Home Đọc Nghiên cứu về Niccolò Machiavelli để hiểu về quân chủ và dân chủ

Nghiên cứu về Niccolò Machiavelli để hiểu về quân chủ và dân chủ

le-nam

Lê Nam

01/02/2018

Tại sao lại viết về Machiavelli? Machiavelli chắc chắn đã đóng góp một lượng lớn các diễn ngôn trong tư tưởng phương Tây – đáng chú ý là trong lĩnh vực lý thuyết chính trị, nhưng đồng thời còn có cả lịch sử và thuật chép sử, văn chương Ý, nguyên lý chiến tranh và ngoại giao. Nhưng Machiavelli chưa bao giờ tự nhận mình là một triết gia – thật vậy, ông thường thẳng thừng từ chối các vấn đề triết học – và các tác phẩm của ông cũng khó có thể đưa ông vào hàng ngũ triết gia chuẩn mực. Các bài viết của ông thường không hệ thống một cách điên rồ, đôi khi tiền hậu bất nhất và tự mâu thuẫn. Ông có xu hướng trích dẫn các ví dụ và trải nghiệm cụ thể của cá nhân thay cho các phân tích logic cứng rắn. Ấy thế nhưng các nhà tư tưởng hậu sinh với đầy đủ tiêu chí để được xếp hạng các triết gia hạng nhất lại bị cuốn hút bởi các ý tưởng của ông, hoặc là tranh cãi hoặc là lấy tri kiến của Machiavelli làm tư liệu giảng dạy.
Tư tưởng của Machiavelli đã được mổ xẻ không ít, thế nhưng những bài nghiên cứu bằng tiếng Việt đủ kỹ càng thì lại rất hiếm hoi. Bởi lý do đó, chúng tôi xin dịch một bài nghiên cứu rất đầy đủ về Machiavellie trên Stanford Encyclopedia of Philosophy để bạn đọc tham khảo.
 

  1. Tiểu sử

Chẳng có nhiều thông tin về tuổi thơ của Machiavelli, ít hơn nhiều so với nhiều gương mặt quan trọng khác của thời kỳ Phục Hưng tại Ý. Ông sinh ngày 3 tháng 5 năm 1469 tại Florence và từ khi còn rất nhỏ, ông đã trở thành học trò của một nhà giáo tiếng Latin nổi tiếng lúc bấy giờ, Paolo da Ronciglione. Người ta phỏng đoán ông đã học Đại học Florence, và bằng một cái nhìn lướt qua về lượng từ vựng của ông thì cũng đã đủ để cho chúng ta biết ông đã nhận được một nền giáo dục nhân văn xuất sắc. Tuy nhiên, chỉ từ khi ông bắt đầu ra làm quan với vị trí Phó Chưởng ấn (Second Chancellor) của Cộng hoà Florence thì chúng ta mới có được một bức tranh chi tiết về cuộc đời ông. Trong 14 năm tiếp theo này, Machiavelli đã trải qua nhiều sóng gió trong các hoạt động ngoại giao đại diện cho Florence, tới nhiều vùng trung tâm của Ý, hoàng cung Pháp và của hoàng đế La Mã Maximilian. Từ các bức thư, trát, lệnh và các bản viết tay thu thập được chúng ta có thể xác nhận được các nhiệm vụ chính trị cũng như tài năng phân tích nhân cách và thể chế của ông.
Florence chịu sự cai quản của một chính phủ cộng hoà từ năm 1494, khi gia đình Medici và những người ủng hộ của họ bị đuổi khỏi thành phố. Trong thời gian này, Machiavelli đã toả sáng dưới sự bảo trợ của người đứng đầu thành phố, Piero Soderini. Tuy nhiên, vào năm 1512, với sự hỗ trợ của binh lính Tây Ban Nha, gia đình Medici đã đánh bại quân đội của thể chế cộng hoà và giải tán chính phủ lúc bấy giờ. Machiavelli trở thành nạn nhân trực tiếp của sự thay đổi chế độ: ông ngay lập tức bị đặt vào tình trạng cấm túc và bị giam lỏng, tra tấn trong vài tuần khi bị nghi ngờ có âm mưu lật đổ nhà Medici vào năm 1513. Sau khi được thả ra vì được minh oan, ông nghỉ hưu về trang trại bên ngoài Florence và ở đây ông có thời gian theo đuổi nghiệp viết lách.
Tác phẩm đầu tiên chủ yếu dựa trên những suy tư của mình cũng chính là tác phẩm được gắn liên với tên tuổi của ông nhiều nhất, Quân vương. Được viết vào khoảng cuối năm 1513 (và có lẽ trong đầu năm 1514), nhưng chỉ được xuất bản một cách chính thức vào năm 1532, tức là 5 năm sau khi ông đã chết (1527). Quân vương được viết trong một khoảng thời gian rất ngắn bởi tác giả của nó đang cố gắng tìm kiếm lại vị trí của mình trong chính quyền Florence. (Nhiều đồng nghiệp của ông trong chính quyền cộng hoà đã nhanh chóng được phục chức và quay trở lại phục vụ nhà Medici, nhưng ông thì không được may mắn như vậy.) Lúc đầu, cuốn sách được viết để gửi tới Guiliano de’Medici (một người có thể đã có thể trân trọng cuốn sách này), nhưng sau đó cuốn sách đã phải thay đổi đối tượng bởi cái chết của Giuliano, và nó được dâng lên Lorenzo de’Medici (cháu của Lorenzo the Magnificent) nhưng cuốn sách đã không được người lãnh đạo của Florence may mảy để ý một chút nào.
Trong lúc đó, vì bị ép phải về hưu non nên Machiavelli dành thời gian viết lách nhiều thể loại khác nữa như thơ, kịch, nghiên cứu Binh pháp Tôn Tử (xuất bản năm 1521), và phác thảo các tác phẩm sử học và tiểu sử. Quan trọng nhất trong các tác phẩm này đó là đóng góp của ông vào tư tưởng chính trị, tác phẩm Luận giải 10 cuốn sách của Titus Livy (Discourses on the Ten Books of Titus Livy), một sự giải thích trọn vẹn các nguyên lý của một thiết chế cộng hoà được nguỵ trang bằng cách phê bình các tác phẩm sử học của nhà sử học nổi tiếng nhất nền Cộng hoà La Mã. Khác với Quân vương, cuốn Luận giải được viết trong một khoảng thời gian dài (bắt đầu từ năm 1514 hoặc 1515 và kết thúc vào 1518 hoặc 1519, dù rằng chỉ được xuất bản chính thức vào năm 1531, sau khi ông chết). Cuốn sách có thể đã được định hình bởi những cuộc thảo luận không chính thức giữa Machiavelli với các nhà tư tưởng và chính trị gia hàng đầu của Florence bởi sự bảo trợ của Cosimo Rucellai.
Gần cuối đời, và có thể là với sự giúp đỡ của những người bạn có thế lực, những người ông chưa bao giờ ngừng yêu cầu can thiệp, Machiavelli bắt đầu quay trở lại sự ưu ái của gia đình Medici. Năm 1520, ông được Hồng y Guilio de’Medici đặt hàng soạn cuốn Lịch sử Florence, một cuốn sách được ông hoàn thành vào năm 1525. Nhà Medici còn giao cho ông nhiều nhiệm vụ khác, nhưng ông đã qua đời trước khi quay trở lại hoàn toàn với cương vị trước đây của mình.
 

