Home Đọc Những kẻ “gác cổng” ngôn ngữ: Giới hạn nằm ở đâu?

Những kẻ “gác cổng” ngôn ngữ: Giới hạn nằm ở đâu?

Thiên Trang

12/03/2024

Book Hunter: Khi Book Hunter xuất bản tác phẩm “Thế giới ý chí và ý niệm” của Arthur Schopenhauer trong quý I – 2024 do Thiên Trang dịch, bên cạnh việc nhận được rất nhiều sự yêu mến của độc giả, chúng tôi cũng nhận được một cuộc công kích trên mạng xã hội với danh nghĩa “nhặt sạn” bản dịch. Những hoạt động “nhặt sạn” này mang tính chất phủ nhận và cáo buộc bản dịch của Thiên Trang là chỉ sử dụng Google Dịch và thiếu sự kỹ lưỡng. Chúng tôi cho rằng đây là một sự xúc phạm cá nhân dịch giả và tấn công có chủ ý, cố tình điều hướng dư luận xoay quanh cuốn sách. Tuy nhiên, thay vì hồi đáp từng chỉ trích vốn rất vụn vặt và mất nhiều thời gian, chúng tôi mong muốn đặt ra một vấn đề hữu ích hơn đối với độc giả, sau khi bàn luận, chúng tôi đã quyết định mời dịch giả Thiên Trang viết một bài bàn về về toàn cảnh của hiện tượng bảo thủ ngôn ngữ trong dịch thuật và có đề cập đến một vài ví dụ về cách tư duy dẫn đến nhóm “nhặt sạn” nhận định sai đâu là sạn. Đây là lời hồi đáp dành cho các độc giả đang băn khoăn về vấn đề bản dịch cũng như nhóm nhặt sạn với ý nghĩ thù địch từ họ. Các độc giả, qua bài viết này, có thể đọc về nguyên tắc dịch thuật của Thiên Trang, cũng như phân tích một vài ví dụ điển hình được nêu ra ở đây và tự đưa ra phán quyết cho mình.

Tìm hiểu thêm về sách: Thế giới như là ý chí và ý niệm (bản đầy đủ) – Arthur Schopenhauer – Book Hunter Lyceum

Gác cổng ngôn ngữ và sự bảo thủ văn hóa

“Gác cổng ngôn ngữ” hay “linguistic gatekeeping” là thuật ngữ mới nảy sinh vì sự xuất hiện của môi trường đa văn hoá nhưng sử dụng chung một thứ tiếng. Giải thích ngắn gọn, những kẻ “gác cổng ngôn ngữ” này tự đề ra cách áp dụng những từ nhất định trong cả văn nói lẫn văn viết thường ngày. Ta gặp hành vi này nhiều nhất chính ở nơi thuật ngữ ấy sinh ra, đó là Mỹ, kèm theo ẩn ý về sự kỳ thị coi ai sử dụng sai từ ngữ tiếng Anh là chủng tộc kém văn minh, “ghetto” hơn. Tuy nhiên, để tránh việc võ đoán thì tôi muốn lấy ví dụ về trải nghiệm của bản thân tại Na Uy.

Thời nay các nước châu Âu tiếp nhận rất nhiều người nhập cư, ngay kể cả Na Uy lạnh lẽo xa tít gần vùng Cực cũng không phải ngoại lệ. Trước làn sóng đa dạng văn hoá và ngôn ngữ, Na Uy đương nhiên muốn bảo tồn tính dân tộc của họ. Họ xây dựng một chương trình đào tạo riêng, với số lượng giờ học tiếng bắt buộc kết hợp phổ cập kiến thức về lối sống và văn hoá bản địa. Riêng các trường đào tạo ngôn ngữ tuy có phân lớp dựa theo trình độ và luân chuyển học sinh tuỳ theo sự tiến bộ, giáo án về căn bản là thống nhất và đều dạy vô cùng rõ những luật lệ, hay ngoại lệ hoặc diễn đạt đặc biệt giúp người nhập cư có thể hoà tan nếu muốn.

