Home Đọc Phỏng vấn Peter Kuznick: OPPENHEIMER vs Lịch Sử

Phỏng vấn Peter Kuznick: OPPENHEIMER vs Lịch Sử

Book Hunter

28/08/2023

Book Hunter: Bộ phim OPPENHEIMER của đạo diễn Christopher Nolan đã tạo một cú nổ lớn trong dư luận thế giới vào những ngày cuối tháng 8 năm 2023. Sự bàn luận về nhân vật Oppenheimer đã thúc đẩy chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn nhà sử học Peter Kuznick, đồng tác giả của Nước Mỹ chuyện chưa kể (Oliver Stone & Peter Kuznick, Book Hunter &NXB Hội Nhà Văn). Nhà sử học Peter Kuznick là nhà sử học chuyên về chiến tranh hạt nhân và nước Mỹ hiện đại, ông hiện đang là Giáo sư Lịch sử và Giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân tại Đại học Hoa Kỳ.

Video cuộc phỏng vấn Peter Kuznick: OPPENHEIMER vs HISTORY đã được đăng tải trên Youtube của Book Hunter:

https://youtu.be/1aJ8H7oC-70?si=PzXrZgh5gETqNtib

Xin mời các bạn đọc bản gỡ băng cuộc phỏng vấn Peter Kuznick: OPPENHEIMER vs Lịch Sử

Book Hunter: Bộ phim OPPENHEIMER có như ông kỳ vọng không?

Peter Kuznick: Phim tốt hơn tôi kỳ vọng ở nhiều khía cạnh. Trong vài khía cạnh khác thì tôi thấy thất vọng. Nói chung tôi có đánh giá tích cực đối với bộ phim. Với tư cách là một bộ phim, đặc biệt là phim Hollywood, đó là một dự án đầy tham vọng. Thông thường Hollywood không làm phim về đề tài lớn kiểu này, một sử thi cá nhân về một nhân vật chính phức tạp và trong một mức độ nào đó là một người bị hành hạ về tâm lý. Do đó tôi đánh giá cao nỗ lực của đạo diễn và biên kịch Christopher Nolan rất nhiều. Anh ấy chuyển thể phim dựa trên cuốn sách của bạn tôi, Martin Sherwin và Kai Bird. Nhiều đạo diễn lớn khác cũng đã thử chuyển thể, thậm chí bạn tôi Oliver Stone cũng đã thử đọc cuốn sách, và nghĩ về việc chuyển thể, nhưng anh ấy nói không thể nghĩ ra cách nào để chuyển thể sách thành phim. Bạn biết đó, Oliver Stone là một đạo diễn lớn, anh đã làm rất nhiều bộ phim thú vị về Việt Nam. Oliver rất ngưỡng mộ và ca ngợi phim của Nolan. Anh ấy nghĩ rằng Nolan đã nghĩ ra cách làm và đã làm thành công. Dù nhiều chỗ diễn giải lịch sử chưa được chính xác, nhưng với tư cách là một bộ phim, tôi cho rằng đó là một thành công lớn. Đạo diễn tốt, hậu kỳ tốt, kỹ thuật điện ảnh tốt, diễn xuất tuyệt vời, biên kịch xuất sắc. Tôi cho rằng đó là một bộ phim quan trọng và tôi rất vui vì điều đó. Nhưng có những điểm mà nếu có cơ hội tôi có lẽ đã làm khác đi rất nhiều.

> Đọc thêm: Tri thức là vũ khí chống lại sự độc ác – Oliver Stone và Peter Kuznick trả lời phỏng vấn Tuần báo Shukan Kinyobi, Nhật Bản – Book Hunter

Book Hunter: Đâu là sự khác biệt trong Oppenheimer của Nolan và Oppenheimer trong lịch sử?

Peter Kuznick: Oppenheimer trong phim là một nhân vật dễ có được sự thông cảm hơn, ở nhiều khía cạnh hơn Oppenheimer trong lịch sử. Oppenheimer là một nhân vật lịch sử.

Vấn đề là, Christopher Nolan gần như không có cách nào khác ngoài cách biến nhân vật chính Oppenheimer thành nạn nhân với tính cách dễ được cảm thông. Một nhân cách khiến khán giả có thể yêu mến. Oppenheimer là một người sáng dạ. Ông ta có thể tổng hợp ý tưởng rất nhanh và hiệu quả. Ông ta là nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, dù khác với một vài đồng nghiệp ở dự án Manhattan, ông chưa bao giờ đoạt giải Nobel vật lý. Nhưng lý thuyết lỗ đen lúc đó mà được chấp nhận thì ông đã có lẽ dành giải Nobel rồi.

Oppenheimer trong phim là một linh hồn bị đày đọa, đầy tội lỗi. Và ở mức độ nào đó thì điều này có lẽ đúng với thực tế. Nếu ông ta không thúc đẩy dự án làm quả bom thì có lẽ nó đã không xuất hiện và không bị đem ra sử dụng trong Thế chiến II. Oppenheimer nói trong phim và cả ngoài đời thực rằng: “Liệu quả bom có đủ lớn và đủ khủng khiếp để kết thúc chiến tranh mãi mãi?” Chúng ta biết rằng chiến tranh đã không kết thúc. Ông ta biện minh cho việc dùng quả bom là nhằm kết thúc chiến tranh và để tránh một cuộc xâm lược mà thôi. Bộ phim củng cố ý tưởng rằng nếu không dùng quả bom để khiến Nhật Bản đầu hàng thì Hoa Kỳ sẽ phải xâm lược Nhật Bản. Hàng nghìn, vạn người, trăm nghìn người lính Mỹ sẽ có thể hi sinh và Truman sau đó cũng nhắc tới hàng triệu người Nhật có thể mất mạng. Và bộ phim đã củng cố sự dối trá này, sự dối trá nằm ở trung tâm của đế chế Hoa Kỳ rằng bom nguyên tử không chỉ hợp lý mà chúng còn cần thiết và đúng về mặt đạo đức. Bởi vì chúng giúp cứu sống hàng triệu mạng người. Đó là một lời dối trá. Bộ phim đã củng cố lời dối trá đó.

