Home Đọc “Bức họa Dorian Gray”: Khoái Lạc, Cái Đẹp và Minh Triết

“Bức họa Dorian Gray”: Khoái Lạc, Cái Đẹp và Minh Triết

 Cuốn sách nào có thể khiến ta câm lặng khi đọc xong? Cuốn sách nào có thể khiến thấy mọi tiếng ồn trong quán café hỗn tạp trên con phố xấu xí đầy khói bụi của một thành phố đang bị đập phá kiệt quệ bỗng trở nên xa vắng như tạo nên một sự tương phản giữa bản thân ta và thế giới bên ngoài? Cuốn sách nào khiến nhịp thở của ta biến mất như thể ta không tồn tại mà chỉ có những suy tư của ta đang hiện diện? Đó chính là “Bức họa Dorian Gray” của Oscar Wilde. Đây không phải những lời thán thưởng đầy phô trương của tôi dành cho cuốn sách mà Book Hunter đã lựa chọn để xuất bản trong những ngày đầu non trẻ của mình. Đó là những cảm nhận của tôi, những gì “Bức họa Dorian Gray” đã xâm chiếm tôi trong nhiều năm về trước, thúc đẩy tôi rằng một ngày nào đó tôi hoặc bạn bè của tôi nhất định sẽ dịch và xuất bản cuốn sách này tại Việt Nam.

Từ khi đọc “Bức họa Dorian Gray” và các tiểu luận của Oscar Wilde, tôi mới thấy rằng sự duy mỹ trong văn chương của Nguyễn Tuân mà tôi đã từng đắm đuối thời trung học quá nhạt nhòa. Nguyễn Tuân chỉ gợi nên vẻ ngoài của cái đẹp và dừng ở đó, còn Oscar Wilde đã chạm vào tận trung tâm của cái đẹp, mọi trạng thái của cái đẹp và rồi đứng lặng nhìn nó sụp đổ. Tất cả những sắc thái ấy đều có trong “Bức họa Dorian Gray” – cuốn tiểu thuyết độc nhất của ông. Cuốn tiểu thuyết là một sự hun đúc và biểu tượng hóa những triết lý về nghệ thuật của Oscar Wilde và đặt toàn bộ “nghệ phẩm” ấy (chữ dùng của dịch giả Nguyễn Tuấn Linh trong bản dịch “Bức họa Dorian Gray”, năm 2018) giữa phông nền là những mã hóa từ cuộc đời vừa tráng lệ lại vừa buồn thảm của ông.

Tình yêu của những chàng trai tuyệt mỹ và sự suy đồi

Oscar Wilde (1854 – 1900) chào đời và lớn lên trong một gia đình quý tộc hạng trung tại vương quốc Anh dưới thời đại của nữ hoàng Victoria. Đây là một thời đại đầy biến đông khi nước Anh chuyển mình từ thời kỳ chuyên quyền của hoàng gia Anh với vẻ ngoài lộng lẫy của giới quý tộc sang thời đại công nghiệp và sự gia tăng quyền lực của giai cấp tư sản song song với các phong trào công nhân nở rộ. Nghệ thuật cũng có sự chuyển mình, dần trở nên đại chúng hơn để phù hợp với các tầng lớp mới đang có nổi lên trong xã hội. Tuy vậy, những quan niệm đạo đức ở nước Anh vẫn còn rất cứng nhắc do truyền thống Thanh giáo nặng nề kéo lê từ thời Trung Cổ đến xã hội Anh thế kỷ 19. Và cho dù bề mặt xã hội đã chuyển dịch từ quý tộc sang bình dân, từ thượng lưu đến đại chúng, nhưng những truyền thống Thanh giáo vẫn ngự trị và bóp nghẹt những ai dám đi ngược lại.

Oscar Wilde là một người đi ngược lại truyền thống đạo đức ấy. Ông có giới tính không bình thường, Ông là một người lưỡng tính kiểu cách và làm dáng, và hơn cả thế, ông không hề có ý định che dấu những đặc tính này nơi mình. Ngay từ thời đi học, ông thường quan tâm đến ngoại hình của mình và có phong cách phục trang lịch lãm – một đặc trưng hiếm hoi ít khi chúng ta bắt gặp ở các nhà văn và nhà thơ, đặc biệt khi họ là người Anh. Các tác giả lớn của Anh, nếu không thanh tu như Milton thì đều nhuốm vẻ cô độc và huyền bí như Willam Blake hay William Wordsworth, hoặc khắc khổ như Charles Dicken. Vẻ duyên dáng của Oscar Wilde là sự độc nhất, và ông tự biến mình trở thành hiện thân của vẻ đẹp, không phải chỉ tinh thần và ngôn ngữ văn chương mà cả ngoại hình.
Khi đọc những đoạn Wilde tả vẻ đẹp của Dorian Gray, ta đều thấy thấp thoáng vẻ đẹp của chính ông trong đó, như thể ông đang soi mình đáy nước và trầm trồ yêu hình bóng của mình – một thực thể tách rời với chính bản thân mình:

 “… chàng Adonis trẻ trung này, trông như thể được làm từ ngà cùng lá hồng… chàng ta là Narcissus…” (tr16)
“…tất thảy niềm đam mê của tinh thần lãng mạn, tất thảy sự hoàn hảo của tinh thần Hi Lạp. Sự hòa hợp của linh hồn và thể xác – mới nhiều làm sao!” (tr25)

