Home Chuyên đề tháng Truyền thông và văn hóa: Trùng trùng mô phỏng

Truyền thông và văn hóa: Trùng trùng mô phỏng

Xét về bản chất, vạn vật trong vũ trụ đều “truyền thông” (communicate) theo những ngôn ngữ của riêng mình, bởi vạn vật luôn tương tác với nhau và trong sự tương tác ẩn chứa những nội hàm gây biến đổi. Cây xanh tương tác với mặt trời, không khí, đất, nước, các sinh vật khác…để cùng nhau sinh trưởng. Nước tương tác với gió, với nhiệt, va đập vào núi non, bờ bãi… để chuyển hóa thành sương hay mưa, hay đổ ra biển cả… Mặt trời tương tác với các hành tinh trong hệ và ngoài hệ thái dương để biểu đạt và duy trì sự sinh tồn của chính mình. Truyền thông không phải đặc quyền của con người, nhưng con người lại là sinh vật ý thức được về nó và biến nó thành một công cụ trong quá trình tiếp xúc với nhau, tự khu biệt khái niệm trong phạm vi giữa con người với con người, để rồi tự tạo ra một thế giới tâm trí đồng tồn cùng thân xác, vừa nhận diện được sự hiện diện nhưng lại vừa mơ hồ không xác định.

Quy giản truyền thông thành những hoạt động truyền đạt thông điệp thông qua phương tiện truyền thông (media) có thể khiến chúng ta dễ dàng nhận biết các dòng chảy truyền thông trong xã hội, nhưng lại gây khó khăn khi nhận thấy sự tác động của chúng tới bản thân sự sống của mỗi cá nhân chúng ta cũng như toàn thể xã hội. Truyền thông không chỉ là những dòng chảy đơn lẻ hay đan xen, nó là một thực tại không định hình nối kết bởi tâm trí và dòng thông tin, một trường vô hình chồng lấn lên thế giới vật lý hữu hình mà ta có thể nhận biết được nhưng vẫn bị chi phối. Con người sinh ra từ sự “truyền thông” giữa các tế bào trứng và tinh trùng, được nuôi dưỡng trong bào thai, được chào đời, tồn tại, trưởng thành, kết đôi, sinh con và già đi… tất cả đều nảy sinh trong mạng lưới truyền thông của tự nhiên và xã hội. Đương nhiên, khi nhìn truyền thông như một phương thức diễn ra tự nhiên sẽ gây khó khăn trong việc tiếp nhận và mô hình hóa nhằm tối ưu hoạt động truyền thông phục vụ mục đích xã hội, nhưng nó là điều cần thiết với bất cứ ai muốn tự chủ trong suy nghĩ và ra quyết định.  

> Đọc thêm: “Lịch sử các lý thuyết truyền thông”: thao túng hay khách quan – Book Hunter

Truyền thông – hoạt động chính của ảo giới Maya

Trong truyền thống tâm linh Ấn Độ, Maya, ta có thể gọi là ảo giới, là một cõi giới được kiến tạo nhờ tri giác thế giới hiện tượng (phenomena). Con người mắc kẹt trong Maya nên không thể nhận diện được chân ngã (atman), lầm lạc trong tiếp nhận thực tại như nó vốn là, và từ đó dẫn đến khổ đau. Đây là những diễn giải sơ khai đến từ quá trình tu tập thực chứng của các bậc đạo sư để biểu thị sự tri giác lầm lạc của con người. Con người tiếp nhận những điều thế giới truyền đạt đến, tự nhào nặn chúng thành các định kiến, rồi từ đó phát ngôn và hành động, làm dày thêm ảo giới phức tạp. Như vậy, đời sống của con người trở thành biểu thị của ảo giới chứ không còn là sự sống của chính mình, hay nói một cách văn hoa khác, đó là ta đang sống cuộc đời của vô vàn cuộc đời khác chứ không sống cuộc đời của chính mình. 

Sẽ là vội vàng khi kết luận rằng tri giác là hoạt động của não bộ (vì đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có bất cứ hiểu biết nào về linh hồn), nhưng chắc chắn rằng, não bộ là nơi biểu hiện rõ nét các phản ứng tri giác. Pha đầu tiên của tri giác chính là cảm quan, tức thông qua các giác quan để tiếp nhận thế giới. Pha thứ hai của tri giác là quá trình xử lý bao gồm lưu trữ, ghi nhận, khu biệt, phân tích, sắp xếp… (tùy vào năng lực đa dạng của trí não). Hoạt động của pha thứ hai gây tranh cãi không chỉ ở những triết gia nhận thức luận mà còn là thách thức đối với những nhà khoa học não bộ đương đại. Tiếp sau của tri giác chính là biểu hiện, tức là phản ứng lại với thức mình đã biết, có thể bằng điệu bộ, cử chỉ, lời nói hay hành động. Sự biểu hiện này, đến lượt nó, lại được tri giác, có thể bởi người ngoài hoặc bởi chính mình. Và đây là một chu trình của truyền thông, tức ta truyền đi phản ứng của ta với những điều ta tri giác được. 

Đương nhiên, khi đặt ra vấn đề này, tôi đã hiểu truyền thông (communication) ở nghĩa rộng của nó, không đơn giản chỉ là sự truyền đi một thông điệp nhất định, mà là sự giao tiếp giữa một cá thể với cá thể khác, hoặc cá thể với rất nhiều cá thể, hoặc các cá thể giao tiếp với nhau. Sự giao tiếp phức tạp này gây ra hiện trạng các thế giới quan ở mỗi cá thể cũng giao tiếp với nhau tạo ra những va chạm và giao thoa, chồng lấn, hòa lẫn. Và biểu hiện cũng như phản ứng của ta không hoàn toàn xuất từ điều ta tự tri giác mà đến từ tri giác thiếu chủ động. 