Trong phim, nhân vật Oppenheimer đã sử dụng lời dối trá đó, Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson đã sử dụng lời dối trá đó. Bộ phim loại bỏ tất cả những nhà khoa học phản đối sử dụng quả bom, những người cho rằng quả bom là không cần thiết, và rằng chiến tranh đã kết thúc đối với người Nhật, họ đang cố đầu hàng. Việc ném bom chỉ dẫn tới chạy đua vũ trang không phanh giữa Mỹ và Liên Xô mà thôi, và có thể mang tới thảm họa cho nền văn minh nhân loại. Các nhà khoa học biết điều đó, Oppenheimer cũng biết ở một mức độ nào đó. Bộ phim nhắc nhiều tới cuộc họp ngày 31/5/1945 của Ủy ban Lâm thời. Và trong cuộc họp đó ngoài đời thực, các lãnh đạo chính trị và quân sự đã hỏi Oppenheimer về tương lai của bom hạt nhân. Oppenheimer đã trả lời rằng trong vòng 3 năm chúng ta có khả năng cao sẽ sở hữu vũ khí mạnh mẽ gấp 700-7000 lần so với trái bom san phẳng Hiroshima. Họ biết họ đang làm gì. Họ biết tương lai sẽ thế nào, và họ vẫn quyết định thực hiện ném bom xuống Nhật Bản. Thậm chí bây giờ chúng ta còn biết rằng lúc bấy giờ Hoa Kỳ có 8 Thống tướng 5 sao, và 7 người trong số họ được ghi chép lại là đã nói rằng bom hạt nhân là không cần thiết về mặt quân sự hoặc vô đạo đức hoặc cả hai. Đô đốc Leahy, chủ tịch Ủy ban, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quan Hoa Kỳ, Chánh văn phòng Nhà trắng của Truman đã nói rằng việc sử dụng vũ khí này trước một nước Nhật vốn đã bị đánh bại một cách triệt để sẽ khiến chúng ta tương đương với mức độ man rợ trong thời kỳ Trung Cổ.
Eisenhower phản đối, McArthur phản đối, King phản đối, Hap Arnold, Nimitz, Bull Halsey. Tất cả đều phản đối, họ biết bom nguyên tử là không cần thiết, người Nhật đã bị đánh bại và đang cố đầu hàng. Truman cũng phản đối. Truman nói rằng ông ta tới Potsdam và ăn trưa với Stalin vào 17/7 và Stalin đảm bảo với Truman rằng Liên Xô sẽ tiến vào Nhật Bản sau khi kết thúc chiến tranh ở châu Âu 3 tháng, tức là khoảng 8 hoặc 9 tháng 8. Truman trở về sau bữa trưa và viết trong nhật ký của ông ta rằng Stalin sẽ tiến vào Nhật khoảng 15 tháng 8, kết thúc Nhật Bản khi điều đó xảy ra.

Ông ta viết vào ngày hôm sau rằng người Nga tiến vào sẽ khiến chiến tranh kết thúc sớm hơn 1 năm. Bây giờ hãy nghĩ về tất cả những đứa trẻ, những người sẽ không bị giết.

Truman đề cập đến bức điện tín ngày 18/7 bị chặn, bức điện của Nhật Bản là bức điện từ Nhật hoàng, đề nghị hoà bình. Tóm lại, các nhà lãnh đạo Mỹ đều biết người Nhật đã bị đánh bại. Họ biết việc ném bom là không cần thiết. Họ biết rằng nó có thể bắt đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang mà có thể dẫn đến sự huỷ diệt lẫn nhau, họ biết họ đang mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên huỷ diệt không thể tưởng tượng được. Vậy mà họ vẫn tiếp tục và làm điều đó, và tôi lập luận rằng họ đã làm điều đó bởi vì họ muốn gửi một thông điệp tới Liên Xô rằng nếu Liên Xô can thiệp vào các kế hoạch của Mỹ ở châu Âu hoặc ở Thái Bình Dương thì đây là những gì Liên Xô sẽ nhận được và thậm chí có thể tồi tệ hơn. Và đó chính xác là cách các nhà lãnh đạo Liên Xô diễn giải thông điệp đó bởi vì người Nhật đã đưa ra quyết định đầu hàng vào tháng Năm đề nghị Liên Xô can thiệp thay mặt họ để cho Nhật Bản được đầu hàng với điều khoản tốt hơn. Mỹ yêu cầu đầu hàng vô điều kiện. Điều đó có nghĩa là gì? Người Nhật tôn thờ Thiên hoàng như một vị thần. Bộ Tư lệnh Tây Nam của McArthur, đã đưa ra một báo cáo vào tháng Bảy nói rằng việc xử tử hoàng đế đối với họ sẽ giống như giết Chúa Kitô đối với chúng ta. Ông nói rằng tất cả người Nhật sẽ chiến đấu tới chết, giống như bầy kiến. Các nhà lãnh đạo Mỹ, biết rằng người Nhật không chịu khuất phục vô điều kiện, vì tình báo Mỹ đã nói vậy liên tục trong nhiều tháng.
Nhưng Uỷ ban Tình báo của Hội đồng Tham mưu đã nói từ tháng Tư, rằng sự tham gia của Liên Xô vào cuộc chiến sẽ thuyết phục tất cả người Nhật rằng sự kháng cự thêm là vô ích. Và sự tham gia của Liên Xô sẽ kết thúc chiến tranh. Người Mỹ biết điều đó. Tình báo Mỹ đang cố gắng nói điều đó. Và thế là vào đầu tháng 6, cựu thủ tướng Nhật Bản Hirota gặp Đại sứ Liên Xô tại Tokyo – Malik nhiều lần và Malik viết thư lại cho Điện Kremli rằng người Nhật đang tuyệt vọng đầu hàng.

