Home Chơi NHẠC TIỀN CHIẾN (5): ĐOÀN CHUẨN – CHÀNG CÔNG TỬ HÀO HOA ĐẤT BẮC

NHẠC TIỀN CHIẾN (5): ĐOÀN CHUẨN – CHÀNG CÔNG TỬ HÀO HOA ĐẤT BẮC

Nhắc đến nhạc tiền chiến, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924 – 2001) . Nét nhạc của ông mang đậm hồn cốt của không khí đô thị xứ Bắc nửa đầu thế kỷ 20. Nhạc của ông nhẹ nhàng và sang trọng, tựa hồ như bụi bặm của cuộc đời không bén gót. Không “mang mang thiên cổ sầu” như Dương Thiệu Tước, Lê Thương…v…v…, không cảm xúc dạt dào như Nguyễn Văn Thương, không thoát tục như Văn Cao, không sầu thảm như Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn mang đến một không khí buồn bảng lảng, một sự cô độc sang trọng, mà sau này không ít các nhạc sĩ miền Bắc chịu ảnh hưởng mà Phú Quang là một điển hình.

Trong số các nhạc sĩ tiền chiến, Đoàn Chuẩn có thể nói là chàng công tử có cuộc sống xa hoa nhất. Ông là công tử con nhà đại gia nước mắm Vạn Vân, đất Hải Phòng. Ông nổi tiếng với những giai thoại ăn chơi có một không hai mà mức độ xa hoa không thua gì công tử Bạc Liêu đã trở thành điển tích. Cách ăn vận của Đoàn Chuẩn rất cầu kỳ, một ngày ông thay đến cả chục bộ y phục. Thói quen ăn uống của ông cũng kỹ tính và đòi hỏi cao. Con trai ông kể lại rằng ông chỉ ăn tôm mới bắt dưới biển lên sau 15 phút.  Theo lời kể của tài tử Ngọc Bảo thì Đoàn Chuẩn lúc bấy giờ sở hữu tận 6 chiếc xe hơi, trong đó có một chiếc xe giống hệt với xe của Thủ hiến Bắc kỳ. Ông sở hữu một chiếc xe Cadillac mà cả nước lúc ấy chỉ có 2 chiếc, ông đã tổ chức một đoàn người che ô cho chiếc Cadillac khi tắm biển ở Hải Phòng. Ấy thế mà, rốt cuộc, ông cũng đem chiếc Cadillac quý báu ấy để đổi lấy một cây đàn guitar Hawaii.

Ẩn sau tất cả các thói quen ngông nghênh và xa hoa ấy là một tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ hào hoa. Ông không theo đuổi công việc kinh doanh của gia đình mà sớm bước vào nghệ thuật. Ông tự mày mò học guitar Hawaii và sáng tác, sau đó ra Hà Nội theo học nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và nhạc sĩ người Hoa William Chấn. Mặc dù các ca khúc của ông đều được sáng tác sau năm 1947 nhưng ông vẫn được xếp vào nhạc sĩ tiền chiến, bởi vì trong khi các nhạc sĩ tiền chiến khác hoặc chạy vào nam hoặc chuyển sang nhạc kháng chiến, thì Đoàn Chuẩn vẫn tiếp tục giữ không khí âm nhạc ấy với phong thái của một chàng công tử hào hoa con nhà tư sản.

Ca khúc đầu tay của Đoàn Chuẩn là “Ánh trăng mùa thu”, được sáng tác năm 1947. Theo như nhạc sĩ Đoàn Đính, con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho biết, ông rất ít khi đề cập đến ca khúc này. “Năm 1990, bố tôi có chép tay 18 bản nhạc để làm tập nhạc nhưng không hề nhắc đến bài Ánh trăng mùa thu. Mãi đến sau khi bố tôi mất (2001), gia đình tôi mới biết đến bản nhạc này do một người ở TP. Hồ Chí Minh gửi tặng”. Bản nhạc in năm 195,  chỉ có 20 bản đánh số để dành tặng bạn bè, trên bản nhạc nhạc sĩ ghi chú: “Viết ở Đống Năm để kỷ niệm những ngày ở Khuốc (Thái Bình), thu 47”. Về sau, người ta còn tìm được ca khúc “Thuở trâm cài”, cũng là một ca khúc bị thất lạc của ông.