Ví dụ, một người Việt Nam uống một tách cà phê phin đậm đặc với hạt cà phê được rang đậm mùi khói trộn với chút bơ tạo ra vị đắng khét ngậy có phản ứng thích thú, dễ chịu, tỉnh ngủ. Khẩu vị này đã được hình thành từ thói quen uống tách cà phê theo cách đó rất nhiều lần, và có lẽ, lần đầu uống một tách cà phê như vậy chưa chắc đã dễ chịu. Khẩu vị này càng được khẳng định khi rất nhiều người xung quanh có chung khẩu vị hoặc được thừa nhận của một người có uy tín trong cộng đồng hay có sức ảnh hưởng trực tiếp tới người ấy. Vào một dịp, anh ta uống một shot espresso pha máy, vị hơi chua nhẹ, không có độ đặc sánh mà lỏng và loãng, không có mùi khét cháy hay ngậy của bơ, anh ta hẳn sẽ chê lối uống espresso là nhạt nhẽo và rởm. Tuy nhiên, một anh chàng khác du học ở trời Tây về và đã quen với espresso trong suốt những năm tháng đại học, lại biểu hiện sự thích thú với ly espresso. Hai biểu hiện thích thú ấy đến từ quá trình họ đã tri giác thói quen cà phên đến từ chính môi trường mà họ quen thuộc chứ không hoàn toàn đến từ sự tự tri giác giống như họ vẫn khư khư: “Đó là sở thích cá nhân!” Không, đó có thể là sở thích mang tính tập thể mà trí não của họ đã được huấn luyện để quen thuộc. Và ngôn ngữ loài người có một khái niệm để chỉ tình trạng này: “định kiến”. Và định kiến thường đến từ việc ghi nhận cực đoan theo một hướng nhất định do chính môi trường giao tiếp xung quanh gây ra. 

Thậm chí, các biểu hiện phản ứng của chúng ta cũng bị quy định bởi các mô thức xã hội bắt buộc. Ví dụ như khi chúng ta tham gia một đám ma tại Việt Nam, chúng ta buộc phải khóc hoặc tỏ ra rầu rĩ, bởi văn hóa Việt Nam coi đám ma là lúc để buồn bã và tiếc thương, nhằm thể hiện cho tình cảm gắn bó với người quá cố. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai khóc cũng là vì buồn và tiếc thương, không phải cứ có người chết là nhất thiết sẽ buôn, và không phải ai buồn cũng phải biểu hiện ra bằng trận khóc. Chúng ta có thể quan sát kỹ lưỡng những tang gia để theo dõi các phản ứng khác nhau của người thân trong gia đình để thấy độ phức tạp của phản ứng cảm xúc và biểu hiện, nhưng dẫu sao, để tránh con mắt dị nghị, ai nấy cũng sẽ đều trưng ra bộ mặt rầu rĩ hoặc những trận khóc đẫm lệ. Những người có phản ứng khác trong định chế văn hóa sẽ bị dị nghị là không hiểu lễ nghĩa, hoặc tệ hơn, không có tình người. Ví dụ lịch sử Việt Nam đã từng lên án Toản quận công Nguyễn Khản khi ông mở tiệc hát cô đầu trong những ngày tang lễ cha mình, và ông bị các nhà Nho đương thời phỉ nhổ vì hành vi ấy. Từ thời Xuân Thu ở Trung Quốc, Trang Tử đã bàn về định kiến biểu hiện này qua câu chuyện “Trang Tử gõ bồn” trong “Nam Hoa Kinh”. Truyện kể rằng, một lần Trang Tử kể với vợ về một người thiếu phụ quạt cho mộ chồng mình mau khô để sớm ngày tái giá, người vợ nghe chuyện tức giận, oán trách người phụ nữ kia phụ bạc. Trang Tử muốn thử lòng vợ, bèn giả chết. Người vợ khóc lóc thảm thiết khiến ai cũng thương tâm. Cùng tới dự lễ tang có một người học trò lâu năm cách xa, anh ta cùng vợ Trang Tử trong cơn buồn thương bày tỏ tình đầu ý hợp với nhau. Đột nhiên, anh học trò ôm đầu kêu đau và nói với người quả phụ rằng phải bổ não Trang Tử cho anh ta ăn mới khỏi bệnh. Người vợ trẻ bèn cậy nắp quan tầm định bổ não chồng lấy cho tình nhân ăn, ai ngờ Trang Tử lồm cồm bò dậy, người vợ sợ quá lăn ra chết. Đến lượt mình làm lễ tang cho vợ, Trang Tử không khóc mà còn ngồi ngâm thơ ca hát bình thản. Khó có thể xác mình câu chuyện này có thật hay không và có đúng là do Trang Tử viết hay không, nhưng nó hàm ý lên án những định kiến cảm xúc và biểu hiện, rằng chúng không hoàn toàn đến từ sự tự chủ trong biểu hiện mà chủ yếu đến từ những thói quen. Nói một cách khác, sự phản ứng không biểu hiện thực sự cảm xúc, và sự nhận diện cảm xúc cũng trải qua một quá trình nhào nặn phức tạp và nó có thể lệch lạc. 