Vì vậy, khi Hoa Kỳ thả bom, Liên Xô biết rằng Nhật Bản không phải là mục tiêu vì Hoa Kỳ không cần thả bom để đánh bại Nhật Bản mà Liên Xô mới là mục tiêu và các báo cáo tại Mỹ sau chiến tranh nói rằng, một cách rõ ràng, Khảo sát ném bom chiến lược nói rằng, báo cáo của Bộ Chiến tranh nói rằng, Thủ tướng Suzuki khi được hỏi vào 13/8, một ngày trước khi quân Nhật đầu hàng, tại sao họ lại đầu hàng nhanh như vậy. Ông nói rằng, chờ xíu, vì tôi có thể tìm cho bạn câu trích dẫn chính xác, bởi vì Liên Xô sẽ tới Nhật Bản. Hãy để tôi cung cấp cho bạn những câu từ chính xác của Suzuki. Ông ấy nói, “Tôi không thể trì hoãn. Nếu chúng tôi bỏ lỡ ngày hôm nay, Liên Xô sẽ không chỉ lấy Mãn Châu, Hàn Quốc, Karafuto mà sẽ có cả Hokkaido. Điều này sẽ phá huỷ nền tảng của Nhật Bản.”

Chúng ta phải chấm dứt chiến tranh mà chúng ta có thể thỏa thuận với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đồng ý giữ Hoàng đế, đó là mục tiêu chính của người Nhật. Nếu bạn đến Bảo tàng Hải quân Quốc gia chính thức ở Washington DC, họ có phần trưng bày về kết thúc cuộc chiến, và nó nói rằng, sự tàn phá to lớn gây ra bởi các vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki gây ra rất ít tác động đến đội quân Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc xâm lược Mãn Châu của Liên Xô đã thay đổi suy nghĩ của họ. Vì vậy, ngay cả Bảo tàng Hải quân cũng thừa nhận điều này. Vì vậy khi xét tới các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ thì bộ phim hoàn toàn không đề cập đến điều đó.

Bộ phim biện minh cho vụ đánh bom nguyên tử là cần thiết để khiến người Nhật điên rồ đầu hàng mà không cần xâm lược. Nhìn chung, nó làm cho Oppenheimer trở nên dễ được cảm thông, nó cho thấy Oppenheimer sau đó đã bị phỉ bảng và mất quyền miễn trừ an ninh vào năm 1954, phần lớn là do ông ta phản đối chế tạo bom hydro. Nhưng tại sao ông ta lại phản đối bom hydro? Ông ta nói điều đó bởi vì ông nói rằng nó sẽ chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý của Mỹ đi khỏi việc chế tạo thêm bom nguyên tử. Ông ta nói, “Chúng ta có thể quét sạch Liên Xô bằng bom nguyên tử. Hãy chế tạo chúng nhiều hơn. Chúng ta không cần bom hydro”. Nhưng bộ phim làm cho ông ta giống như là một kẻ tử vì đạo. Nó khiến cho ông ấy trông rất nguyên tắc và sẵn sàng phản đối bom hydro vì nó là vũ khí diệt chủng trong khi ông ấy muốn chế tạo nhiều bom nguyên tử hơn.

Vì vậy, mặc dù ông đã kêu gọi kiểm soát quốc tế, mặc dù ông cảm thấy tội lỗi về việc sử dụng bom, vậy nhưng ông ta đã làm điều đó, ông đã nói với Truman. Bộ phim có một cảnh, trong đó ông nói với Truman “Tôi sợ tôi vấy máu trên tay” với Truman và Truman đã ném ông ta ra khỏi văn phòng và nói rằng “Tôi đã có máu trên tay và còn tạo ra một nhà khoa học hay mè nheo”. Oppenheimer đúng là đã cảm thấy tội lỗi về vai trò của mình nhưng điều đó không ngăn cản ông ấy ủng hộ bom nguyên tử, muốn chế tạo thêm bom nguyên tử và muốn Hoa Kỳ luôn có ưu thế và vị thế. Và vì vậy Oppenheimer là một nhân vật phức tạp.

Bộ phim diễn tả ông ta là một nhân vật phức tạp, nhưng nó khiến ông ta dễ được cảm thông và có đạo đức hơn so với thực tế. Và xét về những bình phẩm khác, bộ phim không đề cập đến những nạn nhân đầu tiên của quả bom thử nghiệm vào ngày 16/7/1945 tại Alamogordo, New Mexico, thử nghiệm Trinity do Groves, Tướng Groves phụ trách dự án Manhattan và Oppenheimer đều được cảnh báo rằng vụ nổ sẽ tạo ra rất nhiều bụi phóng xạ. Điều đó sẽ rất nguy hiểm. Bụi phóng xạ ban đầu mở rộng hơn 150 dặm, bao trùm một khu vực với nửa triệu người và nhiều bộ lạc người Mỹ bản địa. Và nếu có sự thay đổi hướng gió, nó có thể đã quét sạch phần lớn Santa Fe và Albuquerque.

Họ biết điều đó và họ vẫn tiếp tục thử bom và sau đó họ đưa ra những câu chuyện che đậy để lừa những người dân ở New Mexico và Mexico, Arizona và Texas, những người bị ảnh hưởng bởi nó. Và, bụi phóng xạ rơi xuống trong ba ngày và có tro bụi rơi xuống từ bầu trời và không ai được cảnh báo về điều đó và trẻ em chơi trong đó và chúng ăn đồ ăn dính phóng xạ. Và sự ô nhiễm thật khủng khiếp. Và người dân New Mexico, những người chưa bao giờ được đền bù cho điều này. Họ chết vì ung thư. Con cái của họ chết vì ung thư và câu chuyện không được đưa vào Đạo luật Bồi thường mà Quốc hội đã thông qua vào năm 1990. Và Chính phủ đã nói dối về điều đó. Và các nhà lãnh đạo ở New Mexico muốn Nolan đưa điều này vào bộ phim.

