Home Đọc “SUY TƯỞNG” CỦA MARCUS AURELIUS ANTONNIUS – NHỮNG CHIÊM NGHIỆM CỦA MỘT ÔNG VUA TRIẾT GIA

“SUY TƯỞNG” CỦA MARCUS AURELIUS ANTONNIUS – NHỮNG CHIÊM NGHIỆM CỦA MỘT ÔNG VUA TRIẾT GIA

“Philosophy” – Triết học, là một lĩnh vực có địa hạt rất rộng, và bao trùm nhiều lĩnh vực khác. Bởi thế, người ta thường dành một sự tôn sùng lớn cho triết học với niềm tin rằng triết học là chìa khoá để đưa con người tới trí tuệ. Thế là, người ta chấp nhận bước vào một thế giới ngập đầy các khái niệm, các suy luận loằng ngoằng với hi vọng rằng thông qua đọc hiểu các sách triết, bản thân có thể trở thành một nhà thông thái sâu sắc. Đây là cách mà đại bộ phận nền triết học vận hành, và đó là cản trở lớn tới việc tiếp cận các triết học cổ đại dù ở phương đông hay phương tây. Với nhiều tác phẩm triết học cổ đại của Hy Lạp hay La Mã, khi mà hệ thống khái niệm triết học chưa phức tạp như ngày nay, thì các cách triết gia luận giải về vũ trụ và nhân sinh đều khá rõ ràng và cụ thể, với một giọng văn giản dị và rành mạch. Bởi thế, tiếp cận triết học cổ đại Hy-La luôn là một trải nghiệm cổ quái với những người vốn chỉ quen tư duy bằng khái niệm, và là một trải nghiệm thú vị với những ai tìm đến các trước tác ấy bằng tình yêu tri thức (philosophy theo quan niệm của Thales và Pythagoras có nghĩa là “tình yêu tri thức”). Viết dài dòng như vậy là bởi tôi muốn lý giải cho cách tôi đọc cuốn “Meditations” của Marcus Aurelius Antonnius, tên tiếng Việt là “Suy tưởng” do Tiết Hùng Thái dịch. Tôi không muốn đọc cuốn sách qua lăng kính của các khái niệm triết học cứng nhắc trong khi từng dòng từng chữ của “Suy tưởng” được viết bằng những chiêm nghiệm hết sức cá nhân của tác giả và tác giả cũng không viết tác phẩm này để đứng vào hàng ngũ của các nhà triết học theo cách mà chúng ta hiểu hiện nay.

Trước khi đi sâu vào tác phẩm “Suy tưởng”, tôi cần phải làm rõ một điều, đó là câu nói của Plato tương truyền được Marcus Aurelius Antonnius yêu thích và được trích dẫn trong rất nhiều ấn bản phẩm: “Đất nước chỉ hạnh phúc khi nào người cầm quyền trở thành triết gia và triết gia trở thành người cầm quyền”. Nên nhớ rằng triết gia xưa kia không giống các nhà triết học hiện nay. Triết gia, theo như Aristotle, là người hiểu biết các quy luật, và triết gia chỉ có thể đạt được điều ấy bằng tình yêu tri thức. Điều đó có nghĩa là một quốc gia chỉ thịnh vượng khi người cầm quyền là người yêu tri thức và nắm được mọi quy luật. Điều này rất khác với việc người cầm quyền chỉ đơn giản là một người biết đến triết học đơn thuần là một bộ môn lý luận. Đó là lý giải cho việc tại sao Marcus Aurelius Antonnius là một ông vua triết gia nhưng không phải là nhà triết học theo lối hiểu hiện nay.