  1. Quân vương: Phân tích quyền lực

Có một quan điểm chung giữa các triết gia chính trị đó là tồn tại một mối quan hệ đặc biệt giữa đạo đức tốt và quyền hành hợp pháp. Nhiều tác giả (đặc biệt là những những người biên soạn các cuốn sách hướng dẫn cho hoàng gia trong thời Trung Cổ và Phục Hưng) tin rằng việc sử dụng quyền lực chính trị chỉ đúng đắn khi những người nắm giữ quyền lực công chính và liêm khiết. Do đó, những người nắm giữ quyền lực thường được khuyên nhủ rằng nếu họ muốn thành công – tức là muốn có một sự cai trị lâu dài và ổn định từ đời này sang đời khá – thì họ phải luôn cư xử theo những truyền thống đạo đức tốt đẹp.
Chính quan điểm về sử dụng quyền lực này đã bị Machiavelli chỉ trích trong cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Quân Vương. Đối với Machiavelli, chẳng thể nào có một nền tảng mà dựa vào đó người ta có thể đánh giá được sự khác nhau giữa việc sự dụng quyền lực hợp pháp và bất hợp pháp. Thay vào đó, quyền hành và quyền lực luôn song hành và bình đẳng với nhau: bất kỳ ai có quyền lực thì sẽ có quyền thừa hành; nhưng đạo đức tốt chẳng hề đảm bảo sẽ có được quyền lực và người có đạo đức tốt cũng chẳng có nhiều quyền hành hơn nếu chỉ dựa vào phẩm hạnh tốt. Do đó, bằng chỉ trích trực tiếp vào lý thuyết đạo đức của chính trị, Machiavelli phát biểu rằng vấn đề duy nhất cần quan tâm tới của một người thừa hành chính trị đó là thâu tóm và duy trì quyền lực (mặc dù ông bàn ít về quyền lực hơn là ông bàn về việc “duy trì nhà nước.”) Xét ở khía cạnh này, Machiavelli đã đưa ra một phê bình mạnh mẽ và mạch lạc về ý niệm quyền hành bằng lập luận rằng khái niệm quyền hợp pháp của lãnh đạo chẳng giúp gì cho mức độ quyền lực được sở hữu trong thực tế. Quân vương có mục đích nói lên suy ngẫm về hiện thực chính trị khách quan của một tác giả có khả năng tự nhận biết và hiểu rõ trọn vẹn – bằng trải nghiệm trực tiếp trong chính quyền Florence – rằng đạo đức tốt và chính danh chẳng đủ để giúp bạn dành và duy trì được quyền lực thực sự. Do đó, Machiavelli cố gắng học hỏi và truyền lại những tri kiến ông có được về sự cai trị bằng quyền lực chính trị. Đối với Machiavelli, quyền lực quyết định đạng thức hoạt động chính trị, và do đó bất kỳ một người cai trị thành công nào cũng cần phải biết cách thức quyền lực được sử dụng ra sao. Machiavelli tin rằng chỉ bằng cách áp dụng hợp lý quyền lực, các cá nhân sẽ tuân thủ và người cai trị mới có thể duy trì được nhà nước trong hoà bình và trật tự.
Lý thuyết chính trị của Machiavelli minh thị một nổ lực hài hoà để loại bỏ các vấn đề về quyền hành và tính hợp pháp khỏi quá trình thảo luận về các quyết định và phán xét mang tính chính trị. Chưa từng thấy ở đâu điều này hiện ra rõ hơn là từ cách ông xử lý mối quan hệ giữa luật pháp và hành pháp. Machiavelli thừa nhận rằng luật pháp tốt và hành pháp tốt cấu thành nên hai nền tảng song song của một hệ thống chính trị có trật tự tốt. Nhưng ông cũng ngay lập tức bổ sung rằng bởi vì quyền lực thuộc về kẻ mạnh và có quyền lực thì có tính hợp pháp, cho nên ông sẽ tập trung công sức vào phân tích hành pháp. Ông viết, “Bởi vì chẳng thế có luật pháp tốt mà thiếu đi hành pháp tốt, do đó tôi sẽ không xem xét luật pháp mà chỉ bàn về hành pháp thôi” (Machiavelli 1965, tr.47). Nói một cách khác, tính hợp pháp của luật pháp phụ thuộc hoàn toàn vào sự đe doạ bằng đàn áp hành pháp; quyền hành sẽ không thể có được một cách độc lập tách rời khỏi quyền lực thực thi nó. Do đó, Machiavelli đi đến kết luận rằng nỗi sợ luôn được ưu ái hơn so với tình yêu trong việc cai trị, điều này cũng giống như bạo lực và dối trá luôn được ưu tiên hơn so với tính hợp pháp trong việc kiểm soát xã hội một cách hiệu quả. Machiavelli nhận thức rõ ràng được rằng “con người nói chung đều có đặc điểm sau: họ vô ơn, bất trung, không thành thật, lựa lọc, sợ hiểm nguy và tham lợi…Tình yêu là một sự kết dính bởi nghĩa vụ nhưng những sinh vật khốn khổ này sẽ phá vỡ sự kết dính đó bất kỳ lúc nào phù hợp với họ; nhưng nỗi sợ lại đoàn kết họ một cách nhanh chóng bởi nỗi sợ bị trừng phạt không bao giờ biến mất” (Machiavelli 1965, tr.62).
Tức là, mọi người chỉ tuân theo vì họ sợ những hậu quả của việc không làm như vậy, cho dù đó là vì sợ mất mạng hay mất các đặc quyền. Và tất nhiên, quyền lực một mình không thể trói buộc một người vào các nghĩa vụ, vì nghĩa vụ ngầm định rằng họ không thể làm gì khác. Con người chỉ tuân thủ đơn thuần vì sức mạnh tuyệt đối của nhà nước. Nếu một người tuân thủ chấp hành một luật nào đó cụ thể, thì điều thực sự khiến họ chấp hành là bởi vì hoặc là nỗi sợ trước sức mạnh của nhà nước hoặc trước pho diễn trực tiếp của sức mạnh đó. Chính quyền lực được thực thi mới là yếu tố quyền định cuối cùng cho những lựa chọn khác nhau mà một người có thể đưa ra; một người chỉ có thể lựa chọn không tuân thủ nếu anh ta có đủ quyền lực để kháng cự yêu cầu của nhà nước hoặc anh ta sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của quyền hành pháp đến từ quyền lực tuyệt đối của nhà nước. Lập luận của Machiavelli trong Quân vương được thiết kế nhằm chỉ ra rằng chính trị chỉ có thể được định nghĩa một cách chặt chẽ ở khía cạnh của tính tối cao của quyền lực trấn áp; quyền hành với vai trò như là một quyền điều phối không có chỗ đứng độc lập. Ông củng cố nhận định này bằng các hoạt động chính trị cụ thể cũng như các hoạt động đời sống thường nhật, và các lập luận làm sáng tỏ bản chất vị kỷ trong mọi hành vi của con người. Theo Machiavelli, thật là vô nghĩa và vô ích khi bàn về quyền hành và quyền điều phối khi chúng bị tách rời khỏi quyền lực chính trị tuyệt đối. Người nắm giữ quyền hành mà chỉ dựa vào các đặc quyền đó thôi thì chắc chắn sẽ thật bại bởi chính các đặc quyền đó, bởi vì trong cuộc chiến chính trị dữ dội và lộn xộn, những người coi trọng quyền lực dễ thành công hơn so với những người chỉ coi trọng quyền hành.
Không có trường hợp ngoại lệ, quyền hành của nhà nước và luật pháp của nó sẽ không bao giờ được công nhận nếu chúng không được hỗ trợ bởi sự phô diễn quyền lực, một thứ khiến cho không ai có thể thoát khỏi được sự tuân thủ. Các phương pháp để đạt được sự tuân thủ rất đa dạng, và phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn của vị quân vương. Do đó, một người cai trị thành công cần được rèn luyện đặc biệt.
 

  1. Quyền lực, Tố chất, và Gia tài

Machiavelli đưa cho độc giả một tầm nhìn về một sự cai trị chính trị mà không bị các ảnh hưởng mang thiên hướng đạo đức thừa thải và hoàn toàn nhận thức được các nền tảng chính trị trong việc thực thi quyền lực một cách hiệu quả. Thuật ngữ mô tả tốt nhất tầm nhìn của Machiavelli về yêu cầu để nắm được quyền lực chính trị đó chính là tố chất. Trong khi trong tiếng Ý, tố chất được viết là virtù, thì khi được dịch sang tiếng Anh, nó được viết là virtue, và thông thường virtue chỉ biểu hiện một khái niệm truyền thông về đạo đức tốt mà thôi, Machiavelli rõ ràng muốn nối tới một nghĩa khác nhiều khi ông bàn tới tố chất của một bậc quân vương. Cụ thể, Machiavelli sử dụng ý niệm tố chất để ám chỉ tới một loạt các phẩm chất cá nhân mà một vị quân vương sẽ thấy cần thiết và phải sở hữu nhằm “duy trì chính quyền” và “lập được nhiều kỳ công,” hai thứ đánh dấu quyền lực thực sự đối với Machiavelli. Điều này đã làm sáng rõ như ban ngày một điều đó là chẳng có sự giống nhau giữa tố chất nói chung và tố chất kiểu Machiavelli. Machiavelli kỳ vọng các bậc quân vương phải là những người có các đức hạnh cao nhất để có khả năng hành xử trong các điều kiện tồi tệ nhất mà chắc chắn hoàn cảnh sẽ đưa đẩy tới. Bởi hoàn cảnh cai trị chính trị thì luôn luôn tồn tại những hành vi độc ác mà một vị quân vương phải dùng tới để đạt mục đích của mình. Ý tưởng của Machiavelli về một con người có tố chất có thể được tóm lược bởi lời khuyên của ông rằng trên tất thảy một vị quân vương phải có được “tính khí mềm dẻo.” Một kẻ cai trị như vậy luôn phù hợp với vị trí cầm đầu, theo quan điểm của Machivielli, bởi hắn ta có khả năng thay đổi hành vi của hắn từ tốt sang xấu và ngược lại khi “điều kiện và hoàn cảnh áp đặt” (Machiavelli 1965, tr66). Chẳng trùng hợp chút nào khi Machiavelli đồng thời sử dụng ý niệm “tố chất” trong cuốn sách “The Art of War” (Binh pháp) của ông ta để mô tả năng lực chiến lược của một vị tướng có khả năng thích nghi với sự thay đổi của hoành cảnh chiến đấu. Machiavelli nhận thấy chính trị chẳng qua cũng chỉ là một chiến trận ở một phạm vi khác mà thôi. Do đó, một vị quân vương cũng phải giống như một vị tướng quân cần có một tố chất, đó là biết chiến lược hay kỹ thuật thào phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Do đó, một kẻ cai trị có tố chất phải có lăng lực trong việc thực thi quyền lực; để sở hữu tố chất đó cần phải thuần thục mọi nguyên tắc thực hành hiệu quả quyền lực. Tố chất là mấu chốt để có được thành công chính trị, còn đạo đức truyền thống mà những triết gia thông thường hay rao giảng không thể tạo ra được một kẻ cai trị thành công.
Mối liên hệ nào xuất hiện giữa tố chất và việc thực hiện quyền lực một cách hiệu quả theo quan điểm của Machiavelli? Câu trả lời nằm ở một ý niệm trọng tâm khác của Machiavelli, đó chính là Fortuna (trong tiếng Anh là fortune, dịch ra tiếng Việt là cái định mệnh). Cái định mệnh là kẻ thù của trật tự chính trị, mối đe doạ sau chót đối với sự an toàn và an ninh của nhà nước. Cái định mệnh ở đây không phải là một vị thần vô hại, chỉ đơn thuần là nguồn gốc của cả thiện tính và ác tính của con người, mà Cái định mệnh trong quan niệm của Machiavelli là nguồn gốc không thể thoả hiệp và hiểm ác của sự đau khổ, tai ác và thảm hoạ mà con người phải gánh chịu. Trong khi vị thần Fortuna có thể chịu trách nhiệm cho những thành công mà con người đạt được, chẳng ai có thể hành động một cách hiệu quả khi đối đầu trực tiếp với nữ thần này (Machiavelli 1965, tr47-408).
Các bàn luận nổi tiếng nhất của Machiavelli về Fortuna xuất hiện ở Chương 25 của cuốn Quân vương, mà trong đó ông đã đề xuất hai sự tương xứng để hiểu về hoàn cảnh con người khi phải đối mặt với các sự kiện. Đầu tiên, ông khẳng định rằng cái định mệnh giống như “một trong số những con sông hung dữ nhất, khi nó tức giận thì nó biến cánh đồng thành hồ, cuốn phăng những cây cối bên đường và nhà cửa, dịch chuyển đất từ nơi này sang nơi khác; ai ai cũng phải chạy lũ; mọi người khuất phục trước sự giận giữ của nó và chẳng nơi nào có thể kháng cự nó được.” Thế nhưng sự tàn bảo của con sông hung dữ đó không đồng nghĩa với việc sự tàn phá của nó vượt quá phạm vi kiểm soát của con người: trước khi mưa tới, con người hoàn toàn có khả năng dự đoán và thực hiện các hành động phòng ngữa nhằm tránh được những thiệt hại thảm khốc nhất. “Điều tương tự xảy đến khi bàn về Fortuna,” Machiavelli nhận thấy, “nữ thần này sẽ chỉ phô trương sức mạnh ở những nơi mà tố chất lãnh đạo và trí tuệ không được dùng để cầm cự cô ta” (Machiavelli 1965, tr90). Cái định mệnh có thể được con người chinh phục, nhưng chỉ trong những hoàn cảnh “tố chất và trí tuệ” được chuẩn bị kỹ càng cho cái sự đổ bộ không thể tránh khỏi của cô ta mà thôi.
Machiavelli củng cố mối liên hệ giữa Fortuna với sức mạnh mùa quáng của tự nhiên bằng cách giải thích rằng sự thành công chính trị phụ thuộc vào sự trân trọng các nguyên tắc vận hành của Fortuna. Kinh nghiệm của bản thân ông đã dạy ông rằng “thà mạnh mẽ và dữ dội còn hơn cẩn thận và cầu toàn, bởi vì Fortuna là một phụ nữ và cần phải đánh đập thì mới có thể kiểm soát được cô ta.” Nói một cách khác, Fortuna đòi hỏi các phản hồi mang tính bạo lực từ những người muốn kiểm soát cô ta. “Cô ta thuường chịu khuất phục bởi những kẻ sử dụng các biện pháp vũ lực như vậy hơn là bởi những kẻ hành động một cách lạnh nhạt,” Machiavelli viết tiếp, “do đó, bởi vì cô ta là một phụ nữ, cô ta sẽ luôn luôn là bạn bè với những chàng trai trẻ bởi họ ít cẩn thận, bốc đồng và có nhiều gan kiểm soát cô ta hơn” (Machiavelli 1965, tr92). Hành vi phóng đãng của Fortuna đòi hỏi một phản hồi quyết liệt, thậm chí bạo lực, nếu không cô ta sẽ lợi dụng và thao túng những kẻ quá mệt mỏi hoặc quá “si mê” và không có khả năng kiểm soát cô ta.
Những nhận xét của Machiavelli về Fortuna hướng tới các kết luận quan trọng về Fortuna và vị trí của cô ta trong vũ trụ tri thức của ông. Qua các văn bản ông viết, Fortuna đã được mô tả như một nguồn gốc chính của bạo lực (đặc biệt là bạo lực ảnh hưởng trực tiếp lên con người) và là thành phần đối chọi lại với lý trí. Do đó, Machiavelli rút ra kết luận rằng chỉ có thể bằng sự chuẩn bị kỹ càng trong việc đáp trả lại cơn thịnh nộ của Fortuna mới có thể đảm bảo được chiến thắng trước cô ta. Đây chính là nơi tố chất lãnh đạo đóng vai trò quan trọng: nó mang tới khả năng phản ứng lại cái định mệnh vào bất kỳ thời điểm nào và bằng bất cứ cách nào cần thiết.
 

