Book Hunter xin được giới thiệu với các bạn bản dịch tiểu luận “In praise of Idlenesss” của Bertrand Russell. Người dịch là bạn Quang Đạo, người đã dịch bộ phim “Một nền giáo dục cấm đoán”. Trong tập tiểu luận này, Quang Đạo có một vài thay đổi về những chi tiết nhỏ cho gần gũi với Việt Nam hơn, hi vọng độc giả không quá shock!
————–
* Bối cảnh lịch sử của bài viết:
Ra đời vào năm 1935, “In praise of idleness” phản ánh những suy nghĩ của cá nhân Bertrand Russell về tình hình kinh tế-chính trị của Anh Mỹ và các nước phương Tây. Đây là quãng thời gian hậu Thế Chiến I và trước Thế Chiến II, kinh tế của các nước đều gặp nhiều khó khăn, thất nghiệp nhiều, tệ nạn và đủ trò trong xã hội hiện diện rõ nét.
*Comment của người dịch:
Chống chỉ định:
– Những ai muốn đi tìm chân lý, con nhà nghèo.
– Tầng lớp trung lưu ít học hay các bạn trí ngủ.
Chỉ định:
– Thuốc được sản xuất để kỳ cọ trí khôn và mang tính chất giải trí…mặc dù hàm lượng chất này cao thấp tùy người dùng.
– Nếu hợp cơ địa, thuốc có thể sản sinh một số ảo ảnh về xã hội dưới lòng đất, utopia trong tương lai, hoặc quyết định bỏ việc đi chơi đột xuất.
Tác dụng phụ (không mong muốn):
– Sinh bất mãn, rối trí, hoang mang hoặc hoang tưởng.
In Praise of Idleness
“Nhàn cư vi sáng tạo”
Giống như phần lớn những người cùng thế hệ, tôi lớn lên với ý tưởng trong đầu: “Quỷ Satan sẽ mượn tay những kẻ lười nhác để quậy phá.” Là một đứa trẻ cực kỳ đức hạnh, tôi đã tin vào tất cả những gì được dạy và thành quả thu được là một bầu trời lương tâm khiến tôi làm việc hết sức chăm chỉ từ bấy tới giờ. Nhưng dù cho bầu trời lương tâm ấy vẫn kiểm soát mọi hành động, hệ thống các quan điểm của tôi đã trải qua một cuộc cách mạng thực sự.
Tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều cần làm trên thế giới này, rằng phải thay đổi luôn và ngay cái lối tư duy “lao động là vinh quang” bởi chính nó đã tạo ra những tác hại vô cùng to lớn. Trong thế giới hiện đại ngày nay, những gì mà mọi người cần hiểu quả thực phải rất khác so với trước kia.
Hẳn ai cũng biết chuyện ngụ ngôn về một khách du lịch tới Na-pô-ly, anh ta gặp 12 kẻ ăn mày đang nằm sưởi nắng. (Hẳn câu chuyện này xảy ra trước khi Mussolini lên nắm quyền) Anh ta quyết định sẽ tặng 1 đồng lira cho kẻ lười nhất trong số đó. 11 người nhảy cẫng lên để xin tiền, cho nên kẻ duy nhất chẳng thèm đoái hoài tới đã lĩnh giải thưởng.
Nhưng ở những nước mà không có nắng Địa Trung Hải để mà tận hưởng, thì thật khó để được lười nhác. Cho nên, phải có một cuộc tuyên truyền rất lớn để quảng bá cho việc ăn không ngồi rồi. Tôi hy vọng, sau khi đọc hết những trang sau, các nhà lãnh đạo tài ba của Hiệp Hội Thanh Niên Thiên Chúa Giáo sẽ lập tức tiến hành một chiến dịch để vận động các tài năng trẻ tuổi…đừng làm gì hết. Nếu được thế, tôi sẽ được chết trong mãn nguyện.
Trước khi tiếp tục cổ xúy cho những kẻ lười, tôi sẽ nói về một số quan điểm mà tôi không thể chấp nhận. Bất cứ khi nào một người đã có đủ tiền để sống với một công việc làm hàng ngày, ví dụ như dạy học hay làm văn thư, anh ta bị coi là đang dành lấy miếng cơm từ mồm kẻ khác một cách bất công. Nếu lập luận này mà đúng, thì tốt nhất tất cả chúng ta nên không làm gì hết, để chẳng kẻ nào bị mất nồi cơm.
Những người suy nghĩ kiểu này hẳn đã quên rằng, tiền bạc một người kiếm được thì anh ta cũng sẽ phải dùng để chi tiêu, và qua việc đó, anh ta tạo ra công ăn việc làm. Tới chừng nào một người tiêu số tiền kiếm được, anh ta cho người khác số cơm tương đương.
Cho nên, trong nền kinh tế, kẻ xấu chính là những người chỉ nhăm nhe tiết kiệm. Nếu anh ta chỉ đơn giản kiếm tiền và làm sao để tài khoản tiết kiệm ngày càng lớn, thì hiển nhiên chẳng ai được lợi. Còn với việc đầu tư các khoản tiết kiệm lại là một câu chuyện khác, bởi cần nhìn kỹ hơn mới thấy được vấn đề.