Về tên gọi “Meditations” và bản dịch

“Meditations” là tên cuốn sách khi đã tập hợp và dịch lại sang tiếng Anh hiện đại. Trên thực tế, Marcus Aurelius Antonnius không đặt tên cho cuốn sách. Đây là những ghi chép của ông về trải nghiệm và suy niệm cá nhân trong việc tự cải thiện bản thân. Ông viết cuốn này bằng tiếng Hy Lạp phổ thông (Koine Greek), một thứ ngôn ngữ rất thông dụng từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến Alexandria và La Mã cổ đại. Bản in bằng tiếng Hy Lạp lần đầu được xuất bản bởi Conrad Gessner và anh em nhà Andreas vào năm 1559 và lúc này cuốn sách chưa được gọi tên là “Meditations”. Ngay sau đó là bản dịch tiếng Latin của Wilhelm Xylander, nhưng bản dịch này đã bị thất lạc. Bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn sách được xuất bản năm 1634 bởi Meric Casaubon với tên đầy đủ là “Marcus Aurelies Antoninus the Roman Emperor, his Meditations Concerning Himself”, như thế, có thể coi đây là bản thảo đầu tiên tập sách được gắn với khái niệm “meditation”. Sau bản dịch của Meric Casaubon, các bản dịch sau đều gọi tập hợp 12 cuốn ghi chép của Macus Aurelius Antonnius với từ “meditation”.

Ở thế kỷ 17 này, từ “meditation” trong tiếng Anh và tiếng Latin đều được hiểu là “suy ngẫm” (đúng như tên sách tiếng Việt do Tiết Hùng Thái dịch). Nhưng sâu xa hơn, có lẽ khái niệm “meditatio”(tiếng Latin) có liên quan đến phương thức thực hành trong Sufi hoặc trong Kabbahlah, và thường được hiểu như “thiền định”. Khi đọc bản dịch “Suy tưởng” của Tiết Hùng Thái và đối chiếu với bản dịch tiếng Anh mà dịch giả chọn (bản của Gregory Hays), và một bản dịch tiếng Anh khác của một chuyên gia tiếng Latin là Georgre Long, tôi cho rằng từ “Meditations” ở đây nên được hiểu là các suy ngẫm trong lúc ông thực hành các biện pháp tĩnh tâm chứ không phải đơn giản là các chuỗi lập luận triết học.
Ngay đầu quyển 2, Marcus Aurelius Antonnius đã có các mô tả về cách ông quan sát hơi thở và cơ thể, rất giống với thiền định trong văn hóa Ấn Độ và Á Đông. Điều này được thể hiện chính xác trong bản dịch của Georgre Long trong thế kỷ 19, trong khi ấy bản dịch của Gregory Hays lại không cho ta thấy yếu tố “thiền định” ấy.

Hãy bắt đầu buổi sáng bằng việc nói với bản thân bạn rằng: Tôi sẽ đối mặt với những kẻ lắm điều, vô ơn, kiêu căng, dối trá, ghen tị, cáu kỉnh. Tất cả những điều này xảy ra đối với họ bởi lý do họ thiếu hiểu biết về thiện và ác. Nhưng tôi, một kẻ đã nhận thức được bản chất của cái thiện, tức là cái đẹp, và cái ác tức là cái xấu, và bản chất của kẻ làm điều sai trái, rằng điều đó có họ hàng với tôi, không chỉ chung dòng máu hay hạt giống, mà nó tham gia vào chính cái trí tuệ và một phần thần thánh giống với của tôi, tôi sẽ không thể bị làm tổn thương bởi bất kỳ ai trong số họ, bởi không một ai có thể áp đặt lên tôi cái gì là xấu, và tôi cũng sẽ không bị tức giận với mọi kẻ thân thích, hay ghét bỏ họ, bởi chúng ta được tạo ra để hợp tác, giống như hai bàn chân, hai bàn tay, giống như mi mắt, giống với hàm răng trên và hàm răng dưới. Hành động chống lại người khác là đi ngược lại với bản chất của tự nhiên; và việc bị phật ý và bỏ đi chính là hành động chống lại nhau.

