

Khi chúng ta hòa điệu đồng hồ sinh học của mình theo nhịp điệu của tự nhiên, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích cho sức khỏe và hạnh phúc của bản thân mình. Nếu chúng ta đi ngược lại chu kỳ năng lượng này, chúng ta sẽ tự làm tổn hại sức khỏe của chính mình.

3. Cà phê thứ bảy tổ chức chương trình CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI TRỰC TUYẾN với chủ đề “SUY NGHĨ VỀ CON NGƯỜI QUA ĐẠI DỊCH”

Trích: Cà phê thứ bảy

  • Diễn giả : GS-TS Nguyễn Văn Trọng
  • Chủ trì : NS Dương Thụ
  • Dẫn chương trình: Phạm Cường

Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới thay đổi trong 2 năm qua và có thể chưa dừng lại. Song đó cũng là quãng thời gian đặc biệt, lần đầu tiên trong gần 1 thế kỷ qua, con người phải “dừng lại” để suy nghĩ về về bản thân và thế giới.

“Theo hiểu biết của tôi thì tình cảnh đầy tai họa của loài người hiện nay có liên quan đến những thành tựu vĩ đại của khoa học vật lý. Những thành tựu đó dẫn đến những phát minh công nghệ cùng với công cuộc công nghiệp hóa ở châu Âu và Bắc Mỹ. Thật nghịch lý là những kết quả xuất sắc ấy của vật lý học lại khiến cho nhiều nhà tư tưởng khai minh thế kỷ 18 có ảo tưởng rằng có thể khám phá được quy luật khách quan của lịch sử nhân loại giống như các nhà vật lý đã khám phá ra các quy luật vật lý. Cái gọi là “tính tất yếu của lịch sử” chính là tột đỉnh của mọi ảo mộng, con người không phải là Thượng đế và anh ta bị trừng phạt đích đáng vì trò chơi đóng giả Thượng đế của mình” – GS, TS Vật lý, dịch giả Nguyễn Văn Trọng đã viết như thế từ năm 2018 trong Lời dẫn cuốn sách “Khoa học Tự nhiên và Con người trong đời sống tinh thần” của mình.

SUY NGHĨ VỀ CON NGƯỜI QUA ĐẠI DỊCH
Ảnh: Cà phê thứ bảy

Tuyển dụng Người yêu sách

1. Philosapiens tuyển thành viên Gen 2 mở rộng

Trích: Fanpage Philosapiens

Philosapiens là một dự án phi lợi nhuận với mục đích xây dựng không gian học thuật, nghiên cứu, trao đổi giới thiệu triết học có tính chất chuyên môn cao. Tại đây, Philosapiens thường xuyên tổ chức và đa dạng hóa các hoạt động để đưa kiến thức triết học đến gần hơn với độc giả bằng những sự kiện livestream, talkshow trao đổi học thuật, video giới thiệu các trường phái triết học, các triết gia kinh điển, và những chuyên mục triết học đáp ứng các nhu cầu của độc giả khắp nơi. Trong thời gian vừa qua, Philosapiens đã tổ chức được nhiều sự kiện và talkshow online với các chủ đề như triết học – đạo đức học Phật giáo, triết học nhị nguyên luận của Descartes, triết học Âm Dương – Ngũ Hành gia, triết học phiếm thần luận của Spinoza, triết học hiện sinh của Berdyaev,…. Và cũng trong năm nay, Philosapiens đã cho ra mắt chuỗi video giới thiệu các chủ đề triết học với sản phẩm đầu tiên đáng nhớ là những nguyên lý cơ bản của thuyết Âm Dương và sẽ tiếp tục mang đến bạn đọc những video chất lượng trong thời gian tới. 

Nhằm mở rộng dự án với chất lượng chuyên môn ngày càng cao, Philosapiens triển khai đợt “Tuyển thành viên Gen 2 mở rộng” ở ba phân ban: Ban nội dung, Ban truyền thông và Ban thiết kế.

Philosapiens tuyển thành viên
Ảnh: Philosapiens

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin tri thức do nhóm Book Hunter thực hiện.

Điểm tin: Trần Cúc

Do nhân lực có hạn, nên Book Hunter có thể sẽ tổng hợp thiếu sót các tin tức. Chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chia sẻ tin tức về các hoạt động xuất bản, sự kiện học thuật, hoạt động nghiên cứu… trong và ngoài nước, để Bản tin tri thức đa chiều hơn và đầy đủ hơn.

