Tôi được tiếp thêm nhiều năng lượng và cảm hứng từ hai người bạn mới quen trong chuyến thăm Hà Nội gần đây. Thảo đã sáng tác và xuất bản một tiểu thuyết lịch sử giả tưởng mang tên Điệu nhạc trần gian vào năm 2004, khi ấy Thảo còn là một cô bé. Hiện cô đã trở thành một nhà văn được công nhận trên toàn quốc với bút danh Hà Thủy Nguyên. Cùng với chồng mình là Lê Duy Nam và nhiều bạn bè đồng nghiệp, Hà Thủy Nguyên đã lập nên Book Hunter, một câu lạc bộ tụ họp những nhà văn và trí thức dùng Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác để thúc đẩy thay đổi văn hóa và tự do ở Việt Nam.
Theo lời Hà Thủy Nguyên, cô chưa từng có ý định trở thành một nhà hoạt động xã hội. Cô luôn tin rằng tiểu thuyết hư cấu nên được nghiên cứu kỹ lưỡng và dựa trên những kết quả tìm được từ thực tế. Không thể tránh khỏi những trường hợp sử liệu và thực tế không ăn khớp với nhau một cách hợp lý, ở đó nhà văn có cơ hội để khám phá tình thế, đưa ra những tư tưởng mới, những góc nhìn mới để độc giả xem xét. Sự tự do mà cô và những người đồng nghiệp của mình hình dung sẽ cho phép các nhà văn có nhiều cơ hội hơn trong việc nghiên cứu các sự thật lịch sử và đồng thời phát triển một lớp độc giả tinh tường và biết thưởng thức. Không dễ dàng để thiết lập nên một thứ tự do như vậy; đặt giữa muôn điều khác, nó đòi hỏi phải có một hệ thống trường công nghiêm túc, ở đó thầy cô dạy trẻ và người lớn trở thành những độc giả cẩn thận và tận tâm.
Hà Thủy Nguyên trở thành một nhà hoạt động sau khi tác phẩm của cô bị kiểm duyệt bởi chính quyền. Là một nhà biên kịch phim truyền hình, cô đã viết kịch bản phim “Vòng nguyệt quế”, được phát sóng trên kênh chính VTV1 của quốc gia vào khung giờ vàng năm 2008. Khi phim lên sóng, cuốn tiểu thuyết thứ hai của cô, Cầm Thư quán, cũng một tiểu thuyết lịch sử khác, đã bị chính quyền cấm phát hành. Tác phẩm đã được Book Hunter cho ra mắt trở lại vào năm 2018. Hà Thủy Nguyên đưa ra giả thuyết rằng chân dung lịch sử của bậc quân vương và các nhân vật lịch sử quan trọng khác đã được xem là quá “thực tế”, thay vì coi họ như những hình tượng thần thánh hoàn hảo. Theo Hà Thủy Nguyên và Lê Duy Nam, mỗi chế độ trong lịch sử Việt Nam đều đốt bỏ những tàn tích của chế độ trước đó, nên gần như không thể xác minh được điều gì đã thực sự xảy ra trong quá khứ. Tôi được bảo rằng, đâu đó, những văn bản duy nhất còn lại từ cổ sử Việt Nam đã bị cất giấu bởi các nhà sư hành hương. Khoảng cách đó đã mở ra một lối đi cho những câu chuyện lịch sử được chính quyền hậu thuẫn nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của họ.
Trong kỷ nguyên toàn cầu của Trump và tin giả, người ta dễ dàng nhận thấy nguyên do tại sao việc nhấn mạnh đến chủ nghĩa hiện thực ở hầu hết mọi xã hội độc đoán hoặc người già cai trị có thể trở thành một mối đe dọa. Ở Mỹ, thật dễ để xác định rằng những truyện kể lịch sử chính thống ít tiết lộ thêm sự thật lịch sử, mà thường phục vụ cho một mục đích chính trị nào đó. Nghĩ về sự đồng hóa văn hóa và Giấc mơ Mỹ xem (mục đích: đánh lạc hướng khỏi lịch sử của các cuộc chiếm chỗ, cướp đất, diệt chủng, nô lệ hóa người châu Phi). Hoặc huyền thoại về hình mẫu thiểu số (mục đích: khiến người Mỹ gốc Á cạnh tranh với người da nâu và người da đen, qua đó phân chia các tầng lớp lao động). Cả những câu chuyện đau lòng về những người tị nạn chiến tranh ở Đông Nam Á lại thường đổ sụp xuống thành một câu chuyện giáo khoa dài diễn giải về quan điểm người da trắng là cứu tinh, và thái độ Á châu, loại bỏ không xem xét đến lịch sử phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa thực dân ở nước ngoài của nước Mỹ.