Dù tôi có là gì đi nữa, nó cũng là thịt và hơi thở, và phần cai trị. Quăng sách của bạn đi; không làm phân tâm bản thân nữa: điều đó không được phép; nhưng cứ như thể bạn đang chết, không mang tới phần thịt; nó là máu và xương và một mạng lưới, một mạng lưới dây thần kinh, tĩnh mạch và động mạch. Đến lượt hơi thở, không hiểu nó là thứ gì, không khí, nhưng không bao giờ giống nhau, mà mỗi thời điểm lại được đẩy ra và hút vào. Đến phần thứ ba là phần cai trị: hãy xem xét điều này: Bạn là một người già; không để nó bị làm nô lệ nữa, không còn bị kéo bởi những sợi dây giống như một con rối đối với những phong trào chống đối xã hội, không còn bị bất mãn với vị trí hiện tại của bạn cũng như lùi bước trước tương lai.

Ngoài ra, trong những chiêm nghiệm của mình, Marcus Aurelius Antonnius nhắc rất nhiều đến “tính thần thánh” và cho rằng tính thần thánh thuộc về Thượng Đế. Ông viết: “Vứt bỏ lòng khao khát sách của bạn đi, bạn sẽ không phải chết trong cay đắng, mà trong niềm vui và sự thật, lòng biết ơn Thượng Đế từ đáy trái tim bạn” (bản dịch của Tiết Hùng Thái). Đức tin của ông cho thấy rằng ông rất ý thức về sự hướng thượng và coi trọng tính thần thánh, như một giá trị hoàn hảo của tinh thần. Đó chẳng phải chính là đích đến của truyền thống thiền định trong Hindu giáo, Sufi, và gần gũi với Marcus Aurelius Antonnius hơn có lẽ là giáo phái của Pythagoras.

Nhà xuất bản Tri Thức trong năm 2018 đã xuất bản cuốn “Suy tưởng” (“Meditations”) của Marcus Aurelius Antonnius với bản dịch của Tiết Hùng Thái, được dịch từ bản dịch của Gregory Hays (2002). Đây là một trong những bản dịch khá mới. Một điều đáng tiếc, bản dịch tiếng Anh của Georgre Long không được lựa chọn để dịch sang tiếng Việt, bởi vì Georgre Long là một chuyên gia tiếng Latin rất nổi tiếng của trường đại học Cambridge với nhiều tác phẩm dịch cổ Hy La của Xenophon, Herodotus, Epictetus và nhiều nghiên cứu về La Mã cổ đại. Bản dịch của ông được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học lớn, và được công bố miễn phí bởi thư viện trực tuyến của trường đại học MIT. Trong khi ấy, bản dịch của Gregory Hays được bán phổ biến trên Amazon và được đánh giá cao trên Goodread lại không có vị thế chính thống bằng.

Những nền tảng ảnh hưởng tới tư tưởng của Marcus Aurelius Antonnius

Marcus Aurelius Antonnius được sinh ra trong tầng lớp quý tộc La Mã, ở một dòng họ không nổi bật trong dòng lịch sử Địa Trung Hải cổ đại. Ông được thụ hưởng một nền giáo dục chuẩn dành cho các quý tộc với đầy đủ các bài luyện tập thể lực, các lĩnh vực kiến thức về chính trị, nghệ thuật, văn chương, triết học… và được rèn rũa trong các đức hạnh cao quý.