Nhưng Nolan từ chối đề cập đến nó trong phim. Họ có thể làm điều đó một cách dễ dàng trong một hoặc hai câu, ít nhất là cảnh báo về nó. Nhưng điều đó sẽ khiến Oppenheimer và Groves rơi vào một vị trí phức tạp hơn về mặt đạo đức. Vì vậy, đoàn làm phim đã không làm điều đó. Họ cũng không cho thấy bất kì nạn nhân Nhật Bản nào. Không có phần trình chiếu nào, bạn biết đấy, không khó khăn bởi bộ phim dài ba tiếng, vì vậy bạn có thể thực sự làm điều đó đầy đủ và thể hiện hết những gì họ muốn phô ra. Với rất nhiều sự nhấn mạnh vào các phiên toà trong những năm 1950, các phiên điều trần an ninh, nhưng họ có thể khiến bộ phim cảm thông hơn khi cho xem các nạn nhân. Họ chỉ cho lên màn ảnh, sau khi quả bom quét sạch Hiroshima, các nhà khoa học tung hô và khen ngợi Oppenheimer và yêu cầu ông ta phát biểu.

Và Oppenheimer đã có một bài phát biểu về sự thành công của quả bom. Và khi Nolan thể hiện điều đó, trong tâm trí Oppenheimer, ông ta đang hình dung khán giả của mình bị thiêu rụi trong một vụ nổ nguyên tử. Nhưng bộ phim không cho thấy các nạn nhân ở Nhật Bản. Tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn vài ngày trước với Asahi Shimbun – một trong những tờ báo lớn của Nhật Bản và bộ phim chưa được phát hành ở Nhật Bản. Đó là lý do tại sao tôi rất vui khi phim được chiếu ở Việt Nam, nhưng họ chưa phát hành ở Nhật Bản và sẽ có rất nhiều sự phản đối ở Nhật Bản bởi vì nó không an ủi được các nạn nhân Nhật Bản. Nó biện minh cho vụ đánh bom nguyên tử. Người Nhật sẽ cảm thấy rằng như vậy thật nhẫn tâm và vô cảm.

Và tôi hiểu tại sao họ nói như vậy. Điểm đáng ngợi khen của bộ phim đó là nó cảnh báo từ rất sớm rằng họ đang bắt đầu một quá trình có thể kết thúc sự sống trên hành tinh. Nó chiếu Edward Teller ngay từ năm 1942 muốn chế tạo siêu bom, bom nhiệt hạch, bom hydro. Nó sẽ mạnh hơn hàng ngàn lần so với quả bom quét sạch Hiroshima. Vì vậy, bộ phim phản ảnh điều đó đúng với thực tế và phim phản đối hạt nhân mạnh mẽ. Thông điệp xuyên suốt của Nolan là chiến tranh hạt nhân thật sự điên rồ và không thể chấp nhận được. Và vì thế đây là điểm tốt về bộ phim. Và một điều tích cực khác về nó là nó đang gây ra một cuộc tranh luận lớn ở Hoa Kỳ và các nơi khác về các vụ đánh bom nguyên tử vào năm 45, về việc sử dụng bom ngày nay, về các mối đe doạ hạt nhân, về việc hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân và tàng trữ hạt nhân.

Vì vậy, bộ phim đã thể hiện tốt ở điểm đó bởi vì không có nhiều cuộc thảo luận ở Hoa Kỳ về điều đó. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng rất tích cực. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng về tổng thể, đó là một bộ phim thực sự hay, hấp dẫn. Tất cả mọi người tôi biết đều đã xem nó, cho dù họ là nhà sử học hay chuyên gia hạt nhân, những người bình thường tất cả đều nói rằng họ yêu thích bộ phim, họ không bỏ ngang giữa chừng. Họ đã học được rất nhiều khiến họ suy nghĩ, và vì vậy tôi đoán bộ phim đã làm được tốt nhất có thể. Nhưng với tư cách là một sử gia, tôi rất tiếc, nó đã củng cố những huyền thoại tồi tệ nhất ngoài kia. Chẳng hạn, phóng viên Thời báo New York, Dennis Overbye viết về bộ phim rằng: việc đánh bom Hiroshima và Nagasaki đã kết thúc chiến tranh với Nhật Bản.

Năm 1945, vụ đánh bom không kết thúc chiến tranh, cuộc xâm lược của Liên Xô vào Nhật Bản mới kết thúc chiến tranh nhưng đó là lời biện minh được đưa ra nhiều lần cho các vụ đánh bom và đó là phần mà bộ phim thiếu sót nhất.

> Đọc thêm: Vũ khí hạt nhân – quân bài chiến lược trong giữ vị trí số 1 thế giới từ sau thế chiến II đến nay – Book Hunter

Book Hunter: Và bầu không khí chính trị trong phim so với các dữ kiện lịch sử có khác biệt nhiều không?

Peter Kuznick: Về những gì bộ phim thể hiện thì… Nó thực sự miêu tả Harry Truman là một người xấu. Tôi luôn hạnh phúc khi Harry Truman được miêu tả là một người xấu.

Nhưng nó không đưa ra bất kỳ gợi ý nào rằng Truman không bao giờ nên trở thành tổng thống. Phó tổng thống của Roosevelt, từ năm 1941 đến 1945, là Henry Wallace. Wallace là người đàn ông nổi tiếng thứ hai ở Mỹ. Vào ngày đại hội Đảng dân chủ đã họp để chọn Tổng thống và Phó tổng thống tiếp theo làm ứng cử viên ngày 20/7/1944, Gallup đã công bố một cuộc thăm dò ý kiến các cử tri tiềm năng, hỏi họ muốn ai có một vé để trở thành phó tổng thống, 65% cử tri tiềm năng cho biết họ muốn Wallace trở lại làm phó tổng thống, 2% nói rằng họ muốn Truman. Nhưng những người cầm đầu Đảng kiểm soát đại hội và một cách phi dân chủ đã chọn Truman vì họ biết ông ta sẽ đi theo các kế hoạch của họ.

Và họ biết rằng nếu Wallace… Wallace là một người rất cấp tiến.