  1. Đạo đức, Tôn giáo, và Chính trị

Những cơ sở xây dựng nên tư tưởng của Machiavelli đã dấy lên những tranh cãi không hề nhỏ trong độc giả của ông ở thế kỷ 16, khi ông bị tuyên bố là một kẻ tay sai của Quỷ dữ, nhưng đồng thời tác phẩm của ông vẫn được đọc và áp dụng một cách thấu hiểu bởi các tác giả (các chính trị gia) đang cố gắng giải mã học thuyết về “cái lý của nhà nước” (Meinecke) 1957). Trọng tâm của tranh cãi xung quanh Machiavelli tới từ thái độ của ông về đạo đức truyền thống và chuẩn mực tôn giáo trong hành vi của con người, chủ yếu được bàn tới trong tác phẩm Quân vương. Đối với nhiều người, những lời giảng của ông đã sử dụng quan điểm phi đạo đức, hoặc chí ít là chưa có đạo đức. Thái độ thậm tệ nhất đối với Machiavelli đó là cho rằng ông là “thầy của quỷ dữ,” được trình bày qua những từ ngữ của Leo Strauss (1957, tr9-10), dựa trên cơ sở đó là ông đã khuyên các nhà lãnh đạo bỏ qua những giá trị thông thường về công lý, ân huệ, chừng mực, trí tuệ và tình yêu đối với con dân khi được đặt bên cạnh việc sử dụng vũ lực, đe doạ hay lừa dối. Một luận thuyết mềm mỏng hơn đối với Machiavelli tới từ Benedetto Croce (1925) khi ông này nhìn nhận rằng Machiavelli đơn giản chỉ là một “người thực tế” hay một “người thực dụng” với mong muốn ủng hộ sự gỡ bỏ những thứ luân lý tầm thường ra khỏi các vấn đề chính trị. Các giá trị đạo đức không có chỗ đứng khi phải đưa ra các quyết định quan trọng mà các chính trị gia phải làm, và nếu suy nghĩ khác đi thì sẽ rơi ngay vào một sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề phân loại một cách khoa học giữa chính trị học và đạo đức học. Một luận thuyết yếu hơn tới từ Ernst Cassirer (1946) khi ông ta cho rằng Machiavelli đơn giản chỉ đang đứng ở góc độ một nhà khoa học – một dạng “chính trị học kiểu Galileo” – trong việc phân biệt rõ ràng giữa các “sự việc” chỉ liên quan tới chính trị với các “giá trị” chỉ liên quan tới phán xét về đạo đức. Do đó, Machiavelli đã trở thành cha đẻ của khoa học chính trị “hiện đại”, khác với mô hình khoa học chính trị cổ điển kiểu thói quen hành vi thiên về phẩm chất mà Aristotle đã đưa ra. Và có lẽ luận thuyết nhã nhặn nhất đã được đề xướng bởi Quentin Skinner (1978) khi ông ta cho rằng các quyết định của một người cai trị nếu bị đánh giá là tàn bạo thì có lẽ đó là lựa chọn “tốt ở mức thấp nhất”. Khi tập trung vào luận điểm được đưa ra trong Quân vương rằng một lãnh đạo của nhà nước cần phải làm điều tốt nếu có thể, nhưng phải chuẩn bị tâm trí sẵn sàng để làm điều xấu nếu anh ta phải làm (Machiavelli 1965, 58), Skinner đã tranh luận rằng Machiavelli coi trọng việc tuân thủ các nguyên tắc của xã hội hơn là những phẩm chất đạo đức mà suy cho cùng chẳng có liên quan gì tới tính hiệu quả của một quyết định mang tính chính trị.
Ở một góc nhìn khác, hoàn toàn tương phản với các hướng suy diễn ở trên, các độc giả của Machiavelli lại thấy tư tưởng của ông chẳng hề phi đạo đức chút nào. Jean – Jaques Rousseau từ lâu đã cho rằng bài học thật sự của Quân vương là dậy ngươi ta sự thật về cách thức mà các quân vương hành xử và từ đó lật tẩy, thay vì khen ngợi, tính phi đạo đức của sự cai trị của một kẻ độc tài. Nhiều phiên bản khác nhau của luận điểm này đã được lan truyền gần đây. Một số học giả khác như Garrett Mattingly (1958) đã ca ngợi Machiavelli là một đỉnh cao của châm biếm, với việc lật tẩy các hành vi ngu ngốc hoặc khía cạnh kém cỏi của các quân vương cũng như các cố vấn của họ. Việc Machiavelli sau này viết những kịch bản hài khá nổi tiếng đã được trích dẫn như là bằng chứng nhằm hỗ trợ luận điểm cho rằng ông là một người châm biếm đỉnh cao. Do đó, chúng ta không nên xem những gì Machiavelli nói về đạo đức một cách đơn giản ở bề nổi, mà thay vào đó chúng ta nên nhìn nhận những luận điểm ông đưa ra như những xã luận hài hước một cách sắc xảo. Và xa hơn nữa, Mary Deitz (1986) đã khẳng định rằng mục đích của Machiavelli đã được thúc đẩy bởi mong muốn “bẫy” vị quân vương kia bằng cách đưa cho hắn ta một lời khuyên được gọt giũa một cách cẩn thận (ví dụ như cung cấp vũ khí cho người dân) được thiết kế nhằm kiềm chế kẻ cai trị kia nếu những lời khuyên này thực được sử dụng một cách nghiêm túc và làm theo.
Một loạt các quan điểm tồn tại liên quan tới thái độ của Machavelli với tôn giáo nói chung, và đặc biệt là đối với Công giáo. Machiavelli không hề thiện chí với Nhà thờ Công giáo mà ông biết. Tác phẩm Discourses đã thể hiện rõ ràng rằng Công giáo truyền thống tước đoạt dần dần của con người đi phần ý chí cần thiết để có thể tham gia vào hoạt động dân sự một cách tích cực (Machiavelli 1965, tr228-229, tr330-331). Và tác phẩm Quân vương cũng bàn một cách công bằng vừa khinh miệt và khâm phục tình trạng đương đại của Giáo hội và Giáo hoàng (Machiavelli 1965, tr29, tr44 – 46, tr65, tr91). Nhiều học giả đã lấy ví dụ này nhằm chứng minh rằng Machiavelli bản thân là một người phản đối Công giáo một cách sâu sắc, ưa thích các tôn giáo địa phương của các xã hội cổ đại như Rome hơn, loại tôn giáo mà ông xem là phù hợp hơn với một thành phố được . Anthony Parel (1992) cho rằng vũ trụ quan của Machiavelli có nguồn gốc từ thời kỳ trước Công giáo. Đối với những học giả khác, Machiavelli có thể được nhìn nhận như một người mộ đạo truyền thống, sẵn sàng
 