Ngay từ quyển 1 của “Suy tưởng”, ông đã viết về gia đình, những người thầy của mình và luôn cho rằng đó là một sự may mắn bởi ông được dạy dỗ bởi những con người có phẩm chất cao quý, cho dù họ là quý tộc hay nô lệ. Ông liệt kê 16 người trong cuộc đời ông có ảnh hưởng đến ông, nhưng ông dành số 17 cho “Các vị thần”. Ông tỏ lòng biết ơn các vị thần vì họ đã sắp đặt một định mệnh hoàn hảo cho ông: “Các vị thần đã làm tất cả những gì các ngài có thể làm được – thông qua quyền năng của các ngài, sự giúp đỡ của các ngài, cảm hứng của các ngài để đảm bảo tôi có thể sống thuận theo những đòi hỏi của tự nhiên. Và nếu tôi thất bại, thì không ai khác có lỗi ngoài tôi. Bởi vì tôi đã không chú ý đến những điều các vị nói với tôi, các vị đã dạy tôi, trong thực tế, từng bước.” Sự thức nhận này của ông không chỉ quan trọng với cuộc đời của ông mà quan trọng với mỗi chúng ta. Dường như, mọi sự diễn ra trong cuộc đời, mọi người chúng ta gặp đều sẽ có thể dậy ta điều gì đó tốt đẹp, để đưa đẩy chúng ta đến với điều đúng đắn, và nếu ta làm hỏng thì đó là lỗi của chính ta, không phải lỗi của cuộc đời. Đó là tâm thế của một người bước trên hành trình sự sống, sẵn sàng chấp nhận mọi điều xảy ra và học hỏi từng khoảnh khắc thay vì chống đối và thù ghét.

Nhưng tôi cho rằng một nền tảng lâu đời hơn và có ảnh hưởng sâu sắc đến lối sống, thói quen tư duy và tư tưởng của ông lại chính là truyền thống tri thức lâu đời của các quốc gia Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại. Hai nền văn minh ấy nối tiếp nhau, được xây dựng bởi tinh thần của những nghệ sĩ tài năng nhất, những học giả uyên bác nhất, những nhà tư tưởng cởi mở nhất và được bảo vệ bởi những chiến binh thượng võ nhất. “Tính thần thánh” được Marcus Aurelius Antonnius nhắc đến rất nhiều trong tác phẩm của mình là một khái niệm bao quát các phẩm chất cao quý mà hai nền văn minh này tôn sùng. “Tính thần thanh” ấy không thuộc về vị thần nào cụ thể được tôn vinh, ông không hề nhắc đến tên họ, mà chỉ gọi chung là “các vị thần”, như đại diện cho những gì tốt đẹp nhất. Tất cả thúc đẩy sự hướng thượng của Marcus Aurelius Antonnius, khiến ông luôn tỉnh táo với ý thức tinh thần của mình.

Như đã nói ở trên, Marcus Aurelius Antonnius có một sự gần gũi với hình mẫu “nhà triết học” thời cổ đại. Ông không phải một nhà triết học theo lối kinh viện hiện nay mà là mẫu triết gia hướng tới nhận thức đúng đắn về bản chất của mình và thế giới. Đây là truyền thống được xây dựng bởi các triết gia như Pythagoras, Socrates, Plato, Aristotle… Bởi thế, thay vì bàn luận về vấn đề cai trị với cương vị của một vị vua, những suy ngẫm của ông lại hướng tới “cai trị” bản thân mình, sao cho ông không bị “sao nhãng” khỏi mục đích hướng thượng, hướng tới “tính thần thánh” của ông.

Tư tưởng của Marcus Aurelius Antonnius

Khi viết ra những suy ngẫm của mình, có lẽ Marcus Aurelius Antonnius không coi đó là triết học, mà chỉ là những ghi chép như thể nhật ký của một người đang tu luyện bản thân mình. Ta có thể thấy, các suy ngẫm ấy rất hướng vào bên trong, và có vẻ như rời rạc. Đương nhiên, ta không thể tìm thấy một bố cục mang tính hệ thống và học thuật ở một cuốn nhật ký như vậy. Đó chính là lý do tôi cho rằng không nên đọc cuốn sách bằng con mắt triết học cứng nhắc với các đóng khung trường phái hay khái niệm. Và hơn thế nữa, Marcus Aurelius Antonnius luôn cho rằng triết học là để « không bị rơi vào tay mấy anh bịp và không bị sa lầy trong viết những luận văn, bị hấp dẫn bởi trò hỏa mù logic, hay miệt mài với vật lí học » (quyển 1) và « Đừng nghĩ về triết học như ông thầy của anh, mà như miếng bọt biển và lòng trắng trứng chữa cho anh khỏi chứng viêm mắt, thứ thuốc mỡ êm dịu, thứ thuốc nước ấm áp. Không phải phô trương sự phục tùng của anh đối với logos mà ở yên trong đó. Nên nhớ : triết học chỉ đòi hỏi cái bản chất của anh đã đòi hỏi. Cái mà anh đã đi theo lại là một cái gì khác, một cái phi tự nhiên ».