Điều ấy không quá khó khăn xét sắc tộc Na Uy có văn hoá được đánh giá là “nguyên khối” (monolithic). Nhưng kể cả nếu là một đất nước đóng cửa, thì biến đổi trong ngôn ngữ vẫn phải diễn ra. Các giáo viên lưu ý cho học viên những trường hợp người trẻ từ những năm 1990s thay đổi cách phát âm chỉ vì lười. Vậy độ cởi mở của người Na Uy với thay đổi hoặc cải biên hẳn là thấp? Ta cần nói tới sự kiện ở thế kỷ trước. Nhằm loại bỏ cái gọi là ảnh hưởng từ việc Đan Mạch chiếm đóng, Ivar Aasen đã tổng hợp ra một thứ tiếng Na Uy mới gọi là Nynorsk dựa trên một vài ngôn ngữ địa phương và có sự khác biệt lớn hơn so với tiếng hiện tại là Bokmål. Ban đầu, thái độ với Nynorsk cực tệ, với các ý kiến cho rằng nó chỉ là một dự án của “chủ nghĩa Sô vanh” hay đơn thuần là “trông ngớ ngẩn”. Học sinh cấp ba thì ghét cay ghét đắng vì nó bị đưa vào chương trình học. Thế nhưng cuối cùng, thứ tiếng này vẫn được sử dụng ở nhiều vùng, như Møre và Romsdal gần như ngang ngửa với Bokmål. Xét một cách công bằng, thì dù là “xào” lại, Nynorsk thực sự còn mang tính Na Uy hơn là Bokmål, nhưng Bokmål thì cũng đã trải qua nhiều biến đổi, và xét một cách công bằng thì cả hai chỉ là sản phẩm của sự tiến hoá ngôn ngữ.

“Trông người lại ngẫm đến ta”, ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều ý kiến về thay đổi một số diễn đạt. Để đảm bảo tính đa dạng, tôi đã bàn luận thêm với các giáo viên tại trường, những người đều có giáo dục Đại học về Ngôn ngữ hoặc Triết học, cùng bạn chung lớp nói tiếng mẹ đẻ Ba Tư, cũng từng là giáo viên và nghiên cứu cùng nhà ngôn ngữ học Frans van Eemeren về các ví dụ đưa ra trong bài. Một trường hợp rất thú vị tôi đọc được gần đây đó là đề xuất “Sứ Quốc” thay cho “Trung Quốc” với lập luận nhằm loại bỏ việc coi nước này là trung tâm, gọi họ nhờ cái họ nổi tiếng là gốm sứ như trong tiếng Anh là “China”. Theo đánh giá, thì cơ sở này thực ra có vấn đề. Thực dân Bồ Đào Nha đã mượn từ “China” từ tiếng Ba Tư là Chīnī چین, bản thân từ này lại có gốc từ tiếng Ba Tư cổ là Machin (ماچين ( và từ này lại du nhập từ tiếng Phạn là चीन (cīna) được cho là có gốc chữ “Tần” thời mà nước này bắt đầu có giao thương với láng giềng. Như vậy, ta hiểu chữ China là sứ, tức là hiểu theo nghĩa hiện đại của từ thay vì nghĩa cổ, được coi là đúng đắn. (Book Hunter: “Sứ quốc” là khái niệm do ông Trần Đình Thắng chủ trương đưa ra để gọi thay cho Trung Quốc trong bản dịch cuốn “Những tìm sâu triết học” của Ludwig Wittgenstein)