Oscar Wilde cho biết “Basil Hallward là người mà tôi nghĩ là tôi, Huân tước Henry là người mà thế giới nghĩ về tôi, còn Dorian là người mà tôi muốn trở thành, trong những thời đại khác nhau, có lẽ vậy.” (Book Hunter dịch, trích Lời giới thiệu “Bức họa Dorian Gray”). Như vậy Dorian Gray là cái bóng mà Oscar Wilde đeo đuổi, cái bóng mà có lẽ ông luôn soi thấy trong mặt hồ tâm tưởng, một thứ ám ảnh của mặc cảm Narcissus. Narcissus, anh chàng tuyệt mỹ trong thần thoại Hy Lạp, người đã đắm đuối trước vẻ đẹp của bản thân tới mức lao xuống hồ khi nhìn thấy bóng của mình trên mặt nước. Narcissus đã trở thành biểu tượng của thứ mặc cảm tự luyến và đồng tính luyến ái, một trạng thái mà Oscar Wilde không hề che giấu trong các sáng tác của mình. Ông viết bản trường thi có tên “The Disciple”, lấy ý tưởng từ câu chuyện của chàng Narcissus nhưng mở rộng ý tưởng với cái kết thú vị hơn. Khi Narcissus tuyệt mỹ qua đời, cái hồ nơi chàng tự tử cũng khóc thương và nó được những tiên nữ khác an ủi và cho rằng nó thật may mắn khi chứng kiến vẻ đẹp của chàng vào phút cuối đời. Nhưng cái hồ tiết lộ rằng nó yêu chàng không phải bởi vì chàng đẹp đẽ mà bởi vì nó nhìn thấy vẻ đẹp đẽ của mình bên trong đôi mắt chàng. Sự đam mê của Oscar Wilde trong xây dựng nhân vật Dorian Gray – cái bóng của ông, cũng chính là tình yêu của chàng họa sĩ Basil Hallward dành cho “hoàng tử quyến rũ”, hay nói một cách khác Wilde hay Basil yêu Dorian bởi chàng chính là cái bóng phản chiếu từ phần sâu thẳm con người ông.

Mối quan hệ của Dorian Gray với các chàng trai trong tiểu thuyết dễ làm người đọc hình dung về đời sống phức tạp và nhiều scandals của Oscar Wilde. Sinh thời, ông không chỉ có mối tình với các cô gái đẹp, mà còn dành phần lớn trái tim của mình cho những người đàn ông điển trai đương thời, những mối tình cuồng si, thậm chí là phản bội nhau. Ông đã từng bị kiện và ngồi tù vì những mối tình đồng giới mà xã hội Anh thế kỷ 19 cấm đoán. Nhưng ta không thể nhìn “Bức họa Dorian Gray” đơn thuần như một cuốn tự truyện của một người đồng tính ở một xã hội khắc nghiệt và hứng thú với việc vượt qua cấm kỵ ấy của Wilde. Ta cũng không thể nhìn tình yêu của các chàng trai với nhau trong tiểu thuyết như những mối quan hệ tay ba khó chịu giữa đàn ông với đàn ông. Tình yêu mà Oscar Wilde thấm đẫm tính tình yêu lý tưởng của thế giới Hy Lạp cổ đại. Thần thoại Hy Lạp nhắc nhiều đến các mối tình đồng tính của các vị thần và những anh hùng, và Plato – triết gia vĩ đại nhất của thế giới Hy Lạp đã không ngần ngại khẳng định rằng những cảm xúc đam mê đồng tính rất mạnh mẽ bởi vì sâu thẳm trong mối quan hệ ấy không phải nhục dục mà là sự gắn kết mang tính chất tinh thần và hướng tới triết học (“Symposium”, Plato). Tình yêu giữa Dorian, Basil và Henry là thứ tình cảm lý tưởng này, và hiển nhiên hiện diện trong tiểu thuyết như một thế giới cao quý cách biệt khỏi thế giới tầm thường. Họ yêu nhau bằng tinh thần, dù cho nhân tố quan trọng nhất của mối quan hệ tay ba này là vẻ đẹp của Dorian Gray. Cụ thể hơn, thứ gắn kết họ là Cái Đẹp (dù ở khía cạnh thể xác hay linh hồn), mà trong đó Dorian là nghệ phẩm, Basil là người sáng tạo và Henry là kẻ truy cầu cái đẹp. Thứ tình yêu này khác biệt hoàn toàn với các mối quan hệ của Dorian với nàng Sibyl Vane hay các anh chàng tầm thường khác, chỉ như những kẻ qua đường, không thể chạm tới chiều sâu bên trong của chàng mà chỉ như những nô lệ bị vẻ đẹp của chàng chi phối. Tất cả trở thành một khối kim cương trập trùng bóng lồng bóng của mặc cảm Narcissus bao trùm trong phần đầu cuốn tiểu thuyết mỗi khi những cái bóng này đối thoại với nhau khiến ta nghẹt thở với các triết lý và các sắc thái cảm xúc. Đây là bộ ba không thể thiếu, giống như ba ngôi Chúa của Cái Đẹp, không thể khuyết thiếu bất cứ góc nào.

Sự hoàn hảo của viên kim cương này mất dần khi Dorian Gray rơi vào tình yêu với nàng Sibyl Vane, ả đào xinh đẹp. Bước vào tình yêu mê muội và cuồng nhiệt ấy, Dorian như Chúa Con sa đọa, rời xa khỏi vườn địa đàng của những gì cao quý và tinh tế. Cái ác ở Dorian khởi sinh khi vỡ mộng mối tình hư ảo và chàng nuôi dưỡng cái ác ấy bên trong bức tranh Basil đã họa chàng vào khoảnh khắc hoàn hảo nhất nơi thể xác và linh hồn chàng. Viên kim cương ấy tổn thương nặng nề khi Chúa Con quyết định sát hại Chúa Cha Basil để che giấu bộ mặt thật nơi linh hồn sa đọa của chàng khi Basil đang cố cứu rỗi chàng khỏi sự sa đọa về đạo đức, để rồi lạc lối trong trống rỗng và chán chường. Giây phút hoàn hảo cuối cùng lóe lên như một tia sáng sau rốt khi Dorian và Henry cùng nhau chơi đàn, và Henry vẫn ung dung thuyết về cái đẹp hiện diện trong từng khoảnh khắc sống bất kể những gì đã ghi dấu nhơ bẩn trong cuộc đời của Dorian. Đó thực sự là lời mặc khải của Chúa Thánh Linh Henry  nhưng Dorian đã lún quá sâu trong tội lỗi của mình, tới mức không buông bỏ được, tới mức cố biến mình thành một người “tử tế hơn” trong bất lực và để rồi đi đến cái chết.