“Tình nghệ sĩ” (1947) cũng thường được biết đến như ca khúc đầu tay của Đoàn Chuẩn. Đây là ca khúc ông viết tặng cô hàng café Thanh Hương ở vùng khu IV tự do. Chính tay nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã ghi trong tập nhạc xuất bản năm 1990 ở bên lề của bản nhạc rằng: “Viết tại hàng cà phê Thanh Hương nơi C.T và Đ.C đều chết mệt vì cô hàng”. Ca khúc buồn đẹp như những bài thơ tình lãng mạn trước 45:

“Mối tình nghệ sĩ như áng mây…
Gió hồng dìu cánh bay tới em…
Tiếc rằng tình đó hay chóng phai…
Tình ghép ấy khiến xui nên duyên hờ…

Nhưng mỗi thu qua gây tro tàn cũ…
Gây chút hương xưa đã phai màu nhớ…
Ai trách chi nhau mấy thu đầm ấm…
Pháo nao nhuộm đường nhớ chăng tình anh…”

Không gian âm nhạc của ông hoàn toàn khác, thậm chí là trái ngược với bầu không khí sục sôi kháng chiến ở miền Bắc lúc bấy giờ. Năm 1948, khi các gia đình tản cư lên Việt Bắc, Đoàn Chuẩn phải sống xa gia đình. Ông đã viết ca khúc “Đường lên Việt Bắc” để gửi lời thương nhớ đến người vợ của mình. Vợ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là người bạn học với ông từ trước. Khi kết hôn với ông, biết về bản tính trăng gió của ông, nhưng bà vẫn luôn ở bên mỉm cười và chăm sóc ông cho đến hết đời, bất kể giàu sang hay nghèo hèn.

Đoàn Chuẩn được mệnh danh là nhạc sĩ của mùa thu. Không khí thu phảng phất trong nhiều ca khúc của ông, mà xuất sắc nhất là ca khúc “Chuyển bến”. “Chuyển bến” là một ca khúc dễ hát nhưng lại khó hát hay bởi nhịp điệu tinh tế ít người có thể thể hiện được. Phối thừa một chút là vô duyên, thiếu một chút là nghèo nàn. Ca từ giản dị nhưng nhiều ẩn ý:

“Thuyền ơi sao mê say nhiều quá
đường mê không ai ngăn cản lối
Một sớm thu về chuyển bến xuôi
Về nơi đâu nữa trời bến nao “

Một ca khúc về mùa thu khác cũng rất nổi tiếng của ông là Thu quyến rũ, được sáng tác vào năm 1950. “Thu quyến rũ” là một ca khúc đẹp nhưng không có những câu chuyện tình đi kèm, nhưng bài hát hay có lẽ không nhất thiết phải gắn với một bóng hồng cụ thể.

Năm 1952, Đoàn Chuẩn còn sáng tác một ca khúc tuyệt tác nữa, đó là “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Ca khúc với hình ảnh đẹp, mơ hồ, phiêu bồng mây gió. Ca khúc cũng đượm không khí thu nhưng dường như thoát khỏi thực tại mùa thu tàn tạ:

“Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa

Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian”

Các sáng tác của Đoàn Chuẩn không nhiều, nhưng ca khúc nào cũng xuất sắc với các hình ảnh đẹp và lãng đãng. Ca khúc được biết đến nhiều nhất với giai thoại nổi tiếng nhất chính là “Gửi người em gái miền Nam” được sáng tác vào năm 1956. Đây là ca khúc ông sáng tác để tặng ca sĩ Mộc Lan huyền thoại. Ông phải lòng ca sĩ Mộc Lan khi nghe nàng hát “Đi chơi chùa Hương” của nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp. Về sau, Mộc Lan lấy nhạc sĩ Châu Kỳ nhưng Đoàn Chuẩn vẫn không ngần ngại thổ lộ mối tình si với nàng, mỗi ngày ông yêu cầu người bán hoa ở phố Catina (Sài Gòn) gửi đến cho ca sĩ Mộc Lan một đóa hoa hồng. Ca khúc “Gửi người em gái miền Nam” được Đoàn Chuẩn sáng tác để gửi tặng Mộc Lan thể hiện nỗi nhớ và tình yêu khi ca sĩ Mộc Lan theo chồng vào Nam.

“Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát
Tình ta hết dở dang
Đường xưa lối ngập lá vàng
Đường nay thong thả bao nàng đón xuân

Lòng anh như giấy trắng, thanh tàn ép hoa tàn
Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng
Dịu lòng đàn dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi về em!

Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ, miền xưa qua hương lan
Đường phố lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!”

Mối tình của Đoàn Chuẩn với ca sĩ Mộc Lan còn được ghi dấu trong ca khúc “Lá đổ muôn chiều”. Ca khúc được sáng tác vào năm 1954, trước khi ca sĩ Mộc Lan vào Nam. Cũng có thể ca khúc thể hiện những cảm xúc của ông khi thấy nàng đi lấy chồng.

“Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người
Cầm bằng như không biết mà thôi
Lá thu còn lại đôi ba cánh
đành lòng cho nước cuốn hoa trôi

Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi
Thuyền rơi xa bến vắng người ơi
Hướng dương tàn tạ trong đêm tối
Còn nhớ phương nào hoa đã rơi.”