Trải nghiệm thiền định về tính thần thánh

« Tính thần thánh » là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong những suy ngẫm của ông. Ông quan niệm rằng tính thần thánh thuộc về Thượng đế và mọi việc may rủi là do Thượng đế cai quản, ông ý thức sâu sắc rằng mỗi một người là một bộ phận của thế giới. Nhưng con người đã vứt bỏ những đặc ân mà định mệnh ban cho con người bởi các ảo tưởng ích kỷ và vô minh. Con người bị « xao nhãng » bởi những yếu tố bên ngoài, họ quan tâm và phán xét mọi thứ ở bên ngoài mình, và do đó họ càng rời xa phẩm chất của mình : « Cuộc đời của bạn đã cạn kiệt, thay vì đối xử với bản thân bạn bằng lòng kính trọng, thì bạn lại giao phó hạnh phúc của bạn cho linh hồn của những người khác » (Quyển 2). Chỉ có thể bằng sự học hỏi thì con người mới thoát khỏi sự xao nhãng để hướng tới mục đích cao cả hơn đó là các phẩm chất cao quý của tinh thần.

Chính trong những suy ngẫm của mình, ông cũng khẳng định rằng điều quan trọng nhất một người phải quan tâm đó là tập trung vào cải thiện bản thân mình, thay vì « điều tra thăm dò sâu vào linh hồn của những người xung quanh » vì như thế dễ bị « vấy bẩn bởi những nhiễu loạn và trở nên vô mục đích và bất mãn với tự nhiên thần thánh » (Quyển 2). Chỉ hướng vào linh hồn của mình, ta mới thấy được sự thật, mới thực sự là mình : « Linh hồn là quả cầu đang cân bằng : không túm giữ những gì ở ngoài nó. Không vỡ tung ra bên ngoài, không lún sâu vào trong nó, mà sáng rực lên bằng ánh sáng và nhìn vào sự thật, bên trong và bên ngoài » (Quyển 11).

Ông ý thức được sâu sắc rằng thời gian là những vòng lặp nên sống lâu hay ngắn ngủi cũng đều hữu hạn như nhau, mọi sự tồn tại đều tiến về phái cái chết, thế nên chỉ nhận thức bằng lý trí là sự cứu rỗi, và nhờ thế sự yên bình trong tâm trí mới có thể tồn tại :

« Đời sống con người
Độ dài : chốc lát. Bản chất : thay đổi. Nhận thức : Mờ tối. Tình trạng cơ thể : suy tàn. Linh hồn : quay đảo. Số phận : khôn lường. Sự kéo dài của tiếng tăm : không chắc chắn. Tóm lại : Thân thể và các bộ phận của nó là một dòng sông, linh hồn là một giấc mơ và màn sương, cuộc đời là chiến trận và xa nhà, danh tiếng kéo dài sự lãng quên.
Vậy lấy gì để dẫn dắt chúng ta ?
Chỉ có triết học.
Điều đó có nghĩa là chắc chắn rằng sức mạnh nằm trong việc giữ cho yên bình và tránh bị tấn công, vượt lên trên vui sướng và đau khổ, không làm điều gì tùy tiện hay bất lương, lừa đảo ; không phụ thuộc vào chỗ người khác làm gì hay không làm gì. Và chắc chắn rằng nó chấp nhận những gì đang diễn ra, và những gì được xử lý là cùng đến từ nơi nó đến. Nếu nó không làm tổn thương đến những phần tử cá nhân để liên tục chuyển hóa lẫn nhau, thì tại sao con người lại sợ thay đổi và chia rẽ ? Đó là việc tự nhiên. Không có cái gì tự nhiên là xấu cả » (Quyển 3).

