“Nguồn gốc cảm xúc – bí ẩn sống động của bộ não” là cuốn sách thách thức nhiều hiểu biết liên quan đến cảm xúc, điều mà tưởng chúng ta đã thấu tỏ rất lâu về nó. Đồng thời, tác phẩm cũng cung cấp những định nghĩa nền tảng, trao tặng người đọc sức mạnh mới để xử lý một trong những trạng thái sinh học được nghiên cứu nhiều nhất của nhân loại.
Phần lớn chúng ta trải nghiệm cảm xúc chỉ đơn giản như một chương trình được cài đặt sẵn trong bộ não, chờ những kích thích bên ngoài để bật lên. Ví dụ, dự án mà chúng ta bỏ rất nhiều tâm sức lại thất bại, chúng ta thấy buồn. Nếu bất ngờ trúng xổ số, chúng ta cảm thấy vô cùng sung sướng.
Có thể chúng ta còn tiếp cận với học thuyết cho rằng não bộ chia làm ba phần, phần não thằn lằn phụ trách nhu cầu bản năng, não thú tạo ra các cảm xúc, và não lý trí ở ngoài cùng và phải kiềm chế các phần não cổ xưa hơn, để chúng ta trở thành con người văn minh, biết kiểm soát bản thân.
Trong cuốn sách “Nguồn gốc cảm xúc – bí ẩn sống động của bộ não” (Book Hunter & NXB Dân Trí, 2023, Phương Mạnh dịch), giáo sư tâm lý học Lisa Feldman Barrett đã sử dụng kiến thức khoa học não bộ mới nhất cùng với các thực nghiệm để bác bỏ các quan điểm trên. Cuốn sách thách thức nhiều điều liên quan đến cảm xúc mà bạn tưởng rằng mình đã biết, định nghĩa lại thế nào là cảm xúc vào cung cấp cho bạn sức mạnh mới để xử lý nó, bao gồm: Quan điểm cổ điển về cảm xúc vẫn phổ biến ngày nay không được ủng hộ bởi các phát hiện mới về não bộ cũng như kết quả của nhiều thí nghiệm về cảm xúc; cảm xúc là những dự đoán của não bộ nhằm lý giải trạng thái cơ thể trong một bối cảnh nhất định và đưa ra giải pháp ứng phó; cảm xúc không tách rời với lý trí. Không tồn tại con người vô tư, xử lý thông tin một cách không cảm tính.
> Tìm hiểu thêm về cuốn sách: Nguồn gốc cảm xúc – Lisa Feldman Barrett – Book Hunter Lyceum
Quan điểm cổ điển về cảm xúc vẫn phổ biến ngày nay không được khoa học ủng hộ
Trong chương 1 đến chương 4 của cuốn Nguồn gốc cảm xúc, tác giả Lisa Barrett đã tóm lược quan điểm cổ điển về cảm xúc vốn vẫn đang phổ biến, những nỗ lực không có kết quả của các nhà khoa học đi theo quan điểm này, và các bằng chứng khoa học chống lại nó.
Quan điểm cổ điển về cảm xúc cho rằng cảm xúc là các cơ chế phản ứng tồn tại sẵn trong não của mọi người như một di sản của quá trình tiến hóa. Vì thế mọi người trong chúng ta đều biết rằng người hạnh phúc sẽ cười tươi, người buồn sẽ mếu khóc, người tức giận thì trợn mắt nghiến răng. Quan điểm này cho rằng mọi người trên thế giới đều trải nghiệm, biểu lộ, nhận diện cảm xúc giống nhau nếu não họ phát triển bình thường.
Các thí nghiệm tâm lý học đi theo quan điểm cổ điển sử dụng phương pháp cảm xúc cơ bản để chứng minh mọi người trên thế giới, bất kể sắc tộc hay văn hóa, đều nhận diện được chính xác cảm xúc trên khuôn mặt. Mặc dù thí nghiệm này đạt được tỉ lệ thành công cao, tác giả Lisa Feldman Barrett vẫn chỉ ra lỗ hổng trong thiết kế thí nghiệm có thể giải thích cho tỉ lệ này.
Các thí nghiệm này luôn hiển thị sẵn các từ ngữ cảm xúc cho người tham gia chọn, mà chính các từ ngữ lại có tác dụng gợi ý cho người tham gia. Chỉ cần giảm bớt yếu tố gợi ý, tỉ lệ thành công của thí nghiệm theo quan điểm cổ điển đã giảm rõ rệt. Đặc biệt hơn, ở các nền văn hóa khác biệt lớn với phương Tây, loại thí nghiệm này không thể thành công trừ phi người làm thí nghiệm bỏ công sức đào tạo cho người tham gia về định nghĩa các cảm xúc theo phương Tây.