Có lẽ khía cạnh hấp dẫn nhất trong cuộc gặp gỡ với Lê Duy Nam và Hà Thủy Nguyên là tình yêu rõ ràng mà họ dành cho lịch sử và văn chương. Chúng tôi đã không dành một giây nào để thảo luận về kỹ thuật, toán học, kế toán, marketing, các môn khoa học tự nhiên, hay quan hệ ngoại giao quốc tế – các chủ đề thường thu hút nhiều bạn bè và người thân của tôi ở châu Á. Trên hết, Lê Duy Nam và Hà Thủy Nguyên đã xác định một lập trường rõ ràng về hệ thống trường công: họ cho con mình, một cô bé tuổi teen, học tại nhà. Và mặc dù Nam, về mặt kỹ thuật, đã bỏ học đại học – sau khi đăng ký học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, anh nhận ra rằng tự mình học sẽ tốt hơn – Nam phân định rõ ràng với tôi rằng anh không chống lại nhà trường với tư cách là một tổ chức xã hội. Anh cảm thấy mỗi cá nhân nên tự quyết định lấy cách học của mình. Tôi rất ngạc nhiên khi gặp một người Việt Nam mang những quan điểm gợi tôi nhớ đến chủ nghĩa tự do.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là các cuốn sách tiếng Anh được Book Hunter tuyển lựa và dịch toàn bộ sang tiếng Việt, bao gồm từ những cuốn mới ra mắt như Chiến thắng của đô thị của Edward Glaeser và các tác phẩm tuyển chọn của Oscar Wilde (tiểu thuyết Bức họa Dorian Gray và bài tiểu luận của ông về “Tâm hồn con người dưới xã hội chủ nghĩa”). Rõ ràng, thông điệp của tác giả là điều đầu tiên phải cân nhắc. Thứ đến, Nam giải thích với tôi rằng, Book Hunter cố gắng để được phép dịch, thiết kế và in sách một cách hoàn toàn tự thân. Bản dịch của Book Hunter được thiết kế đẹp đẽ, và các bản sách bìa mềm dễ nhìn hiện nay đã sẵn có cho một lượng độc giả tương đối nhỏ, mỗi cuốn sách chỉ in chừng 300 đến 500 bản. Việc quảng bá và bán sách được tiến hành qua Internet, mặt này, theo tôi thấy, chưa bị kiểm duyệt ở Việt Nam. Sách không rẻ. Giá tương đối cao cũng là một phần trong chiến lược của Book Hunter nhằm tưởng thưởng cho các tác giả và dịch giả vì tác phẩm của họ, và cũng để thay đổi ý thức cộng đồng về giá trị và chất lượng sách họ đọc.
Đọc thêm chùm bài Thị trường sách Việt Nam.
Một bài đánh giá sách của Diana Silver đăng trên tờ New York Times năm 2011 đã đề cao “trí tuệ linh hoạt” của Glaeser và nhiệt tâm sôi sục của ông dành cho sự phát triển đô thị. Theo Silver, sách của Glaeser cho rằng các thành phố đã cho phép những khía cạnh tốt nhất của xã hội con người hiện đại được nổi bật lên – mật độ đông đúc của dân cư, nhiều tương tác trực diện hơn, và nhiều hợp tác sáng tạo hơn. Trong khi đó, tác giả Glaeser chống lại việc mở rộng ngoại ô lộn xộn và đời sống ngoại ô. Là một nhà xã hội học đô thị, bản thân tôi, cũng như những ai ưa thích sự ồn ào của không gian đông nghẹt nơi phố cổ Hà Nội – tôi có thể hiểu tại sao Lê Duy Nam và Hà Thủy Nguyên lại thích cuốn sách này tới vậy.
Về sức hấp dẫn của Oscar Wilde ở Việt Nam đương đại, tôi không khỏi nhận ra một điều trùng hợp lớn lao rằng: cha tôi, một giáo sư đại học về hưu, sinh ra và lớn lên ở Philippines, đã viết luận văn về Oscar Wilde. Cuốn sách đầu tiên của ông, Nghệ thuật Oscar Wilde, được xuất bản năm 1965. Giống như Nam, cha tôi coi trọng tự do học thuật và đã cống hiến cả đời mình cho một nghiên cứu nhân văn về văn chương và xã hội. Khi tôi gửi email cho cha tôi kể về Book Hunter, ông đáp lại: “Wilde ở Việt Nam? Một tiêu đề rất ấn tượng!”
Thực ra Wilde là một người Ireland thượng lưu, một người đề cao văn chương Pháp và nổi loạn chống lại chủ nghĩa đế quốc Anh. Những giá trị thời Victoria đã coi Wilde là một tội phạm, biến xu hướng tính dục đồng giới của ông thành một cái cớ để cáo lỗi cho những hành động đàn áp của chúng. Như lời cha tôi, “Ở nơi nào có con người chỉ trích thứ xã hội đã được định hình, Wilde sẽ mang đến sự mỉa mai, hài hước, dí dỏm, và sự cả gan thách thức giới Quyền uy cùng tôn giáo chính thống.” Quan điểm ấy về Wilde giúp tôi hiểu được tương quan giữa Book Hunter và hoạt động văn hóa của họ đối với bối cảnh hiện tại.
Tôi đồng cảm với Book Hunter và với căn nguyên tự do văn hóa nghệ thuật mà Lê Duy Nam và Hà Thủy Nguyên đề cao. Dường như việc tăng cường các quyền tự do ở Việt Nam, sau cùng, nên ăn khớp theo các chính sách hội nhập kinh tế của chính quyền hiện tại. Sau tất cả, nếu một quốc gia mở cửa kinh doanh với các xã hội khác, điều kéo theo là mọi người sẽ hấp thụ nhiều lối tư duy khác nhau về nhân văn, nghệ thuật và văn chương. Tất nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm, và là một người nước ngoài thân thiện gắn bó với phong trào phản chiến nước Mỹ, tôi chẳng được mời chào để đưa ra quan điểm về tự do văn hóa hay học thuật ở Việt Nam. Thành thật mà nói, trước khi gặp Hà Thủy Nguyên và Lê Duy Nam, tôi còn chẳng biết nên đặt ra những câu hỏi gì. Qua đó cũng đủ thấy tôi học hỏi được nhiều thế nào từ họ.
KARÍN AGUILAR-SAN JUAN
Bài gốc: Oscar Wilde in Hanoi: Book Hunter’s Literary Community in Vietnam
Karín Aguilar-San Juan là Biên tập viên mục Đánh giá Sách của diaCRITICS.org. Cùng với Frank Joyce, Karín đã biên tập cuốn The People Make the Peace: Lessons from the Vietnam Antiwar Movement (Just World Books 2015).