Home Chơi NHẠC TIỀN CHIẾN (6): VĂN CAO – CHÔNG CHÊNH GIỮA TIÊU DAO VÀ TRÁCH NHIỆM

NHẠC TIỀN CHIẾN (6): VĂN CAO – CHÔNG CHÊNH GIỮA TIÊU DAO VÀ TRÁCH NHIỆM

Người ta oán trách Văn Cao vì đã từng làm sát thủ, từng viết những ca khúc đầy ngôn từ bạo lực; người ta cũng từng đấu tố Văn Cao vì tư tưởng lung lạc của ông dưới thời Cộng Sản; và cũng có rất nhiều người phải nghiêng mình thán phục tài năng âm nhạc của ông cho dù ông viết các ca khúc cổ động hay các ca khúc trữ tình. Tôi cho rằng Văn Cao là một người bị giằng xé giữa nhiều lựa chọn, mối mâu thuẫn giữa con người cá nhân và con người trách nhiệm; và điều kỳ lạ của Văn Cao đó là ông hết mình trong sự mâu thuẫn ấy, hết mình tới nỗi cực đoan, tới nỗi ông không chắc chắn về con người thật của mình. Dường như ông cũng nhận thức được sự mâu thuẫn của mình, và khi âm nhạc không thể chuyển tải được mâu thuẫn đó, ông đã viết trong thơ:

Buổi sáng nay không phải mình thức dậy
Một người nào trong tôi đang thở
Trước mặt tôi
Buồn nửa đêm nửa ngày len lỏi
Nửa phố mặt trăng nửa phố mặt trời
Từ khi ấy chúng tôi, hai người suy nghĩ
Hai kẻ thù nhau
Hai thái cực tâm hồn
Hai người ấy trong một người chịu đựng
Mưu hại lẫn nhau
Không biết ngày đêm, không biết giả thật
Từ phút ấy, tôi không còn thật nữa.

(Trích “Năm buổi sáng không có trong sự thật” – Văn Cao)

Đoạn thơ này phần nào giúp tôi lý giải các nghịch lý của Văn Cao. Một phần của ông là những trách nhiệm với dân tộc, với bạn bè, đồng đội; một phần khác lại ước mơ một đời sống tự do, thoát tục, thoát khỏi mọi phận vị. Tôi cho rằng đó là tâm sự chung của phần lớn văn nghệ sĩ lãng mạn trưởng thành trong giai đoạn 30-45 ở Việt Nam. Ban đầu, khi Việt Nam còn chịu dưới ách đô hộ của thực dân Pháp thì khao khát tự do cá nhân được đồng nhất với tự do cho dân tộc, nhưng khi dân tộc đã dành được độc lập và chính quyền Cộng Sản thực hiện chính sách văn hóa theo Đề cương văn hóa năm 1943 của Trường Chinh vềđềcao tính đại chúng và giai cấp thì tự do cá nhân đã mâu thuẫn với thứ được gọi là “quyền lợi của nhân dân”. Có lẽ, Văn Cao và nhiều người bạn của ông không sớm nhận thức được điều này như Phạm Duy, họ chọn ở lại để thực hiện trách nhiệm của mình với chính quyền mới để rồi sa lầy giữa hai con người “mưu hại lẫn nhau”.

Văn Cao (1923 – 1995) là nhạc sĩ thủ lĩnh trong phong trào tân nhạc ở Hải Phòng. Ông vốn là con của  giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Ông bắt đầu học âm nhạc tại trường dòng Saint Josef ở bậc trung học. Do gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học  ở năm thứ hai bậc thành trung, rồi đi làm điện thoại viên ở sở Bưu điện Hải Phòng nhưng được một tháng thì bỏ việc.

Con người tự do của Văn Cao

Văn Cao viết ca khúc đầu tiên là “Buồn tàn thu” khi mới 16 tuổi, lúc này ông đã tham gia nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Qúy. Thời điểm Văn Cao viết “Buồn tàn thu” trùng với những ngày tang lễ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, do đó, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sau này đã viết:  “16 tuổi, một ngày mùa thu, khi cả Hà Nội tiễn đưa nhà văn yểu mệnh nhưng cực kỳ nổi tiếng Vũ Trọng Phụng về cõi vĩnh hằng, nhạc phẩm đầu tiên – “Buồn tàn thu” của Văn Cao – đã ra đời. Bài hát với hơi hám của ca trù, phong vị Đường thi ở lời ca, đã mang một tiếc nuối về những sự ra đi không trở lại: “Đêm mùa thu chết – Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng …”