Pháp sẽ không thể quay trở lại Việt Nam, năm 1945, nếu Wallace là tổng thống hoặc Roosevelt là tổng thống, có lẽ sẽ không có vụ đánh bom nguyên tử vào năm 1945 nếu Wallace là tổng thống, hoặc nếu Roosevelt sống lâu hơn, sẽ không có Chiến tranh lạnh, tôi nghĩ vậy nếu Wallace trở thành tổng thống thay vì Truman. Sự thật rằng Truman là tổng thống trong suốt thời kỳ đó thực sự là một sai lầm bi thảm và chúng ta vẫn đang phải trả giá cho điều đó. Sau đó, phim tới trường đoạn an ninh quân sự năm 1954, các phiên điều trần về miễn trừ an ninh quân sự, trong đó nói rằng họ tước quyền miễn trừ an ninh của Oppenheimer. Vì vậy, phim chỉ trích chủ nghĩa McCarthy. Tôi nghĩ thật tốt khi bộ phim làm điều đó và nó đã làm điều đó một cách hiệu quả.

Nhưng như vợ của Oppenheimer nói, “Ông để họ bêu riếu ông ở nơi công cộng, bởi vì ông nghĩ rằng bằng cách nào đó nó sẽ làm thuyên giảm cảm giác tội lỗi của ông, về những gì ông đã làm trong cuộc đời.” Einstein nói rằng Oppenheimer là một kẻ ngốc. Để bản thân phải chịu sự bêu riếu công khai đó, loại phẫn nộ công khai đó, sự gièm pha công khai đó. Vì vậy, Oppenheimer, một lần nữa, trong phim cũng chỉ là nhân vật nạn nhân để nhận được sự cảm thông. Nhưng trên thực tế, nó phức tạp hơn.

Bầu không khí chính trị trong phim so với các dữ kiện lịch sử có khác biệt nhiều liệu có phải do Nolan có mục đích gì đó không?

Ý tôi là Nolan ghét chủ nghĩa McCarthy. Ông ấy ghét chiến tranh hạt nhân. Ông ghét vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ ông ấy ghét chiến tranh. Vì vậy, tôi nghĩ điều đó thật tuyệt.

Nhưng ông ấy thật sự đưa ra tất cả các quyết định về cách xử lý bộ phim. Nó dựa trên cuốn sách American Promethus của Kai Bird và Martin Sherwin đã giành được giải thưởng Pulitzer vào năm 2005.

Nếu Nolan thật sự đọc tác phẩm của Martin và Kai, ông ấy đã có thể làm một bộ phim rất khác. Đặc biệt là về Thế chiến thứ Hai. Và một khi bạn làm về Thế chiến II, thì phần còn lại của nó cứ tự động trôi theo dòng chảy thôi. Trở lại năm 2020, nhân kỷ niệm 75 năm vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Martin Sherwin, Kai Bird, Carl Pervitz và tôi đã thực hiện một loạt các cuộc họp báo quốc tế và hội thảo trên web và chúng tôi đã viết một bài dài trên Los Angeles Times kể về lịch sử thực sự về lý do tại sao ném bom nguyên tử không cần thiết. Trên thực tế Liên Xô là mục tiêu thực sự của quả bom và cuộc xâm lược của Liên Xô đã kết thúc chiến tranh, không phải bom nguyên tử. Nolan không có lý do chính đáng nào cho việc ông ta không biết điều đó và không đưa nó vào phim. Ông ấy có đưa vào chi tiết rằng sau đó Oppenheimer nói: chúng ta ném bom một đất nước đã bại trận, họ đã sẵn sàng nhận thất bại Nhưng bộ phim ủng hộ vụ đánh bom nguyên tử vào năm 45 và vì vậy tôi không biết tại sao Nolan lại làm điều đó. Ước gì ông ấy để tôi làm cố vấn thì bộ phim có thể tránh được những sai lầm. Nếu có Kai Bird là một cố vấn thì đã khác. Ban đầu cố vấn là Martin Sherwin, rất tiếc ông đã qua đời một cách đáng buồn, nhưng Kai Bird còn trẻ và năng động và ban đầu ông ấy không cho Kai đọc kịch bản. Khi Kai được ông ta cho đọc kịch bản sau đó, có lẽ đã quá muộn để thay đổi những vấn đề trong phim. Và nhìn chung, Kai thực sự thích bộ phim. Kai đã xem nó năm lần. Đó là một loại phim mà bạn sẽ phải xem nhiều hơn một lần.

Bởi vì một số lời thoại khó tiếp nhận, rất nhiều nhân vật. Ý tôi là tôi đã nghiên cứu điều này trước đây nên tôi biết tất cả những người này là ai nhưng tôi nghĩ nó phải rất khó hiểu đối với những người biết một nhân vật được giới thiệu và rồi  hai tiếng rưỡi sau đó nhân vật ấy mới xuất hiện trở lại. Vì vậy, đây là một bộ phim phức tạp, đầy tính lịch sử. Hầu hết lịch sử đều đúng, nhưng tôi nghĩ một số trong đó có thể được thực hiện tốt hơn, nhưng nhìn chung tôi nghĩ đó là một bộ phim tuyệt vời. Tôi vui vì nó đã khích lệ thảo luận nhiều ở Hoa Kỳ.

Book Hunter: Ông biết họ bắt đầu dự án phim này từ khi nào không?

Peter Kuznick: Christopher Nolan cho biết ông đã suy nghĩ về những vấn đề này kể từ khi lớn lên ở Anh vào những năm 1980. Vì vậy, ông luôn có nỗi ám ảnh về chiến tranh hạt nhân. Và ông ấy thực sự đã đưa nó vào một số bộ phim khác của mình. Nhưng tôi nghĩ họ đã bắt đầu khi ký hợp đồng với Martin và Kai vào tuần mà Martin qua đời. Và tôi nghĩ đó hẳn là năm 2021. Vì vậy, …

Cuốn sách về tiểu sử của Oppenheimer của Martin đằng sau tôi trên kệ, American Prometheus. Martin đã làm việc đó trong 20 năm trước khi ông ấy đưa Kai vào để giúp ông ấy hoàn thành dự án. Vậy, phải mất 25 năm để viết xong cuốn sách. Đó là một cuốn sách lớn, tuyệt vời, thực sự là cuốn sách tuyệt vời.