Ở đây có một cái bóng khác, một bóng ma khó hiểu: Bức họa Dorian Gray – thực thể tách biệt với bản thân Dorian. Hãy để ý, khi Wilde tả vẻ đẹp của  Dorian, ông dành các mỹ từ để tả Dorian trong bức tranh, và dành Dorian ngoài đời thực cho cụm từ “hoàng tử quyến rũ” mà nàng Sibyl Vane đặt cho chàng hay các lời tán tụng của người đời khi nhắc tới vẻ đẹp của chàng. Như thể, vẻ đẹp của Dorian đối với Wilde chỉ tồn tại ở dạng ý tưởng, một thế giới có vẻ cách xa với đời thật. Bức họa là một biểu tượng của ý niệm cái đẹp tuyệt đối, và rồi cũng chính nó ẩn chứa sự xấu xa. Những ý niệm tuyệt đối – sự hoàn mỹ mang tính triết học vẫn luôn như vậy, nó sẽ suy đồi sau khi gánh chịu tất thảy những vết nhơ mà con người ở thế giới hiện hữu gây ra. Ở đây, Dorian trở thành cái bóng của chính bức tranh được tạo bởi tình yêu và tài năng của Basil kết hợp với tư tưởng thâm sâu đầy nghịch lý của Henry ngay khoảnh khắc chàng đánh đổi linh hồn mình để giữ mãi vẻ đẹp trường tồn. Ý niệm tuyệt đối đã sụp đổ khi bức tranh gánh chịu mọi cái ác và tổn thương từ Dorian mặc cho cơ thể của chàng vẫn “vô nhiễm trước mọi tục lụy”. Nếu Dorian già đi, chàng liệu có những ăn năn về đạo đức chăng? Chàng trẻ mãi và hằng ngày chứng kiến sự sám hối diễn ra trên bức tranh vẽ chàng, chứng kiến từng chuyển đổi trong linh hồn chàng. Chàng là người quan sát bản thân đầy đau đớn và chán nản. Cái bóng giữa thế gian ấy, trong sự quan sát sự suy đồi nhờ thế mà còn lưu giữ một chút ý niệm của linh hồn, và chàng vẫn tiếp tục hoàn hảo trong con mắt của Henry trong từng khoảnh khắc chàng nhận thức được sự hoàn hảo ấy. Chỉ khi tự bản thân chàng mất đi nhận thức về hoàn hảo – ý niệm tuyệt đối, thì tức thì sự hoàn hảo ấy đã hoàn toàn sụp đổ:

“Hiện tại cậu đã là hình mẫu hoàn hảo. Đừng khiến bản thân bất hoàn. Cậu tuyệt đối hoàn mĩ bây giờ. Cậu không cần lắc đầu: cậu biết rõ mình. Vả lại, Dorian, đừng lừa gạt bản thân. Cuộc đời không bị cai trị bởi ý chí hay mục đích. Cuộc đời là vấn đề của các dây thần kinh, các thớ thịt, và các tế bào chậm rãi tích luỹ mà trong nó suy tư ẩn mình và đam mê ngủ vùi. Cậu có thể tưởng mình an toàn, và nghĩ mình mạnh mẽ. Nhưng một tông màu tình cờ trong căn phòng hay trên nền trời buổi sáng, một hương thơm đặc trưng cậu từng yêu và mang kí ức tinh tế theo sau, một dòng từ bài thơ đã lãng quên mà cậu gặp lại lần nữa, một điệu từ đoạn nhạc mà cậu đã ngừng chơi – tôi bảo cậu, Dorian, rằng chính những thứ này mà đời ta lệ thuộc. Browning viết về một nơi kia: nhưng tri giác của chúng ta sẽ hình dung ra chúng. Có những khoảnh khắc khi mùi tử đinh hương trắng bất thần lướt qua, và tôi phải sống lại tháng ngày kì lạ đời mình lần nữa. Tôi mong mình có thể hoán vị với cậu, Dorian. Thế gian la ó hai ta, nhưng họ luôn tôn thờ cậu. Họ luôn tôn thờ cậu. Cậu là hình mẫu thời đại đang tìm kiếm, và sợ hãi phải tìm thấy. Tôi mừng vì cậu chưa từng làm gì, chưa từng tạc tượng, hoặc vẽ tranh, hoặc tạo ra thứ gì bên ngoài bản thân! Cuộc đời chính là nghệ thuật của cậu. Cậu đặt mình vào âm nhạc. Ngày tháng cậu là những bài thơ.” (tr273)

Cái chết của Dorian  Gray là điểm bất toàn không thể thiếu trong tác phẩm. Cái chết ấy đến quá dễ dàng trong cơn tuyệt vọng của chàng, và khi đọc đến đây tôi cảm thấy hụt hẫng. Nhưng đó là cái chết cần thiết! Sẽ thật lố bịch khi kéo dài chuỗi ngày trống rỗng của Gray, và sẽ lố bịch hơn nếu chàng cứ tiếp tục sống mãi như loài ma cà rồng bất tử. “Cái chết” là sự tử tế đích thực của Dorian Gray, không phải theo cách Dorian Gray dự định sẽ “hòa hợp với người khác”, mà theo định nghĩa về sự tử tế của Henry: “Tử tế là hoà hợp với chính bản thân ta” (tr105). Cái chết của Dorian Gray và bức tranh bốc cháy đến tàn lụi chính là sự phục hồi hoàn hảo của chàng, như một sự chịu tội dữ dội cần thiết trên cây thánh giá của nghệ thuật, và nhờ thế vẻ đẹp của Dorian Gray tồn tại bên ngoài khuôn khổ của tiểu thuyết để bao trùm lên văn hóa Anh Mỹ hiện đại (nếu Jesus không chết trên cây thánh giá hẳn đến nay đã chẳng ai nhớ tới ngài).

