Tiếp theo của series bài Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục, Book Hunter xin được giới thiệu với các bạn những cuốn sách tìm hiểu về não trạng học và phương pháp học đã được xuất bản tại Việt Nam. Đây cũng là những cuốn sách Book Hunter đưa tới sự kiện TƯƠNG GIAO #1: NHỮNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC TRONG LỊCH SỬ vào 9/9/2023.
Từ sự nghiên cứu não trạng học bằng các phương pháp khác nhau như khoa học não bộ, quan sát tâm lý học, quan sát hành vi… đã đưa ra nhiều nhận định về cách não trạng tiếp nhận kiến thức. Dựa trên đó, các phương pháp dạy và học dần dần được đúc kết và ứng dụng cho hệ thống giáo dục.
Từ quan sát và nghiên cứu
Quan sát quá trình học tập và ghi chép lại cách tiếp thu kiến thức đã giúp các nhà nghiên cứu và giáo dục đưa ra nhiều đúc kết quan trọng. Kết quả của sự quan sát ấy được họ viết lại trong các tác phẩm của mình. Để biết thêm chi tiết, mời đọc bài Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục #1: Học một cách tự nhiên – Book Hunter
Tiến thêm một bước nữa, với những thành tựu của ngành khoa học não bộ, não trạng học được nghiên cứu chi tiết hơn.
CHÚNG TA HỌC THẾ NÀO – HOW WE LEARN của Benedict Carey tóm lược các nghiên cứu và phát kiến về cách thức mà bộ não của chúng ta hoạt động để có được ký ức và sau đó sử dụng chúng. Cơ chế học tập của bộ não rất kỳ lạ, nó vượt ra bên ngoài sự tập trung và kỷ luật tự thân thông thường. Trong cơ chế đó, sự phân tâm, sự gián đoạn, sự thay đổi môi trường học tập, giấc ngủ và thậm chí cả sự quên… cũng là một bộ phận cấu thành quá trình học tập hiệu quả.
Muốn học thật tốt, chúng ta cần biết cách lười nhác một chút (thay vì miệt mài học hành quên cả việc chơi), ngủ nhiều hơn một chút (thay vì cố thức để nhồi thêm kiến thức), cần để đầu óc thư giãn (thay vì bắt nó học hành cực nhọc); tóm lại để học cho tốt chúng ta cần một cách học khôn ngoan hơn thay vì chỉ chăm chỉ học đến mụ mẫm cả người.
Đó là thông điệp chính của Benedict Carey, một cây bút tiếng tăm chuyên viết về khoa học trên tờ The New York Times. Bản thân là một người lận đận khi học hành chỉ vì quá miệt mài học tập, cuối cùng thành công trong đường khoa của của Benedict Carey lại có được khi ông cho phép mình lười nhác đi một tí.
Tìm hiểu thêm: Chúng ta học thế nào – How We Learn – Benedict Carey – Book Hunter Lyceum
Phương pháp học tập
Các phương pháp học được đúc kết để con người có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn cũng như tổ chức học tập của cá nhân tốt hơn. Book Hunter xin được giới thiệu một số cuốn sách về Phương pháp học mà có lẽ sẽ hữu ích với bạn đọc.
Tự học (Hoàng Anh Đức, Hoàng G. Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh)
Cuốn sách TỰ HỌC gồm 8 chương, lần lượt tiếp cận những khía cạnh khác nhau xung quanh chủ đề tự học, với lối viết hấp dẫn cùng hệ thống hình ảnh, sơ đồ, bảng minh họa đặc sắc. Cuốn sách theo chân một nhà thám hiểm vừa ham hiểu biết, vừa đầy nhiệt huyết, đi tới những vùng đất khác nhau, tìm hiểu, học, khai phá những chân trời mới của tri thức và kỹ năng. Con đường mà nhà thám hiểm này đi qua cũng chính là con đường học tập của mỗi người trong chúng ta, từ chỗ hiếu kỳ về mọi thứ xung quanh, đầy khát khao khám phá tìm hiểu cho tới những khi “ngụp lặn” giữa hàng đống kiến thức, mất phương hướng, tuyệt vọng, rồi bất ngờ tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, kiên trì đi tiếp để rồi cuối cùng gặt hái thành tựu. Một ẩn dụ rất độc đáo.
Bắt đầu từ câu chuyện hành trình xây dựng những tấm bản đồ của nhà thám hiểm, nhóm tác giả nêu lên tầm quan trọng của tự học đối với mỗi cá nhân chúng ta trong suốt cuộc đời (Chương 1: Cần gì Tự học?). Tiếp đó, tự học được nhìn nhận như cách chúng ta học võ thuật, lần lượt có “chiêu” (practices) và “thức” (mindset), hay kỹ năng thực hành và tư duy để chiêm nghiệm. Bảy chương còn lại đề cập tới các vấn đề đặc biệt thú vị, được sắp xếp phù hợp theo diễn trình nhận thức của mỗi chúng ta, cụ thể: Biết mình và hiểu mình (Chương 2); Tâm thế sẵn sàng cho việc học (Chương 3); Quản lý hoạt động (Chương 4); Quản trị tri thức (Chương 5); Nâng cao hiệu quả học tập (Chương 6); Học tập cộng tác (Chương 7) và Phản tư (Chương 8). Ở mỗi chương, người đọc sẽ có cơ hội hiểu chính xác nguồn gốc, cách thức triển khai, kết quả dự kiến cũng như ý nghĩa và những lưu ý của từng phương thức/phương pháp/kỹ thuật. Các phương pháp/kỹ thuật tưởng chừng đã rất quen thuộc với chúng ta sẽ được hệ thống hóa, “giải ảo” và phân chia một cách khoa học vào từng chủ đề lớn.