Nhưng bộ phim không mất 25 năm, bộ phim đã mất khoảng một hoặc hai năm để hoàn thành. Và Nolan đã viết kịch bản và…

Ban đầu ông ấy định không cho bất cứ ai xem nó. Và cuối cùng Kai đã đọc nó và ông ấy đã đi đến trường quay. Diễn xuất thật tuyệt vời. Một điều tôi nên đề cập là rất ít bộ phim đề cập đến bom, nhưng hầu hết trong số chúng đều khiến Leslie Groves trở thành nhân vật phản diện. Một kẻ xấu. Như trợ lý của Leslie Groves đã nói, “Ông ta là tên khốn nạn nhất mà tôi từng gặp. Tôi ghét và ghê tởm ông ta và những người khác đều vậy” nhưng trong bộ phim, Leslie Groves do Matt Damon thủ vai. Đó là một phiên bản ấm áp nhất của Leslie Groves mà bạn từng thấy.

Leslie Groves là chàng trai tốt trong phim, không phải là Leslie Groves thực sự, một tên khốn nạn, nhưng bộ phim khiến Lewis Strauss trở thành kẻ xấu. Và Lewis Strauss thực sự là người truy đuổi Oppenheimer, người đã truy tố ông vào những năm 1950, tước quyền miễn trừ an ninh của ông và sau đó cũng bị quả báo. Phim cho thấy phiên điều trần năm 1959 trong đó Lewis Strauss bị Thượng viện từ chối đề cử của ông vào Nội các với tư cách là Bộ trưởng Thương mại. Lần đầu tiên một thành viên Nội các bị Thượng viện từ chối kể từ năm 1925, và đó phần lớn là do vai trò của ông ta và việc huỷ hoại Oppenheimer.

Book Hunter: Bộ phim được công chiếu vào lúc này. Theo ông, liệu bộ phim có phải là một phần của chiến lược ngoại giao hạt nhân?

Peter Kuznick: Mọi người bàn luận khắp nơi về chuyện này. Hai bộ phim, ra mắt cùng ngày, một bên là Barbie về con búp bê và một bên là Oppenheimer. Họ bảo mọi người đi xem cả hai. Đi xem Oppenheimer trước vì theo một cách nào đó nó rất u sầu và có phần chín chắn và sau đó đi xem Barbie vì nó hạnh phúc và khích lệ tinh thần.

Vậy nên, nó đang được thảo luận. Và có lẽ nó đang có một số tác động đến chính sách đối ngoại. Không đủ.

Bộ phim được đánh giá tích cực, tuy vài ngoại lệ nhưng phần lớn rất tốt. Một số người đang bàn tán về tình hình hiện tại, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa. Hoa Kỳ và tất cả tám cường quốc hạt nhân khác đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ, làm cho chúng hiệu quả hơn và chết người hơn. Một số quốc gia như Anh và Trung Quốc đang phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ, Hoa Kỳ cáo buộc rằng Trung Quốc sẽ tăng từ 200 quả bom hạt nhân mà họ đã có vài năm trước lên 400 và đến năm 2035 Trung Quốc sẽ có 1.500, Trung Quốc không thừa nhận điều đó nhưng đó là dự đoán quân sự của Mỹ. Và thế giới đang lâm vào thế nguy hiểm.

Hoa Kỳ đang chiến đấu ở hai mặt trận: Một bên với Nga, và mặt trận khác là Trung Quốc. Nhiều người lo ngại rằng Đài Loan đối diện với nguy cơ chiến tranh. Lầu Năm Góc đã tiến hành 18 trò chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Kết quả là Trung Quốc đã thắng tất cả 18 lần. Vậy vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng ở đó sẽ là gì? Hàn Quốc và Nhật Bản liệu có đến để bảo vệ Đài Loan? Liệu Biden, như ông ta nói và quân đội của ông ấy có ở đó khi Trung Quốc cố gắng chiếm Đài Loan bằng quân sự? Liệu Tập Cận Bình có nghĩ rằng một phần quan trọng trong di sản của ông ta là xâm lược Đài Loan? Mọi khả năng đều đang lơ lửng. Rất nguy hiểm, tiềm tàng rủi ro đáng sợ. Vì vậy, chúng ta phải đối mặt với tình trạng tiềm năng đó. Và nó chưa được thảo luận một cách đầy đủ.

Book Hunter: Theo ông bộ phim tác động như thế nào đến nhận thức của thế giới nói chung?

Peter Kuznick: Tôi rất vui khi biết điều đó đang được thảo luận ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nó đang được thảo luận ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi vừa tham dự một hội nghị ở Ý và một số người đến từ các quốc gia khác, đã xem bộ phim và chúng tôi bàn luận về nó. Thật vậy, bộ phim đang được chiếu ở phần lớn châu Âu và thế giới. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ được trình chiếu tại Nhật Bản. Chúng ta cần một cuộc thảo luận toàn cầu. Bởi vì phần đông dân số thế giới, hầu hết các quốc gia đều ủng hộ Hiệp ước phòng chống vũ khí hạt nhân tại Liên Hợp Quốc, nhưng không đất nước nào trong số chín cường quốc hạt nhân ký hiệp ước đó. Không cường quốc hạt nhân nào có vẻ sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Và trên thực tế, họ đang đi theo hướng ngược lại.

Vũ khí hạt nhân đang trở thành một phần quan trọng hơn trong kho vũ khí và chiến lược của các cường quốc hạt nhân. Biden cho biết ông sẽ từ chối quyền tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Ông ấy chỉ nói vậy thôi. Trên thực tế, họ đang hỗ trợ việc xây dựng vũ khí hạt nhân, hiện đại hóa chúng. Và chúng ta thấy tình trạng tương tự ở khắp mọi nơi. Vì vậy, Bản tin khoa học nguyên tử bắt đầu đưa ra đồng hồ Ngày tận thế vào năm 1947. Vào năm 2017, họ đã chuyển kim đồng hồ ngày tận thế sang hai phút trước nửa đêm sau khi Hoa Kỳ và Triều Tiên dường như đã đi đến chiến tranh. Năm 2020 họ dịch chuyển đến một trăm giây trước nửa đêm. Và năm nay, họ đã dịch chuyển nó sang 90 giây trước nửa đêm. Tôi e rằng thực tế còn gần hơn thế.