Một điều khá phổ biến đó là đem những khoản tiết kiệm cho Chính Phủ vay. Thực tế thì, hầu hết chi tiêu công của Chính Phủ các nước, hoặc là trả nợ vì tham nhũng, hay cho những tổn thiết vì các cuộc chiến trước kia, hoặc là để chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai. Cho nên, những người đem tiền cho Chính Phủ mượn, thực ra giống hệt kẻ đi mướn sát nhân để giết người như trong chuyện của Shakespear. Kết quả cuối cùng cho các thói quen tiêu dùng của chúng ta, chỉ là làm gia tăng lực lượng vũ trang cho Chính Phủ. Hiển nhiên, thà rằng một người tiêu tiền để nhậu nhẹt hoặc đánh bạc còn tốt hơn.
Thế còn nếu một người đầu tư vào các công ty, tập đoàn công nghiệp thì sao? Khi những đơn vị như thế thành công và tạo ra thứ gì đó hữu ích, việc này quả rất tốt. Tuy nhiên, ở thời đại hiện nay, chẳng ai có thể phủ nhận là hầu hết đều thất bại. Điều này có nghĩa, một lượng lớn công sức lao động của con người, đáng lẽ phải dùng để tạo ra điều gì đó hữu ích và làm cuộc sống của chúng ta thú vị hơn, lại bị tiêu tốn để sản xuất ra những máy móc, sản phẩm hay dịch vụ vô bổ và kém chất lượng, để cuối cùng là sớm mọc thì tối tàn và chẳng đem lại sự thỏa mãn cho bất kỳ ai.
Cho nên, những người đem khoản tiết kiệm của mình để đầu tư vào những đơn vị làm ăn yếu kém, là vừa hại mình và hại những người khác. Chẳng thà đem số tiền ấy để mở tiệc đãi bạn bè, hay đi du lịch, đi ăn nhậu tận hưởng cuộc sống, anh ta còn đem lại miếng cơm và niềm vui cho người khác như thợ làm bánh, tiếp tân nhà hàng, thậm chí là mấy cô đào. Nhưng nếu số tiền đó lại được dùng để đầu tư cho mấy công ty sản xuất hoặc thương mại hàng hóa kém chất lượng, bất động sản rởm, chứng khoán ma, vân vân…thì cả một lượng tài nguyên lớn đã rơi xuống cống hết khi nó chẳng đem lại niềm vui và lợi ích cho ai.
Vậy mà, bình thường thì, nếu một người trở nên nghèo khó vì chuyện đầu tư thất bại, anh ta được xem là nạn nhân của điều không may mắn. Trong khi, những kẻ tiêu xài hoang phí trong những cuộc vui, lại bị xem là những gã ngốc.
Tất cả những điều này chỉ là màn dạo đầu. Với tất cả sự nghiêm túc,tôi muốn nói rằng: cái quan niệm “lao động là vinh quang” mới chính là kẻ gây ra vô vàn tổn thất cho xã hội và cuộc đời con người. Con đường dẫn tới hạnh phúc và thịnh vượng nắm ở việc tổ chức công việc thông minh để tối giản sức lao động.
Trước hết: lao động là gì? Lao động có hai dạng: một, là thay đổi vị trí và tính chất của các loại tài nguyên thành loại tài nguyên khác; hai, là chỉ việc cho người khác làm. Loại đầu tiên thì cực nhọc mà lại được trả ít tiền; loại thứ hai thì vừa thoải mái, vừa được nhiều tiền. Loại sau thì có thể được nhân rộng tới vô hạn, ngoài việc ra lệnh còn có thể đưa ra lời khuyên cho người khác. Còn dạng có hai lời khuyên trái ngược nhau do 2 bên cùng đưa ra…thì gọi là chính trị. Kỹ năng đòi hỏi cho công việc này không phải là kiến thức về lĩnh vực ấy mà là kỹ nghệ ăn nói hay viết lách để làm sao thuyết phục…như trong ngành quảng cáo.
Chỉ tồn tại ở Châu Âu, tầng lớp thứ ba, được nể trọng hơn cả hai loại lao động kia: là những ông chủ đất đai và tài nguyên. Những người này được trả cho đặc quyền ấy mà nhờ đó, hai loại kia mới có thể tồn tại và làm việc. Những người này quả thực rất nhàn rỗi và lười biếng, hẳn bạn đọc sẽ kỳ vọng tôi dành phiếu bé ngoan cho họ. Nhưng rất tiếc, sự lười nhác của đám này tồn tại nhờ mồ hôi nước mắt của người khác. Nói chính xác, ham muốn đạt được sự an nhàn của họ chính là nguồn gốc của mọi loại thuyết giảng “lao động là vinh quang.” Điều họ chẳng hề mong muốn, là người khác cũng được như vậy.