Những nghiên cứu mới nhất của khoa học não bộ cho thấy rằng phản ứng của con người với tình huống là rất khác nhau và không nhất thiết phải theo một mô thức chung của chuỗi phản ứng cơ thể. Nhà nghiên cứu khoa học não bộ Lisa Feldman Barrett trong công trình nghiên cứu “Nguồn gốc cảm xúc” của mình đã khẳng định: “vào những dịp khác nhau, trong những bối cảnh khác nhau, trong những nghiên cứu khác nhau, trong cùng một cá nhân và giữa những cá nhân khác nhau, cùng một phạm trù cảm xúc sẽ đi kèm với những phản ứng cơ thể khác nhau. Quy luật ở đây là sự đa dạng chứ không phải sự đồng nhất.  Những kết quả này phù hợp với những gì các nhà sinh lý học đã biết trong hơn năm mươi năm: các hành vi khác nhau có các kiểu mẫu nhịp tim, nhịp thở, v.v. khác nhau để hỗ trợ các chuyển động riêng biệt của từng hành vi.” (Trang 35, Nguồn gốc cảm xúc) Ở những môi trường văn hóa bị điều hướng và áp đặt về cảm xúc do có quá nhiều định kiến, tất yếu, sự ghi nhận và biểu hiện cảm xúc sẽ thiếu chi tiết và bị quy giản ở một vài biểu hiện. Ngược lại, trong môi trường cởi mở và chấp nhận sự đa dạng, não trạng của một  người bình thường có thể tiếp nhận được nhiều yếu tố khác biệt và cũng có biểu hiện phức tạp hơn, giống như một người thiếu trải nghiệm về mùi hương khi ngửi thấy một mùi dễ chịu với họ thì họ sẽ gọi chung là “thơm”, nhưng với một người có nhiều trải nghiệm mùi hương khác nhau thì họ có thể phân tích được rõ ràng các tầng bậc của mùi hương ấy và sử dụng nhiều từ để gọi tên trải nghiệm mùi thơm của mình. 

Tính đa dạng trong tiếp nhận, ghi nhận, phản ứng và biểu hiện cho thấy một hệ sinh thái truyền thông đa dạng của cộng đồng, tức là quá trình mô phỏng và biểu hiện của não bộ tiệm cận với cái thực nhất. Tới đây, ta có thể thấy một nghịch lý của truyền thông: sự truyền thông càng vi tế và đa chiều lại càng gần với sự thật hơn so với sự truyền thông giản lược (đương nhiên, ta không nên đồng nhất sự vi tế và đa chiều với sự rối rắm và sự giản lược với sự tinh gọn). Nghịch lý này là hệ quả của năng lực mô phỏng vốn có của bộ não. Barrett đã viết về sự mô phỏng của bộ não từ các nghiên cứu khoa học não bộ như thế này:

“Hãy nghĩ về lần cuối cùng ai đó đưa cho bạn một quả táo đỏ mọng. Bạn cầm lấy nó, cắn một miếng và trải nghiệm hương vị tươi ngon. Trong những khoảnh khắc đó, các tế bào thần kinh hoạt động trong các vùng cảm giác và vận động của não bạn. Các tế bào thần kinh vận động được kích hoạt để tạo ra chuyển động của bạn và các tế bào thần kinh cảm giác được kích hoạt để xử lý các cảm giác của bạn về quả táo, như màu đỏ với một chút xanh; sự mượt mà của vỏ táo trong bàn tay của bạn; mùi hương đặc trưng của nó; các âm thanh lạo xạo khi bạn cắn vào nó; và hương vị ngọt mát của nó. Các tế bào thần kinh khác làm cho bạn tiết nước bọt để giải phóng các enzym và bắt đầu tiêu hóa, tiết ra cortisol để chuẩn bị cho cơ thể bạn chuyển hóa đường trong táo, và có lẽ khiến dạ dày của bạn sôi lên một chút. Nhưng đây là điều thú vị: ngay bây giờ, khi bạn đọc từ “quả táo”, bộ não của bạn phản ứng ở một mức độ nhất định như thể một quả táo thực sự ở trước mặt bạn. Bộ não của bạn kết hợp các mẩu kiến thức về những quả táo trước đây mà bạn đã thấy và nếm thử, đồng thời thay đổi sự kích hoạt các tế bào thần kinh trong các vùng cảm giác và vận động của bạn để tạo ra một trường hợp tưởng tượng thuộc khái niệm “quả táo.” Bộ não của bạn mô phỏng một quả táo không tồn tại bằng cách sử dụng các tế bào thần kinh vận động và cảm giác. Mô phỏng diễn ra nhanh chóng và tự động chỉ trong tích tắc.” (trang 51) Thật đúng như tuyên bố của Aristotle cách đây hơn hai thiên niên kỷ: “…bản năng mô phỏng được khắc sâu trong con người từ thuở thơ ấu, thứ nữa là điểm khác biệt giữa người và các sinh vật khác, đó là: con người là sinh vật có khả năng mô phỏng tốt nhất, và thông qua mô phỏng mà học hỏi từ rất sớm; và niềm vui cảm nhận trong những thứ được mô phỏng cũng không kém phần phổ quát.” (Trang 42, Thi Ca Luận) 

Trong “Thi Ca Luận”, Aristotle khẳng định, “Thi ca là nghệ thuật mô phỏng”, còn tôi xin khẳng định “truyền thông là hoạt động mang tính mô phỏng”. Xét cho cùng, thi ca là một phương cách truyền thông trong vô vàn các phương cách truyền thông khác như trò chuyện, thuyết giảng, viết, vẽ, âm nhạc, diễn xuất, cử chỉ… Truyền thông, kỳ thực là nỗ lực truyền đi phiên bản mô phỏng bằng cách mô phỏng lại chính phiên bản ấy sao cho phù hợp với phương tiện truyền đạt. Tất nhiên, năng lực mô phỏng thực tế của não bộ càng tinh vi, và khả năng não bộ sửa đổi bản mô phỏng ấy bằng cách tạo ra phiên bản phù hợp với phương tiện càng chi tiết thì quá trình biểu đạt càng chân thực. 