So sánh Dorian Gray với Jesus liệu có phải là điều kệch cỡm? Tôi cũng cảm thấy bản thân liều mạng khi đặt ra sự đối sánh này. Ở đây, tôi không có ý muốn nói Dorian Gray là hóa thân của Jesus trong tiểu thuyết của Wilde, tôi nhấn mạnh lần nữa, vai trò của Dorian Gray trong tác phẩm này tương đương với vai trò của Jesus trong ba ngôi của Chúa. Nếu Jesus là hiện thân cho sự toàn hảo của Thiên Chúa thì Dorian đeo đuổi sự hoàn hảo của thể xác – hay nói một cách khác, Dorian Gray là hiện thân của vẻ đẹp hoàn hảo trong nghệ thuật. Trong tiểu luận “De Profundis” của mình, Oscar Wilde đã chia sẻ:

“Chúng ta cũng không thể chỉ nhận ra trong Jesus rằng sự kết hợp chặt chẽ giữa nhân cách và sự hoàn hảo, thứ làm nên điểm phân biệt thực sự giữa phong trào cổ điển và lãng mạn trong đời sống, nhưng căn cốt bản tính của Jesus cũng cùng là căn cốt bản tính của nghệ sĩ – một trí tưởng tượng mãnh liệt như lửa. Chàng  đã nhận ra trong toàn bộ không gian quan hệ loài người rằng sự thông cảm tưởng tượng trong không gian Nghệ thuật chính là bí ẩn duy nhất của tạo hóa. Chàng thấu hiểu bệnh tật của người bị hủi, hiểu bóng tối của kẻ mù lòa, cả nỗi khổ sở vô cùng của những ai sống vì niềm vui, hay cái nghèo nàn kỳ lạ của người giàu có.

Và trên tất cả, Jesus là người quan trọng nhất trong những nhà cá nhân chủ nghĩa. Tính khiêm nhường, cũng như nghệ thuật, chấp nhận mọi trải nghiệm, chỉ là một trạng thái của sự biểu hiện. Đó là tâm hồn con người mà Jesus luôn tìm kiếm. Chàng gọi nó là “Vương quốc của Chúa” (God’s Kingdom), và tìm kiếm nó trong mỗi người. Chàng so sánh nó với những điều nhỏ bé, với một hạt giống nhỏ, một chút hơi men, với một viên ngọc. Đó là bởi người ta sẽ nhận ra tâm hồn mình chỉ khi đã rời bỏ mọi ham muốn vọng ngoại, mọi thứ văn hóa thu lượm được, mọi thứ sở hữu bên ngoài, dù chúng là tốt hay xấu.”
(Bản dịch của Bùi Minh Hùng)

Trong cuốn tiểu thuyết này, Dorian Gray đã đi một chặng đường của cái đẹp: từ cái đẹp non tơ chưa vướng chút suy tư, cho đến khi Henry thổi bùng lên ngọn lửa đam mê bằng những hoài nghi dồn dập khiến vẻ đẹp ấy đạt tới sự thăng hoa tột đỉnh, rồi sự phân tách giữa vẻ ngoài quyến rũ vô nghĩa và bức tranh hoen ố suy đồi tinh thần, và sâu lắng trong nhịp đàn tuyệt diệu với Henry lần cuối, kết thúc bằng sự tự hủy cả thể xác lẫn linh hồn để trở thành cái đẹp trong ý niệm, cái đẹp mang tính biểu trưng, không phải ở thời đại Victorian mà cả những thời đại sau này. Do đó, với “Bức họa Dorian Gray”, Oscar Wilde không biết đã vô tình hay hữu ý mà tạo nên bản Kinh Thánh về cái đẹp.

Phúc âm của chủ nghĩa duy mỹ

Muốn xem xét các triết lý đằng sau khải lộ về nghệ thuật của Oscar  Wilde, ta lại phải đặt cuốn tiểu thuyết trong bối cảnh nó ra đời và tìm hiểu thái độ của Oscar Wilde với thế giới thẩm mỹ mà ông phải hứng chịu trong đó. Tôi dùng từ “hứng chịu” không phải là lời nói quá, bởi Oscar Wilde không ít lần bực bội với thẩm mỹ trong thời đại của mình.


Hãy quay lại thời đại Victorian thế kỷ 19 tại Anh. Dưới triều đại của mình, nữ hoàng Victoria cổ vũ cho công cuộc công nghiệp hóa. Sau thời gian đầu hứng khởi vào cuộc cải cách (giai đoạn chững lại của các tác phẩm có giá trị) thì đến cuối thế kỷ 19, sự sụp đổ niềm tin đã lan tràn. Đi kèm với công nghiệp hóa là một quá trình tàn phá thiên nhiên và cảnh quan (mà Tennyson đã không ít lần lên án), sự suy đồi về đạo đức và thị hiếu thẩm mỹ do sự lên ngôi của tầng lớp mới (mà John Keat và Oscar Wilde đã đề cập đến). Các tác giả thay vì hướng đến tính nhân văn (sự tốt đẹp của thế giới) bắt đầu đặt ra vấn đề cái đẹp, cái hoàn hảo trong thẩm mỹ. John Keat đã từng tuyên ngôn “Cái đẹp là chân lý, chân lý tuyệt mỹ” (Nguyên văn  “Beauty is Truth, Truth Beauty”, trích bài thơ “Ode on a Grecian Urn”) và Oscar Wilde trong bài giảng của mình cho sinh viên mỹ thuật không tiếc lời lên án thời đại của mình:

“Nhưng, có thể, bạn sẽ nói với tôi rằng vẻ đẹp bên ngoài của thế giới hầu như đã đi ngang qua chúng ta, rằng nghệ sĩ không còn trầm mình trong lớp sương mù của thế giới đẹp đẽ mà trong thời quá khứ đã từng là di sản tự nhiên của mỗi người, và thứ nghệ thuật ấy rất khó tồn tại trong đô thị xấu xí của chúng ta, nơi mà khi bạn đi làm vào mỗi sáng rồi về nhà vào buổi chiều, bạn phải đi từ phố này sang phố khác với thứ kiến trúc ngớ ngẩn và ngu ngốc nhất mà thế giới từng chứng kiến; cái thứ kiến trúc, nơi mọi chuẩn mực đẹp đẽ của Hy Lạp bị xúc phạm và bôi bẩn, còn mọi chuẩn mực đẹp đẽ của Gothic bị bôi bẩn và xúc phạm, gần ¾ số nhà ở Luân Đôn hiện nay, chỉ là, như những hộp khối của những tỉ lệ cân xứng hạ tiện, u ám đến mức đen đúa, thật nghèo nàn cũng như khoe khoang – cánh cửa đại sảnh luôn sơn sai màu, và những cửa sổ luôn sai kích cỡ, và ở nơi, thậm chí vào lúc phát chán với những ngôi nhà mà bạn phải đưa mắt thả hồn ngắm nghía trên phố, bạn cũng chẳng có gì để nhìn ngoài những chiếc mũ chóp cao (chimney-pot hats), những người đàn ông đi lại trên người mang bảng quảng cáo viết bằng chữ màu đỏ chót, và có thể bị những chiếc xe bus màu xanh lam ngọc cán phải.
Chắc bạn sẽ nói với tôi rằng thật khó để có nghệ thuật trong điều kiện sống như trên? Đương nhiên nghệ thuật là khó, nhưng xét cho cùng nghệ thuật chưa bao giờ là dễ dàng; bản thân bạn không bao giờ mong nó là dễ dàng, và bên cạnh đó, không có điều gì đáng giá để làm ngoại trừ những điều thế giới nói là không thể.