  1. Nhà nước và Quân vương: Ngôn ngữ và Ý niệm

Machiavelli cũng đã được công nhận (gần đây nhất là bởi Skinner vào năm 1978) là người đầu tiên đưa ra “ý niệm hiện đại về nhà nước,” được hiểu theo trường phái Weber rộng về một dạng thức cai trị không mang tính cá nhân và độc chiếm quyền lực cưỡng ép bên trong môt bộ ranh giới khu vực. Chắc chắn, thuật ngữ lo stato xuất hiện một cách rộng rãi trong các tác phẩm của Machiavelli, đặc biệt là trong Quân vương, ở khía cạnh quan hệ với việc chiếm hữu và áp dụng quyền lực ở nghĩa cưỡng ép, điều này khác với nghĩa của thuật ngữ status trong tiếng Latin (điều kiện hay trạng thái). Hơn nữa, các học giả trích dẫn sự ảnh hưởng của Machiavelli trong việc định hình các tranh luận hiện đại buổi ban đầu xung quanh “cái lý của nhà nước” – một luận thuyết cho rằng cái tốt của nhà nước bản thân nó được đặt lên trên hết mọi khía cạnh khác, dù đó là đạo đức hay sự ấm no của người dân – bằng danh hiệu nhà lý thuyết về nhà nước mà ông đã được những học giả đương thời hoặc ngay sau đó trao tặng (Meineke 1957). Tên và luận thuyết của Machiavelli đã được sử dụng một cách rộng rãi để biện minh cho sự ưu tiên đối với các lợi ích của nhà nước trong thời kỳ quân chủ chuyên chế.
Vậy nhưng, như Harvey Mansfield (1996) đã chỉ ra, đọc kỹ cách sử dụng lo stato trong Quân vương của Machiavelli và một vài chỗ khác không hề củng cố cho cách diễn giải này. “Nhà nước” của Machiavelli vẫn chỉ là một di sản cá nhân mà thôi, tương tự với ý niệm dominium thời trung cổ với nghĩa là nên tảng của cai trị. (Dominium là một thuật ngữ Latin mà có thể dịch là “sở hữu cá nhân” hoặc “cưỡng ép chính trị.”) Do đó, “nhà nước” luôn được sở hữu bởi bất kỳ quân vương nào có quyền kiểm soát nó. Thêm nữa, đặc tính của quản trị được xác định bởi các chất lượng và tố chất của người cai trị – do đó, sự nhấn mạnh của Machiavelli vào tố chất như một điều kiện không thể thiếu của một quân vương thành công. Những khía cạnh này của sự áp dụng lo stato trong Quân vương làm giảm bớt “tính hiện đại” của ý tưởng của Machiavelli. Xét cho cùng thì Machiavelli chỉ là một nhân vật quá độ trong quá trình ngôn ngữ về nhà nước trỗi dậy trong châu Âu hiện đại thời kỳ đầu, Mansfield đã kết luận như vậy.
Một nhân tố khác cần phải được ghi nhớ khi đánh giá tính khả dụng nói chung của lý thuyết của Machiavelli trong Quân vương xuất phát ngay trong chính hoàn cảnh mà ở đó vị quân vương sở hữu tố chất kiểu Machiavelli thực hiện. Một quân vương kiểu như vậy phải nắm quyền lực trong tay không phải do thừa kế từ hoàng gia hoặc do đám đông hỗ trợ, mà chỉ đơn thuần tới từ năng lực của anh ta, kỹ năng, tài năng hoặc sức mạnh của anh ta (tất cả những gì có thể được hiểu là tố chất). Do đó, quân vương kiểu Machiavelli không thể dựa vào các cấu trúc hợp pháp hoá đã tồn tại từ trước, như đã đề cập ở trên. Thế thì, để có thể “duy trì được nhà nước của anh ta,” anh ta chỉ có thể trông chờ vào khả năng của chính anh ta trong việc điều phối cách sử dụng quyền lực và thiết lập quyền cai trị của anh ta. Đây là một vị trí mong manh, bởi Machiavelli nhấn mạnh rằng sự quậy phá của cái định mệnh và những âm mưu của những con người khác luôn khiến cho quân vương bị rủi ro mất nhà nước của mình. Ý tưởng về một thể chế mang tính hợp hiến và ổn định và phản ánh tinh thần chung của tư tưởng chính trị hiện đại (và cả trong thực tế) chưa hề thấy trong ý niệm về một chính phủ kiểu quân vương của Machiavelli.
Thực vậy, một người có thể thắc mắc liệu Machiavelli, khi xem xét mọi khả năng thực tế có thể xảy ra, có thực sự tin rằng một vị quân vương có đủ tố chất mà Machiavelli mong muốn có thật sự tồn tại. Ông ta thi thoảng có vẻ tưởng tượng rằng một vị quân vương thành công cần phải phát triển một tâm lý khác biệt hoàn toàn đối với những kiểu tâm lý thường thấy ở loài người, có thể kể ra như “vị quân vương này” phải “được chuẩn bị sẵn sàng thay đổi hành vi của anh ta khi điều kiện thực tế và khó khăn rằng buộc anh ta nhưng …anh ta không được làm điều sai trái nếu có thể, nhưng lại có năng lực dấn thân vào con đường sai trái khi cần thiết” (Machiavelli 1988, tr62). Sự mềm dẻo này mang tới trọng tâm của lời khuyên “có tính thực dụng” mà Machiavelli đưa cho các quân vương đang tìm kiếm cách thức duy trì quyền lực: không bỏ qua bất kỳ một loại hành động nào, mà luôn sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành vì nào cần thiết để đối phó với các hoàn cảnh chính trị. Tuy nhiên, bản thân Machiavelli cũng đã nghi ngờ một cách rõ ràng về việc con người có đủ năng lực tâm lý để tạo ra được những hành động có tính linh hoạt như vậy hay không. Dù cho rất nhiều ví dụ lịch sử mà ông đã đưa ra, không một vị quân vương nào có thể xứng với vị quân vương lý tưởng mà Machiavelli đã dựng nên để có thể kiểm soát cái định mệnh một cách hoàn toàn. Thay vào đó, các ví dụ về các quân vương thành công mà ông đưa ra chỉ hướng tới hoàn cảnh mà một vị quân vương đã hợp thời mà nếu vị quân vương ấy vẫn hành động theo thói quen (như trường hợp của Giáo hoàng Julius II) thì sự thay đổi trong hoàn cảnh sẽ lật đổ anh ta thôi (Machiavelli 1965, tr92). Thậm chí Hoàng đế Severus, người có các kỹ thuật được Machiavelli tán dương, đã thành công chỉ bởi vì ông ta đã áp dụng “các hành vi cần thiết để thiết lập quyền lực cho bản thân”; anh ta, tuy vậy, không hề được lấy làm gương một cách phổ quát (Machiavelli 1965, tr73). Đánh giá của Machiavelli về xác suất tạo ra một kiểu cá tính mới, linh hoạt trong tâm lý được bảo vệ một cách vô cùng nghiêm ngặt, và thường có xu hướng được viết ở dạng câu điều kiện trong thức giả thiết: “Giá mà ai đó có thể thay đổi bản chất của mình để hợp thời thế, kẻ đó chắc có lẽ luôn thành công” (Machiavelli 1965, tr91). Những nhận định như vậy của Machiavelli chắc hẳn khiến chúng ta phải thắc mắc liệu lời khuyên của ông về việc các quân vương phải đạt được những tố chất mà chúng phải thay đổi theo hoàn cảnh có thực sự “thực tiễn” (thậm chí ngay trong suy nghĩ của chính Machiavelli) nhưng ông đã khẳng định hay không.
 