Từ buổi bình minh của nền văn minh, cho tới Cách Mạng Công Nghiệp, như một quy luật, “số cơm” một người tạo ra ít hơn lượng đủ cho cho gia đình và chính anh ta. Kể cả khi người vợ cũng làm việc quần quật, và những đứa con sớm đã phải bươn trải. Số dư thừa chẳng là bao ấy họ cũng không được giữ, mà sẽ thuộc về tầng lớp chiến binh và thầy tu. Những khi xảy ra nạn đói, 2 tầng lớp này vẫn sống yên ổn, với cái giá là những kẻ lao động sẽ chết đói.
Hệ thống này vẫn tồn tại ở Nga cho tới 1917, và vẫn còn tồn tại ở phương Đông. Ở Anh, mặc dù Cách Mạng Công Nghiệp nổ ra, nó vẫn còn nguyên vị trí trong suốt thời gian chiến sự với Napoleon, và chỉ chấm dứt sau đó 100 năm, khi tầng lớp tư sản lên nắm quyền. Ở Mỹ, hệ thống này chấm dứt với Cuộc Cách Mạng Mỹ (1765 – 1783), còn ở miền Nam thì kéo dài tới tận Cuộc Nội Chiến. Một hệ thống vốn tồn tại rất lâu và chỉ mới chấm dứt tự nhiên vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong suy nghĩ và quan điểm của mọi người. Hầu hết tư duy chúng ta coi là chuyện hiển nhiên về lao động đều xuất phát từ hệ thống này. Còn những quan niệm từ thời tiền công nghiệp, thì lại không phù hợp với thời hiện đại ngày nay nữa. Các công nghệ hiện nay đều đã khiến việc giải trí là có thể cho tất cả mọi tầng lớp, trong một giới hạn nhất định. Và đạo đức trong công việc, về bản chất là luật lệ cho tầng lớp nô lệ, vốn không có giá trị trong thời hiện đại.
Hiển nhiên, trong các xã hội nguyên thủy, nông dân được sống tự do, và họ không phải cống nạp phần thặng dư cho tầng lớp chiến binh và tăng lữ. Vì thế, tùy vào tình hình, họ có thể sản xuất ít đi và tiêu thụ nhiều hơn. Tuy nhiên, dần dà, một số tìm ra cách để dụ người khác chấp nhận kiểu lẽ sống mà ở đó, một số có nghĩa vụ phải làm việc chăm chỉ để người khác được quyền nhàn rỗi. Bằng cách này, việc đàn áp được nhẹ đi, nhờ thế mà giảm thiểu chi phí mà tầng lớp cầm quyền phải trả cho đám chiến binh. Tới tận ngày nay, 99% những người làm công ăn lương ở Anh Quốc sẽ cực sốc nếu người ta tuyên bố rằng, Đức Vua không thể có thu nhập nhiều hơn một người công nhân. Từ lịch sử soi ra, thì cái quan niệm về nghĩa vụ lao động chính là phương tiện mà qua đó những kẻ cầm quyền dùng để dụ dỗ người khác làm việc và tồn tại cho quyền lợi của các ông chủ hơn là vì chính họ. Dĩ nhiên tầng lớp cầm quyền cũng phải tự trấn an lương tâm mình bằng cách tự huyễn hoặc mình rằng, quyền lợi của họ cũng giống hệt với quyền lợi của toàn nhân loại. Đôi khi điều này là đúng, ví dụ như những kẻ cầm quyền thời Athen. Họ dành một phần thời gian nhàn rỗi của mình vào việc xây dựng nền văn minh với các dịch vụ mà thực chất là không thể nếu duy trì một nền kinh tế quân bình nguyên thủy. Thời gian nhàn rỗi quả thật cần thiết cho nền văn minh, và thời xa xưa, chỉ một số ít có đặc quyền này nhờ vào công sức của người khác. Nhưng những việc họ làm là rất có giá trị, không phải vì mục tiêu công việc, mà vì mục tiêu tận hưởng cuộc sống. Và với công nghệ hiện đại, khả năng phân phối thời gian nhàn rỗi hưởng thụ cuộc sống một cách công bằng là hoàn toàn thực tế.
Công nghệ hiện đại cho phép loại bỏ lượng khổng lồ sức lao động cần có để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho tất cả mọi người. Điều này được thấy rõ nhất trong thời chiến. Khi mà tất cả đàn ông đều ra trận, số đàn ông và phụ nữ còn lại tham gia vào việc sản xuất vũ khí, hay các công việc văn phòng và tuyên truyền có liên quan tới chiến sự đều được rút hết khỏi các công việc sản xuất cho cuộc sống. Dù là thế, cuộc sống của những người lao động không có kỹ năng ở các nước Đồng Minh đều được duy trì và cao hơn cả thời gian trước. Điểm này được che dấu bởi Bộ Tài Chính với tuyên bố rằng, điều này có thể là vì Chính Phủ phải đi mượn, cứ như thể tình hình tài chính trong tương lai đang nuôi ăn cho hiện tại. Nhưng, hiển nhiên, lý lẽ này là không thể, làm sao một người có thể ăn ổ bánh mỳ chưa ra khỏi lò?