Tự nhiên là hoàn hảo nhất

Ta có thể nhìn thấy sự tương đồng trong tư tưởng của Marcus Aurelius Antonnius với các nhà hiền triết Á Đông của học phái Đạo gia khi ông bàn về tự nhiên. Marcus Aurelius cho rằng tự nhiên là hoàn hảo nhất và tối cao nhất, có đầy đủ các tính thần thánh nhất, tự nhiên như là biểu hiện của Thượng đế vậy. Nhưng tự nhiên ở đây không đơn giản là thiên nhiên, tự nhiên bao hàm rộng hơn thế, tự nhiên mà ông muốn nhắc đến chính là bản chất của sự sống. Bởi vậy, ông đề cao lối sống thuận theo các quy luật tự nhiên và chỉ có sự nhận thức đúng đắn, không sao nhãng bởi những mối bận tâm đời sống thường nhật thì mới khiến một người đúng là mình. Thuận theo các quy luật tự nhiên, với ông, chính là lối sống triết học.

Linh hồn của con người là thứ tự nhiên dù cơ thể con người được tạo bởi vật chất. Linh hồn của con người luôn dẫn dắt hành động thuận theo lẽ tự nhiên, còn vật chất chỉ là thứ bên ngoài : « Mọi vật không có gì dính bám vào linh hồn. Chúng không có lối thâm nhập vào nó, không thể làm di chuyển hay điều khiển nó. Linh hồn chỉ có thể tự di chuyển và tự điều khiển nó mà thôi. Nó đưa mọi sự đến trước nó, và hiểu chúng khi nó thấy thích hợp. » (quyển 5).

Chỉ làm điều đúng đắn nhất

Có lẽ đây là quan niệm chủ đạo nhất trong các suy ngẫm của Marcus Aurelius Antonnius. Ngay cả việc hành động thuận theo lẽ tự nhiên hay sự hướng nội của ông đều để dẫn đến điều đúng đắn. Điều đúng đắn ở đây bao gồm tất cả các phẩm chất cao quý như sự công bằng, nhân ái, hào hiệp, bao dung…, và con người chỉ đạt được điều ấy bằng sự tự nhận thức. Đời người vốn hữu hạn và tiến về cái chết, trong khi thời gian luôn trôi trong vòng lặp, thế nên dù sống lâu hay ngắn ngủi thì cũng như nhau, và chỉ sự hiểu biết mới đưa con người thoát khỏi vòng quay của sướng khổ, mọi cám dỗ.

Và dù đời thường có cản bước ông hướng tới điều đúng đắn thì ông vẫn không để những điều đó can nhiễu đến mình : « Khi anh tiến lên trong logos, người ta sẽ đứng chặn đường anh. Họ không thể cản anh làm việc gì tốt lành, nhưng cũng đừng để họ ngăn không cho anh tỏ ra bao dung với họ. Hãy chú ý cả hai phương diện này. Không chỉ những xét đoán sáng suốt, những hành động kiên quyết – mà cả khoan dung nữa, với những ai cố cản bước chúng ta hoặc gây rắc rối cho chúng ta bằng những cách khác. Bởi vì cả tức giận nữa, cũng là yếu đuối, như phá vỡ hay từ bỏ cuộc đấu tranh. Cả hai người bỏ chạy, lẫn người tự mình rời xa bạn, đều là những kẻ đào ngũ » (quyển 11). Qủa thật, mọi phán xét và mọi phản ứng cảm xúc của ta đối với những sự việc và con người bên ngoài đều lôi ra ra khỏi các đức hạnh gần với tính thần thánh, hạ thấp ta thành bần tiện và nhỏ mọn. Sự đấu tranh thực sự không phải là đấu tranh với những thứ bên ngoài mà là đấu tranh ở bên trong để bảo toàn bản thân khỏi mọi tạp nhiễm từ bên ngoài, bảo vệ sự đúng đắn tự thân khỏi mọi cám dỗ.

