Home Đọc Schopenhauer và những góc nhìn về phụ nữ

Schopenhauer và những góc nhìn về phụ nữ

Thiên Trang

06/02/2024

Ngoài cái tên của Kant hay bị đem ra làm trò đùa chơi chữ với từ tiếng Anh “can” và “cannot” thì có lẽ bức thư của Johanna Schopenhauer gửi tới con trai Arthur Schopenhauer là thứ phổ biến thứ hai được đưa vào văn hoá đại chúng với nội dung rất đáo để: 

“Anh không phải là người xấu xa, cũng không hề ngu dốt hay thất học; anh có mọi thứ cống hiến được cho xã hội loài người. Tôi hiểu rõ anh và biết anh tốt hơn thế, nhưng anh lại rất khó chiều tới mức không thể chịu nổi nên tôi thấy không sống nổi với anh. Mọi phẩm chất tốt của anh đều bị cái thói biết tuốt lu mờ, do anh cứ muốn phải hơn thua, phải đứng trên đầu người khác và thuần thục cái mà anh không có khiếu. Thế nên anh làm người ta cay cú, vì không ai muốn được khai sáng khiên cưỡng, chứ đừng nói bị gõ đầu bởi một kẻ vô danh như anh; một người vẫn còn nhiều khuyết điểm, chưa kể thái độ với cái giọng sấm truyền rằng cái này cái kia ra sao, mà chẳng thèm nghe ai phản đối. Nếu như anh đừng có như vậy, thì đã đỡ châm biếm, nhưng vì anh cứ thế nên anh thật khó chịu.” 

Hệ quả đáng buồn của bức thư trên là những bài luận của Schopenhauer, cộng thêm việc lá thư này hay được những nhóm kỳ thị giới tính nữ trích dẫn như thể đó là chân lý tuyệt đối. Tất cả họ đều dùng lá thư này để coi những phê bình của ông về phụ nữ là hợp lý. Họ không cân nhắc tới các vấn đề trong xã hội và bản thân tác giả, là những vấn đề củng cố thêm nơi ông tư tưởng kỳ thị nữ giới vốn từ xưa đã mặc định rằng tính nữ là xấu xa, và từ chối hiểu tại sao tác giả có góc nhìn như vậy, không chỉ về phụ nữ mà còn về những vấn đề khác. Thực tế, những mâu thuẫn trong lối sống của cha mẹ ông và cả hoàn cảnh lịch sử mới là điều nhào nặn nên vị triết gia ta đang nói tới.

Loạt tranh chân dung của bà Johanna Schopenhauer, mẹ của Arthur Schopenhauer

Cha Arthur Schopenhauer, Heinrich Floris, là một nhà buôn có tiếng thường trú tại Danzig, vùng đất nhỏ tự trị hiện đã là một phần của Ba Lan. Ông là người đọc nhiều hiểu rộng. Mẹ ông là Johanna Trosiener, con của Christian Heinrich, vốn là một thương gia tầng lớp trung lưu cũng ở Danzig. Danzig từng là cảng xuất nhập khẩu nhộn nhịp nhất nhì châu Âu. Vào thế kỷ XVIII, đế quốc Phổ dòm ngó Danzig vì lý do ấy. Heinrich Floris không ưa gì Phổ. Với cá tính mạnh, ông từng từ chối cả lời mời của vua Phổ đề nghị ông chuyển sang thường trú tại nước này. Câu chuyện ấy lan truyền khắp nơi và cuối cùng tới nhà Trosiener. Christian Heinrich vì mải mê với những lợi ích do vua Ba Lan đem lại nên đã cho rằng cuộc hôn nhân với nhà Schopenhauer là môn đăng hộ đối, đặc biệt ở mặt chính trị. Lúc bấy giờ, Heinrich Floris đã ngoài bốn mươi, còn Johanna kém ông những 20 tuổi. Cuộc hôn nhân giữa hai người họ diễn ra chóng vánh. 