Sự tiến hóa hay thoái hóa của mô phỏng trong tiến trình phát triển của truyền thông

Giống như vạn vật, con người có những phương thức truyền thông rất sơ khai. Nếu con kiến chụm râu hay con dơi dùng sóng não để truyền tin, thì con người man dã cũng sử dụng chính những âm thanh phát ra hoặc các cử chỉ để biểu đạt. Dần dần, ngôn ngữ được hình thành để biểu đạt những hiện tượng phức tạp hơn. Nhịp điệu của ngôn ngữ mô phỏng những chuyển động của hiện tượng, dần được trừu tượng hóa thành âm nhạc. Những hình vẽ cũng là một dạng ký hiệu ngôn ngữ để mô phỏng hình ảnh của hiện tượng. Chữ ra đời để lưu trữ và truyền đạt thông tin một cách dễ dàng hơn, trong đó tượng thanh mô phỏng âm thanh, chữ tượng hình là sự trừu tượng hóa các bức vẽ mô phỏng hình ảnh. Và khi biến chuyển của xã hội loài người trở nên phức tạp hơn nhờ quá trình giao lưu văn hóa, ngôn ngữ nói và chữ viết cũng nhờ thế mà ngày càng trở nên đa dạng. Sự đa dạng trong một ngôn ngữ cho thấy khả năng mô phỏng phức tạp mà các chủ thể truyền thông trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ấy, hay nói một cách khác, phải là một cộng đồng có trải nghiệm đa dạng mới thể sử dụng loại ngôn ngữ phong phú để truyền thông. Sự thiếu từ vựng mô phỏng thực tại phản ánh một cộng đồng bị gián đoạn truyền thông hoặc cộng đồng ấy đang bị tụt hậu trong diễn tiến tương tác với các cộng đồng khác. Tương tự ngôn ngữ, các hình thức truyền thông khác mà ta gọi là nghệ thuật cũng vậy. 

Nghệ thuật là một quá trình rất tinh vi trong sự mô phỏng thực tại dẫu rằng một số nghệ sĩ luôn cho rằng sáng tạo của họ là điều đó đó thiêng liêng hơn thế. Từ nhãn quan khoa học não bộ, ta có thể thấy sự sáng tạo nghệ thuật đi theo trình tự sau: Cũng như mọi người, nghệ sĩ tiếp nhận thế giới bằng cảm quan và tùy ở mỗi người lại tiếp nhận trội hơn ở một vài giác quan nào đó. Cũng như mọi người, não bộ của nghệ sĩ cũng mô phỏng tức thì những đối tượng mà họ tri giác, và nảy sinh các biểu cảm cũng như suy nghĩ khác nhau với những định dạng khác nhau. Cuối cùng là biểu hiện, họ sẽ chủ động lựa chọn hay bị động lựa chọn biểu đạt tùy từng bối cảnh, phương tiện và độ phức tạp của phiên bản mô phỏng trong não họ. Trong trí não họ có thể là phiên bản mô phỏng y như hiện thực tri giác được, hoặc một phiên bản mô phỏng bị lệch so với hiện thực, hoặc một phiên bản có được do quá trình tương tác với các phiên bản khác sẵn có, hoặc một phiên bản được trừu tượng hóa hay tượng trưng hóa hiện thực. Sau cùng là sự biểu đạt, nghệ sĩ càng có kinh nghiệm đa dạng trong biểu đạt các hình thức khác nhau sẽ càng có cơ hội chọn được phương tiện phù hợp để biểu đạt tối ưu nhất một hoặc nhiều phiên bản cùng lúc mô phỏng đối tượng đang tồn tại trong trí não. Đương nhiên, điều kỳ thú của nghệ thuật không nằm ở việc nó mô phỏng một chiều hiện thực, mà trái lại, đôi khi sự khiếm khuyết trong khả năng cảm quan hay mô phỏng của não lại tạo nên tuyệt tác. Nghệ thuật, bởi thế có hai chiều hướng phát triển: một chiều hướng là quá trình biểu đạt thuần túy không hướng tới người tiếp nhận nào ngoài bản thân người sáng tạo ra chính tác phẩm ấy; một chiều hướng khác là quá trình biểu đạt nhằm tác động đến người xem. Nghệ thuật thuần túy là sự giao tiếp với chính mình, còn nghệ thuật mang tính truyền thông tự bản thân nó lại phối trộn cùng với các loại hình truyền thông khác như giải trí hoặc tuyên truyền để đạt được mục đích của mình. 

Toàn bộ các hoạt động truyền giáo, lễ hội, nghi lễ, nghi thức, diễn xướng, hội nhóm, trò chuyện… đều là những hoạt động truyền thông. Thường thì chúng có thể mang tính chất tuyên truyền, tức sự truyền thông mang tính chất áp đặt và điều hướng từ thế lực có quyền lực. Hoặc đôi khi chúng có thể mang tính chất nghệ thuật hoặc tri thức khi chúng được thực hiện không cố thao túng tâm trí những đối tượng tiếp nhận hoặc người tham gia. Dẫu không cố thao túng, nhưng tính chất lặp đi lặp lại của các hoạt động này tự thân chúng trở thành một sự thao túng, tức là chúng lặp lại tới mức thành truyền thống, thành một thói quen mà các cá thể trong đó cảm thấy rằng các chi tiết mà chúng biểu đạt trở thành một thông lệ (giống như câu chuyện về đám tang mà tôi đã đề cập ở trên). Truyền thống này tự nó tạo thành một phiên bản mô phỏng có sức nặng trong tâm trí mỗi cá thể trong cộng đồng và vạch ra các định kiến dễ bị thao túng bởi phương thức tuyên truyền. Một cộng đồng cởi mở không bị trói buộc trong truyền thống dù vẫn có các sắc màu truyền thống, với sự giao lưu văn hóa đa dạng, và sự phân hóa dân cư phức tạp, theo Harold D. Lasswell trong “Kỹ thuật tuyên truyền trong thế chiến” sẽ là cộng đồng ít bị thao túng bởi các chiến dịch tuyên truyền hơn. 