Sự đúng đắn còn được Marcus Aurelius Antonnius đề cao hơn cả quyền lợi của nhân dân, điều này rất trái với các quan điểm minh quân truyền thống đó là một minh quân phải thuận theo ý dân. Marcus Aurelius khẳng định : « Một nghĩa nào đó, nhân dân là mối bận tâm chính của chúng ta. Công việc của ta là mang lại hạnh phúc cho họ, và khoan dung đối với họ. Nhưng khi họ cản trở ta làm những nhiệm vụ thích đáng, thì họ không còn thích hợp đối với chúng ta, như mặt trời, gió, động vật. Hành động của chúng ta có thể bị họ làm cho trì hoãn, nhưng những ý định và sắp đặt của chúng ta thì không thể trì hoãn. Bởi vì chúng ta có thể dung nạp và thích nghi. Trí tuệ của chúng ta có thể thu vào mục đích của nó những trở ngại đối với hành động của chúng ta. Trở ngại đối với hành động thấy đẩy hành động nhanh lên. Những gì đứng trên đường trở thành con đường ». Sự tôn vinh điều đúng đắn, điều vĩ đại trong bản thân mình là bí quyết cai trị của ông. Ông tin rằng không phải ông đang cai quản mà là điều đúng đắn vĩ đại ấy đang cai quản.

Lý trí là cách thức dẫn con người đến với điều đúng đắn. Lý trí giúp ông « không nói lời thừa, không làm những hành động không cần thiết » (quyển 3). Ông đưa ra một mô hình về nhận thức thế giới đó là : đi từ đại cương để hiểu bản chất, rồi gọi đúng nên của sự vật sự việc ; sử dụng logic để tìm xem nó thuộc loại gì, trong thế giới nào và giá trị của nó trong thế giới ấy hay với con người ; xem xét cách nó được tạo ra, tạo ra trong bao lâu và ta nhận được điều gì từ đó ; rồi từ đó xâu chỗi các phần kiến thức ấy thành một mạch suy ngẫm. Với Marcus, việc chiêm nghiêm nghiệm như vậy còn có ích hơn so với việc đọc sách, bởi chỉ bằng sự suy nghĩ sâu sắc, con người mới được dẫn hướng tới hành động đúng và kết quả tốt.

Nhưng điều đúng đắn không phải ràng buộc duy nhất, điều đúng đắn chỉ là điều nên làm. Với ông, nếu một người tìm được điều gì đó vượt trên lẽ đúng và bao trùm cả lẽ đúng thì đó là một điều tuyệt vời và đáng để tận hưởng. Nhưng, nếu không thể tìm thấy sự siêu tuyệt ấy, thì lẽ đúng là điều tốt nhất mà một người nên làm để không gây hại đến người khác, đạt được sự thanh bình và tính thần thánh. Như vậy, sự yêu thích tri thức (triết học) là để ông có thể đưa ra các quyết định đúng đắn mà một quân vương cần thiết, mà cũng là một con người cần thiết.

Kết luận

Marcus Aurelius Antonnius luôn được các học giả thời cổ và trung đại kính trọng, và cho đến nay tác phẩm của ông vẫn được quan tâm đặc biệt. « Meditations » vẫn được bán với số lượng lớn trên Amazon và trên Goodread vẫn được đại đa số các độc giả trẻ yêu thích và tâm đắc. Tại sao ? Không phải bởi vì tác phẩm mang tính hiện đại. Thậm chí, cuốn sách được viết với tư duy cổ đại (đức tin vào các vị thần, cho rằng nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên, sự coi trọng các đức hạnh…) và bằng một lối văn nghiêm cẩn quý tộc không dễ tiếp cận. Cuốn sách đầy tính thuyết phục với các độc giả hiện đại bởi vì từng câu từng chữ đều đi vào bản chất của cuộc sống, đi vào cốt lõi trong tâm tư của con người và chạm đến linh hồn người đọc. Do đó, cuốn sách vượt qua thời đại của mình và gần gũi với không chỉ độc giả hiện đại mà còn nhiều thế hệ độc giả sau này nữa. Đúng như một nhà thơ khuyết danh Byzantine đã soạn mấy câu thơ cảm nghĩ về văn bản :