Tuy nhiên, bạn không bao giờ hài lòng với một câu trả lời chỉ bằng một nghịch lý. Đâu là mối quan hệ giữa nghệ sĩ với thế giới bên ngoài, và sự thể sẽ ra sao khi cái đẹp đang biến mất xung quanh bạn, đó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất của nghệ thuật hiện đại; và chẳng có nghĩa gì khi ông Ruskin cố thuyết phục rằng sự suy đồi của nghệ thuật đến từ sự sa sút của những điều đẹp đẽ; và khi nghệ sĩ không thể nuôi con mắt của anh ta bằng cái đẹp, cái đẹp sẽ rời khỏi tác phẩm của anh ta.”
(Trích “Bài giảng cho sinh viên mỹ thuật” của Oscar Wilde, Lê Duy Nam dịch, bài đăng trên Book Hunter)

Sự đả kích thời đại Victorian không ít lần xuất hiện trong “Bức họa Dorian Gray”. Ngay từ trường đoạn đầu tiên, Oscar Wilde mượn lời của Henry (nhân vật mà Oscar Wilde tiết lộ rằng đó là cách mà xã hội đánh giá về ông) để thể hiện cái nhìn khinh miệt với xu hướng dân chủ đang thịnh hành ở Anh lúc bấy giờ: “Tôi hoàn toàn thông cảm với cơn thịnh nộ của nền dân chủ Anh trước cái họ gọi là truỵ lạc của giới thượng lưu. Quần chúng cho rằng say xỉn, ngu đần, và vô đạo đức nên là đặc quyền của họ, và nếu bất kì ai trong chúng ta làm chuyện gì rồ dại là y đang xâm phạm đến họ”(tr23). Một sự tương phản được Oscar Wilde dày công khắc họa giữa một bên là thế giới thượng lưu khoái lạc điên rồ nhưng đẹp đẽ và một bên là đời sống bình dân tầm thường nhớp nhúa với những mưu toan nông cạn qua những trang viết về gánh hát bình dân nơi nàng Sibyl Vane mưu sinh. Nhà hát opera sang trọng và những bản nhạc êm đềm trong căn phòng của Henry như thể một thế giới cao với mà khi nàng Sibyl tầm thường tội nghiệp trở nên mất hút. Dorian Gray khác với Henry và Basil, chàng qua lại giữa hai thế giới này, vừa muốn cứu vớt cô nàng Sibyl, lại vừa mong muốn Sibyl có thể vượt ra khỏi sự tầm thường để đến với thế giới thần thánh của chàng – thế giới mà chỉ có Basil và Henry có thể chia sẻ cùng, để rồi chàng nhận ra rằng điều đó là không thể. Lần duy nhất bước xuống thế giới bình dân nhơ nhớp tức thì chàng tạp nhiễm tính ác và tất thảy phản chiếu lên bức tranh của chàng, bắt đầu cho chuỗi sa đọa linh hồn, tới việc giết chết Basil – người đã luôn mong muốn giữ Dorian trong những đức hạnh cao đẹp.

Một chi tiết nhỏ hơn nhưng cũng đáng chú ý trong thái độ của Oscar Wilde đối với thời đại Victorian đó là cảnh Dorian gặp vợ của Henry. Tên bà ta, thật đáng chú ý, lại chính là Victoria. Hãy xem cách Oscar Wilde miêu tả người đàn bà này, sẽ thoáng thấy nét của nữ hoàng Victoria vĩ đại của nước Anh: “Cô ả cười cũng the thé như nói, và quan sát chàng với đôi mắt lưu li mơ màng. Ả là mẫu phụ nữ tò mò, mặc những mẫu váy trông như được thiết kế trong cơn thịnh nộ và bận vào trong cơn giông tố. Ả thường mết hết người này người nọ, và, vì đam mê của ả không bao giờ được đáp trả, ả giữ chúng như ảo ảnh. Ả cố tỏ ra trông như tranh vẽ, nhưng chỉ thành công ở điểm lếch thếch. Tên ả là Victoria, và ả nghiện nặng đi nhà thờ” (tr66). Tại sao không phải là cái tên khác mà là Victoria, chỉ là nhân vật xuất hiện trong một thoáng qua duy nhất trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết đâu nhất thiết phải có một cái tên quan trọng đến thế và cũng chẳng cần những chi tiết đặc tả thói quen và tính cách. Thế nhưng Oscar Wilde đã miêu tả rất sống động, thậm chí còn nhấn mạnh đến “ả nghiện nặng đi nhà thờ” – một thói quen quen thuộc của nữ hoàng Victoria.