Tuy nhiên, Christian Heinrich lại “đi hai thuyền”, và do đó bị loại khỏi hội đồng thành phố. Gia đình ông vì thế mà bị phá sản, còn con gái ông là Johanna phải phụ thuộc vào nhà chồng. Bà sống cô quạnh ở Danzig, trong khi người chồng thì vì lo lắng chuyện quân Phổ thắng thế đã nghĩ ngay tới việc sang Anh, tiếng là để cho cô vợ trẻ được khuây khỏa nhưng thực chất là vì muốn con trai mình được hưởng nền giáo dục Anh quốc, đồng thời việc có quốc tịch Anh cũng là một lợi thế trong thương mại. Mọi thứ tưởng như thuận lợi, nhưng màn sương dày ở Anh dần bao phủ lên cuộc hôn nhân này một bức màn ảm đạm. Johanna, ban đầu chấp nhận không sinh con tại Danzig trong sự chăm sóc của mẹ đẻ, bắt đầu tạo dựng những mối quan hệ ở đất khách quê người. Đời sống xã hội phong phú phần nào giúp bà nguôi ngoai nỗi cay đắng của việc phải cam chịu quyết định của chồng mà không thể phản đối – không vì một lý do nào khác ngoài định kiến rằng ý kiến của bà, một người đàn bà, mặc nhiên là cảm tính và phi logic. Còn Heinrich Floris thì từ chỗ đầy lạc quan hy vọng đã dần bước vào khủng hoảng tuổi trung niên và trải qua những thay đổi về tính cách khiến cho ông trở nên trái ngược hoàn toàn với vẻ “cởi mở, gan dạ” ban đầu của mình. Johanna miêu tả rất chi tiết việc này trong hồi ký của bà đồng thời cũng đưa ra nhiều nhận định cá nhân, rằng dường như chồng bà đang ở bên kia bờ dốc cuộc đời và không thể chấp nhận tài năng xã giao của người vợ, là thứ khiến cho ông bị lép vế. Sự ghen tuông ấy không phải ở mặt tình yêu trai gái vì bà luôn giữ đúng phép: “Tôi chưa bao giờ đi chơi lung tung trong lúc chồng đi vắng, mà luôn dùng xe ngựa đi loanh quanh giải trí, cùng lắm là đi bộ ngoài vườn, và tuyệt nhiên tránh xa đường lớn hay đồi núi. Tôi biết lương tâm mình khuyên bảo đúng, vì nếu không tôi sẽ phải hối hận.” Bà nói thêm “Chồng tôi không thể làm cuộc đời tôi cay đắng bằng những lời nói nhỏ nhen, ghen tuông. Anh ta chẳng nhắc tới chênh lệch tuổi tác giữa chúng tôi nhưng cứ nhìn cách anh ta không hề vui vẻ gì khi tôi giao du với bạn bè là rõ”. Có thể thấy cuộc hôn nhân này chỉ ở mức tôn trọng tối thiểu và không có tình yêu. Vậy tại sao Johanna hồi 18 tuổi lại dễ dàng chấp nhận như vậy mà không suy nghĩ? Theo lời bà, đó là những ảo tưởng về tình yêu đầu đời và tình yêu ấy đã dần bị thực tế chà đạp, đây cũng là chủ đề phổ biến trong các tác phẩm bà viết mà kể cả Goethe cũng phải ca ngợi. “Sự lộng lẫy, địa vị và danh hiệu có một sức mạnh quá quyến rũ đối với trái tim một cô gái trẻ, vốn được nuông chiều nên chẳng mảy may nghi ngờ; họ dụ dỗ cô gái non nớt ấy chấp nhận hôn nhân; một bước đi sai lầm mà vì nó họ đã phải chịu sự trừng phạt nặng nề nhất trong suốt quãng đời còn lại”, bà viết.