Chiến tranh kết cục chỉ ra rằng, việc tổ chức sản xuất một cách khoa học hoàn toàn có thể khiến dân số nhân loại thời hiện đại sống một cách thoải mái mà không phải làm việc cật lực. Nếu sau chiến tranh, các công nghệ được sử dụng trong việc sản xuất vũ khí và đạn dược được phổ biến và áp dụng, chắc chắn thời gian làm việc của một người sẽ được rút xuống thành 4 tiếng, mà tất cả mọi người đều sinh sống đầy đủ. Nhưng ngược lại, khủng hoảng kinh tế như trước lại được tiếp diễn, những người mà các kỹ năng được giới cầm quyền cần tới thì phải làm việc quá sức. Số còn lại thì bị bỏ đói trong thất nghiệp. Vì sao vậy? Bởi lao động là một nghĩa vụ, và một người không được trả lương cho những gì anh ta tạo ra, mà bởi đạo đức nghề nghiệp được quy định theo từng loại nghề nghiệp.
Đây là loại đạo đức của Chế Độ Nô Lệ, được áp dụng một cách sáng tạo tùy theo hoàn cảnh khác nhau. Không nghi ngờ gì, kết quả của nó là thảm bại. Chúng ta hãy cùng lấy một dẫn chứng minh họa. Giả sử rằng, trong một thời điểm bất kỳ, một số người nhất định được thuê để sản xuất ghim bấm văn phòng. Họ sản xuất theo nhu cầu của toàn thế giới, vì thế, tạm cho là phải làm 8 tiếng một ngày. Một người khác phát minh ra loại máy móc khác, mà chỉ cần nửa số nhân công như trên mà năng suất lại tăng gấp đôi. Rõ ràng, giá ghim bấm vốn đã rẻ đến độ chẳng mấy ai mua loại ghim có giá rẻ hơn.
Trong một thế giới mà mọi chuyện đều hợp lý, tất cả mọi người có liên quan tới ngành sản xuất ghim bấm hẳn sẽ chỉ làm việc 4 tiếng, thay vì 8 tiếng, và chẳng có vấn đề gì xảy ra cả. Nhưng thực tế thì quan niệm lại được cho là điên rồ. Mọi người vẫn cứ làm việc 8 tiếng, ghim dư thừa vẫn cứ ra đời, một số ông chủ phá sản, một nửa số nhân công mất việc. Cuối cùng, đáng lẽ ai cũng có được thời gian rảnh rỗi, thì một nửa phải làm việc quần quật, số còn lại thì quá nhàn rỗi vì thất nghiệp. Vậy đó, thời gian rảnh vốn là lúc để mọi người tận hưởng cuộc sống, thì biến thành cội nguồn của tệ nạn và đau khổ. Liệu chúng ta có thể tưởng tượng ra thứ điên rồ hơn thế nữa?
Cái ý tưởng rằng người nghèo cũng nên được nghỉ ngơi và nhàn rỗi vẫn luôn khiến người giàu phát hoảng. Ở Anh, trong những năm đầu TK 19, 15 tiếng một ngày được cho là thời gian làm việc bình thường của một người; với trẻ con là 12 tiếng và đôi khi cũng phải làm nhiều như người lớn. Nếu ai đó nói rằng, làm việc như vậy là quá nhiều, anh ta sẽ được dạy bảo rằng, làm việc giúp người lớn tránh xa khỏi nhậu nhẹt và trẻ nhỏ thì khỏi nghịch dại. Khi tôi còn bé, chỉ ít lâu trước khi tầng lớp trung lưu chiến thắng trong cuộc bầu cử, các ngày nghỉ lễ được quy định cụ thể trong luật pháp là chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Tôi vẫn nhớ có nghe lỏm một Bá Tước nói rằng: “Bọn nhà nghèo thì muốn gì với những ngày nghỉ nào? Chúng phải làm việc.” Người giàu bây giờ ít thẳng thắn hơn, nhưng cái tư duy ấy vẫn tồn tại, và đó chính là nguồn gốc của phần lớn vấn đề trong nền kinh tế.
Chúng ta hãy thử xem xét đạo đức nghề nghiệp một cách thẳng thắn mà không hề có chút nào định kiến. Mọi cá nhân, để tồn tại phải tiêu thụ thành quả sức lao động một lượng nhất định. Thế thì hiển nhiên, là bất công nếu một người tiêu thụ nhiều hơn những gì anh ta lao động. Dĩ nhiên, một người có thể cung cấp các dịch vụ, chứ không hẳn là một dạng hàng hóa; ví dụ như anh dược sỹ chẳng hạn. Nhưng anh ta vẫn nên cung cấp điều gì đó ngược lại cho người làm ra thức ăn và nhà cửa. Tóm lại, một người có nghĩa vụ phải làm việc, nhưng chỉ đến một chừng mực nào đó.
Tôi sẽ không đi sâu vào thực tế rằng, ở mọi xã hội hiện đại, thì rất nhiều người thậm chí còn trốn hẳn cả phần lao động tối thiểu phải làm. Nói trắng ra là những người thừa hưởng tài sản do họ hàng, hoặc hôn nhân. Nhưng tôi cho rằng, thực tế này còn ít đem lại tác hại hơn là việc nhiều người làm công ăn lương phải làm việc quá sức, hoặc không đủ ăn.