Nhiều nhà tâm lý học khác đã nỗ lực tìm ra “mạch thần kinh cảm xúc”, thứ được cho là di sản của quá trình tiến hóa trên cơ thể người. Tổng hợp tất cả dữ liệu từ hướng nghiên cứu này, tác giả chỉ ra rằng không tồn tại điểm chung trong hoạt động não bộ giữa những người đang trải nghiệm cùng một loại cảm xúc. Thêm nữa, các loại cảm xúc khác nhau cũng không có khác biệt rõ rệt trong hoạt động não. Điều này phù hợp với các phát hiện về não bộ: đặc tính suy biến – nhiều bộ phận trong não cùng đảm nhiệm một vai trò, và đặc tính đa chức năng – một bộ phận trong não có thể đảm nhiệm nhiều chức năng.
Dù có nhiều bằng chứng bác bỏ là vậy, quan điểm cổ điển về cảm xúc vẫn là cơ sở trong nhiều cuốn sách giới thiệu về tâm lý học và cảm xúc. Các nhà khoa học vẫn còn đang tìm kiếm “dấu vân tay” của cảm xúc, một nỗ lực không thực tế và tiêu tốn nguồn lực của xã hội.
> Đọc thêm: “NGUỒN GỐC CẢM XÚC” CỦA LISA FELDMAN BARRET: MỘT PHẢN CHỨNG CHO THUYẾT CẢM XÚC MANG TÍNH PHỔ QUÁT
Cảm xúc là dự đoán của bộ não sử dụng tín hiệu cơ thể trong bối cảnh nhất định
Nếu bộ não không có các mạch cảm xúc cho từng loại cảm xúc, thì chúng ta trải nghiệm các cảm xúc bằng cách nào? Trong các chương 4 đến chương 7, Barrett trình bày về lý thuyết xây dựng cảm xúc, cho rằng não bộ xây dựng trải nghiệm cảm xúc như là dự đoán tốt nhất ở một thời điểm nhằm lý giải thông tin từ bên trong cơ thể và bối cảnh bên ngoài vào lúc đó.
Bạn cảm thấy bụng hơi đau vào lúc 11h30 trưa? Có thể bạn cho rằng mình đói. Cùng cảm giác đau đó nhưng vào lúc bạn chuẩn bị bước vào phòng họp để thuyết trình về dự án của mình cho lãnh đạo công ty? Bạn sẽ dự đoán rằng mình thấy lo âu và hồi hộp. Nếu cảm giác bụng hơi đau xuất hiện lúc bạn nhìn thấy ảnh người yêu đang ở nơi xa của mình? Chắc đó là nỗi nhớ nhung. Trong mỗi thời điểm, não của bạn phải xử lý vô vàn thông tin từ trong và ngoài cơ thể. Nó cần phải đưa ra kết luận đủ rõ ràng để bạn hành động được, và nó phải làm điều đó thật nhanh, thật hiệu quả (nếu không bạn sẽ thành một con robot bốc khói vì tốn năng lượng và luôn phản ứng chậm vài giây).
Não làm nên kỳ tích này bằng cách dự đoán dựa vào trải nghiệm quá khứ của bạn. Trong mỗi thời điểm, não đưa ra vô vàn dự đoán và trả lời câu hỏi “Trong các dự đoán dựa vào trải nghiệm quá khứ này, dự đoán nào là tốt nhất để mô tả và hành động đối phó với tình huống hiện tại?” Trên thực tế, quá trình dự đoán, chủ động đưa nhận định về thế giới mới là cách hoạt động chính của não, chứ không phải việc tiếp nhận thông tin từ bên ngoài rồi xử lý nó và tìm ra câu trả lời. Ví dụ, bạn nhìn thấy màu đỏ không phải vì bước sóng ánh sáng tới mắt bạn là khoảng 700nm, mà vì trong bối cảnh, hình khối, ánh sáng, và trạng thái cơ thể của bạn vào thời điểm đó, màu đỏ là dự đoán chính xác nhất.
Tương tự, cảm xúc cũng không phải kết quả của việc thụ động phản ứng lại với môi trường, mà là dự đoán của não. Tuy nhiên để tạo thành cảm xúc, ngôn ngữ mà cụ thể là các từ ngữ cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng. Chúng như xuất phát điểm giúp não sắp xếp lại trải nghiệm quá khứ, nhóm các tình huống không có liên quan về mặt vật lý lại thành một nhóm, một khái niệm thuần túy về mặt tinh thần.
Một em bé khóc to khi đồ chơi hỏng, một người đàn ông trong bộ đồ công sở đang ngồi ủ rũ ở ghế đá, hay một vận động viên cười gượng gạo khi đạt huy chương đồng có điểm chung gì? Tất cả đều là các trường hợp của phạm trù “buồn”. Từ “buồn” đã giúp não nhóm các trường hợp này lại dưới cùng một khái niệm.
Đến khi cần sử dụng khái niệm “buồn”, não sử dụng các trường hợp trong nhóm này để đưa ra các dự đoán, cân nhắc xem đâu mới là dự đoán phù hợp nhất. Đây là lý do con người có nhiều cách thể hiện khác nhau khi họ trải nghiệm cảm xúc: khóc to, ngồi lặng im, hay vẫn cười. Quá trình tổng hợp trải nghiệm và dự đoán diễn ra với các cảm xúc khác, lý giải vì sao các nền văn hóa khác nhau lại có cách trải nghiệm cảm xúc khác nhau (do có tập hợp khái niệm cảm xúc khác nhau), và con người trong cùng nền văn hóa lại có thể giao tiếp cảm xúc với nhau (do chia sẻ các khái niệm cảm xúc chung).