“Nếu bạn muốn chế ngự nỗi đau
Hãy mở cuốn sách này ra và đọc cho chăm chú
Và sẽ tháy trong đó những kiến thức về mọi sự vật,
đang có, đã có, sẽ có
Rồi bạn cũng sẽ biết rằng niêm vui hay nỗi buồn chẳng có gì khác hơn một làn sương khói ».

(Tiết Hùng Thái dịch, đăng trong lời giới thiệu cuốn « Suy tưởng », NXB Tri Thức ấn hành năm 2018)

Hà Thủy Nguyên

Phân tâm học và tình yêu – Những lý luận về tình yêu và tính dục

Lần đầu tôi được biết đến Phân tâm học là nhờ vào bộ sách 4 cuốn Phân tâm học và tình yêu, Phân tâm học và tính cách dân tộc, Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Phân tâm học và văn học nghệ thuật do GS Đỗ Lai Thúy tổ chức dịch và chủ biên cách đây hơn 10 năm. Bộ sách đồ sộ tập hợp những tiểu luận xuất sắc nhất của các nhà phân tâm học trên thế giới của Tây

“Câu chuyện vô hình” – Sự trỗi dậy của Con Người cá nhân

Hamvas Béla (1897-1968) là nhà văn, nhà triết học tâm linh lớn nhất của Hungary thế kỷ 20. Hamvas Béla cùng Kerény Káoroly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần tiếp nối truyền thống Hy Lạp cổ và thu hút được nhiều tên tuổi lớn của Hungary lúc bấy giờ. Nhưng sau ấn phẩm gồm ba tập (1935-1936), nhóm Đảo tan rã. Trong thế chiến thứ II, ông hoàn thành tập tiểu luận "Câu chuyện vô hình" (1943) khi còn đang ở ngoài

“Chính trị luận” của Aristotle và sự phê phán các mô hình xã hội

I – Góc nhìn chính trị của Aristotle “Chính trị luận” của Aristotle là một tác phẩm kinh điển mang tính chất đột phá trong lịch sử triết học và chính trị học không phải ở mức độ liệt kê quy mô mà ở tầm nhìn. Trước Aristotle, chính trị chỉ đơn thuần được xem như mối quan hệ giữa người cai trị và người bị trị trong một quốc gia. Thậm chí với Plato, người thầy của Aristotle, chính trị vẫn là một thứ

Những băn khoăn về Khai Sáng

Book Hunter: Tư tưởng Khai Sáng là tư tưởng nền tảng của thế giới hiện đại, có ảnh hưởng tới cả tư tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản và các giá trị dân chủ ngày nay. Thế nhưng tiến trình phát triển và giá trị cốt lõi của kỷ nguyên Khai Sáng giờ đây vẫn còn khá mập mờ và nhiều tranh cãi. Bài viết này thuật lại ngắn gọn một số tranh luận về vai trò của Khai Sáng trong lịch sử. ---------- Cũng

“Ánh sáng trong bóng tối” của S.L.Frank – Tập tiểu luận về đạo đức Kito giáo trong một xã hội vô thần

Năm 1922, “Con tàu triết học” đã chở hơn 160 trí thức và gia đình họ bị trục xuất khỏi Liên Xô, đi từ Petrograd (tức Saint Peterburg) đến cảng biển Stettin (nay thuộc Ba Lan). Đây là những nhà triết học không đồng tình với tư tưởng của nhà nước Liên Xô, ví dụ như Sergei Bulgakov, Nikolai Berdyaev… và Semen Lyudvigovich Frank. Cũng giống như nhiều nhà triết học trên con tàu ấy, S.L. Frank mang nặng những tâm tư thời đại, và