  1. Tác phẩm Discourses on Livy (Các đàm luận về Livy): Tự do và Xung đột

Trong khi Quân vương (The Prince) chắc chắn là tác phẩm phổ biến rộng rãi nhất của Machiavelli thì Các đàm luận về mười cuốn sách của Titus Livy có lẽ lại là tác phẩm thể hiện chân thực nhất những kỳ vọng chính trị và bổn phận cá nhân của Machiavelli nói chung, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với nền cộng hòa. Các đàm luận hẳn được rút ra từ cùng một thứ ngôn ngữ và hệ tư tưởng đã tạo lên Quân vương, thế nhưng luận thuyết đầu lại đưa chúng ta đến với những kết luận khá khác biệt – nhiều học giả còn cho rằng nó mẫu thuẫn – với cái sau. Cụ thể, qua cả hai tác phẩm, Machiavelli phân biệt một cách nhất quán và rõ ràng giữa một quan niệm cục bộ và một quan niệm đầy đủ về trật tự “chính trị” hay “dân sự”, và từ đó kiến tạo lên một hệ thống cấp bậc thuộc về các thái cực mà trong đó bao gồm cả đúc kết cuộc đời mình. Một trật tự hiến pháp tối thiểu là cái mà các chủ thể trong đó được bảo vệ (vivere sicuro), được dẫn dắt bởi một nhà nước hùng cường kiểm soát được tham vọng của cả đám quý tộc lẫn dân thường, nhưng lại dần bị giám sát bởi các cơ chế luật pháp và cơ quan khác. Tuy nhiên, trong một chế độ hiến pháp hoàn chỉnh thì mục tiêu mà trật tự chính trị hướng đến là sự tự do cho cộng đồng (vivere libero), được tạo ra nhờ vào sự tham gia chủ động và sự đấu tranh giữa quý tộc và thường dân. Như Quentin Skinner (tr202, tr189-212) bàn luận, tự do tạo ra một giá trị neo giữ học thuyết chính trị của Machiavelli cũng như dẫn dắt những đánh giá của ông tương thích với các kiểu chế độ cai trị khác nhau. Chỉ ở trong một nền cộng hòa, mà đối với nó Machiavelli thể hiện sự ưu tiên đặc biệt, thì mới đạt được mục tiêu này.
Machiavelli thừa nhận quan điểm này trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tế. Suốt thời gian làm việc trong vai trò một thư ký kiêm nhà ngoại giao trong nền cộng hòa Florentine của mình, Machiavelli đã thu được rất nhiều kinh nghiệm về vận hành trong nội bộ chính phủ Pháp – cái đã trở thành hình mẫu cho chính trị “an toàn” (nhưng không tự do) của ông. Mặc dù Machiavelli đưa ra tương đối ít nhận xét về nền quân chủ Pháp trong Quân vương, song ông lại dành nhiều sự quan tâm đến nước Pháp trong cuốn Đàm luận này.
Tại sao Machiavelli lại tán dương (thậm chí là phân tích) nền quân chủ cha truyền con nối trong một tác phẩm được cho là được viết ra để cổ vũ cho sự lớn mạnh của các nền dân chủ? Câu trả lời xuất phát từ mục đích của Machiavelli nhằm làm tương phản viễn cảnh tốt đẹp nhất của một nền quân chủ với sự thành lập và tổ chức của một nền cộng hòa. Thậm chí ngay cả với một nền quân chủ xuất sắc bậc nhất, từ góc nhìn của Machiavelli, vẫn còn thiếu sót các phẩm chất quan trọng nhất định – cái là đặc trưng để cấu thành chính phủ cộng hòa và cũng là cái làm cho hiến pháp của chính phủ cộng hòa thỏa đáng hơn so với quân chủ.
Machiavelli khẳng định rằng phẩm chất tốt đẹp nhất của nền quân chủ Pháp và vị vua của nó là thượng tôn pháp luật. “Luật pháp vận hành nước Pháp nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia đương thời nào mà chúng ta biết đến,” Machiavelli khẳng định (Machiavelli 1956, tr314). Để giải thích cho điều này, Machiavelli xem xét đến chức năng của Pháp viện tối cao. “Nước Pháp,” ông tuyên bố, “sống dưới luật lệ và quy định nhiều hơn bất kỳ đất nước nào. Những điều luật và quy định được duy trì bởi Pháp viện tối cao, nổi bật nhất là ở Paris: bởi Pháp viện tối cao Paris có thể thay đổi các đạo luật nhằm gây bất lợi cho một quân vương hoặc có chứa những câu quy tội cho đức vua khi nó cần chống lại vua Pháp. Và cho đến nay tự thân nó vẫn đang được duy trì bởi việc trở thành một thiết chế thực thi một cách kiên định chống lại giới quý tộc.” (Machiavelli 1965, tr422). Những đoạn này trong cuốn Đàm luận dường như đề xuất rằng Machiavelli dành cho hệ thống tổ chức được áp dụng ở Pháp sự ngưỡng mộ sâu sắc. Rõ ràng, vua Pháp và giới quý tộc, những người sở hữu quyền lực như vậy sẽ có khả năng đàn áp dân chúng, đang bị giám sát bởi luật pháp – cái được bảo hộ bằng một quyền hạn độc lập của Pháp viện tối cao. Từ đó giới hạn một cách đáng kể nguy cơ xuất hiện hành vi bạo ngược không kiểm soát, tạo ra nền dân chủ ôn hòa và “dân sự.”
Tuy nhiên, với một thể chế như vậy, thì dù có trật tự và luật lệ tốt tới đâu vẫn không thích hợp với vivere libero (cuộc sống tự do). Bàn về khả năng một quân vương đáp ứng nguyện vọng tự do của dân chúng, Machiavelli nhận định như sau “miễn là… người dân khát khao giành lại sự tự do của mình, thì một vị quân vương không có khả năng thỏa mãn thần dân của mình, phải xem xét lại lý do khiến họ mưu cầu sự tự do.” (Machiavelli 1965, tr237). Ông kết luận là có một vài cá nhân muốn tự do đơn giản chỉ là để sai khiến kẻ khác; một số ít những người này, Machiavelli tin rằng, có thể bị diệt trừ hoặc mua chuộc bằng tước hiệu. Ngược lại, phần nhiều trong số họ hoang mang với sự tự do đi kèm an ninh, họ tưởng rằng tự do chính là an ninh: “Tuy nhiên tất cả những người khác, số này nhiều không đếm được, lại ao ước tự do để sống yên phận (vivere sicuro)’’ (Machiavelli 1965, tr137). Dẫu đức vua không đem đến cho đám đông tự do như vậy, thì ông ta cũng đem đến cho họ sự yên ổn mà họ khẩn cầu:
Với số còn lại, những người sống một đời yên ổn (vivere sicuro), thì việc đặt ra các mệnh lệnh và luật lệ dễ thỏa mãn được họ, cùng với quyền lực của nhà vua, quân vương cũng phải nhận thức được một cách thấu đáo về sự yên ổn cho thần dân của mình. Và khi một quân vương làm được điều này, cũng như khi người dân thấy được rằng ông ta không bao giờ phá vỡ những luật lệ như thế, thì họ sẽ chóng bắt đầu sống an phận (vivere sicuro) và thấy thỏa mãn (Machiavelli 1965, tr237).
Machiavelli sau đó áp dụng trực tiếp nguyên tắc cơ bản này vào trường hợp của nước Pháp mà nhận xét rằng “người dân sống an phận (vivere sicuro) không vì lý do nào khác hơn là các quân vương của họ bị trói buộc vào những luật lệ mà trong đó an toàn cho người dân được nhìn nhận thấu đáo” (Machiavelli 1965, tr237). Tính thượng tôn pháp luật của thể chế cai trị nước Pháp đảm bảo được an toàn, nhưng sự an toàn đó, dù đáng ao ước ra sao, cũng không bao giờ nên bị nhầm lẫn với tự do. Đây là mặt hạn chế của nguyên tắc quân chủ: ngay cả vương quốc hùng cường nhất cũng chẳng làm được gì hơn là đảm bảo cho dân chúng của mình sống yên ổn và phục tùng nhà nước.
Machiavelli đã nắm được một trong những hệ quả mà vivere sicuro như vậy đem lại, đó là sự lơ là phòng bị của dân chúng. Ông nhận xét rằng bất kể “vương quốc của ngài giàu đẹp đến đâu,” thì vua Pháp “cũng chỉ là một chư hầu phải cống nạp” cho các thế lực đánh thuê ngoại bang.

Tất cả những điều này xuất phát từ việc nhà vua để dân chúng của mình lơ là phòng bị và ưa thích… việc hưởng thụ món lợi ích trước mắt có thể vơ vét ngay được từ dân thường cũng như đề phòng cái tưởng tượng ra hơn là hiểm họa thực sự, thay vì làm những việc đảm bảo được cho dân chúng và quốc gia của mình phồn thịnh. Sự hỗn loạn này, nếu nó tạo ra những khoảng lặng trước cơn bão, thì rồi cũng sẽ gây ra cảnh túng quẫn, thiệt hại và tàn phá không thể bù đắp được (Machiavelli 1965, tr410).

Một quốc gia mà ưu tiên cho an ninh thì không có khả năng trang bị vũ khí cho dân chúng của mình, vì sợ rằng dân chúng sẽ dùng vũ khí của họ chống lại giới quý tộc (hoặc có thể là nhà vua). Chính bởi lẽ, đó thể chế cai trị ấy cũng bị suy yếu theo cách khó vãn hồi, vì buộc phải phụ thuộc vào ngoại bang để chiến đấu. Trong trường hợp này, kết quả không thể tránh khỏi là bất kỳ nhà nước nào lấy vivere sicuro làm mục tiêu đều tạo ra một lớp dân chúng thụ động và bất lực. Theo nghĩa này, một xã hội giống vậy không bao giờ có thể tự do theo như quan điểm của Machiavelli về vivere libero, và vì thế chính trị hoặc dân sự chỉ ở mức tối thiểu chứ không phải toàn diện.
Minh chứng cho cách diễn giải về những hạn chế trong chế độ quân chủ của Machiavelli có thể được tìm thấy trong phần luận bàn chi tiết hơn của ông về giải trừ quân bị của dân chúng, và những ảnh hưởng của nó, trong The Art of War (Binh pháp). Để trả lời cho câu hỏi liệu dân binh có thích hợp hơn một đội lính đánh thuê hay không, Machiavelli khẳng định rằng sự tự do của một quốc gia phụ thuộc vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu của quân đội mà nó sở hữu. Thừa nhận rằng “đức vua [của nước Pháp] giải trừ quân bị thần dân của mình để có thể cai trị họ dễ dàng hơn,” Machiavelli vẫn kết luận “chính sách đó là một khuyết điểm, bởi không chú trọng đến vấn đề này là nguyên nhân khiến đất nước suy yếu.” (Machiavelli 1965, tr584, tr586-587). Từ góc nhìn của Machiavelli, bất kể những lợi ích có thể có từ việc phủ nhận vai trò vũ trang của dân chúng đều không quan trọng bằng việc không có tự do – cái cần phải song hành với sự giải trừ quân bị đó. Vấn đề không chỉ là người đứng đầu một quốc gia bị giải trừ quân bị thành nô lệ cho quân đội thiện chiến của những thế lực ngoại bang. Quan trọng hơn nữa, Machiavelli tin rằng một dân binh có trang bị vũ khí vẫn là sự đảm bảo sau chót để cả nhà nước lẫn những kẻ nắm quyền hành sẽ không đàn áp được dân chúng. “Thế nên Rome được trang bị vũ khí và tự do trong 400 năm; Sparta là 800 năm; còn nhiều thành bang không làm như vậy thì chỉ tự do trong chưa đến 40 năm.” (Machiavelli 1965, tr585). Machiavelli tự tin rằng các thị dân sẽ luôn đấu tranh cho tự do của mình – chống lại những kẻ đàn áp nội bang lẫn ngoại bang. Quả thực vậy, đây chính xác là lý do vì sao các ông hoàng nước Pháp lần lượt tước bỏ quân bị của thần dân mình: họ cố gắng duy trì an ninh và trật tự chung, tức là loại bỏ đi bất kỳ cơ hội nào cho phép dân chúng chạm được đến vũ khí. Chế độ cai trị của người Pháp, do mưu cầu an ninh cho tất cả (dân chúng lẫn các nhà cầm quyền), nên không thể thừa nhận cái mà Machiavelli cho là phương thức chính yếu của việc thúc đẩy sự tự do.
Trường hợp giải trừ quân bị là ví dụ của điểm khác biệt lớn hơn giữa các hệ thống lập hiến nhỏ như nước Pháp với những cộng đồng chính trị lớn như Cộng hòa La Mã, cụ thể là, địa vị của các tầng lớp trong xã hội. Ở Pháp, người dân nói chung bị động còn quý tộc hầu như dựa vào nhà vua, theo quan sát của Machiavelli. Ngược lại, trong một nên cộng hòa phát triển hoàn thiện như Rome, nơi tự do hết sức quan trọng, cả người dân lẫn quý tộc đều nắm giữa vài trò chủ động (và đôi lúc xung độ với nhau) trong bộ máy tự trị (McCormick 2011). Tự do của tất cả, đối với Machiavelli, phụ thuộc vào tự do của mỗi bộ phận hợp thành. Trong cuộc tranh luận nổi tiếng của mình về chủ đề này trong cuốn Các đàm luận, ông nhấn mạnh:

Với tôi, những người chỉ trích trạng thái hỗn loạn giữa quý tộc và quần chúng dường như đang tranh cãi về các nhân tố giúp Rome duy trì sự tự do… Và họ không nhận ra rằng trong mọi nền cộng hòa đều có hai khuynh hướng khác nhau, một thuộc về quần chúng và một thuộc về giới quý tộc, cũng từ sự bất đồng này các pháp chế khuyến khích cho sự tự do được ban hành (Machiavelli 1965, tr202-203).