> Đọc thêm: Kỹ thuật tuyên truyền và ảnh hưởng tới xã hội – Book Hunter

Các hoạt động rao bán hàng hóa, tất nhiên, cũng là hoạt động truyền thông, và cho đến nay, hình thức truyền thông này được thực hiện với mật độ nhiều nhất, bởi nó gắn liền với hoạt động dân sinh. Sự rao bán diễn ra ở những tiểu thương và cả những mô hình buôn bán lớn nhằm quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Do môi trường cạnh tranh liên tục, sự phát triển của những hình thức rao bán luôn tăng tốt nhanh hơn so với loại hình truyền thông khác, xuất phát từ những lời rao trên phố chợ hay những tin đồn, những biển hàng, sự ảnh hưởng của người nổi tiếng, các mẩu quảng cáo, các chiến lược marketing số hiện đại… Khác với nghệ thuật hay kiến thức hay giao tiếp thông thường, nhưng lại rất gần với tuyên truyền, các hình thức rao bán có xu hướng chủ động bóp méo quá trình mô phỏng nhằm đạt mục tiêu dụ mời. Tận dụng não trạng dễ bị ấn tượng bởi những dị thường hay kỳ thú được lặp đi lặp lại, những nội dung rao bán được thiết kế một cách có điều tiết nhấn nhá vào các chi tiết gây chú ý, giấu những khiếm khuyết, hoặc gợi cảm xúc để mê hoặc. Để đạt hiệu quả cao, sự rao bán sẽ lồng ghép với giải trí hoặc tiếp thu các hình thức diễn xướng, nghệ thuật khác nhằm gia tăng tối đa hiệu ứng. Sự phát triển của truyền thông đại chúng và mạng xã hội khiến cho mật độ của loại nội dung rao bán chiếm tỉ trọng lớn tới mức chúng trở thành nội dung được tiếp cận nhiều nhất. Chúng cũng thường được phát sóng hoặc xuất hiện một cách ngẫu nhiên, rời rạc, liên tục khiến não bộ con người ghi nhớ liên tục những mảnh vụn thông tin. Như ta đã biết, bộ não của chúng ta hoạt động theo cơ chế được huấn luyện, một khi nó liên tục tiếp xúc với những mảnh vụn tới mức quen nhảy từ mảnh thông tin này sang mảnh thông tin khác, như thể những phân tử không khí rời rạc thiếu liên kết, thế thì chúng sẽ gặp khó khăn với khả năng ráp nối hay thực hiện các thao tác tâm trí liền mạch. Dễ hình dung hơn, bộ não tiếp xúc nhiều với các mẩu quảng cáo giống như chúng ta tham gia một bữa tiệc rất nhiều người xa lạ mà ta phải bắt chuyện cùng, mỗi người ngẫu nhiên nói vài câu chẳng đầu chẳng đuôi với ta và lướt đi, và sau bữa tiệc ấy, ta chỉ nhớ lốm đốm vài ba mẩu nhỏ ấn tượng chứ khó có thể phân loại, sắp xếp toàn bộ. Thẳng thắn mà nói, tâm trí của chúng ta bị băm vụn thành nhiều mảnh nhỏ rời rạc tách ra bởi các luồng thông tin lớn hơn mà ta không thể nắm bắt toàn cảnh. Khi nghĩ về sự băm vụn tâm trí, rất nhiều lần tôi đã nghĩ về các mạng xã hội và định dạng video ngắn, có lẽ, sự yêu thích lướt tin trên mạng xã hội hay cơn nghiện video ngắn Tiktok là hậu quả của quá trình băm vụn tâm trí liên tục do bùng nổ của các hình thức quảng cáo ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Có lẽ, đặc tính thôi miên của quảng cáo không đáng sợ bằng sự băm vụn và trộn lẫn như một mớ hỗn độn trong tâm trí. 

Ngày nay, chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho mạng xã hội vì tốc độ băm vụn tâm trí, nhưng kỳ thực, mạng xã hội có một cơ chế khác. Rất khó để phân định rằng những tâm trí bị băm vụn sẽ ưa thích mạng xã hội hay bởi vì mạng xã hội đã băm vụn tâm trí của họ để họ nghiện ngập mạng xã hội hơn. Kỳ thực, xét về bản chất, mô hình mạng xã hội là sự kết nối của những người quen biết nhau hoặc những người có nhiều điểm tương đồng với nhau. Mạng xã hội được thiết kế nhằm mô phỏng chính xã hội, và đương nhiên, mỗi nhà phát triển mạng xã hội lại mô phỏng theo cách khác nhau. Đại đa số con người đều đam mê tương tác, có mạng xã hội hay không, họ vẫn sẽ mở rộng sự giao tiếp. Giao tiếp là hình thức sơ khai nhất của truyền thông và nó có cùng nghĩa với truyền thông trong tiếng Anh (communication). Dù không cần phương tiện truyền thông hữu hình, sự truyền thông vẫn diễn ra giữa người với người qua trò chuyện, và quá trình này là liên tục đến mức khó phân định được đâu là nguồn phát và đâu là điểm tiếp nhận. Sự trò chuyện diễn ra tự nhiên và gắn chặt với mối quan hệ giữa người với người và đó là nền tảng sâu kín ít được nghiên cứu của truyền thông. Khi nhiều cá nhân quần tụ thì hình thành nên nhóm hoặc các nhóm với những quy mô to nhỏ, gia đình là một nhóm, làng là một nhóm, trường học là một nhóm, giáo đoàn là một nhóm, quốc gia cũng là một nhóm… Một nhóm càng có nhiều điểm chung quan trọng thì càng gắn bó với nhau và có ảnh hưởng lên nhau. Và một khi nhóm được hình thành, tất yếu hình thành trật tự quyền lực mà trong đó cá nhân có quyền lực (chính thống hoặc phi chính thống) sẽ ảnh hưởng lên những người còn lại. Mạng xã hội là sự phóng đại của truyền thông kiểu nhóm cổ điển, nơi các cá nhân bị vướng mắt nhiều hơn vào các tập thể khác nhau và khao khát sự thừa nhận của các mối quan hệ nhiều hơn. Trong cuốn sách “Cỗ máy thao túng”, Sinai Aral, nhà nghiên cứu khoa học thông tin “nằm vùng” trong các tập đoàn sở hữu mạng xã hội cho biết rằng: “Có hai quy luật của biểu đồ mạng xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến những gì chúng ta đang trải nghiệm hằng ngày trên Cỗ máy Thao túng. Đầu tiên, biểu đồ mạng xã hội phân cụm (clustering) dày đặc hơn so với mức độ mà chúng ta nghĩ có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên, hàm ý rằng chúng ta tạo ra những “cụm cộng đồng” (clusters) ken đặc gồm những cá nhân có mối liên hệ bền chặt với nhau, và mối liên hệ nội cộng-đồng này bền chặt hơn mối liên hệ giữa các cụm cộng đồng khác nhau. Thứ hai, biểu đồ mạng xã hội có tính tương đồng (homophily), tức là những cá nhân giống nhau thường kết nối với nhau. Hai thuộc tính này giải thích vì sao Cỗ máy Thao túng thúc đẩy tình trạng phân cực chính trị và “hiệu ứng buồng vang thông tin”, lan truyền tin giả, và tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các khoản đầu tư tiếp thị.” (Trang 109, “Cỗ máy thao túng”) Ở đây, tính phân cụm” muốn ám chỉ đến hiện tượng các nhóm co cụm dựa trên mối quan hệ và sự bắc cầu, còn “tính tương đồng” hàm ý các liên kết dựa trên nhiều điểm tương đồng theo kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. 