>> Đọc thêm: Trớ trêu Sách dịch #1: Sách Triết Học – Book Hunter

Ví dụ thứ hai là từ Magic, tiếng Anh đa phần được hiểu với nghĩa hiện đại là ảo thuật (biểu diễn giải trí), có gốc “magi” trong tiếng Ba Tư cổ chỉ các tư tế vừa thông thạo phép màu vừa có kiến thức sâu về tín ngưỡng cổ cũng như lối cúng bái linh thiêng. Hay từ “Caravan” nói về một đoàn người ngựa du hành cùng nhau, giờ lại có nghĩa hiện đại là xe cắm trại, hay gọi tắt nữa là Van. Ở hai trường hợp này, bản thân người “bản địa” đã chấp nhận nghĩa mới của từ. Về mặt viết lách, theo ý kiến của những chuyên gia này, việc sử dụng thuật ngữ mới là không thể tránh khỏi, nhưng quan trọng nhất đó chính là giải thích lựa chọn của mình với lý lẽ chính thống ở mặt học thuật, còn việc chấp nhận hay không là tuỳ những kẻ gác cổng. Nếu có kiến thức sâu, ta còn có thể nhìn ra được những tiêu chuẩn kép về việc cái gì thực sự là mới hay là nguồn gốc chính thống. Còn mặt dịch thuật thì càng khó, nhưng tất cả đều bảo lưu ý kiến rằng ta nên sử dụng ngôn ngữ theo tính thực dụng, làm sao cho người đọc cảm thấy có thể hiểu được thay vì thái độ phức tạp hoá dễ bị đánh giá là “pretensiøs”, tức nâng độ quan trọng của nội dung nhằm ám chỉ việc đối tượng đặc biệt mới có thể hiểu, từ đó ngầm nâng cao vị thế của những người đọc, tiêu thụ và bàn luận về nó. Đây là điều tôi cũng đồng ý. Tôi cho rằng chính vì việc sử dụng ngôn ngữ đặc trưng trong khi ý nghĩa thực ra rất gần gũi, đã khiến nhiều sinh viên ác cảm và coi thường môn Chủ nghĩa Mác Lênin dạy trong trường Đại học nói riêng và ngành Triết học nói chung tại Việt Nam.

Trong khi sự bảo thủ thay đổi tiếng nói có cái lý riêng và dường như có thể thông cảm, thì gác cổng trong dịch thuật là điều tối kỵ, vì nó ngăn trở sự tiến bộ trong khi bản thân ngôn ngữ cũng thay đổi từng ngày. Ngành dịch thuật ở Na Uy không phát triển do người bản xứ đều được học tiếng Anh, Đức và Tây Ban Nha từ trung học, đa số thế hệ trẻ đều có thể đọc sách bản gốc bằng những thứ tiếng trên nếu muốn. Bản thân họ thay đổi cách phát âm hay cách sử dụng từ, trong khi cũng có thái độ kỵ việc chêm từ tiếng Anh dù thứ tiếng này nằm chung nhánh ngôn ngữ. Nói như vậy thì ta cũng nên bài trừ việc mượn ngữ nghĩa tiếng Hán hay thậm chí tiếng Anh như ví dụ về Trung Quốc ở trên? Hoàn toàn không. Nó chỉ lưu ý cho ta thấy rằng nhiều khi lựa chọn của ta không hề lý tưởng như bản thân kỳ vọng. Đây là một vấn đề phức tạp khi Việt Nam còn không nguyên khối như Na Uy. Để giảm thiểu khó khăn này, việc tra cứu lại lựa chọn từ ngữ cùng lý do của nó là khởi đầu tốt. Đôi khi, tiếng nói từ nguyên quán hay địa vị của người phát minh từ mới cũng đem lại quyền lực không nhỏ cho người ấy và cái họ đề xuất sẽ có khả năng cao được chấp nhận, từ đó làm sâu thêm kỳ thị về giai cấp hay bất cứ điều gì làm cơ sở cho cái được gọi là tiêu chuẩn.

Sự hạn chế về năng lực ngoại ngữ là cơ sở cho sự bảo thủ

Cuối cùng, thị trường sách dịch ở Việt Nam đa số là từ tiếng Anh bất chấp bản gốc ở ngôn ngữ nào. Đây là lý do tôi cũng thường tham khảo bản tiếng Na Uy các sách kinh điển đặc biệt là tiếng Đức, nhưng cũng không đảm bảo được 100% do ngữ pháp tiếng Na Uy lại ngược với tiếng Đức. Việc lựa chọn cách diễn đạt cũng là vấn đề mà hai dịch giả Anh ngữ đã nêu ngay ở lời nói đầu. Tôi xin lấy ví dụ như câu sau trong cuốn Thế giới như Ý chí và Ý niệm (Book Hunter: các ví dụ tác giả bài viết nhắc đến ở đây được lựa chọn dựa trên những chỉ trích từ những người nhặt sạn trên mạng xã hội. Do bận rộn nhiều công việc, tác giả không thể ngồi phân tích từng trường hợp để đối chất, các bạn đọc có thể qua đó để suy xét cho sự lựa chọn của mình). 