Putin đã đưa ra các đe dọa hạt nhân, họ vừa chuyển vũ khí hạt nhân đến Belarus. và Hoa Kỳ vẫn còn giữ chính sách tấn công phủ đầu.

Chúng ta biết rằng ngay cả một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế cũng rất có thể sẽ mở rộng thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Mùa đông hạt nhân là có thật. Thậm chí chỉ cần là một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế giữa Ấn Độ và Pakistan. Các chuyên gia nói rằng với 100 vũ khí hạt nhân, kích thước như quả bom thả xuống Hiroshima sẽ dẫn đến một mùa đông hạt nhân một phần, trong đó hai tỷ người sẽ chết và đó mới chỉ là một trăm vũ khí hạt nhân cỡ Hiroshima, có 12.500 vũ khí như vậy trên thế giới và chúng lớn gấp từ 17 đến 70 lần quả bom Hiroshima. Dường như nền văn minh nhân loại có mong muốn tìm tới cái chết. Ukraine đang ở trong thế nguy hiểm.

Người Ukraine đang đối mặt với một cuộc phản công thất bại. Họ ngày càng tuyệt vọng hơn. Mỹ, châu Âu và NATO đang tuyệt vọng và rất ít đàm phán cho hòa bình. Tình hình Đài Loan trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, chúng ta cần phải có một cuộc thảo luận toàn cầu thực sự về những gì chúng ta làm để rút lui khỏi bờ vực của chiến tranh và khỏi những nguy cơ của chiến tranh hạt nhân, chúng ta phải làm những gì Oppenheimer muốn làm vào năm 1945. Và đó là bãi bỏ chiến tranh và bãi bỏ vũ khí hạt nhân. Nếu bộ phim truyền tải được thông điệp đó thì thật tuyệt vời.

Book Hunter: Ở thời của Oppenheimer đã có rất nhiều tiếng nói của giới khoa học phản đối bom hạt nhân, dường như từ đó đến nay giới khoa học có sự phân hoá giữa những nhà khoa học chấp nhận chiến lược của chính quyền như Oppenheimer, và có những người độc lập phản đối.

Peter Kuznick: Vâng, và sự chia rẽ đó trong cộng đồng khoa học thực sự bắt đầu từ những năm 1930. Cuốn sách đầu tiên của tôi là về sự cực đoan hóa của các nhà khoa học Mỹ vào những năm 1930. Họ bắt đầu như một nhóm khoa học bảo thủ nhất vào năm 1930 đến năm 1939, họ là nhóm cấp tiến nhất trong xã hội. Họ bác bỏ chiến tranh, họ bác bỏ chủ nghĩa phát xít, họ bác bỏ sự đàn áp của chính phủ và sự lạm dụng khoa học của chính phủ, nhưng sự chia rẽ đã ở đó, như bạn nói, kể từ Thế chiến thứ hai, vào những năm 1950, các nhà khoa học đã phản đối chủ nghĩa McCarthy vào những năm 1960, điều này rất quan trọng, ít ai biết điều này. Nhưng các nhà khoa học là nhóm đầu tiên trong xã hội Mỹ phản đối cuộc xâm lược Việt Nam của Mỹ.

Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ đã phản đối ngay từ năm 1965, họ đã lên án nó, tố cáo chiến tranh hóa học, việc sử dụng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam và nhóm các nhà khoa học tiến bộ đã ở đó, trong suốt thời kỳ qua, nhưng nó gần như không hoạt động như nó đã từng trong những năm 1960 và gần như không lên tiếng mạnh mẽ như những lúc khác. Đúng vậy, có rất nhiều nhà khoa học chống vũ khí hạt nhân rất mạnh mẽ nhưng Lầu Năm Góc cung cấp rất nhiều kinh phí cho nghiên cứu khoa học ở Mỹ.

Tại các trường đại học và tại các viện nghiên cứu và tại các phòng thí nghiệm, trong khi Lầu Năm Góc đang cung cấp khoản tài trợ đó, rất nhiều nhà khoa học sẽ thỏa thuận với quỷ dữ và phát triển những vũ khí hạt nhân này. Dễ thấy nó tại các phòng thí nghiệm khác nhau tại Alamos, Livermore, Sandia, Nhiều phòng thí nghiệm chúng ta cũng thấy trong khuôn viên trường đại học. Vào những năm 1960, đã có một phong trào lớn chống lại việc quân sự hóa khoa học. Và tôi đã bắt đầu viết một cuốn sách về điều đó mà tôi chưa bao giờ hoàn thành vì tôi đã làm việc khác. Nhưng đó là một câu chuyện rất quan trọng cần được kể.

Book Hunter: Và theo ông, chúng ta sẽ cần làm những gì để ngăn chặn viễn cảnh tối tăm mà bom nguyên tử có thể gây ra cho thế giới, để các nhà khoa học sẽ không đi theo con đường của Oppenheimer?

Peter Kuznick: Trở lại những năm 40 từ đến năm 47, Hoa Kỳ có một Bộ chiến tranh và Bộ trưởng Chiến tranh. Và sau đó họ đổi tên vào năm 1947 thành Bộ trưởng Quốc phòng. Họ thực sự cần phải thay đổi nó. Điều đó đã được Geroge Orwell nói nhiều, một sự thao túng bằng ngôn từ. Đó thực sự nghĩa là Bộ trưởng chiến tranh. Những gì Hoa Kỳ cần là kêu gọi Bộ trưởng Chiến tranh một lần nữa và có một vị trí Nội các mới được gọi là Bộ trưởng Hòa bình. Chúng ta cần dành nhiều thời gian, tiền bạc và năng lượng để làm việc hướng tới hòa bình, nhiều như khi chúng ta làm việc hướng tới chiến tranh, chúng ta có rất nhiều người dành cả đời để lên kế hoạch cho chiến tranh rằng nếu nó xảy ra, nó sẽ kết thúc sự sống trên hành tinh, như chúng ta biết.