Sinan Aral còn chỉ ra rằng, mạng xã hội liên tục tạo ra cơ chế được thừa nhận bằng nhiều hình thức khác nhau (như lượng like, comment, tick xanh…) để con người cảm thấy không còn bị bỏ rơi hay cô lập, để “kết nối với các vùng của bộ não con người kiểm soát ý thức của chúng ta mong muốn được hòa nhập và được xã hội chấp thuận của chúng ta. Nó tưởng thưởng cho hệ thống dopamine và khuyến khích chúng ta tìm kiếm nhiều phần thưởng hơn nữa bằng cách tiếp tục kết nối, tương tác và chia sẻ trực tuyến.” (Trang 155,156) Giống như con người giao tiếp trong thời gian thực thường có ảnh hưởng bền chặt trong tâm trí do mối quan hệ, các cá nhân sử dụng mạng xã hội cũng liên tục truyền thông và bị truyền thông ở thời gian thực, và điều này gây ra một lượng lớn mô phỏng (mà sự mô phỏng vốn thiếu chính xác và sai lệch) được tạo ra liên tục. Tới đây, ta có thể hình dung việc chúng ta bị vướng mắc liên tục vào các mối quan hệ tập thể trong tình trạng tâm trí bị băm vụn bởi nhiều luồng thông tin bị cắt vụn trôi qua từng giây lướt mạng xã hội có thể huấn luyện trí não của chúng ta thành những gì. 

Hình ảnh từ trang 122 cuốn sách “Cỗ máy thao túng”

Một cơ chế tưởng thưởng dopamine tương tự được sử dụng trong game (trò chơi). Trò chơi là một hình thức truyền thông đặc biệt bởi nó tạo cho người tham gia hoặc theo dõi nó cảm giác rằng mình thoát khỏi những mối quan hệ và mục tiêu đời thường. Trò chơi vừa mang đến sự giải trí nhưng cũng vừa mang đến sự căng thẳng, và nó đưa người chơi cũng như người xem vào trạng thái gay cấn đầy hưng phấn. Không phải chỉ những trò chơi điện tử hay những môn thể thao hiện đại tạo ra hiệu ứng này, từ xa xưa, con người đã bày ra nhiều trò chơi như một hình thức giải trí mà ở trong đó con người không nhất thiết phải trò chuyện giao tiếp với nhau để nhận về những thông tin khó xử lý nhằm đảm bảo các mục đích nhất định. Trò chơi được tạo ra cho sự giao tiếp không mục đích, nhưng qua đó nó phản ánh cơ chế bản năng thú vật “mạnh được yếu thua” của con người. Không có trò chơi nào được bày ra mà không để tranh phần thắng dù theo lối bạo lực hay thanh nhã. Mỗi cấu trúc trò chơi lại mô phỏng các hiện thực tranh đua khác nhau ngoài đời thực như chiến tranh, giành quyền giao phối, sinh tồn… Các trò chơi được duy trì trong cộng đồng xa xưa được sử dụng để giải trí, tập trận, luyện tập một kỹ năng nào đó…nhưng trò chơi ở thời hiện đại vừa mang tính giải trí lại vừa là công cụ huấn luyện não trạng. Ví dụ, người chơi game Cashflow và người tham gia thị trường chứng khoán sẽ có cùng một não trạng với nhau, và một khi đã quen với lối chơi Cashflow thì người chơi sẽ dễ dàng thấy việc đầu tư vào thị trường chứng khoán là hiển nhiên để đạt được sự giàu có. Hay những người cổ vũ bóng đá vì “màu cờ sắc áo” sẽ dễ bị lầm lẫn giữa cái thắng của đội tuyển quốc gia trong một trận bóng và uy thế thực sự của quốc gia trên trường quốc tế. Hoặc khi chúng ta xem hoặc chơi rất nhiều game chiến trận, ta sẽ càng cảm thấy rằng chiến tranh là hiển nhiên và việc sử dụng vũ lực để chiến thắng là điều cần thiết. Game có mức độ kích thích sự mô phỏng trong não mạnh mẽ hơn so với các hình thức truyền thông khác, bởi nó tạo ra gay cấn ở thời gian thực, khiến người xem thấy bản thân tựa như đang ở trong game, và rồi xa hơn thế, nó khiến ta tiếp nhận thế giới và xử lý tình huống ở đời thực theo cách đã được huấn luyện trong game, đặc biệt nhiều hoạt động trong đời sống ngày nay được thiết lập và cơ cấu theo các quy tắc của game (ví dụ thị trường chứng khoán, bầu cử, thi cử trong giáo dục…)