“No truth therefore is more certain, more independent of all others” tôi đã giữ cách diễn đạt theo vế nhấn mạnh sự khác biệt “hơn” hai lần ở đây từ chữ “more”: “Như vậy không có chân lý nào chắc chắn hơn, độc lập khỏi những chân lý khác hơn”. Người dịch word by word sẽ dễ hiểu nhầm thứ tự chữ “hơn” ở cuối là thay cho “all others”. Bản dịch Na Uy thì còn khác hơn nữa “Ingen sannhet er altså sikrere, mer uavhengig av alle andre og mindre i behov av bevis enn denne”: “Do vậy không có sự thật nào chắc chắn hơn, độc lập và ít cần minh chứng hơn”. Tuy nhiên, tôi không thể lấy văn phạm từ một bản dịch khác, nếu không hẳn sẽ bị coi là “chế” thêm chữ.

Ví dụ thêm về biến đổi từ ngữ ở trên thì vô số, ví dụ như cụm “all that exists for knowledge”, tiếng Na Uy “at alt som er til for erkjennelsen”, ‘rằng tất cả những gì tồn tại dành cho nhận thức” hay “để nhận thức”, ta rất dễ bỏ quên việc câu này nằm diễn giải câu ở phía trên và có một cụm phía sau. Cụm đó chính là “this whole world”, “hele denne verden”. Danh từ hele trong Anh ngữ cũng như whole, là tính tử miêu tả sự toàn vẹn, toàn thể, thậm chí còn có nghĩa rộng hơn là to lớn, nếu chia theo danh từ verden (thế giới) thì hàm ý gom tất cả lại với nhau, giống với từ gốc Đức là alle, mà tôi đã chọn cách dịch là toàn bộ. Một từ như vậy rất đơn giản, nhưng nếu quá tập trung vào chữ dịch sẽ dễ dẫn tới hiện tượng bão hoà ngữ nghĩa (semantic satiation) khiến ta quên đi ý nghĩa tổng thể của vấn đề.

Cuối cùng, dù không nằm trong nội dung chính đó là tiêu đề “The Fourfold Root”. Theo thông tin của người bản địa Anh ngữ, Fourfold là một từ cực kỳ cổ và không còn được sử dụng. Tiêu đề này hay được dịch qua tiếng Na Uy sử dụng chữ firefoldige, là bốn cách (fire måter) (2) mà qua đó ta diễn trình một điều gì, trong ngữ cảnh phải lồng ghép với nhau trong ngữ cảnh viết lách (3). Kết hợp với cách Schopenhauer sử dụng hình ảnh nhánh cây để miêu tả ý chí và ý niệm, tôi lựa chọn dịch “gốc rễ bốn lớp”. Thực tế có nhiều cách hiểu, theo cách giải thích là layer hoặc aspect nếu phải lựa chọn từ hiện đại để miêu tả. Tuy nhiên, từ aspect, hay phương diện, chỉ là cách nói văn hoa hơn của từ layer (lớp). Để khớp với chữ Gốc rễ, tôi cho rằng từ “lớp” dễ hình dung hơn cho người đọc.

Cuối cùng, ta phải lưu ý rằng ngôn ngữ có ảnh hưởng không nhỏ tới ý niệm, cách ta “diễn trình” sự vật (4). Triết học sử dụng rất nhiều những hình ảnh này, vậy thì sự khác biệt trong cùng một hệ ngôn ngữ đã lớn, với hệ ngôn ngữ và văn hoá khác thì lại càng khó hơn. Cũng lấy cách tiếng Na Uy dịch “Bát Chánh đạo” là “åttefoldige” cùng một loại từ ghép với “firefoldige”, nhưng không phải tám cách mà là một con đường có tám điểm được thực hành trong cân bằng và hài hoà. Rõ ràng chỉ tập trung vào một khái niệm không thể đủ, để hiểu mặt ngữ nghĩa ta vẫn phải dựa trên ngữ cảnh. Tiếng Na Uy khi dịch đều có các chú thích bên dưới về ngữ cảnh phát sinh thay vì chỉ giải nghĩa đơn lẻ.