Chuyến đi quay trở về Danzig đột ngột 2 tháng trước khi Arthur ra đời đã vất vả, cuộc sống cô quạnh, một năm thăm cha mẹ một lần nữa ném Johanna vào tâm trạng chán chường. Người cha chỉ ở nhà vào cuối tuần, còn người mẹ thì luôn khao khát một cuộc sống khác hẳn đã đặt những viên gạch đầu tiên cho tư tưởng của Arthur, bất chấp lợi thế về gia đình. Người cha thực dụng đã dạy cho ông sự tự hào và dũng cảm đối đầu với nghĩa vụ xã hội, đọc Voltaire, Rousseau, còn Johanna cũng viết lách và thậm chí có salon riêng. Chính nhờ các mối quan hệ của bà mà sách của ông được chấp nhận xuất bản. Nhưng Johanna đã thể hiện tình mẫu tử một cách khiên cưỡng và điều ấy chẳng thể nào qua mắt một đứa trẻ được thừa hưởng trí thông minh của bà. Việc Arthur ra đời là cái bẫy hằng ngày nhắc nhở bà rằng bà sẽ không còn cơ hội nào để sống cho riêng mình. Tới tuổi thành niên, cha ông dần trở nên nghiêm khắc trong việc đào tạo người kế nghiệp, đồng thời chỉ trích con trai ngày càng nhiều chính vì những lá thư than phiền của Johanna. 

Chính Arthur sau này cũng căm ghét việc ông thừa hưởng tính cách của cha, nhưng tại sao ông lại không thể tha thứ cho mẹ mình? Sau này khi trở bệnh và qua đời, thay vì nhìn vào tình cảnh của mẹ, ông dần trở nên hận bà nói riêng và phụ nữ nói chung, vì cha mẹ là hình mẫu đầu tiên về người khác giới của đứa con. “Phụ nữ chỉ coi hôn nhân là một thể chế chu cấp. Cha tôi bị bệnh ngồi xe lăn, nếu không có người giúp việc già thiện nguyện thì ông đã bị bỏ mặc. Còn người mẹ thân yêu của tôi tiệc tùng trong khi ông hấp hối trong cô đơn, vui vẻ khi ông đang phải chịu đựng cay đắng giày vò. Tình yêu của phụ nữ là thế đấy!” ông viết. Cũng như bao người trong xã hội hàng trăm năm trước chỉ coi phụ nữ như tài sản lệ thuộc, Arthur Schopenhauer không thể chấp nhận chuyện phụ nữ có sự tự chủ trong cuộc sống. Ông vô cùng sáng suốt trong tư tưởng, nhưng lại không thể nhìn phụ nữ như những con người có cuộc đời, suy nghĩ và cảm xúc riêng. Việc ông theo đuổi những mối quan hệ không phù hợp có lẽ đã càng khiến suy nghĩ sai lệch ấy bắt rễ sâu hơn, ví dụ như khi ông theo đuổi Flora Weiss lúc ấy mới 17, kém ông những 22 tuổi, hay vũ công Caroline Richter kém ông 14 tuổi và lúc đó đã có con riêng. 

Thái độ ấy đối với phụ nữ của ông thể hiện trong “Luận về Phụ nữ, với nhận xét cho rằng nữ giới dừng phát triển trí óc sớm, trong khi nam giới thì phát triển nó trong suốt cuộc đời, nên họ chỉ như trẻ con. Hệ quả là họ có vấn đề trong tư duy, kém thông minh, nhưng cùng lúc lại dối trá và lươn lẹo. Tuy vậy, cũng như mọi góc nhìn của ông về những vấn đề khác có thể thấy qua những sửa đổi trong tập II và III cho Thế giới như là Ý chí và Ý niệm, tuổi già đã khiến Schopenhauer thay đổi suy nghĩ, dù thay đổi ấy khá muộn màng. Khi ngồi làm mẫu cho nhà điêu khắc người Phổ Elisabet Ney vào năm 1859, người phụ nữ trẻ này đã khiến ông vô cùng ấn tượng với kỹ năng, trí thông minh và sự hóm hỉnh của cô. Ông có nói với Malwida von Meysenbug, bạn của nhạc sĩ Richard Wagner rằng: “Tôi vẫn chưa nói xong về về phụ nữ. Tôi tin rằng nếu một phụ nữ mà tránh được khỏi đám đông, hay đúng hơn là vượt xa khỏi họ, cô ấy sẽ trưởng thành không ngừng, có khi còn hơn cả đàn ông.” Một năm sau, ông qua đời mà chưa hoàn thiện xong tác phẩm cuối cùng của mình là Parerga and Paralipomena, và có thể cả việc chỉnh sửa bài “Luận về Phụ nữ” nằm trong đó. 