Machiavelli biết rằng ở đây ông đang thừa nhận một quan điểm đi ngược lại số đông, bởi thường người ta đổ lỗi cho sự sụp đổ của cộng hòa La Mã là do tranh đấu phe phái dẫn đến tan rã. Tuy nhiên, Machiavelli lại tin rằng những mâu thuẫn tương tự như vậy đã tạo ra một “sức căng sáng tạo” cái khởi nguồn cho tự do của người La Mã. Đối với “những hỗn loạn mà người ta chỉ trích” đã trực tiếp hình thành nên các luật lệ tốt đẹp của Rome và tư cách đạo đức tốt đẹp cho người dân của nó (Machiavelli 1965, tr202). Do đó, “những bất hòa giữa người dân và Nguyên Lão Viện nên được xem như là một sự phiền phức cần có để Rome trở nên vĩ đại.” (Machiavelli 1965, tr211). Machiavelli nghĩ rằng các hình mẫu cộng hòa khác (như những nền cộng hòa từng được Sparta hay Venice công nhận) sẽ tạo ra các hệ thống chính trị lỏng lẻo và kém hiệu quả hơn, những hệ thống này trì trệ hoặc có khuynh hướng tan rã khi các điều kiện hoàn cảnh thay đổi.
 

  1. Tự do đại chúng và dân luận

Machiavelli tỏ ra đặc biệt tin vào khả năng của người dân trong việc góp phần thúc đẩy sự tự do chung. Trong Các đàm luận, ông gán cho đám đông khả năng tương đối phổ quát trong việc phán xét và hành động vì lợi ích chung ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, có sự đối lập rõ ràng giữa “tính cẩn trọng và kiên định” nơi các thị dân thông thường với tính tự tung tự tác vô căn cứ của quân vương. Ông kết luận đơn giản, “một cộng đồng thì thường có tính cẩn trọng, kiên định và óc phán đoán tốt hơn một ông hoàng” (Machiavelli 1965, tr316). Điều này không phải sự diễn đạt tùy hứng theo sở thích cá nhân của Machiavelli. Ông bảo lưu ý kiến rằng người dân lo lắng và sẵn sàng chiến đấu cho sự tự do nhiều hơn bất kỳ ông hoàng hay nhà quý tộc nào (Machiavelli 1965, tr204-205). Ở những nơi mà dân chúng có xu hướng nhầm lẫn giữa sự tự do với khả năng thống trị và kiểm soát giai cấp của mình, thì họ lại quan tâm nhiều hơn đến việc tự vệ chống lại sự áp bức và cho rằng bản thân họ “tự do” khi họ không bị kẻ mạnh hơn ngược đãi hay bị đe dọa ngược đãi (Machiavelli 1965, tr203). Dần dà, khi thường dân sợ hãi sự áp bức đó tấn công, họ lại nghiêng nhiều sang hướng phản đối và chống lại tự do chung. Vai trò chủ động như vậy của người dân, cần thiết để duy trì sự tự do sống còn, về cơ bản là sự đối chọi với cấu trúc cấp bậc của cơ chế lệ thuộc-và-cai trị ở các chế độ quân chủ vivere sicuro còn lại. Điều kiện tiên quyết cho vivere libero không chỉ là không ủng hộ cho an ninh – tức cái mục đích mà chế độ quân chủ lập hiến hướng tới.
Một trong những lý do chính mà an ninh và tự do, cuối cùng, vẫn không phù hợp với Machiavelli – cũng như tự do được ưu ái hơn – chắc chắn bắt nguồn từ cái tính “hoa mỹ” của chủ nghĩa cộng hòa mà ông ủng hộ. Machiavelli nhìn nhận một cách rõ ràng lời nói giống như phương thức thích hợp nhất cho việc giải quyết mâu thuẫn trong xã hội cộng hòa; thông qua Các đàm luận, tranh luận được nâng lên như là những giải pháp tốt nhất để người dân xác định được hướng hành động khôn ngoan nhất cũng như các nhà lãnh đạo có phẩm chất tốt nhất. Truyền thống của thuật hùng biện cổ điển, điều hiển nhiên ông rành rẽ, liên quan trực tiếp đến diễn thuyết với lý lẽ: sự sử dụng phù hợp của lời nói trong các lĩnh vực pháp lý và các thảo luận về thuật hùng biện là một sự sắp đặt mâu thuẫn, bởi mỗi diễn giả cố gắng thuyết phục khán giả của mình về vị thế của ông ta cũng như hạ thấp vị thế đối thủ. Chủ đề này đã được những người thực hành kỹ năng và các nhà lý luận người Italia thời nửa sau trung cổ dần đặt ra, họ nhấn mạnh rằng chủ thể chính của nghệ thuật là lite (xung đột). Do đó, sự nhấn mạnh của Machiavelli khi tranh luận như là một điều kiện tiên quyết cho sự tự do cũng phản ánh sự ưa thích tính hoa mỹ của ông (Viroli 1998). Ngược lại, các chế độ quân chủ – thậm chí cả những chế độ quân chủ lập hiến vững chắc nhất như Pháp – bác bỏ hoặc giới hạn diễn thuyết công khai, do vậy mà chúng tự đặt mình vào tình huống bất lợi thấy rõ. Thuyết phục một nhà cai trị đơn lẻ hành động theo hướng tồi tệ hoặc không suy nghĩ thấu đáo hơn là thuyết phục dân chúng. Trạng thái “hỗn loạn” có thể nhìn thấy được tạo ra bởi sự tự do thiếu chắc chắn của tranh luận công khai rốt cuộc nom giống với một quyết định tốt cho lợi ích chung hơn là cuộc trao đổi kín của tòa án hoàng gia.
Điều này liên quan đến khẳng định trong Các đàm luận rằng những nhân tố phổ biến trong cộng đồng hình thành nên sự bảo vệ tốt nhất cho tự do công dân cũng như là cái gốc chắc chắn nhất đưa đến quyết định về lợi ích chung. Sự tán dương của Machiavelli dành cho vai trò của người dân trong việc bảo vệ nền cộng hòa được củng cố bởi niềm tin của ông vào những ảnh hưởng khai sáng nói chung từ diễn thuyết đến nhóm thị dân. Gần phần mở đầu của Đàm luận, ông chú ý thấy rằng một vài người có thể phản đối sự tự do rộng rãi được người La Mã được hưởng trong việc tụ tập, kháng nghị và phủ quyết các luật lệ cũng như chính sách. Tuy nhiên, ông đáp lại rằng người La Mã có khả năng:

Duy trì sự tự do và trật tự bởi dân chúng có khả năng nhận thức được lợi ích chung khi nó được trưng ra cho họ thấy. Vào các thời đại khi thị dân La Mã tin tưởng một cách sai lầm rằng luật lệ hay thể chế được thiết kế nhằm cai trị mình, họ có thể bị thuyết phục rằng những kỳ vọng là sai lầm … [qua] cách giải quyết ở những buổi hội họp có chủ đích, mà trong đó một vài người có ảnh hưởng nổi lên và thực hiện bài diễn văn thể hiện rằng họ đang lừa dối bản thân như thế nào. Và như Tully nói, người dân, dẫu có thể ngu dốt, vẫn có thể chạm được đến sự thật, và dễ dàng thừa nhận khi nghe sự thật từ một người đáng tin cậy (Machiavelli 1965, tr203).

Nhắc đến Cicero (một phần nhỏ trong Các đàm luận) chứng thực rằng Machiavelli ghi nhớ điều này như một đặc điểm của chủ nghĩa cộng hòa cổ điển: khả năng của người dân trong việc trả lời và ủng hộ lời của một diễn giả có tài khi ông ta nói sự thật về phúc lợi công.
Machiavelli trở lại với chủ đề này và xem xét nó ở phạm vi rộng lớn hơn ở phần cuối của Đàm luận đầu tiên. Trong một chương nhằm trình bày sức mạnh của quần chúng đối với bộ máy cai trị, ông tranh luận rằng người dân được tổ chức tốt, và do vậy “khôn ngoan, đáng tin và dễ chịu,” miễn là vấn đề được diễn thuyết công khai và thảo luận trong cộng đồng. Việc trích dẫn vox populi, vox dei, Machiavelli kiên quyết rằng:
(*) vox populi, vox dei: tiếng nói của người dân là lời của Chúa.

ý kiến công chúng cực kỳ chính xác trong những sự báo trước … Đối với đánh giá của nó, khi hai diễn giả có kỹ năng tương đương nhau được nghe về việc ủng hộ những lựa chọn khác nhau, hiếm khi người ta thấy dân chúng không chấp nhận góc nhìn tốt hơn hoặc không có khả năng đánh giá độ tin cậy của điều mình nghe được (Machiavelli 1965, tr316).