Nếu phức tạp vậy, là ta phải chấp nhận rằng chẳng có bản dịch nào là hoàn hảo? Một phần đúng, phần còn lại ta vẫn có thể cải thiện. Tôi cho rằng đối với bản gốc, ta chỉ có thể tham khảo được cấu trúc diễn đạt tiếng Anh đã khá quen thuộc với phần đông thế hệ hiện nay. Nhưng bản thân cấu trúc ấy còn có thể thay đổi, thì tranh cãi dựa trên nó là một ngôn ngữ thứ ba là không hữu ích. Nếu có khả năng hiểu các thứ tiếng khác sát hoặc chính từ bản gốc thì mới nảy sinh đóng góp tích cực.

Thiên Trang

 

  • Mair, V. H. (1990). Old Sinitic *Mγag, Old Persian Maguš, and English “Magician.” Early China, 15, 27–47. doi:10.1017/S0362502800004995
  • Nilsen, J. S. (2003). Nunc stans: en lesning av Samuel Becketts Company, Ill seen ill said, Worstward ho ut fra Arthur Schopenhauers filosofi (Master’s thesis).
  • Nielsen, E. A. (2009). Kristendommens retorik: den kristne digtnings billedformer (Vol. 1). Gyldendal A/S.
  • Lupyan, G., Rahman, R. A., Boroditsky, L., & Clark, A. (2020). Effects of language on visual perception. Trends in cognitive sciences, 24(11), 930-944.

DỊCH KHÁI NIỆM TIẾNG ANH SAO CHO ĐÚNG?

Nếu bạn là một dịch giả, dù ở cấp độ non tay hay một tay dịch gạo cội, đều sẽ gặp phải những khái niệm vô cùng phức tạp mà đôi khi chúng ta không biết dịch như thế nào. Chúng ta sẽ đổ tội tiếng Việt chăng? Đổ tội cho tiếng Việt thì oan cho tiếng Việt quá. Lỗi không ở tiếng Việt mà lỗi ở chính hệ thống dịch thuật nói riêng và học thuật nói chung ở nước ta. Do các tác

Book Hunter

13/09/2017

Những khái niệm và thuật ngữ chính trong Thế giới như là Ý chí và Ý niệm

Toàn bộ tác phẩm Thế giới như Ý chí và Ý niệm được viết và chỉnh sửa qua nhiều năm, nhưng phong cách trình bày không đổi và nói chung thống nhất ở mặt sử dụng thuật ngữ. Tác giả đưa ra lý thuyết, sau đó minh hoạ qua nhiều ví dụ về âm nhạc, hội hoạ và mỹ thuật. Để thấu hiểu hơn các ví dụ của ông, ta cần nắm được các khái niệm quan trọng.  Arthur Schopenhauer là người đi đầu trong

Thiên Trang

05/02/2024

Schopenhauer và những góc nhìn về phụ nữ

Ngoài cái tên của Kant hay bị đem ra làm trò đùa chơi chữ với từ tiếng Anh “can” và “cannot” thì có lẽ bức thư của Johanna Schopenhauer gửi tới con trai Arthur Schopenhauer là thứ phổ biến thứ hai được đưa vào văn hoá đại chúng với nội dung rất đáo để:  "Anh không phải là người xấu xa, cũng không hề ngu dốt hay thất học; anh có mọi thứ cống hiến được cho xã hội loài người. Tôi hiểu rõ anh

Thiên Trang

06/02/2024

Lược sử tư tưởng Schopenhauer

Arthur Schopenhauer (sinh ngày 22 tháng 2 năm 1788 ở Danzig, Phổ [nay là Gdańsk, Ba Lan], mất ngày 21 tháng 9 năm 1860 ở Frankfurt am Main [Đức]) là  triết gia người Đức, được mệnh danh là “triết gia của chủ nghĩa bi quan”. Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là người ủng hộ học thuyết siêu hình về ý chí hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa duy tâm của Hegel. Các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến

Minh Hiền

24/03/2024

Chặng đường tôi đến với triết học và Schopenhauer

Gần 15 năm trước, khi gia đình hối thúc học tập chuẩn bị cho quá trình thi đại học, tôi không một lần nghĩ tới những điều như sách vở hay kiến thức, mà chỉ quan tâm đến nghề nghiệp. Các lựa chọn phổ biến tại Việt Nam thời đó đương nhiên là khối Kinh tế-Tài Chính, quan hệ công chúng, ai thích thực dụng hơn nữa thì kỹ thuật, cơ khí. Lựa chọn các ngành Xã hội gần như bị chê cười, còn Triết

Thiên Trang

06/02/2024