Ngay sau “Buồn tàn thu” là “Thiên Thai”. Có thể nói “Thiên Thai” thể hiện rõ ràng nhất giấc mơ thoát tục của Văn Cao. Qua câu chuyện hai chàng Lưu – Nguyễn tới cõi tiên Thiên Thai cùng với nét nhạc bay bổng, ta có thể thấy ẩn sâu trong tâm trí của Văn Cao là giấc mơ một cuộc sống thong dong tự tại. Khi viết bài này, ông mới 18 tuổi và phỏng theo thơ Hoàng Thoại. Ca khúc “Thiên Thai” là ca khúc có nhiều biến tấu phức tạp với 100 ô nhạc và các biến cảnh tuần tự như trong trường ca. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy cho chúng ta biết thêm về ca khúc này: “Văn Cao đã thú nhận rằng mình bị ảnh hưởng sông nước của hai truyện Đào nguyên, Thiên Thai cho nên đã soạn ra một bài hát. Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu ! Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh. Nếu hình thức ca khúc trong Tân Nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó… thì “Thiên Thai” của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu…”

“Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.”

Sau thành công của “Buồn tàn thu” và “Thiên Thai”, Văn Cao viết “Suối mơ” trong một lần đến thăm dòng suối bên đền Cấm tại thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn. Cảnh sắc tại đền Cấm giờ đây không còn có được vẻ đẹp nguyên sơ nhưng ta vẻ đẹp của “Suối Mơ” thì vẫn còn mãi. Phần lời của ca khúc này cũng thể hiện giấc mơ về một cảnh sống lánh đời:

“Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối .
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát.
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi .

Tơ đàn chùng theo với tháng năm,
Rừng còn nhớ tới người.

Trong chiều nào giữa chốn đây,
Hồn cầm lắng tiếng đời.”

Tại Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy hát và gẩy guitar bài “Buồn tàn thu” khiến Văn Cao cảm thấy như gặp được tri kỷ. Hai ông nhanh chóng thân thiết và chính Văn Cao đã khuyến khích cũng như hướng dẫn Phạm Duy sáng tác. Văn Cao và Phạm Duy viết chung với nhau bài “Bến xuân”, có lẽ đây là bài hát đầu tiên có không khí mùa xuân mà Văn Cao viết (những ca khúc trước đó thường lấy cảm hứng từ mùa thu). “Bến xuân” được Văn Cao sáng tác để thể hiện tình yêu của mình với ca sĩ Hoàng Oanh khi nhớ lại ký ức Hoàng Oanh tới thăm nhà ông tại đò Rừng:

“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hoà!
Chim ca thương mến, Chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương,
Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.”

Phạm Duy đặc biệt rất thích ca khúc “Trương Chi” của Văn Cao và cho rằng đây là ca khúc nói tên tiếng lòng của ông. Trương Chi được viết theo lối trường ca, mượn câu chuyện tình tuyệt vọng của chàng ca sĩ Trương Chi, Văn Cao đã thể hiện những vẻ đẹp của âm nhạc một cách tuyệt diệu. Trong hồi ký của mình, Phạm Duy đã viết về “Trương Chi” như sau: “vào lúc tân nhạc mới chập chững biết đi mà Văn Cao đã viết được những câu nhạc diễn tả giọt mưa tài tình như vậy, thật là hiếm có.” Trong phần lời của ca khúc có những câu thơ tuyệt đẹp thể hiện con người tiêu diêu giữa cõi âm nhạc:

“Ngồi đây ta gõ ván thuyền

Ta ca Trái Đất còn riêng ta”

Cho đến nay, “Trương Chi” vẫn là ca khúc khó thể hiện nhất trong số các ca khúc của Văn Cao. Tôi xin được chọn phần trình bày của ca sĩ Thái Thanh. Mặc dù Thái Thanh chưa hoàn toàn thể hiện được tinh thần của “Trương Chi” nhưng cũng chỉ có bà có thể thể hiện được những độ khó trong khúc thức và luyến láy của ca khúc.

Nếu Văn Cao khuyến khích Phạm Duy sáng tác thì chính Phạm Duy đã khuyến khích Văn Cao ra Hà Nội. Văn Cao thuê một căn hộ nhỏ tại 171 phố Mongrant (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền). Ông đã theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Lúc này, ông sáng tác nhiều thơ, truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy. Trong 2 năm 1943 và 1944, ông đã xuất hiện tại các cuộc triển lãm hội họa ở nhà Khai Trí Tiến Đức với các bức tranh sơn dầu “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”và đặc biệt là bức “Cuộc khiêu vũ những người tự tử”. Tranh của ông được báo chí đánh giá cao nhưng lại không bán được nên những ngày sống ở Hà Nội là những ngày thiếu thốn của ông. Cũng trong thời gian này, Việt Minh đã tiếp cận ông và thuyết phục ông tham gia phong trào Cách mạng.