Người dân không chỉ có khả năng nhận thức hướng hành động tốt nhất khi các diễn giả sắp xếp những kế hoạch tranh đua, mà trên thực tế họ còn có khả năng vượt trội hơn trong việc đưa ra những quyết định, theo quan điểm của Machiavelli, là còn hơn hẳn đám vua chúa. Ví dụ, “người dân không bao giờ bị thuyết phục rằng nên bổ nhiệm một gã đồi bại hay có những hành vi hối lộ, trong khi một ông hoàng có thể dễ dàng bị thuyết phục làm như vậy theo nhiều cách khác nhau.” (Machiavelli 1965, tr316). Tương tự như thế, nếu người dân sao nhãng khỏi việc tuân thủ luật pháp, thì họ có thể nhanh chóng bị thuyết phục quay trở lại với điều luật: “Người dân mất kiểm soát và ở trong trạng thái hỗn loạn có thể được một người có phẩm chất tốt đẹp thuyết phục và dễ quay lại con đường đúng đắn. Tuy nhiên, không ai có thể khuyên can một ông bạo chúa, và cách duy nhất cứu vãn được là bằng vũ lực… Còn để làm người dân đi đúng hướng thì chỉ cần lời nói.” (Machiavelli 1965, tr317). Có thể thấy rõ sự mâu thuẫn mà Machiavelli để tâm đến. Nền cộng hòa chịu ảnh hưởng từ ngôn từ và sự tin tưởng – tóm lại, được lèo lái bằng dân luận – gần như chắc chắn nhìn nhận ra được lợi ích chung của dân chúng; và thậm chí nếu nó đi lệch hướng, thì cách sửa chữa vẫn luôn để ngỏ để thảo luận xa hơn. Các chế độ phi cộng hòa, do bác bỏ hoặc giới hạn những lý thuyết suy luận, rốt cuộc lại dựa vào sự cai trị có tính ép buộc và chỉ có thể cải tạo bằng các biện pháp vũ lực.
 

  1. Tính cách của các nhà cầm quyền cộng hòa

Những lập luận ủng hộ cho nền cộng hoà của Machiavelli cho thấy ông hoài nghi khả năng tìm được kiểu quân vương có tố chất như ông đã trình bày trong tác phẩm The Prince của mình, và từ đó nhấn mạnh rằng không bao giờ có được một sự cai trị vững bền. Sức ảnh hưởng của lập luận kiểu nước đôi của Machiavelli giữa tính mềm dẻo cần thiết và nét tính cách kiên định tất yếu cho thấy giới hạn vốn có trong những thể chế chỉ có một kẻ cai trị. Để người đọc dễ dàng đi đến kết luận như thế là do đạo đức con người gắn chặt với nét tính cách cố định và bất biến, trong khi quyền lực của một cá nhân về bản chất lại có tính nhất thời và linh hoạt. Trong Các đàm luận, Machiavelli đưa ra một trường hợp tâm lý về những tính chất trong tính cách con người có khuynh hướng ủng hộ cho nền cộng hòa trong một công quốc, do nền cộng hòa có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện hoàn cảnh hơn là một ông vua, bởi vì dân chúng có tính đa dạng.” (Machiavelli 1965, tr253).
Machiavell minh họa cho khẳng định này bằng việc nhắc đến sự phát triển của chiến lược quân sự mà người La Mã sử dụng để chống lại Hannibal. Sau chiến thắng của vị tướng người Carthage tại Ý, người La Mã ở trong tình thế cần một người lãnh đạo có tính thận trọng – người sẽ không để các binh lính hành động một cách liều lĩnh khi chưa được chuẩn bị. Fabius Maximus nổi lên với vai trò lãnh đạo như vậy, “một vị tướng cầm chân được kẻ thù ở vùng vịnh bằng sự thận trọng và điềm tĩnh. Vả lại ông ta cũng không thể gặp được tình huống nào phù hợp với những đường hướng của mình hơn thế.” (Machiavelli 1965, tr452). Tuy nhiên, khi cần đến thế trận tiến công để đánh bại Hannibal thì người La Mã lại trao quyền lãnh đạo cho Scipio – một vị tướng có những phẩm chất hợp trong hoàn cảnh này. Cả Fabius lẫn Scipio đều không nằm ngoài “những đường hướng và tính cách của mình” (Machiavelli 1965, tr452), tuy nhiên việc Rome có thể kêu gọi được người thích hợp với từng thời điểm củng cố thêm niềm tin của Machiavelli vào sức mạnh của chế độ cộng hòa.
Nếu Fabius từng là hoàng đế La Mã, ông ta có thể dễ dàng thua trong cuộc chiến này, bởi ông ta không có khả năng thay đổi chiến thuật của mình theo tình thế. Tuy nhiên, do ông ta sinh ra trong một nền cộng hòa, nơi có nhiều kiểu người với những nét tính cách khác nhau, nên mọi sự cũng khác đi, giống như việc có một Fabius, người thích hợp nhất để kéo dài chiến tranh khi cần phải thế, thì sau đó lại xuất hiện một Scipio cho chiến thắng chung cục (Machiavelli 1965, tr452).
Các sự kiện biến chuyển đòi hỏi cách ứng phó linh hoạt, và do đó mà về mặt tâm lý thì tính cách con người không phù hợp với việc thay đổi theo thời thế, trong khi nền cộng hòa đưa ra một giải pháp thay thế hữu hiệu: con người với những phẩm chất khác nhau phù hợp với những hoàn cảnh khác nhau. Tính đa dạng của các chế độ dân chủ, cái bị những người đi trước Machiavelli phê phán, chứng tỏ là một ưu điểm lâu dài của các nền cộng hòa tại các quốc gia.
Điều này không có nghĩa là lòng tin của Machiavelli vào khả năng bù đắp lại những thiếu sót về mặt chính trị trong tính cách con người bị giảm sút. Sau tất cả, ông không giới thiệu cho chúng ta thấy cách các nền cộng hòa xác định và trao quyền cho những người lãnh đạo có phẩm chất phù hợp với hoàn cảnh. Có thể thấy được rằng tính biến đổi linh hoạt xuất hiện ở các nền cộng hòa, không những vậy để thể hiện rằng điều này là đặc trưng cần thiết hay cốt yêu của chế độ cộng hòa. Machiavelli đem đến cho chúng ta một kiểu suy rộng dựa trên quan sát và thực nghiệm, những lý thuyết nền tảng mà ông để lại chưa được khám phá. Và Các đàm luận chỉ ra rằng các nền cộng hòa có bản chất giới hạn của chính nó liên quan đến tính mềm dẻo trong ứng biến cần thiết để nắm bắt được cơ hội. Đối với những cá nhân cũng tương tự vậy, rất khó (nếu không muốn nói là bất khả thi) để thay đổi tính khí của họ, bởi vậy “những thể chế trong các nền cộng hòa không thay đổi theo thời gian… nhưng thay đổi rất chậm bởi khó mà thay đổi chúng do cần đợi tới lúc toàn bộ nền cộng hòa biến đổi; và để điều này xảy ra thì thay đổi đơn lẻ của một cá nhân là không đủ” (Machiavelli 1965, tr453). Nếu sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo là cấu trúc cố định của tính cách con người, thì sự sụp đổ của các nền cộng hòa là trung thành với việc duy trì những sắp xếp cơ cấu lỗi thời. Dù vậy thì đưa ra kỳ vọng về việc hình thành những cơ cấu cộng hòa dễ điều khiển có hợp lý hơn việc đòi hỏi tính linh hoạt trong phẩm chất cá nhân của những ông hoàng không được Các đàm luận đánh giá trực tiếp.
Do đó mà dường như Machiavelli trung thành tuyệt đối với một luận điểm cộng hòa chân thật. Nhưng làm cách nào để chúng ta thấy được điều này thống nhất với những khẳng định của ông trong cuốn Quân vương? Nó khuyến khích việc ngừng xem Quân vương như là một sự diễn đạt giả dối những góc nhìn và sự yêu thích “thật” của Machiavelli, được viết trong một thời gian ngắn nhằm chứng minh giá trị về mặt chính trị của ông với các quân vương phục vị nhà Medici tại Florence. (Điều này trái ngược với quá trình sáng tác lâu dài của Các đàm luận.) Tuy nhiên, Machiavelli chưa bao giờ chối bỏ Quân vương, và thật sự nhắc đến nó trong Các đàm luận theo cách ngầm coi chúng đi liền với nhau. Dù đã có nhiều tranh cãi xem Machiavelli là một người bạn đáng tin cậy của các đức ông hoàng và những tên bạo chúa hay của các nền cộng hòa, và từ đó chúng ta nên bỏ qua khía cạnh này hay khía cạnh kia trong tác phẩm của ông như là tính lệ thuộc hoặc ngoại vi, những câu hỏi tựa hồ không thể giải đáp. Mark Hulliung cho rằng “cả hai” khía cạnh của Machiavelli đều cần được xem ngang nhau do có một sự hợp lý nhất định (Hulliung 1983).
 

  1. Vị trí của Machiavelli trong tư tưởng phương Tây

Cái nào là “hiện đại” hoặc “nguyên bản” trong tư tưởng của Machiavelli? Vị trí của Machiavelli trong lịch sử tư tưởng phương Tây là gì? Phần chính yếu của văn bản tranh luận về câu hỏi này, đặc biệt là trong mối tương quan giữa Quân vươngCác đàm luận, quả thực đã mở rộng đến mức ngạc nhiên. John Pocock (1975), là một ví dụ, đi theo sự quyền bá tư tưởng cộng hòa của Machiavelli khắp mọi nơi cái gọi là thế giới Đại Tây Dương và đặc biệt, ảnh hưởng đến tư tưởng định hình của những người phác thảo lên Hiến pháp Hoa Kỳ. Paul Rahe (2008) đưa ra lý lẽ phản biện lại một nhóm ảnh hưởng tương tự, nhưng với một vấn đề có tính trí tuệ và ý nghĩa khác hơn Pocock. Đối với Pocock, chủ nghĩa cộng hòa của Machiavelli là sự đa dạng của chủ nghĩa nhân văn thuộc về người dân – cái có nguồn gốc từ xưa; còn đối với Rahe, chủ nghĩa cộng hòa của Machiavelli nói chung mới lạ và hiện đại. Tương tự thế, các trường hợp tranh cãi về đạo đức chính trị của Machiavelli, quan niệm của ông về nhà nước, góc nhìn tôn giáo của ông và nhiều nét khác trong tác phẩm ông viết như là đặc điểm phân biệt cơ bản đối với căn nguyên cho đóng góp của ông.
Tuy nhiên, có rất ít kết luận chắc chắn xuất hiện trong lĩnh vực học thuật. Lý giải hợp lý cho sự bất lực trong việc phân giải những vấn đề về “tính hiện đại” và “tính truyền thống” là Machiavelli đã kẹt giữa “sự đổi mới” và “truyền thống”, giữa via antiqua và via moderna (công nhận cách dùng của Janet Coleman 1995), [theo một cách tạo ra các mâu thuẫn ý niệm nội tại ngay trong tư tưởng của ông một cách tổng quát và thậm chí ngay trong từng văn bản]. Tình trạng mơ hồ về lịch sử này cho phép các học giả đưa ra những trường hợp có tính thuyết phục như nhau cho các tuyên bố về quan điểm cơ bản của Machiavelli mà không gây ra xung đột quá lớn với học thuyết của ông. Điều này khác với lời cáo buộc mà các học giả đưa ra rằng Machiavelli “mâu thuẫn” về bản chất (xem Skinner 1978). Đúng hơn là những đặc điểm đáng chú ý của cách tiếp cận chính trị kiểu Machiavelli rõ ràng nên được xem là sự không tương thích giữa bối cảnh lịch sử với khả năng về mặt trí tuệ. Cái làm cho Machiavelli thành một nhà tư tưởng phiền muộn nhưng đầy hào hứng là, trong nỗ lực rút ra những kết luận khác biệt với những kỳ vọng thường thấy ở khán giả của mình, ông vẫn kết hợp những nhân tố quan trọng của các quy tắc mà mình đang thách thức một cách chính xác. Cho dù ông quả quyết về tính độc đáo của mình (ví dụ, Machiavelli 1965, tr10, tr57-58), thì ông vẫn cẩn thận để tâm đến những điều đã có từ trước, có nghĩa là ông không bao giờ có thể vượt khỏi những giới hạn nghiên cứu của bản thân. Do đó, Machiavelli không thực sự được xếp vào thuần “cổ đại” cũng như “hiện đại,” mà thay vào đó ông phù hợp với vị trí ở giữa.
 