Những chi tiết trên là những điều mà hẳn những người phân biệt giới tính sẽ lờ đi, nhưng là bằng chứng cho thấy rằng ta luôn cần phải thông thạo một tác giả trước khi sử dụng lời nói của họ ở ngoài ngữ cảnh của chúng. Đây cũng là điều ta cần lưu ý trong bất kỳ tác phẩm nào, thậm chí cả khoa học. 

Thiên Trang, dịch giả của Những tiểu luận về tồn tại của Schopenhauer, Bàn về nền tảng đạo đứcThế giới như là Ý chí và Ý niệm

> Tìm hiểu thêm về tác phẩm Thế giới như là Ý chí và Ý niệm của Arthur Schopenhauer do Book Hunter thực hiện xuất bản.

Những kẻ “gác cổng” ngôn ngữ: Giới hạn nằm ở đâu?

Book Hunter: Khi Book Hunter xuất bản tác phẩm "Thế giới ý chí và ý niệm" của Arthur Schopenhauer trong quý I - 2024 do Thiên Trang dịch, bên cạnh việc nhận được rất nhiều sự yêu mến của độc giả, chúng tôi cũng nhận được một cuộc công kích trên mạng xã hội với danh nghĩa "nhặt sạn" bản dịch. Những hoạt động "nhặt sạn" này mang tính chất phủ nhận và cáo buộc bản dịch của Thiên Trang là chỉ sử dụng Google

Thiên Trang

12/03/2024

Những khái niệm và thuật ngữ chính trong Thế giới như là Ý chí và Ý niệm

Toàn bộ tác phẩm Thế giới như Ý chí và Ý niệm được viết và chỉnh sửa qua nhiều năm, nhưng phong cách trình bày không đổi và nói chung thống nhất ở mặt sử dụng thuật ngữ. Tác giả đưa ra lý thuyết, sau đó minh hoạ qua nhiều ví dụ về âm nhạc, hội hoạ và mỹ thuật. Để thấu hiểu hơn các ví dụ của ông, ta cần nắm được các khái niệm quan trọng.  Arthur Schopenhauer là người đi đầu trong

Thiên Trang

05/02/2024

Chặng đường tôi đến với triết học và Schopenhauer

Gần 15 năm trước, khi gia đình hối thúc học tập chuẩn bị cho quá trình thi đại học, tôi không một lần nghĩ tới những điều như sách vở hay kiến thức, mà chỉ quan tâm đến nghề nghiệp. Các lựa chọn phổ biến tại Việt Nam thời đó đương nhiên là khối Kinh tế-Tài Chính, quan hệ công chúng, ai thích thực dụng hơn nữa thì kỹ thuật, cơ khí. Lựa chọn các ngành Xã hội gần như bị chê cười, còn Triết

Thiên Trang

06/02/2024

Lược sử tư tưởng Schopenhauer

Arthur Schopenhauer (sinh ngày 22 tháng 2 năm 1788 ở Danzig, Phổ [nay là Gdańsk, Ba Lan], mất ngày 21 tháng 9 năm 1860 ở Frankfurt am Main [Đức]) là  triết gia người Đức, được mệnh danh là “triết gia của chủ nghĩa bi quan”. Ông được biết đến nhiều nhất với tư cách là người ủng hộ học thuyết siêu hình về ý chí hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa duy tâm của Hegel. Các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng đến

Minh Hiền

24/03/2024