Đương nhiên, những hình thức truyền thông vừa liệt kê ở trên tạo ra quá nhiều nhiễu và sai lạc, dù nó tạo nên tính đa dạng văn hóa và trải nghiệm. Suy cho cùng, con người vẫn luôn cần ra quyết định đúng để có một đời sống thực sự hạnh phúc chứ không phải tìm kiếm niềm vui ngắn hạn do các loại hormone được sản sinh. Để đối phó với ảo giới được tạo bởi mô phỏng, nhiều nhà hiền triết, bậc đạo sư, bậc trí giả, thánh hiền, nhà khoa học… đã nỗ lực đưa ra các quy tắc để phân biệt giữa ảo và thực nhằm tiếp nhận thông tin chính xác hơn và ra quyết định đúng hơn. Tuy nhiên, quá trình này tự bản thân nó lại nảy sinh ra nhiều cái ảo khác. 

Sự truyền đạt kiến thức là nỗ lực căn bản nhất để giúp con người nhận thức đúng đắn về hiện tượng và sự vật. Xét về bản chất, kiến thức chính là những kinh nghiệm mô phỏng quá trình chứng kiến, quan sát hoặc trải nghiệm. Do các kinh nghiệm đôi khi mâu thuẫn và khác biệt với nhau, con người nhận ra rằng mình cần kiểm chứng chính các kinh nghiệm của bản thân cũng như của người khác. Từ đó nảy sinh các phương pháp khoa học vừa để kiểm chứng nhưng cũng vừa để phỏng đoán. Kiến thức ban đầu được truyền bằng diễn thuyết hoặc thuyết giảng, rồi sau đó được lưu truyền qua sách. Vì vậy, sách trở thành biểu tượng của kiến thức tới mức sách được đồng nhất với kiến thức. Đến thời Khai Sáng, khi trường học trở thành nơi truyền trao kiến thức cho đại đa số dân chúng vốn xuất thân mù chữ, thì trường học cũng trở thành biểu tượng của kiến thức tới mức đồng nhất trường học với tri thức. Ở đây, ta có thể hiểu, sách là một phương tiện truyền thông (medium), còn trường học là một mạng lưới “truyền thông đa phương tiện” bao gồm sách, các thầy cô giáo, các giáo cụ… Hệ thống kiến thức và phương pháp tư duy được làm dày theo suốt dòng lịch sử của loài người và ngày càng có vị thế cao so với những hình thức truyền thông khác bởi nó đã giúp con người thoát khỏi thiên tai địch họa, dành được chiến thắng, trở nên giàu có… Nhưng, tính hiệu quả của kiến thức đã biết khiến chính nó trở thành những ảo giác cho người tiếp thu, đặc biệt khi nó được gắn với các cơ chế thi cử và danh vọng. Ảo giác này được hình thành khi người học không phân biệt được giữa điều mình tiếp nhận từ mô phỏng lưu lại trong sách hay qua lời giảng với khả năng tự mô phỏng và xử lý các mô phỏng đến từ thực chứng. Nói một cách khác, khi tiếp nhận quá nhiều kiến thức mà không tự trải nghiệm kiến thức ấy, người học sẽ không biết rằng mình không biết và nhầm lẫn những điều mình biết. Đây chính là hiện tượng chúng ta thường thấy trong xã hội ngày nay, khi những người có bằng cấp rất cao nhưng khi tham gia chuyên môn trên thực tế lại không thể giải quyết được các tình huống hoặc sẽ nảy sinh các định kiến khi vấp phải kiến thức mới hay thấy kiến thức mình đã biết không phù hợp với thực tế.

> Đọc thêm: Sách – Công cụ hay mục đích – Book Hunter

Cùng với kiến thức, việc truyền tin tức phản ánh đúng và chính xác với sự thật là một nỗ lực của những người đề cao lý trí. Vấn đề nằm ở chỗ năng lực mô phỏng của não và năng lực mô phỏng lại sự mô phỏng để biểu đạt của người truyền tin có thể chính xác tới đâu. Sự phát triển của phương tiện truyền thông phản ánh nỗ lực truyền tin chính xác nhất có thể, nhưng cũng chính phương tiện truyền thông gây ra các hạn chế trong truyền tin. Ví dụ như khi truyền tin qua văn bản viết, tin sẽ chỉ được tái hiện bằng chữ viết và không kiểm soát được khả năng hình dung sai do người đọc có cách hiểu từ ngữ khác so với người viết. Tương tự như vậy, khi truyền tin dưới dạng tiếng nói hay hình ảnh, người nghe dễ bị tác động về mặt cảm xúc do giọng nói, điệu bộ, cung cách của người nói. Những cách thức truyền tin trực tiếp để gia tăng độ khả tín cũng được phát triển, tuy nhiên vẫn rất hạn chế do sự truyền trực tiếp không phải lúc nào cũng phản ánh hết được toàn bộ tiến trình của một hiện tượng xảy ra. Đó là chưa kể các kênh truyền tin như đài hay báo chí thường bị chi phối bởi cơ quan giữ thẩm quyền, và chúng có thể bị sử dụng như những công cụ tuyên truyền khi cần thiết hay bị thao túng để che giấu sự thật. Cũng như kiến thức, đối với tin tức, sự hoài nghi và kiểm chứng luôn là những điều cần thiết, và lúc bấy giờ, các phương cách truyền thông khác lại được ứng dụng để mở rộng khả năng kiểm chứng và đối chiếu cũng như biểu đạt. 