Con người với các trách nhiệm và phận vị

Ngay từ ngày đầu trong sự nghiệp âm nhạc của mình Văn Cao đã tham gia nhóm nhạc Đồng Vọng (1930), tập hợp các nhạc sĩ ở Hải Phòng mà đứng đầu là Hoàng Qúy và Tô Vũ để tạo giọng nhạc hùng tráng, khích lệ tinh thần dân tộc phục vụ các hoạt động hướng đạo sinh. Trong quãng thời gian này, ông sáng tác các ca khúc cổ động như “Gió núi”, “Gò Đống Đa”, “Anh em khá cầm tay”. Nhưng chỉ đến khi chính thức tham gia Việt Minh, âm nhạc phục vụ Cách mạng của ông mới đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

Năm 1944, Vũ Qúy (1914 – 1945), nhà hoạt động cách mạng, Quyền Bí thư Ban cán sự Đảng Hà Nội đã tới thuyết phục Văn Cao tham gia Cách mạng ngay tại nhà riêng của Văn Cao ở Nguyễn Thượng Hiền. Ngay hôm ấy, Văn Cao đã sáng tác ca khúc “Tiến quân ca” và được Vũ Qúy gửi đăng trên báo “Độc lập” trong tháng 11 năm 1994. Về sau, chính Hồ Chí Minh đã ký duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Không chỉ sáng tác các ca khúc Cách mạng, ông còn tham gia nhiệt tình các hoạt động của Việt Minh, đặc biệt là những nhiệm vụ đòi hỏi sự mạo hiểm. Văn Cao thực hiện 2 vụ ám sát và cảm hóa những người chỉ điểm là vụ Võ Văn Cầm ở Hà Nội (cảm hóa) và vụ Đỗ Đức Phin tại Hải Phòng (ám sát). Đồng thời, ông cũng tổ chức dạy võ thuật cho các đồng đội của mình vì từ nhỏ ông đã được học võ và giỏi võ, đã từng tham gia biểu diễn võ thuật thời niên thiếu. Đến năm 1946, Văn Cao tham gia áp tải vũ khí và tiền mặt vào miền Nam. Lúc này, ông được phân làm Ủy viên Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc, phụ trách Tổ điều tra của Công an Liên khu 3 và viết các bài cho báo Độc Lập. Năm 1947, ông lại được cử vào đội điều tra đặc biệt lên biên giới phía Bắc để tìm cách thực hiện liên minh với Vua Mèo nhằm ngăn chặn sự tràn sang của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Sau khi nhiệm vụ thành công, Văn Cao đã từ chối chức vụ được đề xuất cho ông trong ngành Công an với lý do “Công việc này không thích hợp với tôi”. Trong 3 năm từ 1947 đến 1949, ông sáng tác nhiều ca khúc Cách mạng quan trọng như “Làng tôi, “Tiến về Hà Nội”, “Ngày mùa” và đặc biệt là “Trường ca Sông Lô”.

Mặc dù hết mình cho các nhiệm vụ của Việt Minh nhưng cảm hứng lý tưởng Cách mạng này không tồn tại lâu với Văn Cao. Ông đã sớm nhận thức được các nhiệm vụ ấy khiến mình đau đớn như thế nào. Theo như lời nhạc sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao kể lại thì ông đã rất hối hận với hành vi giết người của mình: “Với Văn Cao việc phải trừ khử một người là điều ông không hề muốn. Nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, vì sự sống của muôn người nên bắt buộc ông phải ra tay tiêu diệt những tên Việt gian ngoan cố. Ta có thể hiểu ông qua những câu thơ ông để lại: “Giữa sự sống và cái chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết”. Trong Văn Cao có hai con người. Con người của nghệ thuật và con người làm cách mạng. Nhiều người muốn tìm hiểu phần con người thứ hai của ông. Nhất là những sự kiện mọi người gọi là “thành tích phi thường” ông đã làm trong thời gian phụ trách Đội trừ gian. Ông thường né tránh và ít khi nhắc đến. Có lần ông tâm sự với tôi: “… Bố đã từng giết một con người… Ông ta nhìn vào họng súng, nhìn bố với đôi mắt ngơ ngác như muốn hỏi – Sao lại giết tôi. Cho đến giờ, bố vẫn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy…”.” Trong bài thơ “Mùa xuân trong đời tôi”, Văn Cao cũng thể hiện một tâm trạng chán ghét chiến tranh tột độ:

Cả mùa xuân đời tôi
Đã qua cuộc chiến tranh tàn khốc
Anh hùng và man rợ
Thần thánh và quỷ dữ
Tỉnh giấc ngủ buổi sáng đầy tiếng bom đạn nổ
Sâu những mơ mộng buổi chiều là từng tiếng xe xa
Những đêm đi trong những ngọn lửa đốt nhà dài từng cây số
Bước lên những xác người và lao mình vào những lỗ châu mai lô cốt
Tôi đã nhìn thấy chung quanh tất cả
Những con người và con vật
Dũng cảm và hèn nhát
Cao quý và ti tiện
Trung thực và bất lương
Trong cả mùa xuân đời tôi
Trong cả một cuộc chiến tranh giữ nước
Tôi đã mất sắc da tuổi trẻ
Nhưng một tôi đã rắn chắc lại rồi
Mùa xuân không kịp nở
Mãi trong tôi
Những tháng ngày khát khao hy vọng.

Năm 1956, Văn Cao viết một bài thơ có tên là “Anh có nghe thấy không”. Bài thơ thể hiện nhiều tâm sự thất vọng với các chính sách của chính quyền Cộng Sản sau thời gian đấu tố, diệt văn hóa phong kiến và tư sản trong Cải cách Ruộng đất. Bài thơ thậm chí còn bị Xuân Diệu lên án là “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì”:

Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại

Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở

Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả

Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống

Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người

Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm

Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục

Người bán giấy cũ
Đã hết những trang tiểu thuyết ế
Những trang báo ngày xưa
Đang bán đến những trang sách mới
Những bài thơ mới nhất của anh

Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy

Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng

Những con mèo ngủ yên trên ghế
Trong một cuộc dọn nhà

Những con sên chưa dám ló đầu ra
Những cây leo càng ngày càng, tốt lá

Một nửa thế giới
Một nửa tâm hồn
Một nửa thế kỷ
Chưa khai thác xong

Bây giờ không còn những tiểng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu súng đưa người tự tử.

Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên

Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy

Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời

Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không

Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta.

Khi hai tờ Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, Văn Cao cũng giống như nhiều nghệ sĩ khác bị bắt đi học tập cải tạo chính trị vào năm 1958. Từ đó cái tên của Văn Cao không còn được nhắc đến trên báo chí nữa. Mặc dù ông vẫn kiếm sống bằng việc viết nhạc cho các vở kịch, các chương trình kỷ niệm, vẽ sân khấu, vẽ trang trí hộp diêm… nhưng các ca khúc của ông bị cấm biểu diễn chính thống tại miền Bắc dưới chế độ của nhà nước Cộng Sản. Tuy nhiên, các ca khúc của ông lại được biểu diễn rất phổ biến ở miền Nam bởi Thái Thanh, Ngọc Hạ, Hoàng Oanh… dù chưa có sự cho phép của tác giả. Thậm chí, ca khúc “Không quân Việt Nam” còn được lấy làm nhạc hiệu của lực lượng không quân Việt Nam Cộng Hòa.

Sau thắng lợi năm 1975, Văn Cao đã sáng tác ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, nhưng ca khúc bị cho là đi ngược lại đường lối và chính sách của Đảng, do đó không được biểu diễn và phát hành. Nhưng nhờ ca khúc được dịch phần lời sang tiếng Nga và được phổ biến ở Nga mà ca khúc không bị quên lãng.

Phải đến năm 1980, nhờ chính sách Đổi mới của Nguyễn Văn Linh, các ca khúc của Văn Cao bắt đầu được biểu diễn trở lại. Năm 1981, một cuộc thi sáng tác Quốc ca được tổ chức nằm gạt “Tiến quân ca” của Văn Cao ra khỏi vị trí quan trọng trong lễ nghi của nhà nước Cộng Sản, tuy nhiên sau cùng, kết quả không được công bố và “Tiến Quân Ca” vẫn tiếp tục là Quốc ca cho đến ngày nay. Năm 1988, khi Hội nhà văn Việt Nam phục hồi tư cách cho nhiều văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, ông mới chính thức được xuất hiện trở lại. Ông xuất bản tập thơ “Lá” và các ấn phẩm âm nhạc cũng dần dần được in ấn trở lại.