Nếu một người bình thường làm việc 4 tiếng một ngày, sẽ có đủ tài nguyên cho tất cả mọi người, và không ai phải chịu cảnh thất nghiệp, giả sử rằng mọi thứ đều được tổ chức khoa học và hợp lý. Ý tưởng này làm tầng lớp giàu có bị sốc, bởi họ vẫn tin rằng, “người nghèo thì chẳng biết làm gì với thời gian rảnh rỗi.” Ở Mỹ, một số vẫn làm việc hàng giờ kể cả khi anh ta đã rất giàu; những anh này tỏ ra bực tức với quan niệm là người nghèo cũng cần có thời gian rảnh rỗi. Anh ta coi thất nghiệp là sự trừng phạt dạng nhẹ. Thực ra, những người như vậy còn không thích những đứa con trai của mình rảnh rỗi nữa.
Lạ lùng hơn, dù mong muốn rằng những đứa con trai cũng làm việc chăm chỉ như mình, thì anh ta lại chẳng bận tâm nếu các bà vợ và con gái của mình không có gì để làm. Cái quan niệm đề cao sự nhàn hạ, vốn bắt nguồn từ chế độ hoàng tộc, nay chỉ được áp dụng với phái nữ. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể đồng ý khi mọi người cho rằng đó là điều bình thường.
Nhưng việc sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách khôn ngoan, là sản phẩm của văn minh và giáo dục. Một người đã làm việc chăm chỉ trong suốt cuộc đời sẽ đến lúc cảm thấy chán nản nếu bỗng dưng nghỉ hưu và có nhiều thời gian nhàn rỗi. Nhưng nếu không có lúc rảnh rỗi, con người sẽ bị xa lìa với những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Chẳng có lý do gì để một số đông trong xã hội phải chịu thiệt thòi như thế. Những ai cứ khăng khăng cho rằng, cần thiết phải để con người lao động nhiều giờ trong một ngày là ngu xuẩn và xấu tính.
Nói tới một thể chế xã hội khác như là nước Nga Xô Viết, trong khi có rất nhiều thứ khác so với truyền thống phương Tây, thì còn lại cũng không thay đổi gì cả. Thái độ của tầng lớp cầm quyền, đặc biệt là những người làm trong ngành giáo dục, với “sự vinh quang” của lao động, là hoàn toàn giống với những gì người ta vẫn áp đặt lên người nghèo. Chăm chỉ, cần cù, điềm đạm, sẵn sàng làm việc thêm vì những lợi ích lâu dài, thậm chí là vâng lời trước người có quyền…tất cả đều vẫn y nguyên. Hơn nữa, Đảng và Chính Phủ vẫn hiện diện như là người làm chủ của toàn bộ cuộc sống, mà nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp được đổi tên mới: “Duy vật con mẹ nó chứng.”
Chiến thắng của giai cấp vô sản tại Nga có một số điểm chung với chiến thắng của phe bênh vực bình quyền cho phụ nữ. Trong hàng ngàn năm, nam giới thừa nhận sự thánh thiện vượt trội của nữ giới, trong khi yên lòng các bà các chị bằng cách khăng khăng nói rằng, sự thánh thiện là đáng giá hơn nhiều quyền lực. Cuối cùng, phe bình quyền cho phụ nữ đã quyết định rằng, nữ giới có quyền được cả hai, khi họ tin rằng, tất cả những gì nam giới chỉ nói với họ về giá trị của phẩm hạnh, mà chẳng đả động gì tới sự vô dụng của chính trị.
Điều xảy ra ở Nga cũng tương tự như vậy. Suốt hàng ngàn năm, người giàu và tay sai đã viết “lao động là vinh quang” làm sao. Họ tung hô lối sống đơn giản, tạo ra hẳn một hệ thống tôn giáo mà ở đó dạy rằng, những người nghèo có nhiều cơ hội lên thiên đàng hơn kẻ giàu. Cái ý tưởng rằng làm việc quần quật một cách chăm chỉ đem lại cơ hội thiêng liêng nào đó, cũng giống như việc phụ nữ sẽ có được phẩm hạnh cao cả để lấp liếm cho chuyện bị lạm dụng tình dục. Ở Nga, sự “cao cả” của lao động chân tay được cho là chuyện cực kỳ nghiêm túc, và kết quả tầng lớp lao động bình dân được trọng vọng nhất. Bề ngoài, quan điểm có vẻ được thay đổi triệt để vì mục tiêu cao cả hơn, thì thực ra chỉ để an ủi cho tầng lớp nghèo khi phải làm việc cực nhọc hơn. Lao động chân tay bị biến thành lý tưởng, được nhồi nhét từ khi nhỏ tuổi và trở thành nên tảng cho mọi nguyên tắc xã hội.