Toàn bộ những phương cách và phương thức truyền thông mà tôi vừa điểm qua đều là những thành tố cấu thành nên các lớp văn hóa để rồi các chủ thể của văn hóa lại lồng ghép các dấu vết mô phỏng tích lũy trong thời gian dài với những mô phỏng mới để tạo ra nội dung mới góp một phần vào biến chuyển của văn hóa. Đây là quá trình động liên tục mô phỏng và tái hiện không ngừng nghỉ mà mỗi cá thể đều góp phần vào nó. Ngay cả khi ta không chủ động khởi lên suy nghĩ mô phỏng thì sự mô phỏng vẫn tự động diễn ra trong não bộ và luôn tìm cách biểu đạt ra bên ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau. Dẫu vậy, sự mô phỏng không phải là điều tồi tệ, nó chỉ đơn giản là một hiện tượng tự nhiên, và cả sự biểu đạt cũng vậy. Vấn đề nằm ở chỗ khi xã hội chuyên chế các dạng mô phỏng và trao uy quyền cho các kiểu mô phỏng nhất định, thì lúc ấy xã hội sẽ mắc kẹt bởi định kiến và gây ra những mâu thuẫn trong xã hội. Xét ở khía cạnh cá nhân, một người có nhiều trải nghiệm và trải nghiệm đa dạng sẽ vượt qua các vướng mắc do định kiến tốt hơn, đồng thời cũng có năng lực mô phỏng và biểu đạt chính xác hơn so với những người có não trạng mô phỏng sơ khai. Điều đang lưu ý hơn cả chính là tỉ trọng giữa sự mô phỏng trực tiếp từ đời thực và sự mô phỏng lại những mô phỏng của người khác cần có sự hài hòa để mỗi người có khả năng tri giác và biểu đạt tốt nhất. 

Hà Thủy Nguyên

Một phần của bài viết này được trình bày và thảo luận tại cuộc sự kiện TRUYỀN THÔNG CHI PHỐI CẢM XÚC, xin mời xem bản lưu:

“Nguồn gốc cảm xúc” của Lisa Feldman Barret: Khoa học não bộ lật ngược những nhận định truyền thống về cảm xúc

“Nguồn gốc cảm xúc - bí ẩn sống động của bộ não” là cuốn sách thách thức nhiều hiểu biết liên quan đến cảm xúc, điều mà tưởng chúng ta đã thấu tỏ rất lâu về nó. Đồng thời, tác phẩm cũng cung cấp những định nghĩa nền tảng, trao tặng người đọc sức mạnh mới để xử lý một trong những trạng thái sinh học được nghiên cứu nhiều nhất của nhân loại. Phần lớn chúng ta trải nghiệm cảm xúc chỉ đơn giản như một chương trình được

Kỹ thuật tuyên truyền và ảnh hưởng tới xã hội

Là một dạng thức của truyền thông (communication), tuyên truyền (propaganda) được tận dụng rộng khắp trong mọi thiết chế xã hội và xuyên suốt lịch sử nhân loại. Chính cấu tạo từ “propaganda” đã hàm chứa ý nghĩa chính của khái niệm này: tiền tố “pro-” trong gốc Latin có nghĩa là “tiến về phía trước” và “paganda” có gốc Latin là “pagare” với nghĩa “tiếp nối vào”, để tạo thành hàm nghĩa là “nhân rộng”. Khi một thông điệp được lan rộng một

Fake Famous: Sự nhạt nhẽo của thế giới KOL – người nổi tiếng trên Internet

Bộ phim tài liệu “Fake Famous” (tạm dịch: Sự nổi tiếng giả tạo) trên kênh HBO mở đầu bằng một khung cảnh có vẻ hạnh phúc: trong nắng vàng của Los Angeles, chúng ta nhìn thấy hàng loạt người trẻ, những con người dường như vô lo, tạo dáng trước một bức tường màu hồng rực rỡ. "Sàn diễn" của người nổi tiếng giả tạo hay các KOL Tạo dáng trước trước camera iPhone mà bạn bè cầm, hoặc hướng khuôn mặt của họ lên
le-ai

Lê Ái

25/05/2021

Bốn học thuyết chi phối hệ thống truyền thông

Tổng hợp từ sách Bốn học thuyết truyền thông - Fred S. Siebert, Theodore Peterson, Wilbur Schramm Câu hỏi căn bản đặt ra khi nghiên cứu truyền thông là “Tại sao truyền thông lại có hình hài như ngày nay? Tại sao nó lại mang hình thức như hiện có, mang chức năng, mục đích như hiện có ở từng quốc gia khác nhau?” Có rất nhiều hướng để phân tích nền truyền thông của một quốc gia: từ góc độ điều kiện kinh tế,

Minh Hùng

15/01/2020

Từ Dữ kiện lấp lửng đến Tin giả | Åsa Wikforss

Bản dịch cuộc trò chuyện của Asa Wikforss, tác giả cuốn DỮ KIỆN LẤP LỬNG, với The Institute of Art and Ideas (IAI) Asa Wikforss: Tôi là giáo sư triết học tại đại học Stockholm. Tôi nghiên cứu triết học tâm trí và ngôn ngữ và nhận thức luận. Tôi đã viết cuốn sách Dữ kiện lấp lửng bằng tiếng Thụy Điển và đã được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ. IAI: Tôi xin được bắt đầu với câu hỏi, dữ kiện lấp lửng là
le-nam

Lê Nam

02/05/2023