Mặc dù là nhạc sĩ vĩ đại nhất trong số các nhạc sĩ gắn bó với chính quyền Cộng Sản nhưng Văn Cao chưa từng có một buổi biểu diễn toàn bộ các nhạc phẩm của riêng mình. Ước mơ của ông rất nhỏ nhoi, đó là được có được buổi biểu diễn ấy. Nhạc sĩ Đinh Tiến Dũng đã mở đầu bộ phim tư liệu về Văn Cao làm năm 1992 bằng chính ước mơ nhỏ nhoi ấy của ông.

Đến năm 1995, Văn Cao mất do căn bệnh ung thư phổi. Ông đã sống một cuộc đời với nhiều thăng trầm, chông chênh giữa những thái cực để rồi nhận ra điều bất biến đích thực chính là tình yêu, thứ tình yêu vừa khoảnh khắc lại vừa vĩnh cửu. Trong một bài thơ viết năm 1994, trong cơn bệnh nặng, trước khi qua đời, ông đã viết:

Không có hai mùa xuân
trong một đời người
Ôm những cây đời thay lá
Một mùa xuân trong những chuỗi ngọc
Sâu những tháng năm
những giấc mơ khát vọng
những niềm tin
Không bao giờ thay đổi
Sự vĩnh cửu của con người
chỉ khao khát tình yêu
Giữa anh và em
Không gian nhỏ lại
Thời gian khép lại
Một mùa xuân
Không có hai lần.

Hà Thủy Nguyên

NHẠC TIỀN CHIẾN (8): CUNG TIẾN VÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẾN THÁNH ĐƯỜNG ÂM NHẠC

Có lẽ hiếm hoi có cuộc dạo chơi nào lại thú vị như Cung Tiến (sinh năm 1938) vào thánh đường của âm nhạc Việt Nam. Khi ông vào độ tuổi thiếu niên thì thời kỳ hoàng kim của âm nhạc lãng mạn ở miền bắc Việt Nam đã thoái trào và chuẩn bị bước vào giai đoạn âm nhạc phục vụ chính trị và chiến tranh, thế nhưng, ông vẫn tiếp tục sáng tác theo lối trữ tình tiền chiến, thậm chí còn đi

NHẠC TIỀN CHIẾN (4): DƯƠNG THIỆU TƯỚC – NHẠC SĨ CỦA TÀI TỬ LÃNG DU

Dương Thiệu Tước (1915 – 1995) là nhạc sĩ tiền chiến tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông xuất thân từ một gia đình Nho học truyền thống, cháu nội của nhà Nho tài tử Dương Khuê (tác giả của khúc ca trù nổi tiếng “Hồng hồng tuyết tuyết”), nên ca từ trong ca khúc của ông có màu sắc bảng lảng và thủ pháp ước lệ thường thấy trong thơ ca của các nhà Nho tài tử. Trong thập niên 30s của

NHẠC TIỀN CHIẾN (7): ĐẶNG THẾ PHONG – MỘT THIÊN BẠC MỆNH

Nếu để phong nhạc sĩ nào tài hoa nhất trong số các nhạc sĩ Việt Nam tiền chiến thì tôi có thể nói ngay mà không cần phải cân nhắc suy nghĩ, đó là Đặng Thế Phong (1918-1942). Tài năng của ông không phải chỉ được vun đắp bằng các kỹ năng âm nhạc mà bằng cái tình sâu lắng luôn hiển diện bên trong linh hồn người nghệ sĩ. Câu thơ của Nguyễn Du “tài tình chi lắm cho trời đất ghen” đúng ra

NHẠC TIỀN CHIẾN (2): NGUYỄN VĂN THƯƠNG VÀ NHỮNG KHOẢNH KHẮC THOÁNG QUA BẤT HỦ

Nguyễn Văn Thương là một trong những nhạc sĩ đi đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Ông đã mang đến cho nền tân nhạc không khí mơ màng và trữ tình. Không bị ám ảnh bởi không khí Á Đông cổ xưa như Lê Thương, Nguyễn Văn Thương là một nhạc sĩ khéo tận dụng các yếu tố âm nhạc dân gian Việt Nam vào các nguyên tắc thanh nhạc của phương Tây. Chính bài hát “Trên sông Hương” (1936) của ông đã mở

NHẠC TIỀN CHIẾN (1): LÊ THƯƠNG – NGƯỜI ĐEM THƠ CỔ VÀO TÂN NHẠC

Lê Thương (1914 – 1996) là một trong những nhạc sĩ đi đầu của nền Tân nhạc Việt Nam (từ 1928 đến nay). Ông tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc ở Hà Nội. Theo như Hồi ký của Phạm Duy thì ông là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Ông mở đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng việc tham gia nhóm các nhạc sĩ Hoàng Qúy, Tô Vũ, Phạm Ngữ, Canh