Người thầy có ảnh hưởng lớn tới quan niệm duy mỹ của Oscar Wilde chính là Walter Pater, tác giả có nhiều bài thuyết giảng về cái đẹp, người đã biến những khải lộ của John Keat về cái đẹp thành cương lĩnh hành động cho cả một xu hướng văn chương. Các tác phẩm của Oscar Wilde nằm trong xu hướng duy mỹ này và triển khai mở rộng những ý tưởng. “Bức họa Dorian Gray” đương nhiên, rất dễ dàng để nhận thấy, là một tác phẩm điển hình của chủ nghĩa duy mỹ (Aestheticism). Trong toàn bộ cuốn sách của mình, hai chủ đề Wilde đề cập nhiều nhất chính là Cái Đẹp và sự Khoái Lạc, rồi đặt cả hai bên cạnh các giá trị khác như đạo đức và sự hòa hợp.
Cái Đẹp là trung tâm của chủ nghĩa duy mỹ hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Nếu một tác phẩm không được tạo tác một các kỹ lưỡng, công phu bằng trí tuệ, tài năng và linh hồn của người nghệ sĩ, thì đối với các tác giả duy mỹ, đó không phải là nghệ thuật. Nhưng thế nào là “đẹp” lại là một vấn đề khó có thể tranh luận. Dorian Gray và bức họa vẽ chàng là hai hiện thân của Cái Đẹp, một bên là sắc đẹp thể xác và một bên là cái đẹp nghệ thuật. Bi kịch xuất hiện khi sắc đẹp chợt nhận ra mình không vĩnh viễn như cái đẹp trong nghệ thuật và thực hiện một cuộc đánh đổi, bất chấp tác phẩm nghệ thuật bị hủy hoại. Sự đánh đổi này tượng trưng cho sự lựa chọn của một nghệ sĩ khi bước vào con đường nghệ thuật: anh ta sẽ chọn đặt toàn bộ bản thân vào nghệ thuật để tạo ra một tác phẩm đẹp đẽ hay biến toàn bộ cuộc đời của mình thành cái đẹp. Đây là câu hỏi là Henry đã đặt ra trong một lần chơi đùa với trí óc của Dorian:

“Các nghệ sĩ duy nhất tôi từng biết, những kẻ có nhân cách thú vị, đều là nghệ sĩ tồi. Nghệ sĩ giỏi đơn thuần hiện hữu trong thứ họ tạo nên, và do đó hoàn toàn không hứng thú với bản thân mình. Một thi sĩ vĩ đại, một thi sĩ thật sự vĩ đại, là kẻ kém thi vị nhất trong tất thảy tạo vật. Nhưng những thi sĩ hạng xoàng lại vô cùng mê hoặc. Vần thơ họ kém cỏi bao nhiêu, ngoại hình họ càng như tranh vẽ bấy nhiêu. Sự thật hiển nhiên là chỉ việc xuất bản một tập thơ xô-nê thứ cấp đủ khiến một gã trở nên hấp dẫn khó cưỡng. Y sống vần thơ y không thể viết. Số người kia viết vần thơ họ chẳng dám mường tượng ra.” (tr79)

Basil là đại diện cho một nghệ sĩ đại tài. Chàng ta say đắm trong nghệ thuật và “dành quá nhiều bản thân” cho bức họa vẽ Dorian Gray. Chàng ta nuôi dưỡng bản thân trong thế giới của cái đẹp và không muốn bất cứ cái đẹp nào phải mất đi. Basil là điển hình cho một nghệ sĩ duy mỹ mà Keat, Ruskin và Pater đề cập đến. Basil xuất hiện trong tiểu thuyết “Bức họa Dorian Gray” dễ làm ta nghĩ đến nhà điêu khắc Pygmaleon vĩ đại thời Hy Lạp, người tạo ra một bức tượng đàn bà tuyệt mỹ và không thể yêu bất cứ người phụ nữ nào khác ngoài bức tượng ấy. Basil yêu Dorian Gray ban đầu như yêu một chủ thể của cái đẹp chứ không phải từ bản thân của chàng, và càng yêu hơn khi Dorian trở thành bức họa mà chàng chỉ nhìn thấy một lần duy nhất là lúc nó được hoàn thành bởi chính đôi bàn tay chàng và những lời tung hứng của Henry. Basil cũng bị giằng xé bởi hình ảnh Dorian trong tâm tưởng của mình khi sáng tác và một Dorian ngoài đời thực đã bị sa đọa theo thời gian. Vẻ đẹp của Dorian còn mãi trên khuôn mặt vẫn luôn quyến rũ Basil như bức tranh của chàng nhưng chàng lại không thể chấp nhận được những suy đồi của linh hồn trong con người thật. Có lẽ, đây là cái kết đáng lý phải xảy ra trong thần thoại về Pygmaleon. Thứ mặc cảm này luôn có ở người nghệ sĩ, nhất là với các nghệ sĩ duy mỹ khi “mơ và thực chẳng đi đôi” (trích bài “Lý tưởng” của Vũ Hoàng Chương).

Khoái Lạc là không thể thiếu đối với một người duy mỹ bởi vì nếu chúng ta không mong chờ cảm giác khoái lạc thì có lẽ ta không tìm đến một cái đẹp tuyệt đối. Nói như Henry, “Khoái lạc là thứ duy nhất đáng để xây dựng lí thuyết,”(tr75). Walter Pater, trong tác phẩm “The Renaissance” đã dành những câu văn đầy say mê để diễn giải sự khoái lạc tinh thần:

“Mọi phút giây đều chỉ dành cho khoảnh khắc duy nhất, khi mà một hình thức nào đó trở nên hoàn hảo trong tầm tay hay còn nằm ở phía trước; một hình ảnh nào đó trên đồi cao hay ngoài biển cả sẽ là cái được chọn lựa so với tất cả những gì còn lại; một tình trạng háo hức hoặc tri thức, hoặc nội tâm, hoặc đam mê nào đó sẽ là sự thật và vẻ lôi cuốn khiến ta khó lòng cưỡng lại. Không phải cái kết quả của kinh nghiệm, mà chính kinh nghiệm mới là cứu cánh. Chỉ có những xúc cảm về một đời sống sinh động và nhiều màu sắc mới là món quà mà ta được ban tặng. Bằng cách nào chúng ta có được cái nhìn thấu đáo tất cả những xúc cảm ấy qua các giác quan tinh nhạy nhất? Bằng cách nào chúng ta băng qua mọi thứ một cách nhanh chóng nhất và luôn luôn hiện diện tại tâm điểm của cuộc sống, nơi mà mọi sức mạnh tồn vong đã hợp nhất trong tinh lực của chúng? Làm cho tâm hồn bừng cháy bằng ngọn lửa sáng trong và khó khăn này, đồng thời nuôi dưỡng trạng thái đê mê ấy, có nghĩa ta đã thành công trong cuộc đời”. (Bản dịch của Cao Hùng Lynh, trích sách “Lịch sử văn học Anh quốc” của Michael Alexander, NXB Văn hóa Thông tin, tr447)