> Đọc thêm: VỐN TỪ NGỮ CẢM XÚC PHONG PHÚ CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA KHỎE MẠNH HƠN?
Cảm xúc không tách biệt với lý trí
Cuốn sách “Nguồn gốc cảm xúc – bí ẩn sống động của bộ não” không chỉ nói về cách não tạo ra cảm xúc qua các dự đoán, mà còn lập luận rằng các dự đoán về cảm xúc, về sự vật xung quanh, cảm nhận trong cơ thể, hay về quyết định lớn nhỏ đều có chung cơ chế và mục đích: nhằm điều tiết ngân sách cơ thể.
Hãy tưởng tượng bộ não có một nhà khoa học mắt kém, lãng tai nhưng nói rất to và đưa ra chỉ đạo cho toàn bộ các bộ phận khác về cách chúng nên tập trung vào điều gì, nhìn, nghe, ngửi, cảm nhận thấy gì. Đây chính là cách tác giả mô tả mối quan hệ giữa mạng nội cảm thụ và các vùng sơ cấp trong não. Mạng nội cảm thụ vừa là nơi đưa ra dự đoán về trạng thái cơ thể chung, điều tác giả gọi là trạng thái xúc động, vừa là điểm xuất phát của dòng thác dự đoán, chi phối cách các vùng thị giác, khứu giác, thính giác… dự đoán về những thứ bạn cảm nhận và suy nghĩ.
Điểm đặc biệt của mạng nội cảm thụ là nó đưa ra nhiều dự đoán nhưng lại chậm điều chỉnh khi dự đoán sai lệch. Bạn đã rơi vào trường hợp mệt mỏi chỉ sau 15 phút tập thể dục do chưa quen? Lúc đó bạn có hàng chục lý do và cách trì hoãn để không tiếp tục bài tập của mình. Nguyên nhân đến từ mạng nội cảm thụ dự đoán trạng thái mệt mỏi của bạn kể cả khi chưa nhận tín hiệu từ cơ thể, đồng thời kích hoạt thác dự đoán tạo ra hàng loạt lập luận có thể đối phó với tình trạng mệt mỏi đó. Tương tự, nếu lần sau bạn đã ăn nhiều nhưng lại vẫn thấy thèm miếng bánh phô mai vị cam hấp dẫn, hãy nhớ rằng chưa chắc mạng nội cảm thụ đã kịp cập nhật về tình trạng dạ dày căng của bạn.
Do các quyết định của bạn đều xuất phát từ cơ quan nội cảm thụ, chịu chi phối của sự xúc động, nên không có chuyện lý trí tách biệt với cảm xúc và kiểm soát nó. Trong cuốn Nguồn gốc cảm xúc, tác giả chỉ ra một số ví dụ cho thấy các quyết định quan trọng lại bị chi phối bởi trạng thái cơ thể. Ở tòa án tha bổng, tỉ lệ tù nhân được tha bổng thấp hơn rõ rệt lúc gần sát bữa trưa khi thẩm phán đói. Còn binh lính và cảnh sát trong trạng thái căng thẳng dễ nhầm đồ vật vô hại là vũ khí nguy hiểm, dẫn đến việc bắn nhầm người vô tội.
Phát hiện này không chỉ tác động đến quan điểm sử dụng lý trí để kiểm soát cảm xúc (được bàn ở chương 9 cuốn sách), mà còn tác động đến hệ thống luật pháp nước Mỹ. Làm sao để có phiên tòa công bằng nếu thẩm phán và bồi thẩm đoàn không thể ra quyết định không phụ thuộc vào trạng thái cơ thể, trải nghiệm cá nhân, định kiến sẵn có tiếp nhận từ xã hội? Chương 11 cuốn sách giới thiệu về vấn đề này và kết thúc mở để người đọc suy nghĩ thêm.
Tóm tại, “Nguồn gốc cảm xúc – bí ẩn sống động của bộ não” của giáo sư Lisa Feldman Barrett giới thiệu cho chúng ta cảm xúc là gì, được sinh ra như thế nào, và một số cách áp dụng kiến thức về cảm xúc trong cuộc sống và xã hội. Sau khi đọc sách, bạn sẽ nhận ra rằng mình không bất lực đối với cảm xúc, mà bạn là người xây dựng trải nghiệm cảm xúc của mình, và cách bạn có quyền quyết định lớn trong cảm nhận của mình về thế giới. Điều này đem lại cho bạn sức mạnh mới cũng như trách nhiệm mới đối với chất lượng cuộc sống của mình.
Nguyễn Phương Mạnh
Bài đã đăng trên Ngày Nay
1 Bình luận