Tùy tình hình, có thể lao động cật lực là tốt. Ví dụ như với một nước có diện tích rộng, đầy tài nguyên cần được khai thác, và tài chính rõ ràng là cần tới ít. Trong hoàn cảnh như thế, cần thiết phải lao động cật lực bởi khả năng đem lại thành quả là rất nhiều. Nhưng liệu mọi thứ sẽ khác hay vẫn tiếp tục, khi xã hội đã đi tới thời điểm mà ai cũng được sống thoải mái mà không phải làm việc nhiều giờ liền?
Ở phương Tây, tụi mình có nhiều cách để trả lời câu hỏi này. Tụi mình không quan tâm tới sự công bằng trong nền kinh tế, vì thế một lượng lớn thành quả lao động sẽ vào tí thiểu số, phần lớn trong số này không phải làm gì cả. Không có cơ quan nào quản lý việc bao nhiêu hàng hóa cần làm ra, tụi mình tích trữ cả đống thứ vô dụng. Rồi, để cho phần đông người làm công thất nghiệp, do tụi mình có thể gò số còn lại làm quá giờ. Khi tất cả phương án thất bại, tụi mình tạo ra chiến tranh. Gom một số làm thuốc nổ, rồi tụi mình thuê số khác kích nổ, cứ như thể tất cả đều là đám trẻ trâu mới khám phá ra cách làm pháo hoa vậy. Nói chung bằng nhiều cách, dù là có nhiều trở ngại, tụi mình vẫn nỗ lực để duy trì cái tư tưởng “lao động là vinh quang” được găm chặt trong đầu phần lớn người làm công.
Ở nước Nga Xô Viết, và các nước có chế độ tương tự, do tồn tại việc quản lý tập trung với toàn bộ việc sản xuất, câu trả được tạo ra theo cách khác hẳn. Đáng lẽ theo logic, thì ngay khi mọi cơ sở vật chất và hàng hóa cần thiết cho cuộc sống đã được làm ra, giờ làm việc sẽ dần được rút ngắn. Sau đó, mọi người sẽ bỏ phiếu để quyết định xem là nên duy trì số giờ làm hay giảm xuống để nghỉ ngơi vui chơi. Nhưng, vì “lao động là vinh quang”, rất khó có chuyện nhà cầm quyền để mọi người nghỉ ngơi nhiều hơn. Mà thay vào đó, thường thì lãnh đạo sẽ vẽ tiếp ra một kế hoạch để tăng ca sản xuất, nhằm hướng tới một thiên đường nào đó nằm ở tương lai gần. Cho nên, giờ chơi sẽ được hy sinh vì lý tưởng ấy.
Gần đây, tôi có đọc một bản kế hoạch xuất sắc do các kỹ sư Nga Xô Viết đề ra. Họ định làm ấm toàn bộ vùng Biển Trắng và phía bắc Siberia ấm lên bằng cách xây dựng một con đập khổng lồ bắc qua Biển Kara. Quả là một ý tưởng xuất chúng, nhưng nhờ kế hoạch này, nhiều khả năng và cả một thế hệ giai cấp vô sản sẽ hy sinh toàn bộ giờ chơi. Và thay vào đó, toàn bộ vinh quang từ lao động cực nhọc sẽ được tỏa sáng trên các đồng băng và bão tuyết Biển Cực Bắc. Nếu những điều tương tự thế này mà xảy ra, thì hẳn phải bắt nguồn từ lý tưởng “lao động là vinh quang”, chứ chẳng phải là điều gì cần thiết cho cuộc sống của mọi người.
Thực tế rõ ràng là, trong khi cần thiết phải lao động để tồn tại, thì làm việc không phải là mục tiêu cuối cùng của đời người. Nếu thế, hẳn một anh thợ xây phải được xem là hơn hẳn một Shakespear. Rõ ràng là chúng ta đã bị đánh lạc hướng, bằng 2 cách sau. Một là phải làm yên lòng người nghèo, những người chiếm đa số trong xã hội, bằng cách rao giảng đức hạnh thiêng liêng của lao động với lời hứa được lên Thiên Đàng. Hai là tạo ra một cơ chế sản xuất bánh vẽ liên tục, để mọi người cứ thế hy sinh cho một Thiên Đường ở tương lai không còn xa. Nhưng cả hai cách đấy cũng không thể làm người nghèo hứng thú. Nếu bạn hỏi một người, đâu là phần đẹp nhất trong cuộc đời, anh ta sẽ không nói: “Tôi tận hưởng công việc của mình bởi nó khiến tôi làm thấy mình đang làm công việc có ý nghĩa. Và việc làm của tôi sẽ cải thiện cuộc sống trên hành tinh này. Đúng là cơ thể cần quãng thời gian để nghỉ ngơi mà đáng lẽ tôi phải đáp ứng cho đủ. Nhưng mỗi sáng thức dậy, hiếm khi tôi cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc được quay trở lại làm việc.” Tôi chưa từng thấy một anh công nhân, một người làm công nào nói như thế cả. Họ coi công việc là cái để kiếm cơm, và mọi niềm vui trong đời dù có hay không đều xuất phát từ số thời gian nghỉ ngơi ít ỏi sót lại.