Và không lạ khi Oscar Wilde đã bị ảnh hưởng bởi tinh thần khoái lạc này cùng với giá trị thời Phục hưng mà tác phẩm của Pater ca ngợi cùng tinh thần chống giáo hội li kỳ của Pater. Tôi ngờ rằng khi Wilde xây dựng những năm tháng khoái lạc của Dorian Gray, ông đã lấy cảm hứng từ chính cuộc đời của Walter Pater. Cũng giống như Walter Pater, Dorian yêu thích các nhà thờ và các nghi lễ của nhà thờ, bởi vì… chúng đẹp, và cả hai người đều chẳng một chút hứng thú nào đến giáo điều và giáo hội Kito giáo. Chủ nghĩa khoái lạc đã đưa ra một lối nghĩ đối lập với Kito giáo vốn cho rằng linh hồn phải tách biệt khỏi thể xác khi Oscar Wilde tuyên bố, vâng, vẫn qua lời của  Henry:

“Linh hồn và thể xác, thể xác và linh hồn – chúng mới bí ẩn thay! Có thú tính trong linh hồn, và thể xác có những khoảnh khắc thánh tính của mình. Cảm giác có thể tinh chế, và trí tuệ có thể suy thoái. Ai biết được nơi đâu xung năng nhục dục chấm dứt, hay xung năng tinh thần khởi nguồn? Các định nghĩa độc đoán của những tâm lí gia thông thường mới nông cạn thay! Và lựa chọn giữa các luận điệu của nhiều trường phái khác nhau mới khó thế nào! Phải chăng linh hồn là một bóng đen ngồi trong ngôi nhà tội lỗi? Hay thể xác thật sự nằm trong linh hồn, như Giordano Bruno đã nghĩ? Tách rời tinh thần khỏi vật chất là điều huyền bí, và gắn kết tinh thần vào vật chất cũng là điều huyền bí nữa.”(tr81)

Đây không phải chỉ là lời của những nghệ sĩ duy mỹ, đó là lời của các triết gia. Plato nói: “Bạn không thể chữa lành cơ thể mà không chữa lành linh hồn bởi vì đã quá lỗi lầm trong cách ta đối đãi với cơ thể.” (Trích “Charmides”). Nieztches cũng nói: “Ta chỉ tin vào vị Chúa biết nhảy múa”(Trích “Zarathustra đã nói như thế”). Kỷ nguyên Phục Hưng là kỷ nguyên tôn sùng vẻ đẹp cơ thể được biểu hiện qua các tác phẩm đầy nhục cảm –  Kỷ nguyên của Khoái Lạc thị giác. Chủ nghĩa Khoái Lạc không đơn giản chỉ là những sự vui thú hay sa đọa, đó là sự “gắn kết tinh thần vào vật chất” – chiều ngược lại và còn khuyết thuyết của Kito giáo.

Thứ hủy hoại Cái Đẹp và Khoái Cảm, tiếc thay không phải sự xấu xí, mà là cái ác. Cái ác đã nhen nhóm nơi Dorian Gray hủy hoại cái đẹp nghệ thuật mong manh trong bức họa gửi gắm khoảnh khắc linh hồn thăng hoa của tam thể thần thánh Basil – Dorian – Henry, và rốt cuộc cũng dẫn đến sự hủy hoại mọi Khoái Cảm khi chàng trống rỗng trong cuộc đời trụy lạc cô độc của mình. Khoái Cảm và Cái Đẹp dường như không thể đồng hành cùng cái ác. Cái ác lại nảy sinh từ một nỗ lực cố gắng hòa hợp của Dorian với thế giới tầm thường. Con đường đến với Cái Đẹp và Khoái Cảm dường như rất giản đơn, là điều Henry nhắc đi nhắc lại nhiều lần: chỉ cần là chính bản thân mình và nhận thấy sự hoàn hảo trong mọi thời khắc là đủ.


Vĩ thanh

Mặc dù Oscar Wilde cho rằng Henry chỉ là nhân cách mà thế giới bên ngoài, nhưng tôi không cho là như vậy. Henry có vai trò quan trọng hơn trong toàn bộ cuốn sách này. Henry chính là đại diện của tinh thần Dionysus – vị thần của Chủ nghĩa Khoái Lạc. Hãy xem Oscar Wilde tả Henry:

“Gã chơi đùa với ý tưởng, và chủ tâm triển khai ra; búng nó lên không trung và biến đổi nó; thả nó trốn thoát và bắt lại; dát nó lấp lánh bằng trí tưởng, và chắp nó đôi cánh bằng nghịch biện. Lời khen tụng cuồng dại, theo đà của gã, vút lên thành triết học, rồi bà mẹ Triết Học trở về thời son trẻ, và bắt nhịp điệu nhạc quay cuồng của Khoái Lạc, mặc lên mình, như người ta tưởng tượng, chiếc áo choàng màu rượu loang và vòng đội thường xuân, nhảy múa như cô đồng Bacchante trên những mỏm đồi cuộc đời, và chế giễu các lão Silenus chân chậm vì tỉnh rượu. Thực Tại trốn chạy nàng như thú rừng hoảng sợ. Đôi chân trắng của nàng đặt lên vết lún rộng nơi thi sĩ Omar thông thái ngồi, cho đến khi nước nho sôi sục quanh đôi chân trần trong hàng lớp lớp bong bóng tím, hay trườn toài trong bọt nước đỏ bầm khắp vùng tối, nhỏ nước, về phía dốc của chiếc chum ủ. Thật là một ngẫu biến lạ thường. Gã cảm thấy cặp mắt Dorian Gray dán chặt vào mình, và nhận thấy giữa các thính giả có một người sở hữu khí chất mà gã mong được mê hoặc, tưởng như muốn trao đi trí tuệ sắc bén của mình, và cho mượn màu sắc của trí tưởng mình. Gã tài năng, kì diệu, vô trách nhiệm. Gã lôi cuốn người nghe ra khỏi bản thân họ, và họ bị cuốn theo điệu sáo vui của gã.”(tr61,62)