Cuốn sách này không “dạy” chúng ta làm sao để tự học. Nó chỉ ra cho chúng ta một vài trong vô số những con đường để tự học hiệu quả, đồng thời biến năng lực tự học đó trở thành một diễn trình kéo dài suốt cuộc đời. Không phải những khẩu hiệu sáo rỗng, ở đây các tác giả chỉ ra chúng ta nên bắt đầu từ đâu, như thế nào mới là làm đúng, và làm sao để thực hành hiệu quả những phương pháp, kỹ thuật vốn đã quá phổ biến.
Tìm hiểu thêm: Tự học – Hoàng Anh Đức, Hoàng G. Quỳnh Anh, Hồ Tường Linh – Book Hunter Lyceum
Học Sâu – Kieran Egan
Kieran Egan là một nhà triết học giáo dục người Ireland. Ông viết về các vấn đề trong giáo dục và sự phát triển của trẻ em.
Kieran Egan đã nêu ra vấn đề nhức nhối trong giáo dục hiện nay: Những người trẻ mang trong mình sự thiếu hiểu biết trầm trọng về thế giới xung quanh, mặc dù nhà trường không ngừng mở rộng khối lượng kiến thức truyền đạt đến học sinh. Học sinh dường như vứt bỏ, quên đi hết kiến thức mình đã học được ngay khi kì kiểm tra cuối kì kết thúc. Theo Kieran Egan, nguyên nhân nằm ở chỗ kiến thức được dạy quá dàn trải mà thiếu đi trọng tâm. Vì vậy, ông đề ra chương trình Học sâu.
Có thể tóm tắt chương trình Học sâu như sau:
Trẻ em được phân công ngẫu nhiên trong những ngày đầu đến trường một đề tài cụ thể để tìm hiểu nghiên cứu trong suốt 12 năm học phổ thông, ngoài chương trình học thông thường. Đề tài có thể là: táo, bụi, đường sắt, lá cây, tàu thủy, mèo, gia vị, Học sinh sẽ gặp giáo viên giám sát thường xuyên để được giúp đỡ. Nhiệm vụ của chúng là xây dựng một tập hồ sơ cá nhân về đề tài. Mục đích của chương trình là để đến cuối học trình, học sinh sẽ có được sự tinh thông thực sự về đề tài gần với một chuyên gia.
Việc học có hai tiêu chí: chiều rộng và chiều sâu. Nếu như chỉ học về chiều rộng, ta sẽ luôn phải dựa vào sự tinh thông của người khác. Học sâu giúp ta phát triển sự tinh thông của chính mình bằng cách nắm bắt được một điều gì đó từ bên trong. Không chỉ như một phương pháp học kiến thức, Học sâu còn giúp rèn luyện học sinh trở thành con người có chiều sâu, khiêm tốn, trọng sự thật và có khả năng đắm chìm vào một điều gì đó bên ngoài bản thân.
Tuy chỉ mới nằm trong quá trình thử nghiệm, dự án Học Sâu của ông dù gặp không ít ý kiến cho rằng là quá lý tưởng hóa và khó thực thi nhưng nhiều gợi ý của Egan trong cuốn sách này là rất đáng suy ngẫm. Chương trình Học sâu đề xuất một cải tiến nhỏ nhưng có thể đem lại sự thay đổi lớn trong quan niệm và thái độ học tập của học sinh.
Tìm hiểu thêm: Học sâu – Kieran Egan – Book Hunter Lyceum
Học Mọi Lúc – John Holt
HỌC MỌI LÚC được viết bởi John Holt, một nhà giáo dục và tác giả người Mỹ nổi tiếng với những đóng góp của ông cho lĩnh vực giáo dục và sự ủng hộ của ông đối với các phương pháp học thay thế. Trong cuốn sách này, Holt khám phá ý tưởng rằng việc học không chỉ giới hạn trong môi trường giáo dục chính thức mà là một quá trình tự nhiên và liên tục diễn ra trong suốt cuộc đời.
Holt thách thức quan niệm thông thường rằng việc học chỉ diễn ra trong các bức tường của lớp học và lập luận rằng trẻ em vốn tò mò và ham học hỏi. Ông tin rằng trường học truyền thống thường bóp nghẹt tình yêu học tập tự nhiên này bằng cách áp đặt các cấu trúc cứng nhắc, chương trình giảng dạy tiêu chuẩn hóa và tập trung vào điểm số và thành tích.
Theo Holt, học tập nên được xem như một quá trình tích cực và tự định hướng, trong đó các cá nhân theo đuổi kiến thức dựa trên sở thích và đam mê cá nhân của họ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho phép trẻ em tự do khám phá trí tò mò của bản thân và học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế, vui chơi và tương tác thực tế.
Trong “Học mọi lúc”, Holt cũng khám phá vai trò của phụ huynh và các nhà giáo dục trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập. Ông khuyến khích người lớn trở thành người hướng dẫn và hỗ trợ thay vì chỉ là người hướng dẫn, cung cấp nguồn lực và cơ hội cho trẻ em theo đuổi sở thích của mình và tham gia vào các trải nghiệm học tập có ý nghĩa. Holt ủng hộ một môi trường học tập thúc đẩy quyền tự chủ, tư duy phản biện, tính sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Tìm hiểu thêm: Học mọi lúc – John Holt – Book Hunter Lyceum
Book Hunter tổng hợp
Bài tiếp theo: Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục #3: Sự truyền thụ tri thức mang tính hệ thống – Book Hunter
Đọc toàn bộ chùm bài: Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục Archives – Book Hunter