Tác giả: Cary Nederman
Dịch giả: Lê Duy Nam và Lê Thuỵ Ái
Nguồn: https://plato.stanford.edu/entries/machiavelli/
 

Tham khảo

Sách dịch từ văn bản gốc của Machiavelli

  • Atkinson, J.B. and D. Sices (eds.), 1996, Machiavelli and His Friends: Their Personal Coorespondence, DeKalb: Northeastern Illinois University Press.
  • Machiavelli, N., 1965, The Chief Works and Others, A. Gilbert (trans.), 3 vols., Durham: Duke University Press.
  • Machiavelli, N., 1988, The Prince, Q. Skinner and R. Price (eds.), Cambridge: Cambridge University Press.

Sách nghiên cứu các tác phẩm gốc

  • Anglo, S., 2005, Machiavelli: The First Century, Oxford: Oxford University Press.
  • Benner, E., 2013, Machiavelli’s Prince: A New Reading, Oxford: Oxford University Press.
  • –––, 2009, Machiavelli’s Ethics, Princeton: Princeton University Press.
  • Cassirer, E., 1946, The Myth of the State, New Haven: Yale University Press.
  • Capponi, N., 2010, An Unlikely Prince: The Life and Times of Machiavelli, Cambridge, MA: Da Capo Press.
  • Coleman, J., 1995, “Machiavelli’s Via Moderna: Medieval and Renaissance Attitudes to History,”Niccolò Machiavelli’s The Prince: New Interdisciplinary Essays, Manchester: Manchester University Press.
  • Croce, B., 1925, Elementi di politica, Bari: Laterza & Figli.
  • Deitz, M., 1986, “Trapping the Prince: Machiavelli and the Politics of Deception,” American Political Science Review, 80: 777–799.
  • Femia, J.V., 2004, Machiavelli Revisited, Cardiff: University of Wales Press.
  • Fischer, M., 2000, Well-Ordered License: On the Unity of Machiavelli’s Thought, Lanham, MD: Lexington Books.
  • Grazia, S. de, 1989, Machiavelli in Hell, Princeton: Princeton University Press.
  • Hornqvist, M., 2004, Machiavelli and Empire, Cambridge: Cambridge University Press.
  • Hulliung, M., 1983, Citizen Machiavelli, Princeton: Princeton University Press.
  • Mansfield, H.C., 1996, Machiavelli’s Virtue, Chicago: University of Chicago Press.
  • Mattingly, G., 1958, “Machiavelli’s Prince: Political Science or Political Satire?”, The American Scholar, 28: 482–491.
  • McCormick, J., 2011, Machiavellian DemocracyChicago: University of Chicago Press.
  • Meinecke, F., 1957, The Doctrine of Raison d’Etat and Its Place in Modern History, D. Scott (trans.), New Haven: Yale University Press.
  • Najemy, J.M. (ed.), 2010, The Cambridge Companion to Machiavelli, Cambridge: Cambridge University Press.
  • Nederman, C.J., 2009, Machiavelli, Oxford: Oneworld.
  • Parel, A., 1992, The Machiavellian Cosmos, New Haven: Yale University Press.
  • Patapan, H., 2006, Machiavelli in Love: The Modern Politics of Love and Fear, Landham, MD: Lexington Books.
  • Pitkin, H.F., 1984, Fortune is a Woman: Gender and Politics in the Thought of Niccolò Machiavelli, Berkeley: University of California Press.
  • Pocock, J., 1975, The Machiavellian Moment: Florentine Political Thought and the Atlantic Republican Tradition, Princeton: Princeton University Press.
  • Rahe, P.A., 2008, Against Throne and Altar: Machiavelli and Political Theory under the English Republic, Cambridge: Cambridge University Press.
  • Skinner, Q., 2002, Visions of Politics, Volume II: Renaissance Virtues, Cambridge: Cambridge University Press.
  • –––, 1978, The Foundations of Modern Political Thought, (Volume I: The Renaissance), Cambridge: Cambridge University Press.
  • Sorensen, K.A., 2006, Discourses on Strauss: Revelation and Reason in Leo Strauss and His Critical Study of Machiavelli, Notre Dame, IN: University of Notre Dame Press.
  • Strauss, L., 1958, Thoughts on Machiavelli, Glencoe, IL: The Free Press.
  • Vatter, M.E., 2014, Between Form and Event: Machiavelli’s Theory of Political Freedom, 2nd ed. New York: Fordham University Press
  • –––, 2013, Machiavelli’s The Prince, London: Bloomsbury.
  • Viroli, M., 2014, Redeeming the Prince: The Meaning of Machiavelli’s Masterpiece, Princeton: Princeton University Press.
  • –––, 2010, Machiavelli’s God, Princeton: Princeton University Press.
  • –––, 1998, Machiavelli, Oxford: Oxford University Press.
  • Vivanti, C., 2013 Niccolòo Machiavelli: An Intellectual Biography, Princeton: Princeton University Press.
  • Von Vacano, D.A., 2007, The Art of Power: Machiavelli, Nietzsche, and the Making of Aesthetic Political Theory, Lanham, MD: Lexington Books.

Copyright © 2014 by
Cary Nederman <nederman@polisci.tamu.edu>

 
 

TÂM LÝ CHÍNH TRỊ – Chủ đề nghiên cứu quan trọng của thời đại mới

Mặc dù “tâm lý chính trị” không phải là một thuật ngữ mới mẻ gì, tuy nhiên vẫn không có ít bạn đọc vẫn chưa có một hiểu biết đủ chính xác về lĩnh vực này. Nhiều độc giả dễ dàng hiểu “tâm lý chính trị” là những chiêu trò tâm lý được một người hoặc một phe cánh sử dụng nhằm đạt được thêm quyền lực chính trị. Nếu hiểu “tâm lý chính trị” theo nghĩa này thì các bạn đang bị nhầm lẫn
le-nam

Lê Nam

06/11/2017

Sách hay viết về đời sống tinh thần của các triết gia phương Tây

Đời sống tinh thần ngày càng trở thành mối quan tâm của chúng ta bởi vì chúng ta đã dần nhận thức được sức tàn phá của chủ nghĩa vật chất khởi phát nhờ nền công nghiệp phương Tây. Ý thức về đời sống tinh thần của các triết gia phương Tây có thể xem như một nỗ lực lấy lại quyền kiểm soát với đời sống vật chất. Ý tưởng này đã được phát biểu rất rành mạch bởi nhà văn C.S Lewis của Anh: "Tôi

Dẫn nhập ngắn gọn về pháp quyền (3): Những thành tố cơ bản trong việc thiết lập nền tảng pháp quyền và hạn chế

Đọc toàn bộ chùm bài tại đây: Dẫn nhập ngắn gọn về pháp quyền Lê Duy Nam chuyển ngữ Brian Z.Tamanaha, St. John’s University – School of Law Chia sẻ định hướng rộng rãi trong xã hội – giữa các công dân với quan chức nhà nước – rằng Luật pháp thực sự thống trị và nên thống trị. Để pháp quyền được tồn tại, mọi người cần tin tưởng vào nó và tuân thủ nó. Họ cần xem đó như là một bộ phận tồn tại
le-nam

Lê Nam

23/04/2017

“Câu chuyện vô hình” – Sự trỗi dậy của Con Người cá nhân

Hamvas Béla (1897-1968) là nhà văn, nhà triết học tâm linh lớn nhất của Hungary thế kỷ 20. Hamvas Béla cùng Kerény Káoroly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần tiếp nối truyền thống Hy Lạp cổ và thu hút được nhiều tên tuổi lớn của Hungary lúc bấy giờ. Nhưng sau ấn phẩm gồm ba tập (1935-1936), nhóm Đảo tan rã. Trong thế chiến thứ II, ông hoàn thành tập tiểu luận "Câu chuyện vô hình" (1943) khi còn đang ở ngoài
Xem

MICHELANGELO – NGƯỜI KHỔNG LỒ CỦA THỜI ĐẠI PHỤC HƯNG

Tài năng phi phàm, niềm đam mê vô tận và cả sự cống hiến không mệt mỏi vì nghệ thuật là tất cả những gì người đời tự hào khi nhắc đến “Người khổng lồ “ Michelangelo. Cùng với Leonardo da Vinci và Raphael, Michelangelo được xem là một trong những nhân vật vỹ đại nhất thời kỳ Phục Hưng với sự uyên bác và xuất sắc trong các lĩnh vực từ hội họa, điêu khắc cho đến kiến trúc và thơ ca.  Chân dung