Henry là tư tưởng đầy đam mê, là tác nhân thúc đẩy Dorian Gray trở nên tuyệt đẹp trong khoảnh khắc ngào ngạt hương thơm nơi phòng họa vào mùa hạ năm ấy, cũng là kẻ gieo mầm những băn khoăn điên rồ nơi Gray bằng sự thực đen tối giật cậu ra khỏi ảo tưởng. Tại sao nói Henry đại diện cho tinh thần Dionysus, bởi lẽ không ai trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết có được sự khoái lạc trong từng khoảnh khắc như gã, và gã là chiều kia của Basil, gã không dành toàn bộ cuộc đời để tạo tác ra những tác phẩm thú vị mà sống trọn từng giây thú vị của cuộc đời, có thể đạt được khoái lạc ngay trong những điều rất đỗi bình thường. Chẳng ai trong toàn bộ câu truyện minh triết như gã, kẻ nhìn thấu sự thật và chỉ gợi nên sự thật bằng những hoài nghi và “nghịch biện” (chữ dùng của dịch giả Nguyễn Tuấn Linh). Henry là những gì Oscar Wilde còn lại với thế gian, cũng trường tồn như ý niệm về vẻ đẹp của Dorian Gray vậy. Vẻ đẹp của Dorian Gray sẽ chỉ như một tiêu chuẩn mơ hồ về cái đẹp còn minh triết của Henry là điều có thể đánh thức đam mê trong mỗi chúng ta, giống như cách gã đã làm với Dorian ngay từ ngày đầu gặp gỡ.
Hãy đi đến những trang cuối cùng của cuốn sách, ta sẽ bắt gặp thứ minh triết của Henry khiến Wilde đi xa khỏi chủ nghĩa duy mỹ:

“- Sự suy tàn mệ hoặc tôi hơn.
– Thế còn Nghệ Thuật? – cô hỏi
– Là một căn bệnh
– Tình yêu?
– Một ảo ảnh
– Tôn giáo?
– Vật thay thế hợp mốt cho Tín Ngưỡng
– Anh là một người hoài nghi.
– Không khi nào! Chủ nghĩa Hoài Nghi là khởi đầu của Đức Tin.
– Anh là gì?
– Đặt định nghĩa là đặt giới hạn.” (tr246)

Vâng, đến cuối cùng, không phải là cái đẹp của xuân sắc và tuổi trẻ, mà là cái đẹp của suy tàn, giống như Tennyson đã viết “Vạn vật rồi cũng tàn” (Trích bài thơ “All things will die”).
Hà Thủy Nguyên


Những độc giả quan tâm có thể đặt mua “Bức họa Dorian Gray” của Oscar Wilde, bản dịch Nguyễn Tuấn Linh, xuất bản năm 2019, do Book Hunter tổ chức bản thảo và xuất bản.

Link mua sách: Bức họa Dorian Gray – Oscar Wilde – Book Hunter Lyceum

Xin cảm ơn!

Hà Thủy Nguyên phỏng vấn giáo sư E. SAN JUAN, Jr: Ý thức chính trị và nguyên tắc tự do trong văn chương Oscar Wilde

E. SAN JUAN, Jr. là nhà phê bình văn học và văn hóa thế giới, là giáo sư danh dự về Tiếng Anh, Văn học so sánh (Comparative Literature) và Nghiên cứu Dân tộc học. Ông nhận bằng từ Trường đại học Philippines và Đại học Harvard. Ông là trưởng khoa Văn hóa so sánh Hoa Kỳ, Đại học Washington, và hiện là thành viên của Trung tâm Hary Ransom, thuộc Đại học Texas. San Juan trước đây là nghiên cứu sinh ở Viện W.E.B.

Oscar Wilde ở Hà Nội: Cộng đồng Văn chương Book Hunter ở Việt Nam

Tôi được tiếp thêm nhiều năng lượng và cảm hứng từ hai người bạn mới quen trong chuyến thăm Hà Nội gần đây. Thảo đã sáng tác và xuất bản một tiểu thuyết lịch sử giả tưởng mang tên Điệu nhạc trần gian vào năm 2004, khi ấy Thảo còn là một cô bé. Hiện cô đã trở thành một nhà văn được công nhận trên toàn quốc với bút danh Hà Thủy Nguyên. Cùng với chồng mình là Lê Duy Nam và nhiều bạn

Minh Hùng

01/10/2019

Đọc “Nghệ thuật và thợ thủ công” của Oscar Wilde

Về Oscar Wilde Oscar Wilde (1854 - 1900) là một nhà văn nổi tiếng của Ireland. Ông ra đời tại Dublin, Ireland, ngày 16 tháng 10 năm 1854 và mất tại Paris vì viêm não, ngày 30 tháng 11 năm 1900. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn là một nghi vấn đối với các nhà khoa học. Oscar Wilde tốt nghiệp trường Trinity College tại Dublin với kết quả học tập xuất sắc. Sau đó, ông tiếp tục học tại trường Magdalen Oxford.
Xem

“Anonymous” – Chỉ ý tưởng là bất tử

Bộ phim “Anonymous” (2011) do Roland Emmerich đạo diễn, đã đặt ra một giả thuyết khác về thân phận nhiều tranh cãi của William Shakespeare. Tác giả thật sự của những vở kịch và những bài thơ ký tên W. Shakespeare hay Anonymous là Edward de Vere, bá tước xứ Oxford dưới triều đại của nữ hoàng Elizabeth I. Bá tước là một người uyên bác, đam mê thi ca và kịch nghệ. Ông là người ảnh hưởng đến một cuộc nổi dậy của các bá

Book Hunter ra mắt bản dịch “Bức họa Dorian Gray” đầy đủ nhất từ trước tới nay

"Bức họa Dorian Gray" (Tên tiếng Anh: "The picture of Dorian Gray") của nhà văn vĩ đại người Anh Oscar Wilde là một trong các tác phẩm có ảnh hưởng nhất của thế giới phương Tây. Tác phẩm được nhiều lần chuyển thành phim (25 bộ phim bao gồm chuyển thể và phóng tác), truyền cảm hứng cho nhiều truyện tranh, ca khúc và thi ca. Thậm chí, cái tên Dorian Gray còn được sử dụng để gọi hội chứng tâm lý sợ tuổi già và

Book Hunter

18/10/2018