Đọc thêm Bản tin tri thức tuần trước:

https://bookhunter.vn/sach-hay-trong-nuoc-tuan-tu-ngay-6-thang-12-den-12-thang-12-nam-2021vong-luan-hoi-cua-cai-dep-mot-vai-suy-nghi-ve-nghe-thuat-sung-vi-trung-thep-reading-with-me-19-cuoc-doi-noi-loa/

Đọc thêm Bản tin sách học thuật thế giới tháng 11 năm 2021:

https://bookhunter.vn/sach-hoc-thuat-the-gioi-thang-11-nam-2021-weitiko-chua-lanh-virus-tam-tri-chiem-giu-the-gioi-quyen-luc-cua-dia-ly-cach-triet-ly-hoa-voi-bua-va-liem-nietzsche-va-marx-cho-canh-ta-the-ky-21-nghie/

Đọc thêm Bản tin sách tiếng Trung hay tháng 11 năm 2021:

https://bookhunter.vn/sach-tieng-trung-hay-thang-10-nam-2021-muoi-sau-goc-nhin-ve-nam-hoa-roi-luong-trang-ky-dung-giua-lan-ranh-hai-the-gioi/

SÁCH TIẾNG ANH HAY THÁNG 4 NĂM 2022: THẾ GIỚI TỰ DO – NGHỆ THUẬT & TƯ DUY THỜI CHIẾN TRANH LẠNH, THẾ GIỚI THEO MÀU SẮC – LỊCH SỬ VĂN HÓA, CUỘC NỔI DẬY ĐÌNH ĐÁM CỦA NỮ TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG, TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN MURAKAMI…

Ngay cả khi đang viết những dòng này, tôi cũng chưa hiểu rõ lợi ích thực sự của việc viết lách đem lại cho mỗi cá nhân. Nhưng như nhà văn Anna Quindlen đã nói, “Viết về hiện tại, chính là đặt niềm tin vào tương lai”, bạn đọc (và cả tôi) hẳn sẽ muốn tìm hiểu thêm về cuốn sách mới nhất về sự viết của bà, để trở nên con người hơn, chính mình hơn. Giữa cuộc chiến tranh rối ren hiện giờ,

SÁCH TIẾNG TRUNG HAY THÁNG 9 NĂM 2021: VĂN THÀNH & KẾT NỐI THẾ GIỚI: LOGIC CỦA “MỘT VÀNH ĐAI, MỘT CON ĐƯỜNG”

Lên Baike.baidu.com tìm từ khoá "sách Trung Quốc hay" sẽ lập tức hiện ra hàng loạt trang review sách, nhưng xem chi tiết hơn thì chủ yếu là sách dịch từ tiếng nước ngoài. Thi thoảng có một cuốn do tác giả người Trung viết, nhưng đa phần đều chú trọng tôn vinh đất nước và con người Trung Quốc. Theo quan điểm cá nhân tôi, người Trung có tính tự tôn cao. Thế giới tra cứu bằng Google.com thì Trung Quốc tạo ra Baike.baidu.com,

SÁCH HAY TRONG NƯỚC TUẦN TỪ NGÀY 4 THÁNG 10 ĐẾN 10 THÁNG 10: QUẢN TRỊ LIÊN VĂN HÓA VỚI ĐÓNG GÓP CỦA NGÀNH KHOA HỌC NÃO BỘ, TIẾP THỊ 5.0 CÔNG NGHỆ VỊ NHÂN SINH… & PHÊ THƠ 2: THƠ DÂN GIAN – NHỮNG VẦN THƠ KHUYẾT DANH

Trong giai đoạn “bình thường mới”, cả thị trường xuất bản sách cũng như các sự kiện tri thức đều đang có xu hướng hoạt động ổn định dần. Bên cạnh các đầu sách văn học thường thấy, đã xuất hiện thêm sách ở các lĩnh vực khác như marketing, đầu tư. Thời gian này, mọi người bắt đầu quay trở lại với công việc của mình. Hi vọng ngoài những sự kiện giúp mọi người hiểu hơn về thơ hay học thuật thì các

Trần Cúc

11/10/2021

SÁCH PHỔ THÔNG TRONG NƯỚC THÁNG 1 NĂM 2022: HỎA LONG TRẬN, THIỀN ĐỊNH MỖI NGÀY, KỂ CHUYỆN VĂN HOÁ VIỆT…

Dạo quanh thị trường sách Việt sẽ không thiếu những đầu sách thú vị cho mọi người thưởng thức. Khác với những cuốn sách học thuật chuyên sâu, khó hiểu và có phần khô khan và thường chỉ dành do những người đang học tập và làm việc trong lĩnh vực đó thì những cuốn sách phổ thông sẽ dễ tiếp cận hơn, giúp mọi người vừa giải trí, vừa mang lại kiến thức mới. Những cuốn sách phổ thông được ra mắt  trong tháng

Trần Cúc

02/02/2022

SÁCH HAY TRONG NƯỚC TUẦN TỪ NGÀY 20 THÁNG 12 ĐẾN 26 THÁNG 12 NĂM 2021: BHAGAVAD GITA, NHỮNG VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ, PIERRE BOURDIEU MỘT DẪN NHẬP… & TRẦM CẢM MÙA ĐÔNG

Trong dịp lễ Giáng Sinh năm 2021, thị trường xuất bản sách chiêu đãi những con mọt sách bằng những ấn phẩm sách phổ thông hữu ích, đủ để chúng ta có thể đón dịp Giáng Sinh đầy xúc cảm và màu sắc. Các sự kiện tri thức vẫn hoạt động trực tuyến sôi nổi như thường lệ với các chủ đề quen thuộc về sức khỏe, môi trường, văn học...  Mời các bạn cùng theo dõi. Sách học thuật thú vị 1. Thư Books

Trần Cúc

27/12/2021