Bạn biết đấy, và điều đó thật kinh khủng. Năm 1929, Freud viết trong cuốn sách “Civilisation and its Discontents” về bản năng chết. Và với tư cách một loài, chúng ta có bản năng chết và chúng ta cần phải loại bỏ các phương tiện hủy diệt. Chúng ta cần làm cho Hiệp ước cấm hạt nhân trở nên phổ quát. Chúng ta cần phải bãi bỏ vũ khí hạt nhân ở khắp mọi nơi. Chúng ta cần ngừng hỗ trợ quá nhiều tiền cho quốc phòng và quân sự hóa. Chúng ta cần tìm ra cách làm việc cùng nhau để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Chúng ta cần tìm ra một chương trình tích cực cho sự phát triển trên toàn thế giới. Mà nâng cao được mức sống của người dân và tăng sản lượng lương thực.

Mà sẽ kết thúc chiến tranh một cách hòa bình. Chúng ta cần ngoại giao chứ không phải chiến tranh. Vì vậy, tôi rất muốn thấy chúng ta bãi bỏ vũ khí hạt nhân, Đức Giáo Hoàng ủng hộ điều đó. Quay trở lại hội nghị mà tôi vừa mới tham gia ở Ý. Có một quan chức hàng đầu của Vatican người từng đứng đầu hội đồng Hồng y Giáo chủ Và ông nói về Đức Giáo Hoàng John thứ 23. Tuyên bố năm 1963 của Potraman Terrace, “Hòa bình trên Trái đất”. Chúng ta có những vị giáo hoàng khác lên án vũ khí hạt nhân, Đức Giáo Hoàng Francis đã lên án vũ khí hạt nhân. Chúng ta cần đưa ra tiếng nói phản đối vũ khí hạt nhân. Ông Guterres cũng đã làm điều tương tự tại Liên Hợp Quốc. Ông Lula đang dẫn đầu các sáng kiến hòa bình về Ukraine. Tập Cận Bình, người châu Phi, chúng ta cần phải suy nghĩ về hòa bình và làm thế nào để tạo ra hòa bình.

Và để xem xét mọi thứ, không phải chỉ để cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, hay cho nước Nga vĩ đại trở lại, hay cho Trung Quốc vĩ đại trở lại, hay cho Ấn Độ vĩ đại trở lại, hay cho nước Anh vĩ đại trở lại, chúng ta cần nhìn mọi thứ như một phần của cộng đồng toàn cầu, và nhìn mọi thứ trên cơ sở hành tinh để lập kế hoạch, như một cộng đồng hành tinh gồm tám tỷ người. Chúng ta muốn tạo ra loại thế giới trông thế nào? Bạn thử nghĩ xem sự điên rồ này thế nào khi chúng ta hiện đang sống trong một thế giới trong đó tám người giàu nhất có nhiều của cải hơn bốn tỷ người nghèo nhất và tám người giàu nhất có nhiều tài sản hơn một nửa dân số của hành tinh. Điều đó thực sự điên rồ, chúng ta cần phải thay đổi những điều này. Chúng ta có thể làm điều đó, nhưng chúng ta cần ý chí và sự lãnh đạo để làm điều đó.

Book Hunter: Xin cảm ơn ông!

Từ Dữ kiện lấp lửng đến Tin giả | Åsa Wikforss

Bản dịch cuộc trò chuyện của Asa Wikforss, tác giả cuốn DỮ KIỆN LẤP LỬNG, với The Institute of Art and Ideas (IAI) Asa Wikforss: Tôi là giáo sư triết học tại đại học Stockholm. Tôi nghiên cứu triết học tâm trí và ngôn ngữ và nhận thức luận. Tôi đã viết cuốn sách Dữ kiện lấp lửng bằng tiếng Thụy Điển và đã được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ. IAI: Tôi xin được bắt đầu với câu hỏi, dữ kiện lấp lửng là
le-nam

Lê Nam

02/05/2023

Phỏng vấn Michael Sandel về Công bằng

Chúng ta có nên tra khảo một người để cứu nhiều người hơn? Công bằng[1] là gì? Hãy đồng hành cùng với BBC4 trong chương trình về công bằng, triết gia Michael Sandel (tác giả tác phẩm "Phải trái đúng sai") sẽ giải thích tại sao công bằng luôn là trung tâm cho tranh luận chính trị hiện nay. Nigel Warburton:  Đối với tôi, từ công bằng có vẻ như ám chỉ việc tồn tại sự bất công trên thế giới – nó có vẻ

Chu Huyền

22/04/2020

Học chiều sâu-Google và Ray Kurweil đang đưa trí tuệ nhân tạo lên tầm cao mới

Với sức mạnh tính toán khổng lồ, máy móc giờ đây có thể nhận diện vật thể và thông dịch trong thời gian thực. Trí tuệ nhân tạo cuối cùng cũng đã thực sự thông minh. Khi Ray Kurzweil gặp gỡ với CEO của Google là Larry page vào tháng 7 năm ngoái, ông không hề có ý định đi xin việc lúc đó. Nhà phát minh đáng kính này và cũng là một người có thể nhìn thấy trước được trí tuệ của máy
le-nam

Lê Nam

14/05/2013

NGUYÊN LÝ THIẾT KẾ VÀ CHIẾN LƯỢC CHO ĐỒNG TIỀN ĐỊA PHƯƠNG

Xã hội chúng ta tràn ngập mâu thuẫn: một mặt, chúng ta có rất nhiều nhu cầu không được thỏa mãn; mặt khác lại sở hữu số lượng lớn lao động, nguồn tài nguyên lãng phí, và năng lực sản xuất mà theo nguyên lý có thể đáp ứng những nhu cầu đó. Tiền đáng lẽ phải đưa chúng đến gần với nhau, nhưng lại thất bại. Chúng ta có thể xem đồng tiền địa phương bổ sung là phương thức rút ngắn khoảng hở

Chu Huyền

29/11/2020

Không có đứa trẻ bên trong…

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