Nhiều người sẽ nói rằng, dù được nghỉ ngơi là dễ chịu và vui vẻ đấy, nhưng mấy anh nhà nghèo và làm công ăn lương mà rảnh quá sẽ sinh tệ nạn thôi. Cái này đúng với thực tế trước mắt, nhưng đấy là một cái tát vào xã hội và nền văn minh. Thời xa xưa, con người sống vô tư và nghịch ngợm hơn nhiều bây giờ. Lý do là văn hóa hiện này đề cao tính hiệu quả. Bây giờ, người ta nghĩ là mọi thứ phải được làm vì mục tiêu nào đó, chứ không thể làm điều này cho vui được. Những người dạng “thanh niên nghiêm túc”, ví dụ chẳng hạn, sẽ dè bỉu ít nhiều việc giải trí, đi đến rạp chiếu bóng, đi hát…lâu lâu thì được, chứ nhiều quá là sẽ sinh tật. Nhưng người ta lại cho tất cả những công việc để làm ra một bộ phim, một bài hát hay một vũ trường là đáng kính, bởi vì nó ra tiền. Chính cái quan niệm cho rằng những việc gì ra tiền mới đáng làm, đã biến mọi thứ lộn tùng phèo.
Anh bán thịt cho thức ăn và anh bán bánh cho bạn đồ tráng miệng là tốt. Mà nếu để có sức làm việc thì được, chứ ăn uống chỉ để thưởng thức ẩm thức không thôi thì cho là xa xỉ. Nói trắng ra, là với đại đa số, kiếm tiền và tiết kiệm là tốt, còn tiêu tiền thì phải hạn chế hết mức có thể. Hiển nhiên, kiếm và tiêu tiền là 2 phần của một giao dịch, rõ ràng cái tư tưởng này là kỳ quặc. Logic tương tự với điều này là: chìa khóa thì tốt, nhưng lỗ khóa là không tốt.
Đáng lẽ, giá trị của một mặt hàng phải xuất phát từ sự thỏa mãn khi sử dụng nó. Nhìn chung, mỗi cá nhân đều làm việc vì lợi nhuận, nhưng với xã hội, thì lý do để làm việc phải là để tiêu thụ và tận hưởng thành quả lao động của anh ta. Thế nhưng, người ta cứ thế sản xuất ra cả đống hàng hóa vì lợi nhuận và chẳng ngó ngàng gì tới việc mọi người thấy thế nào khi tiêu thụ chúng. Kết quả là chúng ta chẳng mấy khi cảm thấy thỏa mãn, thậm chí quên hẳn việc tận hưởng và lơ ngơ tự hỏi, “Thế nào là hạnh phúc”. Và một sản phẩm được đánh giá bằng việc nó có được tiêu thụ nhiều hay sinh lãi lớn, chứ không phải nó mang lại trải nghiệm ra sao.
Khi tôi đề xuất là giờ làm việc nên giảm xuống còn 4 tiếng, tôi không có ý cho rằng số thời gian còn lại sẽ được tiêu xài hoang phí. Thế này nhé, “4 tiếng làm việc” là đủ để đảm bảo cho nhu cầu sống đầy đủ và cơ bản, và một người có quyền sử dụng thời gian rảnh rỗi tùy ý thích. Đi đôi với việc này, thì giáo dục sẽ trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống, và đích nhắm của nó không phải là cung cấp một lý tưởng hay kỹ năng để làm việc, mà cho mọi người hương vị của việc tận hưởng cuộc sống một cách thông minh.
Tôi không cho rằng đích nhắm đấy là viển vông. Hay ai cũng trở thành nghệ sỹ, kiến trúc sư, một ngôi sao giải trí tỏa sáng trong cuộc thi Vietnam Got Talent. Trong đầu tôi là những điệu nhảy và tiếng hát bình dân đã biến mất từ lâu, hoặc giả, chỉ đang tồn tại ở một góc hẻo lánh nào đó. Nhưng rõ ràng, thôi thúc sáng tạo ra những điều đó vẫn còn đập mạnh trong tim mỗi người. Dân thành thị có nhiều thời gian giải trí hơn, nhưng hầu hết là thụ động: xem phim, xem bóng đá, nghe nhạc…vân vân. Tất cả điều này là hệ quả của việc mọi năng lượng đã bị tiêu tốn vào công việc. Nếu câu chuyện khác đi, chúng ta sẽ tận hưởng mọi thứ một cách chủ động.
Trong quá khứ, chỉ số ít là có nhiều thời gian rảnh rỗi, và còn lại là phải lao động cật lực. Số ít này quả thực tận hưởng cuộc sống dựa trên sự bất công; cho nên nó mang tính áp đặt, hạn chế chia sẻ và vì thế, nó phải vẽ ra một mớ lý thuyết để lấp liếm. Thực tế này quả làm lu mờ những tinh hoa mà nó sản sinh, nhưng dù vậy, nó vẫn đóng góp nhiều thứ để tạo ra thứ mà chúng ta gọi là nền văn min. Nó tạo ra hội họa và nghệ thuật, khám phá ra khoa học, sách, triết học và các cơ chế xã hội tốt đẹp hơn. Và thậm chí là những cuộc cách mạng để giải phóng con người lại xuất phát từ chính tầng lớp này. Nếu không có thời gian rảnh rỗi, loài người chắc sẽ vẫn còn ăn lông ở lỗ.