Trong các ca khúc của mình, Đoàn Chuẩn đều ký tên Từ Linh. Nhưng Từ Linh (Tên thật là Hà Đình Thâu) không trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tác mà qua chia sẻ của Đoàn Chuẩn, Từ Linh chỉ cùng ông “trao đổi” về ca khúc. Từ Linh cũng là một người bạn rất thân thiết với Đoàn Chuẩn, nhưng đến nay gần như không ai có thể biết được Từ Linh là ai. Từ năm 1957, nhạc của Đoàn Chuẩn bị cấm hát ở miền Bắc và nhạc sĩ phải sống cuộc đời câm lặng. Đến năm 1987, ca khúc của ông mới được cấp giấy phép biểu diễn lại, nhờ thế, người ta mới bắt đầu tìm hiểu về ông. Lúc này, Từ Linh cũng vừa mới qua đời trong năm ấy. Sau đó không lâu, sức khỏe của Đoàn Chuẩn cũng sa sút, lời nói không được rõ ràng, mà vợ của ông cũng không biết gì về đời sống nghệ sĩ của ông, vậy nên đến giờ thân phận của Từ Linh vẫn còn là một ẩn số.

Đoàn Chuẩn có một cuộc đời đầy kỳ thú. Thời thế thay đổi, nhưng dường như ông không thay đổi. Dù giàu hay nghèo, thịnh hay suy, ông vẫn cứ là một công tử hào hoa đắm đuối nghệ thuật, đúng như ông viết trong ca khúc “Gửi người em gái miền Nam”:

“Em! Tháp Rùa yêu dấu
Còn đó trơ trơ, lớp người đổi mới khác xưa,
Thu đã qua những chiều, song ý thơ rất nhiều,
Cả tình yêu !”

Và chính bởi phẩm chất của chàng công tử con nhà tư sản hào hoa, phong nhã, tài năng hơn người ấy, mà âm hưởng tiền chiến tưởng như đã cạn trước năm 1945 vẫn tiếp tục kéo dài đến tận cuối thế kỷ 20, và biết đâu còn tiếp tục đến ngày nay.

Cáo Hà Thành

NHẠC TIỀN CHIẾN (4): DƯƠNG THIỆU TƯỚC – NHẠC SĨ CỦA TÀI TỬ LÃNG DU

Dương Thiệu Tước (1915 – 1995) là nhạc sĩ tiền chiến tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông xuất thân từ một gia đình Nho học truyền thống, cháu nội của nhà Nho tài tử Dương Khuê (tác giả của khúc ca trù nổi tiếng “Hồng hồng tuyết tuyết”), nên ca từ trong ca khúc của ông có màu sắc bảng lảng và thủ pháp ước lệ thường thấy trong thơ ca của các nhà Nho tài tử. Trong thập niên 30s của

NHẠC TIỀN CHIẾN (1): LÊ THƯƠNG – NGƯỜI ĐEM THƠ CỔ VÀO TÂN NHẠC

Lê Thương (1914 – 1996) là một trong những nhạc sĩ đi đầu của nền Tân nhạc Việt Nam (từ 1928 đến nay). Ông tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc ở Hà Nội. Theo như Hồi ký của Phạm Duy thì ông là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Ông mở đầu sự nghiệp sáng tác của mình bằng việc tham gia nhóm các nhạc sĩ Hoàng Qúy, Tô Vũ, Phạm Ngữ, Canh

NHẠC TIỀN CHIẾN (2): NGUYỄN VĂN THƯƠNG VÀ NHỮNG KHOẢNH KHẮC THOÁNG QUA BẤT HỦ

Nguyễn Văn Thương là một trong những nhạc sĩ đi đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Ông đã mang đến cho nền tân nhạc không khí mơ màng và trữ tình. Không bị ám ảnh bởi không khí Á Đông cổ xưa như Lê Thương, Nguyễn Văn Thương là một nhạc sĩ khéo tận dụng các yếu tố âm nhạc dân gian Việt Nam vào các nguyên tắc thanh nhạc của phương Tây. Chính bài hát “Trên sông Hương” (1936) của ông đã mở

NHẠC TIỀN CHIẾN (8): CUNG TIẾN VÀ CUỘC DẠO CHƠI ĐẾN THÁNH ĐƯỜNG ÂM NHẠC

Có lẽ hiếm hoi có cuộc dạo chơi nào lại thú vị như Cung Tiến (sinh năm 1938) vào thánh đường của âm nhạc Việt Nam. Khi ông vào độ tuổi thiếu niên thì thời kỳ hoàng kim của âm nhạc lãng mạn ở miền bắc Việt Nam đã thoái trào và chuẩn bị bước vào giai đoạn âm nhạc phục vụ chính trị và chiến tranh, thế nhưng, ông vẫn tiếp tục sáng tác theo lối trữ tình tiền chiến, thậm chí còn đi

NHẠC TIỀN CHIẾN (6): VĂN CAO – CHÔNG CHÊNH GIỮA TIÊU DAO VÀ TRÁCH NHIỆM

Người ta oán trách Văn Cao vì đã từng làm sát thủ, từng viết những ca khúc đầy ngôn từ bạo lực; người ta cũng từng đấu tố Văn Cao vì tư tưởng lung lạc của ông dưới thời Cộng Sản; và cũng có rất nhiều người phải nghiêng mình thán phục tài năng âm nhạc của ông cho dù ông viết các ca khúc cổ động hay các ca khúc trữ tình. Tôi cho rằng Văn Cao là một người bị giằng xé giữa