Nói gì thì nói, không thể phủ nhận là phần lớn những gì thiểu số đó làm là cực kỳ lãng phí. Chẳng ai trong đám nhàn rỗi này được dạy để chăm chỉ, và mặt bằng chung cũng chẳng quá thông minh. Tầng lớp này có thể sản sinh ra 1 Darwin, nhưng ngược lại, là hàng ngàn xa số các quý ông thôn quê, vốn chẳng làm gì thông minh hơn là săn cáo và tra tấn nô lệ. Trường đại học thực ra là hệ quả một cách tình cờ chứ không phải là chủ đích của giai cấp quý tộc, và vẫn còn rất nhiều hạn chế. Môi trường giáo dục hàn lâm quá khác so với cuộc sống đến độ họ chẳng màng tới những vấn đề và khúc mắc của những người dân thường. Hơn nữa, cách họ bộc lộ bản thân thường là cóp nhặt ý tưởng và chỉ chăm chăm hướng tới việc tạo ra ảnh hưởng của riêng mình lên đại chúng. Một điểm yếu nữa có giáo dục hàn lâm đây là mọi thứ đều ngăn nắp, và một người tư duy theo trình tự và thiên về nghiên cứu sẽ rất dễ nhụt chí. Cho nên, mặc dù cũng có ích, nó không phục vụ được cho lợi ích của đại đa số, khi mà ngoài trường học, mọi người quá bận bịu với việc mưu sinh.
Trong một thế giới mà không ai phải làm việc hơn 4 tiếng một ngày, những ai hứng thú với khoa học sẽ có thể thỏa thích với đam mê ấy. Các họa sỹ sẽ có thể vẽ mà không bị chết đói, dù cho bức tranh của anh ta có kén người xem đến cỡ nào. Các cây bút trẻ sẽ không phải bẻ cong ngòi mực để viết các bài giật gân, câu khách hoặc đổi câu chữ để không bị gạch bài. Để rồi, khi có chút thời gian sót lại, cảm hứng và sức lực chỉ còn rất ít. Còn những người có kỹ năng và tầm nhìn trong các lĩnh vực vĩ mô, sẽ có điều kiện để phát triển ý tưởng của mình mà không bị trói bởi bằng cấp hay rơi vào ảo tưởng do thiếu thực tế cuộc sống. Y bác sỹ có thể đủ thời gian để kiểm tra cẩn thận thuốc men, chứ không phải chạy theo tiến độ. Các thầy cô giáo sẽ không bị quá tải, phải dạy một cách máy móc, mà có thể thư thái đầu óc để sáng tạo cách dạy học, hay hiểu học sinh hơn.
Trên hết, mọi người tìm thấy hạnh phúc và niềm vui ở nhiều thứ, thay vì căng thẳng, mệt mỏi và lao lực. Làm việc vừa đủ sẽ khiến cho thời gian rảnh rỗi có giá trị, chứ không phải vắt kiệt sức để rồi phải tìm tới các hình thức giải trí thụ động và vô bổ. Chí ít, một phần trăm trong xã hội sẽ có thể không làm việc gì cả, và vì không phải lo kiếm cơm, mục đích nội tại trong bản thân họ không bị ảnh hưởng, số này sẽ tìm ra những đột phá trong tâm linh. Nhưng không phải chỉ những ngoại lệ này mới đem lại lợi ích to lớn. Mà ngay cả, với những người đàn ông và đàn bà bình dân, vì thực sự có cơ hội để tận hưởng cuộc sống, mọi người sẽ trở nên tốt bụng hơn, vô tư hơn và tư duy sẽ cởi mở mà không bị xa đà vào những thứ vô lý và mê tín. Hiếu chiến và nhu cầu cần tới chiến tranh sẽ bị triệt tiêu, một phần vì những lý do trên, một phần là vì chiến tranh đòi hỏi lao động cực nhọc và nhiều thời gian.
Chất lượng con người , không chỉ về đạo đức – cái mà thế giới cần nhất, là kết quả của sự thư thái và an tâm, chứ không thể có trong một cuộc sống phải vật lộn với mưu sinh. Công nghệ hiện đại đã phát triển đến mức hiện thực hóa được điều này. Nhưng trớ trêu, một số chọn làm viêc quá sức để số khác thất nghiệp hoặc thiếu ăn. Cứ như thể, chúng ta đang cố gắng trở thành những cỗ máy tốt hơn cả những con robot.
Tiểu luận “In praise of idleness”
Bertrand Russell
Người dịch: Quang Đạo
CTV Book Hunter
Hy vọng tác giả đọc được. Làm ơn sử dụng từ ngữ chuẩn mực!!! Xin cảm ơn về bài viết.